Sáng sớm hôm sau tôi lại về Lục Gia Yến. Trong lòng cứ suy nghĩ mãi chuyện hôm qua, với lại hôm nay phải đưa Bỉnh mù đi, tôi thuê một chiếc thuyền. Thuyền chờ ở bến đò. Lần thứ hai tôi vào làng Lục Gia Yến nhà cửa san sát. Cách từ đường không xa có một khu nhà gồm bảy tám hộ, trước cửa có bảy bậc thềm, bên trong là một hành lang chạy vòng quanh sân. Người làng bảo tôi, vào một đêm cách đây ba chục năm, khuôn viên này đã từng tiếp nhận một đơn vị bộ đội, đêm khuya đến, sáng sớm đi, người làng không biết đấy là đơn vị bộ đội nào. Nhưng ai cũng biết, trong số họ chắc chắn có một người làm cho cô con gái nhà thợ may phải chịu thiệt thòi. Mười tháng sau, cô con gái nhà thợ may kia chưa lấy chồng đã phải làm một người mẹ đau khổ, không có cách nào khác. Ba mươi năm sau, ở nơi này có một gia đình vẫn mở cửa, tiếng máy khâu từ trong vọng ra, trong ngôi nhà này, mẹ Bỉnh tiếp tôi. Ai cũng để xem bà là thợ may giỏi nhất làng, đồng thời cả làng công nhận bà là một phụ nữ đáng thương, suốt đời sống dựa vào đứa con vừa mù vừa ngớ ngẩn, không có nổi một tiếng cười. Trên khuôn mặt bà hằn lên những nếp đau buồn và cam chịu, tôi trông thấy số phận đang ngày đêm giày vò con người này. Chưa đến 50, nhưng bà như một bà già 70, dựa vào nghề tổ truyền, hai mẹ con cũng kiếm đủ miếng ăn, nhưng cũng chỉ thế mà thôi. Lúc đầu mẹ Bỉnh tưởng tôi đến may quần áo, khi tôi nói tìm Bỉnh, bà hiểu ngay tôi không phải người trong làng. Bởi người trong làng đều biết sáng nào Bỉnh cũng không có nhà. Vì tai cậu ta rất thính, cứ đêm khuya thanh vắng, trong khi mọi người đã ngủ say, nhưng cả đêm Bỉnh không ngủ yên vì những “âm thanh lặng lẽ” của làng quấy nhiễu. Để ngủ được một giấc, tối tối Bỉnh phải ra vườn dâu ngoài làng qua đêm, cho đến tận trưa mới về. Ông già trông coi vườn dâu là anh em với mẹ Bỉnh, tối nào ông cũng chuẩn bị cho Bỉnh một bó củi dâu để cậu đưa về nhà. Đấy là củi cho hai mẹ con Bỉnh nấu nướng, mà cũng là công việc duy nhất cậu con trai làm được cho mẹ. Hôm ấy, Bỉnh bị tôi gọi về, cậu vội vã quên cả đưa củi dâu về cho mẹ. Một tiếng đồng hồ sau, Bỉnh cùng tôi lên thuyền, khi thuyền vừa rời bến, Bỉnh như chợt nhớ ra điều gì, hớt hải ngước lên bến, gọi to: “Mẹ, hôm nay con quên, quên... quên đưa củi về, làm... làm thế nào?!”. Thuyền vừa rời bến, tôi vẫn còn kịp lấy ra hai chục đồng, nhét vào bao thuốc, ném lên bờ. Bỉnh biết tôi làm gì rồi, cậu ta cảm động rơi nước mắt, nói với tôi: “Anh là người tốt!” Sự việc ấy khiến tôi tin rằng Bỉnh không phải là người ngớ ngẩn, chẳng qua chỉ khác người mà thôi. Hôm ấy có đến mấy chục người trong làng, trai có gái có, già có, trẻ có, ra bến sông tiễn Bỉnh và tôi. Khi mọi người thấy chiếc thuyền đi mỗi lúc một xa mới tin rằng tôi không phải là kẻ lừa dối, mà thật sự đưa Bỉnh đi (đi bồi dưỡng thành người chỉnh âm thanh). Tôi nghĩ, họ cho rằng tôi cũng ngớ ngẩn như Bỉnh. Nếu không cũng là người xấu. Trong làng, người già vẫn nói, lấy xương của người bệnh đem sấy khô, nghiền thành bột, làm thuốc sẽ chữa được người cùng bệnh. Nói khác đi, lấy xương của Bỉnh làm thuốc, có thể chữa cho người ngớ ngẩn thành người thông minh. Tôi có thể là người như thế, một người xấu định lấy xương Bỉnh để làm thuốc. Nếu không, tôi có đủ lí do giống như Bỉnh, cũng là một người ngớ ngẩn. Nhưng dù sao đi nữa, tôi nghĩ, bà con dân làng Lục Gia Yến không thể ngờ được rằng, Bỉnh sẽ trở thành một đại anh hùng chấn động trời đất.