Mười Tội Ác: Bóng Ma Đêm Mưa
Chương 2 : Bóng ma đêm mưa
Chúng ta đi quá xa, đến nỗi quên mất vì sao mình lại xuất phát – Khalil Gibran.
Đám thiếu niên ăn mặc bụi bặm phát hiện thấy một xác chết trên tháp nước ở công viên phố Hạ, không những chúng không báo công an, mà còn không kể với người nhà. Ngày nào chúng cũng đến xem xác chết, quan sát và coi đó là thú tiêu khiển. Đám thiếu niên còn lấy điện thoại di động chụp ảnh cùng xác chết, nói theo lời của chúng thì: “Quá kích thích! Không ngờ lại được nhìn thấy xác chết thực sự ngoài đời!”
Trong đám thiếu niên có cậu nhỏ tuổi nhất tên là Tam Chùy, cậu ta nhát gan, không muốn tiếp tục đi xem xác chết nữa, kết quả bị cả bọn lôi ra chế nhạo. Thủ lĩnh của nhóm là cậu bé vuốt tóc dựng đứng, nhuộm bảy sắc cầu vồng, cậu ta nói một câu khiến cả hội đều kính phục: “Mẹ nó! Đợi khi nào đó, tớ sẽ lấy đầu của nó làm bóng đá chơi.”
Nhóm thiếu niên năm người này có ba nam, hai nữ, chúng gọi nhau bằng nickname sử dụng khi chơi game trên mạng: Gà Điên, Nước Sôi, Tam Chùy, Yên Nữ Tử và Hoa Lệ.
Một hôm, chúng chơi game thông đêm ngoài quán internet, đến nửa đêm thì chán chẳng còn trò gì chơi, Gà Điên quay sang nói với Tam Chùy: “Ê! Nhóc! Nếu bây giờ chú dám ra công viên nhìn cái xác đó, anh sẽ cho chú hết quần áo.
Hoa Lệ gàn: “Đừng đi, đồ nhát gan!”
Nước Sôi đế vào: “Còn bổn thiếu gia sẽ cho chú thanh đao trong kho của ta.”
Yên Nữ Tử chốt hạ: “Chồng ba ơi! Nếu anh dám đi thì nhớ chụp với cái xác đó một pô rồi hãy về nhé!”
Quần áo và đao là chỉ những đồ vật hư cấu trong game, nhưng dường như với Tam Chùy, chúng có sức hấp dẫn rất lớn nên cậu ta lập tức đồng ý, còn hứa mình nhất định sẽ chụp chung hình với cái xác, về đăng lên mạng cho mọi người chiêm ngưỡng. Tam Chùy cảnh cáo hai cậu bạn đánh cược với mình không được nuốt lời!
Lúc ấy là một giờ sáng, ngoài trời mưa rơi tí tách, đường phố tuyệt vắng bóng người, Tam Chùy đội mưa chạy ra công viên.
Nửa tiếng sau, Tam Chùy nhắn tin cho Gà Điên như sau: “Tớ nhìn thấy người chết trên tháp nước đứng dậy…”
Chương 1: Bức ảnh quái dị
Tại văn phòng của tổ chuyên án đặc biệt thuộc bộ công an, ngoài cửa sổ, mưa vẫn đổ rào rào.
Phó cục trưởng Bạch Cảnh Ngọc cầm mấy bức ảnh bước vào, rồi đưa cho các thành viên của tổ chuyên án.
Những thiếu niên trong ảnh đều mặc trang phục kì quặc, đầu tóc dị hợm, ánh mắt vẻ bất cần và phản nghịch. Chúng vây quanh một thi thể đang phân hủy với đủ tư thế, một cậu giơ ngón tay giữa, cậu kia vờ lấy tay làm súng, hai cô bé còn lại ngồi trên đất, miệng chu lại, mắt mở to, giơ ngón trỏ và ngón giữa tạo thành hình chữ V.
Họa Long thốt lên: “Sao chỉ muốn đấm đám ranh con này một trận! Chúng là người hay quỷ thế không biết?”
Phó cục trưởng nói: “Có mặt ma xuất hiện trong ảnh đấy! Các cậu nhìn kĩ mà xem.”
Bao Triển xoay ngược bức ảnh lại, phía dưới góc phải có một khuôn mặt mờ ảo trắng bệch, khuôn mặt toát ra vẻ quái dị khó nói thành lời.
Tô My gạt đi: “Chắc chỉ là vật thể nào đó bị phản xạ bởi ánh đèn flash của máy ảnh tạo thành hình giống như mặt người mà thôi!”
Phó cục trưởng Bạch Cảnh Ngọc phủ định: “Không hề có ánh đèn flash! Bức ảnh được chụp bằng điện thoại di động.”
Giáo sư Lương đột nhiên hỏi: “Ai chụp bức ảnh này?”
Phó cục trưởng Bạch Cảnh Ngọc trả lời: “Đứa trẻ chụp bức ảnh này hoảng sợ đến mức mắc bệnh thần kinh. Giờ đang điều trị ở bệnh viện.”
Người chụp bức ảnh đó chính là Tam Chùy.
Đêm hôm đó, cậu ta đánh cược với đám bạn, rồi đến công viên, nhưng sau đó không trở lại nữa. Chẳng ai biết cậu ta đã nhìn thấy gì. Ngày hôm sau, bạn bè phát hiện cậu ta ngã vật ra trước cửa nhà mình, toàn thân co giật, miệng sùi bọt trắng. Cha của Tam Chùy làm nghề lái xe thường ngày ông ta vẫn lái xe chở khách vào ban đêm, vừa lúc đó trở về, ông vội vàng đưa Tam Chùy vào bệnh viện, rồi bấm điện thoại gọi cảnh sát. Bác sĩ nói sức khỏe Tam Chùy không có gì trở ngại, chỉ có điều thần kinh bị kích thích quá độ dẫn đến chứng co giật, điên dại, tâm thần cũng trở nên mơ hồ, lơ ngơ.
Ngay sau đó, cảnh sát lập tức ập đến hiện trường điều tra trên diện rộng. Tháp nước trong công viên khá cao, đỉnh tháp khuất tầm mắt, thông thường không mấy ai lai vãng đến đây, đó chính là nơi vứt xác lí tưởng. Các bác sĩ pháp y lập tức tiến hành phân tích tử thi trong tình trạng không có tử thi. Từ bức ảnh mà Tam Chùy chụp có thể thấy nạn nhân là nam, phần đầu dính một đòn chí mạng, có lẽ đó chính là nguyên nhân dẫn đến tử vong.
Thi thể đã bị giòi bọ xâm nhập, phần đầu thi thể đã thối rữa. Từ độ dài của giòi bọ và số liệu thống kê về nhiệt độ do phòng khí tượng địa phương cung cấp, bác sĩ pháp y suy đoán thời gian nạn nhân tử vong là khoảng bảy ngày trước.
Bác sĩ pháp y xuất sắc này đồng thời cũng là một nhà côn trùng học!
Cuốn “Bút kí minh oan” cho thấy từ thời Tống, Tống Từ đã biết lợi dụng ruồi để tìm ra lưỡi liềm gây án, rồi từ đó tìm ra chủ nhân của hung khí. Tạp chí Times tập hợp một trăm vụ án lớn nhất của thế kỉ, trong đó đề cập đến một vụ án mà người phá án là nhà côn trùng học Jame Webster, ông phát hiện những con ruồi bị chết trên tử thi và lập tức suy đoán nạn nhân bị trúng độc. Nhờ suy đoán đó mà Jame Webster, được ghi danh trong lịch sử phá án của Mỹ và vụ án giết người ở nhà hàng vùng nông thôn đó cũng vì thế mà nổi tiếng!
Thi thể nam trên tháp nước trong bức ảnh bị tụ máu thâm đen ở phần lưng, điều đó chứng tỏ thi thể từng bị di chuyển, bởi sau khi chết nạn nhân phải nằm ngửa thì mảng máu tụ mới xuất hiện ở đằng lưng.
Thi thể trong những bức ảnh mà phó cục trưởng mang về bị sắp đặt ở nhiều tư thế khác nhau, thậm chí còn trong tư thế khoanh chân, lưng tựa vào bờ tường.
Sau khi hỏi đám thiếu niên bất hảo nọ, cảnh sát mới biết đúng là họ đã lật chuyển tử thi, còn lấy cả đá đập vào đầu tử thi nữa! Thêm vào đó phần đầu đã bị giòi kí sinh nên không thể phỏng đoán nạn nhân bị giết bằng hung khí gì, nếu chỉ nhìn nạn nhân qua các bức ảnh.
Khi cảnh sát đến thẩm vấn Tam Chùy thì vẻ mặt của cậu ta vô cùng hoảng hốt, bất an, giọng điệu run rẩy liên tục nhắc đi nhắc lại một câu: “Người chết đứng dậy… Ma…”
Mấy người bạn còn lại của Tam Chùy là Gà Điên, Nước Sôi, Yên Nữ Tử và Hoa Lệ đều nhận được một tin nhắn quái lạ, nội dung là: “Trong vòng bảy ngày, ta sẽ giết hết các người!”
Cảnh sát địa phương phối hợp với bưu điện đã tra ra chủ nhân của số máy nhắn tin cho nhóm thiếu niên. Số điện thoại đó chính là của nạn nhân bị vứt xác trên đỉnh tháp nước. Anh ta là một chủ thầu nhỏ tên là Kim Quế, người vừa mất tích mấy ngày trước đây…
Phó cục trưởng Bạch Cảnh Ngọc thắc mắc: “Sao người chết còn có thể nhắn tin được nhỉ?”
Giáo sư Lương trầm ngâm bảo: “Vụ án này thú vị đây!”
Phó cục trưởng Bạch Cảnh Ngọc nói: “Lời đồn đại đáng sợ ma quỷ giết người nhanh chóng lan đi với tốc độ chóng mặt khiến lòng người hãi hùng. Giờ đây thi thể lại không cánh mà bay, cậu thiếu niên nhìn thấy thì hóa điên. Những thành viên còn lại trong nhóm đều nhận được tin nhắn uy hiếp, phân cục cảnh sát địa phương của bốn phố đều bó tay bất lực, họ mời tổ chuyên án đến điều tra giúp.”
Tô My nói: “Tôi từng xem một bộ phim kinh dị của Nhật tên là “Cuộc gọi lúc nửa đêm”, nội dung phim kể về vụ án giết người liên hoàn, bất kể người nào nhìn thấy cuộn băng đều nhận được một cuộc gọi thần bí, sau đó trong vòng bảy ngày họ sẽ bị giết. Xem ra mấy thiếu niên trong bức ảnh này khó tránh khỏi kiếp nạn lần này rồi…”
Bao Triển nói: “Chúng ta chỉ còn bảy ngày. Sau bảy ngày rất có khả năng sẽ xảy ra thêm một vụ án mạng!”
Họa Long hăng hái: “Xuất phát! Chúng ta mau đi bắt ma nào!”
Đạo sĩ đi bắt ma đều cầm kiếm gỗ đào, còn cảnh sát đi bắt ma cũng cần một số trang thiết bị đặc biệt. Phó cục trưởng Bạch Cảnh Ngọc cho biết: “Tổ chuyên án phá thành công vụ án An tiểu thư mất tích trong tàu điện ngầm lần trước đã gây tiếng vang khắp cả nước, bất kể lãnh đạo cấp trên hay phân cục cảnh sát các cấp dưới cơ sở đều đặt kì vọng rất cao vào tổ chuyên án. Lần này chúng ta chỉ được phép thành công, không được phép thất bại!”
Phó cục trưởng lệnh cho trợ lý mang bốn chiếc vali khóa bằng mật mã đến. Sau khi từng thành viên của tổ chuyên án mở ra, mắt người nào cũng rực sáng.
Trong vali của Họa Long đựng nguyên một hộp súng hiện đại chuyên dụng cho cảnh sát, gồm một khẩu súng lục QSZ-92-9, một khẩu súng bắn lưới, một khẩu súng trường QBU-88, con dao găm chuyên dụng đa chức năng, bình xịt hơi cay, găng tay quyền anh, mặt nạ phòng độc, dây lưng chiến thuật, thiết bị bắn móc câu giúp leo tường…
Họa Long quay sang hỏi Bao Triển: “Vali của chú có gì thế hả thám tử?”
Trong vali của Bao Triển có một số công cụ điều tra hình sự kĩ thuật cao, thậm chí vài món trong số đó là trang thiết bị dành cho đặc công, như máy nghe trộm cách tường, lỗ mắt mèo nhìn trộm, đèn pin mắt sói, máy dò tìm âm thanh và hình ảnh không dây, máy kích ánh sáng nhìn xuyên màn đêm, máy ảnh lỗ kim, nhẫn định vị lần theo dấu vết, máy chụp ảnh kĩ thuật số dạng đồng hồ đeo tay.
Trong vali của Tô My là một chiếc máy tính xách tay ngụy trang màu sắc.
Họa Long tò mò hỏi: “Cái xách tay này có chơi game được không? Mạng không dây à?”
Tô My bĩu môi trêu: “Ông anh còn non lắm! Chiếc máy tính xách tay là sản phẩm công nghệ mới nhất được quân đội và viện khoa học kĩ thuật Trung Quốc hợp tác nghiên cứu ra đấy! Bên trong cài đặt thiết bị thu nhận tín hiệu vệ tinh, hệ thống Linux hoàn toàn, trình tự nguồn mở, anh có thể vừa lặn ở Bắc Băng Dương vừa chơi game đấy vì nó có chức năng chống thấm nước cực tốt.”
Họa Long ngó lơ chữa ngượng, rồi quay sang hỏi giáo sư Lương: “Thế còn giáo sư? Trong vali của giáo sư có gì vậy? Cho tôi xem được không?”
Giáo sư Lương mỉm cười không đáp, ông đóng vali lại.
Tô My nói: “Đến giờ xuất phát rồi! Mau xách chiếc vali khủng bố của anh lên đi!”
Họa Long trừng mắt hỏi: “Thế vali của cô em thuộc loại gì?”
Tô My thản nhiên đáp: “Vali kĩ thuật!”
Mỗi thành viên của tổ chuyên án đều được phát một chiếc điện thoại vệ tinh Inridium loại đặc biệt và một bộ đàm siêu nhỏ. Họa Long cho rằng các thành viên của tổ chuyên án nên đeo thêm cặp kính đen nữa trông sẽ càng thần bí và sành điệu hơn. Lúc qua cửa kiểm tra an toàn trong sân bay tổ chuyên án gặp phải một rắc rối nhỏ, dù tổ chuyên án đã đưa giấy chứng minh của bộ công an chứng minh quyền giữ súng của các thành viên nhưng nhân viên công tác tại sân bay vẫn yêu cầu họ bỏ súng ra khỏi người, tạm thời để cơ trưởng bảo quản.
Khi đã yên vị trong máy bay, Họa Long càu nhàu: “Đen thật! Chưa ra trận đã bị người ta thu mất súng!”
Trong khi vali của Họa Long, Bao Triển và Tô My đều bị tạm thời tịch thu thì vali của giáo sư Lương lại thuận lợi qua cửa kiểm tra an toàn. Mọi người đều rất tò mò muốn biết trong vali của giáo sư đựng vật gì, ai cũng đòi giáo sư mở ra xem, giáo sư Lương mỉm cười mở mật mã, bên trong chỉ có một cuốn “Thánh kinh”.
Sau khi máy bay hạ cáng vô cùng trọng thị tổ chuyên án. Phân cục trưởng giới thiệu với mọi người bốn đh tại sân bay, mọi người ra cửa kiểm soát, vừa xuất hiện đã thấy phân cục trưởng của phân cục bốn phố đích thân lái xe con ra đón. Từ đó có thể thấy cảnh sát địa phương trực thuộc phân cục bốn phố, bốn phố đó lần lượt là phố Tây, phố Đông, phố Thượng và phố Hạ. Sau khi trung tâm cảnh sát phản ứng nhanh nhận được điện thoại báo án, lực lượng cảnh sát đầu tiên xuất hiện tại hiện trường là đội cảnh sát phố Hạ. Công viên nơi phát hiện ra xác chết thuộc vùng quản lý của đội cảnh sát phố Hạ.
Giáo sư Lương nói: “Vậy thì chúng ta phải đến trung tâm của đội cảnh sát phố Hạ, mong phân cục trưởng sắp xếp một phòng để chúng tôi làm văn phòng là được rồi!”
Phân cục trưởng nói: “Tôi có ý này, mời tổ chuyên án lên phân cục trước đã, đội trưởng tổng đội cảnh sát hình sự, giám đốc sở cảnh sát an ninh và lãnh đạo các ban ngành trong phân cục đều đang đợi chúng ta ở đó. Chúng tôi đã chuẩn bị một bữa tiệc đơn giản để tiếp đón tổ chuyên án.”
Họa Long thẳng thắn đáp luôn: “Chúng tôi đến đây không phải để ăn cơm.”
Phân cục trưởng không biết làm gì hơn ngoài việc lái xe đưa tổ chuyên án đến trung tâm đội cảnh sát phố Hạ.
Tại trung tâm, cảnh sát địa phương đã báo cáo tình hình chi tiết của vụ án.
Nạn nhân tên là Kim Quế, bốn mươi hai tuổi, nhà thầu xây dựng của công ty X. Sau bữa tiệc rượu với công nhân, anh ta nói phải về nhà, từ đó tung tích liền bất minh. Người nhà của nạn nhân xác nhận thi thể bị vứt trên đỉnh tháp nước trong bức ảnh chính là Kim Quế. Phía cảnh sát đã mở rộng điều tra hoàn cảnh xã hội và các mối quan hệ xung quanh Kim Quế, nhưng không tìm thấy điểm nào khả nghi. Năm thiếu niên phát hiện ra xác chết của nạn nhân trên đỉnh tháp nước đều là thành phần bất hảo của khu phố, đứa nhiều tuổi nhất năm nay hai mươi tuổi, còn người ít tuổi nhất mới mười bảy, tất cả đều bị đuổi khỏi trường, đang thất nghiệp ngồi nhà. Ban ngày đám trẻ chỉ ngủ, ban đêm thì chơi game trong quán internet thâu đêm. Sau khi nhận được tin nhắn uy hiếp, năm đứa trẻ đã được phía cảnh sát bí mật giám sát và âm thầm bảo vệ. Số điện thoại nhắn tin đến đúng là số điện thoại mà Kim Quế sử dụng trước khi chết. Tình hình hiện nay như sau: Tử thi và chiếc máy di động đều đã mất tích, chiếc điện thoại di động trong trạng thái tắt máy. Tam Chùy nằm trong bệnh viện, tinh thần hoảng loạn, ban ngày thường tự lẩm bẩm một mình, ban đêm hay nói mớ. Phía cảnh sát nhiều lần đến bệnh viện, thẩm vấn cậu ta đã nhìn thấy gì vào đêm hôm cậu ta ra công viên chụp ảnh với xác chết. Nhưng cậu ta chỉ nói mình nhìn thấy ma, thấy người chết đứng dậy, ma đuổi theo truy sát cậu ta, cậu ta cứ thế chạy thục mạng, rồi bị ngã cắm đầu xuống. Khi chạy về đến nhà thì lăn ra ngất xỉu.
Giáo sư Lương hỏi: “Ai là người đầu tiên phát hiện ra Tam Chùy ngất xỉu?”
Đội trưởng đội cảnh sát trả lời: “Một cô bé tên là Hoa Lệ, cô ta là bạn gái của Tam Chùy, sống chung với cậu ta. Khi đó cha của Tam Chùy cũng vừa lái xe về đến nhà, hai người họ khênh Tam Chùy đưa đến bệnh viện.”
Tô My ngạc nhiên hỏi: “Hả? Hai thiếu niên bất hảo, mới tí tuổi đầu đã sống thử, thế mà cha cậu ta cũng mặc kệ sao?”
Đội trưởng giải thích: “Cha mẹ Tam Chùy đã li dị từ lâu, cha cậu ta lái taxi, thường rất ít khi về nhà. Đúng là cậu ta không được cha mẹ giáo dục tử tế.”
Bao Triển ghé tai giáo sư Lương thì thầm vài câu, giáo sư Lương gật đầu. Bao Triển lấy máy ghi âm mini trong vali ra, đưa cho cảnh sát, bảo cảnh sát bí mật gắn nó vào đầu giường của Tam Chùy để nghe trộm Tam Chùy nói trong lúc mơ.
Những lời nói mớ thường hàm chứa rất nhiều thông tin. Nó mô phỏng tư duy của người nằm mơ, những điều nói trong lúc mơ thường là những việc mà ban ngày người nằm mơ hay nghe đến nhiều nhất.
Hôm sau, phía cảnh sát chỉnh lí lại nội dung băng ghi âm, giữa những câu nói ú ớ mơ hồ và những lời nói mớ không liên quan đến nhau, họ nhận được một thông tin vô cùng đáng giá:
Đêm hôm đó, Tam Chùy đã nhìn thấy một người mặc áo mưa. Bên trong áo mưa phồng lên lùm lùm, dường như kẻ đó đang cõng một vật gì đó trên lưng!
Chương 2: Hiện trường hung án
Phố Hạ là một thành phố nhỏ mưa nhiều, hai bên phố trồng rất nhiều hoa dành dành, những cánh hoa to màu trắng mịn đầm mình dưới mưa.
Từ khi người ta phát hiện ra xác chết trên đỉnh tháp nước trong công viên phố Hạ thì chẳng ai dám bén mảng đến đây nữa. Tháp nước cũng bị cảnh sát phong tỏa. Thông thường công viên này rất ít người qua lại, cỏ mọc um tùm, giờ càng trở nên âm u, đáng sợ. Bốn thành viên của tổ chuyên án xuất hiện tại công viên, Tô My đẩy xe lăn cho giáo sư Lương, người quản lý công viên giới thiệu tháp nước này được xây từ những năm năm mươi, đã bị bỏ hoang từ lâu, trước đây vẫn có nhóm trẻ con chọc ổ chim thường đến đây chơi, sau này mấy đứa trẻ đó lớn lên, chúng thành lập ban nhạc Rock suốt ngày kéo đến đây gào rống hát hò.
Bao Triển trèo lên đỉnh tháp, rồi lại trèo xuống, anh quỳ xuống lùm cỏ ở xung quanh, lấy tay đếm đèn đường quan sát khách bộ hành đi ngang qua nơi này. Đôi lúc anh lại gật đầu như ngộ ra điều gì, đôi lúc lại lắc đầu ngầm phủ định.
Họa Long tò mò hỏi: “Ê, Nhà quê! Chú đang làm gì thế?”
Giáo sư Lương đáp thay: “Mô phỏng lại hành vi phạm tội!”
Một cảnh sát hình sự xuất sắc thường đặt mình vào hoàn cảnh của kẻ phạm tội, rồi tự mình đóng vai tội phạm để mô phỏng lại quá trình gây án. Thông qua việc đặt giả thiết và phủ nhận giả thiết, họ sẽ phỏng đoán được tâm lý của hung thủ, từ đó phân tích xem bước tiếp theo hung thủ sẽ làm gì, làm như thế nào.
Giải thích cho Họa Long xong, giáo sư quay sang hỏi Bao Triển: “Thế nào? Có phát hiện ra điều gì không?”
Bao Triển đáp: “Rất có khả năng hung thủ có một chiếc xe hoặc giả vụ án này có vài hung thủ!”
Công viên phố Hạ không phải hiện trường gây án mà chỉ là hiện trường vứt xác. Muốn di chuyển tử thi từ hiện trường gây án đến hiện trường vứt xác, hung thủ cần một chiếc xe để chở nạn nhân hoặc cần vài người khênh nạn nhân đến. Trong trường hợp này thì giả thiết hung thủ có xe sẽ hợp tình hợp lí hơn bởi chiếc xe vừa có thể trở thành vật che mắt thiên hạ vừa tránh bị phát hiện. Phương thức xử lý tử thi của hung thủ không hề cao tay, y lựa chọn công viên làm địa điểm vứt xác, rất có khả năng đó chỉ là lựa chọn tức thời, không hề có kế hoạch chu đáo ngay từ đầu.
Trong lịch sử phạm tội có rất nhiều vụ án di chuyển xác nạn nhân sang địa điểm khác. Gã nông dân Ngô Tự Hưng đã giết chủ nợ vì tranh chấp lúc đánh bạc, rồi vứt xác ở hồ chứa nước ngay trước thôn, nhưng hàng ngày mỗi khi uống nước y lại cảm thấy ghê cổ, bởi thế y đã vớt xác dưới hồ lên và di chuyển đến nơi khác. Thu quỹ ngân hàng Mã Hiểu Phong giết chết đồng nghiệp, sau đó trói thi thể vứt dưới gầm giường, nhưng rồi y lại kéo lê thi thể nhét vào tủ đá nhà mình.
Trạng thái thần kinh của Tam Chùy không ổn định, thẩm vấn quá lâu sẽ khiến cậu ta càng bị kích động, bởi thế cảnh sát chẳng lần ra manh mối gì từ chỗ Tam Chùy. Tổ chuyên án cho rằng những lời nói hàm hồ trong lúc mơ của Tam Chùy cho thấy rất có khả năng kẻ mặc áo mưa chính là hung thủ giết Kim Quế. Đêm đó trời mưa, lúc y muốn di chuyển tử thi đến nơi khác thì vô tình bị Tam Chùy bắt gặp.
Tổ chuyên án dự định sẽ điều tra từ vòng ngoài. Họ rất hứng thú với bảng kê các cuộc gọi đến và đi từ điện thoại di động của Kim Quế. Vào ngày xảy ra án mạng, cuộc gọi cuối cùng mà Kim Quế gọi đi là số máy của một quán sauna tên là Đại Phú Hào. Quán sauna này tọa lạc ở ngay cạnh công viên phố Hạ, nằm cùng trục đường trên con phố này.
Tổ chuyên án thu thập được một chi tiết rất đáng giá là Kim Quế đã nhắn tin cho vợ, nói rằng mình đi mua sữa cho con, muộn một chút mới về nhà, rồi sau đó anh ta đến thẳng quán sauna đó.
Giáo sư Lương lệnh cho Họa Long và Bao Triển lập tức tới quán điều tra. Hai người không thông báo cho cảnh sát địa phương, mà chỉ lẳng lặng hành động. Bao Triển mang theo ảnh của Kim Quế, Họa Long mang theo súng, rồi thay thường phục, giấu điện đàm mini thật kín đáo. Tô My kết nối với máy tính. Sau khi tất cả chuẩn bị chu toàn, hai thành viên của tổ chuyên án bắt đầu xuất phát.
Đây là lần đầu tiên Bao Triển đến một nơi xa hoa, hào nhoáng như thế này, còn Họa Long thì thoải mái chẳng khác nào ngựa về đường cũ. Cô lễ tân lịch thiệp đứng ở cửa cúi gập mình đón khách, Họa Long không thèm đếm xỉa gì đến, anh bước thẳng vào trong. Một nhân viên phục vụ vội đến gần dẫn đường. Cả hai bước vào một gian phòng, Họa Long nhìn quanh một lượt rồi hỏi: “Có phòng tốt hơn dành cho khách VIP không? Phòng loại này không ăn thua!”
Nhân viên phục vụ liền dẫn khách lên tầng trên, bước vào đại sảnh rộng rãi và sang trọng, sàn nhà trải thảm đỏ dày, cạnh tường kê ba hàng ghế sô pha theo phong cách châu Âu, mỗi ghế đủ rộng cho vài chục người ngồi. Cả gian phòng được trang hoàng vô cùng lộng lẫy, chỗ nào cũng toát ra vẻ trang nhã, sang trọng. Họa Long và Bao Triển ngồi xuống ghế sô pha, Họa Long quay sang cô phục vụ bảo: “Cô lui ra đi! Gọi trưởng ca tới đây!”, rồi anh quay sang nháy mắt với Bao Triển, hớn hở nói: “Nhà quê! Để anh cho chú mở mang tầm mắt nhé!”
Bao Triển hơi căng thẳng, đây là lần đầu anh đến nơi phong hoa tuyết nguyệt như thế này.
Tô My khẽ nghiêm giọng nhắc nhở Họa Long và Bao Triển qua tai nghe: “Các anh mà muốn làm chuyện xấu thì đừng quên còn hai khán giả đang ngồi đây theo dõi đó nhé!”
Họa Long ho khan hai tiếng. Cô trưởng ca xinh đẹp gõ cửa tươi cười bước vào, đầu tiên cô ta hàn huyên mấy câu xã giao, rồi dò hỏi xem Họa Long và Bao Triển muốn thợ sauna loại nào.
Họa Long cộc lốc: “Có những loại nào?”
Cô trưởng ca đáp: “Anh muốn loại nào chỗ em cũng chiều hết! Muốn gì có nấy! Loại đặc biệt nhất ở Đại Phú Hào là tiếp viên theo trang phục.”
Họa Long bắt đầu tò mò: “Cô giới thiệu tóm tắt nghe xem nào!”
Cô trưởng ca nhiệt tình giới thiệu cho khách: “Nghĩa là các tiếp viên sẽ mặc trang phục theo các ngành nghề khác nhau. Anh có thể nghĩ ra các em xinh tươi làm nghề nào, thì chỗ em có các em xinh tươi làm nghề nấy, tiếp viên có, y tá có, cô giáo có, thư kí có, học sinh có, nữ giúp việc có thậm chí ngay ca trang phục thời cách mạng văn hoá, hay cung nữ mặc cổ trang cũng có tuốt…”
Họa Long trêu chọc: “Thế có trang phục nữ cảnh sát không?”
Cô trưởng ca đáp: “Có chứ ạ!”
Cô trưởng ca bắt đầu gọi tiếp viên vào phòng. Trước tiên, cô trưởng ca dẫn các cô gái mặc cảnh phục vào phòng, họ xếp thành một hàng ngay ngắn, người nào người nấy sóng mắt đong đưa, ngay cả bộ đồ cảnh phục cũng khó lòng che nổi vẻ phong trần lồ lộ; ngay sau đó là một đoàn các mĩ nữ mặc trang phục tiếp viên hàng không bước vào, mỗi cô uốn éo một tư thế, trông vô cùng gợi cảm, thậm chí họ còn kéo cả vali theo; rồi cuối cùng là một nhóm các cô nàng mặc váy đầm trễ tràng hở lưng lộ ngực, cô nào cũng đầu mày cuối mắt phô bày vẻ đẹp gợi tình của mình.
Họa Long lắc đầu tỏ thái độ không ưng, bảo: “Gọi tất cả tiếp viên trong quán của các cô ra đây!”
Cô trưởng ca xinh đẹp nghe khách thấy vậy thì lúng túng đáp: “Một số tiếp viên còn đang bận tiếp khách, không thể bắt họ xuống đây ngay được. Hay anh chọn tạm một trong số những em này vậy? Nếu anh không chê, để em giới thiệu với anh một cô nhé!”
Mặc cho cô trưởng ca ngọt ngào khuyên nhủ, Họa Long vẫn kiên quyết đòi gọi tất cả tiếp viên trong nhà hàng xuống, thế là đôi bên xảy ra tranh chấp. Cô trưởng ca liền báo cáo với giám đốc, gã giám đốc mang theo mấy bảo vệ hùng hổ bước vào phòng. Vừa nhìn thấy Họa Long, gã giám đốc đã lớn tiếng mắng: “Mẹ mày! Mày là đứa nào mà khó chiều thế hả? Dám đến đây gây sự với ông à? Tao thấy rõ ràng mày muốn chết đây mà!”
Họa Long cười thách thức: “Tôi đến gây sự đấy? Sao hả? Ông anh dám làm gì cảnh sát?”
Gã giám đốc lạnh lùng: “Thằng ôn con! Cái quán này cũng do cảnh sát mở ra đấy! Không những thế còn là ông to trong ngành – phân cục trưởng phân cục bốn phố nữa cơ! Không đi dò hỏi trước mà dám đến đây ba hoa phét lác!”
Họa Long buột miệng: “Đúng như mình nghĩ!”
Gã giám đốc ra lệnh: “Đánh vào tử huyệt của nó, rồi quẳng ra ngoài cho tao!”
Một bảo vệ lao tới túm cổ áo của Họa Long. Họa Long ôm ngang lưng đối phương quật ngã xuống đất, một tên bảo vệ khác lại xông tới, Họa Long tống thẳng một cú vào má phải, rồi thuận chân bồi luôn thêm một cú nữa, đá bay tên bảo vệ văng ra xa. Thừa thế xông lên, anh hạ gục tên bảo vệ thứ ba ngã lăn quay. Hai tên bảo vệ còn lại thấy tình hình không ổn liền rút dao và gậy bóng chày sau lưng ra, Họa Long cũng thần tốc rút súng, thấy thế hai tên bảo vệ cũng không dám manh động. Cục diện đôi bên trở nên vô cùng căng thẳng.
Đúng lúc ấy, điện thoại di động của gã giám đốc vang lên. Thì ra Tô My luôn lắng nghe mọi động tĩnh qua tai nghe từ văn phòng tổ chuyên án, lo tình thế trở nên mất kiểm soát, cô đã gọi điện thông báo cho phân cục trưởng phân cục bốn phố biết. Phân cục trưởng tức tốc gọi điện cho gã giám đốc, bảo hắn rằng hai cảnh sát này là người nhà cả, họ được trung ương đặc biệt cử xuống phá án, vì thế họ có yêu cầu gì thì hãy cố gắng đáp ứng.
Gã giám đốc tắt điện thoại, vẻ mặt thay đổi một trăm tám mươi độ, hắn ta tươi cười luôn miệng xin lỗi.
Họa Long ngồi trở lại ghế, châm điếu thuốc. Gã giám đốc và cô trưởng ca thì thầm với nhau vài câu, một lát sau tất cả tiếp viên trong quán đều bị gọi tới, họ chờ ở hành lang phía ngoài cửa. Bao Triển lấy ảnh của Kim Quế ra, yêu cầu các cô gái nhận diện thật kĩ. Một trong số các tiếp viên có một cô gái tên là Hương Hương. Cô ta mặc trang phục thủy thủ, nom giống như nữ sinh thuần khiết. Cô ta nhận ra Kim Quế là khách hàng mà mình từng phục vụ mấy bữa trước.
Cô trưởng ca yêu cầu Hương Hương phải tuyệt đối phối hợp với cảnh sát, sau đó giải tán tất cả những người không liên quan ai về phòng nấy, rồi đóng cửa lại.
Chỉ còn một mình trong phòng cùng hai cảnh sát, Hương Hương hoảng sợ cầu xin: “Các anh ơi! Em không biết gì hết! Xin đừng bắt em!”
Họa Long trấn an: “Cô cứ yên tâm! Chúng tôi là tổ chuyên án. Những vụ tép riu như truy quét mại dâm thì nhường cho cảnh sát địa phương giải quyết.”
Hương Hương trố mắt hỏi: “Tổ chuyên án ư?”
Họa Long vênh vang: “Chúng tôi chỉ phụ trách những vụ án đặc biệt nghiêm trọng.”
Hương Hương gật đầu tỏ vẻ am hiểu: “À… vâng… Các anh chỉ nhận những vụ án lớn, giống như chúng tôi chỉ tiếp khách sộp phải vậy không?”
Họa Long tẽn tò gật đầu: “Cô nói thế cũng được!”
Theo hồi ức của Hương Hương, nạn nhân Kim Quế đã đến quán sauna này vào hôm vụ án mạng xảy ra. Trong quá trình phục vụ, anh ta nhiều lần cưỡng hôn Hương Hương, nhưng bị cô ta cự tuyệt. Kim Quế thậm chí còn móc một trăm tệ trong ví ra, quỳ xuống cầu xin được hôn, bởi vậy Hương Hương có ấn tượng rất sâu sắc với vị khách này.
Họa Long ngạc nhiên thắc mắc: “Cho phép tôi hỏi một câu tế nhị, các cô là gái bao, sao lại cự tuyệt hôn khách làng chơi vậy?”
Hương Hương bĩu môi, nghiêng đầu ra chiều kinh tởm: “Mồm anh ta hôi như mùi chuột chết…”
Họa Long hỏi tiếp: “Sau đó thì sao?”
Hương Hương kể: “Sau đó anh ta bắt tôi phải tát anh ta. Tôi bực mình gọi giám đốc, giám đốc liền trả tiền lại và tống cổ anh ta ra khỏi quán.”
Bao Triển chợt chen ngang: “Anh ta bo cho cô đồng một trăm tệ chẵn hay là hai tờ năm mươi tệ?”
Hương Hương đáp ngay: “Ví của ông ta nhìn căng phồng, cứ tưởng nhiều tiền, nhưng thực ra bên trong toàn tiền lẻ mười tệ, năm tệ, còn ôm theo cả bịch sữa bột cho con nít nữa.”
Bao Triển đột nhiên nhớ đến câu nói của gã giám đốc khi nãy: “Đánh vào tử huyệt… rồi quăng ra ngoài!”, anh lắc đầu như thể trong lòng đang ngầm phủ định điều gì đó.
Khi Kim Quế rời khỏi quán sauna mới khoảng chín giờ tối, thời điểm đó ắt vẫn còn khá nhiều người đi lại trên đường. Trước con mắt của bao nhiêu người, hung thủ làm cách nào để giết chết nạn nhân mà không bị phát hiện?
Trên đường anh ta về nhà đã xảy ra chuyện gì nhỉ?
Hiện trường gây án rốt cuộc ở nơi nào?
Chương 3: Bóng ma hiện hình
Suốt mấy ngày liên tiếp, vụ án không có gì tiến triển, tổ chuyên án phân tích và cho rằng Tam Chùy sẽ là mấu chốt đột phá của vụ án này. Cậu ta là người duy nhất nhìn thấy hung thủ, chỉ có điều giờ cậu ta lại đang nằm ở bệnh viện, trạng thái tinh thần vẫn tồi tệ như cũ một ngày co giật mấy lần, mỗi lần đều làm mọi người khiếp vía. Mắt cậu ta trợn ngược trắng dã, tứ chi co rút, tay quắp lại như chân gà, mất ý thức, thần trí mơ hồ. Những bệnh nhân điều trị cùng phòng với Tam Chùy đều cho rằng cậu ta bị ma nhập.
Đợi đến khi Tam Chùy tỉnh táo hơn một chút, giáo sư Lương mới bắt đầu tiến hành trị liệu cho cậu ta bằng thuật thôi miên.
Cảnh sát Hồng Kông từng nhờ bà đồng phá án, FBI của Mỹ cũng từng dùng cảm giác thứ sáu để điều tra và phá một số vụ án. Trong một số vụ án, việc sử dụng những phương pháp điều tra đặc biệt là vô cùng cần thiết.
Giáo sư Lương không tiết lộ cho Tam Chùy biết mình là cảnh sát, mà chỉ giới thiệu mình là bác sĩ tâm lí của bệnh viện, ông còn làm một thẻ bác sĩ giả để lấy được sự tin tưởng của Tam Chùy.
Giáo sư Lương nói với Tam Chùy rằng thuật thôi miên là một phương pháp điều trị bằng tâm lí, có thể giúp bệnh nhân chấm dứt cảm giác lo lắng, sợ hãi, từ đó bệnh nhân sẽ đối diện với cuộc sống bằng thái độ đúng đắn và bước ra khỏi bóng đen từng ám ảnh trong lòng.
Tam Chùy ngồi yên trên ghế, gương mặt hốc hác, cậu ta ra hiệu mình đã sẵn sàng phối hợp với bác sĩ.
Giáo sư Lương lấy ra chiếc đồng hồ quả quýt, để nó lúc lắc giữa không trung, rồi bảo Tam Chùy chú ý nhìn vào đó, đồng thời lắng nghe tiếng kim đồng hồ chạy. Đây chính là phương pháp thôi miên bằng con lắc. Giáo sư Lương bắt đầu thực hiện các bước dẫn dắt bệnh nhân tưởng tượng bằng cách dùng lời nói để ám thị và hướng dẫn. Sau hơn nửa tiếng, mí mắt của Tam Chùy càng lúc càng trĩu nặng, rồi hoàn toàn nhắm hẳn, cậu ta bắt đầu rơi vào trạng thái bị thôi miên.
Giáo sư Lương nhẹ nhàng gợi ý: “Mưa rồi! Cậu có nghe thấy tiếng mưa rơi tí ta tí tách không?”
Tam Chùy mơ hồ đáp: “Có nghe thấy!”
Giáo sư Lương tiếp tục dẫn dắt: “Cậu đang đứng trong công viên phố Hạ, mùi hoa dành dành thơm nồng nàn, cậu có ngửi thấy không?”
Tam Chùy đáp: “Có ngửi thấy!”
Giáo sư lại tiếp: “Cậu có nhìn thấy một tháp nước trong công viên không?”
Tam Chùy đáp: “Có nhìn thấy!”
Giáo sư Lương hỏi: “Cậu còn nhìn thấy gì nữa?”
Tam Chùy có dấu hiệu hoảng hốt: “Còn thấy một người mặc áo mưa đang cõng một xác chết.”
Giáo sư Lương hỏi dồn: “Người mặc áo mưa đó trông như thế nào?”
Tam Chùy run rẩy: “Tôi… tôi biết người đó!”
Giáo sư Lương ngạc nhiên, lập tức hỏi luôn: “Người đó là ai vậy?”
Tam Chùy bỗng nhiên mở bừng hai mắt, miệng hét thất thanh, cậu ta đột ngột tỉnh dậy khỏi trạng thái bị thôi miên.
Thôi miên có thể hướng dẫn con người đi vào một trạng thái nào đó, nhưng không thể bắt ép người đó làm việc mà tiềm thức của mình không tán đồng. Trong tiềm thức của mỗi con người đều có một bí mật và sự riêng tư không thể xâm phạm, xuất phát từ hành vi tự bảo vệ nên dẫu đang rơi vào trạng thái bị thôi miên thì người đó cũng không bao giờ tiết lộ bí mật của mình.
Tam Chùy quen với hung thủ, kết quả việc thôi miên đã giúp tổ chuyên án thu hoạch được một thông tin khiến ai cũng phấn chấn. Sau đó cảnh sát bốn phố liên tục gia tăng cường độ thẩm vấn Tam Chùy nhưng cậu ta nhất quyết không chịu nói gì hơn. Tinh thần Tam Chùy cơ hồ sắp suy sụp đến nơi.
Tổ chuyên án yêu cầu phân cục bốn phố giám sát nghiêm ngặt bốn người bạn còn lại của Tam Chùy, bởi rất có thể một trong số chúng chính là hung thủ giết người. Hai ngày sau có một thông tin phản hồi lại, viên cảnh sát bí mật giám sát Gà Điên phản ánh gần đây không biết cậu nhóc đó kiếm được một món tiền khá lớn từ đâu mà ngày nào cũng mời bạn bè đi sàn nhảy hát hò, không những vậy còn hút thuốc phiện trong phòng karaoke nữa. Cậu ta có rất nhiều điểm đáng nghi.
Cảnh sát bốn phố liền đặt ra một giả thiết khá mạnh bạo, đội trưởng đội cảnh sát hình sự suy đoán như sau:
Tối hôm đó, Kim Quế rời khỏi quán suna trở về nhà, trên đường về rất có khả năng vì mót tiểu hoặc nguyên nhân nào khác nên anh ta buộc phải rẽ vào công viên, nhưng anh ta không vào nhà vệ sinh công cộng mà giải quyết ngay ở lùm cây gần tháp nước. Hôm ấy, Gà Điên cũng tình cờ đang ở trong công viên, con trai mới lớn thường thích đi đây đi đó, nên trong lúc bí tiền cậu ta nảy sinh dã tâm giết người cướp của. Sau khi gây án, cậu ta cõng thi thể nạn nhân lên đỉnh tháp nước, rồi giả vờ như cùng bạn bè tình cờ phát hiện ra xác chết để tạo ra chứng cứ ngoại phạm…
Phân cục trưởng phân cục bốn phố nói: “Cũng có khả năng mấy đứa trẻ còn lại đều là đồng phạm, chỉ riêng Tam Chùy là người ngoài cuộc, không tham gia giết người.”
Đội trưởng đội cảnh sát hình sự tán đồng: “Đúng vậy! Mấy thiếu niên bất hảo đó còn hút thuốc phiện, nên hoàn toàn có thể xảy ra khả năng bọn chúng dám giết người.”
Bao Triển hỏi vặn: “Vậy hiện trường gây án ở đâu? Nếu ở ngay giữa bụi cỏ thì sao không tìm thấy vết máu?”
Đội trưởng đội cảnh sát hình sự đáp: “Hôm đó trời mưa nên nước mưa đã gột sạch hết vết máu còn gì!”
Bao Triển gật gù, anh bước tới bên cửa sổ chìm vào suy nghĩ, rồi tự lẩm bẩm một mình: “Mưa! Đúng rồi! Sao mình không nghĩ đến điểm này nhỉ?”
Giáo sư Lương chợt nói: “Hôm nay là ngày cuối cùng!”
Phân cục trưởng phân cục bốn phố ngạc nhiên hỏi: “Giáo sư nói gì ạ?”
Giáo sư Lương lấy bức ảnh do Tam Chùy chụp, rồi chỉ tay vào khuôn mặt ma trên bức ảnh.
Đêm hôm đó trời mưa to, bốn thiếu niên là Gà Điên, Nước Sôi, Hoa Lệ và Yên Nữ Tử cùng ngồi chơi trong quán internet, hai cảnh sát ngồi trong xe ở bên ngoài quán bí mật theo dõi. Bốn thiếu niên vừa hút thuốc lá vừa chơi game, chúng chìm đắm với việc chém giết trong thế giới ảo. Tam Chùy nhập viện không hề ảnh hưởng đến tâm trạng của chúng. Mấy ngày nay, Hoa Lệ đã chuyển đối tượng quan hệ khác, cô bé đính ước với Gà Điên ở trên mạng.
Chúng vừa chơi game vừa nói những từ mà chỉ chúng mới hiểu:
Gà Điên: “Mẹ kiếp! Quỳ xuống! Uống xx, cho ông!”
Nước Sôi: “Đá lủng sọ bây giờ!”
Yên Nữ Tử: “Tìm người yêu! Em đây chỉ thuộc về những anh lắm tiền!”
Hoa Lệ: “Cút mau! Bổn công chúa tắm máu cả nhà ngươi!”
Lúc ba giờ sáng, quán internet bất ngờ mất điện, bốn thiếu niên đành ai về nhà nấy.
Khi rời khỏi quán, Hoa Lệ nài nỉ Gà Điên cho cô bé sang ở cùng, nhưng Gà Điên chẳng thèm đoái hoài, hai tay cắm vào hai túi quần cỡ đại đằng sau, mặt toát ra vẻ lạnh lùng và phớt đời, cậu ta bình thản bước vào màn mưa.
Xe cảnh sát lặng lẽ bám theo Gà Điên.
Nước Sôi và Yên Nữ Tử nắm tay nhau bước vào một con phố khác, lát sau đã mất dạng.
Hoa Lệ ôm khuỷu tay, bước vào một ngõ hẻm không có đèn đường. Tận cùng của con ngõ là nhà của cô bé.
Cô bé mặc chiếc quần bò kiểu Hàn Quốc, ống quần rất dài, gần như quét lê mặt đất, Hoa Lệ từng chỉ vào ống quần của mình và nói: “Nó càng bẩn, càng nát, mình càng thích!”
Mưa đổ rào rào, nhưng cô bé mặc kệ, cô để mình ướt đẫm, cũng không buồn tránh những vũng nước.
Con ngõ vừa hẹp lại vừa tối. Hoa Lệ loáng thoáng nghe thấy tiếng bước chân vẳng đến từ phía sau. Cô bé ngoái đầu, nhưng không thấy ai. Hoa Lệ thấy hơi rờn rợn, cô bé đi thêm mấy bước nữa, rồi đột ngột quay đầu lại, phía sau xuất hiện một người mặc áo mưa. Trong bóng tối, cô bé không nhìn rõ khuôn mặt của kẻ ấy. Cô bé sợ hãi, dồn nhanh bước chân, kẻ phía sau cũng chạy theo. Hoa Lệ cuống quýt không biết làm gì, cô bé nấp vào trước cổng một ngôi nhà gần đó, còn đang do dự không biết nên gõ cửa hay hét lên kêu cứu thì cô bé thấy bước chân đã áp sát đến gần. Tim cô bé đập nhanh khủng khiếp, cố nghĩ rằng có thể đó chỉ là một người qua đường, nhưng kẻ mặc áo mưa lại không đi tiếp mà dừng ngay trước mặt Hoa Lệ. Hắn ta quay đầu lại, nhìn cô bé…
Một tia sét vụt lóe lên, xé nát bầu trời, lằn sáng soi rõ ánh mắt khiếp đảm của Hoa Lệ, đồng thời cũng soi rõ khuôn mặt của kẻ ấy – Cô bé phát hiện mình biết khuôn mặt này!
Ngày hôm sau, người ta phát hiện ra một vết máu ở cách nhà Hoa Lệ năm mươi mét, phía cảnh sát tiến hành giám định dấu vết, nhưng không thể phán đoán được hung thủ đã sử dụng vũ khí gì. Họa Long lần lượt lấy những dụng cụ chí mạng như rìu, búa, gậy bóng chày, mỏ lết tấn công viên cảnh sát đóng vai nạn nhân để mô phỏng lại hiện trường, nhưng vẫn không thể xác định được vết máu loang trên tường được tạo thành do vật gì đập phải.
Sau khi điều tra thực địa, căn cứ vào phản ánh của ông chủ quán internet, vụ mất điện đêm hôm trước là do nhân tố con người, có ai đó đã cố tình cậy hộp biến thế ở gần đó của quán, rồi sập cầu dao dẫn đến mất điện.
Từ hiện trường có thể thấy vì trời mưa nên tất cả manh mối có giá trị như vết chân, dấu vân tay đều bị xoá sạch, cảnh sát cho rằng hung thủ rất quen thuộc với địa hình và môi trường ở nơi này nên chắc chắn là người quen của nạn nhân. Hơn nữa tối hôm ấy cảnh sát luôn luôn giám sát Gà Điên, nhưng không thấy cậu ta có động tĩnh gì khác thường. Nước Sôi và Yên Nữ Tử rời khỏi quán internet cũng về nhà luôn. Tam Chùy thì vẫn nằm trong bệnh viện. Tất cả bốn thiếu niên đều có chứng cứ ngoại phạm rõ ràng.
Vậy ai là kẻ đã giết chết Hoa Lệ? Mà kẻ đó lại là người quen của cô bé?
Vì sao thi thể của cô bé lại biến mất?
Cảnh sát thuộc phân cục bốn phố phân tích và cho rằng rất có khả năng hung thủ là kẻ có sở thích bệnh hoạn như yêu xác chết, nhưng tổ chuyên án phản bác suy đoán này. Giáo sư Lương còn khẳng định nếu không có gì bất ngờ xảy ra thì chắc chắn hung thủ còn tiếp tục gây án.
Để bảo vệ ba thiếu niên còn lại, phía cảnh sát liền cho bắt giam chúng vì lí do hút thuốc phiện. Thế là Gà Điên, Nước Sôi và Yên Nữ Tử bị nhốt vào trại quản thúc thanh thiếu niên. Sau nhiều lần thẩm vấn, cảnh sát vẫn không thu thập được manh mối hữu dụng gì từ phía các nghi phạm.
Chỉ một ngày sau đó, đội cảnh sát phố Hạ lại nhận được cú điện thoại báo án. Nữ kế toán nhà máy thuốc lá đi ngân hàng rút tiền, nhưng cô không trở lại công ty làm việc nữa, cũng không về nhà, hiện giờ tung tích bất minh. Phía cảnh sát kiểm tra camera của ngân hàng và phát hiện lúc bốn giờ chiều cô kế toán nọ đã rút một trăm năm mươi ngàn tệ khỏi cây rút tiền tự động của ngân hàng. Buổi tối cùng ngày, một người khác cũng rút tiền hai lần tại cây tự động rút tiền bằng thẻ ngân hàng của cô kế toán, số tiền rút ra là bốn mươi ngàn tệ.
Camera giám sát cây rút tiền tự động cho thấy: Một người đàn ông đứng đó, ông ta mặc áo mưa, cố ý cúi thấp đầu, lấy mũ áo mưa che khuất khuôn mặt. Thời gian lúc bấy giờ là mười hai giờ khuya. Camera không thể hiển thị rõ ràng từng chi tiết, nên cảnh sát chỉ biết người đàn ông đó hơi gầy, dáng người thấp bé.
Tổ chuyên án và cảnh sát phân cục bốn phố đều nhất trí rằng rất có khả năng cô kế toán nhà máy thuốc lá nọ đã bị sát hại, kẻ mặc áo mưa rút tiền chính là hung thủ. Có lẽ vụ án này và vụ án vứt thi thể lên tháp nước cùng vụ án giết Hoa Lệ đều do một người gây ra.
Ba vụ án xảy ra liên tiếp, phân cục trưởng phân cục bốn phố đứng ngồi không yên, nếu không thể phá án thì chắc chắn ông ta sẽ phải gánh vác một phần trách nhiệm. Phân cục trưởng ra lệnh cho các lực lượng cảnh sát tăng cường tiến độ mô phỏng hiện trường nhằm tìm kiếm lại đối tượng tình nghi. Bao Triển nói: “Tôi cho rằng không cần tìm kiếm đối tượng tình nghi nữa!”
Phân cục trưởng thắc mắc: “Vì sao?”
Bao Triển giải thích: “Khi chúng ta mô phỏng hiện trường vụ án lần trước, chắc chắn có cảnh sát từng nhìn thấy kẻ mặc áo mưa đó…”
Phân cục trưởng thất vọng: “Cậu nói thế cũng bằng thừa! Tất nhiên là cảnh sát đã nhìn thấy hắn rồi! Qua camera chứ đâu…”
Bao Triển đính chính: “Không! Ý tôi là chúng ta biết tên sát thủ đó…”
Chương 4: Nơi chôn xác
Mọi người đều nhỏm dậy chờ đợi câu tiếp theo của Bao Triển, vậy mà anh lại ngưng lời, ý chừng mình chưa có chứng cứ nên tất chỉ cả là suy luận và phỏng đoán. Phân cục trưởng nóng lòng vỗ đùi đánh đét một cái, giục giã: “Đừng vòng vo nữa! Tóm lại cậu cho rằng hung thủ là ai?”
Bao Triển vẽ một trục thời gian biểu đơn giản trên bảng đen. Anh lần lượt đối chứng các manh mối trong ba vụ án theo thứ tự thời gian, bên cạnh các mốc thời gian anh ghi chú một vài từ khóa để đánh dấu, ví dụ như số điện thoại, mưa, thi thể biến mất, áo mưa, quen thuộc địa hình, hiện trường gây án… Theo đó mọi người phát hiện chủ yếu có hai điểm tương đồng, thứ nhất là cả ba vụ án đều mất xác; thứ hai là hung thủ mặc áo mưa.
Bao Triển gợi ý: “Còn một điểm giống nhau nữa mà tất cả chúng ta đều không để ý.”
Phân cục trưởng bật hỏi: “Điểm nào?”
Bao Triển đáp: “Cả ba vụ án mạng đều xảy ra khi trời mưa, nhưng ba nạn nhân đều không mặc áo mưa hay đem theo dù! Sở dĩ vụ án vứt xác trên đỉnh tháp nước và vụ cô kế toán bị sát hại đều không thể tìm thấy hiện trường gây án là bởi vì hiện trường gây án không ngừng bị di chuyển. Hung thủ mặc áo mưa để che giấu khuôn mặt thật của mình, nhưng đồng thời cũng chính hành động đó đã vô tình khiến y bại lộ chân tướng. Cả ba vụ án đều xảy ra vào ngày mưa, cả ba nạn nhân đều không có đồ vật che mưa, mà việc di dời tử thi lại cần có phương tiện vận chuyển. Vậy hung thủ có khả năng là ai nhất?”
Giáo sư Lương buột miệng đáp luôn: “Tài xế taxi!”
Bao Triển gật đầu khẳng định: “Đúng thế! Nạn nhân Kim Quế rời khỏi quán sauna đúng lúc trời mưa to, nhân viên kế toán nhà máy thuốc đi rút tiền ở ngân hàng cũng là khi mưa to. Nếu là các đồng chí, thì các đồng chí sẽ làm gì?”
Phân cục trưởng lắc đầu không thể trả lời nổi.
Tô My đáp: “Nếu trời mưa, tôi sẽ gọi taxi!”
Bao Triển nói: “Đúng vậy! Rất có khả năng hung thủ là một tài xế taxi. Ba người bị hại đều không mang theo đồ vật che mưa, khi họ bước lên xe của y cũng là lúc họ bước lên con đường không có lối trở về. Điều tôi muốn gợi ý mọi người là… cha của Tam Chùy vừa hay là một tài xế lái taxi.”
Phân cục trưởng hăng hái đứng dậy: “Thế thì mau tóm cổ thằng cha đó lại, nhốt vào phòng thẩm vấn, cho hắn ta nếm tí mùi, phải hắn ta làm hay không, chắc chắn sẽ ra ngay!”
Giáo sư Lương không đồng tình: “Nếu ông ta không phải thủ phạm thì chẳng phải chúng ta bắt oan người vô tội hay sao?”
Phân cục trưởng gạt phắt đi: “Giáo sư quan tâm nhiều thế làm gì? Giết nhầm còn hơn bỏ sót, cảnh sát phá án đâu thể đảm bảo một trăm phần trăm mình bắt đúng người đúng tội!”
Giáo sư Lương kiên quyết: “Không có chứng cứ tuyệt đối không thể tùy tiện bắt người!”
Thông qua một vài tiểu xảo xử lí kĩ thuật, Tô My đã có được ảnh dán trong hộ tịch của cha Tam Chùy, không chỉ vậy, cô còn có cả ảnh trong giấy phép lái xe. Nhưng khi mang ảnh ra so sánh với hình dáng người xuất hiện trong camera thì kết quả làm mọi người vô cùng thất vọng. Bức ảnh dán trên giấy phép lái xe cho thấy cha của Tam Chùy là một người đàn ông trung niên béo tốt, trong khi kẻ mặc áo mưa ở camera lại có thân người gầy gò. Rõ ràng họ là hai người hoàn toàn khác nhau.
Phân cục trưởng vẫn kiên quyết với ý kiến cứ bắt cha của Tam Chùy lại xét hỏi, nhưng giáo sư Lương cho rằng không có chứng cứ mà khăng khăng quy tội cho ông ta là hung thủ giết người thì không hợp tình hợp lí chút nào. Cuối cùng phân cục trưởng đành thỏa hiệp, ông ta đồng ý để tổ chuyên án đến nhà Tam Chùy điều tra trước, nếu phát hiện ra chứng cứ thì sẽ tiến hành bắt tội phạm sau.
Bốn thành viên của tổ chuyên án lên xe xuất phát. Theo địa chỉ ghi trong hộ tịch, họ tìm thấy nhà của Tam Chùy. Mọi người dừng xe đằng xa, định lấy lí do thuê taxi để tiếp cận với cha Tam Chùy. Nhà Tam Chùy ở trong một khu tập thể cũ nát, nhà một tầng, có mảnh vườn nhỏ, cửa khép hờ, trong sân có một giàn nho, trong đám lá xanh thấp thoáng lộ ra những chùm quả tím thẫm trĩu nặng còn bám đầy những giọt nước mưa li ti.
Trước cổng đậu một chiếc xe taxi, cửa xe khóa chặt, chẳng rõ bên trong có gì khác thường không. Bốn người đi thẳng vào trong mảnh vườn nhỏ, Họa Long gọi mấy tiếng: “Có ai ở nhà không? Chúng tôi muốn thuê xe.”
Tô My đẩy xe lăn cho giáo sư Lương. Bao Triển quan sát mảnh vườn, dưới gốc nho có dấu tích đào đất rất rõ ràng, lớp đất tơi xốp này có màu rất khác với vùng đất xung quanh.
Bao Triển liền giơ ngón trở lên miệng “Suỵt!” ra hiệu cho mọi người im lặng.
Anh tìm thấy một chiếc xẻng ở góc tường, liền cầm lấy đào một cái hố nhỏ ở gốc nho, mới đào hai ba nhát đã thấy một ống tay áo hiện ra dưới lớp đất. Rõ ràng một xác chết đã bị vùi ở đây!
Bốn người tim đập thình thịch như trống trận, họ đưa mắt nhìn nhau hội ý xem nên lập tức thực thi lệnh bắt giữ hay nên thông báo cho cảnh sát phân cục bốn phố.
Đúng lúc ấy, cửa nhà bật mở, một người đàn ông gầy gò xông ra vườn. Họa Long ý thức ông ta muốn chạy trốn nên vội vàng lao tới chặn lại. Ai ngờ y giơ vật trong tay lên, thì ra đó là một cây súng bắn đinh. Không nói lời nào, y chĩa súng vào thẳng đầu Họa Long và bóp cò. Họa Lọng nhìn thấy mắt đối phương lộ tia hung quang song anh không kịp rút súng, thậm chí còn không có thời gian né tránh, trong lúc cấp bách anh lấy tay chặn họng súng lại. Một cây đinh bắn tới, xuyên qua lòng bàn tay Họa Long mu bàn tay còn hằn lên đầu đinh nhọn hoắt, máu tuôn ra như suối chảy, Họa Long đau đớn quỳ sụp xuống. Gã đàn ông nhìn thấy Tô My đang đẩy xe lăn liền cầm súng định lao đến, y chĩa súng vào đúng ngực giáo sư Lương và lại bóp cò, sau đó lấy hết sức xô mạnh Bao Triển, rồi trốn nhanh ra ngoài nhân lúc mọi người đang bàng hoàng.
Biến cố xảy ra bất ngờ khiến Bao Triển và Tô My ngây dại, chỉ trong chưa đầy một phút mà Họa Long và giáo sư Lương đều bị bắn gục. Có thể vết thương của Họa Long không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng vết thương trên ngực giáo sư Lương lại ở đúng tim. Nếu bị chiếc đinh dài xuyên vào vị trí đó thì chắc chắn giáo sư khó lòng cứu vãn.
Bao Triển cuống cuồng thét gọi: “Tiểu My, mau gọi xe cấp cứu, thông báo cho phân cục bốn phố mau đến hiện trường! Tôi phải đuổi theo thằng cha đó!”
Bao Triển lao ra ngoài cổng, gã đàn ông đã khởi động xe taxi rồi bắn vọt ra khỏi khu tập thể với tốc độ nhanh đến kinh ngạc. Bao Triển không biết lái xe, Họa Long lại đang bị thương ở tay nên cũng không thể cầm lái. Bao Triển đuổi theo đến ngoài khu tập thể, mắt trừng trừng bất lực nhìn gã đàn ông càng lúc càng xa dần.
Anh ủ rũ đứng đó, lòng vô cùng lo lắng cho sự an nguy của giáo sư Lương. Đúng lúc đó, một chiếc taxi dừng lại ngay gần anh.
Người lái taxi hỏi: “Đi đâu chú em?”
Bao Triển lập tức lên xe, hổn hển nói: “Mau! Mau lên! Mau đuổi theo chiếc xe đằng trước!”
Anh chàng lái taxi vừa khởi động máy vừa hỏi: “Đòi nợ phỏng? Hay vợ chạy theo giai?”
Bao Triển sốt ruột giục giã: “Lái nhanh lên!”
Anh chàng lái taxi nhẩn nha đáp: “Đèn đỏ kìa!”
Bao Triển bất cần: “Kệ nó! Vượt đi!”
Anh chàng lái taxi tròn mắt quay lại hỏi: “Sao anh phải nghe lời chú?”
Bao Triển trả lời: “Tôi là cảnh sát!”
Anh chàng lái taxi lắc đầu vẻ không tin: “Cớm ư? Trông chẳng giống chút nào! Chú em đi bắt kẻ xấu à? Nói thật lâu lắm tôi chưa làm chuyện đó, vượt đèn đỏ ấy!”
Bao Triển hỏi: “Kĩ thuật lái xe của anh thế nào?”
Anh chàng lái taxi khoe khoang: “Hồi trẻ tôi vẫn thường đua xe, lấy lốp đánh lửa chỉ là chuyện thường ngày ở huyện. Nói thật ngay cả Ralf Schumacher có đến cũng chẳng dám đua với tôi. Đây là địa bàn của tài xế bọn tôi. Chú em có để ý tôi đã cướp khách là chú em đây như thế nào không? Chú em đứng bên đường, một thằng cha đồng nghiệp định chen ngang, nhưng tôi làm thế nào? Tôi từ trên trời rơi xuống, lúc chú em mở cửa xe của tôi cũng là lúc tôi ngoái đầu trợn mắt lườm thằng cha đồng nghiệp. Hoàn cảnh sinh tồn tàn khốc đã tạo ra tuyệt kĩ cướp khách cao siêu cho chúng tôi đấy!”
Bao Triển tin tưởng: “Thế thì tốt! Anh lái xe ngược chiều, tìm đường tắt ngắn nhất, rồi đón đầu chiếc xe đằng trước.”
Anh chàng lái taxi lại được phen mắt tròn mắt dẹt: “Nếu xảy ra chuyện thì chú em chịu trách nhiệm nhé! Tôi không nói chú em phải chịu trách nhiệm khi chẳng may tai nạn mà là lỡ tôi bị phạt nặng, có khi còn treo bằng thì chú em phải chịu trách nhiệm đấy nhé!”
Bao Triển thẳng thắn: “Tôi không gánh nổi trách nhiệm, chắc chắn anh sẽ bị phạt, nhưng sau đó tên anh sẽ xuất hiện trên trang nhất báo An Ninh và cả đài phát thanh nữa!”
Anh chàng lái taxi reo lên: “Ố ồ! Chơi thật luôn! Nào! Thắt chặt dây an toàn vào! Tôi muốn chơi trò này lâu lắm rồi!”
Bao Triển hỏi: “Liệu đuổi kịp không?”
Anh chàng lái taxi khẳng định chắc như đinh đóng cột: “Yên tâm! Cho dù phía trước là quán quân đường đua F1 thì cũng đuổi kịp. Tôi lái xe bao nhiêu năm rồi đấy! Mà nói đi cũng phải nói lại, người đằng trước làm gì vậy?”
Bao Triển đáp: “Ông ta cũng là một tài xế lái taxi.”
Anh chàng lái taxi nhận ra biển số xe của chiếc xe chạy đằng trước, anh ta nói đây là xe của ông Giản, hầu như tất cả tài xe khu vực này đều biết ông Giản bởi vì biển số xe của ông ta có ba số bốn.
Ông Giản là bố của Tam Chùy.
Hôm ấy, trên đường cao tốc ở ngoại thành xảy ra một vụ tai nạn giao thông. Hai chiếc xe rượt đuổi nhau, suýt nữa thì cả hai đều thiệt mạng, một con thiên nga bị đâm chết, hoa nước bắn tung tóe cao hơn cả tán cây xanh, chiếc xe phía sau định vượt qua chiếc xe chạy phía trước, nhưng suýt nữa bị dồn vào rãnh thoát nước ở vệ đường. Khi đến trạm thu phí thì xảy ra tắc đường, chiếc xe đằng trước vun vút lao tới, đâm thẳng vào rào chắn đường một chiếc xe tải lớn chở hàng kéo phanh khẩn cấp xoay ngang chín mươi độ. Cứ ngỡ chiếc xe đằng trước có thể trốn thoát, nhưng không ngờ chiếc xe ấy lại đâm gẫy thành cầu với vận tốc nhanh nhất có thể, rồi trong hồi còi dài inh ỏi, nó bay từ trên cao xuống. Chiếc xe bay một quãng rồi rơi xuống bờ sông phía dưới cầu.
Không thể không nói lúc đang ở giữa không trung, tư thế của chiếc xe đó vô cùng tuyệt mĩ, đó đúng là đường cong và quỹ tích của sinh mệnh!
Cảnh sát phát hiện một tử thi trong chiếc xe đã bẹp gí méo mó. Khi quan sát hiện trường, ai cũng nhận thấy người đàn ông đó đã tự sát, bởi lúc ấy ông ta hoàn toàn có thể lái xe trốn thoát.
Bao Triển không thể lí giải nổi nguồn cơn: “Vì sao ông Giản giết người rồi sau đó lại tự sát?”
Trong đầu anh chợt lóe lên một cảnh tưởng khủng khiếp: Một thiếu niên tình cờ nhìn thấy một người đàn ông cõng xác chết trên lưng vào giữa canh khuya nửa đêm. Rồi thiếu niên đó phát hiện người đàn ông ấy lại chính là cha mình…
Nhưng anh chẳng còn tâm trạng nào mà nghĩ thêm nữa, bởi anh quá lo lắng cho sự an nguy đứng giữa sự sống và cái chết của giáo sư Lương!
Chương 5: Hoa dành dành nở rộ
Kẻ sát nhân sống trong một con phố yên bình, hai bên đường trồng hai rặng hoa dành dành, những cánh hoa trắng muốt ướp bầu không khí của khu phố thơm ngan ngát. Khi ấy, y có một ngôi nhà nhỏ. Y và trái tim của y lặng lẽ nghỉ ngơi trong ngôi nhà đó suốt quãng thời gian dài, tuổi thơ vụt trôi đi như bóng câu qua thềm. Sau đó cha mẹ đều rũ áo về trời, y lấy vợ sinh con, kết hôn rồi li hôn, cuộc sống lạt như nước.
Dây nho trong vườn do vợ y trồng. Sau khi li hôn, y thường thần người nhìn dây nho, y ngồi dưới giàn nho râm mát, rồi lại đứng dưới giàn nho râm mát chờ đợi con trai đi học về. Con trai y tên là Tam Chùy. Nơi góc vườn ấy, mùa đông rau cải kề vai xanh mơn mởn, mùa hè dưa hấu chen chúc như lợn con. Thời gian như nước chảy qua cầu, cứ thế nhẹ nhàng trôi hết năm này qua năm khác. Bất kể tuyết rơi la đà hay mưa đổ như thác thì trong đầu y vẫn chẳng hề tồn tại ý niệm tái hôn.
Phần lớn thời gian cuộc đời y dành cho bánh lái ô tô. Y lái đủ loại xe, từ động cơ ba bánh đến máy ủi, xe khách đường dài, xe phun nước, cần cẩu, máy xúc, xế hộp Santanal rồi cuối cùng là xe taxi.
Y chỉ làm một nghề duy nhất, đó là nghề lái xe.
Đồng nghiệp lái taxi thường gọi y là Giản sư phụ. Giản sư phụ rất kiệm lời, nhưng lại hay trêu chọc bạn bè, ví như y thích bất ngờ đập vào vai phải người khác rồi sau đó đứng sang bên trái. Ngoài ra y còn có một sở thích duy trì suốt nhiều năm, ấy là mua xổ số, có điều từ trước đến giờ chưa bao giờ may mắn trúng lấy một giải.
Cuộc sống của dân lái vô cùng tẻ nhạt và khô khan, bởi vậy nhiều bác tài rất hay chuyện. Tài xế lái taxi phần đông đều là người có văn hoá, họ đi nhiều hiểu rộng, nên khi tụ tập ngồi chém gió với nhau thường bật ra rất nhiều chân lý chói ngời khiến người ta phải giật mình, ví như đoạn hội thoại dưới đây:
Tài xế A: Vũ trụ là gì? Shit! Chẳng qua là trái thuốc nổ.
Tài xế B: Đúng thế!
Tài xế A: Nói cách khác trái thuốc nổ chính là vũ trụ khi bị nổ tung. Nếu có máy quay phim ghi lại quá trình hình thành và ra đời của vũ trụ rồi phóng to nhiều lần trên màn hình tivi, sau đó lại nhân lên gấp nhiều lần nữa, ta sẽ tìm thấy hệ mặt trời trước, sau đó tìm thấy trái đất, cuối cùng sẽ thấy khuôn mặt ngốc nghếch của chính mình.
Tài xế taxi cũng thích tám chuyện, nhưng điểm khác biệt giữa họ và những cư dân bình thường khác là họ thường nhìn thấu bản chất vấn đề. Ví dụ một tài xế taxi thảo luận với hành khách về xung đột biển giữa Đại Lục và Đài Loan như sau:
Hành khách: Sắp đánh nhau to đến nơi rồi!
Tài xế: Họ muốn cho Đài Loan nổ tung thì cứ để họ cho nổ tung đi. Họ muốn tiêu diệt người Nhật, thì cứ để họ tiêu diệt. Vua mất thì dân hóa bụi trần ai, chẳng khác nào lông ngỗng dập dềnh trên dòng sông xanh, tro cốt bị nước cuốn về đông. Bất luận bác hay em sống ở thời Thanh hay thời Minh, thậm chí thời Nguyên, thời Tống hoặc thời Đường vàng son cũng vậy, chúng ta đều chỉ là những kẻ vô danh tiểu tốt, chúng ta chẳng thể thay đổi được gì, cũng chẳng thể ngăn cản được gì.
Giản sư phụ thích lái xe trong mưa. Đôi lúc y còn dừng xe bên con đường ven rừng âm u, mặc mưa đổ xuống mui, y thẫn thờ ngồi sau vô lăng rít điếu thuốc, rồi hạ cửa kính xuống tạo thành một khe hẹp cho khói bay ra ngoài và để không khí ẩm ướt của làn mưa chui vào trong. Quyện lẫn tiếng mưa đổ ào ào dường như càng khiến tiếng nhạc trong xe trở nên giàu cảm xúc hơn, mưa gột rửa hết hình hài của thành phố này làm nó trở nên khi mờ ảo khi rõ nét.
Y thích đùa ác ý. Y cho rằng làm thế sẽ chứng tỏ mình chưa già.
Mưa luôn gắn liền với nhiều câu chuyện lãng mạn, tuy Giản sư phụ không phải là người lãng mạn, nhưng đôi lúc y cũng có những ý tưởng giàu chất thơ, ví dụ như một ngày y dừng xe ở vệ đường, mặc áo mưa rồi chui ra khỏi xe mua bao thuốc lá. Y đứng giữa ngã tư và nghĩ thế này:
Nếu mưa to hơn một chút, nếu mưa cứ thế không ngớt thì nơi y sống sẽ trở thành một cái hồ, mặt hồ – cũng chính là vị trí đầu gối của y sẽ nở ngập tràn hoa sen. Y đứng giữa hồ, nhìn thuyền bè lượn vòng quanh đầu gối mình.
Đôi lúc Giản sư phụ rất hài hước, ví như có lần một du khách ngoại tỉnh không đi taxi mà chọn cách đợi xe bus, Giản sư phụ liền nói với người khách đó rằng: “Hầm chín gà rồi mà còn tiếc tí muối à?”
Tài xế taxi giống như một lữ khách, họ nhìn dòng người dòng xe qua lại mà chẳng khác nào dòng thời gian đang trôi chảy. Họ đưa người khác về nhà, rồi sau đó tự về nhà mình. Ngày nọ nối tiếp ngày kia với một điệp khúc quen thuộc như vậy. Đó chính là cuộc sống của y. Ngồi yên một chỗ nhưng lại xuyên qua huyên náo của bao thành phố. Bất kể là gã đàn ông tục tằn mặc áo may ô sau khi đánh mạt chược hay những cô nàng quyến rũ tỏa ra thứ mùi lạ của lẩu tê cay trộn lẫn mùi nước hoa đậm đặc, bất luận là ai, ở đâu khi nào vẫy tay gọi, y đều phải đến đó và mang theo chiếc xe của mình. Y cảm thấy xe chính là cơ thể, là da thịt mình. Y thường liếc xéo mắt để quan sát từng hành khách, gặp người hay chuyện y sẽ hưởng ứng đôi câu, gặp người trầm lặng, y cũng chẳng nói câu nào.
Một lần, Giản sư phụ gặp một người khách rất lạ lùng ở đầu đường bệnh viện Nhân Dân. Đó là một người phụ nữ mặc áo đánh số dành cho bệnh nhân, khuôn mặt cô trắng bệch, dung nhan tiều tụy, điều kì quặc nhất là người phụ nữ đó không có tóc, một người đàn bà trọc.
Y hỏi: “Cô đi đâu?”
Người phụ nữ đáp: “Nơi nào ít người nhỉ? Anh cứ đi loanh quanh đâu đó mấy vòng. Tôi cũng chưa biết đi đâu! Gần đây có núi không?”
Y bảo: “Không có!”
Người phụ nữ lại hỏi: “Thế hồ? Có hồ không?”
Y trả lời: “Có một con sông.”
Người phụ nữ quyết định: “Thế thì cho tôi đến bờ sông… nhưng mà… tôi sợ nước!”
Hai người không nói câu gì nữa, cả đoạn đường chìm trong im lặng, xe dừng lại bên bờ sông, người phụ nữ định xuống, Giản sư phụ nhắc cô vẫn chưa trả tiền, người phụ nữ quẳng lại tập bệnh án và bảo: “Tiền của người chết mà anh cũng muốn lấy ư?”
Giản sư phụ nhìn bệnh án y không tiếp tục đòi tiền xe nữa. Thì ra người phụ nữ ấy là bệnh nhân mắc bệnh máu trắng, có lẽ vì đang hóa trị nên tóc rụng sạch.
Giản sư phụ nhìn người phụ nữ trọc đầu một lần nữa. Cô ấy bước ra khỏi xe, môi nhoẻn nụ cười nhẹ nhưng đôi mắt lại nhòa lệ. Người phụ nữ bước tới bờ sông.
Giản sư phụ cho rằng cô ấy chỉ ra bờ sông đi dạo cho nhẹ lòng, nhưng chẳng ngờ mấy hôm sau người ta vớt được một tử thi đàn bà mặc áo đánh số của bệnh viện dưới lòng sông lên. Y ý thức rất rõ rằng – Người phụ nữ ấy đã tự sát!
Chuyện này khiến y chấn động mãnh liệt. Bắt đầu từ hôm ấy, ngày nào y cũng nghĩ đến một vấn đề, nghĩ đăm chiêu đến nỗi đôi lúc y như người mất hồn ngay khi lái xe.
Vấn đề ấy thực ra là vấn đề mà bất kì ai trong chúng ta đều có khả năng phải đối mặt:
Nếu ta chẳng may mắc bệnh nan y trong khi bản thân lại không đủ sức trả tiền viện phí cao ngất ngưỡng, thì ta nên làm thế nào?
Chẳng lẽ ta chỉ còn cách lặng lẽ chờ đợi thần chết đến đón xuống âm ti địa phủ?
Có lẽ tự sát cũng là một cách giải thoát! Kết liễu tính mạng của mình để giảm bớt gánh nặng kinh tế cho gia đình, để nỗi đau của bản thân và nỗi thống khổ của người nhà sẽ chấm dứt theo sự chấm dứt của một sinh mệnh.
Chuyện này xảy ra đã khá lâu mà Giản sư phụ vẫn còn tự lẩm bẩm một mình: “Chắc người phụ nữ đó có con… cô ấy chỉ muốn tìm một nơi cô tịch để lặng lẽ giã biệt cõi đời.”
Giản sư phụ chợt nhớ đến ngày y và vợ li hôn. Con trai y đem giày của bố mẹ giấu trong chăn, y và vợ tìm hoài không thấy, mãi đến khi hoàn thành thủ tục li hôn, một mình y từ tòa án trở về mới phát hiện hai đôi giày bị giấu kín.
Khi ấy Tam Chùy mới sáu tuổi, nó đứng ở cổng, dưới giàn nho, không khóc cũng không cười, chỉ bình thản hỏi: “Mẹ đâu hả bố? Mẹ còn về nhà không?”
Y câm lặng, nỗi xót xa nhoi nhói tâm can, nước mắt y vô thức tuôn trào.
Từ đó hai cha con nương tựa vào nhau mà sống, y thề sẽ cho con trai một cuộc sống tốt đẹp hơn. Tam Chùy trưởng thành, nó bắt đầu mặc những trang phục kì quặc, để kiểu đầu quái đản, nhưng y không lấy thế làm bực mình, mà chỉ cho rằng không bắt kịp với thời đại nữa rồi! Có điều y thấy nỗi buồn trong đáy mắt con trai.
Sự phản nghịch và bất cần ánh lên từ đôi mắt cậu thiếu niên là thứ không thể ngụy trang nổi.
Có điều có một chi tiết không thể không kể đến. Vào hôm Tam Chùy và lũ bạn phát hiện ra cỗ tử thi ở trên đỉnh tháp, cậu ta đi xe bus về nhà, trên xe có một bà lão chống nạng, xe chật như nêm, không còn một chỗ trống, Tam Chùy – cậu thiếu niên xăm trổ đầy mình, tai đeo vòng khuyên, đầu tóc bù xù như vừa thoát ra từ trận bom napan – liền đứng lên lễ phép nói: “Bà ơi! Bà ngồi chỗ cháu đây này!”
Mọi người xung quanh đều cười thầm, họ cảm thấy cậu thanh niên này thật đáng yêu!
Từ trái tim trồng rau ban đầu đến trái tim giết người sau này là một quá trình, trong quá trình ấy đã xảy ra biến động ghê gớm gì?
Mùa đông năm 2006, Giản sư phụ mắc bệnh trĩ, ban đầu múi trĩ chỉ bằng hạt lạc, y định uống thuốc để tự phục hồi, nào là xoa dầu cao, nào là ngâm nước nóng, nào là uống thuốc tiêu trĩ, nào là uống thuốc bắc. Hàng ngày, cứ đến chập choạng tối, khi người ta bắt đầu hết giờ làm cũng là lúc bắt đầu giờ làm của y. Y uống thuốc xong, vứt bát lên mặt bàn đang kết băng ở trong vườn, hà hơi vào tay cho đỡ lạnh rồi mở máy đi làm.
Chiếc ghế y ngồi luôn cách đất nửa thước và luôn cân bằng với ống xả.
Rất nhiều tài xế mắc bệnh trĩ nên chuyện này cũng chẳng có gì to tát, chỉ có điều mỗi lần đạp phanh hoặc côn thì một cơn đau lại lộng lên tận óc.
Gần đến tết thì múi trĩ hóa ác tính, từ hạt lạc ban đầu giờ trở thành khối u to tướng. Cắt trĩ xong cũng vừa sang xuân, y nén chịu đau gói sủi cảo, một mình lủi thủi đợi cậu con trai về. Đêm giao thừa, con trai chơi game thông đêm trong quán internet. Sáng hôm sau nó dắt theo một đứa con gái về.
Y không giận, ngược lại y rất mừng vì cảm thấy con trai đã trưởng thành.
Tam Chùy và Hoa Lệ bắt đầu sống thử, Giản sư phụ tế nhị cảnh báo con trai: “Bầu bí tùm lum thì phiền phức lắm đấy!”
Tam Chùy đáp: “Bố yên tâm! Không có chuyện đó đâu!”
Hoa Lệ cũng nói đế theo bằng giọng lạnh tanh: “Chúng cháu chỉ chơi bời thôi, chưa nghĩ đến chuyện cưới xin con cái đâu mà chú lo!”
Đến hạ năm 2007, bệnh trĩ của y lại tái phát, lần này vô cùng nghiêm trọng, bụng đau dữ đội, nôn ra máu, đại tiện ra máu, phân thải ra không phải hình thuôn tròn mà hình trăng khuyết, điều đó chứng tỏ trong ruột có khối u. Y cứ ngỡ chỉ là trĩ nội, nào ngờ đi bệnh viện kiểm tra, bác sĩ lại kết luận: Ung thư trực tràng giai đoạn cuối, tế bào ung thư đã chạy sang gan và phổi!
Bác sĩ an ủi: “Ung thư trực tràng không đáng sợ như các loại ung thư khác, chỉ cần phẫu thuật, rồi cắm ống vào người, làm hậu môn nhân tạo là xong.”
Giản sư phụ lo lắng hỏi: “Tế bào ung thư đã lan sang gan và phổi, vậy tôi còn sống được bao lâu?”
Bác sĩ đáp: “Còn phải xem hiệu quả hóa trị, sống thêm ba đến năm năm chắc không có vấn đề, nhưng nếu không điều trị thì chắc chắn chỉ duy trì được ba tháng nữa là cùng!”
Giản sư phụ liếm môi: “Thế hết khoảng bao nhiêu tiền hả bác sĩ?”
Bác sĩ đáp: “Chi phí cho phẫu thuật thì không đắt lắm, chỉ có điều phải tiến hành mười mấy lần hoá trị, xạ trị hậu kì còn phải…”
Giản sư phụ sốt ruột cắt lời: “Gộp lại hết tất cả bao nhiêu?”
Bác sĩ nói một con số.
Giản sư phụ không tin vào tai mình, trước đây có lần y bị viêm tai giữa, nên tai thường chảy mủ, bác sĩ phải nói lại lần nữa, khi y nghe thấy con số này mây đen ngoài cửa sổ ùn ùn kéo đến, một tiếng sấm nổ ùng ùng chui thẳng vào màng mủ trong tai y. Y run bắn! Bác sĩ khuyên y nên nhanh chóng tiến hành phẫu thuật, nhưng y chỉ lặng lẽ quay người, ra khỏi bệnh viện, thất thểu lạc vào màn mưa.
Từ tỉ phú đến khuynh gia bại sản chỉ cách nhau một tòa bệnh viện, huống hồ y chỉ là dân thường?
Một cư dân bình thường đến không thể bình thường hơn ở thành phố nhỏ mà mắc bệnh hiểm nghèo thì phải làm sao?
Một con kiến luôn bận rộn kiếm miếng ăn cả ngày sẽ phải làm gì khi đối diện với số mệnh?
Bao nhiêu năm nay, y mải miết làm ăn, cực khổ tích cóp nhưng vẫn chẳng tiết kiệm được bao nhiêu tiền. Quyền sở hữu ngôi nhà này thuộc về đơn vị của cha y, y chỉ được quyền ở, không có quyền bán.
Bị ung thư thì chỉ còn đường chết!
Trong thời gian này, y gầy rộc đi, từ một người đàn ông trung niên to béo trở thành gã gầy nhẳng, trước khi bị bệnh và sau khi bị bệnh nom y như hai người hoàn toàn khác nhau.
Cạnh nhà Giản sư phụ có ông lão lắm tiền, vừa mới tổ chức sinh nhật tròn sáu mươi tuổi.
Ông già từng thay tim, nên ông lấy ngày mình cấy ghép tim thành công là ngày sinh nhật của mình. Trái tim mới đem lại cho ông cuộc sống mới, nhưng ông tuyệt đối không bao giờ mở miệng tiết lộ người bán tim cho mình, nghe một người biết nội tình kể rằng trái tim của ông già vốn của một tội phạm giết người. Vài chuyên gia đầu ngành y cho rằng não không phải cơ quan duy nhất sở hữu chức năng lưu giữ kí ức mà tim cũng có khả năng này. Họ đưa ra một ví dụ điển hình chứng tỏ suy luận này là hoàn toàn có căn cứ như sau: Một bé gái tám tuổi ở Mỹ sau khi thực hiện ca thay tim của một bé trai mười tuổi bị sát hại, thì bé gái ấy liên tục nằm mơ thấy ai đó muốn giết mình.
Giản sư phụ hỏi ông già vừa thay tim nọ vài vấn đề mình quan tâm, ví như: “Hậu môn nhân tạo là gì?”
Ông già đáp: “Túi đựng phân chứ còn gì nữa!”
Giản sư phụ lại hỏi: “Trái tim mới thay xong của ông dùng có ổn không?”
Ông già trả lời với giọng rất lạ: “Nói thật là tôi rất muốn giết người!”
Có lẽ câu nói ấy đã gợi cảm hứng cho y, một con dơi màu đen chợt bay qua óc y. Dẫu sao mình cũng sắp chết, y quyết định giết người để kiếm ít tiền dành dụm cho con trai. Y đỗ xe trước cửa quán sauna, khách đến đây tiêu khiển toàn hạng lắm tiền nhiều của. Kim Quế mang chiếc túi dày côm cộp, nhưng sau khi lấy súng bắn đinh giết Kim Quế xong, y mới phát hiện trong túi chẳng có mấy đồng. Đây là lần “tác nghiệp” đầu tiên trong cuộc đời nên y hoàn toàn chưa có kinh nghiệm, việc thủ tiêu xác chết cũng còn nhiều sơ suất, chính vì thế y quyết định di chuyển xác chết khỏi đỉnh tháp nước.
Tài xế lái taxi nào cũng phải thủ sẵn vũ khí phòng thân như dao găm, búa phòng cháy, dao phay khi lái xe ca đêm. Nhiều tài xế đều biết vũ khí phòng thân của Giản sư phụ là một khẩu súng bắn đinh. Chỉ cần cảnh sát tìm thấy thi thể thì họ sẽ phát hiện được hung khí giết người và rất có khả năng sẽ tra ra Giản sư phụ. Xuất phát từ suy nghĩ muốn che đậy tội ác, y đã di chuyển xác chết từ đỉnh tháp nước về chôn trong vườn nhà mình sau khi gây án.
Lúc cõng xác chết đội mưa về nhà, y nghĩ đến điều gì?
Y nghĩ đến đứa con trai của mình, y nhớ đến lúc nó bị co giật hồi còn bé, y ôm con chạy vào bệnh viện, khi về nhà thằng nhỏ ngủ gà ngủ gật, y cõng nó trên lưng, bóng đèn đường vàng vọt kéo dài bóng hai cha con.
Trong đêm mưa đó, y đã cõng tử thi của nạn nhân xuống khỏi đỉnh tháp nước và không quên nói với người chết rằng: “Ông anh! Tôi cũng chẳng còn cách nào khác cả! Giờ ông đã được hưởng phúc ở nơi đó rồi mà tôi vẫn còn phải chịu tội ở nơi này!”
Y nhét xác chết vào cốp xe, hoàn toàn không để ý thấy một cậu thiếu niên đang nấp ở bụi cây gần đó. Đôi mắt nó mở to nhìn y. Nó chính là đứa con trai tên Tam Chùy của y. Khi y đào hố chôn cái xác trong vườn xong, cậu con trai bước vào, miệng nó lắp bắp nói: “Bố… Con nhìn thấy hết rồi…”
Giản sư phụ im lặng một hồi, rồi quay sang nhìn con hỏi một câu tưởng như chẳng hề liên quan: “Bố làm tất cả đều vì con. Nếu bố chết, con sẽ sống ra sao?”
Đứa con ngây người đáp: “Con không biết!”
Giản sư phụ lại hỏi: “Con có thể tự chăm sóc bản thân không?”
Đứa con trai lại ấp úng trả lời: “Con… con không biết!”
Giản sư phụ nói: “Sau này con sẽ nhớ bố chứ? Nhưng đừng nhớ những điểm xấu của bố, chỉ nhớ những điểm tốt thôi, được không con?”
Con trai không nói nên lời: “Con…”
Giản sư phụ tiếp lời: “Tất cả tội lỗi để một mình bố gánh! Vì con, bố nguyện xuống địa ngục, chỉ cần con được sống tốt là bố nhắm mắt cũng yên lòng!”
Đứa con trai thổn thức bật ra tiếng gọi: “Bố…”
Giản sư phụ vỗ về con: “Thôi! Từ nay con phải làm lại cuộc đời! Hãy làm một người tốt con nhé!”
Đứa con cúi thấp đầu, nước mắt thi nhau bò xuống sống mũi.
Tình yêu sâu và lặng như sóng ngầm của người cha luôn khó diễn đạt thành lời. Y là tội phạm giết người, nhưng đồng thời y còn là một người cha.
Dẫu thường ngày rất ít khi y nói chuyện, tâm sự cùng con, nhưng tình yêu của y dành cho con chất cao hơn núi, một tình yêu câm lặng. Vào đêm y chôn xác người trong vườn nhà, hai cha con chỉ trầm mặc ngồi đó chẳng ai nói với ai câu nào, người cha rút điếu thuốc rẻ tiền, cúi đầu rít, đốm sáng đỏ lập lòe giữa đêm tối, còn cậu con trai cứ muốn nói một câu ghim mãi nơi đáy lòng với người cha, nhưng mãi không thốt thành lời, câu ấy là: “Bố ơi! Con sợ… Nhưng bố… con yêu bố!”
Khi trời hửng sáng, người cha đã nghĩ ra một kế sách, y biết xác chết trên đỉnh tháp nước đã bị bạn bè của Tam Chùy nhìn thấy, sớm muộn gì phía cảnh sát cũng biết việc này, bởi vậy y chọn cách chủ động báo án.
Hôm ấy, Hoa Lệ từ quán internet về nhà Tam Chùy định ngủ, Giản sư phụ giả như mình vừa mới đi làm về, y liền cùng Hoa Lệ đưa Tam Chùy giả bệnh vào bệnh viện, sau đó gọi điện báo cảnh sát.
Trong rất nhiều vụ án, kẻ báo án chính là hung thủ. Năm 2004 xảy ra một vụ hỏa hoạn lớn ở Trùng Khánh, kẻ phóng hỏa Thôi Ấu Bình đã gọi điện báo cảnh sát sau đó còn ở lại hiện trường tham gia cứu hỏa. Năm 2006, người ta phát hiện ra một người bị chặt đứt hai chân trên con đường nhỏ phía sau nhà kho nào đó tại đường Hoàn Thành, thành phố Cẩm Châu, tỉnh Liêu Ninh, người đó tên là Tăng Kình Thanh, sau khi tự chặt hai chân mình, hắn gọi điện cho cảnh sát hòng mưu chiếm tiền bảo hiểm nhân thọ.
Giản sư phụ bảo con trai giả điên trong bệnh viện, sau đó y lấy điện thoại di động của nạn nhân nhắn tin kiểu ma đòi mạng cho đám bạn của Tam Chùy, y làm vậy nhằm mục đích phân tán sự chú ý và làm sai lệch sự phán đoán của cảnh sát, từ đó khiến cảnh sát bỏ qua những đầu mối thực sự, giúp y có thêm thời gian tiếp tục giết người cướp của.
Thực ra bệnh của Tam Chùy không phải giả vờ, đứa trẻ vốn có tiền sử động kinh ấy làm sao có thể chịu đựng được khi phát hiện kẻ cõng tử thi trên lưng trong công viên lại chính là cha mình? Hơn nữa cậu ta còn biết dưới gốc nho giữa vườn nhà mình chôn một xác chết, lại biết chắc chắn sẽ còn cỗ xác thứ hai, thứ ba nữa cũng sẽ được chôn xuống đây.
Giản sư phụ nói với con trai thế này: “Tay đã nhúng chàm rồi thì bố phải làm đến cùng, giết một người cũng bị tử hình mà giết nhiều người thì cũng vẫn chỉ tử hình mà thôi!”
Mấy hôm đợi chờ cơ hội giết người cướp của, y thường nghĩ vài năm sau chẳng biết con trai có kế thừa tật xấu hút thuốc nghiện rượu của y không? Rồi sau đó nó sẽ cai rượu? Liệu sau khi kết hôn nó có li hôn giống cha nó không? Có biến một gia đình đang yên ấm trở thành hồi ức vỡ nát tan tành? Y nghĩ cô bạn gái tên Hoa Lệ của con trai, mới nứt mắt mà đã lẳng lơ. Mỗi sáng nó chào y một tiếng “Chú!” rồi dắt tay con trai y chui tọt vào phòng ngủ, đôi lúc con trai y không có nhà, con bé lại gọi điện thoại cho gã thiếu niên khác, nom có vẻ rất thân mật, điều đó khiến Giản sư phụ cảm thấy kinh tởm đến cực điểm, bởi vậy y phải giết chết Hoa Lệ.
Y muốn tặng cho con trai một cuộc sống hoàn toàn mới, một cuộc sống không còn vướng víu chút nào với quá khứ.
Giản sư phụ lấy súng bắn đinh giết hại cô kế toán nhà máy thuốc lá ngay trong xe taxi của mình. Hôm ấy, lúc tiết lộ mật mã thẻ ngân hàng trước khi chết cô kế toán đã thảm thiết cầu xin y tha mạng, nhưng y vẫn không nương tay cho người vô tội. Mật mã thẻ chính xác, cô kế toán đã không gạt y, điều đó khiến y dằn vặt lương tâm và quyết định hoàn lương.
Ngay ngày hôm đó, y đón con trai ra khỏi bệnh viện, mua vé tàu hỏa, nhét tất cả tiền vào trong ba lô đưa cho con trai.
Đứa con trai hỏi: “Con đi đâu bây giờ?”
Người cha đáp: “Đi đâu cũng được! Con lớn rồi mà!”
Con trai lại hỏi: “Thế bố có đi cùng con không?”
Người cha xua tay: “Con cứ kệ bố! Bố là người sắp chết! Con đi đi! Đi càng xa càng tốt!”
Con trai bịn rịn: “Bố, con…”
Người cha dặn dò: “Con hãy nhớ, vĩnh viễn không được trở lại đây!”
Cậu con trai xúc động nói trong nước mắt: “Bố! Nếu có kiếp sau, con vẫn muốn làm con trai của bố!”
Người cha lặng đi trong giây lát, rồi y cảm thấy tinh thần bất an như thể vừa quên mất thứ gì. Bần thần một lúc y mới nhớ ra: “Thôi chết! Quên không khóa cửa, chìa khoá cửa cũng không mang theo.”
Giản sư phụ tìm hiệu cắt tóc cho con, bảo nó ngồi đó cắt tóc trước, còn mình về nhà lấy chìa khoá, sau đó sẽ đưa con trai ra bến tàu. Khi vào nhà và chuẩn bị quay ra, thì tổ chuyên án đến điều tra nhà y, y thấy có bốn người, một trong số họ lấy xẻng đào gì đó dưới gốc nho. Y ý thức bốn người đó chính là cảnh sát, thế là y không cần nghĩ, lập tức cầm súng bắn đinh xông tới…
Lòng bàn tay của Họa Long bị xuyên thủng, nhưng vết thương không chạm vào gân cốt nên không nguy hiểm đến tính mạng.
Mũi đinh từ súng bắn đinh nhằm trúng vào ngực trái giáo sư Lương, lúc ấy Tô My sợ tái mặt, phát súng đó chắc chắn sẽ lấy mạng giáo sư, nhưng không ngờ giáo sư chẳng hề hấn gì, ông thậm chí không bị xây xước bởi trong túi áo trước ngực trái của ông là cuốn “Thánh kinh”, chính cuốn sách đó đã cứu mạng ông.
Giản sư phụ lái xe điên cuồng chạy trốn chẳng khác nào chú chó lạc đường không biết đi đâu về đâu. Bao Triển ngồi taxi bám riết không tha, đồng thời thông báo cho phía cảnh sát hỗ trợ cản đường. Cuối cùng xe của Giản sư phụ lượn một đường cong giữa không trung trước khi lao đầu xuống bờ sông trong hồi còi kéo dài. Trước lúc chết, y ngửi thấy mùi hương thanh mát của hoa dành dành, y nhớ đến gương mặt người phụ nữ tự sát nọ, gương mặt thoảng nét cười nhưng nước mắt chảy tràn hai gò má.
Vụ án khép lại tại đây!
Về sau cảnh sát không tìm thấy Tam Chùy.
Cậu thiếu niên đó thay kiểu tóc mới, thậm chí mặc bộ quần áo mới mà cha mua cho, cậu ta mang theo bao tiền, ngồi xe taxi về nhà định xem sao mãi cha vẫn chưa quay lại, nhưng vừa về đến cổng đã thấy cảnh sát đứng lố nhố quanh đó, cậu ta hiểu người cha về nhà lấy chìa khóa đã xảy ra chuyện rồi!
Đứa trẻ quyến luyến chưa muốn rời đi, nó nhìn ngôi nhà của mình lần cuối, sau đó cương quyết bảo tài xế: “Đi thôi! Đến bến tàu!”
Nước mắt nó tuôn rơi lã chã… Hoa dành dành hai bên đường vẫn lặng lẽ nở, cánh hoa trắng tinh khiết và toả hương thơm ngát.
Có lẽ Tam Chùy phải dùng tất cả thời gian còn lại của cuộc đời để cảm nhận hết tình yêu sâu sắc của người cha.
Còn một chuyện nữa cũng cần kể rõ với độc giả, khi tổ chuyên án rời khỏi thành phố, phân cục trưởng lại mở một bữa tiệc thết đãi họ. Sau bữa tiệc phân cục trưởng khẽ khàng giúi một phong thư vào tay các thành viên. Theo cách nói của ông ta thì đây là thư cảm ơn, ai cũng có thể sờ thấy một tấm thẻ ngân hàng qua lớp giấy mỏng của phong bì. Phân cục trưởng nói quán sauna đó thực ra không phải do ông ta làm chủ, hi vọng tổ chuyên án về trung ương không đề cập lại chuyện này cho lãnh đạo biết.
Tổ chuyên án từ chối nhận thư cảm ơn. Trên đường ra sân bay, bốn người họ nói chuyện với nhau như sau:
Tô My: “Hành vi hối lộ quá lộ liễu!”
Giáo sư Lương: “Hầu hết các hang ổ mại dâm trong các thành phố đều được sự yểm trợ của công an địa phương.”
Họa Long: “Các ngài Holmes thử đoán xem trong tấm thẻ ngân hàng đó có bao nhiêu tiền?”
Bao Triển: “Tôi nghĩ chắc chắn nhiều hơn số tiền mà Giản sư phụ cướp được sau khi giết ba mạng người rất nhiều lần…”
Truyện khác cùng thể loại
30 chương
435 chương
47 chương
75 chương
114 chương
43 chương
11 chương