Mariana

Chương 19

Đêm đó tôi mơ về mẹ. Tôi mơ mình trở về thời thơ ấu, với hai đầu gối sây sát và tóc tết đuôi sam, chơi đùa trong sân nhà chúng tôi ở Oxford, trong khi mẹ tôi ngồi đọc sách ở bãi cỏ bên cạnh. Trong giấc mơ ấy, đôi mắt mẹ có màu xanh dương. Mắt bà màu tối, giống tôi, tôi cũng nhớ rõ mình cảm thấy kỳ quái đến mức nào khi đôi mắt bà đột nhiên trở thành màu xanh trong khi đáng nhẽ phải là nâu như lúc thường, nhưng khi tôi thắc mắc, bà chỉ mỉm cười và hôn tôi, rồi bảo tôi đi chơi. Sân sau nhà chúng tôi thực sự rất nhỏ, nhưng khi tôi đi về phía hàng rào, lằn ranh dường như lùi ra xa phía trước tôi, cho đến khi tôi phát hiện mình đang bước đi trong một cánh đồng hoa dập dờn theo gió, ánh mặt trời ấm áp chiếu trên vai và bầu không khí đầy sức sống với tiếng côn trùng râm ran. Nếu vươn tay và lướt trên đỉnh những bông hoa, tôi có thể ngửi mùi hương ngọt ngào đột nhiên lan tỏa của chúng. Giờ tôi đã cách nhà tương đối xa. Khi tôi quay lưng lại nhìn, ngôi nhà không hơn gì một chấm nhỏ ở quãng xa. Tuy cánh đồng hoa rất đáng yêu và đang gọi mời, nhưng tôi biết mẹ sẽ lo lắng nếu tôi đi quá xa. Một cách miễn cưỡng, tôi bắt đầu quay lại. Dường như lần đi bộ trở về này còn dài hơn nữa, tôi phải trèo qua hàng rào để vào sân. Lúc tôi về đến nơi thì ánh nắng đã phai màu, bầu không khí trở nên mát lạnh và ẩm ướt. Mẹ tôi không còn ngồi trên bãi cỏ nữa. Tôi đi vào nhà, nhưng cũng không có ai trong đó. Ngôi nhà trống không và hoang vắng, bản thân sự tĩnh lặng còn mang nhiều âu lo hơn bất cứ âm thanh kỳ quái nào tôi có thể tưởng tượng ra. Bối rối và sợ hãi, tôi chạy, vấp ngã, trên con đường đến nhà bạn tôi và gõ dồn lên cánh cửa. Bạn tôi lên tiếng đáp lại, nhưng cô ấy không còn là một đứa trẻ giống tôi - cô ấy là một phụ nữ trưởng thành, đứng đó trên khung cửa, hướng đôi mắt thương xót nhìn xuống tôi. “Tớ rất tiếc”, cô ấy nói. “Chưa ai nói với cậu sao? Mẹ cậu đã mất cách đây nhiều năm rồi...” Những giọt nước mắt vẫn còn đầm đìa trên gương mặt tôi lúc giấc mơ chấm dứt. Tôi có thể nếm chúng khi nằm đây trong bóng tối, lắng nghe tiếng nhỏ tí tách từ đám ống nước trong nhà tắm và theo dõi bóng cây sồi đong đưa trên những tấm chăn trong lúc cố gắng trấn tĩnh trái tim đang đập như điên trong lồng ngực. Ngay khi có thể hít thở bình thường, tôi vươn tay bật chiếc đèn đọc sách trên bàn cạnh giường và ngồi dậy, xộc cả hai bàn tay qua mái tóc ướt đẫm rối bù và gạt chúng xuống che phủ đôi mắt. Nó chỉ là một giấc mơ, tôi tự nhủ. Mày không còn là một đứa trẻ nữa, mày sắp ba mươi tuổi rồi, và mẹ mày không chết. Tôi nhặt chiếc áo ngủ đã bỏ lại trên sàn trước lúc lên giường và luồn tay vào tay áo, vừa thắt đai lưng vừa lê chân ra ngoài hành lang. Từ kinh nghiệm, tôi biết mình sẽ không ngủ tiếp cho đến khi thoát khỏi ký ức dai dẳng từ giấc mơ kia. Vào những lần như thế này, tôi thường ước mình có một chiếc tivi, giống như những người bình thường khác, nhưng tôi đã mang cho chiếc tivi của mình từ nhiều năm trước rồi. Nó là món đồ cám dỗ luôn khiến tôi xao nhãng khỏi công việc. Thay vào đó, giờ tôi ngồi lặng yên một chỗ, nghe chương trình trò chuyện đêm khuya trên cái đài xách tay cùng một tách ca cao dễ chịu. Khi cách đó không ăn thua, tôi cố đọc sách. Một giờ sau, vẫn không thể rũ bỏ tình trạng bứt rứt mơ hồ cùng nỗi sợ hãi không tên lạnh lẽo âm ỉ như bóp nghẹt trái tim, tôi đầu hàng và nhấc điện thoại, run run bấm nút đến số điện thoại ở New Zealand. Mẹ tôi trả lời sau tám hồi chuông, giọng bà bối rối nhưng vẫn rõ ràng. Chẳng mấy chốc bà đã hoàn toàn tỉnh táo. “Julia à? Mọi chuyện vẫn ổn chứ con?” Tôi phải thừa nhận, một cách khá bẽn lẽn rằng mọi việc vẫn ổn và giải thích rằng tôi chỉ gọi để chào và xem bố mẹ tôi đang thế nào mà thôi. “Vào bốn giờ sáng thế này á?” Mẹ tôi nghe có vẻ hoài nghi sau khi tính thời gian. Tôi thở dài. “Thực ra con gặp ác mộng. Con mơ mẹ mất.” “Ôi, con yêu...” Giọng mẹ tôi như một cái ôm qua đường điện thoại. “Thật kinh khủng. Hừm, dù sao thì mẹ có chết đâu nào, trong tương lai gần mẹ cũng không có dự định chết, nên con có thể ngừng lo lắng được rồi.” Tôi nghe thấy âm thanh sột soạt và biết bà vừa ngồi lên ghế, nhét những chiếc gối để dựa lưng. “Cuộc sống ở ngôi làng của con thế nào rồi?” Bà hỏi tôi. “Tom kể với bố mẹ là ngôi nhà của con hết sức đáng yêu, dù thằng bé hơi nghi ngờ đám ống nước...” Không đợi hồi đáp, mẹ tôi dễ dàng sa đà vào cuộc tự thoại phần lớn liên quan đến tình hình của những người bà con khác nhau của chúng tôi ở Auckland, thi thoảng bị đứt quãng bởi những âm thanh rời rạc thoát ra từ bố tôi, người chắc chắn đang cố đọc sách hoặc chợp mắt bên cạnh bà. “Cái gì cơ Edward, anh yêu?” Bà khẽ hỏi. “Ôi, phải rồi, em quên biến mất đấy. Sau đó, Julia à, cô ta xuất hiện với chiếc mũ đáng kinh ngạc bậc nhất đội trên đầu...” Và khi nói xong, bà lại tiếp tục kể một câu chuyện nghe ngóng từ những chuyện ngồi lê đôi mách khác, được sắp xếp một cách tài tình để giúp tôi quên đi nỗi khiếp đảm mà cơn ác mộng đem lại. Cha mẹ tôi thực sự rất tuyệt vời, tôi nghĩ thầm, khi tôi đặt điện thoại lại giá đỡ gần một giờ sau đó. Vươn thẳng tay, tôi quan sát sảnh trước với niềm thích thú vu vơ. Mẹo của mẹ tôi rõ ràng rất hiệu quả. Tôi không còn hoảng sợ hay e ngại nữa. Nhưng thật không may, tôi cũng không thể ngủ thêm. Ừm, tôi kiên cường tự an ủi, nếu dậy luôn và tỉnh táo, tôi rõ ràng cũng có thể thay quần áo. Tôi bước thất thểu lên cầu thang và đổi sang một chiếc quần jean cùng một chiếc áo phông rộng, đôi mắt rớt xuống chiếc chìa khóa lem nhem nho nhỏ vẫn nằm trên bàn trang điểm trước mặt. Một cách chậm rãi, trán nhăn lại suy tư, tôi đặt lược xuống và nhặt chiếc chìa khóa nhỏ lên, tư lự ước lượng nó trong lòng bàn tay. Phải chăng các bí mật ẩn giấu đang chờ để được tôi hóa giải? Tôi nhớ đến gương mặt dịu dàng, hiểu biết đang mỉm cười của bác Hutherson nhìn tôi ngày hôm qua lúc ngồi bên bàn bếp trong lâu đài Crofton. Đây là cuộc hành trình do cháu khởi đầu, bà đã nói vậy với tôi. Nắm lấy chiếc chìa khóa chốc lát, tôi ngước nhìn gương mặt quyết tâm trong tấm gương. Tôi nghĩ chẳng có lý nào để trì hoãn việc chắc chắn sẽ xảy ra. Đây là thời điểm để bước tiếp trên chuyến hành trình của tôi. Là lúc để quay trở lại. Dưới tầng, tôi châm cây nến từng dùng suốt lần đương đầu mang tính trải nghiệm vừa rồi và đặt nó ngay ngắn giữa bàn. Nó bắt đầu tỏa ánh sáng nhàn nhạt ra xung quanh, đốm lửa của cây nến không được mê hoặc như mong đợi, nhưng tôi khép hờ mắt, nỗ lực tập trung vào nó. Thời gian ngừng lại, và dao động. Tiếng thở của tôi trở nên thật ồn ào trong căn phòng tĩnh lặng. “Mariana!” Giọng Caroline sắc nhọn và tôi ngẩng phắt đầu lên, ngay lập tức tỉnh táo. Bác gái mỉm cười một chút trước phản ứng của tôi, giọng dịu dàng. “Cháu sẽ cắt vào tay mất”, bác cảnh báo tôi, “nếu cứ nghĩ miên man như thế. Chúng ta có đánh thức cháu quá sớm không?”. “Cháu bị khó ngủ”, tôi bào chữa bằng một lời nói dối nho nhỏ, không muốn thú nhận sự vô ý của mình là do mải nghĩ đến người hàng xóm tóc đen nào đó. Tôi siết chặt con dao thêm một chút và tiếp tục thái rau cho món xúp mà Rachel đang ninh trên lò. “Trời nóng khác thường”, Rachel biện hộ giúp tôi. “Thời tiết này khiến ai cũng thấy uể oải.” Cô ấy đứng lên, quay khỏi bếp lò, gương mặt đỏ ửng lấm tấm mồ hôi và ranh mãnh đưa mắt liếc về phía Caroline. “Em thậm chí còn thấy chị gà gật lúc đọc lời cầu nguyện sáng nay đó, chị à.” “Chị không ngủ gật lúc cầu nguyện”, Caroline nghiêm túc nói, nhưng đôi mắt ánh lên vui vẻ, bác thậm chí trông như trẻ lại khi đáp trả câu trêu chọc của Rachel. “Chị chỉ đang tỏ ra thành kính thôi.” Rachel định bình luận thì cánh cửa nhà bếp bật mở và bác trai tôi bước vào trong. Ngay lập tức sự sống biến mất khỏi đôi mắt Caroline, như thể có bàn tay vô hình nào đó vừa lướt qua gương mặt bác. Jabez không chú ý đến sự biến đổi đó. Mặt ông đỏ rực và bức bối trước cái nóng và mang biểu cảm rất cáu kỉnh. “Đây là ngày nóng nhất ta từng biết”, ông phàn nàn, gạt những giọt mồ hôi khỏi cằm. “Cái nóng chết tiệt. Mariana, mang cho ta một ly nước đi, và mau chân lên.” Tôi làm theo mà không nói một lời, đưa chiếc ly cho ông và quay trở lại với công việc đang làm dở. Ông uống ừng ực không khác gì một con thú và dằn chiếc ly lên bàn với sự thỏa mãn. Đôi mắt rắn đanh của ông quay sang tôi. “Chị trông mệt mỏi vậy, Mariana.” Caroline cựa quậy trong góc cạnh bếp lò. “Con bé ngủ không ngon, Jabez ạ. Không có vấn đề gì đâu.” Đôi mắt ông nheo lại. “Nó thiếu vận động. Đi dạo ngoài trời sẽ chữa bệnh cho nó.” Ông gọi tôi bằng giọng gần như quan tâm. “Khi công việc của chị ở đây kết thúc”, ông nói, “chị có thể ra ngoài nốt sáng nay. Đi xuống bờ sông ấy, ở đó trời sẽ mát hơn”. Tôi cố giấu vẻ ngạc nhiên trước lời ông nói. Dường như đó là chuyển biến quái lạ và bất thường ở một người đàn ông hiếm khi cho phép tôi ra khỏi tầm mắt, thành ra việc ông khuyên tôi nên dành thời gian ra ngoài làm tôi khó lòng tin nổi. Ngay cả Caroline cũng nhướn cả hai mày lên, dẫu vậy bác cũng khôn ngoan khi không lên tiếng. Jabez quay sang Rachel. “Bữa trưa hôm nay sẽ có khách”, ông thông báo. “Ngoài ta còn bốn người nữa. Ta muốn một chiếc bánh nướng nhân thịt chim cu vào bữa ăn, không ít hơn hai con cho mỗi người, và một bình rượu táo ngon từ hầm chứa rượu. Mariana có thể mang lũ chim về cho chị, trước khi nó ra ngoài.” Tôi khẽ kêu một tiếng phản đối, đôi mắt trợn trừng. Rachel ngước lên từ nồi xúp. “Để em đi bắt lũ chim”, cô bảo ông. “Mariana quá đa cảm. Cô ấy không thích vặn cổ lũ chim đâu.” Bác tôi nhún vai. “Ta không quan tâm ai sẽ giết cái đám khốn khổ ấy, miễn là chúng nằm trên bàn của ta vào bữa ăn.” Ông quét ánh mắt về phía vợ. “Ta tin cô sẽ trông nom đứa trẻ”, ông nói, “và giữ nó im lặng. Ta không muốn tiếng la hét của thằng nhóc phá hủy cảm giác ngon miệng của các vị khách”. Caroline lẩm bẩm điều gì đó đáp lại, mái đầu thấp xuống phục tùng. Tôi biết lời bình phẩm ác ý của Jabez đã làm tổn thương bác sâu sắc. Rachel kể với tôi rằng Caroline khao khát hoài thai một đứa trẻ, trong những năm bất hạnh cằn cỗi của bác, cũng như niềm hạnh phúc của bác khi cuối cùng cũng sinh ra John. Còn việc Jabez không có chung niềm tự hào với đứa trẻ dường như đã trở thành nỗi đau khôn nguôi với bác. “Johnnie là một đứa bé ngoan”, tôi lên tiếng. “Cháu không nghĩ em ấy sẽ quấy rối ai.” Bác trai đặt đôi mắt xanh lạnh lẽo lên gương mặt tôi lần nữa. “Chị có thể đi bất cứ khi nào chị sẵn sàng”, ông nói, giọng dửng dưng. “Và tự lo cho cuộc dạo chơi của chị đi. Ta không muốn thấy chị ở đây trước giữa chiều.” Ông đột ngột quay đi và rời khỏi phòng, Caroline bước theo như một cái bóng nhợt nhạt. Rachel nhìn tôi với đôi mắt ngạc nhiên và khẽ trách. “Chị không nên nói với bác mình như thế. Đỡ lời cho chị tôi không ăn thua đâu, Mariana. Chị ấy vẫn vui vẻ như một con cừu đến chỗ tên đồ tể thôi.” “Tôi biết”, tôi đáp. “Nhưng tôi không thể ngăn những lời đó khỏi thoát ra.” “Hừm”, Rachel băng qua căn phòng để đứng cạnh bàn, “cũng không hại gì. Chị sẽ có cả sáng để làm dịu đi cơn nóng giận của mình. Hẳn sẽ mang đến nhiều hứa hẹn thú vị cho chị”. Mới nghĩ đến chuyện có vài giờ ra ngoài, tôi đã thấy toại nguyện lắm rồi, nhưng sự toại nguyện của tôi vơi đi phần nào bởi sự tức giận. Bác tôi không muốn tôi ở trong nhà khi các vị khách của ông đến, điều đó quá rõ ràng, và tôi thì quá bận rộn để dằn lại nỗi hiếu kỳ. “Rachel à”, tôi bâng quơ hỏi, “những vị khách bác tôi nhắc đến là ai thế? Cô có biết họ không?”. Tôi đã khám phá được rằng Rachel không thể nói dối dễ dàng. Mỗi khi không thể đưa ra câu trả lời trung thực, cô ấy sẽ tìm cách lãng tránh câu hỏi. Giờ cô ấy cũng đang cố gắng lảng tránh, bằng việc cúi thấp đầu để phần tóc vàng rơi xuống che đi gương mặt. Cô ấy đang chậm rãi lựa chọn từ ngữ, một cách cẩn trọng. “Đôi khi sẽ tốt hơn”, cô ấy khuyên tôi, “nếu chị che mắt và bịt tai, thay vì cứ đưa ra thắc mắc như vậy”. Tôi biết cô ấy sẽ không nói thêm, nên tôi bỏ qua chủ đề này, cầm chiếc bát đầy rau mang đến gần lò và đổ nó vào chiếc nồi đang sôi sùng sục. “Giờ tôi đi nhé?” Tôi vừa hỏi vừa lau bàn tay ẩm ướt vào vạt váy. “Trừ khi chị muốn đi bắt đám chim bồ câu”, Rachel nói, rồi bật cười trước vẻ mặt của tôi. “Đi đi”, cô ấy ra lệnh cho tôi, bắt chước giọng bác tôi, “và tự lo cho cuộc dạo chơi của chị đi”. Tôi quá hạnh phúc ấy chứ. Bầu trời rộng rãi và mời gọi còn bãi cỏ mát lạnh, tươi non dịu dàng dưới bàn chân trần khi tôi băng qua cánh đồng gợn sóng về phía bờ sông. Đi bộ không bao xa, chỉ khoảng một dặm gì đó, nhưng cũng không vội, cứ để linh hồn tắm trong cảm giác tự do và thảnh thơi tuyệt vời. Dù cho nhiệt độ không thể giảm bớt. Cái nóng hừng hực của mặt trời đã đốt trụi những phần ốm yếu và bệnh tật trong thể chất của tôi, khiến những phần khỏe mạnh có thể phát triển trở lại, tràn trề và sinh động hơn trước. Càng đến gần con sông thì lối đi càng râm mát, bóng râm dày đặc nhờ những tán lá sum suê từ các lùm cây mọc ven dòng nước đang lững lờ trôi. Ở đây chỉ có những âm thanh đó từ thiên nhiên - bầy chim líu lo trên những cành cây cao chót vót, tiếng sột soạt khẽ khàng của một sinh vật vô hình trong rừng, cá đột ngột quẫy nước khuấy động bề mặt con sông cạn. Tôi lơ đãng nghĩ, mình giống như đang lạc vào khu vườn địa đàng sau chuyến dừng chân ở địa ngục vậy. Nạn dịch cùng Luân Đôn dường như ở rất xa, những hành lang tăm tối ở Đàn Cừu Xám thậm chí còn xa hơn nữa. Tôi nắm những nếp váy trong tay và lội xuống sông, nâng vạt váy khỏi mặt nước. Làn nước lăn tăn mát lạnh vỗ lên làn da trên hai mắt cá chân, và không dâng cao hơn, thay vào đó thúc giục tôi lội ngược lên thượng nguồn, để tận hưởng cảm giác những viên đá cuội nhẵn thín bên dưới đôi chân mệt mỏi. Tôi lội một quãng xa, làm nước bắn tung tóe theo mỗi bước chân và vui vẻ ngâm nga, một bài hát ngắn lung tung tự tôi sáng tác. Đến khúc quanh của dòng sông, cây cối trở nên rậm rạp hơn, tôi ngừng lại và đánh bạo tiến sâu và nâng vạt váy cao lên. Những chú chim làm tôi giật mình, khi lao vút khỏi đám cây mà không buồn báo động nỗi hoảng sợ của chúng, cả đàn đập cánh bay liệng thành một khối hoàn hảo trên bầu trời như đổ lửa, rồi biến mất. m thanh như khẩu thần công khai hỏa trong một nơi tĩnh mịch, trong sự kích động tôi hụt chân, ngã tõm người xuống nước kèm theo một tiếng chửi thề bất nhã. Gạt mái tóc ướt nhẹp khỏi mắt, tôi ngước lên để nhìn xem thứ gì đã khiến bầy chim hoảng loạn như thế, trái tim tôi như dội theo cuộc trốn chạy của chúng. Đầu tiên, tôi chỉ thấy các bóng râm. Cho đến khi một trong các bóng râm đó chuyển động và tán lá xanh rẽ lối cho một người đàn ông tóc đen cao ráo cưỡi trên con ngựa xám, chuyển động với vẻ duyên dáng nhẩn nha dọc theo bờ sông về phía tôi.