Ngay lúc Viên Thiệu bắt đầu điều binh khiển tướng, sinh mệnh của Viên Thuật đã đi đến phút cuối. Tháng năm, nhận được hồi âm của Viên Thiệu, Viên Thuật theo biên giới Từ châu tới Thanh châu hội quân với Viên Đàm. Nhưng y gặp phải quân Tào Tháo chờ sẵn ở Hạ Bì. Viên Thuật sớm bị Tào Tháo dọa cho vỡ mật, vội vàng rút lui trở về, ý muốn tới Nguyên Cựu đem Lôi Bạc, Trần Lan tới Tiềm Sơn, hai người này sợ binh mã Tào Tháo tấn công, từ chối không chứa chấp. Lương thực đã hết, bất đắc dĩ Viên Thuật đem quân lui về Giang Đình, cách Thọ Xuân tám mươi dặm, trước mặt không đường tiến, sau lưng không có đường lui, tháng 7 năm 199 hộc máu la lớn: “Viên Thuật ta tới nỗi này sao!” không cam lòng mà chết. Nhưng Tào Tháo trong chuyện này đã phạm phải một sai lầm. Sai lầm này ta đã biết, nhưng vì Vân ca ca, cũng vì hoàng đế sau này, ta không đi ngăn cản ông ta. Cứ như vậy, vừa tuần tra dọc tuyến Hoàng Hà trở về, Tào Tháo nhận được tin Viên Thuật muốn bắc thượng, liền không suy nghĩ kỹ càng, tin tưởng mà phái Lưu Bị đem binh tới Từ châu chặn đường Viên Thuật trước. Tào Tháo trong lúc đó đầu óc mê mang, đợi Quách Gia từ Trần Lưu trở về, Lưu Bị đã đi được mười ngày. Quách Gia nhìn Tào Tháo dậm chân nói: “Chủ công, ngài, ngài sao lại để Lưu Bị chạy mất? Không phải đã nói nhiều lần rằng không thể để hắn một mình mang binh, người này không thể thả được!” Tào Tháo tỉnh ngộ, lập tức phái người hạ lệnh cho Lưu Bị trở về. Đáng tiếc đã quá muộn, Lưu Bị căn bản không nghe lời ông ta, tại Hạ Bì nhận được tin Viên Thuật đã chết, lập tức đem đám người Chu Linh đuổi đi, cũng lập mưu giết chết Xa Trụ – thứ sử Từ châu do Tào Tháo sắc phong, tự mình ngang nhiên chiếm cứ Từ châu, dựng cờ làm phản. Đồng thời, hắn cũng gửi thư liên minh với Viên Thiệu, khiến Tào Tháo tức giận chửi âm lên mà không làm gì được, chỗ Viên Thiệu cũng bắt đầu hành động, Tào Tháo trong lúc cấp bách phải tạm thời để mặc hắn không động tới. Tháng 8, nhận được tin Lưu Bị phản Tào cùng Viên Thuật tử vong, Viên Thiệu một mặt lệnh cho Hà Mậu, Vương Ma cùng các tướng lĩnh dẫn hai vạn nhân mã chiếm cứ Hà Nội, xây hơn hai mươi thành lũy quân sự, ngăn chặn Ngụy Chủng ở Hà Nội phát triển, áp chế phía nam Hoàng Hà; một mặt mệnh lệnh mười vạn tinh binh tới Lê Dương tập kết. Đồng thời, hắn phái Hàn Tuần dẫn hai ngàn kỵ binh vượt sông Hoàng Hà, dự định từ phía tây Dự châu lẻn tới Từ châu, liên hệ với Lưu Bị đang chiếm cứ Tiểu Bái, từ sau lưng Tào Tháo tiến hành quấy phá. Cùng lúc phái binh, Viên Thiệu đặc biệt phái sứ giả tới Kinh châu, Uyển Thành, liên hệ với Lưu Biểu, Trương Tú, muốn kết đồng minh, để họ tấn công hướng nam Hứa Đô, muốn khiến Tào Tháo hai đầu thọ địch. Ta đương nhiên đem nhất cử nhất động của Viên Thiệu cấp báo cho Tào Tháo. Nhận được tin Viên Thiệu cử binh, Tào Tháo một mặt lệnh cho Tào Nhân tại Diệp huyện nghiêm mật chú ý tình hình của Hàn Tuần, khi cấp thiết, tiêu diệt ngay. Một bên đã sớm chuẩn bị cho Cao Thuận suất lĩnh Hãm Trận Doanh đánh lấy Thọ Xuân. Lúc Cao Thuận xuất binh, quân Tang Bá ở Đan Dương cũng chạy tới quận Bắc Hải, dựng lên phòng tuyến Bắc Hải – Lỗ quốc, ngăn chặn đường Viên Đàm từ Thanh châu xuôi nam. Đầu tháng 9, Tào Tháo tự mình xuất binh, vượt qua Hoàng Hà, tiến quân tới Lê Dương, một lần nữa thanh tẩy Lê Dương (nhất định phải cướp hết quân dụng), không để Viên Thiệu kịp phản ứng, lại trực tiếp rút về. Rút tới bờ nam Hoàng Hà, Tào Tháo lệnh cho Vu Cấm tiến vào chiếm giữ Diên Tân, Lưu Duyên thái thú Đông Quận tiến vào chiếm giữ Bạch Mã, dựng nên phòng tuyến Diên Tân – Bạch Mã bên bờ Hoàng Hà. Đồng thời, phong Trình Dục làm thứ sử Duyện châu, trấn giữ Quyên thành, trên thực tế là để đảm bảo hậu cần cho trận đại chiến trên bờ Hoàng Hà. Đồng thời với việc bố trí quân lực, Tào Tháo cũng phá ngang âm mưu mượn sức Lưu Biểu của Viên Thiệu, nghe theo đề nghị của Tuân Úc, liên hệ với đám người Chung Diêu ở Trường An, lệnh cho hắn khi cần thiết sẽ xuất binh từ Trường An, uy hiếp phía sau viên Thiệu. Ông ta cũng biết đã có phục binh của Trương Yến, Chung Diêu chẳng qua là dự bị, chủ yếu là để ngăn ngừa quân Lương châu nhập quan áp sát. Tào Tháo còn phái sứ giả tới liên hệ với Lưu Chương, muốn kết đồng minh, mời ông ta từ Ba Khâu xuất binh, kiềm chế Lưu Biểu bắc thượng. Đồng thời, mệnh lệnh cho các thành trì lớn toàn bộ đào hào bảo vệ thành, làm tốt công tác phòng thủ. Tào Tháo ở đó chuẩn bị, không quên mắng ta hai câu, bởi vì lúc này thời gian ta tiên đoán Trương Tú tới hàng đã qua mấy tháng, Tào Tháo hô to mắc mưu rồi nhưng lại không có tinh lực đi đánhTrương Tú, tuy ông ta rất muốn làm vậy, dù sao đây cũng là mối uy hiếp lớn. Cao Thuận lấy khí thế sét đánh không kịp bưng tai, thẳng tiến tới Thọ Xuân. Con trai Viên Thuật không dám đối chiến với hắn, rút lui theo hướng Lư Giang, tới nhờ cậy bộ hạ cũ của phụ thân hắn. Sau khi chiếm được Thọ Xuân, Cao Thuận chỉnh đốn tàn quân của Viên Thuật hơn ngàn người, phân tán vào quân doanh, tự thân thủ thành, đôn đốc quân dân đào hào thành sông, một tháng đã xong. Tào Tháo ban cho Hà Quỳ tự Thúc Long làm thái thú Thọ Xuân, trong thành thực hiện chế độ đồn điền bảo giáp, hạ chiếu viết: Viên Thuật vô đạo, Thọ Xuân nhiều năm khổ dịch, nay miễn hai năm thuế má, chỉ cần nộp đủ quân lương! Miễn cho dân chúng lao động cưỡng bức ba năm, không tính lúc chiến tranh. Hành động lần này rất được lòng dân, kẻ có sức không thể không ra sức, kẻ có tiền không dám không chi tiền, trong vòng nửa năm, quân dân Thọ Xuân một lòng, đem thành Thọ Xuân trở thành một thành trí kiên cố vững chắc, Tôn Sách muốn đánh cũng phải cân nhắc suy nghĩ. Hai bên trước khi khai chiến đều hừng hực khí thế, ta ở Nghiệp thành lại rất vội vàng nịnh nọt Viên Thiệu. Nhưng mà Viên Thiệu cũng không phải kẻ đần độn, ta cơ bản không thể lọt vào các cuộc nghị sự của hắn, ta cũng không thể giống như ở chỗ Tôn Sách hiến kế cho Viên Thiệu, nếu làm như vậy, ta cam đoan khó giữ được cái mạng nhỏ này. Nhưng mà, không thể trực tiếp lấy tin tức, đối với trận đại chiến này, không thể giúp đỡ một cách hiệu quả nhất. Thu hoạch lớn nhất của ta ở đây chính là có được quan hệ với người nhà các tướng lãnh thủ hạ của Viên Thiệu, như Cao Lãm chẳng hạn. Kẻ kia là một mãng phu, đúng là không có đầu óc, chỉ hứng thú với võ nghệ, không ưa chuyện chính trị. Cũng may quan hệ giữa gã và Trương Cáp vô cùng tốt, cũng rất nghe lời Trương Cáp, lại không hợp với Văn Sú, Nhan Lương. Thủ hạ của Viên Thiệu này rất buồn cười, văn võ đều kết bè kết phái. Đều là võ tướng trụ cột của Viên Thiệu, Văn Sú, Nhan Lương được coi trọng hơn so với Trương Cáp, Cao Lãm. Kỳ thực trong bốn đại tướng của Viên Thiệu, Trương Cáp là người có tài trí, có thể gọi là văn võ song toàn. Rất nhiều ý kiến và đề nghị của hắn không khác so với các mưu sĩ của Viên Thiệu. Đáng tiếc, thủ hạ của Viên Thiệu nhiều người tài ba, nhiều đến nỗi Trương Cáp chỉ có thể làm tướng tiên phong, trong tình hình này, ta nhất định không buông tha. Trương Cáp quá thông minh, ta không nói với hắn, chỉ ra tay đối với Cao Lãm. Trước tiên cùng thân binh của gã uống rượu, rồi mời đến gã, rất tự nhiên kể lại chút ít hiểu biết về các nơi, nói chút chuyện về những người võ công cao siêu được chủ công trọng dụng, nói mấy người kia phong quang ra sao, nói bọn Trương Liêu ở Hứa Đô được hưởng đãi ngộ thế nào, Cao Lãm nghe được tấm tắc ca ngợi. Hắn tất nhiên muốn kể cho Trương Cáp nghe. Trương Cáp ngoài miệng không nói gì, nhưng trong lòng có suy tính. Theo ta thấy, hắn sớm đã có lòng. Có điều, lúc này thế lực Viên Thiệu mạnh như vậy, bọn hắn tuyệt đối sẽ không phản. Tháng 9, nhận được tin Tào Tháo cướp sạch thành Lê Dương, Tang Bá tiến quân tới Thanh châu chiếm Bắc Hải, Đông Lai, tập đoàn Viên Thiệu chia làm ba phái: Thư Thụ cùng Điền Phong một phái; Thẩm Phối, Quách Đồ một phái; Tân Bì, Hứa Du phái trung gian. Thư Thụ cùng Điền Phong có khuynh hướng tạm hoãn xuất binh dùng chủ lực quyết chiến, vì nhiều năm chiến tranh và thiên tai liên miên (Trương Yến hai năm qua liên tục gây rối), thực lực kinh tế của Viên Thiệu bị tổn hại nghiêm trọng. Tướng sĩ mỏi mệt không chịu được cần phải nghỉ ngơi. Cho nên Thư Thụ chủ trương trước tiên nên nghỉ ngơi lấy lại sức, phát triển kinh tế, sau đó mới tính toán tiếp; Điền Phong bổ sung, vừa phải phát triển kinh tế, vừa phải phát huy ưu điểm tự thân, lợi dụng kỵ binh, không ngừng gây rối biên cảnh Duyện châu, thường xuyên đột nhập vào đất Tào, ngăn cản Tào Tháo phát triển kinh tế (chính là phát huy công phu đánh, đập, cướp). Mà Thẩm Phối cùng Quách Đồ chủ trương lập tức gắng sức tập trung binh lực xuôi nam, tận dụng uy thế mới thắng Công Tôn Toản quyết chiến với chủ lực Tào Tháo, một trận định càn khôn. Theo bọn họ, chúng ta đánh giặc, Tào Tháo cũng đánh giặc, tổn hại của hai bên là như nhau, nhưng Viên Thiệu nhân lực, tài nguyên, vật chất đều mạnh hơn Tào Tháo, hai bên khai chiến, Tào Tháo sẽ thiệu thòi hơn. Huống hồ, Tào Tháo còn phải đề phòng Lưu Bị, Trương Tú, Lưu Biểu. Bởi vậy, trận chiến này Viên Thiệu càng chiếm ưu thế hơn. Tân Bì cùng Hứa Du tán thành cả hai bên, nói đều có lý. Ý nghĩ của Tân Bì là: trước tiên giằng co với đại quân Tào Tháo ở Hoàng Hà, không cho ông ta thời gian tổ chức phòng tuyến, mặt khác chia hai đường xuất binh, từ Thanh châu, Ký châu cùng tấn công Duyện châu. Hứa Du chủ trương năm nay bên trong xây dựng kinh tế, đốc thúc quan viên các nơi cung ứng quân nhu, chuẩn bị thật tốt; bên ngoài cùng Lưu Bị, Lưu Biểu tăng cường liên hệ, để bọn họ xuất quân phía nam và đông, khiến Lưu Bị hai bên thụ địch. Sau một thời gian dài tranh luận, cãi vã, Viên Thiệu sau khi so sánh thực lực bản thân và Tào Tháo, quyết định tập trung vào ưu thế của mình, nhanh chóng tấn công tiêu diệt Tào Tháo. Nếu thuận lợi, sau khi thống nhất phương bắc, ngôi vị hoàng đế cũng có thể làm. Thư Thụ không hiểu bản ý của Viên Thiệu, cực lực phản đối quyết định của hắn, vô cùng cố chấp kiên trì bảo vệ ý kiến của mình, bị Viên Thiệu vạn phần không bình tĩnh hung hăng phê bình, tước bỏ binh quyền, tháng 9 năm 199, Viên Thiệu tự mình đem quân thị sát Lê Dương. Trước khi rời Nghiệp Thành, Viên Thiệu còn làm một việc tự mình cho là đúng, trên thực tế khiến Viên gia càng nhanh chóng bị diệt vong, đem ba đứa con trai cùng một đứa cháu chia đất phong hầu. Ngay sau khi tiêu diệt Công Tôn Toản, Viên Thiệu yêu con thứ một cách dị thường đã đem con cả Viên Đàm làm con thừa tự của đại ca Viên Cơ đã chết sớm ở Lạc Dương, cũng ban cho Viên Đàm làm thứ sử Thanh châu, bên ngoài là vì bản thân vì quốc gia sự nghiệp, khiến Viên gia trên dưới hai trăm người trong đó có đại ca bị giết (sau khi Viên Thiệu trở thành minh chủ liên quân phạt Đổng, Đổng Trác đã đem Viên gia trong thành Lạc Dương toàn bộ giết chết) mà cảm thấy áy náy, trên thực tế là chuẩn bị cho con trai thứ ba kế nghiệp mình. Giải quyết xong vấn đề kế vị của con trai cả, Viên Thiệu lại đưa con trai thứ hai là Viên Hy tới U châu làm thứ sử U châu, trên thực tế là sung quân. Rồi đem vị trí thứ sử Ký châu cho Viên Thượng, cứ như vậy, lão tam Viên Thượng rõ ràng sẽ tiếp quản sự nghiệp của mình. Vì để giấu đi sự thiên vị đó, lúc Thư Thụ nói hắn sắp xếp nhân sự như thế rất có vấn đề, hắn tự bào chữa, sắp xếp như vậy để khảo sát năng lực. Để việc khảo sát có vẻ công bình, Viên Thiệu dứt khoát đem cháu trai Cao Cán phong làm Tịnh châu thứ sử. Viên Thiệu sắp xếp xong, khiến văn võ mỗi phe vốn đã xung khắc như nước với lửa lại càng chia rẽ, cũng ngấm ngầm gieo mầm mâu thuẫn giữa anh em Viên gia sau này. Viên Thiệu lên đường thị sát Lê Dương, ta ở Nghiệp thành cũng không nhàn rỗi, đương nhiên ở chỗ Viên Thượng cũng nói vài lời. Dù sao theo lịch sử sau này, Viên Thượng sẽ chiếm ưu thế, ta lại hoàn toàn là một gian thương, ha ha… Sau khi rải lời đồn huynh đệ không hòa hợp và châm ngòi ly gián, cuối tháng 9 ta trở về Hứa Đô, ở lại Nghiệp thành cũng không còn ý nghĩa, ta cũng không tìm được Vân ca ca, nơi này không còn việc của ta nữa. Dù sao ta đã sắp xếp xong người trong nhà Điền Phong, Thư Thụ, Thẩm Phối, lúc có chuyện sẽ dùng tới.