Mạnh Hơn Sợ Hãi
Chương 9
- Cô biết về quá khứ của bà ngoại cô nhiều hơn rất nhiều so với điều cô muốn cho tôi biết, Andrew nói khi ngồi xuống bên cạnh Suzie tron phòng đọc thư viện thành phố.
- Tôi đổi chỗ không phải là để anh tới ngồi ở bàn này.
- Còn chờ xem thế nào đã.
- Anh đâu có hỏi gì tôi.
- Vậy thì tôi làm ngay đây. Còn chuyện gì cô chưa cho tôi biết về Liliane Walker?
- Chuyện đó liên quan gì tới anh?
- Chẳng liên quan gì. Có thể nhiều lúc tôi là một kẻ nghiện ngập, tôi có tính cách khó chịu, nhưng nghề báo là lĩnh vực duy nhất tôi làm xuất sắc. Cô muốn tôi giúp chứ, có hay không?
- Điều kiện của anh là gì?
- Tôi sẽ dành cho cô vài tuần; giả sử chúng ta chứng minh được bà cô vô tội, và giả sử điều đó thu hút sự quan tâm nhất định, tôi muốn được độc quyền về đề tài này và quyền đươc đăng báo mà không cần cô đọc duyệt.
Suzie thu dọn đồ đạc và đứng dậy mà không nói một lời.
- Cô đùa chăng, tôi hy vọng thế, Andrew vừa đuổi theo cô vừa nói. Cô không định xem xét những điều kiện của tôi sao?
- Không được nói chuyện trong phòng đọc, anh ngậm miệng lại đi và theo tôi ra quán cà phê.
Suzie đi mua một chiếc bánh ngọt rồi tiến lại bàn nơi Andrew đang ngồi.
- Cô có ăn gì khác ngoài đồ ngọt không?
- Anh có uống gì khác ngoài rượu không? Cô bốp chát đáp lại. Tôi chấp nhận điều kiện của anh, trừ một chi tiết. Tôi không yêu cầu anh cho tôi sửa bài báo anh viết, mà yêu cầu anh cho tôi đọc trước khi nó được đăng.
- Được, Andrew nói. Ông cô có kể với cô về chuyến đi tới Đức của ông ấy không?
- Ông ít nói chuyện với tôi lắm. Tại sao anh lại hỏi câu này?
- Vì có khả năng ông ấy chưa bao giờ đặt chân tới Đức. Điều đó sẽ khiến chúng ta phải cố mà hiểu cho được câu nói của ông Ashton mang hàm ý gì. Kể ra cô cũng có năng khiếu về mật mã học, vậy thì bắt tay vào việc thôi.
- Tôi đã cố hết sức hiểu ý nghĩa bức thư này từ khí biết đến sự tồn tại của nó. Anh nghĩ ngày nào tôi cũng ở đây làm gì chứ? Tôi đã xoay đi xoay lại các từ theo tất cả các nghĩa, lược đi rồi thêm vào các nguyên âm và phụ âm, thậm chí tôi còn dùng đến cả một phần mềm, và đến giờ này tôi vẫn chẳng thấy gì.
- Cô từng nói với tôi về một thông điệp mà bà cô để lại, tôi xem nó được không?
Suzie mở túi đeo của mình, lấy ra một cặp tài liệu. Cô tháo các kẹp và chìa ra trước mặt Andrew một trang giấy, trên đó có dòng chữ viết tay của Liliane:
“WOODIN ROBERT WETMORE
TAYLORE FISHER STONE”
- Bốn người này là ai? Andrew hỏi.
- Ba người, William Woodlin là Bộ trưởng Tài chính dưới thời Roosevelt. Tôi chưa tìm được gì về Robert Wetmoore, có biết bao người mang tên đó! Anh mà biết co bao nhiêu bác sĩ mang tên Robert Wetmore thì cũng đủ sững sờ rồi. Còn người thợ may ở Fisher Stone…
- Fisher Stone là ở đâu?
- Tôi chẳng có ý niệm nào về cái tên này. Tôi đã tra cứu tất cả các thị trấn ven biển, cả bờ Đông và bờ Tây, không có nơi nào mang tên này. Tôi đã mở rộng tìm kiếm sang tận Canada, kết quả cũng chẳng khá hơn.
- Cô đã thử tìm ở Na Uy và Phần Lan chưa?
- Cũng không có kết quả.
- Tôi sẽ đề nghị Dolorès giúp chúng ta một tay. Nếu có xó xỉnh nào mang tên đó, dù có nằm ở ngoại ô Zanzibar hay trên hòn đảo nhỏ nhất thế giới đi chăng nữa, cô ấy cũng sẽ tìm ra. Tập tài liệu có thể chỉ dẫn cho chúng ta thấy phải tìm gì của cô có chứa gì vậy?
- Ngoài thông điệp khó hiểu này của bà tôi, có vài bức ảnh của bà và một câu bà viết cho Mathilde, không quan trọng lắm.
- Câu gì?
- “Không phải tuyết cũng chẳng phải mưa, cũng không phải hơi nóng hay bóng tối màn đêm, sẽ ngăn cản được những sứ giả này hoàn thành hành trình đã được giao phó cho chúng.”
- Bà cô có vẻ thích bí hiểm nhỉ! Andrew than vãn.
- Cứ đặt mình vào vị trí của bà tôi mà xem.
- Nói cho tôi biết về người đàn ông mà tôi đã thấy ra khỏi tiệm tạp hóa.
- Tôi đã nói rồi đó thôi, Knopf là một người bạn của ông tôi.
- Hoàn toàn không cùng độ uổi, nếu tôi không nhầm.
- Anh không nhầm đâu, Knopf trẻ hơn ông tôi.
- Ngoài việc là người thân cận của ông cô, ông ấy làm nghề gì?
- Ông ấy làm trong CIA.
- Chính ông ấy là người dành thời gian xóa sạch mọi dấu vết trong quá khứ của cô sao?
- Ông ấy luôn bảo vệ tô từ khi tôi còn là một cô bé. Ông ấy đã hứa với ông tôi như vậy. Đó là một người biết giữ lời.
- Nhân viên CIA và người bạn của gia đình, hoàn cảnh này có lẽ không dễ cân bằng với ông ấy. Bị giằng co giữa hai thân phận.
- Mathilde nghĩ chính ông ấy đã báo trước cho Liliane việc bà sắp bị bắt. Knopf thì luôn cam đoan với tôi điều ngược lại. Tuy nhiên, ngày hôm đó, bà tôi không về nhà. Mẹ không bao giờ còn gặp lại bà nữa.
Andrew rút ra tập tài liệu mà Morton đã trao lại cho anh.
- Ngay cả khi hai người chúng ta phối hợp thì cũng khá mất thời gian để giải quyết vụ này.
- Ai đã giao cho anh thứ này? Suzie hỏi khi đọc lướt những bài báo cũ cắt ra.
- Một đồng nghiệp già đã về hưu, thời đó ông ấy từng đưa ra một số phát biểu dè dặt về vụ Walker. Bỏ qua mấy bài báo đi, giọng điệu chúng đều na ná như nhau. Và dù những bài này đều là bản gốc, nhưng tôi ngờ rằng trong chồng tài liệu cóp nhặt mà Dolorès đã chuẩn bị cho tôi vẫn còn thiếu một thứ. Đúng hơn là ta nên nghiên cứu các ghi chép của Morton, chúng cũng được viết từ thời ấy, và trong cơn hăng hái.
Andrew và Suzie dành nốt cả buổi chiều ở phòng đọc. Họ chia tay nhau vào cuối ngày trên những bậc thềm lớn của thư viện thành phố. Andrew hy vọng Dolorès vẫn còn ở tòa soạn, nhưng khi anh tới đó, cô nhân viên phòng tư liệu đã đi khỏi.
Anh lên phòng mình và tranh thủ lúc cả tầng đang vắng vẻ để bắt tay vào việc. Anh trải các ghi chép của mình ra trước mặt và trong một lúc lâu, cố gắng lắp ghép chúng như những mảng ghép hình mà bố cục chung anh vẫn chưa nắm được.
Freddy Olson ra khỏi phòng về sinh và tiến về phía anh.
- Đừng có nhìn tôi cái kiểu đó, Stilman, tôi chỉ đi toa lét thôi mà.
- Tôi đã tránh nhìn cậu càng ít càng tốt, Olson ạ, Andrew đáp, ánh mắt lại nhìn uống các ghi chép của mình.
- Vậy là cậu thực sự trở lại làm việc rồi ư! Thế đề tài cho bài báo tiếp theo của nhà báo nổi tiếng Stilman sẽ là gì vậy? Olson vừa hỏi vừa ngồi xuống góc bàn Andrew.
- Cậu không bao giờ biết mệt à? Andrew bắt bẻ.
- Nếu có thể giúp gì cho cậu, tôi rất sẵn lòng.
- Về chỗ của cậu đi, Freddy, tôi kinh tởm những kẻ đọc lén qua vai người khác.
- Cậu quan tâm đến bưu điện trung tâm à? Tôi biết cậu rẻ rúng công việc của tôi thế nào, nhưng cách đây hai năm tôi từng đăng một bài dài về bưu điện Farley.
- Cậu đang lải nhải cái gì đấy?
- Về chuyện sáp nhập các tầng ngầm của bưu điện đó để biến chúng thành nhà ga. Dự án đó được thượng nghị sĩ của bang đề xuất vào đầu những năm 1990. Nó đã mất tận hai mươi năm mới thành hình. Giai đoạn đầu của dự án này đã được khởi động cách đây hai năm và có thể sẽ hoàn thành trong bốn năm tới. Các tầng ngầm của bưu điện Faley sẽ trở thành khu vực mở rộng của Ga Penn với một đường nối chạy dưới đại lộ Tám.
- Cảm ơn vì bài giảng về quy hoạch đô thị, Olson.
- Sao lúc nào cậu cũng coi thường tôi thé nhỉ, Stilman? Cậu tự coi mình là nhà báo vĩ đại nhất trong số tất cả chúng ta ở đây, cậu không định nói với tôi rằng cậu sợ tôi chôm mất đề tài đấy chứ? Nhất là khi tôi đã từng khai thác đề tài đó. Nhưng nếu cậu có nhã ý xuống khỏi đài danh vọng của mình, tôi sẽ chuyển những ghi chép của tôi cho cậu, thậm chí cậu có thể sử dụng chúng, tôi sẽ không nói một lời, hứa đấy.
- Nhưng tôi thì liên quan cái gì tới cái bưu điện trung tâm của cậu?
- “Không phải tuyết của chẳng phải mưa, cũng không phải hơi nóng hay bóng tối màn đêm, ngăn được những sứ giả này hoàn thành hành trình đã được giao phó cho chúng.” Cậu nghĩ tôi ngu chắc? Câu nói này được khắc dọc trên mặt tiền của bưu điện đó, có khi dài tới cả trăm mét. Cậu chép lại nó vì cậu thấy nó nên thơ chắc?
- Tôi không biết điều này, tôi thề đấy, Andrew đáp.
- Khi đi bộ, thỉnh thoảng cậu chịu khó ngẩng đầu lên một chút, Stilman ạ, cậu sẽ nhận ra mình đang sống ở New York. Và cái tòa nhà chọc trời nhọn hoắt có phần nóc đổi màu liên tục ấy tên là Empire State Building, trong trường hợp có ngày đẹp trời nào đó cậu tự hỏi mình câu đó.
Andrew, vẻ lúng túng, gom đồ đạc lại rồi rời tòa soạn. Tại sao Liliane Walker lại chép câu danh ngôn khắc trên mặt tiền của bưu điện trung tâm, và câu danh ngôn đó có thể ám chỉ điều gì chứ?
*
Sương giá phủ kín những bụi cây ngấy và thạch thảo của khu đầm lầy. Cả vùng đồng bằng chìm trong màu trắng và các ao hồ đều đã đóng băng. Bầu trời chuyển hết màu phấn lại sang xam xám tùy thuộc tính khí của cơn gió đang kéo những vạt mấy trên vầng trăng gần như tròn đầy. Phía chân trời, cô nhìn thấy một ánh sáng chập chờn. Cô chống hai tay và đứng bật dậy, chạy thục mạng. Tiếng kêu của một con quạ khiến cô lại ngẩng đầu lên. Nó nhìn cô chằm chằm bằng đôi mắt đen, kiên nhẫn chờ đợi bữa ăn từ thịt người chết.
- Vẫn chưa đâu, cô nói rồi lại tiếp tục chạy.
Bên trái cô, những sườn dốc tạo nên một bức tường thành, cô rẽ ngang để thử đi đến dó. Sang đến sườn bên kia thì cô sẽ thoát ra ngoài tầm đạn.
Cô chạy nhanh hơn, nhưng màn đêm trở nên trong trẻo. Ba tiếng súng vang lên. Cô có cảm giác bỏng rát ở lưng, hơi thở đứt quãng, hai chân nhũn ra và cả thân người đổ về phía trước.
Miệng tiếp xúc với tuyết lạnh khiến cô dịu đi. Chết rốt cuộc cũng không đáng sợ đến như vậy. Thật tốt khi không còn phải tranh đấu.
Cô nghe thấy tiếng mặt đất đóng băng vỡ lách tách dưới bước chân của những gã đang tiến lại gần và cô ước sao được chết trước khi phải nhìn thấy mặt chúng. Chỉ giữ lại đôi mắt Mathilde như một kỷ niệm sau cuối. Cô chỉ muốn còn đủ sức nói một lời xin lỗi tới con gái. Xin lỗi vì đã ích kỷ đến mức tước mất khỏi con chính người mẹ của nó.
Làm sao mà chịu được cảnh rời xa con cái, không bao giờ còn có thể ôm chặt con vào lòng, không bao giờ còn cảm nhận được hơi thở của con khi con thì thầm vào tai một điều bí mật, không còn được nghe tiếng cười lanh lảnh lôi ta ra khỏi mọi phiền nhiễu của người lớn, khỏi tất cả những điều đẩy ta ra xa con đến mức này? Chết, với bản thân cô, chẳng là gì hết, không được thấy người thân thương còn khủng khiếp hơn cả địa ngục.
Tim cô đập dồn, cô gắng gượng đứng dậy, nhưng mặt đất đã mở toang trước mặt và cô nhìn thấy khuôn mặt Mathilde trồi lên từ miệng vực trong tiếng trống đánh tùng tùng.
Suzie vã hết mồ hôi. Cơn ác mộng này, trở đi trở lại từ thuở nhỏ, lúc nào cũng khiến cô bực bội khi thức giấc.
Có người gõ công cốc vào cửa. Cô tung chăn ra, đi ngang phòng khách và hỏi xem ai ngoài cửa.
- Andrew Stilman, người bên ngoài hành lang hét lên.
Cô mở cửa.
- Cô đang tập thể dục à? Anh hỏi khi bước vào nhà.
Anh rời ánh mắt khỏi khuôn ngực hằn dưới nếp áo phồng xâm xấp mồ hôi. Lần đầu tiên từ rất lâu rồi, anh cảm thấy ham muốn trỗi dậy.
- Mấy giờ rồi? Suzie hỏi.
- Bảy rưỡi. Tôi mang cho cô một cốc cà phê và một chiếc bánh xốp. Cô đi tắm rồi thay đồ đi.
- Anh bị ngã từ trên giường xuống đấy à, Stilman?
- Tôi thì không. Cô không có áo choàng tắm hay thức gì đó khá khẩm hơn để khoác lên người à?
Suzie nhận cốc cà phê từ tay anh và cắn một miếng bánh xốp.
- Sao tôi lại có vinh dự dùng bữa sáng tại phòng thế này nhỉ?
- Tôi qua, nhờ một đồng nghiệp nam mà tôi đã biết được một thông tin quan trọng.
- Cô Dolorès, giờ lại là một đồng nghiệp nam, cả ban biên tập tờ The New York Times đều quan tâm đến số phận của bà tôi sao? Dù chúng ta muốn chuyện này phải kín đáo một chút thì với anh có vẻ hơi khó nhỉ.
- Olson không biết gì hết và hãy thôi dạy dỗ tôi đi. Cô có định thay đồ không vậy?
- Anh biết được tin gì? Suzie vừa quay vào phòng ngủ vừa gặng hỏi.
- Cô sẽ thấy tận mắt, Andrew đáp lại và đi theo cô.
- Nếu anh không thấy phiền thì tôi định đi tắm một mình.
Andrew ngượng chín mặt và đến bên cửa sổ phòng khách.
Mười phút sau Suzie xuất hiện trở lại, mặc một chiếc quần jean, áo len sợi thô và đội một chiếc mũ bon nê rất hợp với chiếc áo chui đầu.
- Chúng ta đi chứ?
- Mặc áo khoác của tôi vào, Andrew vừa nói vừa đưa áo khoác của anh cho cô. Và kéo mũ xuống tận mắt cho tôi. Cô cứ đi một mình đã. Ngược lên phố. Trên vỉa hè đối diện, cô sẽ thấy một lối đi hơi dốc lên, cô đi vào đó, cổng sắt luôn để mở. Cô sẽ ra được phố Leroy. Chạy đến đại lộ Bảy và bắt một chiếc taxi. Cô bảo tài xế cho xuống ở cổng Ga Penn, đoạn giao giữa đại lộ Tám và phố 31. Tôi sẽ gặp lại cô ở đó.
- Anh không nghĩ là giờ vẫn hơi sớm để chơi trò đuổi bắt đấy chứ? Chuyện này là sao?
- Có một chiếc taxi đang đậu dưới nhà cô. Từ khi cô đi tắm đến giờ, nó chưa nhúc nhích một phân, Andrew vừa nhìn qua cửa sổ vừa nói.
- Thế nhỡ tài xế đi uống cà phê thì sao?
- Cô biết hàng cà phê nào ở góc phố này à? Gã tài xế vẫn đang ngồi sau vô lăng và không ngừng ngước nhìn lên cửa sổ nhà cô, nên cô cứ làm những gì tôi bảo đi.
Suzie mặc áo khoác vào. Andrew chỉnh lại mũ trên mặt cô và quan sát.
- Có lẽ nên đánh lừa một chút. Đừng có nhìn tôi kiểu đó, không phải tôi là người bị theo dõi đâu.
- Thế anh nghĩ tôi cứ khoác mớ đồ lố bịch này vào thì người ta sẽ nhầm tôi là anh chắc?
- Quan trọng là người ta sẽ không nhận ra cô là cô.
.Andrew quay lại vị trí quan sát. Chiếc taxi vẫn không rời khỏi chỗ đỗ khi Suzie ra khỏi chung cư.
Andrew chờ vài phút rồi chuồn khỏi.
*
Cô đợi anh trên vỉa hè, phía trước sạp báo.
- Kẻ nào rình rập dưới nhà tôi vậy?
- Tôi ghi lại được biển số xe rồi, tôi sẽ thử tìm hiểu thêm xem sao.
- Chúng ta đi bắt tàu à? Suzie vừa ngoảnh sang nhìn Ga Penn vừa hỏi.
- Không, Andrew điềm tĩnh đáp. Chỗ cần nhìn là bên kia phố cơ.
Suzie xoay người lại.
- Anh có thư phải gửi à?
- Cô hãy thôi đùa cợt đi mà đọc những chữ được khắc phía trên cao kia kìa, Andrew nói.
Suzie trợn tròn mắt khi phát hiện ra câu trích dẫn khắc trên mặt tiền bưu điện Farley.
- Giờ thì tôi rất muốn hiểu tại sao bà cô lại mất công chép lại cái câu này.
- Mathilde từng nói với tôi về một chiếc hộp nơi mà có thể Lilly đã cất tài liệu ở đó. Chắc ở đây ý là hộp thư bưu điện.
- Nếu như thế thì là tin xấu rồi. Tôi nghi ngờ khả năng hộp thư đó vẫn gắn với người thuê sau một thời gian dài như thế, với lại, làm sao tìm ra nó bây giờ?
Họ sang đường và bước vào tiền sảnh. Tòa nhà có quy mô rộng lớn. Andrew hỏi một người bẻ ghi xem khu đặt hộp thư riêng nằm ở đâu. Người đàn ông trỏ tay về phía một hành lang bên phải họ.
Suzie cởi mũ bon nê ra, và Andrew cảm thấy bối rối trước chiếc gáy để trần của cô.
- Chúng ta không bao giờ tìm được đâu, có đến cả nghìn hộp thư ở đây, cô thở dài khi nhìn thấy bức tường hộp thư xếp kín dọc theo hành lang.
- Bà ngoại cô muốn có người tìm được hộp thư này. Dù người đó có là ai, thì cũng như chúng ta thôi, người ấy phải cần thêm chỉ dẫn.
Andrew gọi về tòa soạn.
- Tôi cần cậu giúp một tay, Olson.
- Chuyển máy cho tôi gặp Andrew Stilman thật đi, Freddy độp lại, anh giả giọng rất cừ, nhưng cái câu tôi vừa nghe chắc khiến cậu ta ngượng mồm lắm.
- Tôi nói nghiêm túc đấy, tới gặp tôi ở cổng chính bưu điện Farley nhé Freddy.
- À, giờ tôi hiểu thêm một chút rồi. Tôi sẽ được gì khi giúp cậu hả Stilman?
- Lòng quý mến của tôi, và sự đảm bảo rằng cậu có thể tin tưởng vào tôi nếu ngày nào đó cậu cần tôi.
- Được thôi, Olson đáp sau một lúc suy tính.
*
Andrew và Suzie chờ Olson trên bậc thềm. Anh ta vừa từ taxi xuống và chìa biên lai cho Andrew.
- Tôi không muốn đi bộ, cậu nợ tôi mười đô. Cậu muốn gì ở bưu điện Farley này chứ?
- Muốn cậu kể hết những gì cậu biết về nơi này.
Olson không rời mắt khỏi Suzie và vẻ nằn nì trong ánh mắt của anh ta gần như khiến người khác phải khó chịu.
- Tôi là bạn gái của vợ cũ Andrew, Suzie nói, vốn đã biết tỏng về nhân vật mới. Tôi đang hoàn thành một nghiên cứu về quy hoạch đô thị. Tôi bị cho là đã cóp lại từ Internet nguyên một chương bổ sung nội dung cho bản luận án. Giáo sư hướng dẫn đã chấp nhận nhắm mắt làm ngơ cho tôi với điều kiện tôi phải thay chương đó bằng một chương khác về tầm quan trọng của kiến trúc 1900 trong sự phát triển của cảnh quan đô thị New York. Lão giáo sư này là loại dở chứng hạng nhất. Tôi được cho thời hạn đến thứ Hai, thời gian ít ỏi như thế thì đúng là bất khả thi, nhưng tôi không được lựa chọn, phải hoàn thành thôi. Bưu điện này nằm trong số những công trình xây dựng tiêu biểu nhất cho giai đoạn đó. Andrew đảm bảo với tôi rằng anh hiểu toàn nhà này còn hơn cả kiến trúc sư đã xây dựng nó.
- Hơn cả James Wetmore ư, cô đang tâng bốc tôi đấy quý cô ạ, nhưng đúng là tôi biết một chút về kiến trúc nơi này. Tôi từng đăng một bài tuyệt cú mèo về chủ đề này, cô nên bắt đầu bằng việc đọc bài ấy. Nếu cô cho địa chỉ nhà cô, tôi có thể mang tới cho cô một bản sao bài báo ngay trong tối nay…
- Anh vừa nhắc đến tên ai ấy nhỉ?
- Tên của kiến trúc sư đã giám sát công trình này. Cô không biết người đó à?
- Tôi quên mất rồi, Suzie đáp, vẻ tư lự. Thế còn Fisher Stone, cái tên này có gợi cho anh điều gì không? Có phải là một nơi đặc biệt trong bưu điện này không?
- Thật ra thì cô thuộc típ nghiên cứu sinh gì về quy hoạch đô thị?
- Thuộc típ lười, Suzie thú nhận.
- Tôi cũng có cảm giác như thế. Theo tôi nào, Olson lầm bầm.
Anh ta đưa Suzie và Andrew tới một bức tường và bảo họ dừng lại trước một tấm biển kỷ niệm ngày khánh thành bưu điện trung tâm và trên đó có thể đọc được:
William H. WOODIN
Bộ trưởng Tài chính
Laurence W. ROBERT Jr
Thứ trưởng
James A. WETMORE
Kiến trúc sư giám sát
TAYLOR & FISHER
William F.STONE Jr
Kiến trúc sư cộng tác
1933
- Chúng ta có số hộp thư rồi, Andrew thì thầm vào tai Suzie.
- Vậy cô muốn chúng ta bắt đầu chuyến tham quan này từ đâu? Olson hỏi, hãnh diện về sức ảnh hưởng của mình.
- Anh là hướng dẫn viên của chúng tôi mà, Suzie đáp.
Và suốt hai tiếng đồng hồ sau đó, Olson tỏ ra là một nhà diễn thuyết hoàn hảo. Vốn kiến thức của anh ta thậm chí rốt cuộc còn khiến Andrew thấy sửng sốt. Cứ đi một bước anh ta lại dừng chân giải thích cho Suzie về nguồn gốc một diềm mũ cột, cho cô biết nhà điêu khắc nào đã tạo tác nên một bức chạm nổi, những nghệ nhân nào đã đắp những ô trần lõm, hay xuất xứ của các loại cẩm thạch lát sàn. Suzie tỏ ra thích thú khi được khám phá lịch sử nơi này, có lúc còn làm quá đến mức hỏi han Olson, điều đó có hiệu quả tức thì là khiến Andrew thấy bực.
Trở lại trước những hộp thư còn lại của bưu điện, Suzie và Andrew nhận thấy không có hộp thư nào mang số hiệu 1933.
- Khi hệ thống phân loại thư tự động được lắp vào đầu những năm 1980, Olson nói tiếp, toàn bộ phần diện tích ngầm của bưu điện đã đóng cửa tham quan với công chúng.
- Dưới tầng ngầm còn nhiều hộp thư khác sao? Suzie hỏi.
- Còn chứ, đương nhiên rồi, nhưng không còn quan trọng, ngày càng ít người sử dụng hộp thư bưu điện, đa số hộp thư ở đây chỉ còn giá trị trang trí. Các tầng ngầm đó giờ cũng không được vào nữa, nhưng tôi giữ quan hệ tốt với một trong số các lãnh đạo của bưu điện này. Nếu cô muốn tham quan, tôi sẽ sắp xếp chuyện đó trong vài ngày tới. Chúng ta thậm chí có thể ăn trưa trước chuyến tham quan, hoặc ăn tối sau đó.
- Thật là một ý rất hay, Suzie đáp.
Cô cảm ơn Freddy Olson đã dành thời gian cho họ và nói rằng về nhà cô sẽ hoàn thiện luận án với những gì anh đã chỉ bảo cho cô.
Olson ghi số điện thoại của mình lên một tờ trên cuốn sổ xé và đảm bảo rằng với cô thì lúc nào anh ta cũng rảnh.
Suzie, sau khi đã trả lại áo khoác cho Andrew, để hai người đàn ông lại với nhau. Olson chờ đến khi cô đi xa hẳn.
- Nói đi, Stilman, cậu vẫn đang đau buồn vì cuộc hôn nhân của mình, phải không? Vừa liếc nhìn Suzie đang băng qua đại lộ Tám, Freddy vừa hỏi.
- Chuyện đó liên quan gì tới cậu?
- Tôi cũng cảm thấy đúng như thế. Nếu đã vậy, cậu không thấy bất tiện nếu một tối nào đó tôi mời cô bạn của cậu đi ăn chứ? Có thể tôi nhầm, nhưng có cảm giác tôi không khiến cô ấy khó chịu đâu.
- Nếu cậu có cảm giác mình không khiến ai đó thấy khó chịu, tốt hơn hết đừng bỏ lỡ một cơ hội như thế.
- Lúc nào cậu cũng nên nói lời tử tế với tôi, Stilman ạ.
- Cô ấy là người tự do, cứ làm điều mình thích đi, Freddy.
*
Khi bước vào quán Frankie’s, Andrew nhận thấy Suzie đã ngồi sẵn ở bàn anh thường ngồi, phía cuối nhà hàng.
- Tôi đã bảo cô phục vụ là tôi ăn tối với anh.
- Tôi thấy rồi, Andrew đáp khi ngồi xuống.
- Anh cắt đuôi được anh chàng đồng nghiệp chưa?
- Dẫu sao thì cũng không phải nhờ cô.
- Giờ chúng ta làm gì nhỉ?
- Chúng ta ăn tối. Sau đó, cùng đi làm một chuyện ngốc nghếch và hy vọng sau này không hối tiếc chuyện đó.
- Chuyện ngốc nghếch kiểu nào? Suzie vừa hỏi vừa tạo dáng khiêu khích.
Andrew ngước mắt lên ngao ngán và lục tìm trong túi đeo. Anh lấy ra một chiếc đèn pin và đặt nó lên bàn. Suzie bật đèn và rọi nó lên trần nhà.
- Chúng ta chơi trò xem ai bắt chước tượng Nữ thần Tự do giống nhất đi! Cô phấn khích thốt lên trước khi chiếu đèn vào mắt Andrew. Hãy nói tôi biết tất cả những điều mà anh biết, anh Stilman! Cô vừa ra vẻ một tay cớm cứng rắn vừa nói.
- Chắc là vào rạp xiếc tôi sẽ tìm được ông chủ. Tôi vui vì điều đó khiến cô vui.
- Thôi được rồi, thế chúng ta làm gì với cái đèn này?
- Chúng ta sẽ đi tìm một hộp thư trong khu vực tầng ngầm của bưu điện Farley.
- Nghiêm túc à?
- Một cách lẳng lặng.
- Tôi thích ý tưởng này đấy!
- Càng hay, tôi thì ngược lại.
Andrew trải một sơ đồ ra trước mặt Suzie.
- Dolorès lấy được cái này từ văn phòng thị chính. Đây là một phần trong số các tài liệu để chế độ xem miễn phí. Nhiều hộp thư cũ còn lại đã được bịt lại trong khu vực mà cô thấy ở đây, anh nói thêm, đồng thời chỉ tay theo một đường lượn màu đen. Và tôi đã tìm ra cách xâm nhập vào đó.
- Anh là người- xuyên- tường à?
- Những đường này, mảnh hơn trên sơ đồ, là các vách thạch cao. Nhưng vì tất cả chuyện này chỉ khiến cô cười cợt thôi, nên tôi sẽ về nhà xem tivi, như thế thư thái hơn mà lại ít nguy cơ hơn chuyện vượt rào vào khu tầng ngầm của bưu điện.
Suzie đặt tay lên tay Andrew.
- Tôi chỉ muốn làm anh mỉm cười thôi. Tôi chưa từng được thấy anh cười.
Andrew cố nặn ra bộ mặt nhăn nhó.
- Cứ như Nicholson đóng vai Joker ấy.
- Ờ thì là thế đấy, tôi thuộc típ người không hay cười. Andrew vừa gấp sơ đồ lại vừa lẩm bẩm. Cô ăn cho xong món mì đi, tôi sẽ giải thích với cô tại chỗ, anh vừa nói vừa rút tay lại.
Suzie gọi phục vụ rót thêm cho cô một cốc vang. Andrew ra hiệu đem hóa đơn lại cho anh.
- Anh quen vợ anh như thế nào?
- Chúng tôi gặp nhau hồi trung học. Cả hai bọn tôi cùng lớn lên ở Poughkeepsie.
- Hai người luôn bên nhau từ hồi niên thiếu sao?
- Với một quãng tạm nghỉ chừng hai mươi năm. Chúng tôi chạm mặt nhau ở New York, ở lối ra của một quán bar. Valèrie đã trở thành một người phụ nữ, mẫu phụ nữ hấp dẫn nữa là đằng khác! Nhưng đêm hôm ấy, tôi đã gặp lại cô gái của thời niên thiếu. Cảm xúc chẳng bao giờ cũ đi.
- Sao hai người lại chia tay nhau?
- Lần đầu tiên, chính cô ấy là người ra đi. Chúng ta ai chẳng có giấc mơ thuở thiếu thời, cô ấy không có thời gian chờ đợi tôi. Tuổi niên thiếu thường nông nổi.
- Thế còn lần thứ hai?
- Tôi chưa bao giờ biết nói dối.
- Anh đã lừa dối cô ấy à?
- Không hẳn.
- Anh đúng là típ người buồn cười, Stilman.
- Mà không biết mỉm cười.
- Anh vẫn yêu cô ấy chứ?
- Điều đó thì thay đổi được gì?
- Cô ấy vẫn đang sống, điều đó thay đổi được nhiều thứ.
- Shamir đã yêu cô và cô yêu anh ấy. Nói theo một cách nào đó thì cả hai vẫn luôn bên nhau. Còn tôi, tôi đơn độc.
Suzie rướn người qua bàn và hôn Andrew. Đó là nụ hôn bị đánh cắp, trộn lẫn nỗi buồn và sự sợ hãi, một nụ hôn ruồng rẫy, với anh và với cả cô.
- Chúng ta sẽ làm chứ, chuyện vụng trộm ấy? Cô vừa nói vừa ve vuốt má anh.
Andrew nắm bàn tay Suzie và ngưng ánh mắt lại nơi những ngón tay đã bị cụt đốt. Anh hôn vào gan bàn tay cô.
- Ừ, hãy đi làm chuyện vụng trộm đó thôi, anh vừa đứng dậy vừa nói.
Những con phố khu West Village nhường chỗ cho những con phố khu Chelsea, khu Hell’s Kitchen và chiếc taxi chở họ rẽ về hướng Đông. Andrew nhiều lần ngoái lại để nhìn qua ô kính phía sau xe.
- Đừng có cuồng ám như thế, Suzie thở dài.
- Chiếc taxi đậu dưới chân tòa nhà cô ở là một chiếc xe cảnh sát ngụy trang.
- Tài xế xe đã đến tự thú à? Cô đáp lại với giọng châm chọc.
- Olson không phải là kẻ duy nhất có mối quan hệ rộng rãi. Anh ta thì với một nhân viên bưu điện, còn tôi với một cựu thanh tra của đồn cảnh sát khu phố nhà mình. Chiều này tôi đã gọi cho ông ấy, biển số của chiếc taxi ấy vốn được đăng ký cho một xe cảnh sát.
- Một tên tội phạm đang lảng vảng quanh nhà tôi, điều đó có thể lý giải cho hai vụ trộm ở nhà chúng ta.
- Tôi những muốn chuyện chỉ là thế. Thanh tra Pilguez không phải kiểu người để mặc tôi mà không nói một lời, nhưng lần này… Tôi đã đề nghị ông ấy thử tìm hiểu xem cảnh sát đang theo dõi ai. Các đồng nghiệp cũ của ông ấy đã đảm bảo rằng hôm nay không có ai nhận nhiệm vụ theo dõi đối tượng nào trên phố Hudson cả.
- Tôi không hiểu, vậy đó có phải là xe cảnh sát hay không?
- Đó là chiếc xe được ngụy trang đến hai lần. Chỉ có một cơ quan chính phủ có thể làm được việc kiểu này, giờ thì cô hiểu rõ hơn rồi chứ?
*
Andrew dẫn Suzie qua Ga Penn. Một cầu thang máy lớn đưa họ xuống các đường ke nằm dưới tầng ngầm. Vào cái giờ khuya khoắt này, nhà ga gần như vắng hoe. Hành lang mà họ liều lĩnh bước vào càng lúc càng tối. Qua hết một ngã rẽ, họ tới trước một hàng giậu có dán nhiều tờ giấy phép xây dựng.
- Từ đây là bắt đầu công trường rồi, Andrew thông báo, đồng thời rút một chiếc tuốc nơ vít ra khỏi túi đeo.
Anh xử lý hai cái bản lề trên cánh cửa gỗ mà anh đã mở được chẳng mấy khó khăn.
- Anh thạo việc này ra trò nhỉ, Suzie thốt lên.
- Bố tôi là thợ sửa chửa mà.
Mở ra trước mắt họ là một lối đi ngầm được chiếu sáng yếu ớt bằng vài bóng đèn treo lủng lẳng dưới sợi dây điện nối lên mái vòm. Andrew bật đèn pin và bảo Suzie đi theo anh.
- Chúng ta đang ở dưới đại lộ Tám à? Cô hỏi.
- Đúng thế, và nếu sơ đồ của tôi là hàng chuẩn thì đường hầm này sẽ dẫn chúng ta tới khu vực tầng ngầm của bưu điện Farley
Căn phòng mà họ vừa bước vào chìm sâu trong bóng tối đen đặc. Andrew chìa đèn pin cho Suzie và bảo cô soi đèn vào tấm sơ đồ mà anh đang giữ bằng một tay.
- Bên phải, anh vừa tiếng lên vừa nói.
Tiếng bước chân của họ vang vọng. Andrew ra hiệu cho Suzie dừng chân và giữ im lặng. Anh tắt đèn chờ một lúc.
- Có chuyện gì vậy? Cô thì thào.
- Không chỉ có mình chúng ta.
- Bọn chuột đấy, cô đáp. Một nơi như thế này hẳn là đầy chuột ấy chứ.
- Chuột thì không mang giày, Andrew bác bỏ, tôi nghe có tiếng bước chân.
- Vậy thì ta chuồn thôi.
- Tôi lại tưởng cô bạo dạn hơn đấy. Theo tôi nào, nói cho cùng có lẽ là chuột thật, tôi không nghe thấy gì nữa.
Andrew bật đèn trở lại.
Họ đi đến một căn phòng vốn là nơi phân loại thư. Những chiếc bàn gỗ cũ kỹ được xếp chồng chất những thùng kim loại nơi mà ngày trước các nhân viên bưu điện phân chia thư từ giờ chìm dưới một lớp bụi dày. Sau đó, họ băng ngang phòng ăn của một căng tin cũ, một phòng thay đồ và một dãy bàn đã xập xệ hết mức. Andrew có cảm giác đang tham quan một xác tàu đắm.
Anh nhìn sơ đồ lần nữa rồi lại đi tiếp.
- Lẽ ra chúng ta phải thấy một cầu thang xoáy ốc, đâu đó phía bên trái. Thẳng trên đầu chúng ta là nơi đặt các hộp thư, nhưng tôi không biết làm cách nào để lên được tới đó.
Andrew nhìn thấy một chồng hòm xiểng. Anh đưa đèn pin cho Suzie và dịch chuyển đống thùng, phát hiện ra phía sau chúng là tay vịn đã bị ăn mòn của một cầu thang ọp ẹp mất hút vào một ô cửa trên trần.
- Đường đi của chúng ta đây rồi, Andrew vừa nói vừa tự phủi bụi.
Anh leo lên trước, để yên tâm là không một cầu thang nào bị gãy khi Suzie theo sau, nhưng cô mới là nhà leo núi, anh nghĩ bụng, và một cái cầu thang cũ kỹ hẳn cũng chẳng khiến cô thấy sợ.
Suzie gặp lại anh ở tầng trên. Andrew lia đèn khắp căn gác, soi vào một dãy hộp thư vẫn còn gắn nguyên trên tường. Trên các ổ khóa đều gắn một ngôi sao bằng thiếc. Số thứ tự của hộp thư, được thếp vàng, nổi bật trên nền sơn màu xanh da trời.
Suzie tiến lại chỗ hộp thư số 1933. Andrew lại lấy chiếc tuốc nơ vít ra và chọc thủng lỗ khóa.
- Nhường cô vinh dự này, anh nói sau khi đã mở được hộp thư.
Suzie rút từ trong đó ra một chiếc phong bì, cô run rẩy bóc và đọc được một từ duy nhất ghi trên mảnh giấy bristol chứa bên trong: “Snegourotchka”.
Andrew đặt ngón trỏ lên môi Suzie và lại tắt đèn pin.
Lần này, anh chắc chắn đã nghe thấy một tiếng rắc, rồi cả một hơi thở quá rõ rệt nên không thể là hơi thở của loài gặm nhấm. Anh đợi một lúc, cố gắng nhớ lại bản sơ đồ mà anh đã nghiên cứu đi nghiên cứu lại. Anh cầm tay Suzie và lần dọc theo bức tường toàn hộp thư cho đến tận cuối căn gác.
Suzie vấp phải vật gì đó và hét lên một tiếng. Andrew bật đèn trở lại, và soi vào các bậc thang dẫn lên tầng trên.
- Lối này, anh vừa nói vừa rảo bước.
Trong tiếng vọng từ bước chân của họ, anh nhận ra rõ ràng tiếng bước chân của hai người đang theo sau họ.
Andrew siết chặt tay Suzie và bắt đầu chạy. Một cánh cửa chắn ngang đường đi. Andrew vung chân đá một cú khiến nó lung lay. Đến cú tấn công thứ hai, ổ khóa bung ra. Anh đóng cửa lại chặn lối đi và kê cả một chiếc thùng kim loại chèn vào đó.
Họ lạc vào một căn phòng ngập ngụa rác và nặng mùi xú uế, lẫn giữa nước tiểu và phân. Những kẻ vô gia cư hẳn đã biến nơi này thành hang ổ của mình. Và nếu những kẻ ấy vào được tận tay, chứng tỏ hẳn phải có một lối vào ở đâu đó. Andrew rọi đèn ra xung quanh và nhận thấy một ô cửa trổ phía trên trần. Anh kéo một chiếc bàn ra và bảo Suzie leo lên đó. Anh thấy cô mất hút qua ô cửa trập với độ nhanh nhẹn đáng chú ý. Cô lại ló mặt ra, chìa tay cho anh. Khi đến lượt mình leo lên, Andrew nghe thấy tiếng cánh cửa bung ra dưới những đòn tấn công sau khi cái thùng sắt đã bị những kẻ kia đẩy lui.
Suzie chỉ lên một ô cửa sổ con nơi các chấn song sắt đã bị cắt cụt. Có thể những kẻ vô gia cư đã lẻn vào toàn nhà qua đường này. Cả hai lom khom đi đến tận ô cửa sổ nhỏ, lần lượt chui qua đó và nhảy xuống rãnh thông cạn nước bao dọc bưu điện Farley trên phố 31.
Được hít thở lại không khí mát lành khiến họ sung sướng ngây ngất. Andrew ước tính họ có lơi thế hai phút so với những kẻ truy đuổi. Trong cái rãnh cạn thấp hơn mặt đường này, giữa đêm hôm khuya khoắt, mọi chuyện đều có thể xảy ra.
- Tới đây, phải ra khỏi cái xó này, anh ra lệnh cho Suzie.
*
Khi đã lên được trên mặt đường, họ chạy băng qua đại lộ Tám và dừng ngang lòng đường để bắt taxi. Andrew bảo tài xế chạy về khu Harlem. Qua phố 80, anh bảo tài xế là đã đổi ý và nài nỉ anh ta lái xe trở xuống khu Greenwich Village.
Và trong khi chiếc taxi lướt nhanh trên đường cao tốc West Side, Andrew vẫn chưa nguôi giận.
- Cô có nói với ai về hành động liều mạng của chúng ta tối nay không? Anh nói, hai hàm răng nghiến chặt.
- Đương nhiên là không, anh coi tôi là loại người gì chứ?
- Vậy cô giải thích sao về chuyện vừa xảy ra?
- Ai bảo anh đấy không đơn thuần chỉ là mấy tên vô gia cư?
- Bao nhiêu năm nay, chưa ai từng bước vào căn phòng nơi tôi nghe thấy tiếng động lúc đầu.
- Anh thì biết gì chứ?
- Bụi dưới sàn còn trắng nguyên như tuyết. Những kẻ đuổi theo chúng ta đã theo dõi chúng ta từ Ga Penn. Và tôi có thể đảm bảo với cô rằng cả tôi cả cô đều không bị bám đuôi lúc chúng ta rời khỏi nhà cô.
- Tôi thề với anh là tôi không nói với ai! Suzie nổi khùng.
- Tôi tin cô, Andrew đáp. Kể từ giờ phút này, chúng ta phải cảnh giác hơn nữa.
Suzie đưa lại cho Andrew tờ giấy mà cô đã tìm thấy trong hộp thư bưu điện.
- Cô có biết từ này nghĩa là gì không? Anh vừa xem xét vừa nói.
- Không hề.
- Trông giống tiếng Nga, Andrew nói. Cũng không biện minh được gì cho bà cô.
Suzie không nói gì.
Về tới nhà Andrew, Suzie, lạnh cứng người, đi pha trà cho cả hai.
- Công chúa Tuyết! Đột nhiên Andrew hét lên từ phòng khách.
Suzie đặt khay trà lên bàn làm việc và cúi nhìn vào màn hình máy tính.
- Snegourotchka, là một vở nhạc kịch do Rimski- Korsakov sáng tác vào năm 1881, chuyển thể từ một vở kịch do một người nào đó tên là Aleksandr Ostrovski viết, anh nói.
- Liliane chỉ thích jazz thôi.
- Nếu bà cô đã mất công đi giấu tên của vở nhạc kịch này trong một hộp thư bưu điện, thì hẳn nó phải có một ý nghĩa quan trọng nào đó.
- Nhạc kịch về chủ đề gì?
- Sự đối lập muôn thuở giữa các thế lực tự nhiên, Andrew đáp. Nhường cô đọc đấy, mắt tôi mỏi quá rồi, anh vừa đứng dậy vừa nói. Hai bàn tay anh bắt đầu run run, anh giấu chúng sau lưng và tới nằm trên xô pha.
Suzie ngồi thế chỗ anh và đọc to đoạn tiếp theo.
- Là câu chuyện kể về cuộc gặp gỡ giữa những con người bằng xương bằng thịt và các nhân vật huyền thoại, cô đọc tiếp. Công chúa Tuyết mơ ước được sống giữa thế giới con người. Mẹ nàng, Nữ chúa Mùa xuân, và ông nàng, Chúa tể Băng giá, đồng ý để nàng làm con nuôi của một đôi vợ chồng nông dân. Hồi hai, một cô gái có tên Kupova báo tin kết hơn với chàng trai tên là Mizghir. Nhưng vài ngày trước lễ cưới của họ. Mizghir gặp Công chúa Tuyết trong rừng và đem lòng yêu nàng đắm đuối, cầu xin nàng đáp lại tình yêu của anh.
- Chuyện này nghe giống chuyện của ai đó quá, Andrew thở dài.
- Công chúa Tuyết không hề biết tình yêu là gì và nàng từ chối. Người dân trong làng cầu xin sa hoàng rửa sạch nỗi nhục mà cô gái đã hứa hôn kia phải chịu. Sa hoàng ban chiếu đày Mizghir biệt xứ. Nhưng khi đến lượt mình nhìn thấy Công chúa Tuyết, sa hoàng cũng ngây ngất trước vẻ đẹp của nàng nên đã thu lại chiếu chỉ và hỏi xem nàng có yêu Mizghir không. Công chúa Tuyết đáp rằng nàng mang trái tim băng giá nên không thể yêu ai được. Vì vậy, sa hoàng tuyên bố ai chinh phục được trái tim nàng sẽ lấy nàng và được trọng thưởng. Trong hai hồi tiếp theo, Công chúa Tuyết rốt cuộc cũng tìm ra được chìa khóa của cảm xúc và đem lòng yêu Mizghir. Mẹ nàng đã cảnh cáo nàng không bao giờ được xuất hiện dưới ánh mặt trời, nhưng Mizghir lại sống giữa vùng nắng ấm. Công chúa Tuyết bước ra khỏi khu rừng để gặp chàng và, trước sự bấn loạn của những người có mặt cùng vị hôn phu bất hạnh, nàng tan ra rồi biến mất.
- Tôi cảm thấy khá gần gũi với anh chàng Mizghir này, tôi đồng cảm với nỗi đau khổ của anh ta, Andrew lẩm bẩm.
- Anh không biết mình nói chuẩn thế nào đâu, Mizghir, vì quá đau đớn, đã trẫm mình xuống hồ.
- Mỗi người một kiểu, tôi thì đã chọn Fernet-Coca. Thế vở bi kịch của Nga này kết thúc thế nào?
- Sa hoàng tuyên bố với các thần dân rằng nhờ sự biến mất của Công chúa Tuyết mà mùa đông dài lạnh giá trên khắp nước Nga sẽ chấm dứt.
- Tuyệt cú mèo! Chúng ta thật sự đã tiến xa đấy! Andrew càu nhàu.
- Tại sao bà tôi lại để lại từ tiếng Nga đó trong hộp thư nhỉ?
- Tôi đang tính hỏi cô điểu đó!
Andrew nhường phòng ngủ cho Suzie, anh sẽ ngủ trên xô pha, anh quen ngủ trên đó rồi. Suzie lấy một chiếc chăn, tắt đèn và nằm dài lên thảm bên cạnh anh.
- Cô làm gì thế?
- Tôi đã nói là tôi không thích ngủ trên giường, và tôi có cảm giác rằng, dù có nằm trong chăn đệm mới thì anh cũng không muốn ngủ trên giường nhà mình, vậy tì sao phải ngủ riêng chứ?
- Cô sẽ không cảm thấy thoải mái hơn trên xô pha này đâu nhỉ? Nếu cô không muốn ngủ một mình, tôi có thể làm quen với tấm thảm.
- Chắc chắn trăm phần trăm.
Họ vẫn cứ im lặng trong lúc đôi mắt quen dần với bóng tối.
- Anh ngủ chưa? Suzie thì thào.
- Chưa.
- Anh không ngủ à?
- Có chứ, tôi mệt đứt cả hơi rồi.
- Vậy thì?
- Vậy thì, chẳng có hết.
- Buổi tối hôm nay được đấy chứ.
- Tôi đã bấn loạn cả lên khi mấy tay bám theo chúng ta bắt đầu phá cửa.
- Tôi đang nói về bữa tối cơ, Suzie lẩm bẩm.
- Ừ, cũng được, Andrew vừa nói vừa trở mình quay sang phía cô.
Và anh nghe thấy hơi thở đều đều của cô. Suzie đã thiu thiu ngủ và Andrew cứ nằm thế ngắm nhìn cô, cho đến khi giấc ngủ cũng đến mang anh đi.
*
Tiếng chuông điện thoại đánh thức Knopf dậy.
- Tôi hy vọng gọi điện cho tôi vào giờ này thì hẳn phải có tin quan trọng.
- Snegourotchka. Cái đó đáng để quấy rầy ông chứ?
Knopf nín thở.
- Sao ông lại nhắc đến cái tên đó? Ông vừa nói vừa kềm chế cảm xúc.
- Vì từ giờ trở đi đôi trai gái của ông cũng biết cái tên đó rồi.
- Họ đã biết ý nghĩa của từ đó sao?
- Chưa đâu.
- Làm sao họ biết được?
- Theo báo cáo về các lần nghe lén mà tôi vừa được nhận, đêm qua hai người đó đã giải khuây bằng trò tham quan khu tầng ngầm của bưu điện Farley. Nàng Liliane Walker của ông đã để lại một bức thư trong một hộp thư. Tôi tưởng chúng ta đã xóa sạch dấu vết rồi chứ?
- Có vẻ là chưa, Knopf thở dài.
- Tôi rất muốn biết làm sao một sai lầm như thế lại có thể xảy ra được.
- Phải thấy rằng bà ấy mưu mẹo hơn chúng ta nghĩ.
- Hơn ông nghĩ thôi, Knopf, tôi nhắc lại để ông nhớ rằng chính ông đã giám sát vụ này.
- Ông đã muốn hành động quá sớm, và phản đối ý kiến của tôi. Nếu chúng ta chờ thêm…
- Nếu chúng ta chờ thêm một ngày nữa, hẳn là bà ta đã thủ tiêu tất cả, và Snegourotcha sẽ chết. Giờ thì khắc phục sai lầm của ông đi và giải quyết dứt điểm chuyện này cho chúng tôi.
- Tôi không nghĩ có gì phải hoảng. Ngay cả khi họ có hiểu được từ đó nghĩa là gì, điều mà tôi vẫn rất nghi ngờ, thì chắc họ cũng chẳng có bằng chứng nào đâu.
- Chỉ trong vài ngày Suzie Walker và Andrew Stilman đã tìm ra một tài liệu mà chúng ta không hề biết đến sự tồn tại suốt bốn mươi sáu năm nay, đừng có đánh giá thấp họ như thế. Ông dám chắc là hồ sơ về Snegourotcha đã được hủy đến thế kia à? Chuyện xảy ra đêm qua dường như cho thấy điều ngược lại.
- Tôi dám chắc.
- Vậy có ai cũng quan tâm đến hai người được ông bảo vệ chứ, và tại sao?
- Ông đang nói gì vậy?
- Vẫn theo bản báo cáo về các lần nghe lén, tôi đọc nguyên văn nhé “Tôi đã bấn loạn cả lên khi mấy tay đi theo chúng ta bắt đầu phá cửa.” Một nhóm người của chúng ta đang theo dõi họ à?
- Không, chúng tôi đã để mất dấu họ, hai người đó đã ra khỏi chung cư mà chúng tôi không hề biết.
- Thật là thiếu chuyên nghiệp, Knopf, người kia nói giọng mũi gắt gỏng. Snegourotcha phải được bảo vệ. Bây giờ càng cần hơn bao giờ hết. Trong bối cảnh hiện nay, tiết lộ sự tồn tại của nó hẳn sẽ là chuyện động trời, ông hiểu chứ?
- Tôi hiểu ý ông mà, thưa ông.
- Vậy thì hãy làm việc cần làm đi.
Người ở đầu dây bên kia gác máy mà không một câu chào.
Truyện khác cùng thể loại
32 chương
14 chương
10 chương
61 chương
5 chương
44 chương
29 chương