Ngục Thánh

Chương 272 : Lò Heo Quay

Vô Phong rời khu biệt thự vào chiều hôm sau, ngày 25 tháng 2. Hắn ra đi lặng lẽ như nguyện vọng, thay vì được bà Tháp Tước cùng đám người phục vụ tiễn rước đúng theo lề thói quý tộc Băng Thổ. Cái tâm thế trốn nã làm hắn nghi kỵ mọi mọi âm thanh ồn ào và sự náo nhiệt. Chiều hôm đó chỉ có anh em An Lí – Át Sa đến từ biệt tên tóc đỏ, mặt mũi chúng lồ lộ những vẻ nài nỉ mong hắn nán lại thêm ít bữa. Hai đứa chưa đành lòng quay lại cuộc sống đầy tiếng phàn nàn ca cẩm từ bà Tháp Tước. Nhưng Vô Phong phải đi.  Át Sa – đứa ít nói nhất trong hai anh em lại mang nhiều quà nhất cho tên tóc đỏ. Nào hộp bánh kẹo nào búp bê vải, tay con bé khệ nệ đủ những thứ là thứ, thân hình bé nhỏ lọt thỏm giữa mớ quà chia tay. Vô Phong chẳng nỡ từ chối dù biết vác hết đống này thì lỉnh kỉnh vướng víu. Duy có con búp bê vải làm hắn tần ngần. Nó to hơn lòng bàn tay một chút, trông giống con thỏ với hai tai dài ngoẵng, đường khâu xiên xẹo vì làm vội và bàn tay trẻ con chưa thành thục. Át Sa nói rằng con thỏ vải này là bùa hộ mệnh. Vô Phong phì cười, đoạn cúi người cho nó xem dây chuyền bạc và dây buộc tóc: -Biết gì không bé? Mấy thứ này toàn là bùa hộ mệnh đấy! Người ta nói mang quá nhiều bùa hộ mệnh thì sẽ chẳng có vị thần nào hộ mệnh hết! Bé muốn ta xui xẻo hả? -Cháu không có ý đó! Cháu không dùng phép thuật nào hết! – Con bé Át Sa cự nự – Thực ra cháu chỉ sử dụng một ít phép cầu may làm từ rễ cây đinh hương, lá cây chi trâm, một ít lá thường xanh… cháu không làm gì cả… cháu chỉ muốn Tashaya ở bên Múy… -Được rồi, được rồi, ta đùa thôi! Ta nhận, được chưa? – Vô Phong ngăn con bé lại trước khi nó tuôn ra một tràng lê thê thảo mộc thực vật – Cảm ơn bé. Ta không hứa gặp lại đâu! Nhưng nếu có thể, chúng ta sẽ tái ngộ trên thăng vân tàu. Chào nhé! Đôi mắt con bé long lanh hẳn lên như thể cái ngày tái ngộ chẳng còn xa. Vô Phong vẫy tay từ biệt rồi lên xe ngựa. Ông Quản Gia đưa hắn đi. Những cung đường nhỏ với nhà mái thấp liền kề nhau, các dãy cột đèn và vệ đường phủ tuyết neo bóng người đưa chiếc xe ngựa ra bến tàu. Tên tóc đỏ ngoái lại, tuy vẫn thấy khu biệt thự cổ kính treo gia huy họ Cát Giá song chẳng thấy An Lí – Át Sa. Hắn cũng không thể tưởng tượng ra chúng đang nghĩ gì, làm gì, biểu cảm ra sao – giống cái cách hắn có thể mường tượng về Liệt Trúc. Bọn trẻ quá lùn so với những tòa nhà thấp mái của thành phố hoặc chưa đủ cao để chạm đến sự ấn tượng của Vô Phong. Thời gian lưu lại quá ngắn, hắn vẫn không rõ tính cách lũ trẻ. Trông những hộp quà cùng con thỏ vải, Vô Phong hơi tiếc, ước gì có thể ở lại với hai đứa trẻ lâu hơn. Nhưng thời gian luôn cau có với kẻ trốn nã.  Ông Quản Gia đánh xe tới bến tàu, xách hành lý của Vô Phong xuống sân ga, cẩn thận gửi lời từ biệt và không quên hẹn ngày tái ngộ. Đáp lại, Vô Phong mua hai chai bia từ quầy tạp hóa gần đó, nhân tiện cảm ơn ông ta vì tập kiếm cùng mình. Hai người cùng uống trong lúc đợi tàu đến. Được một lúc, ông Quản Gia cất lời: -Tôi đã thử dùng thanh Bộc Phá của Múy. Một thanh kiếm kỳ lạ và độc đáo. Có điều thành phần cấu tạo kiếm quá đặc biệt, tôi không thể nhận ra cách rèn hay các hợp chất bên trong. Ngộ nhỡ kiếm hỏng, e rằng chỉ có thợ rèn người Tuyệt Tưởng Thành mới biết cách sửa chữa. Nhưng tôi nghe nói hầu hết thợ rèn Tuyệt Tưởng Thành đã trở về dân tộc của họ để xây dựng lại đất nước, chẳng còn mấy ai trên phương bắc nữa. Vậy nên tôi nghĩ Múy nên sử dụng vũ khí rẻ hơn, dễ thay thế, dễ sửa chữa. Khi tới Băng Hóa thành, hãy tới tiệm rèn này, địa chỉ đây… – Ông Quản Gia rút mảnh giấy ghi chép sột soạt rồi đưa cho tên tóc đỏ – …cứ nói là quản gia họ Cát Giá giới thiệu, cửa hàng sẽ đón tiếp Múy. Tôi sẽ gọi điện thông báo trước. Cửa hàng nổi tiếng, làm việc nhanh gọn, rất đảm bảo, Múy có thể yên tâm.  Vô Phong ngớ người sau gật đầu lia lịa cảm ơn. Hắn chẳng nhận ra chuyện này quan trọng thế nào nếu ông Quản Gia không nhắc nhở. Quý tộc Băng Thổ tiếp đãi khách trọng thị và tử tế hơn hắn mong đợi.  Hai người đương trò chuyện thì chuông reo báo tàu cao tốc cập bến. Tên tóc đỏ tạm biệt ông Quản Gia lần cuối rồi tiếp nối dòng người ít ỏi rời khỏi Biên Ngoại thành. Theo lời Mi Kha, người trợ giúp Vô Phong đang ở trên chuyến tàu. Nhưng nhìn quanh quất mấy hồi, tên tóc đỏ chỉ thấy dân buôn tay xách nách mang hàng hóa, vài người như dân tộc thiểu số khoác trên mình trang phục lằng nhằng dây nhợ lẫn đai da, số khác đơn giản là đi ngang qua và không có ý định ghé thăm hay nhìn ngó thành phố hẻo lánh này. Chẳng ai hiện ra vẻ sắp đồng hành cùng tên tóc đỏ. Hắn tiến đến chỗ ngồi. Không có người nào chờ Vô Phong ở đấy ngoài hàng ghế bọc da cũ kỹ, miếng tựa đầu sờn rách xổ mút vàng lẫn bọn rận. Hắn bèn gọi điện cho Mi Kha nhưng máy báo bận liên tục. Tàu chuyển bánh mà người cần gặp chẳng thấy đâu, Vô Phong yên vị ở chỗ của mình trước khi thiếp đi. Xứ tuyết làm người ta dễ chợp mắt.  Khốn nỗi giấc ngủ của Vô Phong ít khi an lành. Mấy lần hắn giật mình tỉnh dậy là từng ấy lần thò tay túi áo sẵn sàng rút kiếm. Có lúc hắn thấy hình ảnh ngôi nhà cháy cùng đứa trẻ lăn lê dưới đất, có lúc trong vô thức lại nhận thức rằng mình đang trốn nã và bị truy đuổi. Chúng lộn xộn, đứt quãng, chắp vá nhau một cách kỳ cục. Ba tiếng trôi qua, chúng quấy quả rồi để lại cho hắn một bộ mặt rệu rạc nửa thức nửa ngủ. Cùng lúc này, tàu dừng lại ở trạm trung chuyển mà Vô Phong biết chắc đó không phải là Băng Hóa thành. Từ miền cực bắc xuống thủ đô Băng Hóa lâu hơn thế. Hành khách người xuống người lên, Vô Phong lấy chân lèn chặt túi hành lý, bàn tay buông hờ cạnh vạt áo nơi thập thò cán kiếm Bộc Phá. Đợi tất cả ổn định, hắn mới thôi xù lông cảnh giác. Tàu rời trạm, tiếng di chuyển êm êm và gió tuyết vỗ cửa kính lại ru hắn vào cơn gà gật.  -À, đây rồi!  Vô Phong chợt nghe giọng nói nhằm vào mình đồng thời cảm thấy cái dộng người khoan khoái ở ghế ngồi kế bên. Lúc này, ngay cạnh hắn là một cô gái ăn vận thời trang, kính hồng lấp lánh bự chảng trễ sống mũi, môi hồng óng ánh. Tổng thể cô nàng vừa sành điệu vừa nhức mắt, tương phản vô cùng với tất cả hành khách trên tàu. Thấy Vô Phong ngơ ngác nhìn mình, cô nàng cởi kính thốt lên: -Ôi Vạn Thế ơi, anh không nhận ra tôi sao? Tôi nè! Là tôi nè! Tên tóc đỏ căng mắt nhìn tới độ lồi con ngươi mới nhận ra đó là Si Giáng. Thấy thế, cô nàng ôm chầm Vô Phong lắc lư một hồi. Hai tháng sau chiến tranh Tuyệt Tưởng Thành, cô nàng cao hơn một chút và bỏ không ít tiền thưởng đánh thuê vào quần áo mỹ phẩm – Vô Phong đoán vậy. Si Giáng chưa đủ mười tám tuổi, kỳ thực chẳng lớn hơn Liệt Trúc bao nhiêu, cố nhiên thích tiêu pha ăn diện hơn cả.  -Xin lỗi, đáng lẽ tôi phải đón anh nhưng ngủ quên mất! Hì hì, bỏ qua nhé! – Si Giáng cười – Tôi sẽ theo anh từ đầu đến cuối, làm việc toàn thời gian luôn! Có thể chúng ta có thêm người giúp đỡ, tùy xem họ rảnh rang lúc nào. Toàn người quen thôi, đừng sợ! Vậy nha, tôi ngủ một chút!  Vô Phong chưa kịp hỏi han thì cô gái đã lim dim ngủ. Nàng ta duỗi chân, đầu khi ngoẹo trái, lúc ngoẹo phải tựa vai tên tóc đỏ. Trừ vụ váy áo mỹ phẩm, Si Giáng vẫn vô lo vô nghĩ như trước, hoàn toàn tréo ngoe so với nghề lính đánh thuê. Mà cũng bởi thế, Si Giáng là người đáng tin nhất trong giới đâm thuê chém mướn. Ở một khía cạnh khác, Vô Phong tin tưởng cô nàng hơn cả Mi Kha. Quãng thời gian tiếp theo, Vô Phong chẳng nhớ gì nhiều ngoài gió tuyết cùng vài trạm trung chuyển. Đôi lúc hắn ngủ khá sâu và hoàn toàn tách biệt với thế giới bên ngoài. Vài giấc mơ thi thoảng ghé thăm hắn nhưng may thay không có ác mộng. Ngay cả ác mộng cũng không thể lay chuyển một bộ não căng thẳng suốt thời gian dài. Mãi tới khi Si Giáng lay vai chán chê, hắn mới tỉnh giấc, nhận ra tàu điện vừa tiến vào địa phận thủ đô Băng Hóa. Sáu tiếng đã trôi qua. Nơi cần đến đang ở trước mặt tên tóc đỏ.  Thêm mười lăm phút nữa, tàu cập bến ở ngoại ô Băng Hóa thành. Tên tóc đỏ cùng Si Giáng theo dòng người bước xuống sân ga lát gạch đen tuyền, bóng nhưng không trơn, phản chiếu ánh đèn vàng trắng từ các chùm đèn pha lê lớn treo trên nóc nhà ga, hoặc những bóng đèn chạm trổ hình hoa chim chóc xung quanh cột trụ chống đỡ nhiều lối đi mái vòm. Nơi đây phần nào tương tự nhà ga ở Biên Ngoại thành song cổ kính, đẹp đẽ gấp nhiều lần. Thủ đô thị thành thì dĩ nhiên phải khác vùng biên ngoại hay các trạm trung chuyển. Hiện là bốn giờ sáng nhưng nhà ga khá đông hành khách, người tới nhiều hơn đi, chủ yếu là công dân các quốc gia lân cận. Vì lo ngại chiến tranh, một bộ phận dân chúng Băng Thổ chọn giải pháp lánh nạn tại trái tim lục địa.  Vô Phong không nghĩ bộ dạng của Si Giáng thích hợp cho mấy công tác bí mật. Nhiều cái nhìn thiếu đứng đắn ở sân ga bắt đầu chú mục vào cô nàng. Nhưng chưa đợi Vô Phong lên tiếng, cô nàng đã lôi hắn vào nhà vệ sinh nữ, trút bỏ mớ quần áo bắt mắt rồi khoác lên mình trang phục tối màu. Cô ả cũng chuẩn bị sẵn một bình xịt nhuộm tóc cho Vô Phong để che giấu mái tóc đỏ quá nổi bật. Vô Phong soi gương, thấy mái tóc đỏ giờ chuyển màu đen sì. Xong xuôi đâu đấy, họ trở ra cửa làm thủ tục nhập cảnh.  Đang giai đoạn bất ổn, Băng Hóa quốc kiểm soát an ninh rất chặt. Cảnh binh cùng chó nghiệp vụ tuần tra khắp nẻo, mật vụ hòa lẫn dòng người, máy quay giám sát cài cắm từ hành lang tới cầu thang. Ở khu nhập cảnh, từng hàng người nối đuôi nhau kéo dài gần nửa cây số, ai nấy đều mệt mỏi vì thủ tục nhiêu khê hơn trước gấp bội. Thay vì gia nhập dòng người đang tăng xông máu não, bọn Vô Phong đến cửa nhập cảnh rồi chìa giấy thông hành do Mi Kha cung cấp. Quý tộc Băng Thổ hưởng nhiều đặc quyền đặc lợi, giấy thông hành chỉ là chuyện vặt vãnh. Chưa đầy một phút, bọn Vô Phong được phép qua cửa. Hai người nhanh chóng chuyển lên tàu điện vào nội đô thành phố.  Trời tối mịt, thủ đô Băng Hóa ẩn thân dưới mưa tuyết và chẳng lộ ra bất cứ phần thân thể nào của mình, trừ những ngọn tháp pháo nghìn tuổi bao bọc thành phố. Các tháp pháo chẳng thay đổi so với một năm trước khi Vô Phong lần đầu tới đây. Chúng vẫn sừng sững, khổng lồ và chĩa nòng về bầu trời xa xăm dù Vô Phong chẳng biết chúng còn hoạt động hay tậm tịt như ông già bảy mươi tuổi. “Chắc cố lắm cũng bắn được!” – Vô Phong nghĩ đoạn phì cười.  Bọn Vô Phong vào nội đô lúc năm giờ sáng. Hai người tạm chia tay; Si Giáng kiếm chỗ nghỉ chân, Vô Phong tìm xưởng rèn. Họ còn nửa ngày trước khi gặp vị học giả Đa Vu Lạt. Dưới mưa tuyết, bóng đêm, ánh đèn rực rỡ nhảy múa khắp trung tâm Băng Hóa thành, những cái bóng đổ dài xiêu xiêu của các tòa kiến trúc hiện đại hình lục giác và cung điện chóp nhọn cổ xưa, Vô Phong lần mò xưởng rèn theo địa chỉ trên tờ giấy. Khác Phi Thiên thành, Băng Hóa thành không có bảng điện tử chỉ dẫn giao thông công cộng, mọi con đường đều nằm ở mồm. Phiền nỗi dân Băng Hóa vốn chẳng mấy thân thiện, giờ này chỉ có ma cô và đám say rượu quên đường về nhà. Nhưng Vô Phong không có nhiều lựa chọn. Dù gì hắn cũng là tội phạm, “cao cấp” hơn bọn ma cô nhiều.  Hỏi han mấy hồi, sau rốt Vô Phong đã thấy xưởng rèn. Nó nằm ở trục đường chuyên buôn bán vũ khí cách quảng trường hai trăm mét về phía đông nam, không quá xa trạm tàu điện. Căn xưởng gồm hai tòa nhà xây cạnh nhau, tòa cao hơn lợp mái đỏ gắn ống khói, tòa thấp hơn có chái nhà màu rêu cùng một chiếc phong vũ biểu kiểu cổ hình chim ưng xoay qua xoay lại. Nó cũ kĩ và lọt thỏm so với con đường hiện đại, gợi cho Vô Phong ký ức về quán lão Lập ở Phi Thiên thành. Hắn bấm chuông hai lượt rồi chờ đợi. Lát sau hắn nghe tiếng giẫm chân bình bịch, tiếng lằn nhằn ca cẩm rồi tiếng lách cách rờ rẫm chùm chìa khóa. Cửa mở, tấm biển hiệu cạnh đó đương tắt ngóm bỗng rực sáng dòng chữ “Chào mừng quý khách!”, kế đến là một cái đầu hói thò ra cùng giọng nói lè nhè: -Sao thần Nê Mê không xiên chết mày đi, thằng ranh? Bộ không nhìn đồng hồ à? Năm giờ sáng! Mày không biết phố này chín giờ mới làm việc à?! Hay muốn tao xiên chết mày luôn, thằng ranh?! Mấy lời càm ràm cay độc kết thúc cũng là lúc chủ nhân của chúng lộ diện. Trước mặt Vô Phong là một lão đầu hói, dáng người lùn lùn mập mạp, hai tay trần cơ bắp nhờn mồ hôi dù trời rét căm căm, bụng to hằn một đường cong chắc khối trên áo may ô. Nom ông ta từa tựa một tảng đá nhỏ. Vô Phong nhe răng cười đoạn chìa mảnh giấy có chữ viết tay của ông Quản Gia. Lão hói mập đọc mảnh giấy đoạn tặc lưỡi, tiếp tục giọng lè nhè: -Ồ, vậy là người quen của con bé Mi Kha. Hôm qua lão Quản Gia có gọi điện, vậy là… chú mày hả? Được rồi, vào đây! Chào mừng đến với tiệm Lò Heo Quay, cứ gọi ta là Chú Bự.  Theo chân lão hói, Vô Phong tiến sâu vào cửa tiệm. Bên trong xộc lên một mùi hỗn hợp giữa than cháy, thức ăn nấu khét và rượu. Vỏ chai rượu lăn lóc khắp nơi từ mặt bàn, bên bễ lò cháy dở tới sàn gỗ. Không khó để giải thích chất giọng đặc trưng cùng bộ mặt cau có khi bị đánh thức lúc năm giờ sáng của Chú Bự. Tuy vậy, lão hói sắp xếp kiếm rất ngăn nắp, từng sản phẩm được đánh số thứ tự cẩn thận, trái hẳn thói rượu chè bừa bãi. Nhưng điều làm Vô Phong chú ý hơn cả là bức ảnh treo sau quầy tiếp tân. Ảnh đó chụp Chú Bự cùng gia đình Mi Kha, khi đó Quỷ Nhãn đã trưởng thành, đôi mắt người chết của gã vì thế đáng sợ hơn. Không nén nổi tò mò, Vô Phong hỏi: -Ông biết họ Cát Giá?  -Ờ! Ta là đồng đội với ông già Tháp Tước. – Lão hói đáp lời – Sau khi Tháp Tước mất, ta giải ngũ rồi làm lính đánh thuê, thi thoảng ghé qua giúp đỡ họ Cát Giá, cuối cùng nghỉ hưu với nghề thợ rèn. Chính ta giới thiệu Mi Kha gia nhập quân đánh thuê. Con bé có năng lực hơn vô số thằng đàn ông, nghề đó hợp với nó! Rượu chứ?  Chú Bự chìa chai rượu trắng. Gã trai trẻ lắc đầu. Lão hói cười khẩy đoạn ngửa chai tu tùng tục. Vô Phong đoán thói quen tu rượu cả chai của Mi Kha cũng từ lão bợm hói này mà ra. Nốc mấy ngụm “giải khát” xong, Chú Bự đặt lên bàn nào giấy nào bút, cân tiểu ly, cân bàn, thước may, phấn, kéo cắt, búa, đục, dao… linh tinh tạp phí lù các thứ các thứ, thành thử Vô Phong không rõ lão ta là thợ rèn, thợ may hay gã chặt thịt lợn. Sắp xếp từng thứ vào vị trí, Chú Bự bảo hắn bước lên cân rồi ghi chép, lấy thước may đo người hắn như may đo áo, lại ghi chép soàn soạt. Lão hói vừa làm vừa hỏi, giọng điệu cụt giật: -Chú mày là người Phi Thiên? Dùng kiếm thuật gì? Truyền thống hay hiện đại? Thích dùng kiếm kiểu nào? Thích phụ kiện hay không? Trả lời nhanh lên! Sao câm như hến thế? -Tôi dùng kiếm thuật “Thiết”! – Vô Phong nói vội – Nhưng cũng biết một vài thứ truyền thống, tôi từng tập kiếm thuật của Tuyệt Tưởng Thành và họ Cát Giá, chưa thành thục hẳn. Tôi cần một thứ chắc tay như thanh Bộc Phá, có thêm phụ kiện càng tốt. Nhưng tại sao ông phải tính cân nặng và đo đạc thế này?  Lão hói chuyển qua đo hông cho gã trai trẻ, nói: -Đây là kiểu rèn phương bắc. Nếu rèn kiểu Tuyệt Tưởng Thành, mọi thứ đều tập trung vào kiếm, bởi vậy họ cho ra đời một trăm thanh Hoa Sa Tấu mạnh mẽ như nhau. Còn rèn kiểu truyền thống phương bắc, chúng ta quan tâm con người nhiều hơn. Chiều cao, cân nặng, sải tay, độ dài chân, sức bật… những dữ liệu đó sẽ quyết định cấu tạo thanh kiếm để phù hợp chủ nhân của chúng. Phức tạp hơn nhưng hiệu quả hơn, dĩ nhiên chỉ áp dụng cho ai chịu trả giá cao, ít nhất phải từ một trăm thùng vàng đổ lên. Đời ta chỉ rèn miễn phí cho hai đứa con của ông bạn Tháp Tước.  Vô Phong ngạc nhiên: -Ông rèn bộ kiếm Thương Binh cho Quỷ… à nhầm, Hàn Hà? Chú Bự cười ha hả, tay vỗ vỗ cái bụng vẻ đắc thắng: -Và cả bộ kiếm Bệnh Binh cho Mi Kha. Ồ, vậy chú mày cũng biết Thương Binh? Chúng là những thanh kiếm tốt nhất mà ta từng làm, một thời gieo rắc kinh hoàng khắp miền bắc Băng Thổ. Đáng tiếc, Hàn Hà đã mất, chẳng ai kế thừa bộ kiếm của thằng bé. Nhưng có thể Mi Kha sẽ nối tiếp truyền thống chín kiếm thay anh mình. Nhìn thấy gia huy họ Cát Giá chứ? Kiếm sĩ họ Cát Giá đỉnh cao là kẻ biết dùng thuần thục chín thanh kiếm. Chế tạo kiếm như thế mới thú vị! Ta không rèn mấy thanh kiếm phổ thông lại miễn phí thế này đâu, nên chú mày biết ơn ta đi là vừa. -Thế thì tôi phải cảm ơn họ Cát Giá chứ? – Vô Phong tếu mồm.  Chú Bự ngước mắt nhìn hắn vẻ bực bội, sau cười khẩy như tìm được điều thú vị. Được mười phút, lão hoàn tất số liệu rồi nghiên cứu thanh Bộc Phá. Vừa nhìn thấy nó, Chú Bự lập tức hỏi han người chế tạo kiếm, giọng điệu không giấu nổi sự hằn học lẫn trầm trồ thán phục. Sau rốt lão đưa Vô Phong một tờ hợp đồng: -Dịch vụ sửa chữa lưu động. Cần dùng thì ký tên vào! Ta có nhân viên sửa chữa khắp lục địa. Nếu chú mày hỏng kiếm, chỉ việc gọi một cú điện thoại, bọn này sẽ tới. Cái này thì phải tính phí, nguy hiểm mà! Hơi đắt nhưng hữu ích. Sao? Ký không? Nhanh lên nào!  Vô Phong liếc qua hợp đồng rồi đặt bút ký, trả xấp tiền mặt trị giá bảy mươi thùng vàng, lại trả thêm mười thùng vàng nữa làm tiền bo. Có tiền tươi, Chú Bự cười khề khà đoạn đẩy cho Vô Phong một chén rượu cùng đồ nhắm: -Ta ghét bọn phương tây, đặc biệt là Phi Thiên quốc, nhưng ta thích tính chịu chi của người Phi Thiên. Chẳng giống xứ này, rặt một lũ ị ra cứt sắt móc ra cứt tơ! Vì tiền bo, ta sẽ nói chuyện với chú mày một chút. Đang làm việc cho Mi Kha, đúng không? Vậy chú mày đã biết gì về giới đánh thuê chưa?  -Không nhiều. Tôi từng làm việc cho Bán Dạ Giáo Đoàn, ngoài ra chẳng biết gì hơn.  Chú Bự gật gù sau giảng giải, nói tới đâu lại lấy ly rượu đặt ra bàn như một dụng cụ minh họa trực quan: -Như tên gọi, giới đánh thuê tập hợp những kẻ bán sức mạnh kiếm tiền. Ý nghĩa cơ bản là thế, nhưng bản thân nó phức tạp hơn và không có ranh giới nhất định. Nhưng theo kinh nghiệm của dân lão luyện, nó chia thành ba mảng: lũ “công nhân” tức bọn đánh thuê chân chính, bọn “điếm thối” tức lũ mua bán chuyển giao tin tức và vật tư, cuối cùng là bọn “móc cống” tức lũ sát thủ ăn tiền trên đầu người hoặc cướp hợp đồng của người khác. Tất cả tập đoàn đánh thuê đều thuộc tư nhân, trên thế giới có khoảng hai mươi công ty như vậy, mạnh hơn cả là các “giáo đoàn”. Gọi là “giáo đoàn” vì tiền thân các tổ chức đánh thuê trong thời phi cơ giới là thánh đường, nơi tụ họp tôn giáo. Mọi giáo đoàn thời hiện đại có nguồn gốc từ Hắc Vân Giáo Đoàn, tổ chức đánh thuê lớn nhất thời phi cơ giới. Ba đại diện mạnh nhất bây giờ là Bán Dạ Giáo Đoàn, Siêu Sinh Giáo Đoàn và Tam Lâu Giáo Đoàn. Về cơ bản, các giáo đoàn là “công nhân”.  Lão hói đẩy ba ly rượu về phía Vô Phong tượng trưng cho ba giáo đoàn, xong lấy hai ly khác kéo về phía mình: -Trong nghề đánh thuê, quan trọng nhất là thông tin và thiết bị vật tư, bởi vậy sinh ra lũ “điếm thối” chuyên lo mấy vụ này. Thứ nhất là Mũi Tên Vèo Vèo, chuyên nghề vận chuyển; bọn này có nguồn gốc từ giáo đoàn, rất gần gũi Bán Dạ Giáo Đoàn. Thứ hai là Tổ Chim, chuyên nghề điều phối tin tức, giám sát, theo dõi, tình báo, nằm vùng, làm trung gian thỏa thuận; chúng là cầu nối giữa giới đánh thuê và người đặt hàng. Hai đám này chuyên nghiệp nhất, giá cả cũng chát nhất! Giờ tới bọn “móc cống”, lũ này tồn tại trong cả giáo đoàn lẫn bọn trung gian. – Lão hói chỉ vào hai đám ly – Chúng sẵn sàng cắt đầu người, miễn có tiền hoặc bán đứng đồng đội. Chúng là bất cứ ai, núp bóng dưới bất cứ danh nghĩa nào và là bọn bẩn thỉu nhất. Lính đánh thuê bán mạng vì tiền nhưng không có nghĩa được hành xử như lũ côn đồ mất dạy. Cái gì cũng phải có luật! Nên hiểu tại sao người ta ghét bọn sát thủ chứ?  Vô Phong gật đầu. Chú Bự đặt một ly ra chỗ riêng, cách xa cả lão lẫn Vô Phong: -Nhưng cũng có bọn sát thủ chuyên nghiệp chỉ giết người. Điểm đặc biệt là chúng hành động vì mục tiêu chính trị, không phải tiền. Chúng cao cấp hơn bọn “móc cống”, dân trong nghề gọi là đám “bốc mả”. Vì nhiều lý do, bên Đông Thổ không có công ty đánh thuê, thay vào đó họ lập các nhóm sát thủ nhằm tiêu diệt đối thủ chính trị. Các vụ đánh thuê bên Đông Thổ rất đặc thù, không theo lối thông thường. Bọn “bốc mả” giữ toàn bộ phương đông, chúng ít khi can thiệp xa hơn và cũng ít người can thiệp trên đất của chúng.  -Vậy tình hình bây giờ thế nào? – Vô Phong hỏi – Ý tôi là tình hình Băng Thổ?! Lão hói ngửa cổ tu rượu, bọt khí trong nổ lóp bóp ở cổ chai: -Hỏi trúng đấy! Giờ lục địa khá loạn, các giáo đoàn đánh thuê đang giành nhau từng miếng một. Đã có vụ Tam Lâu và Siêu Sinh cử lực lượng xử nhau giữa chiến trường. Các giáo đoàn va chạm nhau là bình thường, tai nạn không ai mong muốn, nhưng công khai đối đầu như thế thì chưa có tiền lệ. Ngay nội bộ một giáo đoàn, việc nhóm này giẫm chân nhóm kia ngày càng nhiều. Mọi thứ đang loạn xì ngầu! Thế nên hãy chuẩn bị tinh thần, thằng ranh. Chẳng còn “công nhân” hay “điếm thối” như trước, tất cả đều thành chó đói và chúng sẵn sàng chuyển nghề “móc cống” nếu cần. Lời khuyên cho chú mày đây: nếu không phải việc quan trọng thì đừng đụng vào lũ chó đói, chúng cắn đấy! Dứt lời, Chú Bự đưa biên lai và bảo Vô Phong lấy hàng sau một ngày. Vô Phong cần gấp trong ngày nên bảo lão làm nhanh hơn, đồng thời đưa thêm năm thùng vàng tiền bo. Lão hói cười hỉ hả: -Thằng này khá! Vậy ta sẽ khuyến mãi thêm tin tức. Mấy ngày nay, bọn đánh thuê kháo nhau có lũ “bốc mả” từ Đông Thổ sang. Nghe nói chúng phục vụ dòng họ Ẩn Lý Thị, một dòng họ lâu đời bên Diệp quốc. Chúng không can thiệp chiến trường hay chen ngang ai, chỉ đi từ vùng này đến vùng khác như đang tìm cái gì đó. Nếu lỡ chạm mặt chúng, hãy tránh xa ra! Lời khuyên chân thành đấy! -Bọn sát thủ từ Đông Thổ à? – Vô Phong nhíu mày – Sao ông ngại chúng thế?  Lão hói vạch áo may ô, chỉ vào vết sẹo lõm hoắm giữa bụng: -Ta từng đánh nhau với bọn “bốc mả”, hậu quả đây! Khi đó bộ ruột của ta xổ ra ngoài, phải hứng trong mũ và chạy về bệnh viện cách đấy hai mươi cây số. Thật may là Nữ Thần Tiên Tri còn thương ta và cho ta xưởng rèn để sống nốt phần đời còn lại. Đừng đùa với bọn Đông Thổ. Chúng là lũ “bốc mả” chuyên nghiệp nhất!  Nghe lão hói mô tả, Vô Phong lén nuốt nước bọt. Hắn uống hết ly rượu rồi từ biệt ông ta. Vừa bước đến thềm cửa, Chú Bự liền gọi hắn: -Còn một lời khuyên cuối cùng: đừng tin đứa đánh thuê nào. Ở giới này, bọn đánh thuê không thờ cây mẹ hay Nữ Thần Tiên Tri, chúng thờ tiền. Tin vào mình, đừng tin bất cứ ai kể cả Mi Kha. Hiểu chứ?  Vô Phong hơi khựng lại, tâm trí chợt nghĩ tới Si Giáng, tựa thể bản năng tự vệ đang mách bảo điều gì đó. Ngẫm nghĩ hồi lâu, hắn rời tiệm Lò Heo Quay đoạn bước vào bóng tối Băng Hóa thành. Đã năm giờ nhưng trời chưa sáng. Vả lại ở xứ tuyết, người ta ít khi nhìn thấy mặt trời. Ai đó nghi ngờ rằng trong những năm tháng này sẽ chẳng còn mặt trời trên lục địa Băng Thổ nữa. Vô Phong đến Băng Hóa thành một năm trước, năm 7517, chi tiết xem lại Quyển 3 Chương 68