Cảm giác bất an xâm chiếm tôi từng ngày một. Tôi tìm mọi cách để xua đuổi nó nhưng rồi tôi nhanh chóng nhận ra sự bất lực của mình. Cảm giác đó giống như một đạo quân hùng mạnh nhưng vô hình, tôi không biết nó đến từ đâu và làm thế nào để chống lại nó. Từ ngày biết được Miền vẫn xuống Gò Rùa một mình, bỗng dưng tôi thấy Miền thật là xa cách. Đó không phải là sự xa cách trong không gian, cũng không phải sự xa cách trong thời gian. Đó là sự xa lạ trong tâm tưởng. Miền vẫn trò chuyện với tôi bình thường như mọi ngày, hoặc nó cố làm ra vẻ thế, nhưng tôi không thể làm như nó. Tôi không thể giả vờ không có chuyện gì xảy ra giữa hai đứa tôi. Lúc đó tôi chưa biết đó là cảm giác ghen tuông nhưng cứ mỗi lần hình dung cảnh Miền đi gặp Phúc mà không rủ tôi đi theo, cũng không nói với tôi một lời, ngực tôi lại tức nghẹn. Tôi đã bao nhiêu lần tự bào chữa cho hành động của Miền, rằng nó không muốn lúc nào cũng kéo tôi đi theo như kéo một cái rơ-moóc. Rằng nó muốn tôi có thì giờ học bài hay làm những chuyện khác bổ ích hơn. Nhưng chẳng mấy chốc tôi nhận ra tôi chỉ là một luật sư tồi. Ngay cả tôi, tôi cũng không mảy may tin vào những lời biện hộ gượng gạo của mình. Sau này ngồi nhớ lại, tôi biết hồi đó tôi đã yêu Miền rất nhiều. Cậu Huân nói đúng, tình bạn là mảnh đất màu mỡ để tình yêu đâm chồi và phát triển. Nhưng hạt giống tình yêu chỉ được số phận gieo xuống trái tim tôi. Trái tim Miền, nếu hạt giống tình yêu đã từng được gieo xuống, nó cũng đã héo khô, hoặc nếu mọc lên thì chiếc lá xanh tươi của nó cũng không hướng về phía tôi. Miền chắc nhận ra sự thay đổi của tôi trong cách nói chuyện nhát gừng nhưng nó không biểu lộ thái độ gì. Ở trên lớp, nó vẫn quay sang tôi mượn cuốn Cách chia động từ bất quy tắc trong giờ học tiếng Anh hoặc mượn bảng Logarit trong giờ Toán, như trước nay vẫn thế. Mới hôm qua đây thôi, tôi chạy xe ngang nhà Miền ở gần cổng chợ, giật bắn người khi nghe nó kêu tôi: - Vinh ơi, Vinh! Tôi chống một chân xuống đất, ngoảnh nhìn nó: - Gì thế Miền? Miền đứng trước hiên, một tay cầm túi ni lông, tay kia ngoắt tôi: - Vinh lại đây! Tôi tiến lại, tò mò và hồi hộp. Khi tôi đến gần, Miền chìa túi ni lông ra trước mặt tôi, mỉm cười: - Tặng Vinh nè. Tôi cúi nhìn. Đó là túi bánh xu xê, loại bánh mà tôi rất thích. - Ở đâu vậy Miền? - Tôi hỏi, ngạc nhiên và cảm động. - Miền mới đi ăn cưới ông chú về. Miền để dành cho Vinh đó. Tôi ngẩn ngơ cầm lấy túi bánh, cảm giác ngất ngây như cầm một giấc mơ: - Cảm ơn Miền nha. Mãi đến khi đạp xe về, nhìn túi bánh đong đưa trên ghi-đông, tôi vẫn không tin vào những gì vừa xảy ra. Xưa nay, thỉnh thoảng Miền vẫn tặng tôi khi thì quả xoài khi thì chiếc bánh quế, như ngầm cảm ơn tôi đã tận tình giúp đỡ nó trên lớp, đã đánh bạn với nó trong những ngày không ai chơi với nó. Nhưng trong thời điểm đặc biệt này, món quà của nó đối với tôi có một ý nghĩa sâu sắc hơn nhiều. Đó không chỉ là những chiếc bánh, đó còn là lời tâm tình Miền nhắn gửi đến tôi. Rằng nó vẫn nhớ đến tôi như dạo nào. Rằng nó không quay lưng với tôi như tôi vẫn nghĩ. Rằng nó xuống Gò Rùa chỉ để đi mượn sách, như bất cứ một đứa ham đọc nào. Trong buổi trưa hôm đó, trên đầu tôi bầu trời xanh hơn, mây trắng hơn và bên tai tôi nữa, tiếng chim hót cũng véo von hơn. Tôi lại yêu thị trấn. Vì thị trấn có chợ và gần cổng chợ có một ngôi nhà và trước ngôi nhà đó có người con gái đứng đợi tôi chạy xe ngang qua để trao cho tôi món quà đầy ẩn ý. Những ngày qua, chắc hẳn Miền thừa biết tôi buồn. Nó không nói gì chỉ vì nó là con gái đó thôi. Con gái khác con trai. Con gái bao giờ cũng e lệ. Nó an ủi tôi bằng ngôn ngữ của nó. Nó xoa dịu trái tim tôi bằng bánh xu xê. Tôi đọc sách, thấy nhà văn Thạch Lam khen bánh xu xê "Thứ bột vàng và trong như hổ phách ấy, dẻo và quánh dưới hàm răng, là một thứ bánh rất ngon. Qua cái màu vàng óng ánh ấy, màu trắng của sợi dừa và màu vàng nhạt của đậu thêm một sắc nóng ấm và thân mật. Tôi bao giờ cũng ưa thức ăn nào có một hình sắc đẹp đẽ: cái đẹp lúc trông ngắm giúp nhiều cho cái thưởng thức lúc ăn lắm". Ông Thạch Lam nói đúng ghê. Bánh xu xê là thứ bánh tôi thích nhất, không chỉ vì nó ngon mà còn vì nó đẹp. Hôm nay tôi càng thích bánh xu xê hơn nữa vì bánh xu xê là bánh vợ chồng. Cậu Huân từng bảo thế. Cậu bảo ngày xưa khi vua Lý Anh Tông đi đánh giặc, người vợ ở nhà thương chồng vất vả đã tự tay vào bếp làm bánh gửi ra chiến trận cho chồng. Vua ăn thấy ngon, nghĩ đến tình vợ chồng nên đặt tên chiếc bánh đó là bánh phu thê, lâu ngày người ta gọi chệch đi là bánh xu xê. Tôi tin cậu Huân nói đúng, vì ở thị trấn quê tôi trong các dịp đám cưới hay đám hỏi bao giờ tôi cũng thấy người ta bày bánh xu xê và hình ảnh đó vẫn luôn sống động trong ký ức tôi. Nhỏ Miền tặng bánh xu xê cho tôi hẳn nó ngầm ký thác bao lời ước hẹn. Nó ý tứ ghê. Kể từ hôm đó tôi đã thôi buồn. Lòng tôi đã thôi có gió thổi qua, chỉ có suối reo róc rách.Đến lớp, tôi đã lại trò chuyện với Miền như xưa. Tôi cười với nó và sung sướng thấy nó cười với tôi. Niềm vui trong lòng tôi còn nhân lên gấp bội khi Phúc đột ngột ghé nhà tôi. Bây giờ Phúc đã lớn, nó tự đi chứ không còn ngồi sau xe cho ba nó chở qua nhà tôi nữa. - Tao đã nói với nhỏ Miền chuyện mày thích nó rồi đó. - Phúc vui vẻ hắng giọng, khi hai đứa ngồi trên những khúc gỗ tròn kê ngoài vườn, nơi ba tôi và ba nó vẫn thường trải chiếu ngồi nhắm rượu vào mỗi buổi chiều. Phúc làm tôi giật bắn. Tim tôi đập thình thịch: - Mày nói hồi nào? - Cách đây mấy ngày. Tôi nuốt nước bọt, tự nhiên nghe cổ họng khô rang: - Rồi nó nói sao? Phúc đập tay lên vai tôi, toét miệng cười: - Nó nói nó cũng thích mày. - Thật không đó, Đuôi Tôm? - Tôi hỏi và nghe giọng mình run lên.Phúc nhún vai: - Tao nói xạo mày làm chi. Ngập ngừng một chút, nó đưa tay xoa tóc, tặc tặc lưỡi: - À, mà tao không khai tên mày ra. Tao chỉ nói "Có một bạn trong lớp đang thích Miền". Nó liền bảo nó cũng đang thích bạn đó. Tôi chớp mắt, giọng trách móc: - Mày nói trống không như vậy làm sao nó biết là ai! - Sao không biết! - Phúc hừ mũi - Mày thích nó từ lâu rồi chứ đâu phải mới đây! Ờ, Phúc nói đúng quá. Nó đúng là cháu ông Giáo Dưỡng, chuyện gì cũng biết. Tình cảm tôi dành cho Miền đã bộc lộ từ hồi chúng tôi học cấp hai, chỉ có điều lúc đó tôi còn quá bé để gọi tên tình cảm của mình. Bây giờ thì tôi biết đó là tình yêu. Tôi biết, dĩ nhiên Miền cũng biết. Cậu Huân từng quả quyết với tôi: Con gái bao giờ cũng thông minh và sâu sắc hơn con trai, con à! Hôm đó trước khi Phúc ra về, tôi cẩn thận dặn nó: - Lần tới gặp nhỏ Miền, mày nhớ dò hỏi xem người nó thích có phải là tao không nha! Phúc đá vào chân tôi: - Mày chứ ai! Bất chấp lời khẳng định của Phúc, tôi vẫn khăng khăng: - Khi nào nghe chính miệng nó nói, tao mới tin. Phúc dắt xe ra cổng, vừa đi vừa gật đầu: - Được rồi. Lần tới tao hỏi. ------- Trong mắt tôi, nó vẫn là đứa bé ngây thơ ở tuổi lên bảy. Những ý nghĩ của nó bao giờ cũng ngộ nghĩnh và đáng yêu. - Chú à. - Một hôm nó hỏi - Tại sao hoa mướp màu vàng mà hoa chanh lại màu trắng hở chú? Câu hỏi của nó khiến tôi vô cùng bối rối. - Ờ, hình như những loại cây ra trái như cây ớt, cây ổi, cây bưởi, cây chanh, cây cau đều ra hoa màu trắng con à. - Cây mướp cũng ra trái đấy thôi. Tôi tặc lưỡi: - Nhưng đó là loại dây leo. Dây leo như mướp, bí, khổ qua thì ra hoa vàng. Tôi rất hài lòng với cách giải thích của mình cho đến khi nó hỏi tiếp: - Thế tại sao cây khế lại ra hoa tím? - Ờ há. Chú cũng không biết nữa. - Con biết. - Nó cười. - Tại sao? - Con nghĩ các loài cây đều ra hoa theo cách chúng thích. Giống như con thích đội chiếc mũ trắng nhưng thằng bạn con thích đội chiếc mũ vàng. Và một đứa khác thì thích chiếc mũ tím. Nhiều khi chỉ để không giống hai đứa kia. - Nhưng chú chẳng bao giờ thấy con đội mũ. - Tôi nhìn cậu bé dò xét, quả thật từ khi quen nó tôi chưa thấy nó đội mũ bao giờ dù hôm đó trời nắng đến mức mọi bụi cỏ đều sẵn sàng bốc cháy. - Con không thích đội mũ. Nói chung con không thích đội mũ lẫn mang dép. Nhưng nếu không mang dép thì ba mẹ con không cho con ra khỏi nhà. Hồi bằng tuổi cậu bé, tôi cũng thế. Ra khỏi nhà là tuột dép cầm tay. Chạy chân trần chán, về sắp tới cổng nhà mới mang dép vào để không bị mắng. Người lớn muốn trẻ em đội mũ để che nắng, mang dép để khỏi bị gai đâm. Nhưng mọi đứa trẻ đều cảm thấy vô cùng vướng víu cái ý muốn tốt đẹp đó. Tôi nhìn mái tóc cháy nắng của nó: - Nhưng không đội mũ con sẽ bị đau đầu đó. ------- Tôi chưa thấy Miền đội mũ bao giờ. Nón lá nó cũng không đội. Con gái thị trấn mười đứa ra đường hết chín đứa đội nón lá. Đứa thứ mười là Miền. Nó luôn luôn để đầu trần đến lớp. Tới nhà ông ngoại tôi, lần nào tôi cũng thấy mái tóc dài của nó tung bay trong gió. Mái tóc nhỏ Miền chỉ thôi bay khi tôi chép miệng nói: - Miền nè. - Gì hở Phúc? Cách chúng tôi mở đầu cuộc trò chuyện giống hệt như lần trước khiến tôi có cảm giác buổi sáng hôm nay là đứa em song sinh với buổi sáng hôm nọ. - Người bạn trong lớp thích Miền ấy mà! - Tôi nói, cố lấy giọng thản nhiên. - Bạn ấy sao? Tôi khụt khịt mũi: - Miền có biết là ai không? - Là ai? - Miền không biết thật hở? - Thật. Tôi trố mắt: - Thế sao hôm trước Miền bảo Miền cũng thích bạn đó? - Tại vì... - Tại vì sao? - Tôi liếm môi. Miền nhìn ra sân nắng, nơi đặt những chậu cây kiểng của ông tôi. Tôi không rõ nó đang ngắm những thân cây uốn lượn nằm kế bờ giậu hay đang tránh ánh mắt dò hỏi của tôi. Chỉ nghe giọng nó ngập ngừng như gió thoảng: - Tại vì Miền đoán bạn đó là... Tôi nôn nóng vọt miệng, nhận ra mình hấp tấp hơn bình thường: - Là Vinh phải không? - Không. Lời phủ nhận của Miền không làm tôi bất ngờ, thực sự là như vậy, vì thời gian qua tôi đã lờ mờ đoán ra Miền đang thích ai nhưng khi nghe Miền tự nói ra điều đó, tôi vẫn thấy choáng váng. - Thế Miền nghĩ bạn đó là ai? - Tôi khép mắt lại và nghe giọng nói của mình phát ra từ một âm vực thấp đến mức ngay cả tôi cũng không nghe rõ. Lâu thật lâu tôi không nghe Miền trả lời. Đến khi tôi tưởng như thời gian đã đóng băng mãi mãi (và khi tôi mở mắt ra thì Miền đã không còn ở đó nữa), một giọng nói bất thần vẳng tới tai tôi, mỏng manh, vi vu, xa tít tắp, như không phải phát ra từ đằng sau mái tóc của Miền mà đến từ đằng sau lũy tre xanh ở cuối Gò Rùa: - Là người bạn thân nhất của Vinh!------- Đôi khi cuộc sống chảy theo cách nó muốn. Chúng ta nghĩ như thế này, cuộc sống lại thích làm ngược lại. Một buổi chiều, Phúc đến nhà tìm tôi. Nó kéo tôi ra vườn, không hé môi tiếng nào, lặng lẽ nhặt một khúc cây giúi vào tay tôi. - Gì thế mày? - Tôi nhướn mắt nhìn nó. Phúc làm thinh. Nó thả người lên khúc gỗ tròn quen thuộc, quay lưng về phía tôi, gọn lỏn: - Mày đánh tao đi! Tôi há hốc miệng: - Mày điên hả? Tại sao tao phải đánh mày? Phúc thở dài: - Vì tao đã nói chuyện với Miền. Tôi nín thở, tự nhiên cảm thấy bất an: - Mày nói gì? - Tao hỏi nó thích ai trong lớp. Tôi nhìn khúc cây trên tay, bất giác nghe lòng chùng xuống: - Người nó thích không phải là tao phải không? Có vẻ như Phúc không muốn trả lời câu hỏi của tôi. Nhưng cuối cùng nó cũng ngập ngừng thốt ra tiếng "Ờ" nhỏ xíu. - Vậy người đó chắc là mày? - Tôi vọt miệng, nhanh đến mức có cảm tưởng câu nói tự động bật ra khỏi môi tôi. Lần này Phúc ngồi im. Nó đưa mắt nhìn đi đâu đó bên kia hàng rào, nơi những cánh bướm đang chập chờn bay thi với cỏ lông chông. Tôi không biết Phúc đang nghĩ gì nhưng dáng ngồi bất động của nó còn hơn cả một sự thừa nhận. - Mày đâu có lỗi trong chuyện này. - Tôi phá tan sự im lặng và vung tay ném khúc cây ra xa. Phúc ngập ngừng: - Nhưng... - Mày cũng thích Miền? - Tao không biết. - Mày bảo không biết tức là mày đã biết, Đuôi Tôm à. - Tôi thở ra, nghe miệng mình đắng nghét. Tự nhiên tôi nhớ đến cậu Huân. Cậu là con người tài hoa. Cậu sáng tác nhạc, ký tên Hồ Trường Huân. Sau này tôi mới biết tên thật của cậu là Hồ Văn Huân. Tôi hỏi, sao cậu đổi tên, cậu bảo để cho lãng mạn. Cậu giải thích "Hồ Trường Huân nghe thơ mộng, trữ tình. Hồ Văn Huân nghe dở ẹc, nghe như đấm vào tai". Tôi từng tròn mắt chiêm ngưỡng những cuốn sổ chép nhạc của cậu. Những cuốn sổ kẻ ca-rô to dày, chung quanh mỗi bài nhạc được trang trí rất nhiều hình vẽ, hình nào cũng tô màu rất đẹp. Nhạc của cậu, dĩ nhiên chỉ có mình cậu hát. Ra-dô không bao giờ phát nhạc của Hồ Trường Huân. Nhưng mỗi lần nhìn cậu vừa gảy ghi-ta vừa lim dim mắt, miệng ngân nga theo nốt nhạc, tôi phục lăn. Sau này, trong những lúc ngồi mơ màng ôn lại chuyện cũ, tôi mới biết cậu là kiểu người sống trên mây. Cậu Huân yêu nhiều người và chỉ yêu những phụ nữ đẹp. Phụ nữ không đẹp, cậu không màng. Cậu viết nhạc tặng những cô gái cậu yêu và khi cậu ôm đàn tới nhà hát cho họ nghe, mặt người nào cũng ửng lên vì sung sướng. Sau đó, họ vội vã đi lấy chồng. Dĩ nhiên chồng của họ không phải là nhạc sĩ vô danh Hồ Trường Huân. Bằng cách nào đó mãi mãi là điều bí mật với tôi, cậu trộm được những tấm hình của các cô gái, chạy ra tiệm ảnh phóng to, lồng khung cẩn thận rồi đem về treo khắp vách nhà. Cả chục cô, có cô tôi biết có cô tôi không biết, nhưng đều giống nhau ở chỗ người nào cũng đẹp. Cậu khoe tôi đó là những người yêu của cậu, và vì cậu và các cô kia tính tình không hợp nhau nên cậu đã chia tay hết rồi. Cậu nói về chuyện đó với vẻ kiêu hãnh xen lẫn phiền muộn. Về sau tôi mới biết cậu yêu đơn phương tất cả bọn họ và khi lớn lên một chút nữa tôi mới đủ tinh ý để đọc được nỗi buồn thăm thẳm trong đáy mắt cậu. Chẳng lẽ tôi giống cậu Huân? Phải chăng tình cảm tôi dành cho nhỏ Miền từ trước đến nay chỉ là tình yêu một chiều? Chiều hôm đó sau khi Phúc ra về, tôi ngồi một mình ngoài vườn thẫn thờ chờ đêm xuống. Tôi nhớ lại túi bánh xu xê hôm trước Miền tặng tôi mà lòng buồn muốn khóc. Hóa ra Miền chẳng có ẩn ý gì khi tặng bánh cho tôi. Có thể nó chẳng biết sự tích vua Lê Anh Tông, chẳng biết bánh xu xê có một tên gọi khác. Nó tặng bánh cho tôi như tặng một phần quà an ủi. Để nó khỏi ray rứt. Và để cho tôi đỡ bị thiệt thòi. Có lẽ nhỏ Miền nghĩ như vậy thật nên hôm sau, lúc tôi chạy ngang nhà nó, nó lại kêu tên tôi inh ỏi. Lần này Miền tặng tôi một túi chà là. Tôi cũng thích ăn chà là. Nhưng tôi không muốn nhận quà của Miền nữa. Tôi biết túi chà là của Miền không thể nào lấp đầy khoảng trống trong lòng tôi lúc này, ngược lại càng làm cho nó mênh mông hơn. - Cảm ơn Miền. Nhưng tôi đang bị đau răng, không ăn chà là được. Tôi từ chối khéo và lững thững đạp xe đi. Tôi biết nhỏ Miền đang đứng nhìn theo tôi và nó thừa biết tôi vừa nói dối.