Ông chếnh choáng quay lại, tim đập thình thịch, và mỉm cười với Charlotte. Nhưng may mắn thay bà đã quay trở vào tự lúc nào. Bà đã không thấy được cảnh tượng vừa rồi của ông. Thật phí hoài. Vì nếu bà đã thấy, bà sẽ thuyết phục ông qua đêm lại đây, đồng nghĩa với việc sau khi tỉnh giấc, họ sẽ cùng nhau ăn sáng muộn, rồi ăn trưa, rồi nhiều nữa những ly rượu trên tay. Việc này đã từng xảy ra trước đây. Nhưng lần này ông đã thoát. Giờ thì ông quay người, rón rén như một kẻ trộm và đóng cửa lại. Ông ngồi xuống bậc thang trên cùng, thở sâu và nghiêm khắc nói với chính mình. Mày đã say rồi. Ôi lão già ngớ ngẩn, làm sao mày dám để cho bản thân say đến mức này. Giờ thì nghe đây, chúng ta sẽ bước xuống những bậc thang dưới kia một cách chậm rãi, và khi tới nơi, mày sẽ về thẳng nhà, đi lên lầu và leo vào giường đi ngủ, không thèm đánh răng nữa. Được chưa? Giờ thì đi nào. Khi đã đặt chân lên cây cầu trên nhánh sông gần nhà, George bất chợt quay đầu lại, cười khẩy với chính mình. Với chuyển động của một đứa trẻ vừa ngoe nguẩy ra khỏi tay người lớn - bộ não già nua cảnh giác - ông chạy xuống dưới con đường nhằm về hướng đại dương, cười khanh khách. Vừa phi nước kiệu ra khỏi đường Hẻm cây Nhãn tới Las Ondas, ông thấy ngay những ánh đèn tròn viền xanh của tấm biển Phía Mạn Tàu, tít dưới góc của cao lộ đại dương dọc bãi biển đang nhấp nháy chào đón ông. Quán Phía Mạn Tàu đã có mặt ở đây từ những ngày đầu khi những người định cư mới đặt chân đến đây. Quầy bar của quán ban đầu là quầy phục vụ đồ ăn trưa, nơi bạn có thể lấy những cốc bia đầu tiên sau khi luật cấm nấu và bán rượu (1920 - 1933) được dỡ bỏ. Tấm gương phía sau nó thi thoảng được vinh dự phản chiếu bóng hình của Tom Mix. Thời huy hoàng của nó là những năm sau đó. Nhất là mùa hè năm 1945, khi chiến tranh kết thúc. Hồi đó, tấm rèm che không có ý nghĩa gì hơn là để khỏi ai thấy những cuộc cưỡng hiếp tập thể đang diễn ra ở đây. Tấm biển trên quầy bar ghi: “Trong trường hợp bị thả bom, chúng tôi sẽ đóng cửa ngay lập tức”. Vốn dĩ nhằm ý tỏ ra hài hước. Ấy vậy mà, bên kia bờ vịnh, sâu thẳm dưới đáy nước của những tảng đá ở Palos Verdes, là xác của chiếc tàu ngầm với hàng đống xác những người Nhật Bản sau khi họ đã đánh chìm hai hay ba chiếc tàu chiến trên bờ biển California. Chỉ cần đẩy tấm rèm che, bạn sẽ đụng ngay một đám đông bâu kín lấy quầy bar, bạn phải chen chúc và gạt họ ra để có thể lấy được đồ uống, không đủ không khí để thở hay nhìn, vì khói thuốc nghi ngút. Ở đó, giữa đám đông và sự huyên náo, bạn và người được bạn chọn hét vào mặt nhau những lời khởi đầu cho cuộc mây mưa thân xác. Bạn có thể tán tỉnh, nhưng bạn không thể đánh lộn; không có đủ chỗ để đánh ai ngã gục. Mặc dù các tàn dư còn sót lại của những ngọn lửa truy hoan trên bãi biển đã lụi tàn và chôn sâu xuống lòng cát. Eo biển này vẫn tràn đầy toàn rác là rác. Những nhóm học sinh vẫn viết đầy các từ ngữ khiếm nhã thô tục lên bờ chắn. Vỏ sò, vỏ ốc còn khó tìm hơn cả cao su bị vứt bỏ. Thời huy hoàng của quán Phía Mạn Tàu cũng đã qua. Chỉ còn lại những người khách trung thành như George, những người vẫn có thể lượm nhặt được chút ánh sáng le lói còn lại của nó. Nơi này đã trở nên trơ trụi, chỉ còn lại một vài kỷ vật của chiến tranh trên biển còn sót lại bám đầy bụi và những tấm ảnh chụp các nhóm ăn nhậu đã úa vàng. Ngay sau khi nghỉ tết, họ sẽ cho trang trí lại nơi này để sẵn sàng cho đám đông những kẻ xa lạ của mùa hè tới. Họ đã đặt thêm một cái máy hát tự động, chiếc ti vi mới treo cao trên tường, để bạn có thể quay nửa người lại, khoanh tay lên mặt quầy bar mà xem nó. Đó là việc mà hầu hết các thực khách ở đây đang làm khi George bước vào. Ông bước tới góc bàn ưa thích của mình, nơi mà chiếc ti vi sẽ là vô hình. Bàn bên cạnh là hai kẻ lập dị, một cặp bô lão còn sót lại trong số những người khai hoang, đang thể hiện tình yêu cho nhau: một cuộc cãi vã trong men rượu khiến cho nó có vẻ như không tưởng để họ có thể chơi trò chơi tình ái như những người trẻ tuổi. Hai kẻ già nua, hai kẻ ngu ngốc, hai kẻ khốn kiếp, hai kẻ đáng khinh: giận dữ mà không cần oán hờn, hành hạ mà không cần chua cay. Đây sẽ là những gì các người có cho đến khi nhắm mắt xuôi tay. Hãy hy vọng rằng họ sẽ không bao giờ phải biệt ly, hãy để cho họ chết cùng một giờ, trong cùng một đêm, trên cùng một giường. George đảo mắt nhìn quanh quầy bar, ông dừng lại một người đang ngồi một mình ở cuối quầy gần cửa ra vào. Cậu thanh niên đang không dán mắt vào màn hình ti vi mà chăm chú viết thứ gì đó lên mặt sau của tấm phong bì. Vừa viết, cậu vừa cười với chính mình và vuốt vuốt sống chiếc mũi to bằng ngón tay trỏ. Đó là Kenny Potter. Ban đầu, George không động đậy, có vẻ như thật khó cho ông để phản ứng trở lại. Rồi ông cũng có thể tách dần đôi môi và nặn ra một nụ cười. Ông nhoài người về phía trước, ngắm Kenny bằng một vẻ vui thú của một nhà động vật học vừa phát hiện ra chú chim sẻ mỏ ngắn hồng hào đang đậu trên nhánh cây ở công viên đông đúc. Sau một vài phút, ông đứng dậy, rón rén bước đến quầy bar và khẽ ngồi lên chiếc ghế cạnh Kenny. “Xin chào,” ông nói. Kenny quay đầu lại để nhìn xem ai vừa nói, bật ra một tràng cười hào sảng, rồi nhanh tay vo chiếc phong bì lại, ném vào sọt rác trong quầy bar. “Xin chào, giáo sư.” “Tại sao cậu ném nó đi?” “Ồ, chẳng có gì quan trọng.” “Tôi đã làm phiền cậu. Cậu đang viết gì mà.” “Chẳng có gì đâu. Chỉ là một bài thơ.” “Và giờ thì cả thế giới sẽ không được biết đến nó.” “Em nhớ nó rồi. Em chỉ thích cảm giác viết nó lại.” “Cậu đọc cho tôi nghe chứ?” Kenny cười ầm lên. “Thơ tạp nham ấy mà. Nó…” cậu rúc rích cười ngượng ngập, “đó là một bài haiku.” “Tại sao haiku lại là tạp nham?” “Em phải để ý đến số lượng từ trong mỗi câu.” Nhưng tất nhiên là Kenny không đếm chúng vào lúc này. Nên George nói, “Tôi đã không ngờ sẽ được thấy cậu ở chốn rừng sâu biển vắng này. Chẳng phải cậu sống phía bên kia thành phố sao? Gần khu giảng đường mới?” “Đúng vậy. Nhưng đôi lúc em muốn được lánh xa khỏi nó.” “Vẫn thật khó tưởng tượng tại sao cậu lại chọn quán bar này.” “Ồ, bởi vì họ nói giáo sư hay thường xuyên đến đây.” “Ý cậu là cậu đến đây để gặp tôi?” George nói có phần hơi hăm hở. Kenny nhún vai với một nụ cười chòng ghẹo. “Em chỉ tò mò muốn biết nơi này nó ra làm sao.” “Giờ thì nó chẳng có gì đặc biệt. Nhưng đã có một thời nó khá náo nhiệt. Tôi đã quen đến đây. Tôi sống cũng khá gần.” “Hẻm cây Nhãn phải không ạ?” “Làm thế nào cậu biết?” “Đó là một bí mật sao ạ?” “Không, dĩ nhiên là không. Thi thoảng tôi cũng có vài sinh viên ghé chơi. Hỏi chuyện học hành.” George ngay lập tức nhận ra mình đang cảnh giác và đồng thời thấy tội lỗi. Kenny có để ý chăng? Cậu ta đang cười toe toét. Nhưng có lúc nào mà cậu ta không cười chứ? George nói yếu ớt, “Cậu có vẻ biết khá nhiều về tôi và sở thích của tôi. Nhiều hơn những gì mà tôi biết về các cậu.” “Em đoán là chẳng có gì nhiều để biết về bọn em.” Kenny đẩy cho ông một cái nhìn trêu chọc đầy bí hiểm. “Giáo sư muốn biết gì về bọn em ạ?” “Ồ, tôi sẽ nghĩ ra được điều gì đó. Cho tôi vài giây. Hừm, giả dụ như, cậu đang uống gì?” “Không gì cả ạ.” Kenny cười. “Cậu bồi bàn chưa kịp chú ý đến em.” Đúng thật là cậu ta đang còn mải mê với trận đấu vật trên ti vi. “Cậu muốn dùng gì?” “Giáo sư đang uống gì ạ?” “Scotch.” “Được ạ,” Kenny nói như thể cậu sẵn sàng uống nó như uống sữa. George hét gọi người bồi bàn để cậu ta khỏi giả vờ như không nghe thấy. Người bồi bàn luôn luôn cằn nhằn khó tính đòi được xem giấy tờ của Kenny. George nói hờn dỗi với cậu ta, “Cậu chắc hẳn phải quen mặt tôi rồi. Cậu có nghĩ tôi ngu ngốc đến mức cố mua rượu cho một người chưa đủ tuổi?” “Chúng tôi phải kiểm tra,” người bồi bàn trả lời cộc lốc rồi quay lưng lại bỏ đi. George cảm thấy một nỗi giận đang chực tuôn trào. Ông bị làm cho giống một tên lố bịch trước mặt Kenny. Trong lúc chờ đồ uống, ông hỏi, “Cậu đến đây bằng gì? Xe ô tô của cậu?” “Em không có xe. Lois đã chở em tới.” “Cô ấy đâu rồi?” “Về nhà rồi, em đoán vậy.” George cảm thấy có gì đó kì lạ, nhưng bất kể nó là chuyện gì, Kenny không có vẻ như lo lắng về nó. Cậu nói bâng quơ, “Em đã muốn đi dạo lòng vòng một chút.” “Cậu sẽ về bằng gì?” “Em sẽ xoay xở được.” Một giọng nói trong đầu George vang lên, ‘Mày có thể mời cậu ta về ngủ qua đêm ở nhà mày. Nói với cậu ta mày sẽ đưa cậu ta về vào sáng hôm sau.’ George hỏi ngược lại nó, ‘Mày nghĩ tao là loại người gì?’ Giọng nói lại bảo, ‘Chỉ là gợi ý vậy thôi.’ Đồ uống cuối cùng cũng tới, George nói với Kenny, “Sao chúng ta không chuyển qua bàn trong góc kia nhỉ? Cái ti vi chết tiệt cứ nhảy loạn xạ trong mắt tôi.” “Được ạ.” George nghĩ sẽ thú vị hơn nếu cậu ta bớt chút thụ động. Nhưng dù sao, ông cũng phải chơi theo luật của chúng hoặc không chơi chút nào cả. Khi họ bắt đầu ngồi xuống, đối diện nhau, George lại nói, “Tôi vẫn còn giữ chiếc gọt bút chì ở đây,” rồi ông lôi nó từ trong túi ra, ném xuống mặt bàn như thể nó là rác. Kenny cười nói, “Em đã đánh mất cái của mình từ lúc nào rồi.” Một giờ đồng hồ đã trôi qua. Họ đều đã say: Kenny chỉ hơi chếnh choáng còn George đã say mèm, nhưng vẫn giữ được tỉnh táo, một việc rất hiếm đối với ông. Ông cố miêu tả cho chính mình cơn say này là gì. Nói đơn giản, nó như Plato vậy, nó là một cuộc đối thoại. Cuộc đối thoại giữa hai người. Nhưng không phải theo kiểu trò chuyện triết học như Plato bóc tách từng sợi tóc, bẻ xoắn từng ngôn từ, ta là đúng nhất; không phải theo kiểu đấu khẩu nhạo báng nhau; không phải rủ rỉ tranh luận u ám, buồn rầu. Trong cuộc hội thoại này, bạn có thể nói bất cứ điều gì bạn muốn và đổi chủ đề bất cứ khi nào bạn thích. Thậm chí, bạn nói gì cũng không quan trọng bằng việc chỉ cần hiện diện trong mối quan hệ song phương tuy hai mà một này. George không thể hình dung có khi nào có được cuộc trò chuyện như thế này với một người phụ nữ, bởi vì phụ nữ chỉ có thể nói chuyện về cá nhân. Nhưng với một người đàn ông lại khác, nếu như có sự khác biệt nhất định nào đó giữa hai người; chẳng hạn như nếu hắn ta là một người da đen. Bạn và người bạn tâm giao phải đối lập nhau. Tại sao ư? Vì bạn phải trở thành một nhân vật tượng trưng, như trong trường hợp này: tuổi trẻ và sự già nua. Tại sao bạn phải trở thành tượng trưng? Vì cuộc trò chuyện hình thành giữa những tự nhiên phi con người. Nó đơn thuần chỉ là giao tiếp ngôn ngữ tượng trưng với nhau. Nó không cần phải dính dáng gì đến cá nhân bên nào cả. Đó là tại sao, trong cuộc trò chuyện, bạn có thể nói về bất cứ điều gì. Kể cả sự tự tin nhất, bí mật kinh hoàng nhất cũng có thể được thốt ra như một lối nói ẩn dụ đơn thuần hay một minh họa mà sẽ chẳng bao giờ bị đem ra làm luận cứ đối đầu với bạn.