Tại nhà ông Vọng, lúc này đã là giữa trưa, thầy Lương đang ngồi nghiên cứu lại thật kỹ tấm phổ truyền đào được từ Bãi Hoang. Bất ngờ bên ngoài cổng có tiếng gọi: - - Ông Vọng, ông Vọng đâu rồi...? Có nhà không đấy..? Thầy Lương hỏi: - - Ai gọi bác trưởng làng vậy..? Ông Vọng trả lời: - - Là giọng của bà Điều thầy cúng, sao bà ấy lại sang đây giờ này nhỉ..? Nói rồi ông Vọng đi ra mở cổng, đúng là bà Điều đang đứng bên ngoài, ông Vọng nói: - - Bà Điều đấy à...? Cơm nước gì chưa...? Bà tìm tôi có chuyện gì đấy..? Bà Điều đáp: - - Có chuyện thì mới phải đến tận nhà tìm ông để bàn chứ..? Không mời tôi vào nhà được à..? Ông Vọng ngại trong nhà còn có thầy Lương, nhưng dẫu sao bà thầy cúng cũng là người làng, bao năm nay việc cúng tế, lễ bái đều nhờ đến bà ấy, nếu đứng ngoài đường nói chuyện cũng không tiện, ông Vọng nói: - - Vâng, mời bà vào trong nhà. Nghe tiếng bước chân, thầy Lương gấp tấm da lại rồi cất đi, đi vào trong nhà thấy người lạ mặt, bà Điều dò xét một hồi rồi hỏi ông Vọng: - - Nhà ông đang có khách à..? Liếc nhìn thầy Lương, thấy thầy Lương khẽ lắc đầu ra hiệu, ông Vọng hiểu ý bèn đáp: - - Là bà con xa của tôi tới nhà ở vài hôm, bà vào nhà ngồi có chuyện gì cứ nói. Ậm ờ đảo mắt nhìn thầy Lương, bà thầy cúng trịnh thượng ngồi xuống ghế, không để mất thời gian, bà ta nói luôn: - - Chẳng hay việc làng ông định tính thế nào...? Chẳng lẽ ông cứ định để như thế à...? Tôi đã nói với ông rồi, chuyện thánh thần không đùa được đâu. Thần linh đang nổi giận, giờ muốn các ngài tha cho dân làng Văn Thái thì chỉ có cách là dựng tượng mới, lập đàn lễ bái các ngài thì mới mong các ngài bỏ qua mà tiếp tục phù hộ cho làng. Rót nước mời bà thầy cúng, ông Vọng đáp: - - Chuyện này....chuyện này không phải tôi không nghĩ đến. Nhưng bà thấy đó, mùa màng mất sạch, nước giếng thì bị nhiễm độc, bà con ta đã khổ lắm rồi. Nếu bây giờ còn kêu gọi mọi người chung tiền xây dựng tượng mới, rồi làm lễ nọ kia tôi e bà con không lo được. Bà Điều cau mặt sẵng giọng: - - Ý ông là không làm chứ gì...? Ông Vọng nói: - - Không phải như thế, nhưng hôm sang bên nhà bà, tôi thấy bà liệt kê ra những thứ cần mua bán, rồi kinh phí dựng tượng mới, lập đàn thuê thầy, thuê thợ.....Quả thực số tiền đó quá lớn, bà là người trong làng bà cũng biết dân làng ta đang khó khăn thế nào rồi mà. Hay là ta cũng làm lễ, nhưng làm nó nho nhỏ thôi, còn chuyện dựng tượng mới, để qua đợt này, bà con ổn định hơn hãy bàn tiếp có được không...? Bà Điều mím môi mím lợi: - - Nhỏ là nhỏ thế nào...? Bao nhiêu năm nay, kể từ khi tôi với ông sinh ra trên cái làng này, đã bao giờ làng xảy ra chuyện lớn như thế này chưa...? Trâu bò chết đằng trâu bò, người thì cũng tự nhiên treo cổ mà chết, giếng làng cả bao đời nay là nguồn nước sử dụng cho bà con thì nay nhiễm độc, cá chết trắng người, tượng thần đổ vỡ....Bao nhiêu chuyện kinh hãi như thế mà ông còn nói làm lễ nhỏ mà được à..? Báng bổ, báng bổ quá......Cứ tiếp tục thế này không bỏ đi thì cũng chẳng sống được ở cái đất này được nữa đâu. Ông Vọng giờ cũng không biết phải làm sao, không phải ông không muốn làm lễ như lời bà Điều yêu cầu, mà thực sự ông lo lắng cho bà con trong làng, vốn đã không đủ ăn, giờ xảy ra bao chuyện mà còn còng lưng quyên tiền làm lễ, xây tượng, sợ lễ xong thì dân làng đã chết đói. Nhưng không làm ông lại sợ những lời mà bà Điều nói là thật, sự việc sẽ càng tồi tệ hơn. Bởi quả thực 1 năm trước, bà Điều đã đề xuất ý kiến xây tượng mới, thậm chí là tu bổ toàn bộ ngôi đình. Do không làm theo nên bây giờ xảy ra chuyện, ông Vọng cũng cảm thấy có gì đó đáng sợ. Thấy ông Vọng lung lay suy nghĩ, bà thầy cúng nói thêm: - - Đói một chút nhưng an yên sau này, còn bây giờ cứ để như thế sợ còn chết trước khi bị đói ấy chứ. Thôi, tôi sang đây cũng để nhắc ông thôi, thời gian để lâu các ngài càng nổi giận.....Đêm hôm qua tôi mơ thấy thần Thành Hoàng hiện về quở trách, thần bảo sao tượng đổ sập mà không chịu dựng tượng mới. Thần hỏi có phải làng Văn Thái muốn chịu tai kiếp nặng nề hơn thì mới biết hối lỗi phải không..? Đấy, ông xem xem mà liệu....Tôi là tôi cũng chỉ truyền đạt lại những gì mà thần thánh muốn nói thôi. Tôi về, ông không cần phải tiễn. Vừa đứng dậy thì bà Điều thấy Lực và Sửu đi vào trong sân, ngó vào nhà Sửu buột miệng nói khi chưa nhìn thấy bà Điều: - - Bác Vọng, thầy Lương....Hai người ăn cơm chưa...? Thấy bà Điều, Sửu không nói nữa, còn Lực thì quay mặt tránh đi bởi Lực đang tăm te còn gái của bà Điều. Nghe thấy Sửu gọi thầy Lương là thầy, lập tức bà Điều quay lại nhìn, nhưng thầy Lương vẫn điềm tĩnh không tỏ thái độ gì, có chút nghi ngờ nhưng bà Điều tặc lưỡi bỏ đi. Đi qua bà ta không quên lườm Lực một cái rõ không vừa lòng. Đợi bà ta đi khỏi, Sửu mới bước vào nhà, Sửu nói: - - Nhìn cái bà này sợ thế, lúc nào cũng nhìn chằm chằm như muốn ăn tươi nuốt sống người ta vậy. Không vì bà ấy là thầy cúng chắc tôi phải chửi rồi, thầy cúng thầy bái gì mà ghê gớm, đanh đá, ai không vừa ý là bả chửi luôn....Sợ thật....Mà bà ấy đến tìm bác Vọng co chuyện gì vậy ạ...? Ông Vọng thở dài rồi đáp: - - Thì vẫn là chuyện dựng tượng mới với lập đàn cúng tế đấy thôi.....Nhưng số tiền bỏ ra lớn quá, tôi vẫn chưa dám quyết định. Làng mình đâu phải dư dả gì, bao nhiêu năm nay mọi người cũng cố gắng lắm rồi, khó khăn chồng chất khó khăn, giờ còn đẻ ra chuyện tiền cúng, tiền xây dựng, sửa sang đâu phải dễ dàng gì. Sửu gật gù: - - Bác trưởng làng nói đúng, như nhà em đây, cũng không phải dạng cùng đinh, hay khó khăn như nhà cô Xoan, cơ mà giờ bảo bỏ ra một khoản để lo việc làng em sợ em cũng không lo được, vợ con nheo nhóc.....Em cũng tín lắm mà trong lúc này quả thực khó khăn bác ạ. Nhìn thầy Lương, Sửu hỏi: - - Liệu có cách gì giúp dân làng không hả thầy....? Tiền bạc thì tôi không có nhưng sức khỏe thì dư thừa, đi đâu, đào gì, làm gì thầy chỉ cần ới một tiếng là anh em tôi có mặt. À mà sáng nay bác và thầy đến nhà cụ Cẩn sao rồi ạ, cụ Cẩn có biết gì về cái họ Cao kia không...? Thầy Lương trả lời: - - Có lẽ cụ Cẩn biết điều gì đó, nhưng cũng như lời bác trưởng làng kể, các bậc hương thân, phụ lão trong làng đều không hé nửa lời. Tôi cũng có đến đình xem bia công đức cùng một số văn tự có trong đền, nhưng không hiểu sao, tuyệt nhiên không hề thấy ghi chép hay bất cứ ai được đề tên mà mang họ Cao cả. Cứ như thể họ chưa từng tồn tại ở làng này vậy...? Sửu thở dài: - - Đúng đấy thầy ạ, tôi cũng về, cũng đi hỏi dò nhưng chẳng ai biết gì về dòng họ Cao đó cả....Có khi nào tấm gia phả ấy không liên quan gì đến làng này khồng..? Thầy Lương nói: - - Chắc chắn có liên quan, không thể tự nhiên mà Bãi Hoang lại có cả một nền móng kiên cố như vậy được, mà cũng không tự nhiên các cụ trong làng thời còn sống lại cấm dân làng tới Bãi Hoang đó, mọi chuyện ắt hẳn phải có liên quan. Nhưng giờ người có vẻ như biết chút gì đó về nguồn gốc câu chuyện lại không chịu nói. Nhưng tạm thời mọi người nhớ đừng kể chuyện về Bãi Hoang cho ai nghe, giờ chưa giải quyết được gì, nói ra sợ dân làng lại càng lo lắng. Theo tôi thấy, khu đất đó không đơn giản, mọi người cũng thấy chất độc được tẩm bên ngoài lớp giấy dầu rồi đó. Giả dụ tấm gia phả ấy được chôn cách đây 100 năm mà độc tính vẫn còn thì nó thực sự đáng sợ. Còn về câu chuyện mà bác trưởng làng kể hai vợ chồng nhà kia chết một cách bí ẩn sau khi đào bới ở Bãi Hoang cũng khiến cho tôi lo lắng. Nhìn trên cổ Sửu và Lực vẫn còn đeo sợi dây đỏ có hạt tràng, thầy Lương tiếp: - - Vì hai cậu là người trực tiếp đào bới ở Bãi Hoang nên nhất định trước khi tôi giải thích được mọi chuyện, hai cậu không được tháo hạt tràng đó ra nghe chưa..? Sửu với Lực vâng dạ gật đầu. Tại nhà Mão, đã sang đầu giờ chiều, Mão đi đâu vẫn chưa về, vợ Mão sốt ruột đi ra đi vào bên ngoài cổng hóng chồng, nhưng càng hóng lại càng mất tích. Ngó vào nhà cô Xoan, vợ Mão gọi gọi mấy câu nhưng không thấy ai trả lời, thực ra vợ Mão gọi vậy thôi chứ lúc cô Xoan đi ra ngoài vợ Mão cũng biết. Đột nhiên vợ Mão nảy ra ý định vào nhà cô Xoan ngó nghiêng xem một chút, làng quê nên cổng cũng chỉ đóng hờ, cài then chứ không khóa. Nghĩ là làm, vợ Mão nhẹ nhàng mở cổng rồi rón rén bước vào trong. Đến hiên nhà, vợ Mão gọi nho nhỏ: - - Có ai ở nhà không...? Chẳng có ai trả lời, mà cô Xoan đi rồi thì nhà chỉ còn cái Mị câm, nó có nghe thấy cũng chẳng nói được. Bước lên hiên, thò đầu vào trong nhà, nhìn lên giường, nhìn vào cả bộ bàn ghế cũ kỹ, vợ Mão cũng không thấy ai. Cái nhà thì bé tí, một chiếc giường hai mẹ con cô Xoan nằm, từ hiên đi vào là bộ bàn ghế bị mọt ăn bụi gỗ rơi xuống đánh đống bên dưới. Vợ Mão lẩm bẩm: - - Quái lạ, con mẹ đi rồi thì con con phải ở nhà chứ...? Sao nhà lại vắng tanh vắng ngắt thế này. Đang định liều đi hẳn vào trong nhà vì nhà không có ai thì vợ Mão giật mình hét toáng lên: - - Ối....giời....đất ơi.....Ma.....ma......