Minh Nguyệt Đang - Tứ Quý Cẩm Tập 1

Chương 2 : Tâm Tư Của Nữ Nhi Thường Khác Biệt (2)

Thôi Thị vừa đến thượng phòng hầu hạ lão thái thái trở về, A Vụ liền đứng dậy bước đến trước mặt mẹ. "Mẫu thân vừa đến chỗ lão thái thái về, lão thái thái có khỏe không ạ?" Khi tiểu nha hoàn vén rèm lụa lên, Thôi Thị thấy A Vụ đứng ở cửa liền tươi cười rạng rỡ. Cha mẹ ruột của A Vụ có trông thấy nàng thì cũng chỉ ngẩn người nhìn trong giây lát chứ không có niềm nở như Thôi Thị. Bà thấy hôm nay A Vụ có gì đó rất khác, ngày trước con bé thích ăn mặc giống Ngũ tiểu thư, trông thì xinh xắn nhưng lại già dặn như bà cụ non, tựa như bông mẫu đơn bị ai đó phủ lên một lớp mạ vàng cứng nhắc, chẳng hài hòa chút nào. Nhưng hôm nay con bé thướt tha, hồn nhiên, đáng yêu khiến trong lòng người mẹ như Thôi Thị không biết thể hiện tình yêu thương của mình như thế nào, chỉ muốn ôm con vào lòng cưng nựng. Tuy còn nhỏ tuổi nhưng trong cử chỉ của A Vụ đã toát lên vẻ yểu điệu, đài các vô cùng cuốn hút. Thôi Thị ôm A Vụ vào lòng, yêu thương hôn lên má rồi nói: "Con gái xinh đẹp của mẹ, con vẫn còn đang bệnh sao lại đến đây, mẹ vừa nói với mấy nha hoàn là sẽ đi thăm con đấy." Thôi Thị trìu mến nhìn A Vụ. "A Vật mới khỏe lên một chút, vậy sáng nay đã ăn được gì rồi, có hợp khẩu vị không?" Nghe hai từ "A Vật" thân thiết, mặc dù chỉ là đồng âm không đồng nghĩa, nhưng A Vụ lại thấy cảm động, nàng nhớ đến người mẹ đã từng yêu thương mình hai mươi mấy năm không biết giờ này sống ra sao... Chỉ biết kiếp này A Vụ đã trở thành A Vật, nhưng để tiện cho việc kể chuyện, sau này chúng ta sẽ gọi nàng là A Vụ. A Vụ quan sát đồ đạc bằng gỗ bày biện trong phòng, dù trông có vẻ quý giá, nhưng đều là loại gỗ ghép từ nhiều tấm khác nhau, không cao sang như đồ được làm bằng cả tấm gỗ lớn. A Vụ nhất thời thở dài, ông trời quả nhiên không thiên vị một ai, dù kiếp này nàng có khuôn mặt xinh đẹp hơn kiếp trước thật, nhưng địa vị lại chẳng ra làm sao! Kiếp trước nàng cao ngạo, kiêu hãnh, lúc nào cũng so sánh với Cố Tích Huệ, để rồi sức tàn lực kiệt khiến cha mẹ sầu khổ. Kiếp này nàng tự nhủ phải sống thật tốt, tích đức thật nhiều mới được. "Hợp khẩu vị ạ, đặc biệt là món bánh củ mài nhân đậu đỏ rất ngon." Mặc dù món ăn ở đây không thể ngon bằng món ăn ở trong phủ Công chúa, nhưng cũng tạm được, A Vụ thầm than thở. "Nếu con thích ăn, ngày mai mẹ lại bảo nhà bếp nấu cho con." Thôi Thị nhìn ngắm A Vụ với vẻ mặt yêu thương, chiều chuộng. "Sức khỏe con đã khá hơn, da mặt cũng đã hồng hào hơn rồi đấy." Bà nói xong, nhớ đến việc nhà bếp gây khó dễ thì bất giác nhíu mày, chạnh lòng nghĩ đến cô con gái đáng yêu, xinh xắn. Nếu con bé không đầu thai nhầm vào bụng bà thì đâu đến nỗi phải sống những ngày tháng bần hàn, ngay cả món ăn yêu thích cũng không được ăn thoải mái thế này. Thôi Thị chỉnh lại tóc cho A Vụ với tâm trạng buồn bã, dù thường ngày bị đám con gái của bà cả và bà hai coi thường, nhưng A Vụ lại rất thích chơi cùng với chúng. A Vụ bị bệnh lần này cũng là do Vinh Ngũ gây ra, nếu không phải Vinh Ngũ, Vinh Tứ đùa ác lừa A Vụ đi lấy đồ gì đó cho bọn chúng thì A Vụ đâu có bị dầm mưa đến nỗi suýt mất mạng. "Sao hôm nay con lại để kiểu tóc này?" Thôi Thị chỉnh lại tóc cho A Vụ, bình thường con bé thích bắt chước theo Vinh Ngũ, nhỏ tuổi mà cứ muốn làm người lớn, phải chải kiểu tóc giống như đại cô nương thì mới ưng ý. Nếu tính cả tuổi mụ thì Vinh Ngũ năm nay mười một tuổi, còn A Vụ mới chưa đầy tám tuổi. "Không đẹp ạ?" A Vụ dè dặt hỏi. "Sao lại không đẹp, con gái mẹ mặc cái gì cũng đẹp hết!" Thôi Thị tự hào nói. Thôi Thị nói rất thật lòng, trông A Vụ cực kỳ diễm lệ, lại đang ở độ tuổi ngây thơ, đáng yêu nên nhìn thế nào cũng thấy đẹp. "Mẹ, con muốn may vài bộ quần áo mới được không ạ?" A Vụ khẽ kéo vạt áo của Thôi Thị. Thôi Thị nhìn vào đôi mắt to tròn, sáng rực của A Vụ, không nỡ từ chối. "Chỉ cần con thích là được." Bà vỗ vỗ vào tay A Vụ cưng nựng. "Mẹ lúc nào cũng thương con nhất!" A Vụ vùi đầu vào lòng Thôi Thị. Còn nhớ trước kia, Quận chúa chỉ cần dùng vẻ mặt nũng nịu, cha mẹ nàng cũng đã không thể chống lại được "chiêu" này, nói gì đến Thôi Thị. Thôi Thị bật cười xoa đầu A Vụ. "Con ấy à, khỏi bệnh rồi lại quay sang làm nũng mẹ là sao hả?" A Vụ mỉm cười không đáp, nghĩ thầm, có lẽ nàng của kiếp trước không gần gũi với mẹ lắm. Lúc rảnh rỗi, A Vụ thường lật giở bút tích non nớt của tiền thân để lại, tuy còn nhỏ nhưng cô nhóc này đã đa sầu đa cảm, lại ham hư vinh, luôn muốn học theo Vinh Ngũ, mặt dày bám theo người ta, bất chấp người ta đối xử lạnh nhạt thế nào. Hôm nay chứng kiến Thôi Thị ngạc nhiên với hành động làm nũng của con gái, A Vụ càng coi thường tiền thân của nàng, chẳng lẽ chỉ vì mẹ mình là con vợ lẽ mà bắt chước theo Vinh Ngũ có vài phần coi khinh mẹ đẻ thì thật chẳng ra làm sao. A Vụ không thể là người tầm thường, nực cười như tiền thân của nàng được! Những ngày bị bệnh nằm trên giường, nàng đã nghe không ít những lời xì xào về tiền thân của mình. Những việc đúng đắn của một chủ nhân thì cô ấy không làm, ngược lại lúc nào cũng bắt chước Vinh Ngũ, gần đến mức thành bệnh. Trong phủ này, ngay cả một nha hoàn cũng có phần coi thường cách sống của cô ấy. Chỉ có Thôi Thị và Vinh tam gia là thật lòng yêu thương con gái, dung túng cho những hành vi không giới hạn của cô ấy. "Hôm nay mẹ định làm gì ạ?" A Vụ ngồi thẳng người lên. "Ta thì có thể làm gì chứ, ta định may áo cho hai huynh của con và may cho cha con hai đôi giày." Đây chính là công việc thường ngày của Thôi Thị. Thực ra không cần nói A Vụ cũng biết tình trạng của Thôi Thị. Việc của phủ không đến lượt một người con dâu lẽ như bà quản. Bà con họ hàng đều coi thường mẹ bà là vợ bé, sau đó bà lại lấy chồng cũng là con vợ bé. Khi A Vụ còn là Quân chúa, nàng đã nhiều lần gặp phu nhân của Vinh phủ, rất ít khi gặp người mẹ hiện giờ của mình. Còn mẫu thân của Quận chúa, sáng sớm bà đã phải chuẩn bị trà nước, chiều cho người quét dọn tiếp khách, những việc lặt vặt trong nội phủ đều có nhũ mẫu tâm phúc lo liệu, khách quý ra vào nườm nượp. "Con muốn ngồi xem mẹ làm một lát." A Vụ chăm chú nhìn mẹ làm công việc nữ công. Nhìn vào khay thêu thùa may vá của mẹ, A Vụ thấy có các loại vải, kim chỉ đủ màu, cho thấy người làm được việc này không tầm thường chút nào. Nhớ đến khay thêu thùa may vá của tiền thân nàng, đồ đạc để lộn xộn, còn cả hầu bao thêu dở dang chưa xong, nàng cảm thấy thật xấu hổ. Tiền thân không giỏi nữ công vì tâm tư để cả vào việc bắt chước Vinh Ngũ làm tài nữ, học hành cũng chẳng ra làm sao, thật là vô dụng. "Ta thêu thùa may vá thì có gì đáng xem chứ, con vừa mới khỏe lên một chút, đừng để mỏi mắt, nếu cảm thấy khỏe thì nên đọc sách với các tỷ muội mới phải." Thôi Thị thầm thở dài, đứa trẻ này dung mạo xinh xắn, nhưng đầu óc lại không được linh hoạt lắm nên dù học thế nào cũng chẳng thuộc. Thôi Thị cũng không kì vọng con gái xuất chúng như Vinh Ngũ, nhưng nếu không biết đọc biết viết như các cô nương khác trong phủ thì thật xấu hổ, huống hồ mọi người đều nói "Bụng hữu thi thư khí tự hoa[1]". A Vụ cái gì cũng tốt, chỉ mỗi tính tình nhút nhát, rụt rè khiến mọi người không hài lòng, thế nên càng phải đọc sách thật nhiều mới đúng. [1] Bụng hữu thi thư khí tự hoa: có học hành, hiểu biết cũng là một vẻ đẹp. Hôm nay Thôi Thị thấy cử chỉ, phong thái của A Vụ khác hẳn thường ngày, tỏ rõ vẻ tao nhã của con nhà cao quý, nhưng trong lòng bà lại nghĩ, có thể đó là thành quả của những ngày chịu khó đọc sách. Bà đâu biết rằng, A Vụ đến sáu tuổi mới bắt đầu học, làm sao đã có thành quả như thế được. Đọc sách ư? A Vụ thầm thấy nực cười. Kiếp trước, Hoàng hậu còn đích thân mời nàng vào cung giảng bài cho Công chúa? Kiếp này lại phải theo tỷ muội đọc sách sao? Huống hồ, từ góc độ trải nghiệm của mình, A Vụ thấy nữ nhi tài giỏi thế nào cũng chẳng bằng có một dung mạo xinh đẹp. "Tất nhiên phải học chứ ạ, mấy ngày nữa con sẽ học." A Vụ ngắt lời bà, không để Thôi Thị tiếp tục nói, sau đó nhờ bà dạy cách thêu thùa. Lúc còn là Quận chúa, vì sức khỏe không tốt, hầu như nàng không đụng đến việc nữ công, trước khi mất, ngay cả việc tự may cho cha mẹ một cái hầu bao nàng cũng không làm được, một vật kỉ niệm để lại cho cha mẹ cũng không có, nàng nhất thời cảm thấy thật chua xót. "Cách thêu của mẹ thật khác biệt, như hoa đan liễu quấn, nhìn mà hoa cả mắt." A Vụ nghiêng đầu nhìn mẹ. Nhắc tới nữ công gia chánh, Thôi Thị hào hứng hẳn lên. "Đó là do bà ngoại của con dạy ta, bà ngoại vốn là một tú nương trong phủ của ngoại lão thái gia, nghề thêu thùa của người lúc đó nổi tiếng khắp thành Thanh Châu. Hồi ấy, bức thêu hai mặt Ngọc đường phú quý[2] của bà ngoại được quý nhân của kinh thành mua lại, sau đó đem tiến cung, ngay cả Thái hâu nương nương cũng hỏi, còn ban cho nhà ta danh hiệu Nghệ nhân nghề thêu họ Thôi." [2] Ngọc đường phú quý: thêu cảnh đôi chim công hạnh phúc, vui vẻ, hòa thuân bên nhau. A Vụ thầm gât đầu, thảo nào Thôi Thị chỉ là con vợ bé của tri phủ Thanh Châu mà lại có thể trèo được tới tận cổng của phủ An Quốc Công, vì dù công tử có là con thứ đi chăng nữa thì cũng chẳng đến lượt bà. Thôi Thị nhắc đến tấm vải thêu hai mặt Ngọc đường phú quý, A Vụ liền nhớ ngay ra tấm vải đó được làm đồ trang trí của mẫu thân Quận chúa và được cung tiến vào phủ Quận chúa. Trưởng công chúa, mẹ nàng, không thiếu đồ quý giá gì, nhưng lại cực kì yêu thích bức tranh thêu hai mặt Ngọc đường phú quý, cứ có khách quý đến thăm là lại sai lấy ra trưng bày, khách về lại lập tức sai cất đi. "Mẹ dạy cho con nhé, bây giờ đến thêu hầu bao con cũng không thêu được." A Vụ bắt đầu làm nũng. Thôi Thị không hoài nghi chút nào về sự thay đổi của A Vụ, chỉ vì bà quá yêu con, dù con gái làm gì thì bà cũng thích, huống hồ bây giờ con gái lại rất quấn quýt mẹ, bà vui mừng đến nỗi chẳng còn tâm tư suy nghĩ gì nữa. "Tính cả tuổi mụ thì con cũng tám tuổi rồi, nên học nữ công thôi, nhưng con vẫn chưa khỏe hẳn, vài ngày nữa mẹ sẽ từ từ dạy con." A Vụ gật đầu, từ biệt Thôi Thị rồi trở về phòng mình ở phía tây phủ.