Lục Mạch Thần Kiếm

Chương 124 : Một cách chữa thương rất ly kỳ

Tiêu Phong thấy Tàng kinh các địa thế chật hẹp, lại đông cao thủ không tiện đánh nhau. Ông liền vận đến mười thành công lực muốn chỉ trong vài chưởng là hạ sát địch nhân ngay. Mộ Dung Phục thấy chưởng lực đối phương cực kỳ hung mãnh liền vận hết sức bình sinh phóng cả song chưởng ra đón đỡ. Nhà sư già chắp tay để trước ngực cất tiếng niệm: - A di đà Phật! Cửa Phật là nơi đất lành. Hai vị cư sĩ không nên vọng động mà mạo phạm đến đức Bồ Tát. Lạ thay! Nhà sư chỉ chắp hai bàn tay mà tựa hồ như có một luồng kình lực biến thành bức tường vô hình không thể lay chuyển được để ngăn cản đôi bên. Hai người phóng ra những chưởng lực thế dường nghiêng non dốc biển mà chạm phải bức tường vô hình ấy lập tức mất tiêu chẳng thấy tăm hơi gì nữa. Tiêu Phong trong lòng kinh ngạc vì chưa bao giờ gặp phải tay địch thủ hơn mình, ông nghĩ thầm: Chiêu thức của Hư Trúc nhị đệ rất kỳ dị, cùng kiếm pháp của Ðoàn Dự tam đệ tinh diệu vô biên mà so công lực của mình cũng hãy còn kém. Thế mà hiện giờ một vị lão tăng vẻ mặt hiền từ lại có công lực hiển nhiên cao cường gấp mấy mình, nhà sư này đã ra tay ngăn trở thì bữa nay quyết nhiên không thể trả thù được. Tiêu Phong vốn người hiếu hạnh, ông nghĩ đến nội thương của phụ thân liền khom lưng nói: - Tại hạ là kẻ thất phu ở đất Man hoang, không biết lễ nghi, đã mạo phạm đến thần tăng. Xin thần tăng tha tội cho. Nhà sư tủm tỉm cười nói: - Thí chủ dạy quá lời. Lão tăng đối với Tiêu cư sĩ một lòng kính cẩn. Bản sắc đại anh hùng của cư sĩ thiệt không hổ thẹn. Tiêu Phong nói: - Sở dĩ gia phụ phạm tội giết người đều do tại hạ gây ra. Tại hạ khẩn cầu thần tăng trị nội thương cho gia phụ. Bao nhiêu tội nghiệt, tại hạ cam tâm thọ lãnh. Dù muôn thác cũng không từ chối. Nhà sư già tủm tỉm cười nói: - Lão tăng đã bảo muốn hoá giải nội thương cho Tiêu lão cư sĩ thì phải tìm đường trong Phật pháp. Phật ở trong lòng mà ra. Phật là giác ngộ. Người ngoài chỉ có thể chỉ điểm chớ không có thể làm thay được. Lão tăng hỏi Tiêu cư sĩ một lời: Giả tỷ cư sĩ biết cách trị thương liệu cư sĩ có chịu chữa cho Mộ Dung lão cư sĩ không? Tiêu Phong sửng sốt ngập ngừng hỏi lại: - Tại hạ... trị thương cho Mộ Dung lão thất phu ư? Mộ Dung Phục quát lên: - Ngươi liệu mà từ từ lỗ miệng. Tiêu Viễn Sơn nghiến răng quát mắng: - Mộ Dung lão thất phu giết ái thê của ta, làm hại một đời ta. Ta hận mình chưa băm vằm hắn ra được. Nhà sư già nói: - Tiêu lão cư sĩ chưa được nhìn thấy Mộ dung lão cư sĩ chết bất đắc kỳ tử thì không thể được tiêu mối hận trong lòng ư? Tiêu Viễn Sơn đáp: - Chính thế! Lão phu ẩn trong chùa Thiếu Lâm ba mươi năm chính là để báo mối đại thù này. Nhà sư già gật đầu nói: - Việc đó cũng dễ thôi. Ðoạn nhà sư bước lên từ từ bước tới, vung chưởng ra đánh vào đỉnh đầu Mộ Bác. Lúc đầu, Mộ Dung Bác thấy nhà sư đứng lên, lão không để ý. Ðến khi lão thấy nhà sư vung chưởng đánh vào đầu mình, vội vàng vung tay trái lên chống lại. Nhưng lão sợ võ công đối phương ghê gớm quá, lão vung tay lên rồi, đồng thời người nhảy lùi lại phía sau. Mộ Dung Bác đã là dòng Mộ Dung ở Cô Tô, nên bản lãnh lão không phải là tầm thường. Hơn nữa, sau khi luyện tập những môn tuyệt kỹ Thiếu Lâm khác nào như hổ thêm cánh. Lão vung tay lên và nhảy lùi lại, tuy trông có vẻ bình thường chẳng lấy chi làm kỳ dị, nhưng chưởng này có thể ngăn trở được hết mọi thế tấn công của người khắp thiên hạ. Ðộng tác lạng người, lùi lại có một thủ thế cực kỳ nghiêm mật, bất luận hạng nào trên thế gian truy tập cũng không làm gì được. Mọi người trong Tàng kinh các hết thảy là những tay cao thủ về võ học, thấy Mộ Dung Bác ra hai chiêu này đều ngấm ngầm thán phục. Cả cha con Tiêu Viễn Sơn cũng không khỏi trầm trồ khen ngợi. Dè đâu phát chưởng của nhà sư già nhẹ nhàng đập xuống "chát" một tiếng đánh trúng vào huyệt "Bách Hội" giữa đỉnh đầu Mộ Dung Bác. Mộ Dung Bác vừa chống đỡ, vừa thối lui vẫn chẳng ăn thua gì. Huyệt Bách Hội là một đại huyệt khẩn yếu trong người. Dù kẻ không hiểu võ công mà đập trúng vào cũng khiến cho người bị đánh phải mất mạng hay bị trọng thương. Nhà sư già đã vận nội lực để phóng chưởng đánh tới, Mộ Dung Bác chỉ run người lên một cái rồi tắt thở ngay, thân hình y ngã ngửa về phía sau. Mộ Dung Phục cả kinh vội nâng cha lên gọi rối rít: - Gia gia! Gia gia! Nhưng y thấy phụ thân miệng đã cắn chặt và mắt nhắm lại, mũi không còn hơi thở nữa. Y vội đưa tay lên sờ ngực thì trái tim cũng ngừng đập rồi. Mộ Dung Phục vừa đau thương vừa phẫn nộ. Y không ngờ nhà sư già này miệng nói toàn Phật pháp từ bi mà tự nhiên hạ độc thủ giết người. Y la lên: - Thằng trọc này!... Ngươi... Y để tựa thi thể phụ thân vào một cây cột rồi tung mình nhảy lại, vung song chưởng ra đánh nhà sư già. Nhà sư già lờ đi như không thấy gì. Song chưởng của Mộ Dung Phục đánh đến trước nhà sư già còn cách hai thước thì đột nhiên vấp phải bức tường khí vô hình, khác nào đập vào tấm lưới cá. Chưởng lực y tuy mãnh liệt, nhưng không phát huy được, lại bị bức tường kình lực đẩy ngược lại bắn đi xa hơn trượng va vào giá sách. Vì thế tiến của y mãnh liệt quá nên sức văng ngược lại cũng mau lẹ phi thường. Lạ hơn nữa, chưởng lực của y bị bức tường vô hình kia hoá giải hết rồi y bị nhẹ nhàng đẩy ra. Vì thế mà lưng y tuy đập vào giá sách, giá sách vẫn không đổ. Cả những kinh sách để trên giá cũng không rơi xuống một quyển nào. Mộ Dung Phục tinh thần rất cơ biến. Tuy gã xót thương phụ thân bị đả tử, nhưng biết võ công nhà sư già còn cao hơn mình gấp trăm lần, dù có tức điên lên mà chiến đấu rút cục cũng chẳng làm gì được đối phương. Nghĩ vậy, Mộ Dung Phục liền đứng dựa vào giá sách giả vờ ho rũ đi, nhưng trong bụng y nghĩ lung lắm. Y chờ cơ hội đối phương không kịp đề phòng sẽ tập kích đột ngột. Nhà sư già quay lại nhìn Tiêu Viễn Sơn lạnh lùng hỏi: - Tiêu lão cư sĩ đã muốn chính mắt trông thấy Mộ Dung lão cư sĩ chết để hả mối thù hận chứa chất trong lòng bấy lâu nay. Bây giờ Mộ Dung lão cư sĩ chết rồi, Tiêu lão cư sĩ đã nguôi giận chưa? Tiêu Viễn Sơn thấy nhà sư già phóng chưởng đánh chết Mộ Dung Bác đã kinh ngạc vô cùng lại nghe nhà sư hỏi vậy thì trong lòng không khỏi bâng khuâng, miệng há hốc ra, lưỡi co rúm lại không biết nói sao. Trong ba mươi năm trời nay, Tiêu Viễn Sơn tìm trăm phương, nghìn kế để báo mối thù giết vợ, cướp con. Cách đây hơn một năm, lão mới xuất hiện. Sau khi điều tra được vụ thảm án ngoài ải Nhạn Môn qua, lão đã liên tiếp đánh chết từng người một, những tay hào kiệt Trung Nguyên có dính líu đến vụ thảm án đó. Ngoài ra Huyền Khổ đại sư cùng vợ chồng Kiều Tam Hoè cũng bị chết về tay lão lại biết cả thủ lãnh đại ca cầm đầu vụ gây hấn Huyền Từ phương trượng chùa Thiếu Lâm. Lão lại vén cả bức màn bí mật về mối gian tình giữa Huyền Từ và Diệp Nhị Nương trước quần hùng thiên hạ. Như vậy mối hận lòng của lão đã trả đũa một cách cay độc là khiến cho Huyền Từ thân danh tan nát rồi phải tự sát. Nhưng cái chết của Huyền Từ thiệt là quang minh lỗi lạc, không mất phong độ của bực anh hùng khí khái. Tiêu Viễn Sơn trong thâm tâm cũng có điều hối hận là hành động của mình đã quá tàn nhẫn. Cái chết của Diệp Nhị Nương cũng làm cho lão áy náy trong lòng. Sau Tiêu Viễn Sơn lại khám phá ra vụ Mộ Dung Bác phao tin thất thiệt để gây nên vụ thảm biến ngoài ải Nhạn Môn quan, Mộ Dung Bác lại chính là nhà sư áo trắng người cùng ẩn núp trong chùa Thiếu Lâm với mình, đã cùng mình giao thủ ba phen mà không phân thắng bại. Tiêu Viễn Sơn đem lòng căm hận Mộ Dung Bác đến cực điểm, căm hận những muốn xé thịt lột da, rút từng rẻ xương. Ngờ đâu nhà sư già vô danh đã phóng chưởng đánh chết kẻ thù của mình một cách quá dễ dàng! Biến diễn đột ngột này khiến cho lão rất đỗi bâng khuâng, tâm thần bàng hoàng, tưởng chừng như dưới thế gian không còn chỗ để cho mình đứng. Từ thuở nhỏ, Tiêu Viễn Sơn đã hào khí ngất trời luyện cho có một bản lãnh xuất thần nhập hoá: Lão chuyên tâm trí đem sức mình ra giúp được đặng lập công danh và để trở thành một nhân vật được nêu tên trong sử sách. Lão cùng bà vợ cư xử với nhau rất tương thân tương ái. Sau ngày thành hôn chẳng bao lâu thì sinh hạ quý tử. Lão đang sung sướng hy vọng tràn trề thì bỗng nhiên xảy ra tấn thảm kịch đau đớn nhất thế gian là chết vợ, mất con ngoài ải Nhạn Môn quan. Lão lao xuống vực thẳm không chết, rồi từ đó, lão hoàn toàn biến thành con người khác, coi công danh sự nghiệp, danh vọng tiền tài như đất bùn. Ngày đêm lão nghĩ đến việc làm sao cầm gươm đâm suốt ngực cừu nhân cho hả giận. Tiêu Viễn Sơn vốn là người hào sảng chất phác, nóng nảy, chứ không có tâm địa hiểm sâu. Nhưng mối hận thù đã làm cho lão biến tính ngày càng tàn nhẫn. Lão ẩn nấp trong chùa Thiếu Lâm mấy chục năm trời, ban ngày lén lút trong chỗ kín, chỉ ban đêm mới ló ra để nghiên tập võ công. Quanh năm chẳng nói với ai nửa lời, tính tình lão dần dần biến đổi. Sau đó, kẻ đại thù mấy chục năm trời nay liên tiếp chết về tay lão. Theo lẽ ra thì Tiêu Viễn Sơn sung sướng lắm mới phải. Thế mà trong lòng lão lại cảm thấy một nỗi tịch mịch thê lương khôn tả, vì trên đời đối với lão không còn có việc gì để mà lão đứng tựa thấy vẻ mặt kẻ thù vẫn hoà bình, trên môi còn đọng một nụ cười, tưởng chừng như sau khi chết đi y lại vui thú hơn là lúc còn sống. Tiêu Viễn Sơn thấy thế trong lòng lại ngấm ngầm khen cho y tốt phước. Khi người ta đã chết rồi thì bao nhiêu nợ nần, thù oán đều phủi sạch. Trong thời gian khoảnh khắc này Tiêu Viễn Sơn tính lại thì bao nhiêu kẻ thù đều chết hết, mối thù của mình hoàn toàn đã trả xong. - Bây giờ ta biết đi đâu? Về Ðại Liêu hay ra ngoài ải Nhạn Môn ẩn cư? Hay dắt Phong nhi ra góc bể chân trời, tứ hải phiêu lưu? Nhưng lão tính cách nào cũng thấy hoàn toàn vô vị. Bỗng nhà sư già cất tiếng hỏi: - Tiêu lão cư sĩ, bây giờ lão cư sĩ muốn đi đâu xin cứ việc tuỳ tiện. Tiêu Viễn Sơn lắc đầu đáp: - Lão phu... Lão phu biết đi đâu bây giờ? Lão phu chẳng còn có chỗ nào để đi nữa! Nhà sư già hỏi: - Bây giờ Mộ Dung lão cư sĩ đã bị lão tăng đánh chết rồi. Phải chăng trong lòng Tiêu lão cư sĩ còn có điều hối tiếc là không phải chính tay mình hạ sát kẻ thù? Tiêu Viễn Sơn đáp: - Không phải thế. Dù thần tăng chẳng đánh chết y thì lão phu cũng chẳng muốn đánh chết y làm chi nữa. Nhà sư già gật đầu nói: - Ðúng thế! Nhưng Mộ Dung thiếu hiệp kia vì đau xót phụ thân bị đánh chết còn muốn báo thù lão tăng và Tiêu lão cư sĩ thì biết làm thế nào? Tiêu Viễn Sơn trong lòng chán nản đáp: - Thần tăng đã vì lão phu mà ra tay. Nếu Mộ Dung thiếu hiệp muốn báo thù cho phụ thân thì cứ lại đây mà giết lão phu đi là xong. Ðột nhiên lão buông tiếng thở dài nói tiếp: - Mộ Dung thiếu hiệp có giết ta cũng là phải. Phong nhi! Ngươi trở về Ðại Liêu đi! Mọi việc của chúng ta đều xong hết, và quãng đường đi của chúng ta đến đây là tới nơi rồi. Tiêu Phong la lên: - Gia gia... Nhà sư già lại lên tiếng: - Nếu Mộ Dung thiếu hiệp hạ sát Tiêu lão cư sĩ thì tất lệnh lang lại giết Mộ Dung thiếu hiệp để báo thù cho phụ thân. Như vậy oán thù trong vòng lẩn quẩn mãi biết bao giờ cho xong. Chi bằng bao nhiêu tội nghiệt trong thiên hạ trút lên đầu lão tăng hết là xong? Nhà sư nói xong tiến ra một bước đánh vào đầu Tiêu Viễn Sơn. Tiêu Phong thấy vậy giật mình kinh hãi , vết xe trước hãy còn nguyên đó. Ông biết rằng nhà sư già này chỉ phóng một chưởng là đánh chết được Mộ Dung Bác thì chưởng này phóng ra cũng hạ sát phụ thân mình một cách dễ dàng. Ông liền hốt hoảng la lên: - Dừng tay! Ðồng thời phóng cả song chưởng ra chiêu "Kháng long hữu bối" đánh mạnh vào trước ngực nhà sư già. Nguyên Tiêu Phong đối với vị thần tăng này vẫn một lòng kính ngưỡng, nhưng lúc này vì ông nóng nảy cứu viện phụ thân, chỉ còn cách vung chưởng ra để đánh lại . Thế chưởng này vô cùng mãnh liệt. Vật gì kiên cố đến đâu cũng phải tan vỡ, hay người xương đồng, da sắt cũng khó lòng toàn mạng. Nhà sư già đưa chưởng bên trái ra để đỡ gạt song chưởng của Tiêu Phong. Ðồng thời tay phải tiếp tục giáng xuống đỉnh đầu Tiêu Viễn Sơn. Tiêu Viễn Sơn chưa kịp nghĩ đến chuyện kháng cự thì thấy tay phải lão tăng đang đánh xuống huyệt "Bách Hội" trên đỉnh đầu mình. Ðột nhiên nhà sư lại quát lên một tiếng rồi đổi hướng tay, tay phải đánh lại Tiêu Phong, song chưởng của Tiêu Phong đang chống với chưởng của nhà sư thì đột nhiên hữu chưởng của nhà sư lại tập kích tới nơi ông liền rụt tay trái về ra chiêu "Kiến long tại điền" để chống đỡ, đồng thời la lên: - Gia gia! Chạy cho mau! Không ngờ, hữu chưởng của nhà sư chỉ biến chiêu nửa vời và đó là một hư chiêu để cho chưởng lực của Tiêu Phong phải giảm bớt đi một nửa lực đạo để quay về tự hộ vệ mình. Tiêu Phong vừa rụt tay trái về thì tay phải nhà sư lại lập tức chuyển hướng đánh bốp một tiếng trúng vào đỉnh đầu Tiêu Viễn Sơn. Giữa lúc ấy hữu chưởng của Tiêu Phong cũng đánh tới binh một tiếng đập trúng trước ngực nhà sư. Tiếp theo là những tiếng kêu lắc rắc tưởng như xương cốt vị sư già bị gãy nát. Nhà sư già tủm tỉm cười nói: - Bản lãnh của Tiêu cư sĩ thiệt là ghê gớm! "Hàng Long thập bát chưởng" quả nhiên đứng vào bậc nhất trong thiên hạ. Nhà sư chưa dứt lời thì máu tươi trong miệng đã phun ra có vòi. Tiêu Phong đứng thộn mặt ra! Ông lại nâng người phụ thân dậy thì thấy lão đã tắt hơi thở rồi, trái tim cũng ngừng đập. Thế là Tiêu Viễn Sơn cũng bị chết về tay nhà sư già. Bỗng dưới chân lầu có tiếng người hỏi: - Chẳng lẽ họ ở trong Tàng kinh các chăng? Rồi mấy người chạy mau tới nơi. Nhà sư già nói: - Cần kíp đến nơi rồi! Ta chạy đi thôi. Nhà sư đưa cả hai tay ra, tay phải nắm lấy cổ áo Tiêu Viễn Sơn, tay trái nắm lấy cổ áo Mộ Dung Bác rồi phóng cước bộ đi rất mau tựa hồ như chân không chấm đất. Nhà sư khoa chân bước ra. Tiêu Phong cùng Mộ Dung Phục la lên: - Ðại sư... đại sư làm gì thế? Ðồng thời phóng chưởng lực ra đánh vào sau lưng nhà sư. Vừa rồi Tiêu Phong cùng Mộ Dung Phục đứng vào thế cừu thù không đội trời chung. Nhưng bây giờ phụ thân hai người bị hại cả rồi, nên hai người lại coi nhà sư là kẻ thù chung nên hợp lực đuổi theo. Chưởng lực của hai người hợp lại mãnh liệt vô cùng, kình lực phát ra làm rung chuyển Tàng kinh các. Nhà sư già người nhẹ như chiếc diều giấy, luồng chưởng phong của hai người đẩy xô về phía trước mấy trượng. Nhà sư hai tay vẫn nắm hai xác chết rồi cả ba người lơ lửng chân không chấm đất, bay vọt đi, tưởng chừng không phải là tấm thân bằng thịt, bằng xương. Tiêu Phong tung mình nhảy qua cửa sổ rượt theo, thấy nhà sư già hai tay cầm hai xác chết chạy thẳng lên núi. Tiêu Phong gia tăng cước bộ tưởng chừng chỉ chạy thêm vài bước nữa là đuổi đến sau lưng nhà sư. Không ngờ khinh công của nhà sư rất là kỳ dị, tựa hồ như người có tà thuật. Tiêu Phong ra sức chạy, tiếng gió vù vù sắc như dao. Ông tự biết mình chạy cực nhanh mà thuỷ chung vẫn còn cách nhà sư già đến hai ba trượng. Ông phóng chưởng ra liên tiếp mà đều đánh vào quãng không. Nhà sư già mỗi lúc một vượt lên cao. Lão chạy quanh quẩn trong khu rừng hoang. Ðến một khu rừng khá bằng phẳng và rộng rãi, đột nhiên, lão đặt hai xác chết xuống gốc cây trông như người ngồi xếp bằng. Còn nhà sư tự mình ngồi phía sau đưa hai bàn tay ra đỡ lưng hai xác chết. Nhà sư vừa ngồi yên thì Tiêu Phong đuổi đến nơi. Tiêu Phong tuy tính tình hào sảng mà xử sự rất tinh tế. Ông thấy nhà sư có cử chỉ khác lạ liền không động thủ nữa. Bỗng nghe nhà sư nói: - Lão tăng cắp hai vị chạy một lúc thành ra mạch máu lại lưu thông. Tiêu Phong dường như không tin ở tai mình. Người đã chết khi nào mạch máu còn lưu thông trở lại được.