Múc nước, rửa sạch thịt rồi ngâm trong nước lạnh. Sau đó đi nhóm lửa, đun nửa nồi nước sôi. Đợi hơi nước bốc lên thì xắt thịt ba chỉ thành khối vuông năm cm. Vì nhiều người, sợ không đủ ăn nên cô xắt cả một tô to. Xắt xong thì cũng vừa lúc nước sôi ùng ục, cô trút thịt vào, miếng thịt bập bềnh trên mặt nước, khi thịt đã chín thì nhấc nồi xuống, để một bên cho ráo nước. Lại múc bớt nước trong nồi ra, hơ nóng nồi rồi rưới dầu lên. Khi dầu sôi thì cho đường cùng hai loại xì dầu* vào, đun từ từ. Đun đến khi nổi bong bóng thì cho vào ít gừng và hành đã được xắt nhỏ, lại nêm thêm ít rượu, trộn trộn xào xào, mùi thơm bốc lên, sau đó lại từ từ chêm nước thịt hầm vào, tiếp tục đảo đều để từng miếng thịt được lên màu, tiếp tục rim đến khi mỡ trong thịt thấm ra ngoài. Màu sắc đỏ trà vô cùng hấp dẫn, Trình Nặc không kiềm lòng được mà phải rút điện thoại ra chụp mấy tấm liên tục. (*Hai loại xì dầu ở đây là 1 loại được chiết xuất từ đậu tương và lúa mạch rồi lên men, loại kia cũng như thế nhưng được chưng cùng đường nên có vị ngọt hơn.) Trình Nặc múc dầu dư ra chén. Dầu nhiều quá sẽ ngấy. Lại cho thêm nước nhưng không ngập thịt, thêm chút hồi hương vỏ quế với muối vào, sau đó chỉ cần rim nhỏ lửa đều là được. Cô cúi người rút bớt củi ra để lửa nhỏ lại. Đúng lúc này chợt phát hiện ra một chuyện rất quan trọng, không đủ củi! Trình Nặc đành phải ra ngoài, tìm trong sân xem có tấm ván nào không dùng nữa không, để làm củi đốt. Ở cạnh sân tường có dứng mấy tấm ván nhỏ, hình như là để không. Cô cầm lên, còn chưa cầm chắc thì nghe thấy chú La hét: “Cô làm gì đấy?” Trình Nặc sợ quá vội vất xuống, “Không, không làm gì hết, cháu chỉ, chỉ giúp dọn dẹp thôi.” “Đừng lộn xộn.” Chú La nói, “Đều dùng cả đấy, thiếu một miếng là không sửa tiếp nhà cho cô được đâu!” Trình Nặc vội nói biết rồi. Cô sợ chú La thật, cứ cảm thấy chú ấy rất giống Quan Công trong miếu cô từng thấy hồi bé, lông mày đảo ngược, mắt trợn lớn, nhìn ai người đó sợ. Bạch Nguyên chạy đến hỏi cô, “Sao vậy chị ơi?” Trình Nặc giơ tay che, đi đến bên tai cậu, thấp giọng nói, “Hết củi rồi.” “Vậy làm sao bây giờ?” Bạch Nguyên cũng ngẩn ra, không có củi thì không nấu cơm được, không nấu cơm được thì sao cậu ăn được đồ ăn của Trình Nặc. “Hay là để em đi bổ một ít.” Cậu đề nghị. Trình Nặc nói, “Cậu biết làm không?” Bạch Nguyên dẩu môi, cậu lớn thế này rồi mà chưa từng bổ củi lần nào, cũng không chắc mình có bổ được không. Đưa mắt nhìn Tông Lãng đang đi về bên này, nhất thời cười tít cả mắt. “Chị đợi nhé, em đi tìm anh Lãng!” Trong mắt Bạch Nguyên, bất kể là chuyện lớn hay nhỏ, chưa có chuyện nào mà anh Lãng không giải quyết được cả. Trình Nặc không kịp giữ cậu ta lại thì cậu ta đã chạy biến đi, đi tới nói gì đó với Tông Lãng. Tông Lãng nhìn sang chỗ cô, sau đó gật đầu, đi ra ngoài. Bạch Nguyên lại chạy về, nói với Trình Nặc: “Chị cứ yên tâm, anh Lãng đi mượn rồi, bảo đảm có đủ!” “Hả?” Mượn củi đốt, vậy sau này cô lấy gì mà trả? Củi nhanh chóng được mượn đến. Không biết Tông Lãng lấy xe đẩy từ đâu ra mà đẩy một xe đầy củi đến. Đều là những bó củi được bổ chỉnh tề. Anh mang mấy bó củi vào trong bếp, dĩ nhiên Trình Nặc không thể đứng nhìn nên cũng đi theo dọn. Dọn xong thì hỏi Tông Lãng: “Mượn ở đâu vậy?” Tông Lãng nói: “Nhà ông Lý.” Ông Lý, Trình Nặc không quen, lại hỏi: “Tôi có thể quy ra tiền trả ông ấy không?” Không có củi đốt, không mua được, lại còn không thể trả. Nên cô nghĩ, nếu có thể thì quy ra tiền trả là hay nhất. Tông Lãng dừng tay, hỏi: “Cô cảm thấy, nếu tính thành tiền thì mấy là vừa?” Trình Nặc không biết, “Anh nói xem bao nhiêu là vừa, tôi trả bấy nhiêu.” Tông Lãng nói: “Ông Lý đã hơn bảy mươi rồi, không quen dùng gas lỏng nên vẫn luôn đốt bếp đất. Với ông ấy mà nói, củi là vật rất quan trọng, vì ông ấy đi đứng bất tiện nên đống củi này được con trai ông ấy bổ, mỗi tháng về bổ một lần. Mượn cho cô nhiều thế, tháng này ông ấy không đủ dùng rồi. Cô cảm thấy, quy thành tiền thì bao nhiêu là hợp?” Trình Nặc há miệng, không còn nói muốn quy ra tiền nữa. Tông Lãng dọn củi xong thì đi ra ngoài. Trước khi đi, còn nói một câu đầy ý tứ với Trình Nặc: “Đừng có tưởng trả tiền rồi thì có thể thanh toán xong. Trên đời này có rất nhiều thứ, dù dùng tiền vẫn chưa trả hết.” Nhưng lời này quá mập mờ, khiến Trình Nặc nghĩ đến hai mươi lăm đồng mua băng vệ sinh mà cô đã trả cho anh. Có ý gì đây? Cô ảo não. Song rất nhanh cơn giận này đã bị thay thế bởi phiến não phải làm sao để trả củi cho ông Lý. Cô nghĩ, quả thực không được rồi, chỉ có thể tự đốn củi thôi. Dù sao hồi nhỏ cũng từng bổ rồi. Cô lắc đầu, tiếp tục nấu cơm. Thịt kho trong nồi đã bốc mùi thơm, Trình Nặc mở nắp đảo đũa mấy lần, mùi thơm tràn đầy phòng bếp, dụ Bạch Nguyên đến. “Oa, thịt kho!” Cậu ta nhỏ dãi nói, “Em thích món này nhất đấy!” Trình Nặc vạch trần, “Không phải lần trước cậu nói thích ăn bún thịt nhất à?” Bạch Nguyên xấu hổ cười, “Chỉ cần là thịt thì là gì em cũng thích ăn.” Trình Nặc nói: “Yên tâm, hôm nay có thịt kho, chắc chắn đủ.” Sẵn khi đang còn rim thịt, cô rửa sạch rau cải rồi xắt nhỏ. Dưa leo hái lúc trước ở trong lều lớn còn dư lại rất nhiều. Trình Nặc lấy mấy quả làm món dưa leo chua ngọt. Xắt sợi ớt xanh xào chung với thịt bằm, ăn chung với cơm. Cho cà chua trứng gà cộng thêm cải trắng vào nấu thành canh. Nấu thức ăn xong xuôi thì bắt đầu nấu cơm, vừa vặn gần mười hai giờ. Cây cột chèo chống cũng đã được dựng xong, Trình Nặc bưng đồ ăn lên bàn ở gian nhà chính, gọi họ vào ăn cơm. Sực nhớ chú Lưu thích uống rượu, mà rượu trong nhà đã hết, cô bèn chạy ra tiệm nhỏ cầm hai bình rượu trắng, lại sờ túi, rốt cuộc lại quên đem theo tiền rồi, đành phải ghi nợ. Viết rõ giá tiền hai bình rượu trắng rồi ghi thêm chưa trả, rồi để lại tên mình. Kỳ thực người ghi vào sổ không nhiều, nằm bên trên vẫn là bao thuốc lá cô ghi thay Tông Lãng lần trước. Bây giờ đã bị gạch đi, đằng sau viết: Chủ tiệm nợ tiền anh ta, không cần trả. Đằng sau nữa lại còn vẽ một cái mặt khóc. Giống hệt nét chữ đã viết ‘thối lại năm đồng’ lần trước, hẳn là chủ tiệm viết rồi. Trình Nặc bật cười, không hiểu sao lại cảm thấy chủ tiệm chưa từng gặp mặt này rất thú vị. Cơ mà, thì ra Tông Lãng lấy đồ trong tiệm này để trả nợ à? Xem ra là cô xen vào việc của người khác rồi. Cô lấy rượu và túi thịt bước ra khỏi cửa, đột nhiên khóe mắt liếc thấy trên quầy xếp giấy có thứ đồ quen thuộc. Cô ngẩn người, chạy lại nhìn. Bảy độ không gian*?! (*Tên một loại băng vệ sinh Trung Quốc.) Cô không dám tin nhìn lại lần nữa, rồi lại dụi mắt, xác nhận không sai. Bảy độ không gian, có đủ loại dùng ban đêm lẫn ban ngày, xếp đến mười bịch. Giống y hệt loại tối qua Tông Lãng đưa cho cô. “Đúng là kỳ quái.” Cô lẩm bẩm. Tối qua lúc cô đến, rõ ràng nơi này làm gì có băng vệ sinh. Là đầu cô xảy ra vấn đề nhớ nhầm, hay tối qua mắt có vấn đề mà nhìn nhầm? Cô mải nghĩ vấn đề này đến tận lúc về nhà, nhưng vẫn không nghĩ ra được lời giải thích hợp lý, thế là đành bỏ đi. Về đến nhà, mọi người đã quây quần bên bàn chờ cô. Trình Nặc mở rượu, rót mỗi người một ly. Bạch Nguyên đã gắp đầy nửa bát thịt kho cắm cúi ăn rồi. Trên bàn ăn tính ra thì chú Lưu là náo nhiệt nhất, vừa ăn vừa khen ngon. Chú La vẫn tự rót tự uống tự ăn như cũ, không để ý đến người khác. Còn bác Ngô, tuy không nghe rõ người khác nói chuyện, nhưng dù nói gì thì bác vẫn cười, vừa nói vừa ăn. Trình Nặc thấy bác thận trọng, cô gắp một miếng thịt bỏ vào trong bát bác, nói: “Bác Ngô đừng khách khí quá, phải ăn nhiều vào.” Bác Ngô lại không ngừng gật đầu, nói được. Giữa chừng ăn uống, Trình Nặc đi xem cơm trong nồi đã chín chưa. Mới vào phòng bếp thì nghe thấy sau lưng có tiếng bước chân, quay đầu lại nhìn, là Tông Lãng. Anh đang cầm bát trên tay, chắc là tới bới cơm rồi. Mở nắp nồi ra, hơi nước bốc lên, cơm đã chín, Trình Nặc cầm muôi xới cơm. Tông Lãng đưa bát đến. Trình Nặc nhận lấy, múc hơn nửa chén. Tông Lãng nói: “Không đủ.” Trình Nặc thêm một muôi nữa. “Vẫn chưa đủ.” Trình Nặc lại thêm một muôi, không chất thêm được nên dùng sức ấn xuống. “Thêm chút nữa đi.” Trình Nặc ném muôi đi, xoay người lại, khó chịu hỏi anh: “Anh không thể ăn xong rồi lại đơm thêm được à?” Tông Lãng cố nín cười, nhận lấy bát nói: “Được chứ.” Rồi bưng bát cơm đi ra ngoài. Trình Nặc chợt nhận ra, anh ta cố ý trêu cô làm vui. Cơm nước xong xuôi, đội thi công ngồi ở sân trước nghỉ ngơi. Trình Nặc thu dọn bát đũa, múc nước giếng rửa. Bạch Nguyên chạy đến nói trong nhà gọi điện thoại, bảo bà lão tìm cậu nãy giờ nên cậu phải về trước. Trình Nặc tiễn cậu ra cửa, nói: “Cậu không cần tới mỗi ngày đâu, vất vả lắm mới có dịp nghỉ phép, vẫn nên ở nhà cùng người nhà đi. Đợi bao giờ sửa nhà xong thì tôi sẽ nói với cậu, đến lúc đó cậu dẫn bà đến xem cùng nhé.” Nhắc đến chuyện cùng người nhà, Bạch Nguyên lắc đầu nguầy nguậy, “Chị không biết đấy thôi, ba ngày trước cả nhà cứ coi em như bảo bối, cho ăn uống ngon lắm. Nhưng qua ngày thứ tư là mẹ bắt đầu chê em rồi.” Vừa nói vừa giả giọng mẹ cậu ta, “Sao cả ngày con cứ ở nhà mãi thế hả, con không thể ra ngoài tìm bạn chơi đi à? Người thì to đùng choáng hết chỗ trong nhà, mệt mỏi quá!” Giả rất giống, lại còn làm điệu hoa lan chỉ chọc Trình Nặc cười thôi rồi. Tiễn Bạch Nguyên đi, đội thi công bắt đầu xây dựng. Trình Nặc đứng bên nhìn, muốn giúp sức nhưng lại bị chú La đuổi đi: “Đứng xa chút, đừng đứng đực ở đây cản trở.” Trình Nặc rụt cổ, bèn cách xa công trường. Nếu đã không giúp được gì thì cô trồng rau tiếp vậy. Lấy bình tưới nước mới mua ra, tưới ướt vườn rau rồi rải hạt giống lên. Nhân tiện tưới luôn tỏi đã gieo trước đó, có một vùng sắp nảy mầm rồi, đã nhú ra đầu xanh non. Tưới nước xong, cô bắt tay gieo hạt. Cô mua có hạt giống cải xanh, cải cúc, rau thơm và rau chân vịt, Trình Nặc trồng hết toàn bộ, lại lấy phân tro đắp lên, sau đó mới che màng. Chú Lưu nhìn thấy liền khen: “Không nhìn ra là cháu còn biết trồng rau đấy.” Trình Nặc đáp: “Cháu học từ bà nội ạ.” Lúc vào phòng bếp lấy nước uống, Tông Lãng cũng nhìn thấy. Anh đứng bên vườn rau nhìn mấy hồi, gật đầu nói tạm được. Trình Nặc nghĩ, dĩ nhiên không thể so với lều lớn của anh ta rồi. Buổi chiều làm xong khá sớm, dựng đồ chống đỡ xong rồi thì mai có thể dỡ tường. Tông Lãng để mấy người chú La về trước, còn mình chưa về vội mà thu dọn công cụ, tấm ván nằm rải rác trong sân. Dọn dẹp xong xuôi, Trình Nặc nói cám ơn, “Hôm nay đã vất vả rồi, anh về sớm nghỉ ngơi đi.” Có ý đuổi khách. Tông Lãng cười nói: “Đuổi tôi gấp gáp thế, một ngày năm trăm mà, không định dùng thêm à?” Trình Nặc tức giận, nụ cười tắt ngóm. Tông Lãng phát giác ra, ho một tiếng, không đùa nữa. “Mai dỡ tường rồi, ít nhất phải qua hai hôm nữa mới có thể xây lại.” Anh nói, “Hai ngày này, cô vẫn ở đây à?” Trình Nặc không biết, lúc này mới nhớ ra. Tường dỡ rồi thì căn nhà này chẳng khác nào lộ thiên, cửa trống trơn. Nếu cô ở tiếp, có phải không an toàn không? “Không được, tôi phải lên trấn ở khách sạn hai ngày.” “Chạy hai đầu có kịp không?” Trình Nặc hỏi: “Vậy làm sao bây giờ?” Anh cười, “Nhà trên cù lao này toàn là nhiều phòng mà ít người, cô có thể tá túc.” Đầu óc Trình Nặc lại xoay chuyển một hồi, anh ta ở lại không đi nhắc đến chuyện này làm gì, tá túc nhà anh ta? Làm sao có thể! “À.” Cô nói: “Vậy để tôi đi hỏi chú Lưu xem, tôi thấy nhà chú ấy khá là lớn.” Nhà chú Lưu cũng là nhà cũ, hai tầng nhỏ nhưng chỉ có hai người già ở. Trình Nặc nghĩ, nếu nói với chú Lưu một tiếng chắc là được. Tông Lãng gật đầu, “Được, vậy tôi về đây.” Sau khi Tông Lãng rời đi, cô thấy sắc trời vẫn sớm bèn đến nhà chú Lưu, hỏi thử chuyện tá túc.