Vạt nắng tinh khôi của những ngày cuối hạ đầu thu đang len lỏi đến mọi ngóc ngách của khu giảng đường lâu năm, nơi đã ghi dấu của bao thế hệ sinh viên trưởng thành từ đây. Trên bục, vị giáo sư đang say sưa với bài giảng:– Nếu cưa bất kỳ một xương nào ra, ta cũng thấy có hai phần: xương đặc và xương xốp. Cấu tạo hình ống của xương đặc trong thân xương dài, cũng như cách sắp xếp các bè xương trong xương xốp đều có tác dụng làm nhẹ bớt trọng lượng, giảm bớt số lượng vật chất cần thiết cho cấu trúc xương, đồng thời làm tăng sức chống đỡ của xương đối với sức ép, sức kéo và sức gãy.
Giọng nói thầy giáo vẫn đều đều như vậy từ đầu buổi học đến bây giờ, còn tôi vẫn nhắm nghiền mắt, gục đầu trên bàn trong trạng thái nửa tỉnh nửa mê.– Này bạn kia, bạn nữ bàn cuối. Nhìn thấy bạn là tôi mất hết cảm hứng để giảng bài.
Ngáp một hơi ngoác mồm, khi tôi mở mắt ra thì bản thân mình đã trở thành trung tâm chú ý của cả lớp. Đâu đó có những tiếng cười khúc khích chế nhạo sự vô duyên của tôi, còn thầy giáo chẳng biết từ khi nào đã đứng ngay mép bàn và đang giận phừng phừng.– Dạ vâng, em xin lỗi ạ!
Thôi xong rồi, tôi không còn biết để mặt mũi vào đâu nữa, vội vàng bật dậy và chạy ra ngoài. Dòng nước mát dội lên mặt khiến tôi thực sự tỉnh táo lại, nhìn mình trong gương mà thầm thở dài tự trách cái lối sống sa đọa ngủ ngày cày đêm này.
Tôi trở về chỗ ngồi được một lúc, nhưng không sao bắt kịp tiết tấu của thầy, lúc thì giảng quá nhanh, lúc thì giảng quá sâu quá kĩ. “Sột soạt, sột soạt” tiếng lật dở sách vở của tôi ồn ào khiến người bên cạnh phải lên tiếng:– Sự tái tạo xương, trang 38 sách Giải phẫu.
Người đó nói mà không thèm nhìn tôi lấy một cái. Gì đây, kiêu ngạo sao? Nhưng tôi vẫn lịch sự nói: “Cảm ơn!” với hắn một tiếng.
Đó là lớp phó học tập lớp tôi, tên Lê Quốc Quân. Hắn ta nổi tiếng từ năm nhất với thành tích học tập xuất sắc, nhiều kì liền đứng đầu danh sách học bổng toàn khoa. Bên cạnh đó, hắn còn được mọi người vô cùng tín nhiệm vì là một cán bộ lớp gương mẫu và trách nhiệm.– Vốn định gọi cậu dậy, nhưng nghĩ lại để thầy giáo đánh thức thì cậu mới tỉnh táo hẳn được.
Tôi sững sờ vài giây rồi quay sang nhìn hắn thì bắt gặp một nụ cười tinh ranh. Là hắn cố tình đây mà! Thấy nạn không giúp, thấy chết không cứu chính là tiểu nhân. Được lắm, coi như hôm nay tôi bước chân trái ra khỏi nhà nên xui xẻo đi. Nhưng xem ra bạn lớp phó trong truyền thuyết không có nghiêm túc gì cho cam.
Dù sao cũng đã bị thầy giáo ghim, tôi phải yên thân yên phận qua nốt tiết học này. Tạm bỏ qua, tôi bắt đầu chú ý đến bài giảng.
Tôi là sinh viên Y đa khoa năm thứ hai, tôi quyết định theo con đường trở thành bác sĩ này bằng lý trí chứ không phải con tim. Áp lực về học hành và thi cử; lịch trực và thực tập bệnh viện dày đặc, mang sáu năm tuổi xuân của mình vùi trong một môi trường như vậy, tôi tin tôi của sau này sẽ thật sự bản lĩnh và tài giỏi.***Cuối buổi học, tôi gặp cô bạn cùng lớp:– Diệp Anh ơi, trả cậu quyển vở mình mượn tuần trước này.
Cô bạn quay lại cười rồi kiên nhẫn chờ tôi lục lọi hết các ngăn cặp sách, nhưng quái lạ là tìm mãi mà chẳng thấy đâu. Tôi nhớ rõ ràng sáng nay đã bỏ nó vào trong cặp rồi, cớ sao bây giờ không thấy? À mà hình như sự việc ấy xảy ra trong giấc mơ thì phải?– Xin lỗi cậu nhé, mình để quên ở nhà mất rồi!– Không sao đâu! Vậy chiều nay cậu đưa mình cũng được.– Ừ... Hả? Chiều nay lớp mình có tiết á? – Tôi bắt đầu thấy hoang mang nha.– Đúng vậy, chiều nay là buổi thực tập Giải phẫu mà. Cậu xem lại lịch học sẽ rõ.
Diệp Anh đã đi rồi mà tôi vẫn đứng đó ngẩn ngơ. Lại có một người khác đi ngang qua, tôi chưa kịp nhìn thấy mặt mà đã nghe được giọng nói đáng ghét:– Cứ như vậy cuối kì không biết tại sao bị cấm thi đấy!
Vẫn là cái thái độ kiêu ngạo không thèm quay đầu lại, tôi nhìn trừng trừng bóng lưng đang khuất dần kia, nhưng cũng chẳng phủ nhận được lời nói của hắn vì theo quy định của trường: cần học ít nhất tám mươi phần trăm giờ học lí thuyết và một trăm phần trăm giờ học thực tập mới đủ điều kiện thi hết môn. Tôi thầm trách mình tại sao đã lên đại học mà vẫn lơ ngơ như vậy chứ?***Buổi chiều tôi đến phòng thực tập từ sớm, mặc quần áo blouse, chuẩn bị khẩu trang và găng tay. Trong ngành y có một luật rằng nhân viên y tế không được phép mặc áo blouse ngoài bệnh viện và trường đại học, vì đó là hành vi phát tán hóa chất độc hại và nguồn bệnh truyền nhiễm.
Không lâu sau mọi người cũng đến, hắn tới ngồi ngay bàn đằng trước tôi. Tôi vẫn bực bội chuyện sáng nay, càng khó chịu hơn khi hắn chơi game mà để âm lượng điện thoại lớn. Mặc dù lớp học ồn ào như họp chợ nhưng tôi chỉ ngứa mắt với mình hắn.
Chuông vào học vừa reo, một cậu sinh viên hớt hải chạy vào lớp. Trang phục xộc xệch, đến cúc áo blouse còn chưa cài hết, vừa bước vào vừa thở gấp. Trông cậu ấy thật thảm nhưng vẫn không giấu được vẻ điển trai và nam tính.
Tôi không khỏi nhớ lại ấn tượng đầu tiên khi nhìn thấy cậu ấy trên sân cỏ. Lúc ấy trường tổ chức giải bóng đá nam, tôi cùng bọn con gái đến cổ vũ cho đội bóng của lớp. Từ xa tôi đã thấy cậu ấy nổi bật giữa đám con trai bởi chiều cao vượt trội, mái tóc vàng nâu dưới ánh nắng càng thêm óng ả.
Là chân sút cừ khôi nhất đội với lối chơi bóng kĩ thuật và nhanh nhẹn, cậu ấy cùng sự hỗ trợ từ đồng đội đã cho đối phương “ăn hành” bằng những đường kiến tạo đẹp mắt và không thể gỡ gạc hay xoay chuyển tình thế. Ngôi sao sáng nhất là cậu ấy được cả đám con gái tung hô: “Hoàng Minh! Hoàng Minh!” Tôi dõi theo cậu ấy không rời mắt, quan sát từng cử chỉ và biểu cảm, có lúc cậu ấy ôm chặt đồng đội và cười lớn khi ăn mừng bàn thắng, có lúc sẽ mất bình tĩnh mà quát tháo, chửi rủa vài câu. Sau tất cả, ngày hôm đó lớp tôi thắng đậm. Kể từ đây, có một sự rung động trong lòng, tôi hiểu mình thích cậu ấy từ lần gặp đầu tiên.
Cậu ấy bước tới ngồi bên cạnh Quốc Quân, nhưng vẫn lịch sự chào tôi ở phía sau:– Xin chào, Lâm Như!
Tôi mỉm cười dịu dàng đáp lời, nhưng trong lòng thì kích động khôn xiết.– Hôm qua anh Quân về sớm thế, sao không ở lại uống cùng anh em?– Anh già rồi, làm sao uống lại được với các chú. Hôm qua say quá, còn phải gọi điện cho thằng bạn đến đưa về.
Họ vỗ vai nhau thân thiết rồi lại nói rất nhiều chuyện. Có đôi khi tôi vô cùng ngưỡng mộ tình bạn của đám con trai, tình cảm ấy thật tự nhiên và keo sơn.
Người ta hay nói trường y là nơi chôn vùi tuổi thanh xuân, thế nhưng vẫn có những con người đầy ý chí, thi lại đại học từ năm này qua năm khác để vào được trường y. Vì vậy mà học cùng những anh, chị lớn hơn vài tuổi là chuyện không mấy xa lạ đối với chúng tôi. Lê Quốc Quân cũng là một trong số đó, hắn lớn hơn tôi ba tuổi, cũng gần như là người lớn nhất trong lớp, cùng với uy tín của một lớp phó, hắn được mọi người gọi một tiếng “anh” với sự tôn trọng nhất định. Nhưng tôi thì không, nếu học cùng khóa thì cớ gì phải gọi bằng “anh”?
Tiết học bắt đầu, thầy giáo tóm tắt sơ lược lý thuyết, rồi cho sinh viên nghiên cứu tranh, ảnh và mô hình các bộ phận trên cơ thể người. Nửa buổi học trôi qua, rồi chúng tôi được yêu cầu tập trung để đi đến nhà xác. Cuối cùng thì điều mà tôi mong chờ nhất đã thành hiện thực.
Tôi không giấu nổi sự phấn khích hiện hữu trên khuôn mặt. Bỗng có người đằng sau nói nhỏ:– Háo hức như vậy sao?
Tôi lập tức vừa cười vừa quay lại đáp lời:– Ừ, háo hức vô cùng!
Nhưng khi thấy một bản mặt xấu xa thì nụ cười của tôi cứng đơ trên môi rồi lịm tắt, tôi lườm hắn rồi bơ đi luôn.
Tất cả mọi người đều đeo khẩu trang và đi găng tay khi vào phòng xác, dù qua lớp khẩu trang rất dày nhưng mùi formol vẫn xộc thẳng vào mũi khiến tôi không kìm được mà ho lên vài tiếng. Khắp căn phòng là các giá đỡ trưng bày các bình sành trong suốt đựng tiêu bản hay bộ phận đã cắt rời. Từ một cánh tay, cẳng chân, các nội tạng trong ổ bụng và khoang ngực đến những tử thi trẻ em chết yểu, tất cả đều được phẫu tích và chú thích chi tiết: cân, cơ, xương, mạch máu, dây thần kinh. Ở giữa phòng là các bàn chuyên dụng được xếp thành hàng lối, có một tử thi đã được vớt khỏi bể ngâm từ trước và đặt trên một chiếc bàn ở đây nhằm phục vụ cho mục tiêu học tập của chúng tôi.
Khi tấm khăn trắng được lật lên, trước mặt chúng tôi là xác của một người đàn ông trung niên, nghe thầy giáo nói thì người này chết não cách đây hai năm, nên thân xác của ông ấy gần như nguyên vẹn. Khuôn mặt trắng bệch, thân thể sạm nâu. Nhưng có thể thấy xác của ông ấy được xử lí rất cẩn thận, vì từng đường cắt, rạch trên da đều liền và thẳng, các khối cơ vân được bóc tách tỉ mỉ, các mạch máu và thần kinh hầu hết được bảo tồn. Đứng gần, tôi vẫn ngửi rõ mùi thối rữa xen lẫn mùi hóa chất.
Cô bạn đứng cạnh tôi run nhẹ lên, khuôn mặt túa ra mồ hôi và đỏ bửng dù nhiệt độ phòng khá thấp, có lẽ cô ấy đang hoảng sợ khi lần đầu nhìn thấy một xác chết. Thực ra, tôi cũng vậy! Nhưng tôi vẫn cố gắng tập trung vào thao tác mà thầy giáo dùng panh và kẹp để bộc lộ từng chi tiết, rồi giải thích cặn kẽ.
Nếu chỉ nhìn vào cơ thể của tử thi, tôi sẽ không sợ, mà tôi chỉ cảm thấy sợ mỗi khi liếc nhìn khuôn mặt người đã chết, rồi nghĩ rằng cách đây vài năm họ cũng là một người sống bình thường khỏe mạnh, vậy mà bây giờ lại nằm lạnh lẽo ở đây. Điều đó mới thật sự rùng mình. Tuy nhiên nghiêm túc mà nói, sinh viên chúng tôi vô cùng biết ơn và kính trọng họ, những người hiến tặng thân thể cho sự nghiệp đào tạo y khoa.
Thầy vừa cẩn thận gỡ một dây thần kinh đang bện vào đám rối mao mạch vừa nói với chúng tôi:– Dù sau này các bạn theo chuyên khoa nào thì Giải phẫu đối với chuyên môn của các bạn đều vô cùng quan trọng. Bởi vì: “Con người đứng vững bằng đôi chân, Y học bắt đầu từ Giải phẫu.”
Truyện khác cùng thể loại
78 chương
44 chương
25 chương
47 chương
22 chương
29 chương