Lưu Công Kỳ Án

Chương 144 : Quan thần đại náo quán Ý Hợp Niêm phong Hoàng phủ báo oán cừu

Lại nói chuyện Hoàng đế Đạo Quang thấy chủ quán không cho Triệu Hội Thanh đi đưa thư, còn quát đám hung nô tới đánh mình, bất giác nổi trận lôi đình, lật đổ cả ba bàn rượu thịt, tay cầm đồng chùy xông lên đánh với đám ác nô. Đúng lúc ấy, Trương Vượng, Triệu Ngọc, Lý Tam Lăng ngang qua chốn này. Lý Tam Lăng thấy trong quán ăn có tiếng người hò hét, đánh nhau bèn nhìn vào trong, nói: - Không ổn. Ông anh kết nghĩa của ta đang đánh nhau. Đơn thân tại chốn này. Hai vị huynh trưởng, hãy giúp ta đánh lũ cẩu nô tài này! Trương Vượng, Triệu Ngọc nói: - Quán này vốn là của Hoàng Sĩ Long, không ai dám tới phá. Nay đã phá, phải ra tay thực dữ mới được. Lên đánh! Đánh chết tên khốn nạn ấy đi. Rồi ba người xông bừa vào quán, gặp ai đánh nấy. Hoàng thượng thấy Lý Tam Lăng dẫn theo hai người dũng mãnh như mãnh hổ xuất chúng xông vào giúp mình, nói: - Lý Tam đệ, các đệ hãy dốc sức giúp ta. Rồi gọi lớn:. - Triệu Hội Thanh, ta đưa ngươi đi. Cùng nhau bảo vệ Triệu Hội Thanh rời quán. Hoàng thượng thấy lúc này đã quá ngọ, lại thấy ba người kia không đến nỗi bị thua, chi bằng nhân cơ hội này về triều. Hoàng Sĩ Long thấy đám gia nô ở đây không chống nổi ba người này liền lén rời khỏi ý Hợp quán, chạy về Song Quan phố gọi thêm người. Lại nói chuyện Triệu Hội Thanh tới phủ lại bộ đưa thư, lại không biết đường, phải hỏi một cụ già, mới biết phủ lại bộ trên đường chợ lừa, ngõ Thang Mậu. Đi theo lời ông cụ chỉ dẫn, không lâu sau đã tới trước Công phủ lại bộ. Vừa bước lên thềm, quân canh cửa đã cản lại: - Này, tên ăn mày mắt mù kia, sao người dám vào phủ lại bộ xin cơm? Còn không chịu đi nơi khác? Triệu Hội Thanh nói. - Chớ có hỗn xược! Các ngươi mau chóng vào bẩm với đại gia nhà ngươi, nói có người đưa thư đang đứng ngoài phủ, bảo ông ta mở Nghi môn đón tiếp. Bốn tên quân canh nghe vậy, nổi giận đùng đùng. Tên quản gia thấy vậy vội nói: - Chớ giận. Người này tuy là ăn mày nhưng diện mạo không hề tầm thường chút nào. Hắn nói lời vô lễ, chắc hẳn phải có duyên cớ chi dây. Đợi ta vào bẩm một tiếng nước đã. Rồi chạy vào thư phòng, chắp tay vái Lưu lại bộ, kể lại một lượt chuyện tên ăn mày tới đưa thư. Lưu lại bộ nghe xong, đoán chuyện này bên trong hẳn phải có nguyên do chi đây, bèn dặn dò: - Mở rộng Nghi môn, đợi bản bộ ra nghênh tiếp. Quản gia không dám chậm trễ, lập tức đi ra ngoài mở cổng. Hô vang: - Đại nhân ra! Lại bộ đón Triệu Hội Thanh vào sảnh đường, thi lễ xong xuôi nhận lấy phong thư. Vừa nhìn qua nét chữ, biết ngay là thánh chỉ, vội lệnh cho quản gia: - Dẫn đại nhân vào nhà sau tắm rửa, thay quần áo. Từ đó, Triệu Hội Thanh an thân trong phủ lại bộ. Lại nói chuyện Hoàng đế Đạo Quang rời khỏi quán ăn, đi hết năm dặm đường, tới Ngọc Thạch kiều, thấy chân đã mỏi, lại thấy bên cầu có một cỗ xe, bèn hỏi: - Có phải xe đang đợi chở người không? Người chủ xe là Vương Lập Công vội trả lời: - Đúng vậy! Tiên sinh định thuê xe đi về đâu? Hoàng thượng nói: - Hãy đưa ta tới trước Ngọ Môn. Ngươi đòi bao nhiêu tiền? Vương Lập Công nghe vậy, nghĩ thầm: - Vị tiên sinh này hẳn không tầm thường. Chắc hẳn phải là một vị công hầu vương bá. Nếu ta nói được câu khiến ông ta hài lòng, chắc sẽ được trọng thưởng. Liền nói: - Ngài không cần phải hỏi giá xe. Tôi sẽ cẩn thận đánh xe, ngài thưởng thêm cho tôi vài trăm. Nếu tôi đánh xe mà ngài không hài lòng, tôi sẽ không lấy tiền. Hoàng thượng nói: - Ngươi thực là nhân nghĩa. Rồi lên xe. Vương Lập Công ra roi. Vượt đường ngang ngõ tắt, đi chưa đầy hai dặm, thấy toàn triều văn võ, trong đám ấy có tam triều nguyên lão Tô Đại Quý, Diều Tổ Đồng, Lưu Hoán Chỉ, cửa môn đề đốc Anh Phúc, Đông Lộ vương Triệu Trường Thanh, phía sau là xa giá, nghi vệ. Tất cả cũng bởi Lưu lại bộ biết Hoàng thượng đang ở đâu nên đã vào cung truyền lệnh cho bá quan Mãn Hán trong triều đi tiếp giá. Hai bên tới gần, Vương Lập Công vẫn thúc ngựa xông thẳng vào. Quan quân, nha dịch vội xông lên định đánh phu xe Vương Lập Công. Cửu Môn đề đốc Anh Phúc thấy Hoàng thượng đang ngồi ngay ngắn trong xe, vội vàng xuống kiệu, quỳ trước cỗ xe. Bá quan văn võ cũng vội xuống ngựa, quỳ cả xuống bên đường, nhất tề hô vang: - Khai bẩm Hoàng thượng, chúng thần tiếp giá. Hoàng thượng dặn dò: - Thưởng cho phu xe ngàn lạng bạc. Rồi xuống khỏi xe, lên kiệu. Lập tức phu xe được thưởng ngàn lạng bạc. Tới lúc này, Vương Lập Công mới biết vị khách thuê xe của mình chính là Hoàng đế Đạo Quang. Lại nói tới chuyện của tiểu thư Thang Mĩ Dung. Triệu Ngọc đưa nàng về tới cửa nhà. Thang tiểu thư vào trong, thỉnh an Thang thị, nói: - Cô vẫn khỏe đấy chứ? Thang thị nhận ra đứa cháu gái, vội đỡ đứng dậy, hỏi: - Cha mẹ cháu có khỏe không? Thang tiểu thư kể lại chuyện nhà mình gặp nạn cho Thang thị nghe. Thang thị nghe nói anh mình gặp họa tày trời, con trai mình cũng đã gây ra họa lớn, trong lòng vô cùng lo lắng, kinh sợ. Oán trách nói: - Cô chỉ sinh được một mình anh họ cháu. Nay nó tự gây ra họa, biết phải làm sao đây? Thang Mĩ Dung nói: - Không ngại. Dù phải mất cái mạng cỏ rác này, cháu cũng phải đi báo quan để cứu anh họ ra. Thang thị nói: - Cháu còn nhỏ tuổi, đi kiện sao nổi. Trong khi hai cô cháu đang bàn chuyện báo thù, chợt nghe thấy tiếng quát vang: - Người không phận sự tránh ra. Diêu đại nhân tới. Rồi nghe thấy tiếng thanh la từ xa vọng lại. Thang tiểu thư nghĩ thầm: - Diêu đại nhân hẳn phải là một vị quan cực kỳ thanh liêm. Chi bằng ta hãy đi chặn kiệu kêu oan, báo thù rửa hận. Nghĩ xong, rời khỏi phòng, mở cổng lớn, thấy đám chấp sự đi qua, đại kiệu sắp tới nơi. Thang tiểu thư vội chạy ra khỏi cổng, quỳ xuống trước kiệu, kêu to: - Oan uổng quá! Đám thị vệ đang định ra cản lại, chợt nghe thấy tiếng nói từ trong kiệu vọng ra, hỏi: - Kẻ nào kêu oan? Hãy dẫn tới đây cho ta hỏi chuyện. Đám thị vệ nghe vạy vội dẫn tiểu thư lại. Đại nhân hỏi: - Cô gái này có nỗi oan gì? Có đơn kiện không? Mau mau trình lên. Tiểu thư nói: - Bẩm đại nhân, nạn nữ chưa kịp viết đơn, nay xin kể ra đây Diễn đại nhân nói: - Người hãy từ từ kể ra. Thang tiểu thư mắt ngấn lệ, kể lại một lượt từ đầu đến cuối sự việc. Diêu đại nhân nghe xong, biết người này kiện anh em họ Hoàng, nghĩ thầm: - Nếu ta nhận đơn kiện của cô gái này, nhất thiết phải tấu lên Hoàng thượng. Nếu Hoàng thượng chuẩn tấu, anh em nhà họ Hoàng sẽ bị chém đầu. Còn như Hoàng thượng không chuẩn tấu, chúng vốn có quan hệ với quốc cữu Cao Tông Thiện, binh bộ Văn Hồng là cậu của chúng. Hai nhà ấy có quan hệ thân mật với ta. Hứ! Thêm một việc chi bằng giảm đi một việc. Nghĩ rồi, nói: - Cô gái kia. Người không có đơn kiện, ta không thể thụ án - Lui ra! Rồi hạ lệnh khởi kiệu, đi tiếp. Tiểu thư thấy vụ kiện của mình không được nhận, kêu khóc ầm lên. Chợt nghe bên tai có tiếng nói: - Cháu gái, tại sao lại khóc ở đây? Tiểu thư nghe vậy, ngẩng đầu nhìn lên, thì ra là chú kết nghĩa với cha nuôi mình Lý Tam Lăng, theo sau còn có anh họ Triệu Ngọc, cùng người khi nãy cứu mình trong am. Nàng bèn kể lại chuyện mình chặn kiệu kêu oan mà không được nhận cho họ nghe. Lý Tam Lăng quát lớn: - Hai người anh em. Diêu đại nhân không chịu nhận đơn kiện, còn gọi gì là Diêu Thanh Thiên nữa? Anh em ta hay can thiệp vào chuyện bất bình, hay gây họa, nay hãy đứng ra làm chứng cho cháu ta. Trương Vượng, Triệu Ngọc nói: - Có lý! Thấy kiệu đã đi được một đoạn xa, họ bèn đuổi theo, chặn kiệu lại - kêu oan khiến cỗ kiệu suýt chút nữa bị kéo đổ. Diêu đại nhân hạ lệnh trói họ lại, mang lên triều đình tấu với thánh thượng. Gặp đúng lúc triều đình gióng trống Triều Dương, thúc chuông Cảnh Dương. Sau ba tiếng roi hiệu, Hoàng đế Đạo Quang thăng điện. Công hầu vương bá, bối lặc, bối tử cùng bá quan văn võ Mãn Hán hành lễ tham kiến xong, lui xuống. Văn đứng sang hàng văn, võ đứng sang ban võ. Chợt thấy một vị đại thần đứng hàng bên trái bước ra, quỳ phục xuống, Hoàng thượng thấy ông ta chính là lại bộ Lưu Hoán Chỉ, liền hỏi: - Ái khanh có bản tấu gì. Lưu lại bộ tấu, nói: - Nay có Triệu Hội Thanh phụng chỉ dụ tới phủ vi thần, hiện đang đợi chỉ bên ngoài Ngọ Môn. Hoàng thượng nói: - Trẫm đã thử anh ta tại quán ý Hợp, nay lệnh cho mặc áo, đội mũ đô sát viện vào gặp trẫm. Lưu lại bộ lui xuống. Lệnh cho Triệu Hội Thanh thay áo mũ xong liền dẫn lên triều. Lén nhìn thấy kim điện uy nghiêm, hai bên đông, tây triều phòng nhiều vô kể. Bên trái điện có một bức tượng tiên hạc, bên phải điện có tượng rùa thần, đều đưọc đúc bằng đồng đen. Triệu Hội Thanh lên điện, hành lễ tam quỳ cửu khấu sau bước lùi ba bước, đứng vào hàng. Chợt thấy từ dưới điện có một vị đại thần bước lên, tới trước phẩm cấp đài hành lễ theo đúng quy tắc trong triều, quỳ xuống, nói: - Bẩm Thánh thượng. Thần đi qua ngõ Hàng Kéo, gặp một cô gái nhỏ tên gọi Thang Mĩ Dung kiện Hoàng Sĩ Công, Hoàng Sĩ Long gây tội ác tày trời. Còn có bị cáo Lý Vinh Hỷ, Trương Vượng, Triệu Ngọc ba người bị thần giải tới đây, hiện đang ở bên ngoài Ngọ Môn đợi chỉ. Kính xin bệ hạ định đoạt. Hoàng thượng nghe tấu, trong lòng hiểu ngay, nói: - Việc Diêu ái khanh tấu, trẫm đã điều tra rõ ràng. Thang Mĩ Dung là con gái nuôi của trẫm, Lý Vinh Hỷ là anh em kết nghĩa của trẫm. Trương Vượng, Triệu Ngọc hai người có công hộ giá tại quán Ý Hợp. Ái khanh hãy thay trẫm tuyên gọi bốn người ấy lên điện gặp trẫm. Không lâu sau, bốn người ấy lên điện. Tất cả cùng hành lễ tam quỳ cửu khấu, quỳ dưới thềm son, hô vang "vạn tuế". Hoàng thượng nói: - Trẫm nhận Thang Mĩ Dung làm con nuôi, thương con gặp oan chưa được rửa, phải báo thù cho cha mẹ, một lòng kiên nghị, nay phong cho làm Ngọc Khánh công chúa, gả cho Triệu Hội Thanh làm Đông sàng phò mã. Ban thường cho vạn lạng vàng, ngàn hộc gạo, xây phủ phò mã tại ngõ Tứ Cảng. Trẫm đứng ra làm chủ hôn, chọn ngày lành tháng tốt cử hành hôn lễ cho hai người. Thang Mĩ Dung dập đầu tạ ân, lui xuống. Cung nga, thái nữ dẫn nàng đi thay đồ, tham bái Hoàng hậu. Hoàng thượng nói vọng xuống: - Lý Vinh Hỷ là bậc nam tử nghĩa khí, nay phong cho làm Lỗ Vương. Trương Vượng, Triệu Ngọc có công cứu giá, phong cho làm ngự tiền thủ bị. Ba người hãy dẫn theo năm trăm hiệu úy tới bắt cả nhà Hoàng Sĩ Công. Ba người lĩnh chỉ, lui xuống. Dẫn theo năm trăm hiệu úy, rời khỏi đường Nghi môn, tới Song Quan phố, vây kín phủ họ Hoàng, xông thẳng vào trong, gặp ai bắt nấy, cả thảy bắt được bốn mươi tám người già, trẻ, lớn, bé, niêm phong gia sản, khóa phủ lại, về cung đợi chỉ. Hoàng thượng hạ chỉ: Những ai là gái bị cướp vào phủ, hãy gọi cha mẹ tới nhận về. Những kẻ còn lại lôi ra chợ Vân Dương xử trảm. Chỉ thấy công chúa Ngọc Khánh lên trước điện, quỳ xuống, tấu: - Con gặp nạn tại Song Quan phố, may nhờ em gái Hoàng Sĩ Công là Hoàng Quế Anh cứu. Cô ta vốn là gái hiền lương, đã thả con ra nên mới có được ngày hôm nay. Khẩn cầu phụ hoàng tha tội cho cô ta, giúp con gái báo ân. Hoàng thượng hạ chỉ: - Chuẩn tấu. Tha chết cho Hoàng Quế Anh. Trẫm đứng ra làm mối, gả cho Lỗ Vương, ban cho vạn lạng vàng, ngàn thạch gạo, lập tức bái đường thành thân ngay trên kim điện. Những kẻ còn lại đều bị xử trảm. Quốc cữu Cao Tông Thiện, binh bộ Văn Hồng ngày thường che chở cho Sĩ Công, Sĩ Long, giúp giặc làm ác, nay biến làm thứ dân, vĩnh viễn không dùng lại. Tri huyện huyện Uyển Bình Dục Niết theo đuôi đám quyền thế, xử án bất minh, cách chức, vĩnh viễn không dùng lại. Khâm thử. Hoàng thượng lâm triều xong, lui về hậu cung. Có khúc "Tây Giang Nguyệt" làm chứng như sau: Vi thiện thiện báo tự đa Vi ác ác báo cánh thỏa Hoàng gia huynh đệ thường giao nga Toại hữu diệt môn chi họa. Khuyến quân quảng hành thiện đức Thiên vạn mạc bả ác tác. Tuần hoàn báo ứng vô di na Chân thị bất thố bất thố. Tạm dịch: Làm lành thời có quả lành Làm ác, ắt có quả ác Anh em họ Hoàng hại dân nữ Diệt vong cả nhà chuốc lấy họa Khuyên người làm nhiều điều thiện Mảy may việc ác chớ làm Báo ứng tuần hoàn nào sai biệt Nhân nào quả nấy có sai đâu! Lại có một bài "Tây Giang Nguyệt" ngợi khen vua tôi nhà Đại Thanh: Đại Thanh quân chính thần hiền Triều dã trinh tường lũy hiện Tài tử khuyến nhân tác thư thiên Biên thành Thanh Long dã truyện Nhân hậu tiết liệt trung gian Biểu đích nhất hào bất loạn Tuy thị tiểu thuyết phi đại quan Khước dã khả khan khả khan Tạm dịch: Đại Thanh vua chính tôi hiền Khắp chốn điềm lành hiền hiện Tài tử khuyên người viết thành sách Viết thành câu chuyện Thanh Long Người mà tiết liệt trung gian Ấy là mảy may không loạn Tuy là tiểu thuyết đặt bày Cũng là đáng xem đáng xét.