Ngục Thánh
Chương 253 : Ngục Thánh ngoại truyện: Chuyện của hoa - Sơn trà
-Tháng 7 rồi, bên Diệp quốc đang hội hoa sơn trà nhỉ? Cô có định về Diệp quốc chơi mấy bữa không? Hôm trước tôi thấy cô cặp kè một khách hàng người Đông Thổ, thử gợi ý hắn xem?! Trông thằng chả mê cô lắm, rỉ tai nịnh nọt là hắn nghe ngay ấy mà! Cô vẫn hay kể cho tôi hội hoa bên ấy… này, nghe tôi nói không thế, Mục Á?
Tiếng gọi lẫn cái lay vai của Na Li Nã làm Mục Á sực tỉnh. Chậm chạp từng chút một, Mục Á lôi mình rời khỏi mặt bàn, tóc đen trượt xõa trên cái cổ đương âm ử tiếng mỏi mệt. Trông cô uể oải. Rồi cũng từ cái uể oải, cô lại chậm chạp ngả xuống bàn, áp má lên đôi tay xếp bằng, thả ánh mắt chạy nhảy trên bình hoa trà hoặc để các ngón tay đùa nghịch ngụp lặn trong suối tóc vàng óng của Na Li Nã. Nhưng tâm tư cô thì không thoải mái như vậy. Nó đang dạo qua những cung đường Diệp quốc, rẽ xuống nơi mà những tán cây sơn trà rợp màu đỏ, trắng hoặc vàng vươn ra từ sau hai dãy tường đá chạy dọc theo con dốc thoải. Những thiếu nữ người Diệp quốc tung tẩy chơi hội trên con dốc ấy, nài nỉ xin chủ nhà ít hoa đem về trước buổi trà chiều. Cùng là rong chơi nhưng không thoải mái, bởi ở đó Mục Á nhận ra vài người bạn cũ, vài góc phố quen thuộc, mấy người chủ nhà khó tính hay cậu bạn học năm nào. Và cả bước chân của mẹ. “Tháng 7 à? Ừ, đang mùa hoa sơn trà, chắc giờ này mở hội rồi. Người ta treo đèn lồng bên sông chưa? Trẻ con vẫn gấp hạc giấy chứ?” – Mục Á tự hỏi, ngón tay vô thức hết xoắn xít lại tẽ đôi như đang dựng lên khung cảnh Diệp quốc trên tóc Na Li Nã. Cô nhớ nhà.
Khách hàng chiều Mục Á, nghe cô ngọt nhạt mấy câu thì sang Diệp quốc chơi cả tháng cũng được. Nhưng so với nỗi nhớ nhà trong tiếng pháo hoa mừng năm mới, ký ức hội hoa sơn trà hẵng còn nhỏ nhoi lắm. Cô thấy chẳng đáng phải làm tình làm tội người ta. Vả chăng có nhớ nhiều hơn nữa thì Mục Á vẫn vậy, bởi cái nhìn mà cô dành cho thế giới đã thay đổi. Không còn là cửa sổ đón nắng đón gió, đôi mắt cô giờ phẳng lặng và rộng miên man, tựa mặt hồ phản chiếu hoa trà, những xoăn sóng óng ả của tóc Na Li Nã hay nỗi niềm xa quê hương cách xứ sở - nó in bóng mọi thứ nhưng lại không thấy đáy. Từng ảnh chiếu thân thuộc luôn đem lại cảm xúc cho Mục Á nhưng thay vì biểu lộ như xưa, cô để chúng chìm xuống rồi nằm yên dưới lòng hồ lãnh đạm. Cô ngoảnh sang hoa trà như muốn hỏi nó từ bao giờ mình trở nên thế này?
Hoa không biết trả lời Mục Á nhưng nó biết biểu lộ. Hoa trà kép cánh đỏ trĩu bông, giống thứ hoa mà cô tặng “người đó”. Đã hơn một năm sau ngày cô chia tay. Một năm… một năm… Mục Á cảm giác quãng thời gian ấy cứ mơ mơ hồ hồ. Hình như Đông Môn Cao Lầu xây dựng thêm cơ sở, hình như họ tuyển thêm lứa gái mới, hình như có khách hàng phàn nàn thái độ làm việc của cô, hình như cô bị ông chủ Cao Lầu quở trách… Nhiều cái “hình như” quá, Mục Á chẳng biết chuyện nào ra chuyện nào. Sau ngày chia tay, mọi thứ xung quanh cô đều nhòe đi, các tông màu rực rỡ thành ra mờ nhạt. Tâm trí cô tựa thể khối cao su bị kéo giãn thành sợi dài đằng đẵng, mảnh dính nhưng không đứt; nó võng xuống vì trĩu nặng những hình ảnh về chàng trai có mái tóc màu hổ phách cùng đôi mắt lam đậm. Nghĩ lại chuyện cũ, cô hối tiếc. Phụ nữ cứng cỏi nhưng hay hối tiếc, cô cũng vậy.
-Mấy con nhỏ đánh cô ngày trước, nhớ không? Chúng nó nghỉ hết rồi, đứa cuối cùng vừa biến khỏi đây hồi sáng. – Na Li Nã nói – Các Hạ Nga Chi sắp thanh lý hợp đồng. Họ quá tuổi, hết xinh đẹp, khách hàng hết hứng. Bố mì bảo họ xuống phục vụ khách thường, họ không chịu, vậy là ra đi thôi. Làm Hạ Nga Chi được chiều, được tặng quà, được ăn uống đẫy tễ, được du lịch, dự tiệc… sướng quen, không chịu được khố mà! Ủa, cô không để ý à? Giờ đám Hạ Nga Chi cũ chỉ còn tôi, cô và hai đứa nữa thôi!
Mục Á nhướn mày ngạc nhiên. Cô loáng thoáng nghe nhiều Hạ Nga Chi nghỉ làm nhưng không quan tâm, mãi khi Na Li Nã nói, cô mới sực tỉnh như vừa ngoi lên từ lòng hồ lãnh đạm. Tuổi đời Hạ Nga Chi ngắn, kéo dài cùng lắm bảy, tám năm và cũng chẳng mấy ai trụ được qua tuổi ba mươi tư. Một thoáng vô thức, Mục Á ngoảnh về chiếc gương đặt ở góc phòng. Cô nhận ra ảnh phản chiếu trong gương vẫn trẻ, vẫn đẹp nhưng các vết hằn thời gian đã xuất hiện đâu đó ở bọng mắt, đuôi mắt hay những tia máu mệt mỏi vằn quanh đồng tử. “Xấu đi rồi!” – Cô tự nhủ. Phụ nữ luôn cảm nhận được dòng chảy thời gian trên thể xác mình, không như đám đàn ông mê mải ước mơ quên ngày tháng.
Nhưng thể xác chỉ là phần nhỏ, Mục Á cảm giác cái gì đấy đang thay đổi. Ngoài Na Li Nã, cô chẳng thân thiết bất cứ ai tại Cao Lầu, mọi cuộc trò chuyện chỉ thoáng qua, mọi nụ cười chỉ lấy lệ, mọi câu chào hỏi chỉ cho phải phép lịch sự. Cô chẳng rộng lượng tới mức chào hỏi cả những kẻ từng đánh mình, chỉ là gạt bọn họ đến phần rìa của vòng tròn “tồn tại”. Trong vòng tròn đó, Mục Á đứng ở trung tâm, còn những gương mặt mà cô quen biết thì sắp xếp xung quanh, xa gần thế nào tùy theo mức độ cô yêu ghét họ. Nhưng họ đang biến mất, vòng tròn dần thu hẹp. Cô nhận ra ngay cả những kẻ gây nỗi đau cho mình cũng có giá trị riêng.
-Chắc cô còn làm Hạ Nga Chi lâu nữa. Tôi thì chịu! – Na Li Nã cười – Tôi cùng lắm chỉ thêm được một năm. Hai mươi tám tuổi rồi, già rồi, béo rồi! Dạo này khách toàn chê thôi!
Nói rồi cô nàng vén áo cho Mục Á trông thấy bụng mình. Mục Á sờ nắn cái bụng, ừ thì hơi ngấn mỡ nhưng còn lâu mới đến ngưỡng béo. Vả lại cái eo mà Na Li Nã tự cho là “béo” lại là ước mơ của Mục Á. Nhớ ngày trước, người đó thường nói anh thích Mục Á béo hơn một chút, cô cố ăn mãi mà không phính nổi cái ngấn mỡ này. Cô phì cười:
-Biết lấy cớ nhỉ?! Bà chị muốn ra khỏi Cao Lầu lắm rồi, đúng không? Người yêu chị, anh chàng béo đó chuẩn bị đủ tiền chưa?
“Chưa, nhưng sắp!” – Na Li Nã nói khẽ nhưng miệng cười tươi, hai má lúm đỏ hây hây. Mục Á biết cô ả tóc vàng vừa kiêu kỳ vừa kiêu ngạo, lắm lúc coi đàn ông như rơm rác, vậy mà lại hạnh phúc khi nói về một người đàn ông, hẳn cổ phải yêu anh ta lắm lắm. Mục Á chợt nhớ trong vòng tròn tồn tại của mình từng xuất hiện người gần tương tự thế, hồi còn ở Diệp quốc. Đó là một cô bạn học đỏng đảnh điệu đà, tính tình tiểu thư hơn cả tiểu thư đích thực như Mục Á. Cô luôn nói về mấy bộ váy áo đắt tiền, món ăn sang trọng và mơ về những anh chàng bảnh bao trong mộng thiếu nữ. Nhưng sau một lần theo chân Mục Á đi chơi hội hoa sơn trà, cô nàng kiêu kỳ đâm mê quà vặt, cái không khí đường phố chật ních người, mê luôn cả anh chàng chạy bàn quán ăn. Ngày rời Diệp quốc, Mục Á nhớ cô bạn nắm tay cậu chàng nọ tiễn mình đi, trông thật hạnh phúc. Cô tự hỏi giờ này liệu họ còn bên nhau? Liệu họ còn ghé thăm con phố nhỏ đông người trẩy hội? Có thể có mà cũng có thể không, thời gian lâu quá, chẳng ai biết trước điều gì. Cô chỉ nhớ trước lúc chia tay, người bạn ấy ôm cô thật chặt:
“Về sớm nhé Mục Á, khi nào cậu về, mình sẽ đãi cậu một bữa!”
Thời gian qua mau, lời từ biệt hay người bạn năm nào không còn trong vòng tròn tồn tại của Mục Á, tất cả đều trở thành quá khứ. Mục Á không nghĩ sẽ quay về Diệp quốc, cuộc đời cô đã gắn chặt ở Đông Môn Cao Lầu. Nhưng ngay cả Cao Lầu cũng thay đổi. Người cô ghét, kẻ cô yêu, cả người bạn thân nhất đang rời khỏi vòng tròn tồn tại của cô. Một thoáng qua đi, cô lùa tay vào mái tóc Na Li Nã và cố làm nó rối tung lên như một cách làm phiền, cũng như Na Li Nã hay làm phiền cô bằng cách ôm ấp hôn hít. Rồi hai người trêu chọc cười đùa nhau. Nó làm Mục Á nhớ lại người bạn thân thuở nào, cũng cười đùa như thế, cũng hay trêu chọc như thế. Cô buột miệng:
-Chị phải đãi tôi một bữa đấy. Đừng quên nhờ tôi mà chị mới kiếm được chàng béo đó!
-Một bữa thôi à? – Na Li Nã cười khanh khách – Từ giờ, mỗi tuần tôi sẽ đãi cô một lần. Quà vặt chợ trời, chịu không?
Mục Á gật đầu cười. Cô muốn ở bên Na Li Nã lâu hơn để dụi mặt thỏa thích vào mái tóc vàng óng ả của người bạn, thích làm phiền nhiều hơn. Nhưng gã bố mì bảo cô tiếp khách, một người theo đuổi Mục Á từ năm ngoái. Cô không thích vị khách này và luôn từ chối gặp gỡ bất kể anh ta cố gắng cỡ nào chăng nữa. Nhưng gã bố mì nói anh ta đã yêu cầu rất nhiều lần, Cao Lầu không thể từ chối mãi, hoặc là cô sẽ nghe ông chủ xạc một trận. Mục Á toan phản bác thì Na Li Nã cất lời:
-Trông anh ta thua xa chàng kiếm sĩ nhỉ? Cơ mà thử gặp xem, biết đâu cô sẽ thích. Chẳng phải cô từng nói với tôi như thế sao? Thử xem nào!
Mục Á thở dài, ngẫm nghĩ một lúc rồi nghe theo. Cô vì bạn nhiều hơn là vì sợ ông chủ Cao Lầu. Về phòng chờ đợi ít phút, rốt cục cô cũng thấy vị khách nọ. Anh ta nhỏ thó, tóc vàng rơm, kính cận trễ sống mũi, khác xa một trời một vực người mà cô từng yêu thương. Nhìn ngắm cô một lúc, anh chàng bẽn lẽn chìa tay:
-Tôi là Thát Khan, học viên trường Tinh Thấu Tổ! Em là Mục Á? Chào em!
…
Cuộc gặp với vị khách Thát Khan chẳng hay ho nhưng cũng không đến mức chán chường. Mục Á chỉ thấy lạ. Chưa vị khách nào nhìn cô như thế kể cả “người đó”. Cô biết trước khi nảy sinh tình yêu, “người đó” tìm đến cô vì muốn thể hiện bản tính đàn ông. Nhưng Thát Khan thật lạ, không hề giống bất cứ vị khách nào, không hề giống người cô từng yêu thương.
“Hoa không mùi nên chẳng phải hoa.” – Cô đã nói thế.
“Không, chỉ cần đẹp là đã thành hoa rồi!” – Và Thát Khan trả lời như vậy.
Lúc đó Mục Á thật sự bối rối. Nhưng nghĩ lại, cô bật cười vì mình ngốc nghếch, vì anh chàng Thát Khan ngây ngô. Lần mò trong đám khách hàng thì chẳng tìm được ai giống Thát Khan, cơ mà bên ngoài thì có.
Một ngày nọ, Mục Á đến cảng thuyền cạn lúc ba giờ sáng. Đã lâu cô chưa tới đây. Khu chợ cảng vẫn vậy, vẫn những nét quen thuộc như đám lái buôn kẹt sỉ người Xa Vịnh, từng bó hoa trà dờn sương sớm lẫn nước tưới nằm ngay ngắn trên sạp, tiếng cọt kẹt gỗ của thuyền cạn cập bến hoặc thả mình vào Đồng Gió. Nhưng với Mục Á, chợ cảng sẽ trống hoác nếu vắng bóng Ly Đốc. Vừa thấy cô, thằng nhóc mừng rỡ chạy đến thăm hỏi. Mục Á nhận ra Ly Đốc chẳng còn mấy dáng dấp trẻ con. Nó đã cao hơn cô, dần vạm vỡ như bao người đàn ông Băng Thổ khác. Nhưng ánh mắt mà cu cậu dành cho Mục Á chẳng hề thay đổi: đong đầy, trong veo, như hồ nước trông thấy đáy mà vẫn phản chiếu ánh nắng, như biểu cảm ngây ngốc nhất mà một gã đàn ông thể hiện trước cái đẹp. Như ngày đầu tiên hai người chạm mặt nhau. Như cái nhìn mà Thát Khan hướng về cô.
-Em sắp rời khỏi đây. – Ly Đốc hào hứng – Có một đội Đạo Chích Không Trung người Băng Thổ, họ nói sẽ đón em ngay khi quay lại Hoàng Hôn Cảng. Có thể nửa năm, có thể một năm nữa họ mới đến… nhưng chắc chắn là em sẽ đi.
-Vậy là sói con sắp rời hang rồi ha? – Cô cười – Nghe chừng nhóc tìm hiểu mọi thứ rồi nhỉ?
-Có chứ! – Ly Đốc gật gật như thể sắp bổ củi bằng cái trán dô của mình – Dạo này em hay dạo qua mấy nhà quý tộc, ghi chép mấy con quái vật của họ. Em biết vân cước, người Băng Thổ chúng ta gọi là “ngựa trời”, chúng chạy được trên mây…
Nghe thằng nhóc thao thao bất tuyệt về bầu trời hay đám quái vật ở lục địa Kim Ngân xa xôi, Mục Á vừa cười vừa vui. Nó đang viết nốt câu chuyện dang dở mà cô đã bỏ lại ở Diệp quốc. Một câu chuyện mà cô tự khởi xướng nhưng chẳng bao giờ thấy đoạn kết.
Hồi ấy Mục Á đã để tang mẹ ba năm. Mỗi chiều muộn, cô lại lang thang trên con dốc thoải rợp tán hoa trà. Thuở trước cô luôn tránh nơi này vì nó gợi quá nhiều ký ức về mẹ. Qua lại đây nhiều, Mục Á biết tất cả những cây trà cùng chủ nhân của chúng, còn cư dân con dốc thường bắt gặp một cô bé kiễng chân qua tường đá và say sưa ngắm hoa không biết chán. Rồi họ dần quen cô bé, thi thoảng cho cô ít hoa làm quà. Mục Á yêu con dốc lẫn con người ở đó, chỉ trừ căn nhà cuối phố. Nhà ấy có một thằng bé luôn khó chịu với Mục Á, nó nghĩ cô ngụy tạo vẻ dễ thương để vơ vét hết hoa trà nơi đây. “Đồ yêu tinh!” – Nó cứ gào lên nếu thấy cô. Mục Á tức lắm, bèn gọi thằng nhóc là “đồ quỷ con”. Vậy là ngoài ngắm hoa, cô lại mất ít thời gian để nhỏng cổ qua tường đá để cãi nhau với thằng bé. Ngày nào cũng chí chóe một trận mới thôi. Rồi thay vì đứng ở hiên nhà cãi nhau với cô, đứa nhỏ bước ra xa hơn, bắt đầu từ bậc thềm, khu vườn, cuối cùng là ngay sát tường đá. Tiếng cãi nhau thưa dần, thằng nhỏ bắt đầu nói về hoa, về vô số điều mà Mục Á chẳng hề biết. Đứa nhỏ tự mãn lắm, nó giành chiến thắng sau chuỗi ngày ê mặt vì bị cô trêu chọc chuyện chiều cao. Từ ấy, vòng tròn tồn tại của Mục Á có thêm người.
Nhưng một ngày kia cô không thấy đứa nhỏ nữa, nghe đâu nhà nó có tang. Tang gia xứ này lặng lẽ, nước mắt im lìm đọng dưới cằm, kín đáo rơi, con người cũng dần lạnh lẽo thu mình. Trò chuyện không đầu không cuối, cãi nhau là nhiều, rồi một trong hai người hậm hực bỏ về – giữa cô và “quỷ con” chỉ có vậy. Nhưng dăm bữa nửa tháng vắng bóng thằng bé, con dốc thoải trong mắt Mục Á như bức tranh ngấm nước, màu sắc bị loang ra, lõng bõng loảng lòe sao sao. Nhiều năm sau và tận bây giờ, cô vẫn không quên thứ màu nhợt nhạt dưới ánh chiều tà đó. Cô đồ rằng khi Ly Đốc rời đi, khu cảng này cũng khoác lên một tông màu tương tự.
-Liệu chúng ta có thể gặp nhau lần nữa không? – Ly Đốc gãi đầu – Tin em đi, lúc ấy em sẽ là Đạo Chích giỏi nhất!
Nhìn cậu nhóc, Mục Á bật cười. Dáng vẻ trông đợi lẫn ánh mắt Ly Đốc gợi nhớ chuyện cũ năm nào ở Diệp quốc. Vẫn con dốc thoải rợp tán hoa trà, một ngày nọ Mục Á chợt nhận ra “quỷ con”. Hai tháng không gặp, nom thằng bé rũ xuống như nhành cây con sống sót sau trận bão. Mục Á không gọi mà kiễng chân qua bờ tường, đứa nhóc trông thấy nhưng im lặng trở vào nhà. Mục Á không giận cũng không bỏ cuộc. Mỗi chiều cô đều vòng qua căn nhà cuối dốc, gọi thằng bé bằng sự im lặng lẫn cái nhìn trông chờ. Con trai thì nhanh cứng rắn, thằng bé xích về phía Mục Á theo lối cũ: từ hiên nhà, sân vườn, cuối cùng là bờ tường đá. Đứa nhóc đã cười trở lại nhưng không tranh cãi hay lớn giọng gọi “đồ yêu tinh” nữa, nó bắt đầu gọi Mục Á là “chị”. Con dốc thoải hoa trà mang sắc thái khác, tựa những mảng màu vốn bị loang ra trên bức tranh cũ nay cô đặc lại, tạo nên bức vẽ mới. Không sôi nổi như trước mà đằm hơn, thắm hơn, nhiều vệt đậm tâm tư nhưng vẫn trong trẻo những chuyện trẻ con giữa hè tháng 7.
Nhưng bức tranh mới chừng như không chịu nổi cái nắng gắt tháng 7. “Quỷ con” bảo rằng sắp theo gia đình chuyển đi nơi khác. Cũng giống Ly Đốc bấy giờ, đứa nhỏ huyên thuyên đủ thứ và háo hức chứng kiến thế giới mới. Mục Á chẳng biết nên buồn hay vui. Ở khía cạnh nào đấy, cô muốn thằng nhỏ ở lại và cùng nhau vẽ bức tranh trên con dốc này. Nhưng thời gian hay trái tim khát khao khám phá của đứa con trai chẳng chờ đợi cô. Một chiều kia, thằng nhóc gặp Mục Á nhưng thay vì trò chuyện bên bờ tường, nó liền nhảy qua thứ ngăn cách ấy – lần đầu tiên thằng nhóc làm vậy, và cũng lần đầu tiên nó tặng cô hoa sơn trà. Cô có mọi bông hoa trên con dốc thoải trừ hoa nhà “quỷ con”. Cô vẫn nhớ dáng điệu xấu hổ cùng giọng nói ngượng ngùng của thằng bé:
“Mai đi rồi, cho em ôm chị một lần, được không?”
Khi đó Mục Á thấy thật kỳ cục. “Đợi khi nào nhóc quay về đây, chị sẽ cho ôm!” – Cô từ chối khéo. Khi đó cô chưa đủ lớn để hiểu “quỷ con” nhìn mình như người chị ruột, cũng không thể hiểu người Diệp quốc bày tỏ cảm xúc khó khăn thế nào. Nhưng có vẻ “quỷ con” tin lời cô, nó từ biệt, không quên hẹn ngày về mà chẳng hề biết sau đấy ít lâu, cha Mục Á mất còn cô bắt đầu chuyến tha hương vô định. Liệu thằng bé có quay lại? Liệu nó còn nhớ hay đã quên? – Mục Á tự hỏi. Nếu có thể quay ngược thời gian, cô sẽ ôm “quỷ con” thật chặt và không quên gửi lời chúc phúc. Nhưng dang dở vẫn mãi là dang dở. Nghĩ tới đó, một lực đẩy đưa Mục Á trở về thực tại. Cô nghiêng đầu nhìn Ly Đốc:
-Nhóc muốn ôm chị không?
Ly Đốc nghe rõ, bởi nghe rõ nên nó không hỏi lại, gương mặt hết kinh ngạc lại bần thần. Mục Á tiếp lời:
-Có thể ngay ngày mai, các Đạo Chích sẽ đến đưa nhóc đi. Có thể hôm nay sẽ lần cuối chúng ta gặp nhau. Nên chị tạm biệt trước. Đã hú thì hú cho lớn nhé, sói con!
Nghe vậy, Ly Đốc gật đầu rồi ôm lấy cô. Cô cảm nhận được cánh tay rắn, mùi mồ hôi vương trên cổ cậu nhóc và cả tình cảm từ một người em trai. Cảm giác hẫng hụt dang dở năm xưa vơi bớt, vòng tròn tồn tại của Mục Á có thêm một người.
Đáp lại, Ly Đốc cũng chúc cô hạnh phúc. Thằng nhóc bảo cô phải kiếm được một anh chàng thánh sứ, một vị quý tộc giàu có hay một kiếm sĩ lừng lẫy danh tiếng. Các cậu trai luôn ngây thơ như vậy. Nhưng nghĩ lại, lời chúc phúc đó không thừa bởi Mục Á chẳng tìm đâu ra viễn cảnh tươi đẹp ở vị khách hàng Thát Khan. Tuy thuộc dòng dõi họ Thát nổi tiếng nhưng chẳng ai biết anh ta. Dăm lần trò chuyện, tự Thát Khan kể rằng không hề quan tâm chuyện kinh doanh của gia đình, bởi thế cha ghét anh và không muốn mọi người biết về anh. Anh ta nói mình đang nghiên cứu khoa học, theo đuổi mớ lý thuyết gì gì đó mà cô không thể hiểu. Một con mọt sách đúng nghĩa. Kinh nghiệm Hạ Nga Chi cho cô biết Thát Khan là kẻ ngây thơ mà nhà họ Thát lại có hai đứa con trai, quyền thừa kế sẽ chẳng bao giờ thuộc về anh ta. Vả lại gia đình họ Thát coi trọng thể diện như sinh mạng, nên chuyện cô rớ được mũi chân lên bậc thềm nhà đó đích thực là cổ tích.
Tệ hơn nữa là khi quay lại học viện, Thát Khan liên tục tấn công cô bằng thư tình. Anh ta đắm chìm sách vở quá lâu nên tỏ tình sách vở nốt, nghĩ rằng có thể làm xiêu lòng cô bằng chữ nghĩa sến sẩm. Mà ngay cả thư tình cũng không ra hồn. Chúng đầy vết tẩy xóa, toàn mấy thứ nghiên cứu đâu đâu như muốn gây ấn tượng với Mục Á. Cô nhận ra anh ta thích số “7” và thích nói về nó. Chưa bao giờ Mục Á đọc trọn một bức thư. Cô luôn vò nhàu chúng rồi giấu vào ngăn kéo như sợ ai tìm được; Na Li Nã mà thấy chắc cười cả ngày. Mục Á không quan trọng địa vị gia sản, cũng không bận tâm chuyện Thát Khan nhỏ thó, gương mặt chẳng lấy gì đẹp đẽ hay ít hơn cô hai tuổi. Nhưng cô không thể gắn bó cùng một anh chàng ngây thơ. Đàn bà thiên sinh dại khờ, theo chân một gã khờ dại chẳng khác nào gánh thêm nợ đời. Nhưng xung quanh Mục Á giờ toàn kẻ ham muốn chiếm đoạt dục tình, chẳng ai yêu cô như “người đó”. Bản thân Mục Á đã chán trò đưa đẩy, thành thử cô đành bám Thát Khan như bến đỗ tạm thời.
Những phiền lòng về Thát Khan quấn chân cô suốt tháng 7, lấn qua những ký ức hội hoa sơn trà, lẽo đẽo theo cô sang cả mùa đông. Mỗi bận như thế, cô tìm sự yên thân ở khu bán hoa chợ trời. Hồi mới đặt chân đến Hoàng Hôn Cảng, cô thường xuyên lui tới đây và dự định mở cửa hàng. Một góc nhỏ, một sạp gỗ bày biện hoa trà đủ màu, một dàn treo những chậu trổ hoa sơn trà nhỏ nhắn, một chỗ ngồi ngắm thế giới nổi trôi giữa dòng chảy thời gian, thế là đủ. Cô đã ao ước vậy. Dự định bất thành, Mục Á vẫn ghé thăm khu chợ cho khỏi quên giấc mơ nhỏ bé năm nào. Cô nhớ mặt từng người bán hàng, biết tính họ, biết ai đến ai đi, biết nơi đâu mua rẻ nhất, biết chỗ nào mua hoa đẹp nhất. Nhưng sau một năm, khu chợ thay đổi ít nhiều so với trí nhớ của Mục Á. Người ta đã dựng cổng chào lớn thật lớn trước cổng chợ, rồi từ đâu chuồi ra vô số biển hiệu rực rỡ mà trước đây cô không hề thấy, nhiều cửa tiệm đẹp đẽ bóng bẩy mọc lên lấn át những gian sạp lụp xụp. Choáng ngợp trước những thay đổi, Mục Á dáo dác tìm cửa hàng mà cô hay ghé thăm. Cửa hàng đó dựng bằng vải bạt rách, nóc thủng lỗ rỗ lọt cả tuyết; bà chủ người Xa Vịnh quốc già khoặm, khó tính, hay càu nhàu, thi thoảng nạt Mục Á vì cô mặc cả từng đồng. Nhưng bà già bán toàn hoa đẹp, có cả giống sơn trà đẹp hơn cả sơn trà bên Diệp quốc. Mục Á lần tìm khắp chợ, tưởng chừng cửa hàng đã dẹp thì bỗng vang lên tiếng gọi sền sệt phương ngữ miền tây bắc Băng Thổ:
-Đi đâu thế, con nhỏ cao kều?! Bộ “mầy” không thấy “tau” à? Lâu không thấy mầy ra đây, tưởng đi đâu chứ?
Nghe tiếng, Mục Á ngoảnh lại và thấy người cần tìm. Dáng người lùn tịt đắp cả tấn quần áo sặc sỡ lòng thòng dây nhợ, tay cầm tẩu thuốc nghi ngút khói, bộ nhá rụng gần hết răng – bà chủ hàng vẫn vậy. Thấy Mục Á nhăn mặt vì khói thuốc, bà già vội dập đi, hàm móm nguýt dài:
-Đây, đây, khó tính quá! Tau chịu mầy rồi! Này, có hoa trà mới đấy, tau vừa lấy về tuần trước, có mùi nữa, thơm lắm! Thử không?
Nhiếc móc câu trước rồi đon đả câu sau là bản sắc của bà già, Mục Á chẳng lạ. Cô chỉ háo hức với giống hoa mới. Hoa trà xưa nay đẹp nhưng không mùi, giờ có thêm hương thơm hẳn sẽ tuyệt vời hơn. Người trồng phải tốn nhiều công sức mới nhân được giống này. Từng bó hoa bọc trong lớp giấy trắng được đưa ra, nằm gọn trong tay Mục Á, thoảng lên thứ hương thơm trong lành, tinh sạch và thuần khiết. Cô lập tức yêu ngay loài hoa mới. Nó giống một nàng tiểu thư được chăm bẵm, nuôi nấng cầu kỳ từ tấm bé, để khi lớn lên trở thành tạo vật được tất cả yêu quý. Nhưng vừa chớm nghĩ điều đó, Mục Á đột nhiên cảm thấy xa cách. Cô nhận ra mình chỉ hợp với những đóa trà không mùi mọc lên hoang dại. Thứ hoa này… cô yêu nó nhưng không có cảm giác thân quen. Cô trả bó hoa về chỗ cũ rồi hẹn mua dịp khác. Bà chủ già làu nhàu, tay khua khua tẩu thuốc:
-Vẫn thích hoa cũ hơn à? Ây dà… con bé cao kều này! Tau tưởng trẻ thì phải thích cái gì mới mới chứ? Sao lại cổ hủ như đám già thế?
Hoa mới được giá mà Mục Á không mua, bà chủ nguýt dài phật ý, chẳng thèm giấu giếm. Lát sau bà lại mang những bó hoa đẹp nhất cho Mục Á, giảng giải hoa kiểu này đẹp, hoa kiểu kia xấu. Mục Á sống cùng hoa trà từ bé, tường tận nó hơn cả lòng bàn tay nhưng bà già chẳng coi chuyện ấy vào đâu. “Còn bé lắm, con bé cao kều, mầy chẳng hiểu gì đâu!” – Bà già hay lên lớp Mục Á như thế, gần giống bà ngoại cô. Hồi cha trở lại làm Đạo Chích Không Trung, cô đến sống cùng ông bà ngoại. Bà ngoại nghiêm khắc, chẳng chiều Mục Á như mẹ. Bà hay mắng cô vì tội nghịch ngợm chẳng ra dáng tiểu thư quý tộc, đôi khi bắt cô quỳ gối hàng giờ do làm hỏng cái này đổ cái kia. Thuở ấy Mục Á hậu đậu thành tật, bình trà lọ hoa trong nhà vỡ suốt, lắm bận chẳng còn thứ gì để đựng bó hoa bà mới mua. Cô quỳ gối nghe bà nhiếc móc thường xuyên. Dạo ấy bà cất hết đồ dễ vỡ vì sợ cô phá nốt bình trà mà hoàng đế Diệp quốc tặng ông ngoại. “Mục Ngỗ Ngược” – bà hay gọi cô thế thay vì Mục Ngỗ Á. Hồi đó cô hay ghét bà ngoại. Người già lằn nhằn nhiều, trẻ con dễ khó chịu. Bà chủ hàng hoa bây giờ cũng vậy, toàn nhắc đi nhắc lại những thứ Mục Á đã biết:
-Cắm thế này này! Đừng để chúng ríu lại, giống sơn trà này dễ rụng hoa lắm, cẩn thận vào! Làm theo tau nè!
Nói rồi bà già mạnh bạo nắm tay Mục Á, điều khiển ngón tay cô chăm chút từng cành hoa, chẳng thèm để tâm cô khó chịu hay không. Người Xa Vịnh vẫn hoang dã bản năng như thế. Cô thực tình không thích lắm, bất quá lớp da nhăn nheo của bà chủ hàng nhắc cô về bà ngoại. Ngày cô còn ở Diệp quốc cũng là lúc bàn tay bà ngoại bắt đầu già cỗi. Cô nhớ rõ bàn tay ấy có bao nhiêu chấm đồi mồi bởi cô ngủ cùng bà, đợi bà ngủ thì cô nằm đếm như thú vui. Và bởi bà thường nắm tay Mục Á dạy cách cắm hoa, cô không để ý hoa mà ngắm nghía tay bà nhiều hơn. Khi ấy giọng bà ngoại cũng dịu dàng như mẹ:
“Học cắm hoa, con sẽ cẩn thận hơn. Bà chẳng còn cái bình nào nữa đâu, Mục Ngỗ Ngược, nhà này bị con phá chanh bành rồi!”
Cô bé Mục Á nhe răng cười khì khì, bà ngoại cười theo. Thành thử nỗi ghét bà của cô tồn tại giỏi lắm được nửa ngày, ào cái đến lại ào cái đi ngay. Mỗi sáng bà phải thấy cô trước tiên, mỗi chiều dạy cô nhiều điều, mỗi tối giúp cô chải tóc trong khi cô có thể tự làm. Mà mãi sau này Mục Á mới hiểu bà làm thế cho vơi nỗi buồn mất con gái. Bà ngoại nhớ mẹ Mục Á hơn cả cô, chỉ là người già biểu hiện khác con trẻ. Nhớ chuyện quá khứ, Mục Á bỗng để tâm bà chủ hàng hoa hiện tại. Bà già ở khu chợ quanh năm suốt tháng, chưa từng đóng cửa hàng dù chỉ một ngày. Mục Á hỏi:
-Bà không về thăm Xa Vịnh quốc sao? Con không thấy bà nghỉ bán bao giờ?!
Bà già nghe vậy thì nhăn nhó, bộ hàm móm rít phì phì khó chịu. Mục Á lảng đi coi như mình lỡ mồm. Bà chủ hàng gõ gõ cái tẩu, nhồi dúm thuốc mới, hút một chặp rồi đột nhiên nói:
-Còn ai mà về? Nhà tau được bốn mống đàn ông thì chết cả bốn, ba thằng con trai tau đẻ ra và cha chúng nó. Chết lâu rồi, hồi chiến tranh tài nguyên. Bọn đàn ông luôn giành hết phần ngu mà! Giờ tau về đấy chơi với ai? Với ma chắc?
Dứt lời, bà già cười hề hề, cười nhiều tới độ ho sặc sụa khói. Mục Á im lặng. Bà chủ hàng tiếp lời:
-Thực ra tau cũng muốn về. Nhưng đến tuổi tiền thuốc nhiều hơn tiền ăn rồi mầy ạ, lết ra ga tàu cũng bở hơi tai, tới được Xa Vịnh quốc thì tau cũng tắt thở luôn!
Mục Á mỉm cười. Bà già ho sặc chặp nữa đoạn bảo cô tự chọn hoa. Sắp tới giờ uống thuốc, bà cần ăn lót dạ. Lát sau cô nghe thấy tiếng nồi súp sôi sủi quẩn quanh tai như tiếng gọi của bà ngoại năm nào. Cuối buổi trà chiều, bà ngoại luôn gọi Mục Á ra hiên nhà, ôm cô vào lòng rồi cùng ăn món bánh dẻo truyền thống của người Diệp quốc. Cô thích như thế, bà kể mẹ cô hồi bé cũng thích vậy. Chẳng hiểu tại sao. Có thể vì món bánh ngon, có thể vì khung cảnh chiều tà Diệp quốc thường ruộm vàng chân trời lẫn những pháo đài khổng lồ kết bằng mây trắng. Trẻ con chỉ cần thế là vui. Hay vì một lý do nào mà cô bé nhỏ tuổi Mục Á hồi ấy chưa thể hiểu. Cô bé hỏi:
“Con thích ngồi đây lắm. Nhưng tại sao vậy, bà ơi?”
“Vì chẳng ai thích ăn một mình đâu, con à!” – Bà trả lời.
Trời chiều Diệp quốc của quá khứ lộng gió thổi Mục Á về thực tại. Cô rảo quanh sạp lẫn giàn treo, song lựa mãi chẳng chọn được bó hoa ưng ý. Tâm trí cô không dành cho những sắc màu rực rỡ mà hướng ra phía cửa, bà chủ già đang ngồi đó, co ro ăn, co ro ánh mắt trong trời đông, co ro lật từng tấm rèm tuyết tìm về khoảnh trời tây bắc. Bà chủ già nói đúng, Mục Á chẳng hiểu hoa trà nhiều như cô tưởng. Cô bèn gọi:
-Bà nấu ngon vậy? Cho con ăn với!
Bà chủ già nhìn cô như nhìn sinh vật lạ rồi cắm cúi ăn tiếp, coi như không nghe thấy. Mục Á gọi lần nữa, bà già ngần ngừ một lúc thì lọm khọm đứng dậy, lọm khọm vào bếp, sau lọm khọm bê ra bát súp cho cô. Súp loảng tòe, vị hơi nhạt nhẽo nhưng cô vẫn ăn. Cô thích hơi nóng của nó, thích cái ấm áp “hai người”. Một cách vô thức, bà già ngoảnh vào trong thay vì trông ra trời tuyết, ngó nghiêng khắp cửa hàng, săm soi từng thứ cốt che đậy ánh mắt tò mò đang dồn về Mục Á. Bị cô bắt gặp, bà già nhấm nhẳn:
-Tau tính tiền đấy, không miễn phí đâu, con bé cao kều!
-Ừ thì trả, có sao đâu? – Mục Á cười.
“Ừ thì trả, có sao đâu!” – Bà già nhại lời cô và ăn tiếp, vừa ăn vừa lườm. Rồi bà hỏi cô mấy thứ linh tinh hay mấy chuyện phù phiếm vặt vãnh kiểu phụ nữ. Gian hàng nhỏ trong đông tuyết có thêm tiếng xì xụp cười nói. Mục Á cảm nhận vòng tròn tồn tại của mình có thêm một người nữa. Đang ăn, bà già nguýt dài:
-Mầy mua bó nào để tau còn bọc lại? Mà vẫn không chịu mua hoa mới à? Con bé này… mầy toàn mua rẻ của tau, mua đắt một lần không được chắc? Đổi mới đi, cứ khư khư mấy thứ cũ làm gì? Sống mãi trong quá khứ không tốt đâu, con gái! Mua hoa mới, nhé? Tau giảm giá!
Rốt cục thì Mục Á đem về bó sơn trà thoảng hương thơm để chiều ý bà già. Ban đầu cô không thích nhưng ngắm mãi thành quen, dần chấp nhận thứ hoa trà có mùi hương. Cô nghĩ giá mọi thứ đều đơn giản vậy thì hay biết mấy. Mua bán, trả tiền, thi thoảng đổi sang cái mới cho cuộc sống thêm sắc màu, khỏi lăn tăn nghĩ ngợi. Cô thử mường tượng Thát Khan giống một thứ hoa lạ lẫm, chưa từng thấy bao giờ và khiến người ta e dè, nhưng nếu tiếp xúc đủ lâu, ta có thể chấp nhận nó như một phần thế giới, một phần đời mình. Có lẽ nào chăng? Mục Á đã nghĩ vậy khi đọc mấy bức thư từ Thát Khan. Trong một lần viết thư trả lời, cô đồng ý làm bạn gái anh.
Mục Á chợt nhận ra từ ngày Thát Khan xuất hiện, cô đã lấy lại cảm giác thời gian dù hơi bất đắc dĩ.
Tháng 12, Thát Khan nghỉ đông. Anh ta rủ Mục Á đi chơi nhưng không tự quyết, nghĩa là Mục Á muốn đi đâu thì anh ta theo đó. Một con mọt sách ngày ngày trườn mình quanh chữ nghĩa gặm nhấm giấy bút, cố nhiên chẳng biết chỗ ăn chỗ chơi. Chẳng hiểu sao anh ta mò được tới Đông Môn Cao Lầu? Mục Á thở dài. Cô rủ đi nhà hàng sang trọng, đồ ăn giá trên trời, anh ta cũng ừ. Dăm hôm sau cô đòi đi chơi chợ trời, tản bộ vô thưởng vô phạt, anh ta cũng gật. Cô bảo mình cần yên tĩnh lúc tản bộ, anh ta cũng đồng ý nốt, cả buổi không thốt nổi câu nào. Sao ngốc quá hả Vạn Thế ơi? Chỉ như thế mà đòi Hạ Nga Chi xiêu lòng thì sinh ra Hạ Nga Chi làm gì? – Mục Á ngửa mặt than khổ. Lúc cô cần Thát Khan ra dáng đàn ông nhất thì anh chàng đần thối, bảo sao nghe vậy. May cho Thát Khan là gặp cô, chứ gặp Na Li Nã hay mấy ả kiêu kỳ khác, anh chàng không muối mặt cũng cạn sạch túi. Tính đi tính lại, cô quyết định dứt điểm với Thát Khan.
Cơ mà cuối tháng 12 không phải dịp tốt để nói chia tay. Mấy lời phũ phàng trong năm mới, đợt lễ hội hay ngày trọng đại luôn có sức công phá mãnh liệt, thành trì còn sập huống hồ trái tim con người. Mà nhất là đám đàn ông. Mục Á chưa quên vụ “người đó” phá nát nửa Cao Lầu nên rút kinh nghiệm. Cô chỉ biết Thát Khan là chàng khờ chứ chưa rõ anh ta có máu điên hay không, ngộ nhỡ đụng trúng gã khùng núp vẻ trí thức thì mệt. Thành thử cô vẫn cùng Thát Khan xem pháo hoa năm mới, dạo quanh chợ trời ken đặc chân người lẫn ánh đèn nhiều màu sắc, ăn mấy món quà vặt, tán gẫu dăm câu cho xong chuyện. Đi bên Thát Khan nhưng cô chẳng để ý anh ta mà nhớ “người đó” nhiều hơn. Ngày nào cũng thế, Mục Á đâm chán, nhếch môi cười với Thát Khan cũng là cả nỗ lực tột bậc.
Nhưng thế giới lắm điều kỳ lạ. Vào lúc cô chán nhất, nản nhất, thậm chí sắp buột miệng buông lời băng giá thì Thát Khan lên tiếng:
-Tôi cứ nghĩ em sẽ đi xem nhạc kịch, nhưng hình như em không thích, nhỉ? Chuyện gì đấy không vui, phải chứ?
Mục Á ngạc nhiên đoạn quay sang anh chàng. Bắt gặp ánh mắt dò xét của cô, Thát Khan gãi đầu cười gượng:
-À… chắc Mục Á không biết nhưng tôi thấy em cách đây lâu rồi, ở bữa tiệc hoàng cung Băng Hóa quốc. Cha tôi được hoàng đế Băng Hóa mời, tôi cũng đi theo. Em nhảy đẹp lắm!
Thát Khan kể rằng ngày đó vì quá ấn tượng trước dáng vẻ của Mục Á nên tra hỏi thông tin của cô bằng được. Tìm được rồi, anh chàng bắt đầu theo đuổi Mục Á trong im lặng, thậm chí không từ bỏ hy vọng cả khi cô gần như chắc chắn thuộc về người khác. Mục Á nín cười, hóa ra Thát Khan liên tục đòi gặp cô từ năm ngoái đến giờ là có lý do. Dường như mọi sự ngốc nghếch khờ dại trên thế giới đều tập trung về anh chàng. Nhưng chẳng hiểu sao nỗi chán chường trong Mục Á tạm vơi. Dù gì anh ta cũng khá tinh mắt khi biết cô ghét xem nhạc kịch. Trông lù đù thế mà ghê gớm nhỉ?! – Cô nghĩ thầm.
-Biết tôi làm gái mà vẫn xán vào? Hay anh muốn đùa giỡn tôi? – Mục Á liếc xéo – Cẩn thận nhé, Hạ Nga Chi đùa bỡn người khác thì được chứ không có chuyện ngược lại. Anh biết luật giới này rồi đấy! Ngay cả họ Thát cũng không ngoại lệ.
Thát Khan lắc đầu:
-Tôi không có ý đó. Tôi yêu em thật đấy!
Mục Á bụm miệng không dám cười to. Chưa vị khách nào hay kể cả “người đó” buột miệng nói lời yêu cô nhanh như vậy. Chàng khờ chẳng hề biết một khi bày tỏ thái độ quá sớm, anh ta sẽ ở cửa dưới và bị Hạ Nga Chi quay như chong chóng trước khi đón nhận sự thật cay đắng. Mục Á hỏi:
-Kể cả khi tôi là Sukka?
Thát Khan hít một hơi sâu. Anh ngửa mặt, cặp kính cận phản quang ánh đèn, vóc dáng nhỏ thó bỗng chốc cao hơn Mục Á, cao hơn mọi con người trên phố sá và rướn đến tận những chấm sao xa xăm trên vòm trời đêm:
-Cũng chỉ là một cái tên, một định nghĩa, một quy chuẩn do thế giới Tâm Mộng sắp đặt. – Anh trầm ngâm – Thánh sứ phụ thuộc những kim loại gọi là “quang tố”, nhờ quang tố, họ đúc nên những đôi cánh đẹp đẽ, những thánh giới đầy sức mạnh. Nhưng quang tố có gân đỏ bởi nó ngấm máu người. Người ta hay nói mỏ quang tố độc vì trong mỏ có nhiều phản ứng phép thuật, người khai thác dễ mất mạng. Nhưng tôi nghĩ đó là vì thế giới này bắt họ phải chết, bắt họ phải hiến dâng sinh mạng để quang tố thành hình. Vậy xét ra thánh sứ chẳng đẹp đẽ gì, đúng không? Kiếm sĩ, pháp sư, những chiến binh hùng mạnh, họ nổi tiếng, họ có danh vị nhưng là đứng trên xác người. Vậy xét ra họ cũng chẳng đẹp đẽ, chưa kể tay họ đầy tội ác. Thế giới Tâm Mộng đẹp đẽ, nhưng còn đó lịch sử đẫm máu thời phi cơ giới, thế giới này xét mặt nào đó chẳng đẹp. Vậy so ra tất cả, chữ “Sukka” của em chẳng đáng gì, bởi sâu trong em là cái đẹp. Vì cái đẹp ấy nên tôi say mê.
Mục Á dừng bước như để tiêu hóa hết lời Thát Khan, cảm giác có thứ vướng vướng ở cổ không nuốt được. Dù vậy Mục Á chưa đến nỗi bị ngợp, cô nhíu mày:
-Trong mắt anh, mọi thứ đều xấu?
-Tôi thích truy tìm cội nguồn vấn đề. – Thát Khan gãi đầu cười – Nhưng không phải cội nguồn, mà con đường tìm tới cội nguồn mới có ý nghĩa. Bởi vậy tôi vẫn say mê chuyện kiếm sĩ, chuyện về những con người đưa lục địa này thoát khỏi kiếp nô lệ. Thế giới Tâm Mộng vẫn đẹp, bởi vậy tôi mới say mê Mục Á. Tôi muốn cảm nhận thế giới của em, nhưng có vẻ em phức tạp quá, tôi chưa phân tích được.
Tới đây thì Mục Á không thể hiểu Thát Khan nói gì. Cô không chắc anh chàng thật sự thông minh hay điên khùng, hay đứng ở ranh giới chơi vơi giữa hai khái niệm. Nó gợi cô nhớ về một người… Không phải chứ? – Cô thảng thốt trong lòng và cố quên đi ý nghĩ điên khùng nọ. Thát Khan chìa tay tỏ ý muốn dắt cô đi, cô lắc đầu từ chối, anh chàng cười xòa chẳng nài thêm. Sau rốt anh ta vẫn là chàng khờ.
Nhưng đêm ấy Mục Á trằn trọc không ngủ nổi. Quả thực Thát Khan gợi cô nhớ về một người. Có chút giống. Có chút tương đồng. Nhưng chắc chỉ là trùng hợp như muôn vàn trùng hợp giữa thế giới này.
Dù vậy cô chẳng bận tâm Thát Khan quá lâu. Hết đợt nghỉ lễ, Thát Khan trở lại học viện và tiếp tục tra tấn cô bằng thư tình. Vẫn vò nhàu, vẫn giấu vào chỗ kín đáo nhưng Mục Á đọc thư kĩ càng hơn, tránh việc nhỡ anh ta hỏi mà cô ù ù cạc cạc không biết gì. Một Hạ Nga Chi phải có tác phong chuyên nghiệp. Anh chàng mọt sách khoe mình đang tham gia một dự án cùng vị giáo sư danh tiếng của học viện. Đủ thứ ngôn ngữ trên trời dưới biển, chẳng chữ nào ở mặt đất để Mục Á hiểu, mà trong đó lại nhồi nhét hàng đống câu từ lãng mạn quá thể, cô thậm chí phải ôm mặt vì ngượng thay cho anh chàng. Thư tháng 2 sến rện, thư tháng 3 khó hiểu, thư tháng 4 rặt đống ký tự số má thách thức trí khôn loài người. Đủ rồi! Thế là đủ rồi! – Mục Á giơ tay đầu hàng. Gần đây cô có một khách hàng người Hoa Thổ, anh ta trẻ tuổi, giàu có mà cũng nhiều thành ý. Người này tất nhiên còn lâu mới sánh bằng con chim ưng tuyết họ Xuy Hạ nhưng tốt hơn chàng khờ Thát Khan gấp vạn. Tha hương chìm nổi bấy lâu, Mục Á đã mệt, cô cần chốn nghỉ ngơi. Mà Thát Khan lại chẳng cho cô cảm giác an toàn.
Cô đem chuyện kể cho Na Li Nã. Cô giấu thư của Thát Khan nhưng hình dạng chúng thế nào hay nội dung ra sao, cô kể tuốt tuột. Đêm chợ trời, Na Li Nã đãi cô như đã hứa, còn cô vừa ăn vừa bày tỏ nỗi bức xúc. Cô ả tóc vàng nhướn mắt ranh mãnh:
-Hình như cô nói về anh ta hơi nhiều, hi hi! Được rồi, tóm lại là cô muốn chấm dứt chứ gì? Nhưng thử cho anh ta thêm cơ hội cuối cùng xem? Anh ta rủ cô đến học viện chơi hả? Thì cứ đi, coi như lần cuối vậy!
Mục Á chép miệng thở dài, nội tâm đấu tranh dữ dội. Cuối cùng lý trí của cô chịu thua, mà thua cái phần “nể bạn” chứ không phải thua trái tim. Trái tim cô chẳng có chút nào dành cho Thát Khan. Tháng 5 năm 7505, Mục Á tới học viện thăm chàng khờ.
Nơi Thát Khan theo học là học viện Tinh Thấu Tổ nằm tại Bình Di quốc, một ngôi trường nhà giàu nổi tiếng ở Băng Thổ. Mục Á đã chán càng thêm nản bởi ngôi trường đầy rẫy những anh chàng quý tộc đẹp trai, phong độ và quan trọng là không ai khờ dại. Đến đây, cô phát hiện Thát Khan chẳng có mấy bạn, trái hẳn cái tuổi bù khú trác táng mà đáng lẽ bất cứ gã đàn ông nào cũng phải có. Ở trường nhà giàu, việc này càng quan trọng bởi những mối quan hệ hiện tại sẽ ảnh hưởng rất nhiều trong tương lai. Nhớ lại “người đó” có thể đưa cô đi bất cứ nơi đâu, biến mọi giấc mơ thiếu nữ thành sự thật là bởi anh có bạn, rất nhiều bạn. Còn Thát Khan? Cô nhận ra mọi người dành cho anh chàng rất nhiều cái nhìn: nghi ngờ, khinh thường hoặc giễu cợt; mà cũng lẫn đâu đó là khâm phục, ngưỡng mộ và coi trọng. Cô xác định Thát Khan quá phức tạp, không phải người nên gắn bó lâu dài.
Chiều cùng ngày, Thát Khan rủ cô đến căng tin trường, nghe đâu bàn việc với gia sư. Thát Khan nói mình không thỏa mãn với kiến thức ở trường, anh học từ người gia sư nhiều hơn. Mục Á không quan tâm lắm, cô chỉ chăm chú đám học viên đẹp trai. Suốt buổi Thát Khan gợi ý chuyện trò tựa thể thế giới trong mắt anh chỉ có Mục Á nhưng cô bàng quan. Đằng nào mấy hôm nữa cô sẽ nói lời chia tay, vậy nên anh ta làm gì lúc này chẳng quan trọng. Đương nghĩ ngợi vẩn vơ, Mục Á chợt thấy người gia sư xuất hiện. Ông ta dường như đã phẫu thuật thẩm mỹ, bộ mặt hằn đầy nét phi tự nhiên, nhất là nụ cười. Thát Khan đứng dậy bắt tay người gia sư, giới thiệu hai bên rồi vào việc. Anh liến thoắng:
-Chuyện hôm trước, tôi đã thử, thầy xem thế nào? Hệ thống vòng lặp không ổn. Vòng 4, Vòng 8, Vòng 10 không xuất hiện. Còn “117” nữa, thầy chắc nó có thật không?
Vừa nói Thát Khan vừa lôi ra giấy bút sách vở. Câu chuyện của anh ta đầy rẫy số 7, những thứ gì đó về tiến hóa, về tế bào bảy mạch, chưa kể làm người nghe phát bực vì phát hiện thế giới có quá nhiều điều mà họ chưa hiểu. Nhưng đó chưa phải tất cả. Trước mắt Thát Khan chỉ còn nghiên cứu, công thức số má lẫn ước mơ xa xôi mà anh theo đuổi. Trong cái nhìn ấy không hề có Mục Á. Một chút cũng không. Cô chợt hiểu mình bị gạt ra rìa kể từ lúc người gia sư xuất hiện. Mà ngay cả ông gia sư cũng thi thoảng ngẩng đầu nhìn cô, nhưng Thát Khan thì không, tuyệt đối không. Cảm giác ấm ức chợt dấy lên trong Mục Á, cô gõ gõ ngón tay hòng thu hút Thát Khan nhưng anh chàng chẳng bận tâm. Lúc đó Mục Á buộc phải thừa nhận anh rất giống một người. Giống đến khó tin.
Cuối buổi, ông gia sư tạm biệt hai người còn Thát Khan vẫn ở lại nghiền ngẫm giấy tờ. Mục Á đồ rằng anh chàng đã quên mất cô. Anh dán mắt vào sách vở tới chập tối và cả lúc đứng dậy ra về. Nhưng anh một tay cầm sách, tay kia lại nắm lấy Mục Á dắt đi. Cô há hốc miệng, cảm giác mình như vật trang trí trên bước đường của anh. Thát Khan không về nghỉ ngơi mà đến phòng thí nghiệm học viện. Anh mở cửa khu thí nghiệm, mở ra trước mắt Mục Á một thế giới lạ lùng đầy máy móc kỳ lạ. Thát Khan gãi đầu:
-Tôi cần làm việc bây giờ. Xin lỗi, không đưa Mục Á đi chơi được. Để ngày mai nhé? Đây là dự án của trường, tôi từng nói với em rồi, nhớ không?
Là dự án mà anh nói trong thư. Mục Á hỏi:
-Anh nghiên cứu gì thế?
-Cải thiện bộ phận cơ sinh học. – Anh trả lời – Chắc em biết bây giờ người ta thường dùng bộ phận cơ sinh học thay thế phần cơ thể bị hỏng. Nhưng phương pháp này chưa áp dụng rộng rãi vì chi phí đắt, thứ nữa là phản ứng xung khắc giữa cơ thể và bộ phận cơ sinh học, nhất là nội tạng. Tỉ lệ nảy sinh phản ứng xung khắc cao, nhiều rủi ro. Nếu dự án này thành công, chúng ta không phải lo nữa!
Mục Á im lặng. Không phải cô không hiểu điều anh nói. Vấn đề là anh quá giống một người, giống đến nỗi cô chỉ biết im lặng để áp chế từng cơn chộn rộn nơi lồng ngực. Cô kiếm một chỗ ngồi trong khu thí nghiệm, đủ xa cho đỡ vướng tay chân Thát Khan mà cũng đủ gần để thấy rõ anh làm việc. Ở ngoài anh lù đù ít nói, mà đã nói thì toàn lời khó hiểu. Anh chẳng biết nhiều chỗ vui chơi và luôn khiến người khác mỏi mệt vì mình. Anh thật bình thường, thậm chí gần chạm tới ngưỡng “tầm thường”. Nhưng ở đây anh hoàn toàn khác. Máy móc, ống nghiệm, các mẫu vật phẩm, hàng đống công thức chi chít khắp bảng kính – tất cả đều nằm yên hoặc vận hành theo ý muốn của anh, cả khu thí nghiệm bừng lên những làn sóng sinh mệnh, tựa thể Thát Khan là đấng sáng tạo của thế giới này. Mục Á chẳng hiểu Thát Khan nghiên cứu tới đâu, cơ mà nhìn anh phấn khởi viết lách ghi chép, cô đoán anh đã gần tới đích. Mục Á vui cho anh, cũng giận anh mải làm mà quên mất cô đang thui thủi một góc. Cảm giác lạ kỳ này từng theo Mục Á rất lâu, gần như là một phần cuộc đời rồi đột nhiên biến mất, nhanh tới mức cô cảm giác nó chưa từng tồn tại. Chính xác là từ lúc cha mất, nó cũng biến mất theo. Giờ gặp lại, cô phải lục lọi ký ức để xác nhận nó là thật hay chỉ như cảm xúc nhất thời…
Hồi đó mẹ còn sống và Mục Á còn bé lũn cũn. Cô bé thích theo mẹ hơn theo cha. Trẻ con đứa nào cũng thế nhưng Mục Á khác hơn. Bởi trong mắt cô bé Mục Á, cha chán ngắt hà! Cô thường tót vào phòng làm việc của cha, khoe mấy bông sơn trà mà người lớn cho cô khi đi chơi hội, làm đủ thứ để ông chú ý mình, nhưng cha chỉ cười rồi xua cô đi. “Chơi với mẹ nhé con, cha bận lắm!” – Cha nói thế cả trăm lần, cô bé phát chán. Ngày nào đi ngang qua phòng cha, Mục Á cũng thấy ông đắm chìm với bản vẽ hay mô hình thiết kế. Dăm tháng sau, cha dẫn cô đi xem những mô hình đó nhưng to gấp hàng nghìn lần. Nhiều người cảm ơn cha vì mấy “mô hình” khổng lồ nọ, Mục Á thì không. Cô bé đâm ghét những mô hình vô trí vô giác, cho rằng vì chúng mà cha không chơi với cô. Tới lúc không chịu nổi, cô hét lên “Cha yêu mấy cái đó hơn yêu con chứ gì?!”, cha ngẩn mặt ngỡ ngàng, còn mẹ cười rũ rồi ôm cô bé Mục Á đang khóc ngắn khóc dài. Thuở ấy cô hay hờn, hay dỗi cha.
Rồi mẹ mất, Mục Á lớn lên trên nỗi đau. Cô dần hiểu công việc của cha. Vẫn những bước chân khẽ khàng qua phòng cha như hồi bé nhưng thay vì nghịch ngợm, cô mang cho ông đồ ăn hoặc trà thiết mộc. Mục Á cũng dần hiểu lý do nhiều người trong thành phố hay cư dân trên con dốc thoải yêu quý mình, bởi vì họ ít nhiều chịu ơn từ mấy thứ “mô hình” mà cha cô xây dựng nên. Dạo đó cô hay thu mình một góc rồi lặng lẽ ngắm cha làm việc. Ở ngoài, cha dễ tính và chiều Mục Á, đôi lúc hơi nhạt nhẽo. Nhưng trong căn phòng này thì ông miệt mài, nghiêm khắc, cẩn thận từng chi tiết. Dưới bàn tay ông, mỗi thứ đều có hơi thở hoặc linh hồn, tưởng như chỉ thêm chút phép thuật là chúng sống động như thật. Cô nhìn ông chẳng biết chán sau ngủ gục trên sàn lúc nào chẳng hay. Ngày đó cô yêu quý cha, mà cũng thi thoảng giận ông vì hễ làm việc là cha quên mọi thứ trên đời kể cả con gái mình.
-Đây rồi, có thế chứ!
Tiếng cười nói hồ hởi cắt ngang tâm trí Mục Á. Hình như cô vừa ngủ một giấc lâu. Cô tỉnh dậy, bốn giờ sáng, khung cảnh trước mắt không phải căn phòng nhỏ của cha mà là khu thí nghiệm học viện. Giữa đống máy móc ống nghiệm cùng dãy bảng kính kín đặc chữ, Thát Khan nhảy cẫng, tay đấm vào không trung như đứa trẻ giành chiến thắng trong một trò chơi. Đề án chia nhiều phần nhưng anh không chỉ hoàn thành phần được giao, anh đã hoàn thành tất cả. Anh tận hưởng niềm vui một mình. Mục Á nhớ cha cô cũng giống Thát Khan ở chuyện “một mình”, mỗi lần xong việc là ngả dài lưng trên ghế, mỉm cười ưng ý rồi tự thưởng bằng tách trà hay đồ ăn. Đơn giản, thuần khiết, nhưng cũng vô tâm lắm. Đôi lúc Mục Á giận cha vì ông hiếm khi chia sẻ thành quả công việc cho cô nghe. Những người theo đuổi giấc mơ dường như giống nhau, họ không tự nhận thức được bản thân đang vô tâm với người khác.
Nhưng nỗi giận cha luôn qua mau bởi hễ tỉnh dậy, cô đều thấy mình ngay ngắn trong chăn, nệm và gối. Lần nào cũng thế. Cha quan tâm Mục Á lúc cô ngủ say hoặc lúc cô không nhìn thấy. Thát Khan cũng vậy, anh đã đắp chăn ấm cho cô từ lúc nào. Nhìn Thát Khan sung sướng như đứa trẻ, cô mỉm cười. Cô định hỏi thăm nhưng nghĩ chuyện cũ lại thôi. Người như cha cô hay Thát Khan tận hưởng hạnh phúc ở khía cạnh mà người thường không hiểu, song chỉ cần thấy họ vui vẻ, cô sẽ vui theo, thế là được. Bởi vì thế giới này vốn bồi đắp bằng những nghịch lý khiến người ta không hiểu nhau, nhưng ẩn bên dưới là vô số mạch ngầm chung cảm xúc.
Thát Khan hơi khác. Anh không giống cha Mục Á mà chạy tới chỗ cô, khoe rằng mình đã tìm được giải pháp đồng hóa bộ phận cơ sinh học với cơ thể người, rằng phát hiện này sẽ cứu giúp hàng nghìn con người. Anh nói mấy thứ đâu đâu, số má lẫn lý thuyết ong cả đầu, nhưng cô chỉ cười. Cô vén mái tóc xù xịt của anh và chúc mừng anh thành công. Lát sau vị giáo sư chủ nhiệm tới khu thí nghiệm. Ông ta ngáp dài, mắt nhắm mắt mở đọc báo cáo của Thát Khan, thái độ ngờ vực như không tin anh làm ra nó, mặt nhăn nhúm chỉ chực quát nạt anh vì gọi ông dậy đúng giờ oái oăm. Mà bản báo cáo không làm vị giáo sư thích thú bằng Mục Á, ổng ngẩng đầu nhìn cô suốt. Bàn luận chán chê, ông giáo sư yêu cầu Thát Khan viết lại báo cáo, không được bỏ sót thứ gì và nộp trước cuối tuần. Đợi ông ta đi khỏi, Mục Á hỏi:
-Anh không thể tự công bố kết quả hay sao mà phải nộp báo cáo cho ông ta?
-Quy trình là thế, vả lại học viên không thể tự công bố kết quả. Tôi cũng dựa trên tài liệu từ người khác, không phải mình tôi làm ra. – Thát Khan cười – Giáo sư có uy tín, ông ấy sẽ giới thiệu kết quả rộng rãi hơn. Mà sao em hỏi thế?
Năm tháng làm Hạ Nga Chi khiến Mục Á bén nhạy với đàn ông, tuy mới gặp nhưng cô lờ mờ cảm giác màn sương vô hình bao quanh vị giáo sư kia. Phiền nỗi cô không biết giải thích thế nào cho Thát Khan hiểu. Nhưng có lẽ cô lo lắng thái quá, nhất là khi cô bắt đầu quan tâm một người. Không muốn anh kém vui, cô nói:
-Chỉ là tôi không hiểu thôi, đừng bận tâm. Chúc mừng anh nhé!
Thát Khan cười tươi. Dăm hôm sau, cô chủ động nắm tay Thát Khan đi chơi rồi nắm tay anh quay lại Hoàng Hôn Cảng. Không chiếu lệ. Không qua loa xong chuyện. Hoàn toàn thật lòng. Anh từng nói muốn cảm nhận thế giới của cô, cô cười cợt nghĩ anh mọt sách. Nhưng nếu năm xưa không ngồi lì bên cha để ngắm ông làm việc, cô đã nghĩ ông nhạt nhẽo – chán phèo – vô tâm. Cô nhấp nhận việc Thát Khan chẳng biết chỗ ăn chỗ chơi như một nét đáng yêu. Bởi vì anh không thể để tâm thứ lặt vặt, anh có thế giới của riêng mình và sẽ làm được nhiều điều với nó. Có thể anh không mang đôi cánh bay cao như con chim ưng tuyết họ Xuy Hạ, nhưng anh sở hữu đôi cánh vượt khỏi bầu trời hay mọi giới hạn. Dù sao anh cũng là người trên mây mà! – Mục Á bật cười.
Mà kẻ bay cao như thế thường cô đơn. Thát Khan không cô độc bởi trên tầng mây, anh có gió, có nắng, có vòm trời trong xanh làm bạn. Nhưng anh cô đơn vì chẳng ai đủ sức bay cùng anh. Mục Á suy nghĩ chuyện đó mấy ngày, cảm xúc lấn bấn không rõ ràng. Na Li Nã nói đúng, cô nói, phàn nàn, nghĩ ngợi về anh quá nhiều. Ngẫm lại, chuyện giữa cô và anh bắt đầu từ hoa trà. Cô nằm dài ra bàn, đôi mắt nhóng lên cánh hoa sơn trà đỏ mới mua hồi sáng. Hoa mới, còn ướt sương lẫn nước tưới. Gần một năm đã qua, hội hoa sơn trà bên Diệp quốc sắp bắt đầu.
“Chỉ cần đẹp là đã thành hoa rồi!”
Mục Á lẩm bẩm, ngón tay bấu nhẹ cánh hoa như muốn đổ lỗi tại nó mà cô thành ra thế này. Hoa rủ sương như kêu đau, nó đang phản đối cô. Cơ mà hoa chẳng biết nói, Mục Á bảo sao thì chuyện là vậy.
Nhưng cô chắc chắn một điều là vòng tròn tồn tại của mình có thêm người, mà lại ở rất gần cô.
…
Ly Đốc sắp đi.
Hai ngày trước Na Li Nã báo thế. Mục Á đã nghe, đã chuẩn bị mua một thứ thật đẹp, thật ý nghĩa tặng thằng nhóc. Nhưng gặp rồi trao tận tay? Sau đấy lại hứa hẹn về một tương lai thơ mộng dễ làm mờ mắt những cậu trai? Ly Đốc đã cứng rắn nhưng cái đa cảm tuổi thiếu niên vẫn rơi rớt đâu đó trong tâm hồn. Nếu Mục Á giở giọng nài nỉ, thằng bé chắc chắn ở lại. Cô không muốn mình thành chướng ngại ngăn con sói nhỏ rời hang. Nhưng thăm thẳm thâm tâm Mục Á, cô không muốn nó ra đi như “quỷ con” năm nào. Đàn bà thì hay níu kéo, cô không ngoại lệ.
Rốt cục cô làm theo lý trí. Hôm thằng nhóc đi, cô để lại một đóa sơn trà cùng ly trà thiết mộc trên máy bán nước tự động, sau đấy theo dõi Ly Đốc từ chỗ kín đáo. Nhận được bông hoa, thằng nhóc thật vui và dứt khoát cất bước, không một lần ngoảnh đầu. Đứng từ cảng nhìn chiếc thăng vân tàu mất hút trong đêm, Mục Á vui cho Ly Đốc mà buồn cho mình. Vòng tròn tồn tại của cô mất một người. Từ đó cô chẳng đến khu chợ cảng thuyền nữa. Trong mắt cô, bức tranh nơi ấy đã phai màu.
Hơn một tháng sau, tới lượt Na Li Nã rời thành phố.
Mục Á không nhìn nhầm người, anh chàng béo mà cô chọn thực lòng yêu Na Li Nã. Chỉ trong thời gian ngắn, cả anh ta và Na Li Nã kiếm đủ tiền chuộc. Hai người đã định sẵn hôn lễ, chuẩn bị cả trang phục đám cưới. Gia đình chàng béo dĩ nhiên phản đối, nhưng họ yêu thương con trai mình hơn thể diện hay danh dự. Vả lại họ chỉ là quý tộc nhỏ, ít bị soi mói nên dư sức khoác cho con dâu một danh phận tử tế. Mục Á muốn dự đám cưới, muốn thấy bạn mình khoác diện bộ váy xòe nhiều tầng cùng những chiếc trâm cài vàng óng, hẳn lúc ấy Na Li Nã sẽ như công chúa trong truyện cổ tích. Nhưng cô không thể đi dù người bạn cố sức nài nỉ. Hạ Nga Chi sau khi rút lui sẽ không liên lạc với nhau để quên quá khứ, cô không thể làm thánh đường nơi tổ chức hôn lễ của Na Li Nã bị vấy bẩn. Cô có nguyên tắc riêng.
Ngày tiễn Na Li Nã ra ga tàu, cô đi cùng Thát Khan. Như hiểu tâm tư Mục Á, Thát Khan để cô thoải mái chuyện trò với bạn. Cô ả tóc vàng vẫn liên tục phàn nàn chuyện béo gầy, Mục Á không phản đối nữa mà gật gù “Ừ, béo thật!” để chiều lòng bạn. Khổ rằng Na Li Nã lại coi là thật, sau lại vẽ kế hoạch giảm cân. Cô nàng sợ anh chồng tương lai không yêu mình nữa vì chuyện béo gầy. Người bạn mà Mục Á biết đang thay đổi, không còn giống Hạ Nga Chi mà có dáng dấp một bà vợ hay cằn nhằn và dễ tủi thân. Nhưng cô tin đấy chỉ là mấy vết gợn trong cuộc đời hạnh phúc của Na Li Nã. Cô bất giác muốn người bạn ở đây thêm một ngày, một tuần, thậm chí một tháng. Đàn bà vẫn là đàn bà, vẫn muốn níu kéo. Vòng tròn tồn tại sắp mất thêm một người, đôi mắt Mục Á bỗng dợn vị mặn đắng.
Nhưng rốt cục Na Li Nã khóc trước. Nhà ga thông báo chuyến tàu đi Băng Hóa quốc đã cập bến, Na Li Nã bất chợt ôm chầm lấy cô, giọng nghẹn ngào:
-Chúng ta chia tay thật sao, em gái? Từ nay về sau chúng ta không gặp lại nhau nữa? Đừng nói vậy chứ?! Hay tôi không đi nữa?! Chúng ta cứ ở đây, sống với nhau, liệu được không?
Nghe thế, Mục Á muốn khóc. Cô không phải sắt đá nhưng cô giỏi che giấu cảm xúc. Cô chưa từng giả dối trước bạn mình, đây là lần đầu tiên và cũng là cuối cùng:
-Được rồi, đi đi! – Mục Á cười đoạn vuốt tóc Na Li Nã – Khi nào ổn định thì gửi địa chỉ cho tôi. Tôi không chắc có thể thăm chị hay không, nhưng thư từ thì được. Nhé?
Na Li Nã muốn ở lại thật, nghe cô dỗ dành mãi mới đi. Nhìn tàu siêu tốc đưa bạn mình đến nơi chân trời hút tuyết, Mục Á thở hắt một hơi nhẹ nhõm vì người bạn tìm được hạnh phúc, mà cũng nặng nề vì nỗi cô đơn đang trùm bờ vai. Hai tay cô lại xăn văn nhau, vò vắn hàng tá tâm sự. Bất chợt cô nhận ra Thát Khan chìa tay về phía mình, anh nói:
-Tôi đưa em về nhé?
Cô muốn tâm sự nhiều điều, khổ nỗi Thát Khan hơi gà tồ, dễ anh mặt ngơ mày ngác trước mấy vấn đề phụ nữ. Nhưng nắm tay thì được. Cô theo anh đi về trong trời tháng 6 rợp tuyết. Đáng lẽ giờ này phải có nắng, nhưng tháng 6 năm đó kỳ lạ, chẳng có mấy hơi ấm, trừ hơi ấm từ tay Thát Khan.
Cảng thuyền cạn nhạt nhẽo. Đông Môn Cao Lầu toàn người mới, Mục Á không quen lứa gái trẻ hơn mình. Thát Khan không phải lúc nào cũng ở bên, anh còn công việc. Mục Á chẳng biết đi đâu. Chợt nhớ đang mùa hoa sơn trà, cô bèn ra khu chợ trời tìm bà già người Xa Vịnh quốc. Chợ thay đổi nhiều, cửa hàng của bà đã lùi ra tận rìa và chẳng còn đông khách dù bà vẫn bán những loại hoa đẹp nhất. Giờ người ta thích bài trí đẹp, bề ngoài đẹp thay vì thực sự quan tâm hoa. Bà già yếu nhiều, ít nạt nộ Mục Á như trước mà ngồi một chỗ để cô tự chọn hoa. Dù vậy cái tính hoang dã người Xa Vịnh lẫn câu cửa miệng “con bé cao kều” còn nguyên, Mục Á thấy vui. Cô không mua hoa mà kể mấy thứ tâm sự vụn vặt kiểu đàn bà mà cánh đàn ông hễ nghe là phát ngán. Có thể bà già sẽ cười hoặc phẩy tay không quan tâm, trước nay bà vẫn hậm hực chuyện cô mặc cả từng đồng. Nhưng lần này khác, bà già nghe xong thì chép miệng:
-Chán nhỉ? Vậy là mầy còn một mình thôi à? Thôi thỉnh thoảng ra đây chơi với tau cho đỡ buồn! Ăn cùng tau không, con bé cao kều? Lấy hộ tau, mệt quá, không đi được…
Mục Á lấy bát súp hộ bà già. Súp nhạt, loãng loàng loàng như ngày đầu tiên nhưng cô vẫn ăn vì nó ngon theo kiểu riêng. Bà già ăn ít thở nhiều, được một lúc thì nói:
-Mầy còn muốn mở cửa hàng hoa không? Vẫn hả? Được rồi… lại đây, cái này bí mật… Ở dãy núi phía tây, tau có trồng một cây sơn trà, chỗ này… chỗ này… nhớ chưa? Tau trồng nó hơn mười năm rồi! Tau thề trước Vạn Thế và Nữ Thần Tiên Tri, nó là đẹp nhất! Tới đó mà lấy hạt giống, tau cho phép.
Nhìn bàn tay run run của bà già chỉ nơi trồng thứ cây báu vật, Mục Á phì cười. Chỉ là hoa sơn trà, sao phải giấu rịt như giấu vàng? Nhưng người già vốn hay quan trọng hóa vấn đề, cô thông cảm cho bà. Mục Á nháy mắt:
-Thi thoảng bà cũng tốt đấy chứ? Con tưởng bà chỉ biết quát tháo?!
-Tau tốt lắm chứ bộ! Khục! – Bà già ho sù sụ – Bộ mầy nghĩ tao là con quỷ cái ăn thịt người chắc?
-Đùa thôi mà! – Mục Á cười rũ – Con yêu bà lắm!
Bà già rướn lưng:
-Hả? Mầy nói gì cơ?
-Con bảo “con yêu bà”! – Mục Á nói to.
Bà chủ hàng lắc đầu như không đánh giá cao trò đùa của Mục Á. Cô thì không quan tâm lắm. Cô thực sự thích bà dù giữa hai người từng xảy ra lắm phiền toái, cơ mà con người vốn gắn kết nhau lâu hơn vì những bực bội.
Rửa xong bát lại thấy trời quá khuya, Mục Á định dọn hàng giúp bà già. Cửa hàng giờ nhỏ xíu, giàn hoa hay chậu cây chẳng nhiều, mình cô làm được. Mục Á hỏi:
-Để mấy cái này ở đâu, bà ơi? Bà?! Bà ơi?
Giọng Mục Á nhỏ dần khi nhận ra bà già bất động trên ghế, thân thể ngả hẳn sang phải và đã ngã xuống nếu không có lều bạt đỡ lấy. Tay bà buông thõng, từng chùm dây nhợ xuôi theo như mất hết sinh mệnh, bộ quần áo sặc sỡ nhiều lớp trên người bỗng chốc phai màu. Mục Á vội vã gọi ban quản lý chợ trời, họ có bác sĩ. Nhưng rồi vị bác sĩ lắc đầu như thể cái hạn định kết thúc cuộc đời bà chủ hàng phải là hôm nay, không thể dời sang ngày khác. Mục Á chợt nhớ bà ngoại ở Diệp quốc. Một tháng nữa, bà ngoại sẽ gửi thư như vẫn làm bao năm nay nhưng cô bồn chồn khó tả. Bà ngoại đã già lắm, liệu rằng có khoảnh khắc nào đấy mà thần chết bất chợt ghé thăm bà như đã làm với bà chủ người Xa Vịnh này? Rồi Mục Á chợt nhớ ngày đầu tiên tới đây, cô làm bà chủ hàng phát cáu vì mặc cả từng đồng một, nghĩ lại thấy buồn cười. Từng ấy thứ ập ùa cùng lúc, Mục Á chịu không nổi, cô ôm lấy người phụ nữ xa lạ rồi khóc từng tiếng:
-Bà… bà ơi…
Giờ đây vòng tròn tồn tại của cô chẳng còn ai. Người ta làm quen nhau, thấu hiểu nhau thì lâu mà sao rời đi lại nhanh quá. Mọi người yêu quý cô, thế giới yêu quý cô, hoa trà yêu quý cô, chỉ duy nhất thời gian là tàn nhẫn. Như quá ghen tỵ với Mục Á, nó phải hung ác, làm cô đau đớn mới hả dạ. Cảm giác không tồn tại dần xâm chiếm Mục Á. Nhiều năm trước, vì thứ cảm giác này mà cô bước vào Đông Môn Cao Lầu. Nếu để nó xâm thực tâm trí mình lần nữa, Mục Á không hiểu mình sẽ bước đi đâu.
Nhưng vòng tròn đó chưa biến mất, bởi cô còn Thát Khan. Chàng khờ đó…
Chẳng còn người trò chuyện ở Cao Lầu, Mục Á xem truyền hình nhiều hơn. Một ngày giữa tháng 7, trên chiếc máy chiếu ba chiều, phát thanh viên thông báo một giáo sư ở học viện Tinh Thấu Tổ đã phát hiện cách phẫu thuật đồng hóa giúp bộ phận cơ sinh học hòa hợp cơ thể con người, nâng cao hy vọng sống cho vô số bệnh nhân lẫn người khuyết tật. Một phát minh vĩ đại làm thay đổi y học. Mục Á nhận ra ngay bởi lẽ Thát Khan vừa hoàn thành đề án đó cách đây hai tháng. Nhưng chỉ có giáo sư cùng mấy cộng sự cười nhe răng lên truyền hình, trong khi Thát Khan thì ở nơi nảo nơi nao. Mục Á dự cảm chuyện không lành.
Chuyện không lành thật. Gặp Thát Khan, Mục Á dần hiểu ngọn ngành. Mọi thành quả của Thát Khan bị vị giáo sư – người anh gọi là thầy – cướp trắng. Ông ta thậm chí gạt Thát Khan khỏi danh sách nghiên cứu, thông đồng cùng các cộng sự nhằm phủ nhận anh. Thát Khan cũng không có bằng chứng để kiện cáo. Vị giáo sư nói cần bản gốc lẫn bản sao báo cáo, anh nộp hết do quá tin tưởng người thầy. Anh kể chuyện mà đôi mắt ầng ậng nước, trông đến tội. Kể cả người ngây thơ cũng biết đau khi bị kẻ khác nẫng mất thành quả lẫn công sức. Mục Á tự hỏi quãng đời tiếp theo của anh sẽ thế nào nếu cứ tiếp tục khờ khạo như thế? Anh bay quá cao, nhìn quá xa mà không để ý giòi bọ bên dưới hay lũ chim ghen tức chỉ chực lôi anh xuống. Có nên tiếp tục? – Mục Á đắn đo.
Người ta sắp tiến hành phẫu thuật ở một bệnh viện nổi tiếng, tay giáo sư cùng đám cộng sự sẽ đến, giới khoa học cũng tham dự. Thát Khan rủ Mục Á đi cùng. Nghĩ rằng anh muốn lấy lại công bằng nên cô đồng ý. Ít nhất anh cũng ra dáng một người đàn ông Băng Thổ, vả lại cô không thể để anh cô đơn. Nhưng khi tới bệnh viện, Thát Khan chẳng đi tìm vị giáo sư nọ nói chuyện phải trái mà lặng lẽ ngắm nhìn những bệnh nhân hồi sinh trong hình hài mới, cơ thể mới. Một thoáng qua đi, nét buồn bã mấy ngày trước trên mặt anh biến mất, thay vào đó là sự hạnh phúc. Anh nói với Mục Á:
-Tại tôi khờ quá nên đưa mọi thứ cho ông giáo sư. Giờ kiện cáo cũng chẳng đi tới đâu, quan trọng là nhờ phương pháp mới, tôi đã giúp được nhiều người. Vả lại nó cũng hữu ích trong dự án mà tôi làm với thầy gia sư, dự án đó mới là mục đích lớn nhất đời tôi. Đây chỉ là thử nghiệm thôi.
Dù đã hiểu Thát Khan lẫn niềm hạnh phúc kỳ lạ của anh nhưng Mục Á vẫn đắn đo. Cô đang nhớ lời cha khi xưa. Có thể là ngẫu nhiên nhưng rủi sao, mọi cảnh báo từ cha đang trở thành hiện thực.
Đương nghĩ, cô bỗng gặp vị giáo sư đáng kính đi tới. Thấy Mục Á, ông ta nháy mắt rủ cô nói chuyện riêng. Cô đồng ý. Tới căng tin bệnh viện, vị giáo sư mời cô tách trà đoạn bắt đầu đối thoại. Ông ta không hề giấu giếm mình hớt tay trên Thát Khan, cũng không ngần ngại đề nghị cô rời xa anh để bước vào vòng tay ổng: một người có địa vị, quen biết rộng, giàu có và khôn ngoan gấp trăm lần gã Thát Khan ngu ngốc. Vị giáo sư cười tự tin:
-Nào, Mục Á, em thông minh, đúng không? Phụ nữ thông minh chọn người theo lý trí, không phải trái tim. Thát Khan chỉ làm ra phương pháp phẫu thuật, còn tôi mới là người phổ biến nó, kiếm được tiền từ nó. Người làm được tiền mới là nhà sáng chế, chính là tôi đây, không phải thằng ngốc kia. Em hiểu chứ?
Mục Á gật đầu đồng tình với vị giáo sư, lòng nhớ chuyện cũ. Thuở ấy cha đã quay lại làm Đạo Chích Không Trung, ba tháng về nhà một lần, Mục Á cũng đã lớn. Mỗi dịp cha về, cô lại quấn cha như hình với bóng, hỏi ông đủ thứ chuyện về bầu trời vĩ đại ở cực nam thế giới. Thấy Mục Á hiểu chuyện hơn, cha tâm sự với cô ít nhiều, nói về dòng máu Biệt Liên Đại Đế đang chảy trong người cô. Một lần nọ, cha nói:
“Này Mục Á, nếu yêu một người nào đó thì đừng yêu kẻ theo đuổi giấc mơ, như cha chẳng hạn. Đừng yêu gã nào đấy giống cha. Hiểu chứ?”
“Tại sao thế? Con gái yêu người đàn ông giống cha mình nhất, không phải thế sao?”
“Không đâu!” – Cha cô cười – “Những kẻ theo đuổi giấc mơ có hai dạng. Một là kẻ khờ khạo đến tàn nhẫn, hai là kẻ tàn nhẫn đến mức người xung quanh trở thành đám khờ khạo cho hắn bông đùa. Gắn cuộc đời mình cho hai loại người đó, con khóc nhiều hơn cười, đau đớn nhiều hơn hạnh phúc. Vì cưới cha mà mẹ con khổ. Nghe lời cha, được chứ?”
Mục Á nghĩ cha lo xa quá đáng, nhưng cô đánh giá quá thấp dòng máu Biệt Liên trong huyết quản của cha. Người họ Biệt Liên có nhiều thứ hơn người. Có lẽ cha đã nhìn được phần nào tương lai của cô. Tương lai mà ông trông thấy ngày đó chính là thời điểm hiện tại. Mục Á thừa nhận cha và vị giáo sư đang ngồi đây nói đúng, Thát Khan đích thực là kẻ khờ khạo đến tàn nhẫn. Anh ta làm đau người khác, làm đau chính mình. Đắn đo hồi lâu, Mục Á mỉm cười:
-Ngài giáo sư giỏi thật đấy, vậy chúng ta hẹn hò nhé?!
Dứt lời, cô vén tóc chìa bờ má về phía trước. Vị giáo sư đáng kính nhìn ngang ngó dọc đoạn rướn đến chực hôn, nhưng thứ ông ta nhận được không phải lớp má mịn hồng mà là nước trà nóng rãy. Mục Á chưa hề uống một ngụm trà nào là để chờ cơ hội hất nó vào mặt ông ta. Vị giáo sư nhảy như con choi choi, kêu gào:
-Con điếm! Mày làm gì thế?! Tao giết mày bây giờ!
-Thế là nhẹ nhàng lắm rồi, ông giáo sư trộm cắp à! – Mục Á chống cằm cười khanh khách – Nếu Thát Khan không chịu bỏ qua thì cái mà ông nhận được còn khó chịu hơn nhiều. Tạm biệt nhé, đồ ăn cắp!
Mục Á vui vẻ ra về, bỏ lại ông giáo sư luôn miệng chửi bới vì bộ cánh đỏm dáng đi tong. Vụ lùm xùm đó khiến Thát Khan gặp rắc rối ít nhiều nhưng ông giáo sư cũng không làm to chuyện. Ông ta khôn ngoan, kẻ khôn ngoan luôn biết điểm dừng, một bộ quần áo là cái giá quá rẻ. Trên đường về, Thát Khan tỏ ra ái ngại:
-Em không cần phải vậy đâu, Mục Á. Làm thế không ổn chút nào…
-Được rồi, em hứa là chỉ lần này thôi. – Mục Á cười – Lần sau sẽ không có nước trà đâu, mà là một con dao cắm thẳng bụng, đâm trực diện, cắm thật sâu. Và chính tay em sẽ làm việc đó. Đàn bà Diệp quốc giỏi nhiều thứ, kể cả chuyện báo thù.
Thát Khan há hốc mồm kinh sợ, chừng như tin mọi lời của Mục Á là thật. Cô phì cười. Nói đến thế mà vẫn cứ khờ là sao? Cô rướn người hôn má Thát Khan. Anh chàng ngẩn ngơ như bị búa đập trúng đầu. Cô thủ thỉ hẹn hai ngày nữa tại phòng mình ở Cao Lầu, nói rằng có món quà dành cho anh. Thát Khan gãi đầu ngơ ngáo tiếp. Cô cười phì tập hai. Ngố vẫn cứ mãi là ngố.
Mục Á đã có lựa chọn cho riêng mình. Cô không nghe lời cha. Nếu được, cô muốn xin lỗi ông thật nhiều. Cô luôn lý trí, nhưng riêng lần này, cô nghe theo trái tim mình. Cô cần Thát Khan chấp nhận mình.
Ta cần người khác chấp nhận ta tồn tại để chính ta nhận thức được bản thân mình đang tồn tại.
Hai ngày sau, khi bầu trời thành phố ngả màu hoàng hôn, Mục Á tự mình trang điểm. Cô phải làm từ sớm vì váy áo của người Diệp quốc cầu kỳ, nhiều chi tiết rắc rối. Giá như Na Li Nã còn ở đây thì tốt. Rồi cô đánh mắt đậm hơn, dùng nhiều phấn hơn, tô môi đỏ hơn – trước nay chỉ có “người đó” chứng kiến Mục Á trong dáng vẻ này. Nhưng kể cả “người đó” cũng không thể ngờ hôm nay, cô vấn cao tóc bằng trâm cài và kẹp. Cô muốn Thát Khan nhìn thấy nửa sau cổ của mình, muốn anh thấy mình mặc bộ váy áo người Diệp quốc cùng mái tóc vấn cao. Cô dành điều đó cho riêng anh. Khi đã xong xuôi, cô lặng lẽ ngồi trong phòng rồi chờ đợi, cảm nhận vòng tròn tồn tại đang thu hẹp. Có lúc cô sợ anh không đến. Và nếu anh không đến, cô cũng chẳng còn tha thiết tồn tại nữa.
“Ngày trước mẹ biết cha là người như vậy không?” – Cô bé Mục Á mười lăm tuổi hỏi cha.
“Ờ thì có! Mẹ con nhìn nhanh lắm. Cha nghĩ cái gì, tính cái gì, mẹ con nhìn ra hết. Thành ra bài tán tỉnh nào của cha cũng thất bại.” – Cha cô cười.
“Thế tại sao mẹ vẫn cưới cha?”
“Chịu thôi! Cha hỏi mà mẹ con không nói. Mẹ con bảo yêu rồi thì biết sao được?”
Nhưng Thát Khan không lỗi hẹn. Anh tới đúng giờ. Vừa thấy Mục Á, anh ngây người, thân thể cứng đơ còn hai chân sắp lún xuống sàn. Trước mắt anh là một Mục Á khác lạ: váy đỏ, môi son đỏ, tóc vấn cao. Ngày thấy cô ở tòa điện Băng Hóa, anh chỉ say mê rồi truy tìm phần cội nguồn của Mục Á. Nhưng giờ khác, anh hoàn toàn lung lạc trước một thứ mà người Đông Thổ vừa sân si vừa kinh sợ gọi là “nữ sắc”. Anh lắc đầu không thôi, bàn tay hết che miệng lại dụi mắt như chàng thi sĩ đang vô vọng tìm kiếm ngôn từ để diễn tả cái đẹp. Chẳng ai thấy điều anh thấy, chẳng ai biết điều anh biết, cũng chẳng ai hiểu cảm xúc lúc này của anh. Mục Á cười tươi:
-Anh đã bao giờ tính chuyện hôn lễ chưa, chàng mọt sách?
Thát Khan gãi đầu. Sắc đẹp của người con gái này làm anh không thở nổi, mãi mới cất lời:
-Tôi cũng muốn vậy. Nhưng mà tôi sợ em không đồng ý. Tôi định hỏi vài lần, nhưng nghĩ nó kỳ cục nên thôi…
Mục Á ôm bụng cười. Thát Khan càng thêm ngượng ngùng. Nhưng rồi cô dang rộng tay như mở cả tấm lòng mình về phía anh chàng đeo kính cận. Không còn người đàn ông nào khác, không còn “người đó”, không còn bất cứ ai hay loại suy nghĩ nào xen ngang cuộc đời Mục Á nữa. Tay áo dài lất phất màu đỏ, cổ áo riềm đỏ hơi mở, đôi môi đỏ vẽ đường cong chúm chím. Trông cô tựa thể đóa hoa trà đang đúng thời khắc đẹp nhất vòng đời, nở rộ, thắm màu và thuần khiết:
-Vậy… mừng anh về nhà!
Thát Khan vô thức bước vào vòng tay Mục Á. Thời gian một lần nữa bị Mục Á bỡn cợt. Nó bị ném ra khỏi phòng, gào thét đập cửa cỡ nào cũng không thể chen vào giữa cô và Thát Khan. Cô nhớ hôm ấy mình khóc hai lần, mỗi lần đều để lại vết cào trên lưng Thát Khan. Anh dần yêu thích nửa sau cổ của cô và hỏi mấy ký tự phát sáng kỳ lạ. Cô kể tất cả, không giấu giếm hay hẹn ngày khác. Tuy hơi nghi ngờ độ xác thực do mắc bệnh nghề nghiệp nhưng anh tin lời cô. Một phút cao hứng, anh gọi Mục Á là “công chúa”. Cô cười mỉm. Ngày xưa cha mẹ cũng thường gọi cô là “công chúa”, cô đã nghĩ họ gọi thế cho vui.
Nếu được nói điều gì đó với mẹ, cô sẽ kể cho mẹ về Thát Khan. Mẹ chắc chắn sẽ cười thật to khi biết chàng khờ đó giống hệt người mà mẹ yêu thương.
Thế giới luôn xoay vần theo những chiều kỳ lạ.
Cuối tháng 7, cô rủ Thát Khan đến dãy núi phía tây xem hoa sơn trà. Cô không thể xem hội hoa sơn trà bên Diệp quốc nhưng cô có lễ hội cho riêng mình. Vả lại thư từ bà ngoại cũng kể về hội hoa, cô phần nào bớt nhớ quê hương. Bà ngoại vẫn khỏe, cô thở phào nhẹ nhõm và tự hứa nhất định phải quay lại Diệp quốc một lần. Nhưng ở Hoàng Hôn Cảng, cô có một người bà đặc biệt mà hễ rảnh rỗi, cô lại ra mộ viếng thăm.
Từ ngày giao trọn trái tim cho Thát Khan, cô trải qua nhiều chuyện, cả vui lẫn không vui. Gia đình họ Thát không ưa cô, dĩ nhiên. Mẹ Thát Khan cho rằng con trai bà phải cưới một tiểu thư danh gia vọng tộc chứ không phải một đứa Sukka như cô. Thát Khan đã tính chuyện sang bên kia Đồng Gió, anh nói Hoàng Hôn Cảng không phải nơi thích hợp để nghiên cứu. Cô tin Thát Khan vì anh nói được làm được. Cô vẫn là Hạ Nga Chi nhưng được ông chủ Cao Lầu xét diện đặc biệt, nghĩa là chỉ làm hợp đồng bình thường, không cần làm mấy vụ cần tình dục đổi chác. Ông chủ làm vậy để trả ơn Mục Á, mà người đàn ông máu lạnh ấy vốn không thích chuyện ơn nghĩa. “Sớm hạnh phúc nhé, Mục Ngỗ Á!” – Ông chủ dặn cô.
Cô dành hầu hết thời gian rảnh bên Thát Khan. Phiền một điều là từ ngày quen anh, cô phải chuyển sang đi giày đế bệt. Vạn Thế sinh anh nhỏ thó, cô đi giày cao gót thì cao hơn anh nửa cái đầu. Hẳn là nửa cái đầu! Thành thử cô đành cất mớ giày dành cho dịp khác. Và sau nhiều gợi ý, cô rốt cục cũng đi xem nhạc kịch cùng Thát Khan, vở Trà Hoa Nữ. Cô yêu thích vở nhạc kịch đó.
Trên đường lên núi, Thát Khan hỏi cô:
-Tôi tưởng đất Hoàng Hôn Cảng không trồng được hoa trà?
-Em cũng không hiểu tại sao bà ấy trồng được?! – Mục Á đáp – Nhưng cứ thử đến xem!
Hai người đến dãy núi phía tây vào một chiều cuối tháng 7. Theo chỉ dẫn để lại, họ vòng ra phía sau dãy núi, nơi ít người qua lại nhất. Rồi hai người cũng tìm thấy thứ mà họ cho rằng không tồn tại. Giữa khoảnh đất trống trong rừng lá kim, một cây sơn trà vươn lên trong màn tuyết trắng. Nó không thách thức thời tiết như các cây xứ bắc mà hòa vào khung cảnh xung quanh. Như yêu cây sơn trà, tuyết cũng không nỡ phủ kín nó mà lắc rắc như bụi bay lên tán lá e ấp màu xanh mướt cùng những bông sơn trà màu đỏ son. Nhìn cây sơn trà, Mục Á cảm thán không thôi, lòng chợt hiểu tại sao bà già người Xa Vịnh giấu nó như giấu vàng. Thát Khan bước quanh, ngắm nhìn những bông hoa rơi rớt bên gốc cây đoạn hỏi:
-Sao không có cánh hoa nào rơi nhỉ? Tôi chỉ thấy rụng bông thôi?!
Mục Á cười mỉm. Thay vì khen cây đẹp, anh toàn hỏi mấy thứ dễ đánh tụt cảm xúc người khác. Nhưng đó mới là Thát Khan mà cô yêu.
-Sơn trà rụng cả bông, không rụng từng cánh. – Mục Á trả lời – Bởi vì hoa sơn trà sống trọn một đời, chết trọn một kiếp, cả đời chỉ yêu một người duy nhất.
Thát Khan gãi đầu gật gù, chừng như hiểu ý cô. Anh thông tuệ hàng trăm quyển sách, hàng ngàn lý thuyết nhưng mấy chuyện kiểu này lại hơi chậm tiêu. Mục Á kéo anh ngồi cạnh mình, ngắm cảnh hoàng hôn đang phủ bóng cây sơn trà rồi hỏi nhỏ:
-Hôm nào tới nhà hát nữa, được không? Em muốn xem lại vở nhạc kịch đó!
-Được thôi, em thích à? – Thát Khan ngạc nhiên.
Mục Á trả lời:
-Em thích bài hát của nó. Em sẽ hát bài ấy cho anh nghe, rồi khi chúng ta kỷ niệm mười năm ngày cưới, hai mươi năm, ba mươi năm, bốn mươi năm… em vẫn sẽ hát bài ấy.
Thát Khan gật đầu tán thưởng. Đôi lúc Mục Á không thích tính giữ kẽ của anh. Cô đã trao cho Thát Khan mọi thứ mà anh vẫn khách sáo tôn trọng cô quá mức. Nghĩ lại, Mục Á hơi hối hận vì kể quá sớm về thân phận thật của mình cho anh. Cô liền kéo tay Thát Khan, hỏi:
-Này, sao anh cứ im lặng mãi thế? Anh muốn em làm gì nào? Mấy việc nghiên cứu thì em chịu rồi, còn những chuyện khác thì sao? Em có thể làm bất cứ cái gì!
-Bất cứ cái gì? – Thát Khan hỏi.
-Miễn là trong khả năng! – Cô đế thêm.
Anh chàng ngẫm ngợi, đôi mắt đăm đăm cây sơn trà rồi lại ngoảnh sang cô, chừng như suy nghĩ lung lắm. Mục Á không giục mà kiên nhẫn đợi chờ. Anh trước nay cô đơn, tự làm một mình, ít nhờ vả hay yêu cầu giúp đỡ. Phải là việc cực kỳ hệ trọng, anh mới thỉnh cầu người khác. Cô không chắc giúp được Thát Khan bao nhiêu, nhưng vì đã trao cho anh mọi thứ nên cô sẽ làm hết sức. Sau nhiều đắn đo, anh mở miệng, giọng thẽ thọt, còn cô hồi hộp lắng nghe:
-Lần sau… lúc ngủ với nhau… em đi giày cao gót được không?
Nói rồi anh ôm mặt như thể vừa phát ngôn cái gì hết sức bệnh hoạn. Mục Á ngẩn mặt. Anh nói bé nhưng cô nghe rõ ràng, không cần thiết hỏi lại, mà có hỏi thì chắc chắn anh không dám nói. Mục Á cười rũ rượi. Cô cười anh vì mong ước nhỏ nhoi quá đỗi, cô cười mình vì nghĩ anh yêu cầu chuyện lớn lao. Chỉ là giày cao gót thôi mà? Cô cười chặp nữa đoạn chui vào lòng Thát Khan. Ừ thì giày cao gót, cứ coi nó là chuyện lớn lao đầu tiền giữa cô và anh vậy.
Tháng 7 bên Diệp quốc có hội hoa sơn trà. Tháng 7 ở Hoàng Hôn Cảng có lễ hoa sơn trà của riêng Mục Á. Vòng tròn tồn tại của cô chẳng còn ai, chỉ còn mỗi Thát Khan. Cô muốn gặp lại những người xưa cũ nhưng nếu bây giờ, hiện tại hay kể cả sau này vẫn chỉ có Thát Khan, cô vẫn chẳng buồn. Vậy là đủ rồi. Cô bắt đầu ca bài hát từ vở nhạc kịch, cô dành nó cho Thát Khan, riêng anh, mình anh. Không phải bất cứ ai khác.
Vì hoa sơn trà rụng cả bông, không rụng từng cánh. Vì sơn trà sống trọn một đời, chết trọn một kiếp và chỉ yêu duy nhất một người.
"Này chàng trai, người phương bắc, tóc lấm tuyết, mắt buốt giá, áo sờn trắng, chân giẫm băng
Có buồn không? Vì một mình, vì mỏi mệt, vì đơn côi, không mối tình?
Trời xa xăm, gió căm căm, mây vạn dặm, anh có thấy trà hoa trắng?
Sói hú đông, băng phủ đồng, tuyết mênh mông, anh có thấy trà hoa hồng?
Quạ khóc hờn, sớm mù sương, đường xám tro, anh có thấy trà hoa đỏ?
Không mối tình, chỉ đơn côi, ôm mỏi mệt, khóc một mình…
…anh có cần Trà Hoa Nữ?
Như nắng sớm, như hoa nở, mơ mộng trong cõi mộng, em đến trong mộng mơ, trán dựa trán, vai tựa vai, lưng kề lưng và ta sẽ hát…
Mừng anh về nhà! Mừng người phương xa!
Về nhà nhỏ, em dang tay, đôi tay nhỏ, em dâng hoa trà đỏ
Về phòng trống, em ôm anh, phủi tuyết băng, tặng anh hoa trà trắng
Về giường đơn, em hôn anh, xua đêm đông, và chúng ta cùng cắm hoa trà hồng
Mừng anh về nhà! Mừng người lữ khách!
Biệt ly khúc hát ly biệt
Biệt âu sầu, biệt tương tư
Bởi em là Trà Hoa Nữ…
Mừng anh về nhà!"
*****************
Hết.
Truyện khác cùng thể loại
8 chương
19 chương
148 chương
62 chương
9 chương