Ngược Về Thời Minh
Chương 139
Dương Lăng vừa nghe ba chữ Đường Bá Hổ, toàn thân không khỏi chấn động. Đường Bá Hổ! Nhân vật thanh danh hiển hách này không ngờ lại đang đứng sờ sờ trước mặt y, Dương Lăng vừa ngạc nhiên vừa mừng rỡ. Nghe Ngô Tế Uyên muốn đuổi bọn họ đi, y liền vội kéo lại, vui vẻ bảo:
- Không sao, không sao! Ngô tiên sinh mau mời... mời mấy người bọn họ lên đây. Dương mỗ nghe danh tứ đại tài tử Giang Nam đã lâu, hôm nay được gặp mặt thật là có phước. Nếu đuổi bọn họ đi như vậy, thật sẽ tiếc lắm.
Ngô Tế Uyên không ngờ Dương Lăng cũng đã nghe danh của bốn tài tử Ngô Trung, nghe y tán thưởng như vậy, bản thân là người đồng hương, lão cũng có chút vẻ vang lây, bèn vội cao hứng gọi Liêu quản sự cho mời bốn người Đường Bá Hổ lên.
Bốn vị tài tử này bước vào đình, ra mắt Ngô Tế Uyên trước. Trong bốn người thì Chúc Chi Sơn lớn tuổi nhất, gia cảnh cũng giàu có nhất, qua lại với Ngô phủ rất thân mật, cho nên thoải mái nhất, đi tới chỉ cười hì hì làm lễ một cái, vẫn nâng chén rượu to đùng của y uống không ngừng. Văn Trưng Minh và Từ Trinh Khanh thì tương đối câu nệ hơn.
Dương Lăng quan sát kỹ bốn đại tài tử nổi tiếng gần xa này, nhận thấy Đường Bá Hổ mà y muốn kết giao nhất, khi nãy mặc dù vui quá mà không câu nệ hành vi và thái độ, nhưng sau khi bước vào đình, vừa nghe nói thị nữ đó không phải tỳ nữ của Ngô phủ mà là của vị công tử sang trọng mà ngay cả Ngô Tế Uyên cũng phải cung kính lễ độ, vẻ mặt ông liền lập tức trở nên cẩn trọng. Thần thái đó thật sự không giống với Giang Nam đệ nhất tài tử phong lưu phóng đãng như trong tưởng tượng của y, khiến Dương Lăng vốn mong được gặp "phong thái Đường Giải Nguyên"(1) một lần bèn cảm thấy thất vọng không ít.
Y không biết vị Đường Bá Hổ này trong truyền thuyết dân gian tuy là nhân vật phong lưu phóng đãng, không câu nệ lễ pháp, nhưng thật ra trong số tứ đại tài tử thì Đường Bá Hổ là người có số phận long đong nhất, cuộc sống vô cùng nghèo khổ. Trong lòng ông tuy ngông cuồng cao ngạo, căm ghét thế tục, nhưng do cuộc sống bức bách nên vẫn phải thường xuyên cúi đầu với người ta, nào còn phóng túng gì nổi chứ?
Vị Đường Giải Nguyên mười sáu tuổi đỗ tú tài, vừa vặn cùng độ tuổi mà Dương Lăng đỗ tú tài, nhưng vận mệnh lại kém xa. Mười chín tuổi ông cưới vợ là Từ Thị, trong nhà mở một quán rượu, sinh hoạt cũng thoải mái.
Thế nhưng về sau tai họa lại theo nhau ập đến. Đầu tiên phụ thân y trúng gió qua đời, mẫu thân vì quá đau buồn nên cũng ra đi theo, không lâu sau em gái lại chết ở nhà chồng. Tiếp đó vợ ông sau khi sinh xong thì sốt cao, vì bệnh mà qua đời, con trai ra đời được gần ba ngày thì cũng theo mẹ mà đi.
Liên tục gặp đả kích như thế, dưới sự giúp đỡ của những bạn bè tốt khó khăn lắm Đường Bá Hổ mới gắng gượng vui sống trở lại, cưới vợ mới là Hà Thị, lao tâm đọc sách. Nhưng khi ông vào kinh thi cử lại bị người ta vu cáo tội đút lót chủ khảo, bị đày vào đại lao. Tuy về sau được thả vì không tra được chứng cứ, song ông lại bị buộc cả đời không được làm quan.
Vị đại tài tử đa tài đa nghệ này dường như chịu phải lời nguyền của thần vận mệnh, gặp đả kích liên miên khiến ông cửa nát nhà tan, nghèo túng thất vọng, người vợ cũng chê nghèo mà bỏ đi, người em thì lại chạy ra ở riêng chỗ khác.
Đường Bá Hổ tán gia bại sản, thân không của nả, lang thang khắp nơi. Đến thời điểm này ông mới trở về Tô Châu được chưa đầy hai năm, cuộc sống mới vừa có chút khởi sắc. Ông tái giá với một kỹ nữ thanh lâu tên Thẩm Cửu Nương, mưu sinh bằng cách buôn tranh bán chữ.
Dương Lăng nghe ông nói muốn vẽ tranh cho Cao Văn Tâm, không khỏi vui mừng hết đỗi. Y nghĩ, được Đường Bá Hổ vẽ tranh cho là vinh hạnh tới dường nào, nên lập tức không ngần ngại mà đồng ý ngay.
Vốn Đường Bá Hổ thấp thỏm lo lắng y sẽ không chịu đáp ứng, lúc này thấy y gật đầu Đường Bá Hổ cũng lộ rõ vẻ vui sướng trên mặt. Sợ Dương Lăng đổi ý, ông liền vội vui vẻ gọi Văn Trưng Minh mang hộp vẽ tới, rồi lập tức trải sạp để vẽ cho Cao Văn Tâm.
Cao Văn Tâm thấy bọn họ cùng đi chơi kỹ nữ, trong lòng vốn đã không có hảo cảm, giờ lại bảo nàng đứng yên ở đó để người ta vẽ. Trong mắt người con gái xuất thân là tiểu thư khuê các này, việc đó tuyệt không phải là việc vinh dự gì, thế nên trong thâm tâm nàng cực kỳ không bằng lòng.
Dương Lăng thấy thần sắc nàng không vui, bèn bước đến gần nói nhỏ:
- Văn Tâm, chỉ là để người ta vẽ dung mạo thôi, có gì không vui vậy? Tranh vẽ của vị Đường công tử này rất là nổi tiếng đó. Hôm trước tôi đã có được thư pháp của Giang Nam đệ nhất danh kỹ, hôm nay nếu có thể có được tranh vẽ của đệ nhất tài tử Giang Nam này, tương lai sẽ có thể làm báu vật gia truyền. Dung mạo khí chất của cô, vạn người không có lấy một, đành phiền cô chịu khó đứng yên trong chốc lát để ông ta vẽ tranh. Nhiều năm sau lấy ra xem lại, sẽ có ý vị khác đó.
Y nói lời này tự đáy lòng, nhưng Cao Văn Tâm lại hiểu lầm thành ý khác. Nghe y nói muốn đem tranh vẽ mình làm báu vật gia truyền, để lại cho con cháu đời sau, cái ẩn ý đó... Vừa nghĩ đến đây, con tim nàng liền nhảy thình thịch như trống trận, thế là nàng vui vẻ đồng ý ngay.
Chúc Chi Sơn chỉ biết đứng ở một bên vuốt râu uống rượu. Hành động của vị tài tử luôn đóng vai nhân vật gây cười trong những truyền thuyết về Đường Bá Hổ trông cũng hết sức bình thường, không hề có vẻ gì điên điên khùng khùng cả.
Có điều tửu lượng của hắn thật sự kinh người, ban đầu còn thỉnh thoảng gọi thuyền phu lên thuyền rót thêm rượu cho, sau cùng cứ thế mà bê cả vò rượu lên, ngồi bên thành lan can tự rót tự uống.
Đường Bá Hổ đã sớm trải sạp ra, bắt đầu chăm chú vẽ chân dung Cao Văn Tâm. Văn Trưng Minh, Từ Trinh Khanh và nhóm người Dương Lăng cùng Mạc Thanh Hà cũng đều đứng sau lưng ông hiếu kỳ theo dõi. Trương Phù Bảo lại chê chán, kéo anh nàng cùng ra bờ sông chơi.
Bên này Đường Bá Hổ vừa mới phác thảo vài nét, Chúc Chi Sơn chợt như nghĩ đến điều gì, đột nhiên bỏ chén rượu, nhảy xuống thành lan can la lên quái gở:
- Hỏng rồi, hỏng rồi! Sao ta lại cũng tham dự theo chứ nhỉ? “Thập mỹ đồ” đó thật sự sắp hoàn thành rồi!
Rồi hắn giậm chân la lên:
- Ba trăm lạng ơi là ba trăm lạng! Tính sai rồi! Tính sai rồi! Lần này lão Chúc ta phải đền tiền rồi.
Đường Bá Hổ chỉ ngẩng đầu cười lớn một tiếng rồi lại cúi đầu tiếp tục vẽ tranh, vẻ mặt hơi đắc ý. Dương Lăng phảng phất nhớ dường như có cái "Cửu mỹ đồ"(2) gì đó liên quan đến Đường Bá Hổ, không khỏi lấy làm tò mò hỏi:
- "Thập mỹ đồ” gì vậy?
Văn Trưng Minh cười lớn:
- Hôm nay du ngoạn trên hồ là ý tưởng của lão Chúc. Chuyến đi du ngoạn hồ này hao mất ba trăm lạng, y thật sự đã tính sai rồi.
Thấy thân phận Dương Lăng dường như cực kỳ cao quý, nhưng tính tình ôn hoà, không hề có phong thái cao kỳ của con cháu thế gia quyền quý, hắn bèn cười cười giải thích:
- Dương công tử! Hi Triết huynh và Tử Uý huynh đã đánh cuộc, chỉ cần trong vòng một năm Tử Uý huynh có thể vẽ được mười bức tranh mỹ nữ, hơn nữa phải là mỹ nữ mà bốn người chúng ta đều công nhận, thì Hi Triết huynh sẽ thua Tử Uý huynh ba trăm lạng bạc.
Chỉ là mười mỹ nữ này thực khó kiếm à nha! Chùa Huyền Diệu ở Tô Châu có nhiều thiếu nữ tới lui nhất, Đường huynh thường hay đến nơi đó ngồi canh chừng, nhìn thấy tuyệt sắc giai nhân chân chính nào liền ghi nhớ kỹ trong lòng, sau đó vẽ lại. Nhưng mà tin tức này dần dần bị tiết lộ, nhà ai có nữ quyến định đến chùa dâng hương đều sai người đuổi vị đại tài tử này đi trước.
Kết quả là sau bảy tháng đầu tiên, Tử Uý huynh đã có thể vẽ được chín mỹ nữ, nhưng người thứ mười lại tìm mãi không thấy. Chúng tôi cứ tưởng rằng lần này Tử Uý huynh sẽ thua rồi, nào ngờ hôm nay lại có duyên gặp được vị cô nương của quý phủ đây. Ha ha, đây cũng xem như là ý trời, muốn Hi Triết huynh đưa bạc cho Tử Uý huynh tiêu dùng.
Dương Lăng nghe vậy cũng cảm thấy mắc cười, thì ra đám tài tử này cũng giống như những người bình thường khác, lúc ăn không ngồi rồi cũng lấy mỹ nữ ra làm đề tài câu chuyện, không ngờ còn dùng nó để đánh cuộc.
Y ngồi xổm bên cạnh Đường Bá Hổ, thấy bút pháp tuyệt diệu của ông hất lên móc xuống, bức tranh trong tay đã vẽ được sáu phần, tuy mắt mũi ngũ quan vẫn mới chỉ được hoạ phác đơn giản, vẫn cần phải chấm phá thêm, nhân vật cũng hãy còn chưa tô màu, nhưng một mỹ nữ sinh động như thật đã dần hiện ra trên trang giấy. Thấy vậy y không khỏi ngợi khen:
- Nhân vật của Đường huynh vẽ quả nhiên giống như đúc, bút lực quả thực bất phàm.
Đang vẽ say sưa, Đường Bá Hổ nghe vậy mặt liền tươi rói, đáp:
- Dương công tử quá khen! Mỹ nữ tập trung thiên địa linh khí, bản thân đã là một bức tranh sáng đẹp tuyệt luân, tại hạ chẳng qua chỉ lấy bút trong tay vẽ một phần vạn nét phong tình của họ mà thôi. Cái tĩnh của mỹ nữ thì thanh nhã u khiết, còn cái động của mỹ nữ lại bay bổng như hạc. Mái tóc, chân mày, cặp mắt, đôi môi, làn da, cần cổ, tấm eo, đôi chân, không chỗ nào không thể vẽ nên tranh. Vẻ đẹp ấy có thể họa vào thơ, có thể nhập vào trong tranh vẽ, có thể hoà vào rượu, còn có thể bước vào mộng nữa thay.
Dương Lăng không ngờ vị đại tài tử này nói đến mỹ nữ lại cũng có bài bản như vậy. Văn Trưng Minh cũng là cao thủ về hội hoạ, có nhận thức bất phàm về hội hoạ nên có thể lý giải được cái ý trong lời Đường Bá Hổ, vả lại hắn cũng cực kỳ sùng bái kỹ xảo vẽ chân dung của Đường Bá Hổ.
Lúc này thấy Dương Lăng tràn đầy thích thú, trong lòng hắn có cảm giác như gặp người đồng đạo, liền hào hứng nói với Dương Lăng:
- Dương công tử hãy đợi một chút, trên thuyền hoa có một bức tranh tuyệt diệu mà Tử Uý mới vẽ đêm qua, để tôi lấy cho công tử xem!
Đường Bá Hổ phong lưu phóng khoáng. Tuy ông đã cưới người bạn thân thiết chốn khuê phòng của Liên Nhi cô nương là Thẩm Cửu Nương làm vợ, nhưng vẫn thường lưu luyến chốn thanh lâu. Những cô nương này cũng mến tài nghệ của ông nên cũng chưa từng đòi tiền qua đêm, vị Liên Nhi cô nương này cũng là một người ái mộ ông.
Nàng mắt to môi đỏ, da trắng như mỡ, cũng là một mỹ nhân, tuy nhiên hôm nay Đường Bá Hổ vừa thấy Cao Văn Tâm liền miệng khen không ngớt, Liên Nhi tự thấy tư sắc thua người nên vẫn luôn đứng một bên, trề môi vẻ không vui lắm. Bây giờ nghe Văn Trưng Minh nói muốn lấy bức vẽ đêm qua, tuy tức giận, nhưng nàng vẫn không nén khỏi đỏ mặt, hung hăng trừng mắt với hắn, dường như có chút ngượng ngùng.
Văn Trưng Minh hấp tấp chạy về thuyền hoa lấy một cuộn tranh. Hắn trở vào trong đình, mới vừa giở cuộn tranh vẽ ra một nửa, một cơn gió lùa tới suýt nữa thổi rách bức vẽ. Văn Trưng Minh liền kéo Đường Bá Hổ nói:
- Tử Uý huynh ngừng một chút đi! Để Dương công tử kiến thức bức tranh phong nguyệt mà huynh vẽ ngày hôm qua một chút.
Văn Trưng Minh nói xong, liền đoạt lấy bàn vẽ trong tay Đường Bá Hổ, giở cuộn tranh trong tay ra đặt lên trên. Dương Lăng vừa nhìn thì thấy bức tranh đó tịnh không phải là tranh đen trắng, mà dùng thuốc màu sơn lên. Trong tranh vẽ một mỹ nữ khỏa thân dáng vóc nẩy nở rung động lòng người, người con gái đó nửa quỳ trên chiếc giường nhỏ, một dải lụa đỏ vắt ngang eo, một tay che chỗ xấu hổ, eo thon hơi trũng xuống, cặp mắt yêu kiều ngoái nhìn ra sau, trong nét mặt đó có thể lờ mờ nhìn ra người thiếu nữ chính là vị Liên Nhi cô nương nọ.
Phía sau là một nam tử đang nằm chồm sấp trên mông nàng trong trạng thái giao hợp, cạnh bên có lưu hai hàng chữ như rồng bay phượng múa: "Bán liêm thanh phong, nhất tháp minh nguyệt, bán tự hàm tu bán thôi thoát, hồi đầu đinh ninh khinh ta cá, bất tỉ tầm thường lãng phong nguyệt"*. Không ngờ bức tranh này lại là một xuân cung đồ kiều diễm mê người.
(* Tạm dịch: nửa mành gió mát, một mảnh trăng thanh, nửa như e ấp nửa như khước từ, ngoảnh đầu khẽ dặn vài câu, không như cảnh sắc gió trăng tầm thường)
Dương Lăng chưa từng nghe nói đại tài tử Đường Bá Hổ vẽ tranh xuân cung, y ngẩn người nhìn chằm chằm vào bức tranh, vừa chỉ tay vào vừa lắp bắp hỏi:
- Đây... đây là của Đường huynh vẽ sao?
Văn Trưng Minh cười đáp:
- Đúng vậy! Nét vẽ tinh tế tỉ mỉ, nhân vật sinh động có thần, tranh xuân cung mà Đường huynh vẽ không dưới trăm bức, song đây là bức vẽ mà tại hạ thích nhất, nên đã xin y. Tại hạ và Dương công tử tuy vừa gặp mặt nhưng như đã quen lâu, nếu như công tử thích, tại hạ xin tặng cho công tử, không biết công tử thấy thế nào?
Dương Lăng cười gượng:
- Ơ... Đệ nhất tài tử Giang Nam cũng vẽ loại tranh này sao? Ha ha, đúng là nằm ngoài dự liệu của tại hạ.
Từ Trinh Khanh cười nói:
- Nghe khẩu âm của công tử, đoán là người đến từ phương Bắc nên không biết tập tục phương Nam. Vẽ tranh này cũng không có gì cả, thật ra rất nhiều tiểu thư khuê các cũng sao đi vẽ lại tranh xuân cung này đấy. Có điều những bức được chính tay Tử Uý huynh vẽ ra đều có thể gọi là trân phẩm, khắp phố phường đều tranh giành đấy!
Đường Bá Hổ dường như cũng rất là hài lòng với bức tranh này, ông lấy bản vẽ lại, xoa nhẹ lên bức tranh cười nói:
- Nào chỉ ở phương Nam, cho dù vùng phụ cận kinh sư cũng học theo tập tục này đấy chứ. Đa số nữ tử khéo tay của Thiên Tân vệ đều tinh thông môn này, chẳng những thường ngày vẽ tranh, mỗi khi đến cuối năm còn vẽ tranh xuân cung đem ra chợ bán, bản địa gọi họ là "Nữ nhi xuân". Dương công tử đến từ phương Bắc, chẳng lẽ không biết chuyện này ư?
Cao Văn Tâm ngồi nghiêng trên lan can mái đình, nhìn chăm chăm vào khói sông trên Thái Hồ theo sự hướng dẫn của Đường Bá Hổ để cho ông ta vẽ. Nàng đã ngồi yên một hồi lâu nên cảm thấy vai và cổ hơi mỏi, vừa quay đầu cho mau huyết lưu thông đột nhiên nhìn thấy Dương Lăng và mấy thư sinh đang chỉ chỉ trỏ trỏ vào bức tranh, thậm chí Ngô Tế Uyên và Mạc Thanh Hà cũng đang đứng sau đám người kiễng chân lên xem.
Nàng tưởng bức chân dung đã vẽ xong rồi nên mừng rỡ đứng dậy, đi lại gần mọi người, vui vẻ hỏi:
- Đường công tử đã vẽ xong rồi à?
Cao Văn Tâm vừa hỏi vừa cúi đầu nhìn bức tranh, mặc dù nhìn ngược xuống, nhưng tổng thể bức tranh vẽ gì nàng vừa liếc mắt liền nhận ra ngay. Khuôn mặt xinh xắn của nàng liền thoáng trắng bệch, mặt cắt không còn giọt máu, liền tiếp đó lại đột nhiên đỏ bừng, cả người cũng phát run lên.
Nàng vạn lần không ngờ kẻ này lại dùng tướng mạo của nàng để vẽ ra một bức tranh sỉ nhục như vậy. Cao Văn Tâm giận đến choáng váng mặt mày, không chút nghĩ ngợi nàng vung tay tát bốp một bạt tai vào mặt Đường Bá Hổ, giận dữ mắng:
- Đồ vô sỉ!
Cao Văn Tâm mắng xong, hai hàng lệ đã không nén được mà trào ra. Điều khiến cho nàng đau lòng khôn xiết chính là: Dương Lăng chẳng những không nổi giận, mà không ngờ... không ngờ cũng hùa với người ngoài chỉ chỉ trỏ trỏ lên bức tranh. Nếu như y thật sự thích mình, xem mình như nữ nhân của y, sao y lại có thể đối xử với mình như vậy, mặc cho mình bị người ta khinh thị?
Nghĩ đến đây, Cao Văn Tâm đau lòng như cắt. Hai tay ôm mặt, nàng xoay người lao về phía bờ hồ.
Chú thích:
(1) vì Đường Bá Hổ đỗ giải Nguyên (đỗ đầu trong kỳ thi Hương) nên được gọi là Đường "Giải Nguyên"
(2) "Cửu mỹ đồ" kể về chuyện tình giữa Đường Bá Hổ và Thu Hương
Truyện khác cùng thể loại
18 chương
76 chương
13 chương
131 chương
156 chương
57 chương