Những ngày tháng cuối cùng của năm Hưng Long thứ bảy, thời gian chậm chạp lướt qua. Sau khi biết được quê nhà Quân Trì ở lộ Bắc Giang, do không muốn để người khác can thiệp quá sâu nên Đông Ly quyết định tự mình đi điều tra. Trước khi rời khỏi kinh thành, con bé còn cẩn thận dặn dò tôi rằng nếu có người tìm đến thì cứ nói sắp Tết nên nó muốn đi tìm mộ phần của cha mẹ là được. Tôi lo lắng hỏi lại, Đông Ly liền bảo: "Đúng là em mồ côi, nhưng hai năm trước đây đã tìm thấy họ hàng rồi. Cho đến giờ, chuyện này cũng chỉ có mình cô biết thôi." "Em thật sự muốn đích thân đi tìm hiểu về Quân Trì sao?" Đông Ly gật đầu: "Cô cả đã đồng ý với Quận chúa rồi, sao có thể không làm tới nơi tới chốn. Với cả... sau này sẽ trở thành Quận chúa nợ ơn cô, càng tốt chứ sao." Nói xong nó còn nháy mắt một cái. Thấy tôi còn tỏ vẻ lưỡng lự, Đông Ly vứt một cái áo đang gấp dở lên giường, ngồi xuống nắm tay tôi: "Hẳn là cô cả đang lo lắng Quan gia trách tội em à?" Tôi khẽ ừ. Nó liền tỉ tê: "Điều này... thì cô phải tự ứng phó rồi, nhưng chắc là không sao đâu ạ. Khi xưa cô cả chưa biết em là Dạ Hành, cứ nửa tháng là em phải trốn vào cung báo cáo với Quan gia một lần. Bây giờ thì không cần nữa rồi, Quan gia biết cô cả ghét nhất bên cạnh có mấy người lén la lén lút mà." "Vào đêm xảy ra án mạng... là em đang chuẩn bị đi gặp Quan gia thì bắt gặp xác chết của An Bình phải không?" Tôi chợt nghĩ ra. Đông Ly đáp: "Đúng là như vậy." Nghi vấn vì sao nửa đêm nửa hôm mà Đông Ly vẫn còn ra ngoài đã được giải đáp. Tôi khẽ thở phào một cái, vấn đề này đã mang đến cho tôi không ít khó chịu khi cho rằng người bên cạnh mình có điều giấu diếm. Đúng là trong cái rủi có cái may, tuy bị gã người thượng tấn công nhưng lại khiến Đông Ly bị lộ thân phận, tôi cũng bớt đi một nỗi lo. Đầu tháng Chạp, Đông Ly âm thầm rời đi, một thân một mình tới lộ Bắc Giang nghe ngóng. Đây là lần đầu tiên họ Đoàn chúng tôi ăn Tết ở phủ mới nên mẹ có chút khẩn trương, cùng với Dư Nương ngày ngày mua sắm trang hoàng nhà cửa. Không có Đông Ly bên cạnh nên tôi cũng ngại ra đường, tìm đủ cớ để không phải đi chợ phiên với mẹ. Đương nhiên, việc này khiến bà vô cùng phiền lòng. Tôi lại lôi Đoàn Nhữ Hài ra, nói rằng mẹ mau mau tìm thêm một cô con dâu hiền lương thục đức, dù sao cũng sẽ tốt gấp mười lần đứa con gái hư đốn không chịu lấy chồng là tôi đây. Sau vài lần lặp đi lặp lại, mẹ bỏ hẳn ý định rủ tôi đi chợ, lại càng găm trong đầu suy nghĩ năm sau phải cưới vợ cho Đoàn Nhữ Hài bằng được. Tôi thấy điều này cũng không có gì là bất hợp lý cả. Đoàn Nhữ Hài và tôi năm nay suýt soát hai mươi - tạm thời có thể không cần để ý tới tôi – còn cậu ta có công ăn việc làm ổn định, nhà cửa đàng hoàng, đã đầy đủ khả năng để rước Phạm Vân Phi về rồi. Hơn nữa cứ dăm ba ngày là Vân Phi lại chạy sang chơi, tôi thấy chỉ thiếu sáu lễ để gọi con bé là em dâu một cách chính thức mà thôi. Cuối năm cũng là lúc công việc hoàng đế của Trần Thuyên càng bận rộn. Không chỉ phải thực hiện đủ thứ lễ nghi, chuẩn bị cho Tết Nguyên Đán, mà còn phải tiếp sứ thần nhà Nguyên, giải quyết hàng ti tỉ vấn đề của cả nước cho kịp ăn Tết... Về cơ bản, một ngày anh chỉ có vài canh giờ để nghỉ ngơi, hoàn toàn không chừa ra được tí thời gian rảnh rỗi nào để xuất cung vi hành, mà cụ thể là đi gặp tôi. Nói chung, thật là buồn chán. Cố gắng không để bản thân rảnh rỗi sinh nông nổi, hôm nay tôi đứng nhìn gia nhân quét nhà lau cửa, hôm sau thì chạy sang thăm Đỗ Chi. Đại khái vào thời điểm toàn dân hối hả này thì cũng chỉ có Đỗ phủ là chịu mở cửa đón tôi tới mà thôi. Ôi, tôi thật sự đã trở thành một con sâu gạo lười biếng, quen ăn trắng mặc trơn mất rồi. Đỗ Chi sắp mang thai tới tháng thứ bảy, trộm vía bầu rất gọn, vẫn nhanh nhẹn đi tới đi lui, thậm chí có lúc còn rút roi ra vụt như thường. Cô vừa uống thuốc an thai mà Phạm Bân đích thân sắc cho, vừa chỉ đông mắng tây, sai bảo đám người dưới dọn dẹp nhà cửa như thường. "Dạo này trái tính trái nết quá chị ạ." Đỗ Chi đặt một tay lên bụng, tay kia tỳ xuống chồng gối cao, mày nhíu lại tỏ ra chán ghét. Tôi cười dỗ dành: "Bà bầu mà." Nhưng ai ở trong cái phủ này mà chưa từng nếm mùi roi da của Đỗ Chi cơ chứ? Chỉ là sau khi đón chàng về dinh, có Phạm Bân ngày ngày kề bên thì tính khí cô mới gọi là hiền hoà đi đôi chút. "Thế... là bé trai hay bé gái?" Gương mặt Đỗ Chi dịu đi, mắt ánh lên nét dịu dàng hiếm có. "Công Bân bảo là con gái chị ạ. Em thì thích con trai đầu hơn, đề về sau cho nó thêm một cô em gái, chăm lo bảo vệ như anh Quân với em vậy." Tôi nói: "Con nào cũng là con, nhưng em nghĩ cũng đúng. Con gái đầu, lại phải mạnh mẽ hơn chút đỉnh." Đỗ Chi mỉm cười, ngân nga: "À ơi... Mẹ ru con ngủ, mẹ ru con ngủ giữa trưa nắng vàng. Chim trời ai dễ đếm lông. Nuôi con ai nỡ, nuôi con ai nỡ kể công tháng ngày..." Tôi liền trêu: "Ngóng con lắm này." Cô đỏ mặt, tay dụi dụi mũi: "Em phải tập trước mấy bài hát ru, kẻo sau này hát con nghe lại cứ ấp a ấp úng..." Đang nói, Đỗ Chi bỗng khựng lại. Cô nhìn thẳng vào mắt tôi: "Giờ em chỉ lo cho chị thôi. Nghe đâu anh Hài sắp rước cô tiểu thư họ Phạm về. Còn chị thì sao? Cứ tha thẩn mãi thế này à?" Tự nhiên bị chất vất không đâu, tôi chỉ biết cười khổ, hoàn toàn không nghĩ ra nổi một lý do để đáp lại cô nàng. Đỗ Chi bình thường thích động tay động chân, nhưng một khi đã nói lý thì cũng không phải loại vừa. Cái Tị nghe Đỗ Chi gọi, bưng thêm đĩa mứt quả với khay trà vào phòng, tỏ vẻ người lớn: "Con đây cũng lo lắng cho cô Tâm lắm. Bao giờ cô về nhà chồng thì cô Chi nhà con mới yên lòng được." Tôi mắng: "Luyên thuyên!" Rồi xua nó ra ngoài. Đỗ Chi tính tình thẳng như ruột ngựa, sẵng giọng: "Ngày trước em còn mong chị trở thành dâu nhà họ Đỗ chúng em, nhưng giờ không được rồi. Nếu Quan gia có ý với chị thì sao không đón chị vào cung mà phong phi luôn nhỉ? Chẳng lẽ Quan gia chỉ trêu đùa với chị?" Tôi xua tay: "Không, không. Em nghĩ đi đâu thế? Chị còn không biết..." Cô hừ một tiếng: "Chị nghĩ kỹ đi, nếu cần thì cứ cho người sang báo em, để em tìm cách gặp Quan gia mắng cho một trận. Chị cũng hai mươi rồi đấy, sao có thể cứ mãi như vậy..." Vội bịt miệng Đỗ Chi lại, tôi liếc mắt ra cửa, thấy không có ai mới thở phào một hơi. Sắp làm mẹ rồi mà vẫn còn nói năng không biết suy nghĩ, mấy câu này nếu lọt vào tai người khác thì chỉ có tội khi quân giáng vào đầu thôi em gái ơi. Đỗ Chi gạt tay tôi ra, giọng nhỏ đi vài phần: "Em sợ là tính cách của chị giống em quá nhiều." Tôi ngẩn người: "Là sao?" "Là một khi đã dành tình cảm cho ai, thì mãi mãi trong mắt chỉ có chàng mà thôi." Cô nói không sai. Nhưng mà... điều ấy chỉ đúng khi tính mạng, tinh thần và lợi ích của tôi không bị đe doạ. Tôi không phải là thần tiên, tôi cũng không phải là nhân vật nữ trong tiểu thuyết lãng mạn chỉ biết đến tình yêu mà bất chấp tất cả. Thứ tôi đặt lên trên cùng, sẽ phải là bản thân tôi. Mà dù sao... tôi cũng không phải Đoàn Niệm Tâm chân chính, đâu phải nghĩ nhiều. Tôi là Nguyễn Từ Niệm Tâm, hoàn toàn cô độc trong thế giới này. "Chị có nghe em không đấy?" Đỗ Chi khua tay trước mặt tôi. "Ơ... em vừa nói gì?" "Em bảo là mấy cô ả phi tần của Quan gia không tầm thường đâu, một khi đã vào hậu cung thì chị phải cẩn thận." Đỗ Chi thản nhiên thả một miếng mứt vào miệng. "Nhưng em cũng tin là chị của em không ngán đứa nào." Tôi phì cười trước nhận định này của Đỗ Chi. Cô lại sai nữa rồi, tôi đâu hề muốn trở thành một phần của của hậu cung phía trong những lầu son gác tía kia cơ chứ? Chưa bao giờ, và có lẽ sẽ là không bao giờ. ... Ba mươi tháng Chạp, ai ở nhà nấy. Mẹ chỉ huy đám gia nhân nấu thức ăn cho mâm cúng Giao Thừa còn tôi canh nồi lá mùi với Dư Nương, nhưng đại khái vẫn là ăn không ngồi rồi chẳng làm được cái tích sự gì. Nghe tiếng gia nhân ý ới gọi, tội vội chạy ra ngoài, thấy Trần Thuyên đang đứng chờ dưới gốc xoan trước cổng. Đông Ly đã rời Thăng Long được gần một tháng. Trong thời gian ấy Thành An có ghé qua một lần và tôi đã trả lời đúng như những gì con bé dặn. Tuy cũng gọi là trót lọt nhưng tôi cảm giác y không tin tưởng cho lắm. Giờ Trần Thuyên đích thân tới, tôi chỉ lo mình sẽ sơ sẩy trước mặt anh mà để lộ ra điều gì. Tôi bước chầm chậm về phía Trần Thuyên, vẫy tay chào: "Quan gia tới đây một mình ạ?" Trần Thuyên liền mỉm cười: "Đỗ Quân vừa chạy về phủ một lát rồi. Nghe nói Đông Ly không ăn Tết ở kinh thành mà lại về quê tìm mộ cha mẹ?" Đúng là không thoát được. Tuy nhiên, điều này cũng thể hiện Trần Thuyên là một ông chủ rất biết quan tâm tới nhân viên của mình. Tôi gật đầu thay cho lời xác nhận rồi chuyển chủ đề ngay lập tức. "Nay là Giao Thừa rồi, tôi tưởng Quan gia sẽ bận lắm cơ." Anh nghe vậy liền đưa tay lên bóp trán: "Đúng là thế. Ta nhân lúc nghỉ trưa trốn ra gặp nàng đấy." Tôi mím môi không nói gì. Trần Thuyên hạ tay xuống, nhìn thấy khuôn mặt đầy bất mãn của tôi liền trở nên bối rối. Anh thở dài: "E là đêm nay không kịp tới đón Giao Thừa với nàng." Biết ngay mà. Làm gì có chuyện tuỳ hứng thế được. Tuy chưa một lần nghĩ tới, nhưng trong tôi vẫn cứ đinh ninh rằng Trần Thuyên sẽ đợi cho qua tiệc năm mới rồi tìm cách đến đưa tôi ra ngoài đi dạo đêm, giống như năm ngoái. Hừ, cái gì mà "muốn nàng dần cảm nhận được tâm ý"? Tào lao! Nhưng sao tôi lại thấy hụt hẫng nhiều hơn tức giận vậy nhỉ? "Ngự thiện ta còn chưa kịp ăn để kịp tới đây với nàng đấy." Trần Thuyên dài giọng. Tôi nổi giận: "Có liên quan gì đến tôi đâu? Hơn nữa, chúng ta chưa hề hẹn sẽ cùng nhau đón Giao Thừa, Quan gia việc gì phải tốn thời gian quý báu của mình chỉ để thông báo một chuyện đương nhiên như vậy chứ?" Trần Thuyên sững sờ trong chốc lát, rồi bỗng nhiên bật cười. Tên nhóc này còn dám cười! "Đợi tới mùng ba, ta cùng nàng đi chơi Tết nhé." Hay lắm, giờ thì còn muốn lấy một cuộc hẹn khác để bù đắp nữa. Tôi đảo mắt: "Để xem đã, mấy ngày Tết tôi bận rộn lắm." Anh liền nói chen vào: "Đúng rồi, bận đi với trẫm mà." Mồm mép không ai bằng! Lại còn xưng trẫm, muốn hù doạ ai vậy chứ? Tôi lại nghĩ, đồng ý luôn thì có dễ dãi quá không nhỉ? "Khoảng cuối giờ Thân, sau khi kết thúc trận đấu mã cầu đầu năm ta sẽ tới đón nàng. Chớ có quên." (Giờ Thân: Từ 3-5h chiều) Tôi hừ mũi một cái, cũng coi như tiếp nhận thông tin. Lại lo Trần Thuyên chưa kịp dùng ngự thiện đã đến đây, tôi ngập ngừng bảo anh vào nhà ăn bát cơm nhưng chẳng ngờ lại nhận được cái lắc đầu đầy khiếp sợ. Dường như ấn tượng ngày ấy về mẹ tôi vẫn quá khủng khiếp trong tâm trí Trần Thuyên. Hết cách, chúng tôi đành đứng dưới gốc xoan trò chuyện vài câu, dần dần tôi cũng không còn bực bội với Trần Thuyên nữa. Anh bảo, xem múa hát là chuyện nhàm chán nhất trên đời, vậy mà chiều nay sẽ phải ngồi yên một chỗ tới mấy canh giờ, lại còn phải giả vờ giả vịt thưởng thức với đám triều thần nữa. "Được ở lại đây luôn với nàng thì tốt." Trần Thuyên khẽ lắc đầu. Tôi bĩu môi: "Cũng được, để tôi gọi mẹ ra đón tiếp Quan gia." Trần Thuyên bị tôi trêu liền bật cười vui vẻ. Theo lệ, sau những màn ca múa nhạc đặc sắc sẽ là yến tiệc, cuối cùng có đoàn tăng đạo vào làm lễ Khu Na mừng năm mới. Tôi đã từng nghe tới cái tên này trước đây nhưng bây giờ mới thấy tò mò, liền đòi Trần Thuyên nói qua về nó. Anh chỉ giải thích đơn giản, thầy tu vào nội cung làm lễ Khu Na để xua đuổi tà khí, cũng là đón mừng Tết Nguyên Đán. Tôi như tưởng tượng được trong khoảng sân rộng lớn, các thầy tăng đeo mặt nạ sặc sỡ, người cầm khiên, cầm giáo, người ôm trống  nhảy múa, tiếng niệm vang rền, nhã nhạc du dương. Trần Thuyên mỉm cười: "Nếu nàng thích thì ta sẽ sắp xếp để được tận mắt xem lễ trừ tà năm nay như thế nào." Tôi giật mình, suýt chút nữa là gật đầu đồng ý. Lễ Khu Na được chính các thầy tăng thực hiện với mục đích xua đuổi ma quỷ, để người dân Đại Việt có được một năm mới an bình. Còn tôi, nào đã dám quên mình chỉ là một linh hồn lưu lạc từ từ bảy trăm năm sau mà đến, hoàn toàn không phải một con người toàn vẹn, chân chính tại thế giới này. Hôm nay không cẩn thận mà đồng ý với Trần Thuyên, xuất hiện tại lễ Khu Na, chỉ e không giữ nổi cái mạng nhỏ này. Tôi cũng nghĩ tới khả năng nhờ chuyện này mà được quay trở về với thời hiện đại. Nhưng mà... rủi ro quá cao. Nhỡ đâu mấy ông thầy tu đó bảo tôi là quỷ rồi lôi ra giàn thiêu thì sao? Mà hơn nữa, vào nội cung nghĩa là gì? Là giáp mặt với đám hậu cung oanh oanh yến yến của tên ngốc đang đứng trước mặt tôi đây. Có đánh chết tôi cũng không đi. Trần Thuyên không thể xuất cung quá lâu, chốc lát đã thấy Đỗ Quân từ Đỗ phủ quay lại thúc giục. Tôi vội túm lấy vạt áo Trần Thuyên, mỉm cười: "Chúc Quan gia năm mới vui vẻ." Anh tỏ ra hơi ngạc nhiên, sau đó phì cười, đáp: "Được, năm mới vui vẻ." ... Có lời hẹn từ Trần Thuyên, lại thêm Đông Ly đi mãi chưa về nên tôi chẳng mấy quan tâm tới Tết nhất nữa. Chưa bao giờ Trần Thuyên trịnh trọng dặn dò như vậy, thành ra lại khiến tôi ngồi trên đống lửa đốt suốt mấy ngày. Mùng ba Tết, tôi dậy từ đầu giờ Thìn. Thừ người hồi lâu trước gương, tôi hoảng hốt nhận ra mình không cách nào trở nên xinh đẹp trước Trần Thuyên cả. (Giờ Thìn: Từ 7-9h sáng) Thật ra diện mạo của Đoàn Niệm Tâm vốn rất khá, chẳng qua do quá ốm yếu nên mới trở nên kém sắc. Sau này tôi ăn uống đầy đủ lại tập thể dục thể thao đều đặn, cơ thể béo tốt hơn nên càng ưa nhìn. Vốn cuộc sống ở nơi này đã đủ bất tiện rồi, tôi không nghĩ một ngày mình sẽ phải quan tâm tới việc điểm trang ăn vận sao cho hấp dẫn. Tôi bỏ cuộc, nhanh chóng vuốt tóc rồi buộc lên đỉnh đầu như thường ngày. Đây cũng là một trong những kiểu tóc phổ biến nhất của phụ nữ thời Trần, bên cạnh một số kiểu đặc biệt khác của giới quý tộc hay trong cung cấm. Tóc cắt ngắn, chỉ để lại khoảng ba phân rồi buộc lên đỉnh đầu, uốn phần ngọn lại rồi buộc như cái bút. Kiểu này được gọi là "ngọn bút lông". Ngoài ra còn có thể búi lại sau gáy, gọi là "tóc búi truy kế". Tuy nhiên tôi đánh giá kiểu thứ hai hơi già, cứ quấn cao lên cho nó trẻ trung đáng yêu. Mãi mới tới giờ cơm trưa, rồi ngẩn ngơ nhìn ra cửa phòng, chỉ chờ gia nhân chạy đến báo tin có cậu nào đang đứng chờ ở cổng. Dư Nương được tôi dặn trước, tới giờ Thân liền tạt qua phòng tôi nhắc một câu. Trong bụng tôi lập tức trở nên nhộn nhạo, như hằng hà sa số những con bươm bướm đang đập cánh bay lượn. Từ trong phòng tôi nhìn ra khoảng vườn nhỏ, chỉ thấy cành lá rung rinh. Nay trời nhạt nắng, lại ít gió, không còn rét như mấy hôm trước Tết, thành ra lại phù hợp để dân chúng ào ra đường trảy hội. Tôi đi tới đi lui mấy bận, cứ đứng lại ngồi, không khỏi liếc mắt ra phía cửa chờ mong. Chỉ là... Khi tia nắng cuối cùng mờ dần, Trần Thuyên cũng không xuất hiện. Trông theo vạt ánh sáng từ cửa sổ chiếu xuống nền đất đang tan đi, trong lòng tôi cũng dấy lên một thứ cảm xúc phức tạp. Có tiếng mở cổng, tiếng người nói cười ồn ào ở gian chính. Tôi giật thót, vội lao ra ngoài. Thì ra là Đoàn Nhữ Hài từ trong cung trở về, giờ đang ung dung uống trà với nụ cười tủm tỉm trên môi. Cậu ta vẫn bình thường, nghĩa là Trần Thuyên không có việc gì. Nhưng anh không đến, cũng chẳng cho người tới báo tin, điều này khiến tôi không khỏi cảm thấy thất vọng. Tôi đập vai Nhữ Hài một cái: "Có gì mà vui thế?" Em trai bị tôi doạ giật mình, phun hết trà ra ngoài. Cậu ta quay sang lườm tôi một cái, nhưng rất nhanh đã thay đổi thái độ. "Nay trong cung có hỷ, ai ai cũng được Quan gia ban thưởng, đương nhiên phải vui rồi." "Cứ úp úp mở mở, nói toẹt ra xem nào." Tôi vờ giận dữ với Đoàn Nhữ Hài. Cậu ta há miệng định nói, bỗng dưng khựng lại, nhíu mày nhìn tôi. Một biểu cảm khá là kỳ quặc. Tôi giục mấy hồi, Đoàn Nhữ Hài gãi đầu gãi tai mãi mới lên tiếng: "Huy Tư hoàng phi hạ sinh Tứ hoàng tử, Quan gia vui mừng..." Sau đó, tôi không nghe lọt chữ nào nữa. Tôi ngồi thẫn thờ trên chõng tre ngoài sân, trong đầu trống rỗng. Thật lòng, tôi không biết phải đối diện với chuyện này ra sao. Không thể ích kỷ trách móc Trần Thuyên bỏ quên lời hẹn, cũng chẳng cách nào chúc mừng niềm vui này của anh. Ba vị hoàng tử mất từ khi mới lọt lòng, Tứ hoàng tử ra đời như mang đến sức sống cho cả hoàng cung sâu thẳm. Hiện tại, đây cũng là đứa con trai duy nhất của Trần Thuyên. Chẳng trách... Phía cửa xuất hiện một bóng người, tim tôi giật thót một cái. Hoá ra là Đông Ly đã quay về. Phải rồi, giờ này anh đang vui vầy bên hoàng phi và đứa con mới ra đời, làm sao có thể chạy đến mà dỗ dành tôi? "Cô cả, cô sẽ không tin nổi chuyện này đâu!" Đông Ly còn chưa thay trang phục, gương mặt như bạc đi vì sương gió, tóc tai bay toán loạn. Tôi gắng nở nụ cười: "Bình tĩnh, đã ăn gì chưa đấy?" Đông Ly cười ha hả: "Nãy trên thuyền em đã ăn mấy nắm cơm rồi, chỉ mong mau chóng về với cô thôi." Con bé này đúng là cứu tinh của đời tôi. Có Đông Ly bên cạnh, tôi thấy mây đen trên đầu đã được xua bớt không ít. Giờ thì vứt Trần Thuyên với cả Huy Tư gì đó sang một bên, cùng hóng chuyện nào. Đông Ly hớn hở lôi ra một nắm hạt bí, tỉ mẩn ngồi bóc vỏ cho tôi. Vừa tập trung lột vỏ từng hạt bí bé tẹo teo, nó vừa du dương kể: "Quay ngược trở lại hơn hai mươi năm trước, tại thôn Đào, châu Gia Lâm bỗng từ đâu xuất hiện một người phụ nữ xinh đẹp tuyệt trần. Vô số lời đồn xuất hiện, có kẻ nói bà là người từ kinh thành Thăng Long đến, người lại bảo bà chỉ là một người phụ nữ bị chồng bỏ..." Tôi đổ cả vốc hạt bí vào mồm, đoạn đưa tay lên ngăn lại: "Nói vào trọng điểm." Đông Ly tỏ ra rất bức xúc. "Thôi được rồi, cô cả có biết cậu Quân Trì họ Bùi không?" "Làm sao mà ta biết được!" Tôi lườm nó một cái. "Ngay từ ban đầu đã luôn có một thế lực nào đó cố gắng che giấu danh tính và thân phận của cậu Quân Trì. Người bình thường tuyệt đối không thể tìm ra được quê quán của cậu ấy ở đâu, chứ đừng nói là muốn tìm hiểu sâu hơn." "Nhưng chính miệng Quân Trì đã nói rằng quê của anh ta ở Gia Lâm..." Đông Ly lắc đầu: "Em e là khi đó cậu Quân Trì đã lỡ lời với cô, chứ không đời nào cậu ấy lại chịu tiết lộ sự thật đâu." "Vậy thì sao?" Càng nói, tôi lại càng tò mò. "Người phụ nữ em nhắc tới ở trên tên là Bùi Thị Lan, cũng chính là Thần Phi của Thượng hoàng." Tôi lập tức bị hóc hạt bí. Vậy, kết nối một chút... "Quân Trì... là con của Thần Phi? Cũng có nghĩa là..." Miệng tôi há hốc. Đông Ly chầm chậm gật đầu. Tôi sốc. Ngày ấy trên thuyền tới lộ Bắc Giang, tôi nhận nhầm Quân Trì là Trần Thuyên. Giờ đây nghĩ lại bỗng thấy hợp lý vô cùng. Thảo nào Chiêu Văn vương, thậm chí là cả Thánh Nô quận vương luôn khách khí với Quân Trì, và cũng không chấp nhận Thánh An quận chúa có tình cảm với anh ta. Tôi cảm thấy choáng váng. Đông Ly thì thầm: "Ngày ấy không ai biết lý do Thần phi rời bỏ phong hiệu để xuất cung là gì. Vì sao Thượng hoàng lại chấp thuận một điều vô lý nhường ấy." Chúng tôi chúi đầu vào nhau bàn bạc, không để ý trên bậc tường có một dáng người cao ráo vừa nhảy vào. Nhận ra Thành An, trong lòng tôi lập tức dâng lên lửa giận, đứng bật dậy bỏ vào trong. "Về rồi đấy... tiểu thư Niệm Tâm, xin dừng bước!" Câu trước nói với Đông Ly, câu sau là vội vã gọi tôi. Tôi quay người, lạnh lùng đáp: "Nếu anh đến thăm Đông Ly thì có thể ở lại. Còn nếu là chuyện khác thì mời anh về đi." Thành An vô cùng khó xử: "Quan gia..." "Đừng để tôi lặp lại." Y thở dài: "Thôi được. Là Bách Chu. Cậu ấy vừa quay về và đã bắt sống được tên hung thủ vụ án Đồng dao rồi." —— (*) Tứ hoàng tử: Tức Trần Minh Tông - Trần Mạnh, sinh vào tháng 10 năm 1300 (năm Hưng Long thứ tám).  Chi tiết Huy Tư hoàng phi sinh hoàng tử Mạnh vào mùng ba Tết như trong truyện là đã được chỉnh sửa để phù hợp hơn với diễn biến, thông tin này không có giá trị tham khảo. (*) Thần phi Bùi Thị Lan: Nhân vật hư cấu, được tạo nên dựa trên nhân vật Đức phi của vua Trần Nhân Tông  (*) Tóc búi truy kế (ảnh của Nam Văn Hội Quán, nhưng cũng không phải ảnh mà mình muốn gửi đến các bạn :(() Tóc ngọn bút lông (nguồn Đại Việt Phong Hoa):