Năm Ấy Gặp Được Anh
Chương 5 : Bạn học, bạn bè hay người thương?
Tháng chín, tôi thuận lợi bước vào cổng trường đại học, trường tốt nhất ở địa phương, chuyên ngành cơ điện tử. Cùng lúc đó, Thế Phàm cũng bắt tay vào thực hiện kế hoạch của anh.
Biết anh muốn mở một cửa hàng sửa chữa nhưng không đủ vốn, có lần tôi run run đưa sổ tiết kiệm cho anh, trước đó tôi đã nghĩ phải nói những gì, cuối cùng vẫn không có dũng khí nói ra, ở phương diện này tôi vẫn còn sợ anh lắm. Anh không tức giận, chỉ khẽ cười: "Cậu có nhiều tiền thật đấy. Lên đại học cũng cần tiêu nhiều, ăn uống mua sắm, tụ tập với bạn bè này, nghe nói hoạt động ở đại học rất phong phú, chỗ tiêu tiền cũng nhiều đây. Không biết chừng còn hẹn hò với bạn trai."
Tôi lập tức nổi giận: “Hẹn hò cái đầu cậu, bạn trai cái gì, cậu không muốn nhận cứ việc nói thẳng, còn lắm lời làm gì." Càng nói càng tức, tôi xé tan quyển sổ tiết kiệm, chưa hả giận còn lấy chân đạp. Không kịp chào bà nội, tôi đã chạy bỏ về.
Một tuần sau, tôi bắt đầu hối hận. Mỗi lần điện thoại bàn reng là một lần thất vọng. Tôi hiểu cá tính của Thế Phàm, rất muốn anh tìm tôi nhưng cũng biết hi vọng mong manh đến mức nào.
Hai tuần sau, tôi bắt đầu tỉnh táo lại. Có lẽ tôi quá bốc đồng, cứ phát tác là không để ý hậu quả, được thoải mái nhất thời nhưng cơ hội xuống thang cũng không để lại cho mình.
Ba tuần sau, hết giận dỗi, tôi chỉ còn đau khổ. Điên cuồng nhớ anh, thể nghiệm cái gì gọi là ăn không ngon ngủ không yên, chỉ nhớ anh đã đối tốt với tôi thế nào.
Cuối cùng, tôi đầu hàng. Hôm ấy nhận được giấy thông báo trúng tuyển, tôi cũng có lí do đến gặp anh.
Khi anh xem thông báo vẻ mặt nghiêm túc giống như muốn học thuộc lòng luôn vậy, phấn khởi chẳng kém gì người nhà tôi, còn có chút hâm mộ. Anh thỏa mãn thở phào: "Cuối cùng cậu cũng vào đại học, đây là trường tốt nhất thành phố, tôi biết cậu nhất định có thể, có thể-" Tôi nghe trong giọng anh có chút mất mát.
Buổi tối anh giữ tôi lại ăn cơm, báo cho bà nội: "Phương Khả Nghi sắp trở thành sinh viên trường đại học tốt nhất thành phố chúng ta." Bà vui mừng gắp đồ ăn cho tôi, nhất định bắt tôi ăn nhiều một chút, rồi lại tiếc nuối thay Thế Phàm: "Ai, các cháu lẽ ra có thể là bạn học. Thằng bé số khổ, không vào được đại học, ngày ngày còn phải chạy ngược chạy xuôi, dãi nắng dầm sương, ai."
"Bà ơi bà nghĩ nhiều như vậy làm gì." Thế Phàm an ủi bà: “Cháu còn trẻ, không sợ khổ, không vào đại học vẫn cho bà sống sung túc đầy đủ."
Ăn cơm xong, Thế Phàm rửa bát, bà kéo tay tôi: "Khả Nghi à, có phải gần đây cháu bận lắm không, có một thời gian rồi không đến đây rồi. Ai, về sau có phải cháu cũng không thường xuyên đến nhà chúng ta nữa? Thế Phàm dạo này cũng bận lắm, ngày ngày đi sớm về khuya ra ngoài tìm việc, trở về câu đầu tiên bao giờ cũng hỏi cháu có đến đây không, sợ cháu tìm đến mất công. Cháu ấy, sau này mà rảnh thì đến thăm chúng ta, cháu ở đây Thế Phàm cũng nói nhiều hơn. Nó không có bạn bè nào, cũng ít lời nữa. A Lan A Cường cũng như hũ nút không thích nói chuyện."
Nghe bà nói, trong lòng tôi như nhói lên, suýt chút nữa không ngăn được nước mắt: "Bà ơi cháu sẽ thường xuyên đến, Thế Phàm không ở nhà cháu sẽ nói chuyện với bà, bà không chê cháu phiền, cháu vui quá."
Buổi tối, tôi ngồi trong phòng Thế Phàm, bách vị tạp trần. An lòng hơn một chút bởi cuối cùng trong lòng anh vẫn có tôi, cũng có một chút khổ sở, chân anh bất tiện mà vẫn phải chạy đôn chạy đáo, trong đó cảm giác đau lòng nhiều hơn. Anh nhìn tôi không nói lời nào, nghĩ tôi vẫn tức giận vì chuyện hôm đó, lại nhất thời không biết nói gì cho phải, chỉ vuốt chân theo bản năng. Tôi chen đến ngồi cạnh anh: “Đáng ghét, bỏ tay ra!" sau đó xoa bóp cho anh. Anh định cự lại nhưng chạm phải ánh mắt dữ dằn của tôi, vội vàng thanh minh: “Cậu thở khì khì như thế tôi còn tưởng cậu muốn đánh tôi."
Tôi không nhịn được bật cười, anh cũng thở phào: "Hôm nay đã được thấy cậu cười." Nghĩ một lát, anh còn nói: “Thật ra, chuyện mở cửa hàng tôi định hoãn lại, bây giờ khách còn thưa thớt mà mở cửa hàng lại cần nhiều vốn. Nên giai đoạn này tôi định làm sửa chữa tại nhà, xem xét các khu quanh đây, khảo giá thị trường, tôi nghĩ nếu mở cửa hàng, không chỉ sửa đồ điện mà còn bán đồ điện đã qua sử dụng nữa."
Tôi ngẩng đầu nhìn người con trai ấy, trái tim chưa bao giờ mềm mại đến thế: "Liệu có vất vả quá không?"
"Không sao, tôi không sợ vất vả. Hơn nữa còn có A Cường giúp tôi, không cần lo lắng."
Tôi gật đầu.
Từ hôm ấy, tôi trở thành thành viên thường trú tại nhà họ. Sáng sớm cứ đúng giờ lại đến trình diện, sau đó anh đi làm, tôi ở nhà chuyện trò cùng bà, rót nước pha trà, dọn dẹp phòng một chút, giữa trưa nấu mỳ cho bà (trước mắt tôi chỉ biết món này), buổi chiều rửa rau vo gạo nấu cơm, sau đó ngồi trên bậc thềm giống như hòn vọng phu chờ anh trở về. Mỗi lần tôi dìu anh lên bậc, anh đều nói: "Đầu óc cậu có vấn đề không lại ngồi đây đợi?"
"Có hơi ngốc một chút, nhưng mình bằng lòng mà. Nếu không lần sau cậu đi làm đưa mình theo?"
"Cái gì cậu cũng không biết, mang đi làm gì?"
"Người hầu, thư ký, phụ tá, không được à?"
Anh cười: "Có ông chủ nào như tôi phải nấu cơm cho người hầu ăn?"
"Mình không đòi tiền lương, chỉ mất một bữa cơm mỗi ngày cậu lợi quá còn gì."
"Cậu ăn khỏe lắm."
"Ý cậu nói... mình béo hả, vậy từ hôm nay mình giảm cân nhé?"
...
Khu giảng đường mới của trường nằm ở vùng vành đai thành phố, vì thế từ thứ hai đến thứ sáu tôi ở lại trường, sáng sớm thứ bảy vội chạy đến nhà họ Kỷ, nán lại đến xế chiều về nhà, bố mẹ đã chuẩn bị một bữa tối thịnh soạn, không về nhà ăn cơm lương tâm không yên ổn. Chủ nhật ăn trưa ở nhà rồi lại chạy đến nhà họ Kỷ trình diện. Thế Phàm sẽ về sớm một chút chuẩn bị bữa tối, chờ tôi ăn xong đưa tôi ra bến xe, nếu không anh không an tâm. Nếu so với trường cấp ba, cuộc sống ở đại học tự do tự tại, muôn màu muôn vẻ, điều không tốt duy nhất là không thể gặp anh hàng ngày. Cũng may tôi có các chị em, cũng không cô đơn. Trong phòng có sáu nữ sinh, xếp theo tuổi, tôi là lão Tứ. Lão Đại đến từ một tỉnh miền núi khó khăn, trước khi vào đại học gia đình không chỉ vét sạch số tiền dành dụm mà còn phải vay mượn. Có câu trẻ con nhà nghèo trưởng thành sớm, cô ấy vừa biết chịu khổ vừa biết tiết kiệm, lại đạt được nhiều thành tích học tập. Lão Nhị và lão Tam cũng từ vùng nông thôn, lão Ngũ ở thành phố bên cạnh, lão Lục là dân thành phố này giống như tôi. Lão Đại rất có khả năng đoàn kết mọi người, sáu người chúng tôi rất nhanh đã thân như chị em, đi đâu cũng líu ríu với nhau.
Mỗi tuần gặp Thế Phàm tôi đều giống như phát thanh viên của kênh tin tức, bô lô ba la tường thuật một lượt tất cả những người, những chuyện mới mẻ từ nhỏ đến lớn ở trường trong cả tuần, anh vừa nghe vừa làm việc, thỉnh thoảng ừ à một tiếng coi như đáp lại. Một hôm tôi đột nhiên đặt câu hỏi: "Rốt cuộc cậu có đang nghe không đấy?"
"Có chứ."
"Vậy mình vừa nói gì?"
Anh khoa trương bấm ngón tay: "Mặc dù cậu phát triển câu chuyện theo nhiều hướng, nhưng theo tôi tổng kết, cậu vừa kể lão Tam đã có việc làm tiếp theo đến lượt lão Tứ lão Ngũ lão Lục ra sân."
Tôi cười muốn đánh anh, bàn tay ngừng lại giữa không trung vì câu hỏi tiếp theo của anh:
"Vẫn chưa có ai theo đuổi lão Tứ à?"
Tôi có chút kích động, bởi anh chưa từng mở miệng hỏi đến cuộc sống riêng của tôi.
Vì vậy tôi nghiêm túc suy nghĩ một lát: “Chưa có." Nói có, tôi sợ anh nhân cơ hội nói về sau cậu không nên đến đây.
"Cậu học đại học Khoa học Cơ khí cơ mà, hơn nữa vẻ ngoài cũng không đến nỗi nào."
Tôi bất mãn bĩu môi: “Gì chứ, là quá đẹp nên không ai dám theo đuổi."
Tôi cho là anh muốn chê cười tôi, lại chuẩn bị tiếp tục đấu mồm. Nhưng anh không nói thêm câu nào, chỉ cầm bảng mạch điện tử tiếp tục hàn.
Đột nhiên trầm mặc như vậy, tôi không thể tán chuyện tiếp được nữa, đành ngượng ngùng nói: "Mình giúp cậu hàn nhé."
Anh không để ý tới tôi.
"Mình đảm bảo lần này không hàn vào tay." Lần trước tôi giúp anh hàn, còn muốn làm thật đẹp cho anh xem, đừng tưởng sinh viên chuyên ngành Cơ Điện tử là cái danh hão. Kết quả là không cẩn thận mỏ hàn hơi đụng phải tay, đau đến mức tôi kêu thảm một tiếng. Lúc Thế Phàm xông vào, cây nạng cũng rơi xuống, không chỉ có sắc mặt mà cả giọng nói cũng thay đổi. Vốn tôi muốn khóc nhưng bị sự lo lắng của anh làm hoảng sợ không dám rơi nước mắt. Anh không nói hai lời mở ngăn kéo tìm thuốc bỏng, sau đó vừa bôi vừa nhìn sắc mặt tôi, hỏi tôi có đau không, có muốn đi viện không. Dĩ nhiên tôi nói không cần, đau vặt thế này tính là gì, hồi đi học tôi cũng từng bị bỏng nhưng không ai chuyện bé xé ra to như anh cả. Nhìn anh xót tôi như vậy, tôi cũng có cảm giác trong họa được phúc, về điểm này đau rất là đáng.
"Tôi có chướng ngại tâm lý có được không, bây giờ cậu cầm bất cứ vật nguy hiểm nào tôi cũng thấy lo."
"Ở trường mình cũng phải động đến những thứ này mà."
"Vậy tôi không nhìn thấy, không thể lo. Nhưng ở chỗ tôi khì không được."
Tôi vươn tay cho anh xem: "Xem này, đã khỏi hẳn rồi, ngay cả sẹo cũng không có."
Anh nghiêm túc nhìn, nhíu lông mày: "Không lên sẹo là tốt, nhưng sao lại nhiều vết thương thế này?"
A, là sao, tôi nhìn thử, ngón út có một vết cắt nhỏ xíu giống như bị dao liếc nhẹ qua, tự tôi cũng không để ý.
"Thế Phàm" Lúc tôi làm nũng đưa ra yêu cầu với anh, sẽ giản lược họ của anh, nói chữ Phàm vô cùng dịu dàng: “Cậu có cảm giác được là cậu quan tâm đến mình lắm không?"
Anh lại không để ý tôi nữa, tiếp tục công việc.
Đúng vậy, cứ đến những thời điểm như thế này anh lại dùng im lặng để từ chối tôi. Tôi chỉ biết thử dò xét, cũng không dám biểu lộ nhiều hơn. Phải nói, ở bên anh, có thể chủ động tôi cũng chủ động, nhưng cũng chỉ đến giới hạn thôi chứ? Tuy vậy tôi rất có kiên nhẫn, dù sao chúng tôi còn trẻ, tôi còn đang đi học, anh cũng sẽ vừa đi làm vừa đi học, tương lai còn dài mà. Có thể gặp anh hàng tuần, ở bên cạnh anh tôi đã thỏa mãn rồi. Nhưng cũng có lúc tôi thấy buồn bực, cuối tuần nào tôi cũng đến chỗ anh, nhưng nếu có việc không đến được anh cũng không hỏi, dường như có thấy tôi hay không cũng chẳng sao.
Truyện khác cùng thể loại
155 chương
18 chương
16 chương
28 chương
11 chương
10 chương
20 chương
12 chương
392 chương