Liêu Trai Chí Dị II
Chương 11 : Diệp Sinh
Diệp sinh người huyện Hoài Dương (tỉnh Hà Nam) không rõ tên tự, văn chương tư phú đứng đầu một thời nhưng không thành đạt, lận đận mãi nơi trường ốc. Gặp lúc ông Đinh Thừa Hạc người Đông Quan tới làm Tri huyện ở đó, xem văn chương của sinh lấy làm lạ bèn mời tới nói chuyện, rất vừa ý liền sai ở lại trong dinh, giúp cho ăn học, thỉnh thoảng lại cho tiền thóc để giúp đỡ gia đình.
Đến kỳ khảo khóa, ông khen ngợi văn tài của sinh với quan Học sứ, kế sinh đỗ đầu, ông rất mong mỏỉ vào sinh, thi hương xong đòi văn bài của sinh để đọc, gỏ bàn đánh nhịp ngợi khen không ngớt. Không ngờ thời vận cản người, văn chương ghen mệnh, khi ra bảng thì sinh rớt, trở về ngơ ngác thẫn thờ, thẹn đã phụ lòng tri kỷ, thân gầy rộc như bộ xương, người ngây ra như tượng gỗ.
Ông nghe tin mời tới an ủi, sinh rơi lụy không thôi. Ông thương xót, hẹn lúc nào hết hạn về kinh sẽ đưa sinh cùng đi. Sinh rất cảm kích cáo từ ra về, đóng cửa không đi đâu nữa. Không bao lâu sinh lâm bệnh, ông thăm hỏi biếu tặng không ngớt nhưng sinh uống bao nhiêu thuốc vẫn không khỏi. Gặp lúc ông xúc phạm quan trên bị cách chức, lúc sắp về quê bèn viết thư cho sinh, đại lược rằng "Ta nay mai sẽ về Đông nhưng sở dĩ còn chần chừ là vì muốn chờ túc hạ đó thôi. Túc hạ tới buổi sáng thì buổi chiều ta khởi hành".
Thư đưa tới cạnh giường, sinh cầm thư xem khóc rồi nhắn người đưa thư về nói bệnh nặng khó khỏi ngay, xin ông cứ đi trước. Người ấy về thưa lại, ông không nỡ đi, nán lại để chờ. Qua mấy hôm chợt người canh cổng vào báo Diệp sinh tới, ông mừng rỡ ra đón hỏi han. Sinh nói "Vì cái bệnh của kẻ hèn để đại nhân phải chờ lâu, lòng rất áy náy, nay may đã có thể theo hầu”.
Ông bèn gói ghém hành trang đi sớm, về tới làng sai con thờ sinh làm thầy, sớm tối bên nhau. Công tử tên Tái Xương, năm ấy mười sáu tuổi, chưa biết làm văn nhưng rất thông minh, sách vở thơ phú đọc qua hai ba lần là nhớ không sót một chữ. Được một năm thì công tử hạ bút thành văn, thêm có ông lo toan nên được vào học trường huyện. Sinh chép lại tất cả văn chương cử nghiệp của mình đã làm cho công tử học, đến khi vào trường thi, bảy đầu đề không sai đề nào, công tử liền đỗ á khôi.
Một hôm ông nói với sinh "Ông bỏ ra một mối tơ thừa mà giúp thằng nhỏ thành danh, nhung quả chuông vàng bị vứt bỏ mãi thì làm sao?”. Sinh nói "Điều đó là có số mẹnh. Ta mượn phúc trạch của đại nhân mà hà hơi cho văn chương để người đời biết rằng nửa đời lận đận không phải vì kém tài, thế là thỏa nguyện rồi. Vả lại kẻ sĩ được một người biết đã đủ không ân hận, cần gì phải đỗ đạt mới đắc chí?".
Ông thấy sinh xa nhà đã lâu, sợ lỡ kỳ sát hạch hàng năm, khuyên nên về thăm. Sinh rầu rĩ không vui, ông không nỡ ép bèn dặn công tử khi đến kinh thì nộp tiền mua chức cho sỉnh. Công tử lại đỗ kỳ thi hội, được bổ chức Chủ chính trong bộ, đưa sinh vào Giám, sớm tối có nhau.
Qua năm sau sinh thi hương ở kinh đỗ Cử nhân, gặp lúc công tử được bổ chức Điển vụ ở Hà Nam, nhân nói với sinh “Chuyến này đi không xa quý hương, nay tiên sinh đắc chí mây xanh, áo gấm về làng cũng hay”. Sinh cũng mừng liền chọn ngày tốt lên đường, tới địa giới Hoài Dương thì công tử sai người ngựa đưa sinh về.
Tới nhà thấy cổng ngõ tiêu điều, sinh bùi ngùi lững thững đi vào sân. Vợ cầm cái nia đi ra, thấy sinh thì vứt xuống hoảng sợ bỏ chạy. Sinh buồn rầu nói “Ta nay đã nên danh phận, mới ba bốn năm không gặp, sao lại như không quen nhau thế?”. Vợ đứng xa nói "Chàng chết đã lâu, sao còn nói là nên danh phận? Sở dĩ còn quàn linh cữu trong nhà là vì nhà nghèo con nhỏ mà thôi. Nay con cũng đã khôn lớn, đang tìm đất chôn cất, chàng đừng hiện hồn để dọa người còn sống". Sinh nghe nói ngậm ngùi, lững thững đi vào trong phòng, nhìn thấy linh cữu mình liền ngã xuống đất biến mất. Vợ kinh hãi nhìn lại chỉ thấy áo mũ không như cái xác ve lột, vô cùng thương xót ôm lấy khóc lóc.
Con trai sinh đi học về, thấy ngựa xe trước cổng bèn hỏi han rồi hoảng sợ chạy vào báo cho mẹ, mẹ gạt nước mắt kể lại, lại hỏi kỹ những người theo hầu mới biết rõ đầu đuôi. Người theo hầu về báo, công tử nghe tin nước mắt ròng ròng, lập tức sai thắng xe ngựa tới nhà sinh khóc lóc rồi bỏ tiền ra làm ma chay, chôn cất sinh theo lễ Hiếu liêm. Lại tặng tiền bạc cho con sinh rất hậu, đón thầy về dạy cho và nói với quan Học sứ, qua năm sau con sinh được vào học trường huyện.
Dị Sử thị nói: Hồn theo tri kỷ nên quên cái chết ư? Người khác nghe thì ngờ chứ ta thì tin lắm. Thiến Nương cùng lòng, hồn từng lìa khỏi gối 1, bạn bè ngàn dặm, dường còn nhận trong mơ 2, huống hồ tơ tằm vết nhặng, văn nhân quen bày tỏ tâm can 3, nước chảy non cao 4, học giả vẫn coi như tính mạng sao! Than ôi, gặp gỡ khó hẹn ngày, tao phùng không xứng ý nên hành tung trôi nổi để trước bóng ôm sầu, ngạo khí lăng tằng mà gãi đầu xót phận, than mặt mày tê gió bụi, bị ma quỷ tới cợt đùa 5. Ngoài bảng Tôn Sơn 6, thơ phú theo Công danh lạt lẽo, trong phường thi rớt, tóc râu cùng năm tháng phôi pha. Khóc ròng suốt trong kim cổ, chỉ có Biện Hòa 7, ngựa hay không được đoái hoài, nào ai Bá Nhạc 8. Ôm danh thiếp ba năm nhạt chữ 9, nhìn thân mình bốn bể không nhà. Người sống trên đời chỉ nên nhắm mắt đưa chân, mặc cho con tạo xoay vần mà thôi. Chứ trên đời những người tài giỏi mà lận đận như Diệp sinh chắc cũng không ít, mà lại muốn có Lệnh Uy trở lại 10 để họ theo mà sống chết chăng? Ôi!
1. Thiến Nương... khỏi gối: Ly hồn ký chép Trương Dật có con gái tên Thiến Nương rất xinh đẹp, đã hứa gả cho cháu là Vương Trụ, sau có người khác tới hỏi cưới, Dật ưng thuận. Cô gái nghe tin rất uất ức, Trụ cũng căm hờn bỏ đi, nửa đêm thấy một người lên thuyền theo, nhìn ra thì là cô gái, bèn đưa nhau trốn đi. Năm năm sau sinh được hai con trai, cô gái nhớ cha muốn về thăm, Trụ về trước xin lỗi Dật thì Thiến Nương đã bệnh nằm liệt giường năm năm rồi. Đến khi cô gái vào nhà thì cô gái trong phòng mừng rỡ chạy ra, hai người liền nhập vào làm một.
2. Bạn bè... trong mơ. Hàn phi tử chép thời Chiến quốc Trương Mẫn và Cao Huệ chơi thân với nhau, Mẫn nhớ Huệ nhưng đường xa không đi thăm được bèn tìm tới Huệ trong giấc mộng nhưng nửa đường lạc lối phải quay về, như thế ba lần.
3. Tơ tằm: tơ tằm lấy từ câu trong Văn tâm điêu long của Lưu Hiệp "Chương cú tại thiên như kiển chi trừu tự” (Câu chữ trong bài như rút tơ tằm trong kén), chỉ việc dụng công làm văn. Vết nhặng nguyên văn là “nhăng tích", chưa rõ điển tích song có lẽ cũng chỉ việc làm văn nói chung. Văn nhân... tâm can lấy tích Lý Hạ thời Đường ra khỏi nhà thì dắt đứn tiểu đồng mang cái túi gấm cũ theo, nghĩ được câu thơ nào hay là viết bỏ vào túi, chiều tối trở về ngồi nghĩ cho thành bài, bà mẹ nói "Con thì phải tỏ bày cho hết gan ruột mới chịu thôi".
4. Nước chảy non cao: nguyên văn là "lưu thủy cao sơn". Lữ thị Xuân thu chép Bá Nha đánh đàn, Chung Tử Kỳ ngồi nghe, lúc Bá Nha nghĩ tới núi cao, Tử Kỳ nói "Hay làm sao, vòi vọi như núi Thái", lúc Bá Nha nghĩ tới nước trôi, Tử Kỳ nói “Hay làm sao, cuồn cuộn như nước chảy”. Sau người ta dùng tích này chỉ kẻ tri âm tri kỷ.
5. Ma quỷ tới cợt đùa: Thế thuyết chép La Hữu thời Tấn nhà nghèo theo Hoàn Ôn, Ôn chu cấp cho nhưng không dùng. Sau trong phủ Hoàn Ôn có người được cử làm Quận thú, Ôn mở tiệc đưa tiễn, Hữu tới sau cùng. Ôn hỏi sao tới chậm, Hữu đáp “Được lệnh ông gọi đã ra đi từ sáng sớm, nhưng dọc đường gặp một con quỷ chế nhạo, nói Ta chỉ thấy ngươi tiễn người khác đi làm quan chứ chẳng thấy người khác tiễn ngươi đi làm quan, vì vậy nên tới muộn". Đây chỉ việc trắc trở công danh.
6. Ngoài bảng Tôn Sơn: Thi thoại chép Tôn Sơn thời Đường đi thi đỗ cuối bảng, có người cùng dự thi vờ tới hỏi thăm, Sơn đáp "Cuối bảng là Tôn Sơn, Người khác thì ngoài bảng". Đây chỉ việc thi rớt.
7. Khóc ròng... Biện Hòa: Hàn Phi tử chép Biện Hòa người nước Sở dâng viên ngọc chưa đẽo gọt cho Hoài vương, Hoài vương cho là viên đá bèn chặt chân trái của Hòa. Hoài vương chết, Hòa lại dâng cho Bình vương, Bình vương cũng cho là khi quân, sai chặt chân phải của Hòa. Bình vương chết, Kinh vương lên ngôi, Hòa ôm viên ngọc khóc dưới núi. Kinh vương biết chuyện sai thợ khéo gọt giũa, phá lớp đá ngoài thì được một viên ngọc rất đẹp, bèn phong Hòa làm Lăng Dương hầu. Cả câu ý nói có tài mà không được ai biết tới.
8. Ngựa hay... Bá Nhạc: Chiến quốc sách chép Bá Nhạc giỏi xem tướng ngựa, một hôm vào chợ bán ngựa chơi, có người bán ngựa hay tới nói “Ta đứng bán ở đây đã ba ngày mà không ai hỏi tới. Nhờ ông đi một vòng rồi tới nhìn ngựa của ta, nhìn xong quay đi nhưng lại ngoái đầu nhìn lại, ta xin dâng số tiền lời của một ngày". Nhạc theo lời, chỉ trong một buổi sáng người ấy đã bán đuợc giá gấp mười. Đây ý nói có tài mà không được ai giúp đỡ tiến cử.
9. Ôm danh thiếp... nhạt chữ: Hậu Hán thư, Trương Hành truyện chép Trương Hành tới đất Lạc chơi, mang theo một tấm danh thiếp nhưng không có ai để yết kiến mà đưa nên lâu ngày chữ trên tấm danh thiếp phai hết.
10. Lệnh Uy trỡ lại: Hậu Sưu thần ký chép Đinh Lệnh Uy là ngừời Liêu Đông vào núi Linh Hư học đạo, sau hóa thành con chim hạc bay về quê đậu trên cây hoa biểu nói “Hữu điểu hữu điểu Đinh Lệnh Uy, Khứ gia thiên niên kim thủy quy. Thành quách như cố nhân dân phi, Hà bất học tiên gia luy luy" (Có chim có chim Đinh Lệnh Uy, Học đạo ngàn năm nay mới về, Thành quách như xưa người đã khác, Sao chẳng theo tiên hóa hạc đi).
Truyện khác cùng thể loại
113 chương
134 chương
6 chương
21 chương
144 chương
23 chương
296 chương
54 chương
25 chương
424 chương