Tôi nghĩ rằng, Y Y sau khi biết rõ hành vi ăn cắp mật mã của L. Skin sẽ thừa cơ xông lên, dồn sức cho việc phá khóa mật mãQuang phục, không ngờ cô ta lại tái phát bệnh cũ, điên điên khùng khùng, hôm nay vào rừng cho sóc ăn bánh quy, ngày mai đến đội bảo vệ đánh cờ, thậm chí xưởng mộc cũng là nơi cho Y Y giải trí, cô đến đấy luôn. Văn phòng thì đóng kín cửa, không quan hệ với ai, không xem báo cáo tóm tắt, không quan tâm tình hình bên địch. Nhị Hồ nhìn cô với vẻ chuyện gì cũng biết, thường phàn nàn với tôi: “Cậu xem, cậu xem cô ta, có ra thể thống gì không?”. Đúng là không ra thể thống gì. Hôm nay tôi đến nhà tìm Y Y, định nói chuyện với cô ta. Vừa bước vào tôi bỗng sững sờ, thử đoán xem cô ta đang làm gì? Đang tự bói bài Tây cho mình, hình như đang bói xem đường tình duyên của mình ra sao, bói một mình, cười một mình. Tôi cau mày hỏi cô đang làm gì, cô trả lời rất nghiêm túc: “Ôi, em nghe nói vợ anh vừa mất, đúng vậy không?”. Tôi tỏ ra không bằng lòng, nói: “Chuyện ấy thì có liên quan gì đến cô?”. Y Y rất thẳng thắn: “Tất nhiên là có liên quan. Anh xem em đang làm gì, em đang bói bài, bói xem giữa em với anh liệu có tình duyên gì không”. Tôi kêu lên: “Giữa tôi với cô chỉ có mật mã”. Y Y cười: “Tình yêu là một bộ mật mã mà chúng ta cần giải. Em đã giải được mật mã tình yêu của anh rồi, đấy là em”. Tối hôm ấy tôi về nhà, đưa bàn thờ Vũ (gồm hộp tro hài cốt, bát hương, chân nến) từ phòng làm việc sang phòng khách. Tôi muốn để Vũ nói với Y Y, giữa tôi với cô ta không có gì. “Tình yêu là mật mã”, cho dù Vũ đã đi xa, lòng tôi vẫn chưa có hình bóng người phụ nữ thứ hai. Không ngờ, đấy là vũ khí để Y Y tấn công tôi. Một buổi tối Y Y đến chơi, trông thấy bàn thờ Vũ, cô chợt giật mình, thắp hương, khóc lóc thổ lộ tâm tình trước di ảnh của Vũ. Cô gọi Vũ là chị: “Mong chị nơi chín suối đồng ý cho em yêu anh ấy giúp đỡ em để anh ấy tiếp nhận tình yêu của em”. Y Y nói: “Chị ơi, em thật lòng yêu anh ấy, có ông trời và chị chứng giám. Vì anh ấy, em phải rời bỏ sự nghiệp, từ Bắc Kinh theo anh về nơi rừng núi này. Không những em yêu mái tóc xoăn, bộ râu rậm, em còn yêu từng chân tơ kẽ tóc của anh...”. Tôi không chịu nổi, lôi cô lại, kêu lên: “Cô có thôi đi không!”. Y Y ngả ngay vào lòng tôi, cắn cằm tôi, tìm bờ môi tôi. Tôi đành buông cô ra, giống như tên tội phạm hành hung gây án trong nhà người khác, trốn chạy tội lỗi. Tôi như con chó không nhà, đứng ngoài cửa, không dám vào, buồn bực chờ Y Y ra về. Đứng trong bóng tối, tôi lại nghi ngờ, người tôi đưa về không phải là một thiên sứ, mà là ma quỷ. Sau đấy, liền mấy hôm tôi không để ý đến cô ta, mãi đến khi Nhị Hồ tìm tôi, bực tức phản ánh với tôi, Y Y suốt ngày gõ gõ đóng đóng trong văn phòng, làm ồn không để anh suy nghĩ. “Cô ấy thích chơi thì chơi, đi vào rừng cho lũ sóc ăn, đến đội bảo vệ đánh cờ, nhưng đừng làm ồn phòng giải mã, cứ gõ cộc cộc người khác làm việc sao nổi?”. Nhị Hồ nói, vẻ mặt bực tức. Lúc đầu tôi không tin Y Y lại chơi không còn biết trời đất là gì. Tôi với Nhị Hồ đến phòng giải mã của anh, quả nhiên nghe thấy phòng của Y Y bên cạnh thỉnh thoảng lại có tiếng gõ chát chát hình như có một bác thợ mộc đang làm việc bên đó. Tôi bực mình, sang gõ cửa phòng cô ta, nhưng gõ thế nào cô cũng không mở cửa. Tôi đập cửa, gọi to: “Y Y, mở cửa, tôi có việc cần bàn!”. Nghe thấy tiếng chân cô lộc cộc chạy tới, cửa mở, một khuôn mặt xuất hiện, tức tối nói với tôi: “Làm gì thế, anh chả bảo mặc kệ em cơ mà, gọi gì?”. Rồi cô đóng sầm cửa lại, không nghe tôi nói, tưởng như không phải cô làm ảnh hưởng đến người khác mà là tôi làm phiền cô. Tôi rất giận dữ, chỉ muốn đá tung cửa vào, nhưng lại nghĩ rằng mình phải kiềm chế. “Anh thấy đấy, cô ấy như vậy thì hợp tác thế nào được?”. Nhị Hồ lại than vãn, phàn nàn. “Mời được bà Bồ tát này về, không giúp được gì lại còn gây thêm rắc rối, anh bảo làm thế nào để yên ổn làm việc đây? Chẳng giấu gì anh, mấy hôm nay tôi không làm được việc gì, không một chút cảm giác gì cả”. Tôi an ủi Nhị Hồ: “Không việc gì, bình thường thôi, lúc này mật mã đều khó cho mọi người, nhập môn được là tốt rồi”. Androv đã nói, mật mã bây giờ không phải là mê cung, mà là cái hang tối. Mê cung thì vào được nhưng không ra được, cho nên dù không phá được cả bộ mật mã, nhưng có thể phá được bộ phận, bởi vì anh vào bất cứ một đoạn nào thì trước mắt cũng có một đoạn đường có thể đi; còn cái hang tối sẽ không vào được, nhưng một khi đã vào thì có nhiều ngõ ngách, vấn đề ở chỗ tìm được cửa vào còn khó hơn tìm cửa ra của mê cung”. Nhị Hồ nói anh không có chút cảm giác nào điều này hoàn toàn nằm trong dự đoán của tôi. Tôi biết, Y Y để anh tham gia việc giải mã là mong anh thay thế con ma chết, giống như tiểu đội mũi nhọn, lính quét mìn trong đánh trận, tức là để họ chết thay, dùng xương máu quét sạch chướng ngại vật, loại bỏ mọi nguy hiểm, mở đường cho bộ đội tiến lên, liệu anh có dám trông chờ chiến thắng, chờ tới lúc chiếm được đỉnh cao không? Nhưng vấn đề không ở đây, vấn đề ở chỗ Nhị Hồ là một chuyên gia giải mã được mọi người ở 701 kính trọng, ngay từ đầu anh không biết mình thực chất sắm vai gì trong nhóm phá khóa mật mã. Mãi cho đến sau này Y Y phá được khóa mật mã Quang phục như một kì tích, anh vẫn như bị bưng bít. Mấy chục năm sau tôi vẫn cảm thấy xấu hổ với Nhị Hồ vì việc này. Nhưng đấy là chuyện về sau, chúng ta nói tiếp về Y Y. Một buổi chiều, Thủ trưởng La đưa đến cho tôi một văn bản mật của ông Thiết, chuyển qua máy, trên đó ghi chú rõ tôi “tự mở”. Bà La cho rằng đấy là tài liệu có liên quan đến mật mã Quang phục, thật ra không phải. Là gì, tôi sẽ nói sau. Lúc bấy giờ, hình như bà La nghe thấy những chuyện này nọ của Y Y, vả lại hôm đó bà thấy mọi người làm việc nghiêm túc trong phòng, duy chỉ có Y Y là không, bà nói với tôi: “Tôi nghe nói có những chuyện không hay, thái độ công tác của cô ấy không nghiêm túc”. Tôi nói: “Cũng không hẳn thế, mỗi người có một phương pháp làm việc khác nhau. Bề ngoài trông cô ấy có phần không... khắc khổ, nhưng nếu chị hiểu được cách nghĩ của cô ấy sẽ nhận ra cô ấy rất nghiêm túc làm việc”. Bà La chỉ vào văn phòng bỏ trống của Y Y, nói: “Như thế này mà gọi là nghiêm túc? Giờ làm mà không biết bỏ đi đâu?”. Tôi nói: “Có một vài việc, cô ấy... đưa về nhà làm”. Bà La nhìn tôi, cười nói: “Ôi, tôi thấy anh toàn nói tốt cho cô ấy, có tình cảm gì trong đó không?”. Tôi buột miệng phủ nhận: “Không, tuyệt đối không”. Bà La nói: “Có cũng không sai, bây giờ anh có quyền. Mà này, anh cũng nên tính đến chuyện tang lễ của cô Vũ, đừng có kéo dài, người đã đi rồi, mai táng là tốt nhất”. Tôi nói: “Lúc này chưa có thời gian, tôi chờ phá xong mật mã Quang phục rồi tính đến chuyện ấy sau”. Bà La suy nghĩ giây lát, nói: “Như vậy cũng được. Còn cô Y Y, tôi nghĩ anh nên nói chuyện với cô ấy, để cô ấy ý thức được gánh nặng trên vai, chuyên tâm làm việc, đừng có... tôi nghe thấy những chuyện cô ấy thiếu tôn trọng anh Hồ, như vậy không được đâu. Anh nên tìm cách làm cho hai người gần lại với nhau, không nên trong nghề mà xem thường nhau, càng không nên gây chuyện tranh chấp nội bộ”. Bà nhắc nhở, tôi phải tìm Y Y để nói chuyện thật nghiêm túc, nhất là để cô nhìn nhận đúng về tôi, không để cô chìm vào vũng lầy tình cảm, ảnh hưởng đến việc phá khóa mật mã Quang phục. Tôi còn nghĩ, dường như cô cũng đã cảm nhận được điều gì đó. Tối hôm ấy, tôi đi trong bóng đêm về nhà, trông thấy trên tay nắm cửa có treo một cái túi vải, trong đó là một chai rượu, một lá thư, một cuốn sách, một bộ bài, còn có thêm một mảnh giấy. Tôi mở mảnh giấy ra xem, trên đó là những câu như thế này: Trong này có bốn lá mật thư, anh giải mã theo số thứ tự, thời hạn là nửa tiếng đồng hồ. Không nói thì ai cũng biết, đây là trò ma mãnh của Y Y. Tôi tuy cảm thấy ngạc nhiên, nhưng vẫn xách cái túi vào nhà, lấy các thứ mà ra, để lên bàn, bắt đầu giải mã “công hàm bí mật” của Y Y. Đầu tiên tôi nhìn chai rượu, trong chai không phải là rượu, trong đó là mảnh giấy bằng hai ngón tay. Tôi lấy ra xem, trên đó viết linh tinh, có tiếng Trung Quốc, có tiếng Anh, có tiếng Nga, còn cả những nét vẽ nguệch ngoạc, rắc rối hơn cả sách trời. Tôi nhìn kĩ mảnh giấy, cảm thấy nó giống như một bản “mật mã La Mã” thời cổ đại, cái chai là ống đựng mật mã. Vậy là tôi nghĩ tới việc quấn mảnh giấy các kiểu quanh cái chai, khi tôi cuộn xoáy từ dưới lên, “sách trời” xuất hiện một dòng chữ: Mỹ tửu và em thơm ngon như nhau, mật mã Quang phục quan trọng như anh! Tôi bất giác lắc đầu cười. Trên đời này còn có người phụ nữ tự ví mình với mỹ tửu, lại còn nói mình thơm ngon như rượu ngon! Tiếp theo, tôi xem phong thư. Trong bì thư không có gì, nhưng ngoài bì viết một dòng chữ Nga, tôi lập tức nhận ra thiên cơ trong đó, đọc ra một câu tiếng Nga hoàn chỉnh: Tiếng Nga rất phức tạp và sâu sắc, người Nga làm ra mật mã cũng sâu sắc thế ư? Tôi xem cuốn sách, đây là cuốn Thép đã tôi thế đấy của Ostrovsky, trong đó có mảnh giấy viết chữ dày đặc. Tôi thử “phá khoá” mật mã, lật giở từng trang “điện báo”, cuối cùng nhặt trong sách ra một nhóm từ, ghép lại thành một câu thế này: Tônia yêu Paven, giống như Paven yêu cách mạng. Mật ngữ kẹp trong cỗ bài cũng bị tôi giải mã. Sau khi tôi xếp theo thứ tự các quân bài, quân bài hiện lên dòng chữ: Tại sao ông Androv của anh chưa trả lời thư? Tôi bất giác rơi vào suy tư. Đúng vậy, tôi gửi thư cho thầy Androv đã hơn một tháng, đến nay vẫn chưa nhận được thư trả lời, tại sao nhỉ? Với lại, Y Y mất công đưa ra cho tôi bốn mật đề chắc không phải là để đùa. Trong quả bầu của cô đựng thuốc gì? Còn nữa, mấy hôm nay cô đóng cửa văn phòng gõ chan chát, rốt cuộc thì cô đang làm gì? Nếu như Nhị Hồ nói, cô chơi trò li kì gì đó, tại sao lại có vẻ bí mật như vậy? Nếu không phải chơi, cô làm gì? Phá khóa mật mã là công việc phải lao động trí óc với cường độ cao, không cần phải gõ ầm lên như rao hàng, lúc nào cũng ồn ào như thế. Tôi đang suy nghĩ, bất ngờ Y Y đến gõ cửa. Cô vừa vào liền hỏi tôi đã giải xong mật mã chưa. Tôi chỉ vào bốn bức mật thư, bảo cô phí hoài công sức. Cô bác lại một cách không khách khí: “Anh quá thực dụng, chỉ là trò chơi thôi mà, là người làm công tác phá khóa mật mã, đùa một chút có gì đáng trách đâu. Chơi trò này chứng tỏ cuộc sống đang trong thế giới mật mã”. Tôi đề nghị cô nghiêm chỉnh hơn, giải thích với tôi ý đồ thật sự của bốn mật đề này. Cô giải thích, bốn mật đề đại diện cho bốn thời kì của mật mã, chai rượu là mật mã thời sơ khai, phong thư là mật mã dịch vị, cuốn sách là mật mã hoán đổi, cỗ bài là mật mã chữ số, bây giờ chúng ta đều gọi chúng là mật mã sơ cấp. “Nhưng mà,” cô giải thích, “bất luận là mật mã trung cấp hay mật mã cao cấp, thật ra cũng chỉ xoay quanh những thứ này, chỉ là thêm bớt độ phức tạp. Ví dụ nói máy mật mã ENGMA, về lí thuyết, kĩ thuật của nó là mật mã chữ số cộng với mật mã hoán đổi, tổng hòa hai thứ đó lại thành mật mã mới, nhưng vẫn là mật mã chữ số”. Tôi hiểu ý Y Y: “Chỉ có trị số của số cộng đạt đến độ khó đếm nổi, nó mới thành mật mã chữ số”. Y Y nói: “Đúng như vậy, vậy anh nói tổng trị số đạt đến mức khó đếm, trong đó sẽ sản sinh ra bao nhiêu loại?”. Tôi nói: “Cũng chỉ mấy loại. Thứ nhất, mật mã chữ số siêu đại và mật mã chữ số trung đại lũy kế; thứ hai, mật mã chữ số siêu đại cộng với mật mã dịch vị; thứ ba, mật mã chữ số siêu đại cộng với mật mã hoán đổi; thứ tư, mật mã chữ số siêu đại cộng với mật mã dịch vị lại cộng với mật mã hoán đổi. Chỉ có mấy loại chủ yếu ấy thôi, mật mã nguyên thủy không thể xuất hiện trong mật mã chữ số”. Y Y nói: “Đúng! Tuy chúng ta khẳng định mật mã Quang phục là mật mã chữ số, vậy em hỏi anh, theo như chúng ta hiểu về L. Skin, anh cảm thấy bà ta thiết kế mật mã cho hai mươi năm sau, có thể dùng phương thức cộng thêm nào? Anh đừng nghĩ theo lối mòn mà dựa vào trực giác để nói”. Tôi nói: “Loại thứ nhất, mật mã chữ số siêu đại cộng với mật mã chữ số trung đại. Nếu cô cho tôi cơ hội thứ hai, tôi sẽ chọn...” Y Y lập tức cắt ngang lời tôi: “Không có cơ hội thứ hai”. Tôi hỏi: “Vậy cô chọn loại nào?”. Y Y trầm ngâm giây lát, nói: “Nói thẳng ra, lúc này em không có trực giác, cho nên em đau đầu. Trực giác của em vốn rất tốt, nhưng lúc này thì vẫn chưa có cảm giác gì”. Tôi nói: “Vậy là hành động ăn cắp cắt xén mật mã của L. Skin làm ảnh hưởng đến cảm giác của cô?”. Y Y hỏi tôi: “Anh có cảm thấy lần này bà ta còn ăn cắp tiếp không?”. Tôi nói: “Vừa rồi tôi đã nói, nếu cho tôi cơ hội thứ hai”. Y Y dứt khoát: “Không có thứ hai, thứ hai là vô nghĩa”. Ngừng lại giây lát, Y Y nói tiếp: “Em mong, lúc này trước mặt em không phải là học trò của ông Androv mà là chính ông Androv. Nếu ông ấy lựa chọn như thế em sẽ kiên quyết loại trừ hẳn khả năng ấy. Anh có biết tại sao ông ấy không trả lời thư anh không?”. Tôi nói: “Không biết”. Y Y mời tôi đi dạo. Trên đường đi dạo về, cô lại mời tôi đến nhà cô ngồi một lúc. Tôi nói thôi, lúc này muộn rồi, nên về nghỉ. Y Y nói còn sớm, mới hơn 9 giờ, đi nhé! Tôi cảm thấy tối nay cô toàn nói chuyện mật mã, tôi không thể làm cô mất hứng. Thậm chí tôi nghĩ, cô còn tiếp tục nói chuyện mật mã. Cho nên, tuy cảm thấy không ổn, nhưng tôi vẫn theo Y Y. Đây là lần đầu tiên tôi đến nhà cô, cô sắp xếp đồ đạc thật gọn gàng, trang nhã, nhưng rất có màu sắc, bức tường trên đầu giường cô treo tấm hình Marilyn Monroe, ngôi sao màn bạc Mĩ, hai tay chống đầu gối, chổng mông, ngước nhìn mọi người, cặp môi dày hé mở, toàn thân cháy bỏng nỗi khát khao, thèm muốn! Bất chợt tôi thầm nghĩ, người thế nào thì sùng bái thần tượng thế ấy. Về đến nhà, Y Y bắt đầu bận bịu, cô đi pha trà, lấy bánh quy, lấy một bao thuốc lá thơm mà hồi đó rất hiếm, bảo mua riêng cho tôi, đồng thời rút ngay ra một điếu mời tôi hút, cô bảo thích ngửi mùi thuốc tôi hút. Tôi châm thuốc hút, nhả khói, hỏi cô: “Cô thấy tôi có nên viết thư tiếp cho ông Androv không?”. Y Y lập tức reo lên: “Anh có sợ phiền không, tối nay nói nhiều về công việc rồi, bây giờ nói chuyện ngoài công việc nhé”. Tôi hỏi cô định nói chuyện gì. Cô tỏ ra phấn khởi, bảo tôi kể chuyện tôi đi làm điệp viên chuyện vợ tôi. Tôi kể tóm tắt chuyện những ngày tôi ở Liên Xô, những chuyện lặt vặt trong cuộc sống của tôi với vợ, tôi không nói gì đến thân phận thật và những bí mật của vợ tôi. Đó là kỉ luật, không thể nói. Bỗng Y Y hỏi: “Trong phim ảnh, gián điệp trông rất ăn chơi, rất lãng mạn, lúc cặp bồ với cô này, lúc cặp với cô khác, còn nữ thì dựa vào sắc đẹp để đi làm gián điệp, anh có thế không?”. Tôi nói: “Tôi có vợ, không thể làm thế được”. Cô nói: “Quan hệ của hai người có công khai không?”. Tôi nói: “Không công khai không được”. Cô nói: “Yêu cầu công tác cơ mà?”. Tôi nói: “Không có việc ấy, có việc ấy chẳng hóa ra là hủ hoá, trụy lạc hay sao”. Cô nói: “Không gọi là hủ hoá mà gọi là lãng mạn, chả nhẽ xưa nay anh không lãng mạn bao giờ à?”. Tôi nói: “Tôi nói với cô rồi, trong những năm chiến tranh gian khổ, chúng tôi là những người lãng mạn cách mạng, chiến thắng mọi gian khổ trở ngại, giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác” Y Y kéo tay tôi: “Tại sao anh cứ ngồi thẳng đơ như thế, không thích thú gì hay sao? Anh không biết à, anh càng làm như thế em càng không thể không yêu anh. Anh có hiểu tình yêu trong lòng em không?”. Tôi từ từ rụt tay lại, chuẩn bị đứng dậy ra về. Cô không ngăn cản, vẫn ngồi yên một chỗ, khẽ nói: “Vừa rồi mấy lần anh bảo em cho anh cơ hội thứ hai, thật ra anh không nói em cũng biết lần thứ hai anh muốn chọn gì rồi, tức là thoát ra khỏi bốn khả năng hiện có, phá vỡ lệ thường, đưa luôn cả mật mã nguyên thủy vào trong đó”. Tôi không thể không khâm phục khả năng phán đoán của Y Y. “Đúng!”, tôi nói: “Vì theo lời cô, L. Skin ăn cắp kĩ thuật, làm việc không cơ bản, rất có thể vượt ra ngoài thông lệ, gây nên quái chiêu này đến quái chiêu khác”. Y Y nói: “Em cũng nghĩ như vậy, điều ấy cũng ảnh hưởng đến trực giác em, là bởi em không chắc việc bà ta làm. Nhưng mà dù bà ta có làm như thế không, thì em cũng đã làm như thế, coi như bà ta gợi ý”. Bất chợt tôi hỏi: “Cô làm gì?”. Y Y nói: “Em làm một bộ mật mã chữ số, bốn bức mật thư kia đại diện cho bốn loại kĩ thuật mật mã, về cộng gộp bốn mật thư lại xem, đấy là em đã trộn lẫn bốn kĩ thuật mật mã khác nhau để làm một mật mã chữ số. Điều em muốn nói với anh cũng ẩn chứa trong bộ mật mã ấy, anh cứ về xem kĩ đi. Em có thể nhắc anh, chìa khóa mật mã là số 4, chữ thứ tư. Tôi về, đầu tiên sắp xếp bốn câu đã giải mã theo thứ tự, theo chìa khóa Y Y cho, lấy ra chữ thứ tư của mỗi câu, lập tức hiện lên dòng chữ tôi không thích: Bốn chữ đó là: Em rất yêu anh!