CHƯƠNG 21: TRUYỆN DƯƠNG KHÔNG LỘ VÀ NGUYỄN GIÁC HẢI – 楊空路、阮覺海傳 Thiền sư Dương Không Lộ ở chùa Nghiêm Quang huyện Hải Thanh, mấy đời làm nghề câu cá, sau bỏ nghề ấy mà đi tu, thường hay đọc kinh Già-la-ni-môn. Trong các năm Chương Thánh, Gia Khánh đời Lý Thần Tông thường cùng Giác Hải là đạo hữu cùng ở ẩn đất Hà Trạch quên cả thân mình, ngoài không đi đến đâu, trong thì tu thiền định. Bỗng thấy tâm thần tai mắt nhẹ nhàng sáng sủa, có thể bay lên không, đi trên băng giá, bắt được hổ phải phục, bắt được rồng phải giáng, vô cùng quái đản người ta không sao lường biết được. Sau tìm về một ngôi chùa ở quận nhà mà ở. Một hôm người hầu bẩm rằng: “Mỗ tự khi tới đây chưa hề được thầy chỉ giáo về những điều tâm yếu, dám xin trình thơ rằng: Rèn luyện thân tâm cho được tinh vi, Hăm hở xoay lại đối diện với nghiêm đình. Có người tới học không không pháp, Mình ngồi bên chiếc bình phong, ảnh với hình hợp làm một”. (Dịch ý) Sư bèn bảo rằng: “Nếu con đi đường bộ mà tới, ta tiếp dẫn con, nếu con đi đường thủy mà tới, ta trao cho con. Chẳng có chỗ nào mà ta không truyền cho con cái đạo tâm yếu”. Nói xong, ha hả cười lớn. Thường hay đọc câu kệ rằng: Địa thế long xà chọn được nơi Đồng quê cảnh thú suốt ngày vui, Có khi dời bước non cao trót Một tiếng kêu to lạnh cả trời (Dịch ý) Ngày 3 tháng 6 năm Kỷ Hợi, niên hiệu Hội Tường đại khánh thứ mười thì tịch, môn nhân thu xác táng ở cửa chùa. Vua hạ chiếu cho sửa rộng chùa này, quyên hai mươi hộ phụng hương hỏa. Thiền sư Giác Hải họ Nguyễn, người Hải Thanh, ở tại chùa Diên Phúc quận nhà. Thuở nhỏ thích câu cá, thường lấy thuyền con làm nhà, lênh đênh trên mặt nước. Năm hai mươi lăm tuổi bỏ nghề ấy, cắt tóc đi tu, lúc đầu cùng Thiền sư Không Lộ thờ một thày ở chùa Hà Trạch. Thời Lý Nhân Tông, sư thường cùng Thông Huyền chân nhân được triệu vào ngồi hầu ở chùa Liên Mộng, đất Lương Thạch. Bỗng một hôm có đôi cắc kè gọi nhau, nhức tai điếc óc. Vua truyền Thông Huyền ngăn nó lại, Huyền lặng nhẩm thần chú, một con rơi xuống trước. Vua cười bảo: “Hãy còn một con xin để nhường nhà sư”. Sư đọc thần chú, trong nháy mắt con còn lại cũng rơi xuống nốt. Vua kinh lạ, làm thơ rằng: Giác Hải lòng như bể Thông Huyền đạo cũng huyền, Thần thông thêm biến hóa, Một Phật, một thần tiên (Dịch ý) Từ đó, danh tiếng sư vang động thiên hạ, các vị tăng cùng kẻ tục đều ngưỡng vọng. Vua thường lấy lễ thầy trò mà đãi sư, mỗi khi hạ giá tới hành cung ở Thanh Hải, tất trước tới thăm chùa. Một hôm vua bảo sư: “Cái đạo ứng chân thần túc có thể cho nghe được không?”. Sư bèn đọc kinh tám lần, bay vút lên không, cách xa đất năm trượng, bỗng lại rơi xuống. Vua cùng quần thần đều vỗ tay xưng tán, ban cho chiếc kiệu để ra vào nơi cung cấm. Tới triều vua Thần Tông, mấy lần vua triệu vào kinh thành, sư đều lấy cớ già yếu không đi. Có vị sư hỏi rằng: “Phật và chúng sinh, ai là chủ ai là khách?”. Sư bèn đặt câu kệ rằng: “Đầu ta đã bạc, bảo ta là lão khách, nếu hỏi tới những điều về đạo Phật thì ta cũng chỉ như con cá nhỏ không vượt khỏi cửa rồng, đến nỗi trán bị chấm dấu. (Dịch ý) Lúc sắp tịch, bèn làm bài kệ cáo chúng như sau: “Xuân tới, chính là thời tiết rất quen thuộc đối với bướm hoa. Hoa bướm cũng phải lựa theo thời tiết. Hoa bướm xưa nay vốn là mộng ảo. Cớ sao cứ phải giữ mãi chuyện bướm hoa trong lòng.”(Dịch ý) Đêm ấy có ngôi sao lớn rơi ở góc tây nam phương trượng. Sáng hôm sau, sư ngồi ngay thẳng mà tịch. Vua xuống chiếu quyên 30 hộ phụng thờ hương hỏa, phong hai con làm quan để thưởng công.