Ngày Đầu Tiên
Chương 3
Paris
Keira mở mắt và nhìn về phía cửa sổ. Những mái nhà sũng nước đang lấp lánh trong ánh sáng của một khoảng trời quang đãng. Nhà khảo cổ vươn người, đẩy tấm đắp ra rồi rời khỏi giường. Những ngăn tủ tường trong căn bếp nhỏ rỗng không, trừ một gói trà cô vừa tìm thấy trong một hộp kim loại cũ. Chiếc đồng hồ quả lắc nhỏ trên lò hiển thị 17h, đồng hồ treo tường lại hiển thị 11h15. Chiếc đồng hồ báo thức cũ kỹ để trên bàn đầu giường của cô chỉ 14strong0. Cô vớ lấy điện thoại và gọi cho chị gái.
- Giờ là mấy giờ ạ?
- Chào Keira!
- Chào Jeanne, giờ là mấy giờ ạ?
- Gần 14h.
- Muộn đến thế rồi sao?
- Chị đã đến sân bay đón em từ tối hôm kia, Keira!
- Em đã ngủ ba mươi sáu tiếng đồng hồ ư?
- Chuyện đó còn tùy thuộc vào chuyện em ngủ lúc mấy giờ.
- Chị đang bận à?
- Chị đang ở văn phòng, trong viện bảo tàng, và chị đang làm việc. Đến kè Branly gặp chị nhé, chị sẽ dẫn em đi ăn trưa.
- Jeanne à?
Chị gái cô đã gác máy.
Lúc ra khỏi phòng tắm, Keira lục tung tủ quần áo trong phòng ngủ để tìm quần áo sạch. Quần áo trong hành lý của cô từ chuyến đi không còn lại gì, gió Shamal đã cuốn sạch. Cô lôi ra một chiếc quần jean cũ “nhưng trong vẫn ổn”, một chiếc áo sơ mi thể thao màu xanh da trời “rốt cuộc không đến nỗi quá xấu” và một chiếc vest cũ bằng da sẽ tăng thêm một chút ấn tượng “vintage[3]” cho dáng vẻ của cô. Mặc quần áo xong, cô lau khô tóc, trang điểm qua loa trước tấm gương nơi lối vào rồi khép cánh cửa ra vào căn hộ một phòng của mình lại. Ra đến phố rồi, cô ngồi lên một chiếc xe buýt và rẽ một lối đi đến tận cửa kính. Những biển hiệu cửa hàng, những vỉa hè đông đúc, những đám tắc đường.... bầu không khí sôi động của thủ đô khiến cô ngây ngất sau những tháng dài rời xa mọi thứ. Xuống khỏi xe buýt, nơi quá ngột ngạt so với sở thích của cô, Keira bước dọc theo bờ kè và dừng lại một lúc để ngắm dòng sông chảy trôi. Đây không phải đôi bờ của Omo, nhưng những cây cầu của Paris cũng vẫn vô cùng xinh đẹp.
[3] Chỉ những bộ quần áo cũ-thuộc về thời đại trước, thường rất đẹp và công phu. Từ vintage sau này đã được giới trẻ phương Tây cũng như toàn thế giới làm nhẹ đi, nghĩa đơn thuần là đồ cũ, và mang lại cho người mặc những cảm giác xưa cũ.
Khi đến trước bảo tàng Nghệ thuật và Văn minh châu Phi, châu Á, châu Đại dương và châu Mỹ, cô bất ngờ khi nhìn thấy khu vườn thẳng đứng. Khi cô rời Paris công trình vẫn còn dang dở, hệ thực vật phong phú sắp bao phủ mặt tiền của bảo tàng giống như một kỳ tích kỹ thuật thực sự.
- Mê hồn nhỉ? Jeanne hỏi.
Keira giật nảy mình.
- Em không nhìn thấy chị đi tới.
- Chị thì có nhìn thấy em đấy, chị cô vừa đáp vừa chỉ khung cửa sổ phòng làm việc riêng của mình. Chị chờ em mãi. Đám cây cối này mọc nhanh ghê nhỉ?
- Nơi em vừa sống ấy, bọn em phải vất vả lắm mới làm cho rau mọc hàng ngày, vậy thì đám cây mọc dọc theo tường này... chị muốn em nói gì nào...?
- Đừng có bắt đầu tỏ ra bướng bỉnh như thế. Đi theo chị nào.
Jeanne dẫn Keira và bên trong bảo tàng. Trên cao một mặt dốc, đi lên theo hình xoắn ốc như một dải ruy băng dài, khách tham quan sẽ khám phá ra một sân khấu rộng mênh mông gợi nên những khoảng không gian địa lý lớn là quê hương của ba nghìn năm trăm hiện vật được trưng bày. Là nơi giao thoa của các nền văn minh, các tín ngưỡng, các lối sống, các cách tư duy khác nhau, viện bảo tàng này cho phép đi từ châu Đại dương sang châu Á, từ châu Mỹ sang châu Phi chỉ bằng vài bước chân. Keira dừng sững lại trước một bộ sưu tập vải dệt của châu Phi.
- Nếu yêu thích nơi này, em cứ tha hồ quay trở lại đây thăm chị gái em, và chừng nào em còn muốn làm vậy, chị vẫn sẽ giúp em được miễn phí vé vào cửa. Giờ thì quên đất nước Êtiôpia của em đi hai giây và tới đây nào, Jeanne vừa nài nỉ vừa kéo tay Keira lôi đi.
Ngồi vào một bàn của nhà hàng có tầm nhìn toàn cảnh, Jeanne gọi hai tách trà bạc hà và bánh ngọt phương Đông.
- Dự định của em là thế nào? Jeanne hỏi. Em sẽ ở lại Paris ít lâu chứ?
- Nhiệm vụ lớn lao đầu tiên của em là một thất bại với toàn bộ vẻ huy hoàng của nó. Bọn em đã đánh mất các dụng cụ, nhóm công tác mà em đang điều hành sắp kiệt quệ đến nơi, trackrecord[4], như đám bạn người Anh của bọn em vẫn nói, không đến mức quá kinh khủng. Em hết sức nghi ngờ khả năng người ta tạo cơ hội cho em lại lên đường ngay lập tức.
[4] Tiếng Anh trong nguyên bản: kết quả.
- Theo chị biết thì những chuyện xảy ra ở đó đâu phải là lỗi của em.
- Em đang làm một công việc mà chỉ duy có thành quả là đáng kể. Ba năm làm việc mà không tìm ra được bất cứ thứ gì xác chứng... Em bị nhiều kẻ gièm pha hơn là ủng hộ. Việc đó thực đáng ghê tởm, bởi vì em dám chắc là bọn em đã ở rất gần đích. Nếu có thêm thời gian, bọn em cuối cùng sẽ tìm ra.
Keira im bặt. Một người phụ nữ gốc Somali, cô nghĩ vậy khi nhìn thấy những họa tiết trang trí và màu sắc của chiếc váy chị ta đang mặc, đến ngồi ngay bàn kế bên. Cậu bé đang nắm tay mẹ nhận thấy Keira đang quan sát mình liền nháy mắt với cô.
- Em sẽ dành bao nhiêu thời gian để đào xới đất cát nữa đây? Năm năm, mười năm hay cả đời?
- Được rồi, Jeanne, em nhớ chị nhiều lắm, nhưng không đủ để em chịu đựng những bài học chị cả đáng giá hai xu của chị, Keira đáp mà không thể rời mắt khỏi thằng bé đang ngốn ngấu một que kem.
- Em không muốn có con sao? Jeanne tiếp.
- Em xin chị đấy, đừng có lại bắt đầu với cái điệp khúc về đồng hồ sinh học của chị. Hãy giải phóng cho buồng trứng của chúng ta! Keira thốt lên.
- Đừng diễn cái trò quen thuộc của em trước mặt chị nữa đi, như thế sẽ giúp được chị đấy, chị làm việc ở đây mà, Jeanne thì thào. Em nghĩ là chuyện đó không liên quan đến em à, em nghĩ em có thể thách thức thời gian được sao?
- Em mặc xác tiếng tíc tắc phát ra từ chiếc đồng hồ đáng ghét của chị, Jeanne à, em không thể có con được.
Chị gái của Keira đặt lại tách trà lên bàn.
- Chị xin lỗi, chị thì thầm. Tại sao em không nói với chị sớm? Em bị làm sao?
- Chị cứ yên tâm, không có gì là di truyền cả.
- Tại sao em lại không thể có con? Jeanne gặng hỏi.
- Bởi vì em không có người đàn ông nào trong đời mình! Đó là một lý do hay đấy chứ, phải không? Được thôi, không phải là cách nói chuyện của chị tẻ ngắt đâu, mặc dù... nhưng em phải đi mua sắm đây. Tủ lạnh nhà em rỗng đến nỗi có thể nghe thấy tiếng vọng âm vang từ bên trong.
- Chẳng ích gì đâu, tối nay em sẽ ăn tối và ngủ ở nhà chị, Jeanne khẳng định.
- Nhân dịp gì thế?
- Bởi vì chị cũng chẳng còn người đàn ông nào trong đời cả và chị muốn gặp em.
Hai chị em bên nhau suốt quãng thời gian còn lại của buổi chiều. Jeanne tặng cho em gái một chuyến thăm qua bảo tàng có hướng dẫn viên đi kèm. Vì biết tình cảm Keira vẫn dành cho lục địa Phi, cô cố nài để giới thiệu cho em làm quen với một trong những người bạn nam giới đang làm việc tại Hội các nhà Phi châu học. Ivory trông như mới qua tuổi bảy mươi. Thực ra, ông nhiều tuổi hơn thế, có lẽ là hơn tám mươi, nhưng ông giữ bí mật về tuổi tác của mình như thể đó là một kho báu vậy. Hẳn là vì sợ người ta sẽ buộc ông phải về hưu, mà ông thì lại không muốn nghe nhắc tới chuyện đó chút nào.
Nhà dân tộc học tiếp đón hai vị khách nữ của mình trong văn phòng làm việc chật hẹp nằm ở cuối hành lang. Ông căn vặn Keira về những tháng cô vừa trải qua tại Êtiôpia. Bỗng nhiên, ánh mắt của ông lão nhìn hút theo vật trang sức cô đang đeo trên cổ.
- Cô mua được viên đá xinh xắn quá chừng này ở đâu vậy? ông hỏi.
- Tôi không mua, đó là một món quà.
- Người ta nói cho cô biết về gốc tích của nó rồi chứ?
- Không ạ, đây chỉ là một vật tầm thường, một cậu bé đã tìm thấy nó lẫn trong đất và tặng cho tôi. Tại sao thế ạ?
- Cô cho phép tôi nhìn tặng phẩm này gần hơn nhé? Thị lực của tôi không còn tinh tường như trước nữa rồi.
Keira vòng dây đeo qua đầu rồi đưa chiếc vòng cổ cho nhà bác học.
- Lạ quá, tôi chưa bao giờ nhìn thấy thứ gì dạng này. Tôi không thể nói cho cô biết bộ lạc nào đã tạo ra cho nó một bề ngoài này. Tác phẩm có vẻ vô cùng hoàn hảo.
- Tôi biết, tôi cũng đã tự mày mò tìm hiểu chuyện này mà. Nói thật với ông, tôi tin đây chỉ là một mẩu gỗ được gió và nước sông mài nhẵn.
- Có thể, người đàn ông khẽ thốt lên, ông dường như vẫn còn chưa tin vào giả thiết đó. Và nếu chúng ta thử tìm hiểu thêm chút nữa?
- Vâng, nếu ông muốn, Keira đáp vẻ lưỡng lự. Tôi không chắc kết quả thu được mang lại lợi ích gì to tát đâu.
- Có lẽ thế, ông lão nói, có lẽ không. Ngày mai hãy trở lại đây gặp tôi, ông vừa nói vừa trả lại chiếc vòng cổ cho chủ sở hữu, chúng ta sẽ thử cùng nhau trả lời cho câu hỏi này, ít ra là thế. Tôi rất vui được làm quen với cô. Cuối cùng tôi đã có thể hình dung gương mặt cô em gái mà Jeanne nhắc với tôi rất thường xuyên. Vậy thì hẹn ngày mai nhé? Ông nói thêm khi tiễn hai người họ đến tận cửa văn phòng.
Luân Đôn
Tôi sống tại Luân Đôn trong một con phố hẹp nơi những ga ra ô tô và chuồng ngựa cũ được xây dựng thành nhà dạng nhỏ. Nếu như luôn không dễ dàng gì để bước đi mà không vấp ngã trên mặt đường cũ xiêu vẹo, nơi này lại lưu giữ vẻ đẹp duyên dáng của thời gian ngưng đọng. Ngôi nhà diễn viên kế bên nhà tôi từng thuộc sở hữu của Agatha Christie. Chỉ đến khi đã đứng trước cửa nhà tôi mới nhớ ra là mình làm gì có chìa khóa. Bầu trời u ám dần và một trận mưa rào ập xuống khiến bạn ướt thấu xương. Bà hàng xóm của tôi đang khép cửa sổ lại, bà nhận ra tôi và cất tiếng chào. Tôi tranh thủ dịp đó để hỏi liệu bà có thể cho phép tôi một lần nữa – chao ôi, đây đâu phải lần đầu cơ chứ - đi qua lối vườn nhà bà không. Bà hết sức tử tế mở cửa cho tôi vào, và bằng cách phi qua hàng giậu, tôi hạ cánh xuống sân sau nhà mình. Nếu cánh cửa hậu chưa được tu sửa, mà tôi không rõ nó liệu sẽ được sửa nhờ phép lạ nào đây, thì chỉ cần một cú đập nhanh và mạnh vào nắm đấm cửa là cuối cùng cũng vào được nhà tôi.
Tôi mệt lử, tôi vẫn chưa nguôi giận vì phải quay trở lại Anh, nhưng ý nghĩ được về lại nhà mình với những đồ vật thuộc loại hiếm được khuân về từ những khu chợ trời của thủ đô và được trải qua một buổi tối yên tĩnh cũng mang lại cho tôi một niềm vui nào đó.
Bầu không khí tĩnh lặng này chẳng được bao lâu, chuông cửa réo vang. Vẫn không thể mở cửa, ngay cả khi đang đứng từ bên trong, tôi leo lên tầng hai và phát hiện ra phía dưới con phố hẹp là Walter, người ướt rượt vì mưa và rõ ràng là đã ngà ngà say.
- Anh không có quyền bỏ mặc tôi, Adrian!
- Nhưng theo những gì tôi biết thì tôi chưa bao giờ xúi giục anh, Walter ạ!
- Giờ không phải lúc để chơi trò dùng từ tối nghĩa, toàn bộ sự nghiệp của tôi đang ở trong tay anh, hắn gào thật lực.
Bà hàng xóm của tôi mở cửa sổ và đề nghị cũng cho khách của tôi vào theo lối vườn sau. Sự đóng góp tử tế này khiến bà vui lòng, bà nói thêm, nếu làm thế có thể tránh việc đánh thức tất cả hàng xóm láng giềng dậy.
- Xin lỗi vì đã tự đặt ra cho mình nhiệm vụ này, hắn nói khi đã vào đến phòng khách nhà tôi, nhưng tôi không có lựa chọn nào khác. Nói xem, đối với một căn nhà hai phòng, thì đúng là không tệ chút nào!
- Một phòng ở tầng trệt, một phòng trên gác!
- Phải, rốt cuộc đây không phải thứ tôi vẫn hình dung về một căn nhà hai phòng khiêm tốn. Và anh có thể tậu cho mình căn nhà nông thôn nhỏ xinh này với đồng lương của anh sao?
- Anh không đến vào giờ này để định giá gia sản của tôi đấy chứ, Walter?
- Không, tôi xin lỗi. Anh thực sự phải giúp chúng tôi, Adrian ạ.
- Nếu anh đến vẫn để bàn với tôi về cái dự án vô lý đó với Quỹ Walsh thì anh đang lãng phí thời gian đấy.
- Anh có muốn biết tại sao tôi không bao giờ có ai ủng hộ các công trình của anh tại Học viện không? Bởi vì anh là một kẻ đơn độc đáng ghê sợ, anh chỉ làm việc cho bản thân mình, anh không gia nhập nhóm nào hết.
- Sao nào, tôi vui khi anh vẽ ra tôi với ngần ấy độ chính xác đấy, và bức chân dung mới nịnh hót làm sao! Anh làm ơn ngừng mở hết các ngăn tủ bếp của tôi đi, hẳn là có chai rượu whisky ở cạnh lò sưởi đấy, nếu đó là thứ anh tìm.
Walter không mất nhiều thời gian đã lôi được chai rượu ra, hắn lấy hai chiếc ly từ trên giá xuống và đến nằm dài trên tràng kỷ.
- Trong nhà anh ấm thật đấy!
- Có lẽ để tôi dẫn anh đi tham quan một vòng?
- Đừng có giễu tôi, Adrian. Anh nghĩ là tôi sẽ đến tự hạ mình chịu nhục như thế này trước mặt anh nếu tôi có một giải pháp khác ư?
- Tôi không thấy việc uống rượu whisky của tôi có gì là nhục nhã, đó là chai rượu mười lăm năm tuổi cơ mà!
- Adrian, anh là hy vọng duy nhất của tôi, tôi còn phải van xin anh thế nào nữa đây? vị khách – mà tôi không hề mời đến – vừa nói tiếp vừa quỳ tối.
- Tôi xin anh, Walter, đừng làm thế. Dù thế nào đi nữa, tôi cũng không hề có cơ may ẵm được giải thưởng ấy đâu. Vậy thì anh phải tự làm khổ mình như thế làm gì?
- Dĩ nhiên là anh có toàn bộ may mắn, dự án của anh là dự án lý thú nhất và tham vọng nhất mà tôi có cơ hội đọc qua kể từ khi tôi đến Học viện.
- Nếu anh tin rằng mấy lời nịnh bợ thống thiết này có thể dỗ dành được tôi thì anh có thể giữ lấy chai rượu này và đi về nhà mình được rồi đấy. Tôi thực sự muốn đi ngủ, Walter ạ.
- Tôi không nịnh bợ anh, tôi thực sự đã đọc luận án của anh, Adrian ạ, nó hoàn hảo... về mặt tư liệu.
Tình trạng gã đồng nghiệp của tôi thật đáng thương hại. Tôi chưa bao giờ thấy hắn như vậy, mọi khi hắn vẫn luôn xa cách đến thế, hầu như cao ngạo. Điều tệ hại nhất trong toàn bộ chuyện này là tôi thấy hắn dường như đang chân thành. Tôi đã dành mười năm trở lại đây để tìm kiếm trong những thiên hà xa xôi một hành tinh giống với hành tinh của chúng ta, và trong Học viện số người ủng hộ công trình nghiên cứu đó của tôi không nhiều. Sự thay đổi hoàn toàn thái độ này, mặc dù chỉ theo kiểu cơ hội chủ nghĩa, dẫu sao vẫn khiến tôi vui lòng.
- Cứ cho là tôi dành được khoản kinh phí tài trợ này đi...
Tôi vừa nói đến đó là lập tức Walter chắp tay lại như thể sắp cầu nguyện đến nơi.
- Này Walter, nói cho tôi yên tâm nào, anh say rồi hả?
- Say ngất ngưởng luôn ấy chứ, nhưng anh cứ nói tiếp đi, Adrian, tôi xin anh đấy.
- Anh vẫn đủ tỉnh táo để trả lời một vài câu hỏi đơn giản chứ?
- Dĩ nhiên, nếu anh không quá lần lữa đặt những câu hỏi đó với tôi.
- Cứ cho là tôi có một cơ may rất nhỏ để ẵm về cái giải thưởng này và tôi ngay lập tức chuyển lại số tiền đó cho Học viện như một mạnh thường quân hào hoa phong nhã. Vậy thì hội đồng trị sự sẽ sẵn sàng cấp bao nhiêu phần trăm của khoản tiền đó cho các nghiên cứu tôi tiến hành?
Walter húng hắng ho.
- Anh thấy một phần tư số tiền đó đã hợp lý chưa? Dĩ nhiên, chúng tôi sẽ dành cho anh một văn phòng khác, một nữ trợ lý làm việc toàn thời gian, và nếu anh muốn, một vài đồng nghiệp có thể được miễn các công việc đang tiến hành để gia nhập vào nhóm nghiên cứu của anh.
- Đừng có làm thế!
- Vậy thì không có đồng nghiệp nào vậy... thế còn nữ trợ lý?
Tôi tiếp rượu vào ly của Walter. Trời mưa nặng hạt hơn, đẩy hắn ra ngoài đường vào thời tiết thế này và nhất là trong tình trạng say xỉn thật không nhân đạo chút nào.
- Gẩm quá, tôi sẽ đi kiếm cho anh một cái chăn và anh sẽ ngủ trên tràng kỷ.
- Tôi không muốn phải...
- Đằng nào chuyện cũng xong xuôi rồi.
- Thế còn chuyện với Quỹ?
- Buổi lễ đó bao giờ thì diễn ra?
- Hai tháng nữa.
- Và hạn cuối để trình hồ sơ ứng viên?
- Ba tuần.
- Về chuyện nữ trợ lý, tôi sẽ cân nhắc, nhưng hãy bắt đầu bằng việc cho mở lại cửa văn phòng của tôi đã.
- Sáng sớm ngày mai, và nếu anh cần gì cứ cho tôi biết nhé.
- Anh đang kéo tôi vào một chuyện kỳ cục đấy, Walter.
- Đừng nghĩ thế. Quỹ Walsh luôn tài trợ cho những dự án độc đáo nhất, những thành viên trong hội đồng giám khảo của Quỹ đánh giá cao tất cả những gì, nói thế nào nhỉ, hết sức mang tính chất tiên phong.
Thoát ra từ miệng Walter, tôi ngờ là câu nhận xét cuối cùng này không khoan dung như vẻ bề ngoài của nó. Nhưng người đàn ông này đã bị dồn đến đường cùng và giờ không phải lúc để trách móc. Tôi cần phải nhanh chóng đưa ra một quyết định. Dĩ nhiên, khả năng thắng giải thưởng này theo tôi là cực nhỏ, nhưng tôi đã sẵn sàng làm bất cứ điều gì để có thể quay lại Atacama, vậy thì tôi có gì để mất nào?
- Đồng ý vậy đi, Walter. Tôi chấp nhận cái rủi ro biến mình thành trò cười trước công chúng, nhưng với một điều kiện duy nhất: nếu chúng ta thắng giải, anh phải cho phép tôi ngồi lên một chiếc máy bay đến Santiago trong vòng ba mươi ngày tiếp theo.
- Tôi sẽ đích thân tiễn anh ra sân bay, Adrian ạ, tôi hứa với anh chuyện đó.
- Vậy thì đã xong thỏa thuận!
Walter nhảy bật lên từ tràng kỷ, lảo đảo rồi lại ngay lập tức ngồi thụp xuống.
- Tối nay cụng ly như vậy là đủ rồi. Cầm lấy tấm chăn choàng này đi, nó sẽ giữ ấm cho anh qua đêm. Tôi đi ngủ đây.
Walter gọi tôi khi tôi đang lên cầu thang.
- Adrian này? Tôi có thể hỏi anh cái gì “gẩm” được không?
- Buổi tối của tôi đấy, Walter!
Paris
Keira ngủ thiếp đi trên giường của chị gái cô. Một chai rượu thành phần chủ yếu là nước ép nho, một khay đồ ăn, những tin nhắn tế nhị trong suốt buổi tối, một bộ phim đen trắng cũ kỹ đang chiếu trên kênh truyền hình cáp, đoàn người nhảy claket do Gene Kelly dẫn đầu là ký ức cuối cùng về buổi tối. Khi ánh sáng ban ngày dánh thức cô dậy, thứ rượu vang uống ngày hôm trước, có lẽ cũng không đức hạnh[5] đến thế, liền nã đến tận hai thái dương cô.
[5] Chơi chữ của tác giả: tên của loại rượu vang là “honnête vin”, mà “honnête” tiếng Pháp có một nét nghĩa là “đức hạnh”.
- Chúng ta đã nốc nhiều lắm nhỉ? Keira vừa hỏi vừa đi vào bếp.
- Phải! Jeanne vừa đáp vừa nhăn mặt. Chị pha cà phê cho em rồi đấy.
Jeanne đang ngồi bên bàn nhìn chăm chăm vào tấm gương treo trên tường, gương mặt của cô và em gái cô đang phản chiếu trong đó.
- Chị có chuyện gì mà lại nhìn em như thế? Keira hỏi.
- Không có gì.
- Chị đăm đăm nhìn em trong gương trong khi em đang ngồi đối diện chị đây, thế mà bảo là không có gì ư?
- Như thế hơi giống như khi em đang ở đầu kia thế giới vậy. Chị đã đánh mất thói quen có em bên cạnh rồi. Ảnh của em rải rác khắp nơi trong căn hộ này, thậm chí chị để cả một bức trong ngăn kéo bàn làm việc tại viện bảo tàng nữa. Ngày nào chị cũng nói chúc buổi sáng tốt lành và chúc ngủ ngon với em; trong những thời khắc hơi khó khăn hơn, chị còn trò chuyện với em hồi lâu nữa kia, cho đến khi chị nhận ra đó không phải là những cuộc trò chuyện mà chỉ là những lời độc thoại của bản thân chị. Tại sao em không bao giờ gọi điện? Nếu em chịu khó gọi về, ít ra chị cũng có thể cảm nhận được em bớt xa xôi hơn. Khỉ thật, chị là chị gái của em cơ mà, Keira!
- Được rồi, Jeanne, em sẽ ngăn chị lại ngay lập tức. Một trong những điều thuận lợi hiếm hoi của cuộc sống độc thân là không phải chịu đựng những màn cãi cọ giữa vợ và chồng, vậy thì làm ơn đi, giữa hai chị em mình cũng đừng có những cuộc cãi vã tương tự! Thực sự là trong thung lũng Omo làm gì có trạm điện thoại công cộng, không mạng lưới sóng di động, chỉ có một hệ thống liên lạc qua vệ tinh hoạt động tậm tịt. Mỗi lần em đến được Jimma, em đều gọi cho chị còn gì.
- Cứ hai tháng mới gọi một lần ấy hả? Và những khoảnh khắc mới tâm đầu ý hợp làm sao chứ! “Em khỏe không?... Tuyến đường không tệ lắm... Khi nào em về?... Em không biết gì đâu, muộn nhất có thể nhé, bọn em vẫn cứ đào bới luôn tay ấy mà, còn chị viện bảo tàng, gã người yêu của chị thế nào?... Người yêu của chị tên là Jérôme, từ ba năm nay rồi, em chắc vẫn còn nhớ chứ!... “Chị đã chia tay anh ta, nhưng chị không có dịp nào mà cũng chẳng muốn kể chuyện ấy với em, vả lại để làm gì cơ chứ, hai đến ba câu nữa là em gác máy luôn rồi.
- Em gái chị không được dạy dỗ đến nơi đến chốn, Jeanne ạ, cô ả là một kẻ hoàn toàn ích kỷ đến tệ hại, có đúng thế không? Nhưng chị cũng có một phần trách nhiệm trong chuyện này, bởi vì chị là chị cả và chị vẫn luôn là hình mẫu để em noi theo.
- Bỏ qua đi, Keira.
- Dĩ nhiên là em đang bỏ qua, em sẽ không quay lại với trò chơi của chị đâu!
- Trò chơi nào?
- Xem ai trong hai chúng ta có thể đổ tội được cho người kia ấy! Em đang ở trước mặt chị đây, không phải ảnh, cũng không phải trong gương, vậy thì hãy nhìn em và nói chuyện với em đi.
Jeanne đứng dậy, nhưng Keira đột nhiên nắm cổ tay chị giữ lại, buộc chị phải ngồi xuống.
- Em đang làm chị đau đấy, ngốc ạ.
- Em là nhà khảo cổ kiêm nhà nhân loại học, em không làm việc trong một bảo tàng, em không có thời gian để biết đến một anh chàng Pierre nào đó, một anh chàng Antoine nào đó, hay một anh chàng Jérôme nào đó từ nhiều năm nay; em không có con; em có may mắn ngạo đời là theo đuổi một nghề khó khăn mà em yêu thích, được sống với một niềm đam mê không có gì là tội lỗi. Nếu chị tự chuốc lấy rắc rối vào cuộc sống của mình, thì cũng đừng văng vào mặt em những điều chị tiếc nuối, nếu chị nhớ lấy, hãy tìm lấy một cách dịu dàng hơn để nói với em điều đó.
- Chị nhớ em, Keira ạ, Jeanne vừa ấp úng vừa rời khỏi bếp.
Keira lặng ngắm hình ảnh phản chiếu của mình trong gương.
- Mình đúng là đại ngốc, cô thì thầm.
Và từ phòng tắm ngay cạnh bếp, ngăn ra bởi một tấm vách mỏng, Jeanne vừa đánh răng vừa mỉm cười.
Đầu giờ chiều, Keira băng qua kè Branly để gặp lại chị gái mình tại viện bảo tàng; trước khi đến gặp chị trong văn phòng làm việc, cô quyết định tự tặng cho một chuyến thăm cuộcc triển lãm thường xuyên. Đúng lúc cô đang chiêm ngưỡng một chiếc mặt nạ, hy vọng sẽ đoán được xuất xứ của nó thì một giọng nói thì thầm rót vào tai cô:
- Đây là một chiếc mặt nạ của tộc người Malinké ở Tây Phi. Xuất xứ của nó là từ Mali. Chiếc này không cổ lắm, nhưng nó rất đẹp.
Keira giật bắn mình trước khi nhận ra ông Ivory, người đã tiếp chuyện cô ngày hôm trước.
- Tôi e là chị gái cô vẫn đang bận họp rồi. Tôi đã tìm gặp cô ấy cách đây vài phút, nhưng được người ta thông báo là cô ấy sẽ bận trong khoảng một tiếng nữa.
- “Người ta” thông báo cho ông biết ạ?
- Các viện bảo tàng là những thế giới thu nhỏ, với những trật tự tôn ti riêng của chúng giữa các bộ, các ngành, các lĩnh vực thẩm quyền. Con người là một sinh vật lạ kỳ, sinh vật này có nhu cầu sống thành quần xã và không thể ngăn mình phân chia quần xã đó thành từng đoạn. Có lẽ đó là cái còn sót lại từ bản năng tập quần của chúng ta. Tạo ra những không gian động đồng để trấn áp những nỗi sợ hãi. Nhưng hẳn là tôi đang làm cô phát chán với những lời ba hoa này rồi. Cô phải biết về toàn bộ chuyện này rõ hơn tôi mới phải chứ, đúng không?
- Ông đúng là ranh mãnh, Keira đối đáp.
- Có lẽ thế, Ivory đáp và phá lên cười vui vẻ. Hay là chúng ta đi thảo luận toàn bộ chuyện này trong một quán giải khát ngoài vườn kia. Khí hậu ôn hòa, vậy thì phải tận hưởng đi thôi.
- Thảo luận về chuyện gì cơ?
- Sao nào, về chuyện một ông lão ranh mãnh thì là cái thứ gì? Tôi sẽ tra hỏi cô về chủ đề này.
Ivory kéo Keira về phía quán cà phê ngự tại sân trong của viện bảo tàng. Lúc ấy là giữa buổi chiều, các bàn trong quán hầu như không có ai ngồi. Keira chọn cái bàn xa nhất từ bức tượng đầu người Moai khổ lớn.
- Cô có phát hiện được thứ gì quan trọng dọc theo hai bờ sông Omo không? Ivory tiếp tục hỏi.
- Tôi đã tìm được một thằng bé mười tuổi mất cả cha lẫn mẹ. Xét trên quan điểm khảo cổ học mà nói thì phát hiện này khá hạn chế.
- Nhưng xét trên quan điểm của đứa trẻ ấy, tôi hình dung rằng chuyện này còn quan trọng hơn nhiều so với một vài bộ hài cốt bị vùi dưới nền đất. Tôi cứ ngỡ một đợt thời tiết xấu đã tàn phá công trình của cô và đánh bật cô khỏi khu vực có các hố khai quật đó.
- Một cơn bão, đủ mạnh để đưa tôi về lại đây!
- Vô cùng bất thường đối với vùng đó. Chưa bao giờ Shamal chuyển hướng về phía Tây cả.
- Làm sao ông biết được tất cả những chuyện này? Tôi nghĩ chuyện đó đâu có xuất hiện trên trang nhất các báo?
- Không, tôi công nhận chuyện đó, chính chị gái cô đã kể tôi nghe về những chuyện không may của cô. Bản tính tôi vốn tò mò, đôi khi hơi quá, tôi chỉ cần gõ mổ cò lên bàn phím máy tính cá nhân là xong.
- Tôi có thể kể thêm điều gì để thỏa mãn trí tò mò của ông?
- Thực sự cô đang tìm kiếm gì trong thung lũng Omo vậy?
- Ông Ivory ạ, nếu nói cho ông biết sự tình, thì xét về mặt thống kê tôi sẽ có nhiều cơ hội bị ông giễu cợt hơn là làm cho ông lưu tâm đến công việc của tôi.
- Cô Keira này, nếu những nhà thống kê chi phối được cuộc sống của tôi thì tôi đã nghiên cứu toán học chứ không phải nhân loại học. Vậy nên cứ thử vận may của cô đi.
Keira chăm chú quan sát người mình đang trò chuyện cùng. Ông lão này có một ánh mắt rất lôi cuốn.
- Tôi tìm kiếm ông bà của Toumai[6] và của Ardipithecus Kadabba[7]. Có những hôm, tôi thậm chí còn hình dung là đã tìm ra được cụ tổ của các cụ tổ.
[6] Hộp sọ hóa thạch 7 triệu năm tuổi.
[7] Một họ người sống cách đây khoảng 5,2 đến 5,8 triệu năm.
- Không có gì khác à? Cô muốn tìm bộ xương cổ nhất mà chúng ta có thể cho kết thân với giống người ấy hả? Con người độ không!
- Không phải đó là thứ tất cả chúng ta hằng tìm kiếm sao, tại sao tôi phải cấm mình mơ giấc mơ mày chứ?
- Mà tại sao lại trong thung lũng Omo?
- Có lẽ là bản năng phụ nữ mách bảo!
- Ở một cô gái chuyên săn lùng hóa thạch hả? Nghiêm túc đi nào!
- Trúng phóc! Keira đáp. Vào cuối thế kỷ hai mươi, chúng ta đã tin chắc rằng Lucy[8], một phụ nữ chết cách đó hơn ba triệu năm là mẹ của loài người. Trong mười năm trở lại đây, không cần tôi nói ông cũng biết, những nhà khảo cổ nhân loại học đã phát hiện những bộ xương họ người có niên đại cách đây tám triệu năm. Cộng đồng khoa học tiếp tục tranh luận, nếu không muốn nói là người ta nên, hoặc không nên, gắn với loài người. Dù tổ tiên chúng ta có hai chân hay bốn chân thì đó cũng không phải là điều đáng kể đối với tôi. Tôi thậm chí còn không tin rằng đó là cuộc tranh luận thực sự về nguồn gốc loài người cơ. Tất cả chỉ nghĩ đến phần cơ học của bộ xương, về lối sống, về cách ăn uống.
[8] Lucy được phát hiện vào ngày 30 tháng Mười một năm 1974 tại Hadar, bên bờ sông Awash, trong khuôn khổ một dự án tập hợp khoảng ba mươi nhà khoa học quốc tịch Êtiôpia, Mỹ và Pháp, do Donald Johanson, Maurice Taieb và Yves Coppens lãnh đạo. Bộ xương được đặt tên là Lucy bởi những người phát hiện ra nó hát lầm rầm suốt cả ngày trời bài “Lucy in the Sky with Diamonds” của ban nhạc The Beatles. (chú thích của tác giả).
Một cô phục vụ bàn tiến lại gần, Ivory đuổi khéo cô ta bằng một cử chỉ phẩy tay.
- Đây mới là kẻ vô cùng tự phụ này, và theo cô cái gì sẽ xác định nguồn gốc loài người?
- Tư duy, những tình cảm, lý tính! Điều khiến cho chúng ta khác với các loài khác không phải ở chỗ ăn chay hay ăn thịt, không phải ở độ hoạt bát có được trong cách chúng ta bước đi. Chúng ta đang tìm hiểu chúng ta từ đâu đến mà không muốn nhìn xem ngày nay chúng ta đang là cái gì: những động vật ăn mồi phức tạp tột độ và đa dạng đến khó tin, có khả năng yêu thương, giết chóc, xây dựng và tự hủy hoại, cưỡng lại bản năng sinh tồn đang chi phối tập tính của tất cả các loài động vật khác. Chúng ta được phú cho một trí tuệ cực điểm, một tri thức tiến triển không ngừng tuy nhiên đôi khi lại vô cùng dốt nát. Nhưng chúng ta sẽ phải gọi đồ uống đi thôi, đây đã là lần thứ hai cô nhân viên phục vụ bàn của chúng ta thử vận may của mình rồi.
Ivory gọi hai tách trà rồi nghiêng người sang Keira.
- Cô vẫn chưa nói tôi biết tại sao lại là thung lũng Omo, cũng chưa nói cái mà cô thực sự tìm kiếm ở đó.
- Dù chúng ta là dân gốc u, gốc Á hay gốc Phi, dù màu da của chúng ta là gì, tất cả chúng ta vẫn mang một gen đồng nhất; chúng ta có hàng tỉ cá thể, mỗi cá thể lại khác so với những cá thể khác, thế mà chúng ta lại xuất thân từ một sinh vật duy nhất. Làm thế nào sinh vật đó lại xuất hiện trên Trái đất, và tại sao? Tôi đang tìm chính người đó, con người đầu tiên! Và tôi sẵn sàng tin là người đó có tuổi thọ hơn mười hoặc hai mươi triệu năm.
- Ngay kỷ Cổ Cận ư? Cô mất trí rồi!
- Ông thấy đó, tôi có lý khi nhắc đến những nhà thống kê, và giờ chính tôi mới là người khiến ông phát chán với những câu chuyện tôi kể.
- Tôi nói là cô mất trí, chứ không phải vô lý!
- Ông tế nhị quá đấy. Thế còn ông, Ivory, ông đang nghiên cứu về vấn đề gì?
- Tôi đã đến cái tuổi mà người ta tỏ vẻ và tất cả mọi người xung quanh cô đều giả bộ không nhận ra chuyện đó. Tôi không nghiên cứu gì nữa, tôi đã bước vào cái tuổi khi người ta muốn xếp gọn lại những hồ sơ của mình hơn là mở chúng ra một lần nữa. Nhưng đừng có chường bộ mặt đưa đám ấy, nếu cô thực sự biết tuổi của tôi, cô sẽ thấy rằng tôi đúng ra là đã rất khôn khéo để thoát khỏi cảnh khó khăn. Thậm chí đừng cố hỏi tuổi tôi, đó là một bí mật tôi sẽ mang theo xuống mồ.
Đến lượt mình, Keira nghiêng người sang Ivory, để lộ chiếc vòng cô vẫn đeo trên cổ.
- Ông sẽ không làm thế chứ!
- Cô thật tử tế khi nói tôi biết chuyện đó, nhưng tôi mới là người biết rõ nhất! Cô có muốn chúng ta tìm hiểu thêm về cái vật kỳ lạ này không?
- Tôi đã nói với ông rồi, đó chỉ là món quà do một cậu bé tặng cho tôi.
- Nhưng mới hôm qua, cô vừa kể với tôi là chính cô cũng đã thử tìm hiểu xuất xứ thực sự của nó cơ mà.
- Thực ra thì tại sao lại không nhỉ?
- Chúng ta có thể bắt đầu bằng việc thử đoán niên đại của vật này được không? Nếu đây đúng là một mẩu gỗ, một phân tích đơn giản tiến hành dùng đồng vị carbon 14 hẳn sẽ cho chúng ta lời giải đáp.
- Với điều kiện là nó không quá năm mươi nghìn năm tuổi.
- Cô nghĩ nó cổ đến thế kia ư?
- Ivory ạ, từ khi quen ông tôi trở nên đa nghi về vấn đề tuổi tác.
- Tôi muốn coi đó như một lời khen tặng hơn, nhà bác học lão thành vừa đáp vừa đứng dậy. Đi theo tôi nào.
- Ông không định nói với tôi là có một chiếc máy gia tốc phân tử được cất giấu trong tầng hầm của viện bảo tàng đấy chứ?
- Không, tôi sẽ không nói như thế đâu, Ivory vừa đáp vừa cười phá.
- Và ông cũng không có một ông bạn già ở Ủy ban Năng lượng Nguyên tử Saclay sẽ làm đảo lộn cả chương trình nghiên cứu của Ủy ban chỉ để nghiên cứu chiếc vòng cổ của tôi đấy chứ?
- Cũng không nốt, và tôi lấy làm tiếc về điều đó, tôi đảm bảo với cô đấy.
- Vậy thì chúng ta đang đi đâu?
- Về văn phòng làm việc của tôi, cô còn muốn chúng ta đi đâu nữa nào?
Keira đi theo Ivory đến tận thang máy. Cô đang định vặn hỏi tiếp, nhưng ông không để cô kịp làm vậy.
- Nếu cô chờ được đến lúc chúng ta được yên thân một cách thoải mái, ông nói trước cả khi cô kịp thốt ra lời nào, tôi xin hứa là cô sẽ tiết kiệm được nhiều câu hỏi vô ích đấy.
Buồng thang máy đi lên tầng mười ba.
Ivory ngồi ra phía sau bàn làm việc riêng và mời Keira ngồi vào một chiếc ghế bành. Cô ngay lập tức đứng dậy để xem cho rõ hơn những dòng chữ ông đang gõ trên bàn phím máy tính.
- Internet! Từ khi tôi phát hiện ra thứ này, tôi liền phát điên lên vì nó. Giá mà cô biết được tôi đã trải qua bao nhiêu tiếng đồng hồ cùng nó! Thật may là tôi đã góa vợ, nếu không tôi tin là thú tiêu khiển này sẽ giết chết vợ tôi mất, hoặc là chính bà ấy sẽ cho tôi tiêu đời. Cô có biết về “hình cầu” không – đó là một từ đậm chất “tin” mà các sinh viên đã dạy cho tôi – tóm lại, về hình cầu hoặc cảnh nền – cái đó đã dạy cho tôi – ý nghĩa – người ta không tìm kiếm một thông tin nữa, mà người ta “google hóa” thông tin đó! Chuyện này không phải rất vui hay sao? Tôi ngưỡng mộ vốn từ vựng mới này, và chuyện hay ho nhất là khi tôi không nhớ ra nổi một thuật ngữ, sao nào, tôi cũng gõ nó lên Internet, và hấp, ngay lập tức tôi thu được nghĩa của nó. Tôi nói với cô điều này, người ta tìm ra hầu hết mọi thứ, ngay cả địa chỉ những phòng thí nghiệm tư có thực hiện những phân tích với carbon 14, tuyệt chưa nào?
- Thực ra thì ông bao nhiêu tuổi rồi hả Ivory?
- Ngày nào tôi cũng phát minh lại tuổi của mình, Keira ạ, điều quan trọng là không buông trôi chán nản.
Ivory in ra một danh sách các địa chỉ và ngạo nghễ phe phẩy tờ giấy trước mắt vị khách của mình.
- Chúng ta chỉ cần gọi vài cuộc điện thoại để tìm ra những nơi sẽ chấp nhận giải quyết yêu cầu của chúng ta với giá cả phù hợp và trong thời gian hợp lý nhất, ông kết luận.
Keira tra giờ trên đồng hồ đeo tay.
- Chị gái của cô! Ivory kêu lên. Tôi tin là cô ấy đã được giải thoát khỏi cuộc họp được một lúc lâu rồi đấy! Đi gặp cô ấy đi, tôi sẽ lo mọi việc.
- Không, tôi ở lại, Keira nói vẻ ngượng nghịu, tôi không thể để ông làm công việc này một mình được.
- Có chứ, tôi xin đấy, nói cho cùng, tôi còn háo hức muốn biết kết quả chẳng kém gì cô, thậm chí là còn hơn cả cô. Cô đi gặp Jeanne đi và quay trở lại gặp tôi vào ngày mai. Chúng ta sẽ có thêm nhiều thông tin.
Keira cảm ơn vị giáo sư.
- Cô đồng ý giao chiếc vòng cổ này cho tôi cả tối nay nhé? Tối lấy trích ra một mẩu nhỏ để dùng vào việc phân tích. Tôi xin hứa là sẽ thao tác với sự khéo léo của một bác sĩ phẫu thuật, nhìn vào sẽ không thấy sứt mẻ gì đâu.
- Dĩ nhiên là được, nhưng tôi đã thử nhiều lần rồi và tôi chưa bao giờ thành công dù chỉ là làm xước được nó.
- Cô có một lưỡi dao kim cương giống như thứ này không? Ivory hỏi, hãnh diện lôi ra một ngăn kéo dụng cụ cắt cúp.
- Rõ ràng là ông có đầy đủ phương tiện rồi, Ivory. Không, tôi làm gì có một con dao mổ như thế.
Keira ngập ngừng giây lát rồi để chiếc vòng cổ lại trên bàn làm việc của Ivory. Ông nhẹ nhàng gỡ nút dây da đang quấn chặt vật hình tam giác rồi trả lại sợi dây mảnh cho chủ sở hữu.
- Hẹn ngày mai gặp, Keira, cứ ghé qua bất cứ lúc nào cô muốn, tôi vẫn sẽ ở đây.
Truyện khác cùng thể loại
41 chương
40 chương
21 chương
20 chương