Luận Anh Hùng
Chương 420 : Ung Dung Tiến Lui Từ Xưa Khó
Một đóa tường vi một thanh kiếm.
Y, áo trắng như tuyết, một mình, vượt qua mái ngói, một đường thăm hoa gõ trăng đến tìm nàng.
Ánh trăng trong vắt, nhưng lạnh.
Ánh đèn nhẹ nhàng, lại ấm áp.
Đạp lên ánh trăng, Thích Thiếu Thương cầm hoa, cuối cùng nhìn thấy ánh đèn treo ở Huân hương các, tầng thứ ba của Túy Hạnh lâu, hẻm Tiểu Điềm Thủy.
Đó là nơi cư ngụ của Lý Sư Sư.
Lầu nhỏ lưu luyến, đèn lập lòe, người thương tiếc.
Một ngọn đèn như hạt đậu, nhưng lại sưởi ấm một trái tim lãng tử, hoang liêu đã lâu của Thích Thiếu Thương, khiến y sinh ra cảm giác về nhà.
Nếu thật sự là nhà, vậy thật tốt!
Trong suy nghĩ của lãng nhân hiệp khách, dường như chỉ có lưu lạc và quyết chiến.
Thực ra lãng hiệp cũng biết mệt mỏi, khi đó kẻ lãng tử dù có bất kham cũng sẽ sinh ra ý niệm lập gia đình.
Trong suy nghĩ của phần lớn mọi người, nhà còn quan trọng hơn là nước.
Quốc gia là việc công, việc chính, không có nước ổn định, nào có nhà ổn định?
Có điều, quốc gia đại sự, sức của thất phu, dũng của trượng phu, thường thường không thể nhúng tay, khó có cơ hội xoay chuyển.
Nhà lại bất đồng, đó là chuyện riêng, chuyện bên mình, chuyện sinh hoạt hàng ngày, lại là gần gũi, đặc biệt cảm nhận, thể nghiệm được.
Nếu không phải vì giữ gìn gia đình ấm áp, cần gì phải quên mình đi bảo nước vệ dân?
Do đó việc nhà quả thật xếp trước việc nước, việc thiên hạ. Có điều một khi thiên hạ đại biến, quốc gia khó khăn, vậy thì nhà cũng hết sức nguy ngập.
Đối với Thích Thiếu Thương, giang hồ là cơn sóng xung phong một trận rồi lắng lại, nhưng bình tĩnh chỉ là thủ thế cho lần xung phong kế tiếp. Y đã từng một tay tập hợp thế lực giang hồ gần như lớn nhất trong nơi hoang dã vắng vẻ, hiện nay lại một tay xây dựng bang hội tổ chức gần như lớn nhất trong kinh thành phồn hoa. Nhưng y lại chưa lập gia đình, người người đều có nhà, từ trước đến giờ y lại chưa từng có. Do đó đối với y, một đốm lửa nhỏ này cũng giống như ngôi nhà lâu ngày không thấy.
Nó đã thành mong đợi, đã thành hi vọng.
Nếu như lầu các đốt đèn này chính là ngôi nhà do y xây dựng, nữ nhân đốt đèn chỉ chờ một mình y trở về, vậy thì tốt rồi.
Đó là nhà của y, ngôi nhà thuộc về y.
Y đã từng lập nên thành tựu, nhưng cũng bị người ta đánh cho không trở mình được.
Y đã từng đánh ra thiên hạ, nhưng cũng lưu vong chân trời.
Y đã từng sáng lập thế lực phi phàm, nhưng cũng thất bại thảm hại.
Thế nhưng y chưa bao giờ có, từ trước đến giờ không có… một ngôi nhà.
Cho nên y quý trọng ánh đèn này.
Một đốm sáng như ngọn lửa, một ngọn đèn như hạt đậu.
Một chút ánh sáng này.
Bởi vì đây là nhà trong suy nghĩ của y.
Lãng tử mệt rồi phải về nhà, quạ bay mệt rồi phải về tổ.
Thích Thiếu Thương tung hoành thiên hạ, lúc lên lúc xuống, hiện nay vẫn độc bước thiên hạ, kiêu ngạo quần hùng. Có điều ung dung tiến lui từ xưa khó, y cũng giống như những người bình thường, cần một ngôi nhà.
Nhà là cái gì?
Có lẽ chỉ là có mùi cơm, có bận lòng, có một cái giường cũ chờ y về ngủ, có nữ nhân phí hoài ngày tháng vì y mà không oán trách, có hài tử chờ y trở về gọi một tiếng “cha”.
Nhà là một loại dừng chân.
Chim bay đã lâu, cuối cùng cũng cần một nơi đậu lại.
Ban ngày sáng lâu rồi, cũng phải nhường chỗ cho buổi tối ôn nhu.
Thanh kiếm giết người, chung quy cũng phải về vỏ.
Lãng tử mệt rồi, phải có một ngôi nhà.
Vấn đề là, đây có thể xem là nhà của y hay không?
Trong Huân Hương các của Lý Sư Sư, đèn đóm như nhung mềm màu vàng, ấm áp như một giấc mộng đẹp. Cô gái Lý Sư Sư này cũng ôn nhu như đêm, đẹp đến giống như một giấc mộng ngọt. Nếu như đây là nhà, chờ đợi y tới đương nhiên chính là mỹ nhân như ngọc kiếm như cầu vồng.
Thế nhưng đây thật sự là ngôi nhà chỉ chờ một nam nhân là y trở về sao?
Nếu như y không thể xem nơi này là nhà, vậy thì cứ đón Lý Sư Sư về Kim Phong Tế Vũ lâu. Phong Vũ lâu có nữ nhân ngọt ngào, xinh đẹp như Bạch Mẫu Đơn, có nhiều anh hùng, nhiều hảo hán, nhiều hào kiệt, nhiều nghĩa sĩ như vậy, nhất định có thể chứa được, cũng sở hữu được một giấc mộng xuân trong lầu hồng.
Có điều, Lý Sư Sư có phải là nữ nhân của y hay không? Nàng có phải chỉ có một nam nhân là y hay không?
Dưới ánh trăng như đao tối nay, Thích Thiếu Thương đã có một quyết định.
Y quyết tâm phải hỏi cho rõ ràng.
Trong khoàng thời gian không tính là dài, cũng không tính là quá ngắn này, bọn họ chung sống rất tốt, rất hợp ý, rất kích tình.
Kích tình và thâm tình dù sao cũng có điểm không giống, thâm tình sâu sắc hơn so với kích tình, mà kích tình lại thường có kinh hỉ, vô cùng kích thích.
Trong khoảng thời gian này, những khi có thể gặp được Lý Sư Sư, Thích Thiếu Thương luôn tìm trăm phương ngàn kế để gặp nàng, cùng nhau nói thơ, nói tranh, nói sử, đương nhiên tuyệt đối không thể thiếu nói tình.
Trong quá khứ từng trải của Thích Thiếu Thương cũng từng gặp không ít nữ nhân xinh đẹp. Có rất nhiều nữ nhân, chỉ cần biết y là Thích Thiếu Thương liền nguyện ý giao cho y tất cả. Cũng có nữ nhân không biết y là ai, lại bởi vì vừa ý mà thích y. Đương nhiên cũng có nữ nhân mà y thích, nhưng lại không có duyên phận, không thể có được. Có điều, suy cho cùng nói chuyện tình cảm với Lý Sư Sư vẫn là một chuyện rất kích thích và kích tình.
Nói chuyện tình yêu, có lúc cũng không phải là chỉ nói tình, chỉ nói yêu. Có lúc tình là dùng cờ để “nói”.
Tài đánh cờ của Lý Sư Sư rất cao. Ban đầu Thích Thiếu Thương không biết, cho rằng phải nhường nàng, đừng khiến nàng hờn dỗi thì không vui. Nữ nhân đều là người không thể thua, cho nên y rất ít khi tỷ võ hơn thua với nữ nhân, đánh cờ cũng như vậy.
Lại không ngờ, khi thật sự đánh cờ, mới biết Lý Sư Sư rất giỏi. Thích Thiếu Thương giỏi về tấn công, kỳ nghệ của y có kiếm khí, “công thành vượt hào, giống như lấy đồ trong túi”, đây là lời tâng bốc của Lý Sư Sư đối với y.
Thế nhưng kỳ nghệ của Lý Sư Sư cũng không tầm thường, mỗi lần lui giữ đều bao hàm cơ hội phản kích, thủ ổn khiến đối phương tấn công kiệt sức, nàng mới dùng một chiêu bao vây ngược lại, thường thường tiêu diệt kẻ địch trong nháy mắt.
Thích Thiếu Thương và nàng đánh tới đánh lui, một công một thủ, vừa lúc giống như phối hợp, trời đất tạo nên, khiến cho người ngoài, danh sĩ nhìn thấy mà hâm mộ; nếu bọn họ đánh cờ với Lý Sư Sư, chưa được bao lâu đã bị vây trong ôn nhu, không thể động đậy. Mẹ nuôi Lý mỗ của Sư Sư cũng nói:
- Sư Sư giỏi thủ, công tử giỏi công, nhìn nhau mà đánh, chỉ ước uyên ương.
Lúc đầu, Lý Sư Sư thật sự không sự có cách nào ngăn cản sư đoàn tinh nhuệ, thế công không gì không phá được của Thích Thiếu Thương, cố gắng phòng thủ kéo dài một lúc, cũng khó tránh khỏi bại trận.
Thích Thiếu Thương cười nói:
- Kỳ nghệ của cô có thiên phú, đáng tiếc là quá điềm đạm, thủ tám phần, công hai phần, công chưa đến đã cầu thủ, đến nỗi tiến không quân khí, lui như nữ nhi. Sư phụ của cô là ai?
Lý Sư Sư cũng không giận, mỉm cười nói:
- Trương Tiên dạy ta đánh cờ.
Thích Thiếu Thương “à” một tiếng:
- Trương Tiên là lãnh tụ giới thơ từ, hắn từng nói nụ cười của cô là “thiên hạ không hai, cái thế vô song”, còn làm một bài “Giảm Tự Mộc Lan Hoa” để khen ngợi cô.
Sau đó Y ngâm lên:
- Tóc xoăn rũ trán, bước nhanh thảm đỏ theo điệu nhạc. Chỉ sợ nhẹ bay, muốn nhờ tơ nhện giữ lại nàng. Giày thêu uyên ương, đi như cơn gió không nhiễm bụi. Múa hết (điệu) Lương Châu, hoa cài trên đầu còn run rẩy.
Lý Sư Sư không ngờ Thích Thiếu Thương có thể thuận miệng đọc lên bài từ mà người khác ca ngợi miêu tả nàng, trong lòng mừng rỡ, liền nói:
- Từ mà Trương Tiên viết thật hay, con người cũng tốt, nếu các người gặp nhau, nhất định có thể trở thành bạn tốt.
Thích Thiếu Thương cười một tiếng, dứt khoát nói:
- Ta không muốn quen biết hắn.
Lý Sư Sư ngẩn ra.
Thích Thiếu Thương nói:
- Hắn rất có địa vị trong giới thơ từ, nhưng trong mắt ta, từ của hắn phấn hồng quá nặng. Cho dù “đi như cơn gió không nhiễm bụi, hoa cài trên đầu còn run rẩy” đều là câu hay, nhưng quốc gia gian khó, mưa gió hưng vong, hắn chỉ dùng một câu “múa hết Lương Châu”, như vậy xong chuyện. Ta phải thêm cho hắn một câu “văn nhân ngông cuồng, chỉ biết hoang đường chưa tỉnh mộng”.
Lý Sư Sư đã hiểu ngầm được tâm ý của Thích Thiếu Thương, sau đó cho dù đề cập đến đám văn nhân, danh sĩ Cổ Dịch, Tần Thiếu Du với y, cũng chỉ chạm đến thì dừng.
Thế nhưng, có lẽ vì đã đánh cờ nhiều lần với Thích Thiếu Thương, kỳ nghệ của nàng cũng tinh tiến rất nhiều, hơn nữa dần dần công thủ thích hợp, trong thế công ẩn chứa khí thế sát phạt, còn kiên quyết bức người.
Có lúc ngay cả Thích Thiếu Thương cũng bị kiếm khí trong sát chiêu của nàng áp bức, cũng từng bị mũi nhọn nàng làm thiệt hại.
Đây giống như khí thế binh gia, bình tĩnh bố trí của Thích Thiếu Thương, nhưng trong đó lại có thay đổi, cao ngạo xuất trần, thành một hướng khác, ngay cả Thích Thiếu Thương cũng phải cảm thán, rất là bội phục.
Có thể từ trong đường cờ của ta biến hóa như vậy, tạo thành một hướng cao ngạo thanh tịnh, tài năng bộc lộ, đáng mừng đáng khen.
Lý Sư Sư chỉ cười duyên không nói.
Có điều, đến thời điểm quan trọng, nàng luôn luôn thua y một quân nửa nước, cuối cùng bại trận.
Thua mấy bàn, Thích Thiếu Thương ném cờ cảm thán:
- Cô từ trong kỳ nghệ của ta tạo thành một cục diện khác, tự thành một phái, chuyện này cũng không khó, cái khó chính là có thể tự nguyện chịu thua. Ung dung tiến lui từ xưa khó, cô có thể nhận thua cầu bại, so với người chỉ biết thủ thắng tranh hùng thực sự mạnh hơn rất nhiều, rất nhiều.
Lý Sư Sư vẫn mỉm cười không nói.
Hoa mẫu đơn nở rộ trong đình viện, dưới ánh trăng yên tĩnh đẹp như đèn.
Đánh cờ như đối địch trên võ công, từ trong giao thủ, giải thích “bức” ra tính tình thật.
Bọn họ nhìn như đánh cờ, thực ra cũng là đang giao thủ, giao tâm, thậm chí cũng đang nói yêu, nói tình.
Chẳng những chung tình, mà còn tận tình.
Truyện khác cùng thể loại
24 chương
15 chương
145 chương
8 chương
64 chương
126 chương
17 chương