Lưu Hương Tử Lệnh

Chương 10 : Cờ gặp tay cao

Thanh kiếm trong tay Nhị cung chủ bất đầu biến chuyển, chiêu thế bất đầu thi triển dữ dằn, cao thủ giao đấu, thắng bại chỉ cần trong đường tơ kẽ tóc, hình như Nhị cung chủ muốn tranh lấy thượng phong. Khi Nhị cung chủ vừa biến thế thì Thần Phiến Tử cũng biến theo, cánh quạt trong tay ông xòe ra xếp lại liên hồi. Xoảng... xoảng... xoảng... Nhiều tiếng khua liên tiếp vang lên và bóng hai người đang xoắn vào nhau vụt rẽ ra trụ lại ánh thép cùng tắt ngấm. Thần Phiến Tử và Nhị cung chủ đứng cách nhau hơn ba trượng. Tay cầm cánh quạt của Thần Phiến Tử có vẻ không được ổn như lúc ban đầu, hơi thở ông cũng có phần gấp rút. Tuy nhiên, dáng cách của ông vẫn ở trong tư thế vững vàng. Nhị cung chủ đứng dang hai chân, mặt tái xanh và thanh kiếm trên tay gãy mất đoạn mũi, mũi kiếm gãy lại ghim vào vai bên trái hắn. Một giòng máu từ bả vai nhỏ xuống ròng ròng. Hai mắt nhắm lại một lúc khá lâu, hình như Nhị cung chủ cũng cố vận công điều hòa huyết khí. Sau đó một lúc lâu hắn mở mắt ra nắm mũi kiếm rút mạnh khỏi vai và quăng xuống đất nghiến răng nói : - Thần Phiến Tử, ngươi nhớ chiêu này ta hẹn lại ba tháng sau. Ba tháng sau ta xin hoàn lại. Thần Phiến Tử cười lớn : - Bần đạo sẵn sàng chờ đợi. Nhị cung chủ ném tia mắt lạnh lùng về phía Giang Hàn Thanh, nói : - Giang Hàn Thanh, ngươi đừng vội đắc ý, cho dầu thời gian phôi pha, cho dầu phải gác lại đến thời gian nào đi nữa thì Ngũ Phượng môn nhất định cũng phải thu hồi ba chiêu tuyệt kiếm mà ngươi đánh cắp của bản môn. Giang Hàn Thanh mỉm cười : - Nhị cung chủ yên lòng, tại hạ quyết không khi nào ẩn tích mai danh hay cố tình lẩn tránh Ngũ Phượng môn. Nhị cung chủ cười gằn : - Hay lắm. Hắn tung mình lên mấy cái, thân ảnh mất hút vào bóng tối xa xăm. Lý Duy Năng vội kêu lên : - Sư phụ, tên ấy không thể dung tha được. Thần Phiến Tử nói : - Để cho hắn đi, hắn đã mang thương tích tận nội phủ, không thể trong vòng mười bữa nửa tháng mà lành được đâu. Tia mắt ông ta nhìn quanh và cau mặt hỏi : - Chu cô nương đâu? Giang Hàn Thanh đáp : - Nàng đã đi rồi. Lý Duy Năng thuật lại đầu đuôi câu chuyện, Thần Phiến Tử khẽ gật đầu : - Thảo nào khi đến đây là đã không thấy bóng cô ta. Thấy địch nhân đã rút hết, Sở tài công bèn dẫn mười hai tên cung thủ từ ven rừng bước ra chào hỏi. Sau khi giới thiệu cho biết, Giang Hàn Thanh đem tất cả lên thuyền, đám thủy thủ lên đèn nấu trà đãi khách. Thần Phiến Tử nhấm nháp chén trà và khẽ thở ra : - Phi Phượng kiếm pháp quả nhiên lợi hại, đêm nay thiếu chút nữa bần đạo bị hại về tay hắn rồi. Giang Hàn Thanh nói : - Đường kiếm sau cùng của hắn là Thiên Phượng tam thức, ba chiêu tinh luyện nhất trong “Phi Phượng Kiếm” đấy. Thần Phiến Tử nói : - Giang nhị công tử làm sao biết được? Giang Hàn Thanh nói : - Vãn bối có học qua ba chiêu kiếm pháp. Thần Phiến Tử ngạc nhiên : - Lệnh sư cũng biết kiếm pháp ấy sao? Giang Hàn Thanh lắc đầu, hắn thuật lại chuyện giả mạo Hắc Kỳ lệnh chủ, học ba chiêu tuyệt kiếm của Ngũ Phượng môn và nói tiếp : - Chính vì ba chiêu kiếm pháp ấy cho nên bọn chúng quyết giết vãn bối để thu hồi để không cho ba đường tuyệt kiếm ấy bị lọt ra ngoài. Thần Phiến Tử gật đầu : - Cứ theo Giang nhị công tử thì hắn chỉ mới sử dụng hai thức trong ba tuyệt chiêu là bị bần đạo đánh hạ, nếu không ông biết đến chiêu thứ ba rồi thì bần đạo có chống nổi hay không? Giang Hàn Thanh nói : - Vãn bối kém thông minh, chiêu thứ ba ấy thật quá nhiều phiền phức khi biến thế, vãn bối chỉ nhớ được một ít, nhưng vãn bối biết rất rõ ràng chiêu đó quả lợi hại hơn chiêu Phượng Ô Triều Dương nhiều lắm. Thần Phiến Tử trầm ngâm : - Đáng lý vừa rồi bần đạo nên để hắn sử dụng cho hết ba chiêu để hắn thi triển tận cùng “Thiên Phượng tam thức” thử xem nó lợi hại đến mức nào. Chừng như nhớ lại khi đến chiêu thứ hai của hắn, chính ông đã gần thảm bại, Thần Phiến Tử bật cười : - Thật ra nói như thế cũng chỉ là tình hiếu kỳ trong võ học thôi, chứ nếu để hắn dùng tận ba thức thì chắc chắn bần đạo không làm sao chống nổi. Giang Hàn Thanh thầm nghĩ lời lẽ của ông ta quả thật là thành khẩn, bởi vì chính khi Nhị cung chủ sử dụng đến chiêu thứ hai thì hắn thấy Thần Phiến Tử quả là lúng túng, nếu ông ta không áp dụng tuyệt chiêu thì chỉ bằng vào chiêu thứ hai đó chắc chắn ông ta cũng đã bại rồi. Hắn nghĩ như thế nhưng không tiện nói ra, vì chính miệng ông ta nói thì không sao, chứ nếu mình nói thì nghe khiêu khích quá. Thần Phiến Tử nâng chén trà lên, giọng ông ta có vẻ hơi lo lắng : - Năm xưa Ngư Mụ cậy vào Phi Phượng kiếm pháp này để ngang dọc võ lâm, bà ta đã xem giang hồ như không có ai, mãi đến khi bị hạ bởi Đông Hải song tiên mới chịu thoái ẩn giang hồ, không ngờ ngày nay bà ta lại cầm cân cho đám môn đệ thành lập Ngũ Phượng môn. Ông ta nhìn Giang Hàn Thanh thật sâu và cười cười nói tiếp : - Cũng chính năm ấy, bần đạo và lệnh sư Trúc Kiếm tiên sinh cùng thoái ẩn và ngày hôm nay lại phải tái xuất giang hồ, quả thế giới võ lâm bước bằng những con đường giao điểm. Lý Duy Năng hỏi : - Thứ kiếm pháp này phải chăng do chính Ngư Mụ sáng chế ra? Thần Phiến Tử đáp : - Nghe đâu bà ta được pho kiếm pháp này trong một vùng cốc thâm u tại Phi Phượng sơn, bà ta bèn khổ công luyện tập và ỷ vào đó mà tung hoành trong thiên hạ làm cho hắc bạch giang hồ phải khốn đốn không phải ít. Lý Duy Năng hỏi : - Phi Phượng kiếm pháp của bà ta có thật là không có địch thủ trong võ lâm hay không? Thần Phiến Tử đáp : - Năm xưa vị Chưởng môn nhân Hoa Sơn phái là Thương Tiết Sinh, người đã khổ công luyện kiếm mấy mươi năm, thế mà ông ta lại thảm bại dưới tay kiếm của Ngư Mụ, làm ông ta phẫn chí mà bẽ kiếm đi luôn không trở lại Hoa Sơn nữa. Ngưng một giây như quá cảm khái, Thần Phiến Tử bùi ngùi nói tiếp : - Huyền Nhất đại sư, một cao tăng danh vọng của Thiếu Lâm, thanh thiền trượng của ông rất to lớn, thế mà cũng phải bại dưới kiếm của Ngư Mụ, ông ta đã bẻ gẫy cây thiền trượng gãy thành tám khúc, đồng thời chặt luôn một cánh tay của mình để tỏ ra không bao giờ muốn dính líu đến võ lâm nữa. Giang Hàn Thanh nói : - Cứ như vãn bối nghe thì còn rất nhiều nhân vật thành danh cũng đã thảm bại dưới thanh kiếm trong tay Ngư Mụ. Thần Phiến Tử gật đầu : - Nếu Giang nhị công tử không liều mạo hiểm trộm của chúng ba chiêu tuyệt kiếm ấy thì tất sợ luôn cái tên của nó cũng giang hồ ít người nghe đến, chứ đừng nói chi đến chuyện biết. Ông ta ngẫm nghĩ và vụt gật đầu : - Đúng rồi, năm xưa nghe nói những nhân vật thành danh bị bại trong tay Ngư Mụ, hầu hết không ai qua nổi ba chiêu, chắc chắn “Phi Phượng tam thức” chứ không còn nghi ngờ gì nữa. Ông ta lại ngửa mặt cười ha hả : - Bây giờ thì chuyện bí mật ấy phải lòi ra, hôm nay bần đạo cảm thấy hết sức khoan khoái trong lòng. Lý Duy Năng vẫn còn thắc mắc vì câu hỏi vừa rồi, hắn hỏi lại lần nữa : - Sư phụ nay, chẳng lẽ “Phi Phượng kiếm pháp” của Ngư Mụ quả không có ai là địch thủ hay sao? Thần Phiến Tử gượng cười : - Năm xưa cao thủ của chín đại môn phái đều bại dưới kiếm pháp của bà ta, nghe nói có một vị lão gia qua được hai chiêu, nhưng trong mình mang thương tích không ít. Từ đó trong giới giang hồ đều tôn xưng bà ta là “Thái Thượng Ngư Mụ”. Và từ đó không còn nghe có ai là địch thủ. Giang Hàn Thanh mỉm cười, hắn cảm thấy cái tên “Thái Thượng Ngư Mụ” này nghe có vẻ cao kỳ. Thần Phiến Tử nói tiếp : - Cho đến ba năm sau đó, Ngư Mụ chợt biệt tích giang hồ, từ đó không nghe ai nói tới, hay có nói thì không ai biết mụ về đâu, họ xúm nhau đoán già đoán non nhưng không ai dám chắc, sau đó có người phát giác rằng mụ bị bại bởi hai thanh kiếm của một đôi thanh niên nam nữ. Quản Thiên Phát hỏi : - Phải chăng đó là Đông Hải song tiên? Thần Phiến Tứ gật đầu : - Đúng, đó là Đông Hải song tiên, cứ theo truyền thuyết trong giang hồ thì đó là một thanh niên tuấn tú, và một người con gái đáng gọi là tuyệt sắc giai nhân. Cả hai nhìn vào y như tiên đồng ngọc nữ giáng trần, tự nhiên không ai biết rõ được lai lịch của họ, người ta cứ gọi họ là Đông Hải song tiên cho đến ngày nay. Lý Duy Năng cau mặt : - Sư phụ, có phải sau khi Ngư Mụ bị bại với hai người ấy thì bà ta biệt tích cho đến bây giờ? Thần Phiến Tử đáp : - Trong vòng ba mươi năm nay, không một ai trong giang hồ thấy tăm dạng của Ngư Mụ đâu nữa. Ông ta thở dài và nói tiếp : - Chuyện này quả nhiên không ngoài dự liệu của Cốc chủ, bởi vì nếu không thì bần đạo và Trúc Kiếm tiên sinh không bao giờ tái xuất giang hồ... Ngưng một giây, Thần Phiến Tử vụt cười : - Mà thôi bây giờ cũng đã quá khuya rồi, các vị hãy nghĩ, bần đạo chỉ tạt ngang một chút thôi chứ không lưu lại lâu hơn nữa... Nói xong, ông ta nhắm mắt lại dưỡng thần khí. Giang Hàn Thanh nhận thấy chuyện Thần Phiến Tử và sư phụ mình xuất sơn kỳ này toàn là nhằm đối phó với Ngư Mụ, nhưng ông ta hình như không muốn nói, vì thế hắn không tiện hỏi. Ba người nhè nhẹ lui vào khoang nghỉ ngơi. * * * * * Suốt đêm đó trên mặt sông yên tĩnh. Sáng hôm sau, bọn Giang Hàn Thanh thức dậy bước ra thì Thần Phiến Tử đã đi mất tự bao giờ. Lý Duy Năng cười : - Gia sư tính tình vẫn y như trước, muốn đến là đến, muốn đi là đi, không nói với ai cả. Giang Hàn Thanh cũng cười : - Gia sư cũng y như thế đó, không hiểu các cụ sao thường hay có thái độ lạ lùng, có nhiều lúc mình không làm sao hiểu được. Chiếc thuyền nhè nhẹ tách bến ra sông lớn trương buồm. Bọn Giang Hàn Thanh biết Sở tài công phụng mạng đưa họ đến Lưu Hương cốc, nhưng không ai nghe Đơn Hiểu Thiên nói cho biết Lưu Hương cốc ở tại đâu? Họ thấy không tiện hỏi và Sở tài công cũng không nói, hình như chuyện địa điểm của Lưu Hương cốc hiện đang được giữ hết sức bí mật. Nếu chưa tới chỗ là không có quyền nói ra. Đến giữa trưa ngày hôm đó, Giang Hàn Thanh đứng nhìn trời đất để ước lượng về cơn giông phía trời Tây Bắc, chợt thấy một con bồ câu từ xa bay tới kè kè theo chiếc thuyền, hắn bèn gọi Sở tài công cho biết vì nghĩ đây là tin xa đưa lại. Quả nhiên Sở tài công đưa một lá cờ trắng nhỏ ra phất luôn mấy cái, con bồ câu sà xuống mũi thuyền. Sở tài công bắt cầm lên tay, lấy từ dưới chân con bồ câu một cái ống trúc nhỏ, hắn bóp bể ống trúc để lấy mảnh giấy ra xem. Vừa liếc qua mảnh giấy, Sở tài công biến sắc. Quản Thiên Phát nhìn qua là biết ngay có chuyện bất tường, hắn đứng lên hỏi : - Sở huynh, có phải thư báo tin của Đơn đường chủ? Sở tài công đáp : - Vâng vâng, vừa nhận được truyền thư của Đơn đường chủ, tiểu nhân vội mang vào cho chư vị. Vừa nói, hắn vừa trao mảnh giấy. Quản Thiên Phát cau mày : - Đơn đường chủ cho tin đến, chắc là có chuyện khẩn cấp. Hắn tiếp mảnh giấy lật ra xem, mảnh giấy viết : “Lệnh ái của Chu Thần Y bị mất tích trên khoảng đường phụ cận Đồng Lư, xin Giang công tử và Lý công tử quay lại Đồng Lư tìm kiếm hộ”. Dưới thư ký tên Đơn Hiểu Thiên. Quản thiên Phát nói : - Sở huynh đã có cho thủy thủ quay thuyền trở lại chưa? Sở tài công lắc đầu : - Không, tại hạ vào đây thỉnh ý kiến của chư vị. Quản Thiên Phát gật đầu : - Như thế là tiện lắm, trên giông sông này rất có thể có địch theo dõi, chúng ta không nên để cho chúng biết tung tích và hành động của mình. Sở tài công ngập ngừng : - Thế nhưng theo lệnh của Đơn đường chủ thì bảo phải trở lại Đông Lư. Quản thiên Phát nói : - Sở huynh đệ hãy yên lòng, chuyện này tại hạ thương lượng với Nhị công tử rồi sẽ quyết định sau. Sở tài công cúi mình : - Vâng, tiểu nhân xin tuân lệnh các vị. Trầm ngâm một chút, Quản Thiên Phát hỏi : - Nơi đây thuộc về khu vực nào? - Sở tài công đáp : - Tại đây gọi là Thất Lý Long, tới một chút nữa là địa phận Nghiêm Châu. Quản thiên Phát nói : - Vậy Sở huynh cho thủy thủ tới Nghiêm Châu thì dừng lại. Sở tài công hỏi : - Như vậy chúng ta trở lại Đồng Lư? Quản thiên Phát mỉm cười bước lại gần bên nói nhỏ mấy câu, Sở tài công gật đầu vâng dạ liên hồi và lui ra phía sau của chiếc thuyền. Quản thiên Phát vào khoang cười nói : - Nhị công tử, nghỉ cờ đi là vừa. Lý Duy Năng quay lại hỏi : - Quản huynh có phát hiện được gì đó à? Quản thiên Phát nói : - Chu Long Chu cô nương mất tích, rất có thể lọt vào tay giặc. Giang hàn Thanh sửng sốt : - Có phải vừa rồi tin đến từ bồ câu đó hay không? Quản Thiên Phát trao mảnh giấy và nói : - Đây là truyền tin của Đơn đường chủ. Giang Hàn Thanh tiếp xem rồi nói : - Chẳng hay ý kiến Quản huynh như thế nào? Quản thiên Phát đáp : - Nếu chúng ta quay thuyền trở lại Đồng Lư sẽ làm cho đối phương chú ý, vì thế huynh đệ đã cho Sở tài công đậu tại Nghiêm Châu. Lý Duy Năng gật đầu : - Quản huynh nói phải lắm, chúng ta dừng thuyền tại Nghiêm Châu rồi theo đường bộ trở lại là ổn nhất. Quản thiên Phát nói : - Trên đường sông này nhất định hiện tại kẻ địch đã bố trí, nếu nhị vị lên bờ là chúng theo liền. Lý Duy Năng hỏi : - Như thế thì ý kiến của Quản huynh phải làm sao? Quản thiên Phát nói : - Hiện tại chúng ta chưa xác định được Chu cô nương đã lọt vào tay địch hay chưa, vì thế chúng ta phải hết sức cẩn thận và giấu kỹ hành tung. Giang Hàn Thanh nói : - Kinh nghiệm về giang hồ của Quản huynh hơn chúng tôi nhiều lắm, vậy nhất thiết xin cho Quản huynh châm chước. Quản Thiên Phát trầm ngâm một lúc rồi ngồi xuống thấp giọng bảo nho nhỏ với Lý Duy Năng và Giang Hàn Thanh... Cuối cùng Lý Duy Năng nói : - Như thế là thượng sách, vậy cứ theo đó mà làm. Thuyền đến bến Nghiêm Châu thì dừng lại, Sở tài công cho thủy thủ lên bờ mua sắm rau cải khá nhiều y như một thuyền buôn, trong lúc mua sắm, bọn công nhân từ trên những vựa trên bờ cho ngươi khiêng xuống, kẻ bán người mua rộn rịp lăng xăng. Cũng trong lúc đó không ai thấy bọn Quản Thiên Phát, Giang Hàn Thanh và Lý Duy Năng đâu cả. Sau khi chất đầy hàng hóa, Sở tài công ra lệnh cho thủy thủ rời khỏi bến. * * * * * Tân Đông Quan, chẳng phải là một cửa ải, cũng không phải là một thị trấn, Tân Đông Quan chỉ là một địa danh hồi xưa, bây giờ chỉ là một vùng hẻo lánh. Muốn đến đó, phía Đông phải là một sơn thôn khá xa, nó là con đường hẹp đi xuyên giữa hai Hàng Châu và Kim Hoa. Rải rác độ năm ba nóc gia và độc một quán rượu bán lơ thơ vài món lặt vặt. Nói lơ thơ là vì quán không bao giờ đông khách, nhưng không phải vì thế mà quán ế, vì ai muốn qua con đường đó, cũng đều phải ghé quán này. Bởi vì hai đoạn đường cách khoảng khá xa, nhất định khách bộ hành cho dù keo kiết cách mấy cũng phải ghé đây để ăn uống chút đỉnh thì mới đi tiếp nổi. Và cũng vì thế mà cho dù ít khách, chủ quán không cần phải, trái lại lão đập thẳng tay. Dù không ưa lão, cũng phải ghé vào. Trời mưa lất phất. Lão chủ quán họ Trương ngồi vênh râu bên quầy hàng vì vốn không bao giờ bận rộn. Bây giờ trong quán có hai người khách, trên bàn họ đã có rượu và thức ăn, lão chủ ngồi chờ họ ăn xong là lão đến thu tiền. Hai người khách tuổi trạc trung niên, với bộ đồ vải thô mặc trong mình, với những hàng hóa đặt ngay cạnh ghế ngồi, ai nhìn qua cũng biết họ là khách buôn, thứ khách buôn quảy gói đường xa chứ không phải hạng thương buôn giàu có. Bởi vì mưa ngày càng nặng hạt, họ như bất cần “thượng lộ” vì họ là hạng buôn rày đây mai đó, lạnh thì đi, mưa thì trú, họ không dại gì đầm mưa cho ướt bọc hàng. Họ ngồi nhấp nhổm tán kháo với nhau như người ăn không ngồi rồi rảnh việc. Lão chủ quán họ Trương hình như cũng đã quá quen với hạng khách đường xa này, lão thừa biết họ không vội và tự nhận lão cũng chẳng có việc gì mà phải vội. Lão ngồi tựa ngửa lim dim. Tên đại hán cao vụt lên tiếng : - Này, lão Trương làm cho đĩa xào lăn nữa coi, thêm luôn hai hồ rượu nữa nghen, coi cái điệu này chắc không làm sao đi sớm được đâu. Tên đại hán lùn tiếp theo luôn : - Đi cái khỉ khô gì nữa, làm cha nó một đĩa đậu hủ chiên nữa đi cho được việc. Tuy đang lim dim, nhưng vừa nghe câu đầu của khách là lão Trương đã muốn nhỏm dậy ngay, lão không cần hỏi lại vì lão không có dáng ngái ngủ chút nào. Lão đi làm ngay thức ăn và mang thêm rượu. Gã đại hán rót cho gã lùn một chén, rồi hắn tự châm vào chén mình và ngẩng đầu cười : - Lão Định xem kìa, bây giờ mà vẫn có người đến thấy không? Tôi đánh cuộc với anh, nếu người ấy mà không ghé vào quán này thì thằng Vương này sẽ thua anh hai hồ rượu đấy. Gã họ Đinh phun phèo phèo : - Mẹ họ, anh khôn quá nhỉ, ai qua đây mà lại không ghé cho thằng cha Trương chủ quán này đập? Không ghé thì âm hồn vật chết hay sao? Lão chủ quán họ Trương cười hề hề, lão không lấy đó làm sự mất lòng, hình như lão công nhận với mọi người rằng quán lão bán rượu và thức ăn có phần đắt hơn những nơi khác. Công nhận như thế là tự nhiên lão có lý do của lão. Lão không phân bua, nhưng lão vẫn nói bâng quơ để cho khách hàng chận thấy chuyện lão đến thị trấn mang thực phầm về đây không phải là chuyện dễ dàng. Lão không nói đến rượu vì rượu chính tay lão cất, nhưng lão có cách khác để bán cao giá. Lão làm cho người ta hay rằng khắp cả vùng này không có ai bán, ở đây người ta không sinh nhai bằng nghề đốn củi lấy mật. Không có ruộng, tự nhiên muốn có nếp cất rượu, lão phải đến chỗ xa xôi, con người mua nếp ấy lão mánh chung vào giá rượu. Trên con đường mòn sơn cước, quả nhiên có một người đi mua xăng xái đi về hướng quán. Hắn là một gã có vóc dáng thư sinh, chỉ có điều cách ăn vận của hắn làm cho người ta nghĩ rằng hắn nghèo dữ lắm. Gã thư sinh chạy vào quán, hai tay hắn phủi phủi những hạt mưa còn đọng trên mình, hắn ngồi xuống một chiếc bàn phía ngoài hai người khách cũ. Hình như hắn mệt, vừa uống xong một chén trà là hắn gọi lấy : - Ông chủ làm ơn thêm chén nữa, khát quá. Lão Trương cười khì khì : - Có chi, có chí khách cứ uống, đường xa mà. Theo giọng lão nói, người ta có cảm tưởng như hắn đang bố thí. Nhưng khi lão mang chén trà thứ hai đến trước mặt khách thì lão đã hỏi ngay : - Khách dùng chi xin cho biết để làm luôn. Tên thư sinh đáp : - Ông cho tôi một bầu rượu, một đĩa thịt xào và sau đó cho luôn tô mì lớn. Lão Trương ứng tiếng lui xuống, hồi lâu lão mang các món ăn dọn lên bàn và cười nói : - Xin khách dùng thử thứ rượu này do chính tôi cất lấy và chôn đúng năm năm, thứ nào chưa đúng năm năm là nhất định không mang ra bán cho khách hàng. Gã thư sinh áo rách hớp một ngụm rồi chép miệng gật gù : - Đúng, rượu này quả thật là ngon. Lão Trương cười khà khà : - Xin quý khách dùng thêm một vài chén nữa cho ấm lòng trong khi mưa, tiểu nhân sẽ có thức ăn kế tiếp lên ngay. Gã thư sinh áo rách cười : - Được rồi thong thả, đã có mấy món nhắm rồi đây, mì để chốc nữa cũng không muộn, tại hạ có một chuyện muốn hỏi nhờ chủ quán. Lão chủ quán họ Trương cười mơn trớn : - Vâng, chẳng hay khách muốn hỏi chi? Gã thư sinh áo rách nói : - Tại hạ muốn hỏi thăm một người. Lão chủ quán họ Trương chớp chớp mắt : - Chẳng hay khách muốn hỏi thăm ai? Gã thư sinh áo rách nói : - Tại hạ muốn hỏi thăm chủ quán là chẳng hay từ sớm đến giờ có thấy một cô gái mặc áo đen đi ngang qua đây chăng? Lão chủ quán họ Trương ngẫm nghĩ một giây rồi lắc đầu : - Hình như là không có... trời chưa sáng là tiểu nhân đã dậy nổi lửa rồi, nhưng không hề thấy có cô gái mặc áo đen nào đi qua đây cả. Hai tên đại hán thương buôn nãy giờ ngồi nghe hai người nói chuyện, hình như cả hai cũng cảm thấy ngạc nhiên vì nghe được chuyện lạ kỳ. Như họ uống rượu cũng đã lâu rồi, mưa bên ngoài vẫn chưa dứt hột nên họ buông đũa ngồi nghe. Gã thư sinh áo rách trầm ngâm : - Lạ quá, ở đây chỉ có một con đường này thôi mà. Lão chủ quán họ Trương nói : - Chẳng hay khách hỏi thăm cô gái áo đen có chuyện chi không? Gã thư sinh áo rách đáp : - Cô ấy là em gái của tôi. Lão chủ quán họ Trương nói : - Hay là cô ấy đi lộn đường khác rồi chăng? Gã thư sinh áo rách trầm ngâm : - Có thể như thế lắm, nhà tôi ở tại Hà Hoa đường, hôm xá muội đi thăm người bà con tại Đại Dịch trang, cô bảo hôm nay sẽ về, nhưng hồi trưa này tôi đến Đại Dịch trang thì ở đó cho biết xá muội đã về rồi, thế không biết đi con đường nào đâu mất, thế có chết người không kia. Hai người đại hán thương buôn đưa mắt nhìn nhau và làm thinh.