Ngược Về Thời Minh
Chương 137
Từ khi nhà thơ Trương Kế thời Đại Đường thi rớt về quê, đêm cập bến Phong Kiều sáng tác bài "Phong Kiều dạ bạc"(1) nổi tiếng được mọi người yêu thích, tháp cổ Hàn Sơn cũng vì thế mà vang danh thiên hạ. Đã đến Tô Châu, thì sao có thể không đến chùa Hàn Sơn một chuyến chứ?
Phú ông Ngô Tế Uyên đất Tô Châu cung thỉnh Trương thiên sư đến phủ chúc phúc cho lão thái gia. Huynh muội họ Trương cũng mới đến Giang Nam lần đầu, nghe danh phong cảnh Thái Hồ đã lâu, có ý muốn ngoạn hồ, chèo thuyền hái ấu một chuyến nên đặc biệt sai người đến Hàng Châu mời Dương Lăng. Ba đại thái giám trấn thủ Giang Nam quyền cao chức trọng, mà Dương Lăng lại đang trọ tại Mạc phủ, đương nhiên Ngô Tế Uyên sẽ không thể không đoái hoài gì đến vị Mạc công công trấn thủ Giang Nam này, vì vậy lão cũng mời vợ chồng Mạc công công đi cùng.
Thuyền quan rẽ sóng dọc theo con kênh cổ xưa. Khi đi qua chùa Hàn Sơn, huynh muội Trương thiên sư và Ngô Tế Uyên đã chờ sẵn trên bến Phong Kiều. Hôm nay Dương Lăng đổi sang mặc quần áo chẽn, nếu không phải vì cái đám nha sai đeo cung cầm đao bên cạnh là cái chiêu bài sống của y, thì với tướng mạo và cách ăn mặc bình dị này nhất định y sẽ bị người khác lầm tưởng là một vị công tử nho nhã phong độ.
Tuy sớm đã nghe nói vị khâm sai này tuổi còn rất trẻ, song khi trông thấy diện mạo của y, Ngô Tế Uyên vẫn không khỏi lộ vẻ kinh ngạc. Vị phú ông Tô Châu này tuổi trạc ngũ tuần, tướng mạo hiền lành tao nhã. Mặc dù nhà họ Ngô mấy đời buôn bán nhưng sở hữu đất đai trong khu vực Tô Hàng cũng rất nhiều, con cháu Ngô gia cũng nhiều người thi đổ làm quan, cho nên có thể xem họ Ngô là thế gia vọng tộc, hào phú đất Giang Nam.
Hôm nay Trương thiên sư là chủ, vị khách mời quan trọng nhất chính là khâm sai đại nhân; nhưng nói đến quen biết thì Mạc Thanh Hà và Ngô Tế Uyên quen biết hơn. Thế là Mạc Thanh Hà lập tức giới thiệu Dương Lăng với Ngô Tế Uyên, Ngô Tế Uyên thì giới thiệu huynh muội Trương thiên sư với Mạc Thanh Hà. Một đoàn người vui vẻ nói cười bước vào trong chùa Hàn Sơn.
Hôm nay Mạc Thanh Hà cũng đổi sang mặc một bộ thường phục. Hắn có vóc người cao lớn, dáng vẻ đường đường, thật không còn thấy bộ dáng của một thái giám. Hắn đứng cạnh Mạc phu nhân chan chứa phong tình, quyến rũ mê người thực cũng khiến cho người ta có cảm giác đó là một cặp trai tài gái sắc.
Nghe nói hôm nay khâm sai đại nhân từ kinh đô và thái giám trấn thủ Mạc công công muốn đến chùa tham quan, phương trượng chùa Hàn Sơn không dám sơ suất chút nào, sớm đã ra đứng đón ngoài cổng chùa. Lão hoà thượng tuổi quá bát tuần, râu tóc bạc phơ, sắc mặt hồng hào, thân thể rất là tráng kiện.
Lão hòa thượng khoác cà sa màu đỏ thẫm, dẫn theo các trưởng lão, tri khách tăng và mười mấy tiểu sa di trong chùa cung kính nghênh đón nhóm người Dương Lăng. Tuy thanh danh vang dội nhưng thật ra chùa Hàn Sơn này rất nhỏ, đi hết một vòng cũng không mất bao thời gian. Vừa bước vào cổng chùa, đập vào mắt mọi người là một chiếc lư hương lớn, hương hoả cực thịnh, cắm đầy những cây nhang to bằng hai ngón tay do các tín đồ kính dâng, từ rất xa đã ngửi thấy mùi nhang khói nồng nặc.
Tuyệt đối không vì có khâm sai đại nhân quang lâm mà nhà chùa đuổi những khách hành hương khác ra ngoài. Có điều trông thấy đám nha sai xông thẳng vào chùa, đứng canh ở khắp nơi thì ai cũng biết là có nhân vật tai to mặt lớn đến, cộng thêm lão phương trượng ngày thường không dễ ra gặp khách lại đích thân tháp tùng giới thiệu cảnh chùa, những tín đồ nọ sớm đã thức thời mà tránh sang một bên.
Chủ yếu Dương Lăng chỉ tò mò về cái chùa Hàn Sơn này. Tuy nói rằng đến Tô Châu thì Viên Lâm(2) và chùa Hàn Sơn là những nơi phải tham quan, song trong tâm trí Dương Lăng thì Yến Tử Ổ(3) mới là nơi đáng đến nhất. Trương thiên sư có thân phận là bậc chí tôn của đạo gia, đến nơi thánh địa của Phật gia này cũng cảm thấy có phần bất tiện, còn Mạc Thanh Hà và Ngô Tế Uyên lại đã viếng thăm nơi này chán chê, nên tuy là lão phương trượng vô cùng ân cần, mọi người đều không cảm thấy hào hứng lắm.
Do đó mọi người chỉ cưỡi ngựa xem hoa, ngôi chùa vốn không lớn đi càng mau hết, mới nửa canh giờ, Dương Lăng đã đi đến sau chùa. Lúc vòng qua các tượng phật được cung phụng trong lầu gác ở đằng trước, y chợt trông thấy hai tăng lữ đang chắp tay quỳ trên bồ đoàn bái lạy. Ban đầu Dương Lăng còn tưởng đó là tăng nhân trong chùa đang tham thiền tụng kinh lễ Phật, nên bèn vội dừng bước. Song thấy bọn họ lại quỳ lạy phía sau tượng Phật, y lại cảm thấy có chút quái lạ.
Phương trượng vốn không nghĩ rằng khâm sai đại nhân sẽ đi đến hậu viện nhanh như vậy, cho nên không kịp gọi những tăng nhân ở hậu viện này tránh đi. Lúc này thấy bọn họ làm ảnh hưởng đến hứng thú tham quan của đại nhân, lão bèn vội vẫy tay ra hiệu tri khách tăng đuổi hai hoà thượng áo xám này ra ngoài.
Dương Lăng thấy tăng y hai hoà thượng đó mặc hơi khác với những tăng lữ khác trong chùa, sau lưng hai người lại đều đeo mũ rộng vành, tựa như đi đường xa mà đến, nhìn chung vừa cảm thấy hơi là lạ vừa lại cảm thấy hơi quen quen. Y nhíu mày suy nghĩ ngợi một lúc, chợt nhớ ra những tăng lữ mà y thấy trong truyện tranh Nhật Bản cũng ăn vận như vầy, y lấy làm lạ hỏi:
- Phương trượng đại sư, hai vị cao tăng này có phải là tăng nhân của quý tự không vậy?"
Phương trượng cung kính đáp:
- Khâm sai đại nhân! Hai vị tăng lữ này đến từ chùa Thập Đắc ở Nhật Bản, đến bản tự để chiêm ngưỡng và thỉnh kinh Phật, tượng Phật.
Ngô Tế Uyên đứng bên cười nói:
- Đại nhân! Trong những năm Trinh Quán thời Đường chùa này có hai vị cao tăng đắc đạo, tên là Hàn Sơn và Thập Đắc. Về sau hoà thượng Thập Đắc đông độ (đi truyền đạo về phía đông đến) Nhật Bản, đã dựng nên một ngôi chùa "Thập Đắc" ở Nhật Bản, truyền đạo dạy kinh, rất được người bản xứ kính trọng. Vì vậy nếu có tăng lữ hoặc tín đồ Nhật Bản đến Đông Thổ, phần lớn đều sẽ đến chùa Hàn Sơn thăm viếng.
- Ồ?
Dương Lăng thấy phương trượng chùa Hàn Sơn và Ngô Tế Uyên bàn luận về Nhật Bản mà thần sắc lại thong dong, không hề có vẻ gì là phẫn hận, thì hơi lấy làm ngạc nhiên, song sau đó liền nhớ ra rằng lúc này Nhật Bản vẫn chưa gây ra tội ác tày trời với Trung Quốc*. Mặc dù giặc Oa làm nhiều điều ác ở vùng duyên hải, song đám hải tặc đó cũng là phường vô lại phạm pháp ở Nhật Bản. Huống hồ trong đó còn xen lẫn rất nhiều hải tặc Trung Quốc, cho nên người dân lúc này vẫn chưa vì vậy mà oán hận người Nhật. Thế là y cũng thoải mái tươi cười.
(*: tác giả nhắc đến những chuyện trong Thế Chiến thứ hai chăng?)
Y cất bước đến trước mặt hai hoà thượng Nhật Bản đang định lui ra điện nọ để chào hỏi. Nhìn trên tường, y thấy treo một bức tranh đã mờ, niên đại xem ra rất xưa, vẽ chân dung hai hoà thượng trông rất chấc phác, thậm chí có phần khôi hài. Phương trượng đại sư đi đến gần tươi cười:
- Đại nhân! Đây chính là chân dung của hai vị cao tăng Hàn Sơn và Thập Đắc đó.
Dương Lăng gật nhẹ, nhìn thấy bên trái bức tranh có hai hàng chữ. Hai câu đối thoại này rất nổi tiếng, y đã từng được nghe qua, có điều vẫn không biết xuất xứ từ đâu, lúc này trông thấy thì mới biết là lời của Hàn Sơn và Thập Đắc.
Y thuận miệng đọc:
- Người đời phỉ báng tôi, khi dễ tôi, làm nhục tôi, chê cười tôi, khinh rẻ tôi, căm ghét tôi, lừa gạt tôi, thì tôi phải xử trí thế nào?
Bên cạnh lập tức có người tiếp lời:
- Chỉ cần nhịn họ, nhường họ, mặc họ, tránh họ, chịu đựng họ, kính họ, không để ý đến họ, rồi chờ ít năm nữa ông hãy nhìn họ xem.
Dương Lăng kinh ngạc quay đầu, trông thấy đó là một trong hai vị tăng nhân Nhật Bản trẻ tuổi nọ đang chắp tay trả lời y. Dương Lăng không khỏi cười nói:
- Hoà thượng! Đúng là ông nhớ thật kỹ.
Được y khen ngợi, mặt vị tăng nhân Nhật Bản đó không khỏi lộ vẻ vui mừng, nói:
- Đa tạ đại nhân khen ngợi! Bần tăng Viên Nhân, là tăng lữ chùa Thập Đắc ở Nhật Bản. Bần tăng còn nhớ Hàn Sơn đại sư từng hỏi: “Còn có bí quyết gì có thể tránh họ được không?” Thập Đắc đại sư đáp: “Bồ tát Di Lặc từng có bài kệ rằng: ‘có người mắng lão khờ, nói lão khờ còn tốt; có người đánh lão khờ, lão khờ tự ngủ khì. Phun nước miếng vào mặt, để nó tự khô luôn, mình cũng đỡ phí sức, họ cũng khỏi não phiền’..."
Bài kệ đó hơn ba trăm chữ, thế mà vị hoà thượng này nhớ rõ mồn một, đọc rõ ràng từng câu từng chữ, du dương trầm bổng. Phương trượng đại sư nghe xong vui vẻ vỗ tay khen:
- Thiện tai! Thiện tai!
Viên Nhân mỉm cười, cẩn thận chắp tay vái phương trượng, rõ ràng cũng có phần tự đắc. Ngô Tế Uyên đứng cạnh cười ha hả nói:
- Thập Đắc đại sư đông độ truyền kinh, quả nhiên thu được nhiều tín đồ, thật là công đức vô lượng.
Dương Lăng nhìn vị hoà thượng miệng đọc kệ ngữ cao tăng, mặt mày hoan hỷ, bèn nhớ đến đời sau cả nước bọn họ hoá thân thành cường đạo, đến Trung Thổ làm ra những hành vi phóng hoả đốt nhà giết người cướp của. Y không khỏi cười nhạt hỏi:
- Lời nói đó của Thập Đắc đại sư quả thực bao hàm phật lý diệu huyền, đại sư quả nhiên thuộc làu. Vậy ta hỏi đại sư, những gì đại sư thuộc... đại sư có làm được hết không?
Viên Nhân thoáng ngẩn ra, trầm ngâm một hồi lâu rồi mới cung kính đáp:
- Bần tăng không làm được.
Dương Lăng lại hỏi:
- Thế... quý quốc là quốc gia thờ Phật, chẳng hay có bao nhiêu người làm được?
Viên Nhân trầm ngâm thật lâu, mồ hôi túa đầy trán, song thuỷ chung vẫn không nói được tiếng nào. Dương Lăng mỉm cười ung dung nói:
- Cho dù có thuộc làu từng quyển kinh Phật, "Phật" đó bất quá chỉ là lời nói đầu môi. Khi nãy đại sư vừa nói... "ngộ đắc chân thường lý, nhật nguyệt vi lân bạn"(4). Lẽ chân thường ấy là ngộ ra như vậy ư?
Hoà thượng Viên Nhân trầm mặc một lát đoạn gập người vái sâu, rồi thản nhiên đáp:
- Từng chữ của đại nhân như lời cảnh tỉnh, bần tăng xin thọ giáo, đa tạ đại nhân chỉ điểm.
Dương Lăng cười nói:
- Không dám, ta chỉ nói bừa mà thôi. “Ngộ ra lẽ chân thường, lấy nhật nguyệt bầu bạn”! Ha ha, nhật nguyệt là ánh sáng, nếu như quý quốc thật sự giúp mọi người làm điều tốt, thì ánh sáng nhật nguyệt ấy... Triều đình Đại Minh(*) ta há không phải chính là bạn tốt láng giềng của quý quốc đấy ư?
(*): Dương Lăng chơi chữ: Chữ Minh明 gồm chữ nhật日 và chữ nguyệt 月 tạo nên.
Hoà thượng Viên Nhân nghe vậy bèn ngẩng đầu nhìn y, cảnh giác hỏi:
- Đại nhân nói vậy... có phải bởi vì quý quốc gặp nạn hải tặc mà trút giận sang nhân dân đất nước của bần tăng không?
Dương Lăng cười nói:
- Đại sư dám khẳng định trong đám "hải tặc" đó không có quân đội do các Mạc chúa hám lợi đen lòng phái ra, giả hải tặc làm ác ư?
Những chuyện này là bí mật được công khai, triều đình Đại Minh có rất nhiều người biết chứ đừng nói là Viên Nhân vốn đến từ Nhật Bản. Viên Nhân nghe vậy thì đỏ mặt, không dám mở miệng phản bác. Nhà sư suy nghĩ một chút rồi bảo:
- Nhưng... quý quốc đã có bao giờ từng biểu thị thiện ý không? Đất nước của bần tăng muốn chung sống hảo hữu cùng quý quốc, hỗ trợ cho nhau, nhưng quý quốc lại vô lý yêu cầu nước bần tăng phải dùng lễ bề tôi mà tiếp kiến.
Nếu dùng lễ bề tôi, thì quý quốc sẽ không tiếc ban thưởng. Mà tăng lữ nước bần tăng cũng phải thường xuyên vượt biển đến đây, mang theo bên người về được một ít, mất bao trắc trở vẫn không thể thoả mãn đủ yêu cầu của các tín đồ. Thế nhưng khi chúng tôi tình nguyện đưa ra nhiều tiền mua sắm, quý quốc lại cho rằng nước của bần tăng không chịu dùng lễ bề tôi mà gây khó dễ. Nếu không phải vì quý quốc hà khắc như vậy, chúng tôi... chúng tôi...
Nói đến đây, mặt nhà sư đỏ lên, rõ ràng cũng tự cảm thấy việc người ta không chịu mua bán với mình mà mình liền ra tay đánh cướp cũng quá vô sỉ, cho nên không thể nào nói xong cái lý do này.
Đương nhiên Dương Lăng cũng biết những nguyên nhân ấy. Năm xưa, khi y đọc lịch sử đã phát hiện quả thật người Trung Quốc xưa rất "đần", thà cầu danh chứ không cầu lợi. Nếu nước khác chịu tự nhận là bề tôi thì cho dù có đưa đến một sọt cỏ cũng hận không thể ban thưởng số hoàng kim gấp mười lần để biểu đạt sự khẳng khái lẫn hào phóng của thiên triều thượng quốc. Nhưng nếu đối phương không chịu xưng thần, thì cho dù có cuộc mua bán trăm lợi mà không hại thì cũng quyết không chịu giao dịch cùng, xem như là mình trừng phạt đối phương.
Y thấy hoà thượng Viên Nhân tuy trong lời nói có ý tức giận bất bình, nhưng mặt lại hiện vẻ xấu hổ, rõ ràng là hổ thẹn với hành vi của người nước mình thì bất giác có mấy phần hảo cảm với hắn. Y giãn mặt mỉm cười rồi nói:
- Lời đại sư nói, bản quan cũng biết một phần. Những việc này ta sẽ bẩm rõ với Hoàng thượng, cầu xin Hoàng thượng cho phép mở hải cảng thông thương, tăng cường giao lưu qua lại giữa hai nước. Chỉ có điều... những hải tặc đó của quý quốc, bất kể vì lý do gì, chỉ cần bọn chúng tới, chúng ta sẽ đập nát chúng ngay.
Nói xong, Dương Lăng lại thâm thúy nhìn chăm chú hoà thượng Viên Nhân dường như đang có điều đăm chiêu. Sau đó y cùng nhóm người Trương thiên sư và Mạc Thanh Hà chậm rãi quay về. Trông thấy Ngô Tế Uyên dường như có điều nghĩ ngợi, Dương Lăng không nhịn được bèn hỏi:
- Ngô tiên sinh vẫn còn đang nghĩ đến lời vị hoà thượng đó sao?
Ngô Tế Uyên giật mình thất kinh, liền vội chắp tay đáp:
- A! Phải... à không phải... thảo dân...
Dương Lăng cười nói:
- Ngô tiên sinh không cần phải kinh hoảng. Ngài là phú ông đất Tô Châu, có đất đai, có xưởng dệt và còn có cửa hàng, chắc hẳn hiểu những chuyện này hơn. Lần này bản quan đến Giang Nam chính là để kiểm tra việc thuế khóa. Không những bản quan chỉ tra xét sự thanh liêm của thuế lại mà cũng muốn hiểu rõ hơn về nguồn gốc thuế khóa và phương pháp gia tăng thuế khóa nữa. Tiên sinh cứ việc nói thẳng, bản quan quyết sẽ không trách tội.
Ngô Tế Uyên nhìn Trương thiên sư hỏi ý, thấy y gật đầu khích lệ mới bèn lấy hết dũng khí đáp:
- Đại nhân! Theo thảo dân thấy, thật ra... nếu như triều đình chịu mở cảng thông thương với Nhật thì chẳng những lợi cho bá tánh, mà thuế khóa của triều đình nhất định cũng sẽ tăng lên rất nhiều.
Hiện nay trong nước Nhật Bản chiến loạn liên miên, rất nhiều thứ bị thiếu hụt, ví dụ như tơ sống, vải bông, lụa gấm, thủy ngân, thậm chí là cây kim, dây xích, nồi sắt, đồ sơn mài, đồ sứ, thảm len, và cả dược liệu, đồ gia vị, vân vân,… đặc biệt là sách vở kinh điển của Phật giáo. Nhu cầu này rất cao, nếu bán được cho bọn họ, chúng ta có thể thu về lợi nhuận gấp mười lần đó.
Tuy Dương Lăng biết thông thương nhất định mang lại lợi ích cho đất nước, nhưng y cũng không ngờ những thứ không đáng giá này mang sang Nhật Bản lại được lãi lớn như vậy. Nếu như một số lượng lớn những vật dụng hằng ngày này được Nhật Bản tiêu thụ, vậy chẳng phải tiền bạc của Nhật Bản sẽ chảy như nước vào Đại Minh ư? Dương Lăng vẫn chưa quên việc xe hơi cùng đồ điện Nhật Bản tràn ngập thị trường Trung Quốc. Thì ra trong lịch sử cũng có lúc bọn họ điên cuồng theo đuổi hàng hoá Trung Quốc à. Cơ hội này sao có thể bỏ qua?
Dương Lăng nửa ngạc nhiên nửa hào hứng hỏi:
- Lại được lợi nhuận lớn như vậy sao? Ngô tiên sinh hãy nói rõ hơn một chút đi!
Ngô Tế Uyên thấy y mừng rỡ ra mặt thì càng tăng thêm dũng khí. Lão nghĩ ngợi một chút rồi đáp:
- Đại nhân đừng cho rằng thảo dân nói bừa. Thảo dân lấy ví dụ như nuôi tằm, lấy tơ, dệt lụa. Từ nuôi tằm con thành thành tằm có thể kéo tơ phải mất một năm, sau đó là sản xuất tơ sống, một cân chỉ có thể bán được năm sáu phân tiền. Trừ chi phí tiền vốn và thuế, phần còn lại phải cố gắng lắm mới có thể sống tạm qua ngày mà thôi.
Nhưng nếu vận chuyển được tơ sống sang Nhật Bản sẽ có thể bán được năm sáu lạng bạc, chênh lệch gấp cả chục lần đấy! Cho dù một cây kim ở đây mang sang bên chỗ bọn họ cũng có thể bán được bảy phân tiền, đúng là một vốn bốn lời à. Đương nhiên, bên đó bọn họ cũng có đồ tốt mà chúng ta cần, tỉ như đồng, hưu huỳnh, gỗ vang (tô mộc, danh pháp khoa học: Caesalpinia sappan, lõi rất cứng), vân vân… Chúng ta mua về gia công chế tạo một tí rồi bán lại cho bọn họ, lại kiếm thêm một khoản nữa.
Dẫu sao Ngô Tế Uyên cũng là thương nhân, nói một hồi thì sự sợ sệt e dè hoàn toàn tan biến, mặt mày lão hớn hở hẳn lên. Dù Dương Lăng nghe như thế nào cũng thấy giống như một phiên bản tình hình kinh tế hai nước Trung - Nhật vào khoảng thời gian nào đó ở đời sau, chỉ có điều là thịnh vượng hơn và cung cầu của song phương được đảo ngược lại, bèn không khỏi bật cười nói:
- Người Nhật cũng không ngu. Những Mạc chúa, tướng quân đó hối hả buôn bán với chúng ta như thế, không phải chỉ vì nhu cầu của người dân mà họ để tâm như vậy, đúng không?
Ngô Tế Uyên cười lớn nói:
- Đó là lẽ đương nhiên. Bình phong, quạt, hộp, nghiên mực của bọn họ được chế tạo tinh mỹ, phú ông bên chúng ta cũng vui vẻ trả giá cao để mua về. Nếu thông thương qua lại, triều đình còn có thể nhập một lượng lớn đao kiếm từ chỗ bọn họ. Chất lượng đao Nhật tốt hơn đao của chúng ta, bán lại ít nhất phải lời gấp ba lần.
Dương Lăng nghe xong lặng lẽ gật đầu. Đến lúc rời khỏi cổng chùa Hàn Sơn, y bỗng dừng bước, trịnh trọng nói với Ngô Tế Uyên:
- Làm phiền Ngô tiên sinh việc này. Không biết liệu ông có thể ghi cặn kẽ những việc mà ông biết, càng chi tiết càng tốt. Khi hồi kinh bản quan sẽ trình báo những việc này lên cho Hoàng thượng.
Ngô Tế Uyên trợn tròn cặp mắt nhìn y, mãi lúc sau mới hào hứng kêu lên:
- Đại nhân... Đại nhân nói thật đấy chứ? Đại nhân tự nguyện vì chuyện ích lợi của thương nhân này mà dâng lời lên Hoàng thượng sao?
Dương Lăng lắc đầu, nghiêm túc đáp:
- Đây không phải là chuyện ích lợi của thương nhân. Đây là việc quốc gia đại sự!
Ngô Tế Uyên nghe vậy, ánh mắt chợt lóe lên, đoạn lão vái Dương Lăng một vái thật sâu, trịnh trọng:
- Có câu này của đại nhân, Ngô mỗ nếu biết sẽ không tiếc lời, nếu nói sẽ nói ra hết. Thảo dân nhất định sẽ trong thời gian sớm nhất nhanh chóng thuật lại tỉ mỉ những gì mình biết để đưa cho đại nhân.
Dương Lăng gật đầu nhè nhẹ, trong lòng cũng âm thầm quyết định. Về đến kinh thành bất kể thế nào y cũng phải tâu chuyện này cho Chính Đức, thuyết phục hắn thông thương giao lưu. Y cũng biết đám đại thần thủ cựu xưa nay vẫn một mực cho rằng thiên triều thượng quốc có thể tự cung tự túc, lấy thân phận bình đẳng mà thông thương cùng mọi rợ ngoại bang là việc làm mất mặt thượng quốc nên nhất định sẽ ra mặt can thiệp. Nhưng y cũng biết rõ tầm quan trọng và tất yếu phải xảy ra của việc mở cửa thông thương. Việc này nhất định phải làm. Chỉ cần làm tốt, để triều đình và bá tánh nếm chút lợi lộc của nó, đến khi nó phát triển lớn mạnh rồi thì không ai có thể ngăn cản được nó nữa.
Ngô Tế Uyên đứng thẳng lưng lại, vui vẻ cười nói:
- Thảo dân nói chuyện cả buổi, vất vả cho đại nhân phải nói đến việc công rồi. Hôm nay đại nhân tới để giải sầu, chuyện này để chốc nữa hẵng nói tiếp. Thảo dân đã đoán biết đại nhân nếu đã đi du ngoạn, điểm dừng đầu tiên phải là ngôi chùa cổ Hàn Sơn này rồi. Gần đây có một tiệm ăn chay Hàn Sơn, hương vị độc đáo, thảo dân đã đặt trước tiệc rượu, mời đại nhân đến đó thưởng thức trước một tí, sau đó chúng ta sẽ đi du ngoạn Thái Hồ ngắm cảnh thu tiếp nhé!
Mạc Thanh Hà thoáng ngẩn ra rồi bảo:
- Hôm nay đại nhân dùng thân phận cá nhân du ngoạn Tô Châu cho nên bản quan không thông báo cho tri phủ Tô Châu. Có điều bản quan đã thông báo cho Lý Đại Tường thết tiệc tẩy trần cho đại nhân ở lầu Sư Tử. Đại nhân xem...
Dương Lăng thoáng suy nghĩ rồi đáp:
- Thôi, bỏ đi! Vào thành chạy tới chạy lui sẽ lại lãng phí thời gian, hơn nữa đoàn người đông đảo này cũng không tiện phô trương thanh thế. Đi Thái Hồ xong, tối nay chúng ta hãy trọ lại một đêm rồi phải trở về Hàng Châu. Thôi đừng làm phiền hắn nữa.
Thật ra Dương Lăng định đi nhanh về sớm là muốn khi trở về sẽ đến Hải Ninh gặp Mẫn Văn Kiến một lúc. Song nếu nói cho Mạc Thanh Hà biết trước, nhất định hắn ta sẽ thông tri quan phủ Hải Ninh rằng có khâm sai giá đáo; bọn họ lại rầm rầm rộ rộ chuẩn bị tiếp đón tất sẽ khiến cho cái huyện Hải Ninh bé xíu loạn cả lên.
Cái cảm giác bị cả đoàn người tiền hô hậu ủng, mất hết tự do như lúc này đã khiến Dương Lăng nhức đầu không thôi rồi, y không mong khi đến Hải Ninh thì những người ở nơi ấy sẽ lại bày vẽ chiêu đãi như thể sắp lâm đại địch, cho nên không hề nói cho Mạc Thanh Hà hay. Mạc Thanh Hà nghe y nói muốn nhanh về Hàng Châu, ngẫm nghĩ nếu mình tỏ ý ngăn trở thì ngược lại sẽ giống như sợ y điều tra mình ở Hàng Châu vậy, nên hắn không nói gì thêm.
Tiệm cơm chay Hàn Sơn phía tây nhìn bến Phong Kiều, nam dựa chùa Hàn Sơn, Bắc kề dòng Phong Tân, tựa vào lan can uống rượu, lên lầu trông về phía xa, thoả sức thưởng lãm vẻ tú lệ của Cô Tô. Các món ăn như Phật Thiên Thủ, Công Đức Kim Thối, La Hán Trai, Bát Trân Hoà Hợp, Phỉ Thuý Cầu, Cua Xào Chay do nơi đây làm rất chú trọng đến việc chọn lựa nguyên liệu, màu sắc và mùi vị đều tuyệt vời, hương vị của nó đủ để "mượn giả làm thật".
Nơi ấy cũng không xa, đoàn người không ngồi kiệu, vừa nói vừa cười cuốc bộ mà đi. Ngô Tế Uyên dẫn mọi người đến tiệm cơm chay Hàn Sơn, đang tủm tỉm mời vào thì Liêu quản sự chờ sẵn ở đó chợt hổn hển chạy ra thưa:
- Lão gia! Xảy ra chuyện rồi. Tiểu nhân đã bao hết tiệm ăn này chờ khâm sai đại nhân quang lâm, nào ngờ lão gia Lý Quý câu cá ven sông trở về, khăng khăng đòi thưởng thức khẩu vị nơi đây một chút. Tiểu nhân đã nói rõ với hắn là nơi này đã được lão gia bao, song hắn vẫn không nghe...
Ngô Tế Uyên nghe vậy thì thoáng sững người, lão không ngờ đến đây mà còn chạm phải oan gia đối đầu là Lý Quý. Nhưng mà... Liêu quản sự này cũng thật không biết làm việc gì cả, chỉ cần nói mình bày tiệc là để chiêu đãi khâm sai đại nhân và Trương thiên sư, thì cho dù tên Lý Quý đó có to gan hơn nữa cũng lại dám ở đây sinh sự sao?
Ngô Tế Uyên hầm hầm nhìn Liêu quản sự. Lão vừa định cất lời trách mắng thì đột nhiên chú ý thấy Liêu quản sự vừa nói với lão vừa không ngừng nhìn sang Dương Lăng, lúc này mới sực hiểu ra ý tứ của hắn ta. Lão cười thầm trong bụng, lập tức đổi thành vẻ mặt khó xử nói:
- Vậy... tiệm này đã bị Lý Quý bao rồi à? Nếu vậy thì hơi có chút rắc rối rồi.
Nguyên lai họ Ngô đã cư ngụ ở nơi này hơi một trăm sáu mươi năm, sáu mươi năm trước đã trở thành phú hộ giàu có nhất Tô Châu. Mà cái tên Lý Quý này, lại là một vị nhà giàu mấy năm gần đây đột nhiên phất lên, là một phú hộ mới nổi chuyên cho vay nặng lãi, đầu cơ trục lợi.
Không ai biết lai lịch xuất thân của tên Lý Quý này, chỉ biết dường như khi hắn đến đã có sẵn nguồn vốn rất hùng hậu rồi. Mỗi khi gặp phải thiên tai nhân hoạ, nhất là sau mỗi lần giặc Oa đến cướp bóc, có mấy nông dân trả nổi nợ nần chứ? Khi đó, cùng đường bí lối, những người nông dân nghèo khổ đói khát này buộc lòng phải cầm cố đất đai mà trả nợ, từ nông dân trở thành tá điền cho hắn, một số người thì trở thành dân lang thang không nghề không ngỗng được các xưởng thủ công làm giấy, dệt tơ thuê mướn; một số thì vì tuổi già sức yếu không cách mưu sinh đành phải đi ăn xin, lang bạc khắp nơi.
Dựa vào thủ đoạn này, chỉ trong vòng vài năm ngắn ngủi Lý Quý đã mua gom được một lượng lớn đất đai của hai vùng Tô-Hàng, giờ đây nghiễm nhiên trở thành địa chủ lớn nhất hai châu Tô-Hàng. Gia nô tôi tớ của gã phải dùng con số hàng ngàn mà tính, nhà ở thì lầu cao cửa rộng, ra đường thì quần áo lụa là, thanh thế có vẻ đã vượt trội nhà họ Ngô.
Hành vi của gã hiển nhiên khiến thân sĩ Tô Châu khinh thường, cộng thêm người dân địa phương cũng có tâm lý bài ngoại, cho nên những thân sĩ này bèn tố cáo những việc làm xấu xa của Lý Quý với quan phủ. Nhưng không biết tên Lý Quý đó rốt cuộc có lai lịch thế nào, mà nha môn tri phủ tiếp nhận cáo trạng xong lại nhắm mắt làm ngơ.
Thế gia hào phú với mạng lưới quan hệ rộng lớn như nhà họ Ngô bèn phản ánh sự tình với Bố chánh sứ cùng nha môn ti Án Sát sứ, không ngờ cũng không hề có kết quả. Lúc này mấy đại gia tộc địa phương mới hiểu chỗ dựa của tên Lý Quý này nhất định vô cùng vững chắc. Bọn họ lật gã không đổ, lại sợ bị gã trả thù nên đành phải căn dặn người trong nhà bình thường bớt qua lại với tên ác nhân này.
Lý Quý làm mưa làm gió ở Tô Châu, gia nghiệp nhà họ Ngô lại khổng lồ, cho dù có muốn tránh cũng chẳng thể nào tránh hết được, cho nên không ít tôi tớ và quản sự trong nhà bị gã hà hiếp lắm lần. Gần đây Lý Quý lại bắt đầu dòm ngó đến sản nghiệp họ Ngô, quan hệ hai nhà như nước với lửa. Liêu quản sự cố ý không nói rõ khâm sai đại nhân muốn đến dùng bữa, chính là muốn mượn tay Dương Lăng để trút nỗi bực tức này.
Mạc Thanh Hà đứng bên cạnh nghe được chuyện, da mặt liền hơi dúm lại, không nén được giận bước lên cả tiếng:
- Lý Quý? Là cái tên thân hào địa phương không đáng giá đó à? Hừ! Bình thường ỷ vào mấy đồng tiền mà đã ngang tàng hống hách, lần này lại dám bày trò trước mặt cả khâm sai đại nhân!
Dương Lăng nghi hoặc hỏi Ngô Tế Uyên:
- Lý Quý này là ai vậy?
Tuy thân phận thấp kém, nhưng Liêu quản sự từng ngồi cùng thuyền với Dương Lăng, quan hệ còn thân hơn cả lão gia của hắn, nên bèn vội tranh bước tới mấy bước, thêm mắm thêm muối kể lại thái độ đối nhân xử thế của Lý Quý. Dương Lăng nghe mà liên tục nhíu mày.
Mạc Thanh Hà cười ha hả nói:
- Trong số những kẻ giàu có ở vùng Tô Châu thì tên Lý Quý này là kẻ vi phú bất nhân nhất. Tuy gã chưa từng làm chuyện thương thiên hại lý gì, song chỉ mỗi bộ mặt nhà giàu mới nổi đó đã khiến người ta thấy ghét rồi. Hôm nay gã lại dám động chạm đến đại nhân, bản quan đang muốn nhân cơ hội này dạy dỗ gã, cũng là để khiến gã an phận một chút vậy.
Tuy Dương Lăng cảm thấy ghét Lý Quý, nhưng gã chưa hề có hành vi xấu xa trắng trợn gì, cho vay nặng lãi lại không phạm pháp, nếu chỉ vì gã va chạm với mình mà mình lại nghiêm khắc trừng trị gã, đến khi đám ngôn quan biết được, nhất định bọn họ sẽ dâng tấu hạch tội mình, cho nên y không muốn đa sự. Có điều nghe lời nói của Mạc Thanh Hà, Dương Lăng biết hắn ta sẽ không làm gì quá mức, nên chỉ cười cười không nói.
Mạc Thanh Hà thấy y cho phép, bèn quay đầu ra lệnh cho quản gia của lão:
- Lão Lý! Đập cái tên không biết điều đó một trận cho ta, bảo gã sau này bớt phóng túng lại mộ chút. Ngươi lôi gã ra xa xa đi, đừng làm mất khẩu vị của đại nhân.
Lý quản gia mỉm cười đáp một tiếng. Hắn vừa khoát tay mang theo mấy người bước tới trước cửa, cửa phòng chợt mở ra, một gã tráng niên tầm hơn ba mươi, mặt mày to béo đen đúa, chắp tay sau lưng, hất hàm ngạo mạn nói:
- Ngô lão gia mời nhân vật nào ăn chay thế? Thật ngại quá, hôm nay bản lão gia đã bao quán này rồi.
Chú thích:
(1) Phong Kiều dạ bạc (dạ: đêm, bạc: cập bến), tạm dịch "Đêm cập bến Phong Kiều", là bài thơ rất nổi tiếng của Trương Kế (张继). Tác giả sống vào khoảng trước sau năm 756 - đời vua Đường Túc Tông. Bài thơ Phong Kiều dạ bạc về sau đã được Khang Hữu Vi đời nhà Thanh khắc trên tấm bia lớn dựng trong chùa Hàn Sơn để cho người đời sau qua đây thưởng lãm.
Hán Việt:
Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên
Cô Tô thành ngoại Hàn Sơn tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền
Bản dịch của Tản Đà:
Quạ kêu, trăng lặn, sương rơi
Lửa chài, cây bãi, đối người nằm co
Con thuyền đậu bến Cô Tô
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn Sơn.
(2) Tô Châu Viên Lâm hay còn gọi là Cô Châu là một kiến trúc lâm viên ở trong nội thành của Tô Châu, lấy khuôn viên tư gia là chủ đạo, bắt đầu từ thời Xuân Thu (514 trước Công Nguyên), hình thành thời Ngũ Đại, hoàn thành thời nhà Tống, hưng thịnh thời nhà Minh. Đến cuối thời nhà Thanh thì Tô Châu đã có hơn 170 vườn cây cảnh đặc sắc, hiện nay có hơn 60 nơi được bảo tồn hoàn chỉnh, có 19 nơi là vườn cây cảnh mở.
(3) tạm dịch "tổ én", là nơi cư ngụ của nhà Mộ Dung trong Thiên Long Bát Bộ.
(4) hiểu ra được lẽ chân thường (chân lý), mặt trời mặt trăng sẽ quây quần làm bạn, ý nói một khi hiểu ra lẽ phải thì anh sẽ tìm được ánh sáng (mặt trời và mặt trăng tượng trưng cho ánh sáng).
Truyện khác cùng thể loại
18 chương
76 chương
13 chương
131 chương
156 chương
57 chương