Man Cô Nhi
Chương 11 : 11
Không được, như vậy thì sa đọa quá thối nát quá. Nhất định là do cứ quậy với nhau cả ngày, đầu óc chẳng thấy rạng đèn gì, cho nên mới càng ngày càng trầm luân theo phương hướng đồi phong bại tục đấy…
Tôi nghiêm túc đến thư phòng của chàng dọn một đống sách về, quyết định tăng cường việc rèn luyện đạo đức, bắt đầu bằng việc đọc sách.
Tôi không kể Hồng Lâu Mộng (Tây Du Ký kể xong lâu rồi), chuyển thành đọc Tứ thư cho chàng nghe. Luận ngữ và Mạnh Tử cũng coi như quen thuộc, mặc dù không có dấu chấm câu nhưng tôi vẫn miễn cưỡng đọc được, dù thường hay bị chàng sửa lại cho đúng. Nhưng Đại Học và Trung Dung thì tôi chết ngắc, tôi đọc một lần chàng sửa lưng tôi ba lần, về sau chàng nhất quyết đọc luôn cho tôi nghe.
… Tôi không ngờ cậu Shota đen tối mưu mẹo, cả đầu toàn là mấy câu bậy bạ lại có thể đọc làu làu như thế.
“Nàng không biết ta là tú tài sao?” Vẻ mặt Tiên Tâm còn kinh ngạc hơn, “Hai năm trước ta còn vượt qua kì thi, đứng nhất giáp đầu.” Giọng điệu chàng hơi ảm đạm, “Nhưng cái công danh này… Ước chừng không thể giữ nổi.”
“Hả?” Tôi bị chuyện này làm cho hoang mang, “Không phải thi đậu rồi sao? Tại sao lại không giữ nổi?”
Hóa ra tú tài của triều Đại Minh kỳ thật được gọi là học sinh. Cứ hai năm lại phải thi một lần, không đạt tiêu chuẩn thì sẽ trừ công danh. Hai năm trước, Tiên Tâm có thành tích ưu tú tham dự cuộc thi, đứng nhất giáp đầu. Cả nhà họ Vương đều vui mừng, bởi vì nhà họ Vương luôn là thương gia, cuối cùng cũng sinh ra được một người đọc sách nên công danh, thành tích còn được tới giáp đầu, muốn lấy tư cách cử nhân quả thật là dễ như trở bàn tay.
Nhưng có cái gọi là vui quá hóa buồn. Lúc Tiên Tâm trở về nhà, chàng đi xe ngựa qua một vách núi, trùng hợp gặp phải động đất. Vách núi sụp xuống, ngựa chết xe lật. Lúc họ kéo được Tiên Tâm hơi thở thoi thóp ra ngoài, một chân của chàng đã bị cán hỏng. (chắc hẳn là một kiểu gãy xương phức tạp)
Tuy rằng chạy chữa đủ kiểu, nhưng tiêu chuẩn chữa bệnh của thời đại này vẫn còn chưa phát triển, phẫu thuật lại càng kém hơn. Kéo dài hơn một năm, chân chàng đã héo rút biến thành màu đen, mạng sống chập chờn (nhiễm trùng máu chứ gì? Tôi nghĩ). Nếu không phải gặp được một vị đại phu có gan và lành nghề, có lẽ việc cắt chân cũng sẽ giết chàng. Nhưng vị đại phu này đã vượt qua được thời đại của mình, còn biết là phải cắt từ đầu gối xuống, ấy thế mới giữ được cái mạng nhỏ của chàng.
Nhưng bị thương tới nông nỗi này, muốn vào trường thi đi thi thì thực sự khó khăn, cho nên chàng mới ảm đạm rầu rĩ như thế.
“…Làm quan cũng có gì tốt đâu.” Tôi hơi xấu hổ. Những chuyện này xa rời tôi quá, tôi không biết an ủi làm sao.
“Ta không muốn làm quan, chỉ muốn thi được cử nhân thôi.” Chàng nhẹ nhàng thở dài, tâm trạng rất buồn, “Ta sinh thiếu tháng, quả đúng là được nuôi sống nhờ nước thuốc. Ta khiến cha mẹ rầu thối ruột, các ca ca cũng phải chạy tìm danh y khắp thiên hạ, tìm dược liệu trân quý. Hao phí bao nhiêu của cải, số tiền đó có lẽ còn nuôi được ba kẻ như ta. Điều duy nhất ta có thể báo đáp gia đình, chỉ có học hành chăm chỉ, thi lấy công danh, cho nhà họ Vương có chỗ nhờ cậy vững chãi…” Giọng chàng nhỏ dần, chàng nhìn cái chân cụt của mình không nói gì.
Tôi yên lặng ngồi cạnh chàng, đáy lòng tôi rất khó chịu. Sớm biết vậy tôi đã chẳng dọn đống sách đó sang nữa, khỏi khiến chàng buồn đau… Nhưng tôi nghĩ, thi lên cấp còn có thể đảm bảo công bằng cho tư cách dự thi của thí sinh tàn tật, chẳng lẽ khoa cử lại không được?
Có rầu rĩ mấy cũng vô ích, cứ phải thử xem sao. Cho dù không được, ít nhất là đã cố gắng hết sức.
“Văn chương của chàng viết rất khá đúng không? Còn thi đậu được danh đầu mà.” Tôi hỏi.
“Tạm được.” Chàng nói nhàn nhạt.
“Vậy sao chàng không viết thư gửi lên trên, nói rằng chàng thân tàn chí không tàn, tạm thời xin nghỉ, bao giờ lành vết thương thì đi thi? Chẳng lẽ Đại Minh không cho phép người bị cưa chân đi thi khoa cử ư?”
Chàng bỗng nhiên quay đầu nhìn tôi.
Tôi nói tiếp, “Làm quan thì chắc là khó khăn, nhưng chàng chỉ muốn chứng minh thực lực, thi lấy tư cách cử nhân thôi mà. Chàng viết bay bướm, lâm li bi đát vào… à nhầm, đây chính là một giai thoại vượt khó hiếu học đầy cảm hứng đấy. Hành văn của em không tốt, không thể bịp bợm được, nhưng em nghĩ hành văn của chàng không tồi phải không?…”
Mặt chàng tỏa ra ánh sáng tràn ngập hi vọng. Khiến tôi cảm thấy vừa chua xót lại vừa kiêu ngạo.
Sợ chàng hy vọng quá cao thất vọng càng lớn, tôi vội nói, “Đương nhiên chưa chắc sẽ thành công, lỡ như không thành…”
“Ít nhất ta đã từng nỗ lực.” Đôi lông mày mảnh kiên nghị của chàng nhíu lại, “Người đâu! Ta muốn tới thư phòng!” Chàng quay đầu, “Lâm Lang, nàng cũng đi đi. Giúp ta mài mực.”
“…Em không biết mài mực.” Khóa học thư pháp hồi nhỏ tôi đã quên hết ráo rồi, giờ toàn dùng mực nước hãng SimbaLion thôi.
“Không sao, ta dạy cho nàng.” Chàng được nâng lên nhuyễn kiệu rồi mà vẫn còn lôi kéo tôi, “Ngồi với ta.”
Tuy rằng khác với dự đoán của tôi, nhưng cũng khiến việc rèn luyện đạo đức của chàng (?) tăng lên, ngày nào chàng cũng mệt tới mức nằm xuống là ngủ ngay, không còn sức lực quấy rầy tôi nữa.
Tôi thành thư đồng của chàng, giúp chàng mài mực, lấy sách châm trà. Lúc quan trên (tôi không biết là quan nào) hồi đáp một tin tốt khiến cả nhà đều vui: Giữ lại thành tích của chàng, chàng có thể dự kì thi Hương thi Cử nhân vào mùa thu, Tiên Tâm càng vùi đầu học hành kham khổ, còn dụng công gấp mấy trăm lần đám học sinh đi thi chuyển cấp.
Thấy chàng mệt đến như vậy, buổi tối lúc chàng đòi hôn tôi sẽ dựa vào người chàng. Chàng cũng không có sức lực tàn sát bừa bãi, chỉ có thể chấm mút nhẹ nhàng, thường thường dán lên môi tôi là đã ngủ mất rồi.
Nhưng kể cả lúc chàng ngủ say, môi chàng vẫn vương ý cười nhàn nhạt. Tim tôi mềm nhũn, chỉ muốn bật champagne mừng chàng.
Cơn đau chi ma của chàng, cũng rốt cuộc không còn phát tác nữa.
Truyện khác cùng thể loại
10 chương
25 chương
284 chương
63 chương
165 chương
54 chương
11 chương