Lá Cờ Ma

Chương 3

Đột nhiên, tôi nhớ tới một chuyện bèn hỏi bác: “Bác ơi, cháu nghe nói, bốn tòa nhà ba tầng này vốn dĩ được xếp đặt theo kiểu hình tam giác với một tòa nhà làm trung tâm, hai tòa nhà hiện còn bây giờ là hai tòa nhà nào thế ạ?” “Tòa nhà ba tầng mà anh đang định đến chính là tòa nhà trung tâm, còn tòa nhà này là tòa nhà hướng về phía Tây Bắc, là một trong ba tòa nhà phía bên ngoài.” Tôi đi dọc theo ngõ 85 đường Dụ Thông và chợt hiểu khoảng cách thật sự của từ “khá xa” trong câu nói ban nãy của bác tổ phó Dương. Tôi đi một mạch tới cuối ngõ, không, nói đúng hơn là đi xuyên qua con ngõ, mãi tới tận lúc ra tới đường Phổ Tề, tôi mới nhìn thấy tòa nhà ba tầng cần tìm. Tôi nhẩm tính, cũng phải một, hai trăm mét. Tôi lấy tay gõ trán, tình hình này kể ra cũng lạ thật đấy! Từ tòa nhà trung tâm tới tòa nhà bên rìa đã xa như vậy, thì ba tòa nhà bên rìa, mỗi tòa nhà cách nhau ít nhất cũng phải ba trăm mét, thậm chí xa hơn ư? Tôi nhẩm tính vị trí của bốn tòa nhà, nếu hai tòa nhà ba tầng đã bị phá bỏ vẫn còn tồn tại, rất có thể một tòa nằm trên đường Dân Lập hoặc đường Cộng Hòa, một tòa có lẽ nằm ở gần đường Hán Trung. Thực ra, lúc xem bức ảnh, tôi đã có cảm giác các tòa nhà cách nhau khá xa, bây giờ đi bộ trên thực địa mới thấy, khoảng cách khá xa như vậy thật không hợp logic chút nào. Bốn anh em cùng xây bốn tòa nhà, chẳng lẽ không muốn xây gần kề nhau hay sao? Vì sao họ lại thiết kế bốn tòa nhà cách xa nhau như vậy? Nếu mối quan hệ giữa bốn anh em họ Tôn không được tốt thì tại sao họ lại muốn xây bốn tòa nhà giống hệt nhau trên cùng một mảnh đất? Thật không sao hiểu nổi! Sau mấy cái gõ trán, bước chân tôi đã dừng trước tòa nhà trung tâm trong khu nhà ba tầng. Tòa nhà này được thiết kế hết sức bình thường từ ngoài vào trong. Khả năng lấy ánh sáng của tầng một hơi kém, vì thế khi bước vào tòa nhà người ta thấy rất nhiều chỗ âm u mặc dù mới đang là buổi chiều. Tôi bước lên chiếc cầu thang gỗ dẫn lên tầng trên. Những mảnh gỗ dưới chân kêu cọt kẹt. Nếu là tôi, chắc chắn tôi sẽ thiết kế tòa nhà nhỏ hơn một chút với hai tầng nhà, nhưng sẽ xây đẹp và kiên cố hơn thế này nhiều. Tôi thiết nghĩ, thay vì xây bốn tòa nhà, chỉ nên dồn toàn bộ số tiền tập trung xây một tòa nhà khang trang và bề thế, bốn anh em sống chung trong cùng một tòa nhà vẫn được hưởng thụ một cuộc đời sung túc, dư dật là được. Miên man trong suy nghĩ ấy, không biết tôi đã đặt chân lên tầng hai từ lúc nào. Tòa nhà xây theo kiểu cũ nên không có biển đề số phòng ở ngoài cửa, tôi chỉ có thể hỏi thăm nơi ở cụ thể của “lão gàn dở” Trương Khinh. “Bác ơi cho cháu hỏi, bác Trương Khinh sống ở phòng nào ạ?”, tôi hỏi một người phụ nữ đang bước ra từ phía cửa bên trái. “Trương Khinh á?”, người phụ nữ hỏi lại tôi với giọng nói pha chút khẩu âm Ninh Ba. Tôi thấy bác ta hơi cau mày, hình như bác không nghĩ ra ai cả. “Là lão Trương gàn dở ấy bác”. Người phụ nữ như sực tỉnh, bèn chỉ tay về phía khung cửa màu đỏ son đang đóng kín mít ở phía trước bên phải. Bên ngoài căn phòng không có chuông, tôi đành gõ cửa. “Ai đấy?”, mãi một lúc sau, tôi mới nghe thấy một giọng nói trầm đục và pha tạp vang lên bên trong cánh cửa. Cánh cửa mở ra cùng với những tiếng kít két. Trước mặt tôi là hình ảnh một ông lão thấp bé, dáng vẻ khôn ngoan và mái đầu bạc trắng. Thân hình gầy guộc của ông lão tưởng chừng có thể bay theo làn gió, nhưng đôi mắt lại rất có thần. Ông lão trông trẻ hơn mười tuổi so với cái tuổi ngoài tám mươi. “Cháu chào bác, bác có phải là bác Trương không ạ? Cháu là Na Đa, phóng viên của báo Ngôi sao buổi sớm”, vừa nói tôi vừa giơ thẻ phóng viên cho ông xem. Đôi mắt bác Trương Khinh lướt qua cái thẻ phóng viên trên tay tôi một lượt rồi hỏi: “Có chuyện gì không?” “Dạ thưa bác, bác là người đã sống ở tòa nhà này suốt từ khi nó mới xây dựng cho tới tận bây giờ, hiện nay tòa nhà này đang đứng trước nguy cơ bị phá bỏ, tin tức đã được đăng trên báo Tân Dân buổi tối, số ra ngày hôm qua, tòa soạn chúng cháu cũng muốn theo sát tình hình với hi vọng có thể làm một điều gì đó khiến các ban ngành hữu quan thay đổi quyết định và bảo tồn nguyên vẹn hai tòa nhà ba tầng còn sót lại này ạ”. “Ồ, thế thì anh phải đi hỏi tổ dân phố chứ, tôi chẳng có gì để nói cả”. Ông lão không hề tỏ ý muốn mời tôi vào trong phòng nói chuyện tỉ mỉ hơn. “Nhưng bác là người cũ của nơi này, có một số chuyện các bác trong tổ dân phố không biết, cháu đành phải hỏi bác. Cháu không làm mất quá nhiều thời gian của bác đâu ạ, chỉ khoảng nửa tiếng thôi”. Tôi hơi cúi người, miệng nở một nụ cười cung kính. “Anh muốn tìm hiểu cái gì cơ?” Ông lão thấp giọng hỏi nhưng vẫn đứng chắn trước cửa, chẳng buồn cử động. “Dạ, cháu tìm được một bức ảnh trong một cuốn sách ở Thư viện Thượng Hải, ghi lại hình ảnh bốn tòa nhà vẫn bình yên vô sự sau ngày quân Nhật trút bom xuống thành phố Thượng Hải hồi năm 1937. Đây thật sự là một kì tích và cháu không thể nào hình dung được kì tích ấy đã xảy ra như thế nào nên cháu…” Đôi đồng tử của lão Trương gàn dở bất giác co lại, đảo khắp người tôi suốt một lượt rồi chỉ sau một khoảnh khắc, thần thái trong đôi mắt ấy bỗng trở nên quyết liệt, khiến những lời tôi chực nói ra miệng đột nhiên ngừng bặt. “Chẳng có gì để nói cả, tôi phải ngủ trưa đây.” Cánh cửa màu son khép lại ngay trước mắt tôi, đến cửa nhà người ta mà tôi chưa bước qua được. Cực chẳng đã, tôi đành cất bước lên tầng ba. Tôi hỏi phòng ở của ông lão Tô Miễn Tài rồi bước tới bấm chuông. Người mở cửa là một cụ ông dáng vẻ phúc hậu, mái tóc và đôi lông mày trắng như tuyết, những nếp nhăn trên mặt, đặc biệt là những nếp nhăn trên trán hằn sâu như những nhát dao cứa. “Cháu chào bác, cháu là Na Đa, phóng viên của báo Ngôi sao buổi sớm, cháu có thể xin bác một chút thời gian được không ạ?” Tôi thay đổi chiến thuật, cứ phải tìm cách vào trong nhà người ta trước đã rồi tính tiếp. “Ồ, được thôi, mời anh vào trong nhà”. Ông cụ mỉm cười dẫn tôi vào trong phòng. Căn phòng rộng chừng mười lăm, mười sáu mét vuông, khá sáng sủa, không bày biện quá nhiều đồ đạc, nổi bật nhất là mấy tủ sách kê quanh bốn mặt tường. Trên chiếc bàn Bát Tiên ngay sát cửa sổ trải một bức lụa viết tay còn chưa ráo mực, chiếc bút lông nằm yên trên nghiên mực đặt bên cạnh. Hình như chủ nhân của bức lụa vẫn chưa hoàn thành tác phẩm của mình và đang hong khô nó dưới ánh nắng chan hòa. Tôi ngắm qua bức lụa, những chữ viết trên đó có lẽ là kinh Phật, phần lạc khoản[6] ở trang cuối cùng có ghi “Viên Thông kính lục”. [6] Lạc khoản: chỉ việc đề chữ hoặc ghi tên trên bức vẽ hoặc tặng phẩm. Trong lúc tôi chú ý đến phần kinh Phật chép tay, ông lão Tô Miễn Tài bắt đầu thu kinh Phật lại, cất vào trong tủ sách. Tôi hướng ánh mắt dõi theo động tác của ông lão và không khỏi sững sờ khi nhận ra bên trong tủ sách hầu hết là những cuốn kinh Phật chép tay như thế. “Bác theo đạo Phật ạ?”, tôi cất tiếng hỏi nhân lúc ông lão Tô Miễn Tài mời tôi ngồi xuống trước chiếc bàn Bát Tiên. Ông lão Tô Miễn Tài mỉm cười, hỏi lại: “Ban nãy anh nói, anh là…” Những người già cả như ông lão Tô Miễn Tài không biết tới những tờ báo mới nổi như báo “Ngôi sao buổi sớm” của tôi cũng là chuyện thường tình. Bởi thế, tôi bèn nhắc lại nghề nghiệp của mình một lần nữa và giơ thẻ phóng viên cho ông lão xem. Ông lão xua tay như muốn bảo tôi cất thẻ phóng viên đi. Xem ra, ông lão Tô Miễn Tài dễ gần hơn ông lão dưới tầng hai nhiều. “Thưa bác, bác là một trong những người sống ở tòa nhà này nhiều năm nhất, lần này cháu tới đây là muốn hỏi bác một số chuyện liên quan đến tòa nhà. Dù sao tòa nhà này cũng có giá trị lịch sử nhất định, nếu bị phá bỏ thì thật là đáng tiếc, cháu hi vọng nhờ sự cố gắng của giới truyền thông mà ‘khu nhà ba tầng’ này có thể được giữ lại”.