La Chu nhìn ra ngoài cửa sổ, gió thu từ bên ngoài thổi vào trong nhà, tai anh như phảng phất có tiếng gì, nó giống như trong vở kịch anh đang viết. Những ngón tay của anh dừng lại hồi lâu trên bàn phím, nửa tiếng, cũng có thể là một tiếng, anh không gõ được một chữ nào trên màn hình. Anh lặng lẽ nhìn vào đề mục của vở kịch “Đoạn hồn Lâu Lan”, bỗng anh cảm thấy ân hận, vì sao mở đầu lại viết về Thành cổ Lâu Lan? Chẳng lẽ chỉ vì yêu thích tiểu thuyết của Yasushi Inoue nên vở kịch đầu tay này tất cả đều dành cho cái thành cổ xa xôi đó, có lẽ bản thân suy nghĩ chưa được thấu đáo. Nếu như viết một kịch bản về đề tài yêu đương quen thuộc trên mạng có lẽ dễ viết hơn. Trong cái văn học mạng buồn chán ấy chỉ cần viết mấy đoạn đối thoại dài là xong, mà lại còn hấp dẫn lớp trẻ, thậm chí còn có thể lấy khái niệm mới “Kịch nói trên mạng” để sao chép lại cũng được. Nhưng bây giờ đã muộn, có lẽ chủ định của mình đã bị cát vàng của Thành cổ Lâu Lan vùi lấp mất rồi. Cái kết này, cái kết chết người này mãi mà vẫn không làm sao sinh ra dưới bàn phím của anh được. La Chu cảm thấy sáng tác giống như phụ nữ sinh con, giai đoạn cuối cùng là giai đoạn đẻ. Một tác phẩm hoàn chỉnh sẽ giống như một đứa trẻ sơ sinh được sinh ra từ trong suy nghĩ tìm tòi. Vận khí tốt thì sẽ đẻ thuận, vận khí xấu sẽ khó đẻ. Trong tâm tưởng của La Chu, hiện anh đang ở giai đoạn khó đẻ. Không nghi ngờ gì, anh cũng đau khổ vạn phần như người phụ nữ khó đẻ, chỉ muốn cầu cứu một linh cảm thần bí để cứu lấy cái bào thai sắp chết. Nhưng từ sau khi chứng kiến sự việc xảy ra lần trước, anh không dám nửa đêm xuống ven sông Tô Châu dạo bộ tìm cảm hứng nữa. Mặc dù chưa có được một cái kết, nhưng buổi sáng La Chu vẫn đem một phần tác phẩm đã đánh máy xong đến rạp cho các diễn viên đọc. Các diễn viên chỉ đọc lướt qua. Thậm chí Tiêu Sắt chẳng thèm ngó qua đã nói đoạn này viết hay như Shakespear. Kịch bản của La Chu phá vỡ thứ tự thời gian, sắp xếp như thế khiến các diễn viên xem không hiểu. Buổi sáng khi các diễn viên xem kịch bản, anh chăm chú quan sát phản ứng của họ. Duy nhất chỉ có một người khiến anh không thất vọng đó là Lam Nguyệt. Lam Nguyệt đọc kịch bản không sót một chữ, hình như cô có tâm sự, muốn nói với La Chu, nhưng cuối cùng lại chẳng nói gì cả. Vào lúc La Chu vừa dừng những suy nghĩ về công việc của buổi sáng thì bỗng nhiên có tiếng chuông điện thoại, anh nhấc điện thoại lên, bên kia là giọng một phụ nữ... - A lô, có phải anh La Chu đấy không? - Tôi đây! - Em là Lam Nguyệt, bây giờ em có thể đến chỗ anh được không? Câu nói đó của Lam Nguyệt khiến tim La Chu như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực, anh không biết nên trả lời thế nào cho phải, vội nói: - Hoá ra là Lam Nguyệt, nhưng bây giờ đã muộn rồi, đi đường sẽ không tiện. - Em đang ở trước cửa nhà anh đây này! Lam Nguyệt tắt máy. Cô ấy đang ở trước cửa? Nhất định là mang theo điện thoại di động. La Chu vội đứng dậy, ra mở cửa. Quả nhiên là Lam Nguyệt, cô đang cầm điện thoại di động đứng ở cửa, miệng nở một nụ cười đầy ngụ ý. La Chu chú ý đến cái ngụ ý trong nụ cười của cô, chẳng biết dùng ngôn ngữ nào để miêu tả dáng điệu của Lam Nguyệt lúc đó. Thật vô cùng quyến rũ, trong đêm khuya tĩnh lặng, một người con gái đẹp đứng trước cửa nhà khiến người ta có cảm giác ấm áp khó tả. Đương nhiên là anh vội vàng đón cô vào nhà. Lam Nguyệt lặng lẽ bước vào nhà, đi đến trước máy tính của La Chu, cô nhẹ nhàng nói: - La đạo diễn, kịch bản của anh sao vẫn chưa viết xong? La Chu cười đau khổ một lúc rồi nói: - Viết không ra, bây giờ đang đau đầu đây. Lam Nguyệt, khuya thế này rồi em đến có việc gì? - Em không đến được sao? - Cô quay đầu lại nhìn anh. - Đương nhiên là được, anh chỉ muốn nói bây giờ muộn rồi. - La Chu cảm thấy hơi khó xử. - Đêm chỉ mới bắt đầu thôi! La Chu cúi đầu nhìn đồng hồ, đã 10giờ 30 rồi. Anh vội nói: - Em uống gì? - Em không muốn uống gì cả. - Lam Nguyệt lạnh lùng nói: - Thực ra em đến đây là vì kịch bản của anh. - Kịch bản của anh? Em có ý kiến gì về kịch bản? La Chu hơi thất vọng, anh vẫn cho rằng Lam Nguyệt đến là vì vị trí diễn viên chính của vở kịch, giống như Tiêu Sắt đeo bám anh. - Hết sức xin lỗi anh, em nói thật, kịch bản của anh viết không được hay! La Chu đứng ngây ra, anh như bị cô ta nhìn thấu tim, anh thật thà nói: - Anh thừa nhận! Lam Nguyệt mỉm cười: - Nếu cứ viết theo kiểu của anh, thì đến ngày biểu diễn cũng không thể viết xong được! La Chu bất đắc dĩ gật đầu. Anh cảm thấy cô gái đứng trước mặt mình có sự hiểu biết hơn người, những cô gái bình thường không thể bì được. Tiêu Sắt cũng phải lu mờ trước cô ấy. Lam Nguyệt tiếp tục nói: - Để em viết chung với anh nhé! - Em nói gì? Em viết cùng với anh á? - Anh không tin em à? - Mắt cô nhìn thẳng vào mắt La Chu. La Chu dang hai tay: - Được thôi, bây giờ em hãy nói cho anh nghe cấu tứ của em! Lam Nguyệt gật đầu, cô nhẹ nhàng nói: - Sai sót lớn nhất trong kịch bản của anh là nội dung hơi tầm thường, tuy kết cấu của nó đã phá vỡ thứ tự thời gian, nhưng điều đó không giúp gì cho kịch bản, ngược lại nó làm cho công chúng thất vọng, lãng phí một tài liệu tốt. Thực ra đề tài của vở kịch và tên của nó tương đối hay, “Đoạn hồn Lâu Lan”, một cái tên mang chủ nghĩa duy mỹ. Thành cổ Lâu Lan là một nơi thần bí biết bao, rất nhiều người đều hướng đến đó, nếu như có thể đưa được tính thần bí ấy vào trong kịch bản thì có thể lôi cuốn được nhiều khán giả, thậm chí còn khiến cho đoàn kịch của chúng ta thành công. - Tính thần bí? La Chu gật đầu, anh như vỡ ra một điều gì đó từ trong câu nói của Lam Nguyệt. - Đúng. Thế giới tự nó đã rất thần bí, trong cuộc sống thường ngày cũng đã bao gồm nội dung huyền ảo của nó, Thành cổ Lâu Lan là một ví dụ. Kế hoạch của em là sẽ sửa đổi kịch bản thành thế này: Hơn một ngàn năm trước, quốc vương Thành cổ Lâu Lan trong một trận chiến đã thất bại cùng với quân đội của mình. Ông một mình nhảy xuống một ngôi mộ cổ, dưới mộ ông đã gặp một người đàn bà bí mật. Người đàn bà đó đã cứu ông, về sau, còn đính hôn với ông. Nhưng chẳng bao lâu sau, quốc vương chia tay cô trở về Thành cổ Lâu Lan, tiếp tục cuộc sống quân vương của mình. Một năm sau, quốc vương trở lại ngôi mộ cổ, đi tìm người đàn bà bí mật kia, nhưng ông phát hiện cô ta đã chết, để lại một đứa con gái. Quốc vương mang đứa bé về Thành cổ Lâu Lan, ông yêu nó như viên ngọc minh châu. Hai mươi năm sau, công chúa Thành cổ Lâu Lan trở thành người con gái đẹp nhất Tây Tạng. Hoàng tử nước Vu Điền, dũng sĩ nổi tiếng nhất Tây Tạng đến Thành cổ Lâu Lan định cầu hôn với Công chúa, nhưng do bị đại quân của Hãn quốc Nhu Nhiên, một dân tộc du mục ở phương bắc áp sát biên giới, quốc vương Thành cổ Lâu Lan bị ép phải gả Công chúa cho Khả hãn của Nhu Nhiên. Đêm đó, Công chúa bí mật yêu cầu được gặp Hoàng tử nước Vu Điền nhưng lại bị võ sĩ của quốc vương bắt về cung. Đúng lúc đó, Hoàng tử nước Vu Điền đến điểm hẹn, chàng gặp một cô gái thường dân, nhưng lại ngộ nhận đó là Công chúa Thành cổ Lâu Lan và bày tỏ tình cảm với cô. Do kịch bản quy định các cô gái Thành cổ Lâu Lan đều phải mang mạng che mặt, nên khi gặp, Hoàng tử Vu Điền không nhìn thấy mặt cô ta. Thực tế, cô gái thường dân kia mới là vai chính của vở kịch, tên của cô ta là Lan Na, một nữ nô tỳ. Về sau, đêm đêm, Hoàng tử đều đến chỗ hẹn gặp cô ta, còn Lan Na thì cũng cứ đến hẹn lại đến, mặc dù Hoàng tử không nhìn thấy mặt cô ấy. Hoàng tử ở lại Thành cổ Lâu Lan, nhà trọ mà chàng ở lại chính là nơi cô nữ tỳ Lan Na làm việc. Trong một lần rót nước cho Hoàng tử, tình cờ cô làm rơi mạng che mặt. Hoàng tử nhìn thấy mặt cô, chàng vô cùng ngạc nhiên trước vẻ đẹp của cô và dần dần bị cô mê hoặc. Về sau, Hoàng tử ban ngày nói chuyện với Lan Na, đêm đến lại đi gặp “Công chúa” tưởng tượng của mình. Kỳ thực cả hai người ấy đều chỉ là một, nhưng Hoàng tử không hiểu được điều ấy, cho nên chàng rơi vào tình trạng khó xử. Về sau, Hãn quốc Nhu Nhiên xé bỏ hiệp ước với Thành cổ Lâu Lan, không đợi đón công chúa, mở cuộc tấn công lớn vào Thành cổ Lâu Lan. Thế là Hoàng tử Vu Điền hăng hái nhận nhiệm vụ, lãnh đạo quân Thành cổ Lâu Lan xuất chinh đánh bại đại quân của Nhu Nhiên. Quốc vương Thành cổ Lâu Lan đã gả công chúa cho Hoàng tử để báo đáp công lao của chàng. Trong đêm tân hôn, Hoàng tử kéo mạng che mặt của Công chúa ra, rồi kể về những lần gặp nhau trước đây, Công chúa nói thật, người trước đây đến gặp Hoàng tử không phải là nàng, điều đó khiến Hoàng tử vô cùng ngạc nhiên, chàng đang đêm rời bỏ công chúa, để nàng một mình một bóng. Hoàng tử trở về nhà trọ, tìm Lan Na, làm rõ được chân tướng của sự việc, chàng tỏ tình với Lan Na, nhưng Lan Na không đồng ý cùng chàng cao chạy xa bay. Khi đó công chúa lòng tràn đầy phẫn nộ và ghen tị. Nàng cảm thấy bị lừa gạt nên quyết tâm báo thù. Hoàng tử Vu Điền lúc đó đã được sự ủng hộ của toàn thể người dân Thành cổ Lâu Lan, công chúa chỉ còn cách cầu cứu thần linh. Nàng cho người bắt Lan Na và tung tin Lan Na đã chết, xác chôn ở Phần mộ cốc. Hoàng tử Vu Điền tìm đến Phần mộ cốc và tự vẫn chết. Nhưng cái chết của Hoàng tử càng làm tăng thêm nỗi thù hận của công chúa với Lan Na. Nàng tiến hành một cuộc tế lễ thần linh đại qui mô, yêu cầu Lan Na phải thề trước thần linh là sẽ không yêu Hoàng tử nữa, nhưng Lan Na biểu hiện thái độ mãi mãi yêu Hoàng tử. Cuối cùng Công chúa giao đầu Hoàng tử cho Lan Na. Lan Na ôm đầu Hoàng tử khóc, rồi nàng tự vẫn trước mặt các thần linh. Trước khi tự vẫn, nàng gọi tên vị thần trông coi cái chết ở Thành cổ Lâu Lan, đưa ra một lời nguyền rủa vĩnh hằng với Thành cổ Lâu Lan. Nguyền rằng, vương quốc Thành cổ Lâu Lan sẽ biến mất khỏi thế giới trở thành một thành trì chết trong hoang mạc. Mấy năm sau, khi đi vào vùng lưu vực của hồ La Bố, nguồn nước càng ngày càng ít dần, người ta bắt đầu cảm thấy lời nguyền rủa của Lan Na trước khi chết đã có tác dụng. Cuối cùng, nguồn nước của hồ La Bố hoàn toàn cạn kiệt. Thành cổ Lâu Lan bị người đời bỏ quên vì thiếu nước. Người Thành cổ Lâu Lan rời bỏ xóm làng quê hương mà đi. Lúc đó Công chúa Thành cổ Lâu Lan rời hoàng cung đến sám hối trước mộ của Lan Na. Tại đó nàng mơ một giấc mơ, trong giấc mơ, mẹ nàng nói với nàng rằng nàng còn có một người em gái song sinh không giống nàng lắm, khi sinh ra đã bị một người chủ nhà trọ đi qua vùng này bắt đi. Về sau, đứa em song sinh này lớn lên có tên là Lan Na. Đến lúc này Công chúa mới hiểu ra tất cả, chính nàng đã hại chết đứa em ruột thịt của mình, cuối cùng công chúa đã chết trong đau khổ, còn Thành cổ Lâu Lan thì trở thành một tòa thành chết cho đến ngày nay. La Chu thong thả nghe hết những lời Lam Nguyệt, cho đến cái kết cuối cùng, hầu như tất cả như chìm vào trong lời nói của cô, anh không còn biết nói thế nào cho phải. Có lẽ một cảm giác hổ thẹn khó nói lên lời, bản thân anh viết với thời gian dài như thế nhưng không chinh phục được ai, thế mà cô ta chỉ dùng vẻn vẹn một thời gian ngắn đã tóm tắt xong câu chuyện, và anh phải thừa nhận, câu chuyện này có thể lay động được lòng người, bởi vì chí ít nó cũng làm cho anh thấy cảm động. Anh định nói, nhưng không biết phải biểu đạt thế nào, đành chỉ đứng lặng người nhìn chằm chằm vào mắt Lam Nguyệt. - Anh sao thế? - Lam Nguyệt khúc khích cười. La Chu biết thái độ của mình hơi bất lịch sự: - Không, không có gì, em nói hay quá! Vừa nãy nói nhiều thế, chắc giờ khát rồi! Anh vội đứng dậy, lấy từ tủ lạnh ra một lon nước ngọt đưa cho Lam Nguyệt. Lam Nguyệt uống mấy ngụm, sau đó thò đầu lưỡi nhấp nhấp môi. La Chu nhìn trong mắt, cảm thấy cái điệu liếm môi của cô rất có sức quyến rũ. Nhưng anh chẳng kịp nghĩ thêm, vội hỏi cô: - Lam Nguyệt, sao mà em lại nghĩ được ra? Có được sự gợi mở gì vậy? - Tính thần bí, tính thần bí là rất quan trọng, Thành cổ Lâu Lan biến mất như thế nào? Chính là biến mất như thế đấy, em rất thích câu chuyện xảy ra như thế! Đấy là một sự thần bí vĩnh hằng, mãi mãi khiến người ta ngưỡng vọng! - Em cho là Thành cổ Lâu Lan biến mất bởi lời nguyền đó sao? Quả là có sức tưởng tượng! - La Chu gật đầu. - Em tin vào lời nguyền! - Lam Nguyệt lạnh lùng nói. La Chu rất mẫn cảm với hai chữ “Lời nguyền”, anh chuyển đề tài: - Thế thì, tại sao công chúa và Lan Na bắt buộc phải là chị em ruột? - Bởi vì con người có hai mặt, mỗi mặt đều khác nhau rõ ràng, thậm chí giữa chúng còn xung đột với nhau. Em cảm thấy hai bào thai có thể coi như một con người, chỉ có điều con người đó phân thành các mặt không giống nhau. Trong câu chuyện này, hai mặt của một con người cùng yêu một người đàn ông, chỉ vì lòng ghen tức mà mặt này đã bức chết mặt kia. - Nghe như tượng trưng của cái gương trong tiểu thuyết của Jorge Luis Borges[22] - La Chu lẩm bẩm. Lam Nguyệt lại uống thêm một ngụm nữa, nói: - Cảm ơn nước ngọt của anh! - Rồi cô đứng dậy. Đã 11giờ rưỡi rồi, La Chu thấy hơi lo, nói: - Muộn quá rồi, em định về à? - Anh định giữ em ở lại à? - Lam Nguyệt nói dứt khoát. La Chu càng thấy ngượng không nói lên lời. - Thôi được rồi, tạm biệt anh! - Cô đi về phía cửa. - Có cần anh đưa em về nhà không? - La Chu tiễn đến cửa hỏi một câu. Lam Nguyệt lắc đầu nói: - Anh đưa em về, rồi ai sẽ đưa anh về đây? La Chu ngẩn người ra, còn Lam Nguyệt thì cười chẳng kiêng dè, tiếng cười của cô vang lên không ngớt trong căn phòng trống vắng. - Lam Nguyệt, anh sẽ sửa kịch bản theo ý em, em có thể đến đây bất cứ lúc nào để cùng anh viết kịch bản, ngày biểu diễn sắp đến rồi, chúng mình cùng cố gắng nhé! Lam Nguyệt lại cười, cô nhẹ nhàng nói: - Anh đúng là một người thú vị! Nói rồi cô quay đầu bước đi, chẳng bao lâu đã khuất trong cầu thang máy. Cửa thang máy đóng lại, La Chu chỉ nhìn thấy nụ cười lạnh lùng lướt qua trên môi cô. La Chu nhìn bảng chỉ dẫn trên thang máy từng tầng, từng tầng tụt xuống, cho đến tận tầng dưới cùng mới dừng lại. Sau đó anh trở vào phòng, bò trên cửa sổ nhìn xuống phía dưới, trong bóng đêm của sông Tô Châu, một màn đen kịt, chẳng nhìn rõ cái gì. Anh quay trở lại trước màn hình vi tính, mười ngón tay múa như bay trên bàn phím.