Gần đến Tết, tôi bận hơn, nhưng rất vui vẻ. Mùng một, tuyết bắt đầu rơi, tuyết rơi từ sáng sớm đến đêm khuya. Bên ngoài, đất trời trắng xoá, tuyết phủ một lớp dày trên mặt đất. Vậy mà trong phòng, điều hoà liên tục thổi từng đợt gió nóng, đúng là băng hỏa lưỡng trọng thiên (một bên lạnh, một bên nóng, hai thái cực đối nghịch cùng tồn tại). Mùng hai, trời trong, hiếm khi được thấy bầu trời trong xanh đến thế. Ánh mặt trời hiền hoà chiếu xuống mặt tuyết trắng lấp lánh, phản chiếu ánh sáng hoa mỹ đến chói mắt. Tôi định ở nhà đợi tin tức, không muốn ra ngoài, lại nhận được tin nhắn của Tiết Vấn Khu, “Thi Trầm, tối nay ra ngoài ăn đi.” Nhìn ngoài đường, tuyết phủ trắng xoá, đi xe bus cũng không an toàn. Tôi ngàn vạn lần không muốn đi nhưng nghĩ đến anh, dáng vẻ đáng yêu như con nít, không nhịn được trả lời, “Được.” *** Tạm coi như đã ba ngày chưa được gặp anh. Một khoảng thời gian không dài, cũng không ngắn, nên không thấy nhớ. Thành phố chúng tôi đang sống không quá lớn, cũng không quá sầm uất. Thỉnh thoảng trên đường gặp một hai người quen là chuyện bình thường. Như tôi đang đi, bất ngờ gặp cậu bạn, ăn với nhau một bữa, sau khi ăn xong thì đi bộ tiêu cơm, lại bị đồn thành “nắm tay thân mật”. Đúng là tin đồn bậy bạ. Nhưng vô tình gặp Tiết Vấn Khu, đúng là rất hiếm. Tuyết đọng trên sân thể dục chưa tan hết. Một bước sâu lại một bước nông, tôi đi giữa đám bùn lầy lội, khẽ càu nhàu mấy câu. Cửa sân vận động có mấy cửa hàng bán pháo, với những sản phẩm có tính nguy hiểm cao như vậy, tôi không có hứng thú, chỉ liếc nhìn qua, mà thấy ngay Tiết Vấn Khu nổi bần bật giữa đám trẻ con. Anh rất cao, trong tay ôm một đống pháo, còn chen chúc với một đám nhóc, chả ra thể thống gì cả. Thì ra Tiết lão gia trẻ con như thế, tôi nghĩ thầm. Bước lại gần, vỗ vai anh, anh quay đầu, hơi ngạc nhiên, “A, em cũng đến mua pháo hoa à?” Tôi trợn mắt, giơ cao túi ni lông trong tay, “. . . . . . Em vừa đi ra từ siêu thị, đúng lúc đi ngang qua.” “Em thật sự không muốn mua?” Hiển nhiên anh đang rất vui, cúi đầu lục lọi trong đống vật thể nguy hiểm kia, “Pháo diêm, gậy tiên nữ, pháo dây nổ rất vang, còn có pháo chùm, em thích loại nào?” Tôi bất đắc dĩ, khóe miệng run rẩy, “Chẳng thích cái nào cả, em sợ.” “Có gì mà sợ?” Anh ôm một đống pháo ra trả tiền, vừa đi vừa nói, “Chơi pháo vui lắm, năm nào anh cũng mua rất nhiều.” Tôi vạch tội, “Lúc anh còn bé chắc chắn từng cầm pháo diêm đi trêu người ta!” “Tất nhiên!” Anh cười to, “Lúc bé anh ném pháo vào đàn gà nhà bà nuôi! Cảnh tượng đó rất hoành tráng!” “. . . . . . Mấy con gà kia không vì thế mà trụi hết lông chứ!” Tôi cố tình nói kháy. “Lửa không đủ mạnh, aiz.” Mua xong rồi, anh lục trong túi, lấy ra một cây gậy tiên nữ cho tôi, “Hừm, cái này nổ không to lắm, rất thú vị, em cầm đi.” Tôi bĩu môi, không tiện từ chối ý tốt của anh, thuận tay nhét vào túi ni lông đang cầm. Anh đi theo tôi đến trạm xe bus, anh hỏi, “Tối ba mươi, em ăn cơm ở đâu?” “Em được phép ra ngoài ăn, còn anh thì sao?” “Ở nhà làm sủi cảo! Anh sẽ ngồi nặn sủi cảo.” Anh cười híp mắt, bắt đầu biến thành vẻ mặt tham ăn, “Rau cải, thịt băm, ăn rất ngon.” Tôi gật đầu như dã tỏi, “Đúng vậy! Em cũng thích ăn sủi cảo, em thấy đó là món ngon nhất.” “Tất nhiên! Không gì ngon bằng sủi cảo, làm vui lắm, chẳng qua chị dâu anh. . . . . .” . . . . . . Kết quả đêm giao thừa tôi nhận được tin nhắn hình ảnh của Tiết Vấn Khu. Một đĩa sủi cảo tròn trịa, chuẩn bị thả vào nồi, anh còn tự sướng bình luận một câu, “Anh gói sủi cảo đẹp lắm nè! Năm mới vui vẻ!” *** Lúc tôi bước ra ngoài, tuyết vẫn chưa có dấu hiệu tan đi. Các thành phố ở phương nam khác phương bắc, mấy năm nay ít khi có tuyết rơi. Không ngờ năm nay tuyết rơi dày đặc, nhiều nơi kết thành băng, phủ kín mặt đất. Đến xe bus còn phải giảm tốc độ, đi thật chậm. Mặc dù đi lại khó khăn nhưng mọi người vẫn hào hứng đi chơi xuân. Trận bão tuyết đột nhiên xuất hiện không át được không khí vui vẻ chào đón năm mới. Tiết Vấn Khu đứng ở trạm xe bus chờ tôi. Lúc tôi bước xuống, thấy anh mặc áo khoác nhung màu đen, khăn quàng cổ màu xanh dương che kín cả khuôn mặt, chỉ lộ ra đôi mắt. Trên đầu còn đội mũ len, nhìn rất ngố =)) Anh nói oang oang, “Anh chờ em rất lâu.” “Đường khó đi lắm, toàn tuyết đọng.” Tôi giải thích, lại nhìn anh, “Sao anh mặc kín cổng cao tường thế kia?” “Hình như bị cảm rồi.” “Trong nhà không bật điều hòa à?” “Có bật, còn bật cả thảm điện. Tối ngủ đắp chăn kín. Sáng nay lúc mẹ gọi anh dậy, thấy nửa người thò ra bên ngoài.” Anh có chút nóng nảy, nhưng tâm trạng không tệ, tôi thuận miệng hỏi, “Giờ đi đâu ăn?” “Tùy em.” Tôi lập tức im lặng, “Haizz, mời người ta đi ăn còn không biết đi đâu.” Vẻ mặt anh còn ngố hơn cả lúc nãy, “Thật ra thì anh không biết đi ăn ở đâu nên mới gọi em ra ngoài chứ? Em tức giận à?” “. . . . . . Không phải. . . . . . Em có điện thoại.” Em họ tôi gọi tới. Năm nay nó học lớp mười một. Mấy ngày trước, tôi mượn nó cái PS2, định Tết nằm nhà chơi điện tử. Nó lề mà lề mề hôm nay mới nhớ ra mang sang cho tôi. Nó còn bảo, “Mời em ăn một bữa đi, miễn cho chị tiền thuê.” Thật là hôm nào không gọi, cố tình chọn hôm nay, tôi trợn mắt, cất di động, nói với Tiết Vấn Khu, “Được, vậy em mời. Em họ em giờ mang PS2 sang cho em mượn, em phải mời nó ăn một bữa. Ăn ở Pizza Hut được không?” “Được mời à?” Tiết Vấn Khu giống như được uống thuốc kích thích, triệu chứng cảm cúm lập tức biết mất, “Ok, let’go.” Lớn tồng ngồng mà y như đứa trẻ, không biết trong đầu có gì nữa. *** Bạn nhỏ nào đó ngồi trong cửa hàng ấm áp, ngượng ngùng nói, “Điểm Điểm từng mời em đi ăn Pizza Hut .” Tôi không thèm ngẩng đầu, nhìn menu, “Điểm Điểm? Đó là bạn gái thứ mấy của em?” “Người thứ ba.” Tiết Vấn Khu ngồi bên cạnh tỏ vẻ không tin, “Mẹ nó, hơn cả anh mày.” “Cho nên em mới bảo giờ em không hiểu nổi đầu óc bọn trẻ con chứa những gì!” Tôi đẩy menu cho Tiết Vấn Khu, “Năm lớp mười một, thế hệ chúng ta làm gì nhỉ?” Anh đần ra, nghĩ một lúc, “Anh thì chơi game. . . . . .” Bạn nhỏ ở trước mặt Tiết Vấn Khu hơi bị gò bó, chỉ cười “Hắc hắc”. Tôi bỗng nhớ ra một chuyện, chỉ chỉ Tiết Vấn Khu, “Aizz, anh không biết đâu, năm nó học lớp mười từng gửi tin báo cho em biết có bạn gái, còn nói một câu vô cùng đáng đánh đòn. Anh biết là câu gì không?” “Câu gì?” Tôi liếc mắt nhìn đứa đã yêu sớm còn khoe khoang kia, “Nó nói: Người độc thân như chị không hiểu được cảm giác đau khổ của những người có người yêu như em.” Tiết Vấn Khu cười to, “Ha ha, lời này của em, lực sát thương quá lớn.” “Còn không phải sao! Lúc đó em đọc cho mấy đứa bạn cùng phòng nghe, đứa nào cũng căm phẫn!” Tôi thở dài, “Hồi em học lớp mười một đang làm gì nhỉ??? Trời ạ! Em giống như con nhà quê mặc đồng phục, ngày ngày đeo kính cận, ôm một chồng sách to. Nghĩ đi nghĩ lại, mình quá ngu, không chỉ thế, ngay cả đối tượng để yêu sớm cũng không có.” (nguyên gốc bậy hơn, chị Thi bưu hãn quá) Bạn nhỏ ra vẻ sâu xa, “Aizz, yêu sớm cũng khổ lắm chị tưởng, nhưng là vui vẻ chịu đựng.” Nên bị tôi và Tiết Vân Khu dùng pháo oanh tạc, tôi còn uy hiếp, “Em còn nói mấy câu chọc ngoáy nữa, chị sẽ nói cho mẹ em biết. Đừng quên, chủ nhiệm lớp em là giáo viên dạy hoá học của chị. . . . . . Hừ hừ. . . . . .” . . . . . . Cơm nước xong, lúc chờ Tiết Vấn Khu đi lấy hóa đơn, em họ sán lại gần, “Kia là cá à?” ” Cá cái đầu em! Nhìn đâu cũng toàn thấy cá, người ta sớm đã có chủ!” Nó hiểu ra, “Ra thế, là nam hay nữ vậy?” Tôi câm nín, giờ trẻ con đứa nào cũng tinh quái thế sao, vỗ đầu nó, “Trong đầu em toàn thứ gì thế! Trẻ con phải hồn nhiên mới được lòng người lớn.” Nó ra vẻ không nghe thấy, bùi ngùi nói, “Aizz, chị Trầm à, chị đừng dấn thân vào con đường tiểu tam nhé. Mặc dù anh chàng này tú sắc khả cơm, nhưng chị phải tiêu hoá được mới tốt. . . . . .” (tú sắc khả cơm: sắc đẹp có thể thay cơm, không cần ăn chỉ ngắm cũng no) Tôi nổi giận, “Nói hết chưa! Giờ chị lập tức gọi điện thoại cho mẹ em.” “Đừng! Em im đây! Em không nói gì nữa!” Mùa đông, trời tối rất nhanh. Cành cây trơ trụi được quấn dây đèn đủ màu, cả thành phố tuy không thể sánh với Thượng Hải, nhưng vào mùa xuân tương đối náo nhiệt. Tôi đang định nói về nhà, Tiết Vấn Khu lại đề nghị, “Thi Trầm, chúng ta qua trường cũ chơi đi?” “Trường học? Khu nhà cũ?” “Ừ, lâu rồi không đến.” Đôi mắt anh lấp lánh dưới ánh đèn đường u ám, “Đi nào.” Đối với trường cũ, tôi luôn có cảm giác lưu luyến. Toà nhà cũ kỹ và những gốc cây cổ thụ kia luôn dễ in dấu trong ký ức thời thanh xuân của tôi. Chúng chứa đựng mùi vị của thời gian khiến tôi thấy lưu luyến. Đó là những năm tháng mặc đồng phục, áo trắng, váy lam, đeo cặp sách, đạp xe đạp. Không buồn không lo, thời thanh xuân luôn luôn là những tháng ngày tốt đẹp nhất, đẹp đến mức vô tâm có thể bỏ mặc mọi thứ. Trường cũ đang tu sửa, giàn giáo được dựng lên, nhưng giờ không có công nhân làm việc. Tôi bò theo Tiết Vấn Khu lên tầng ba, thở hổn hển. Lớp 9 – 2, 9 – 3 giờ là phòng học của lớp 7 – 5 và 7 – 6. Bàn ghế được tân trang lại, bảng tin đổi thành kì mới, những cửa sổ cạnh hành lang đã đóng kín, trước cửa lớp học treo một cái chuông gió rất đáng yêu. Những kỷ niệm một thời chúng tôi từng có, không còn nữa. “Mọi thứ thay đổi rồi. . . . . .” Tôi nói đầy tiếc nuối. Nhưng Tiết Vấn Khu lại cười, chỉ vào lan can hành lang, “Không! Không phải tất cả, em qua đây!” Lan can bằng inox có vết lõm xuống, giống như bị vật nặng đập vào. Anh nói, “Đây là cũ, đây là mới, ha ha, em biết sao có vết lõm này không, một đứa cực khoẻ trong lớp anh đập đầu vào đấy!” Tôi mở to mắt há hốc mồm. “Cho nên, Thi Trầm à, quá khứ vẫn tồn tại, mà thứ từng tồn tại chắc chắn sẽ để lại dấu vết.” Trong cuộc đời mỗi người, nhất định từng xuất hiện một người. Có thể bạn không còn nhớ rõ diện mạo của người đó. Giọng nói của người đó đã quá lâu rồi khó có thể nhận ra. Hơi thở của người đó đã tan thành mây khói, nhưng một cái liếc mắt, một nụ cười của người đó giống như một chiếc ô chở che cho bạn lúc trời mưa tầm tã. Cảnh tượng ấy chẳng bao giờ quên được. Thời niên thiếu, mỗi người đều có một đoá hoa, nở rộ rồi lụi tàn nhưng vĩnh viễn khắc sâu trong lòng. Còn tôi, đứng trên hành lang tầng ba năm ấy. Ánh đèn chói mắt từ sân trường kéo dài bóng hai người, cuối cùng chập lại làm một. Thời gian cứ trôi đi. Tác giả có lời muốn nói: Sẽ có ngược. . Trước hết cứ ngọt đã. .