Chương 10 Ngoài hai mươi lăm ngàn người chen như nêm trên bốn phía khán đài, bên ngoài sân vận động Thống Nhất còn khoảng gần chục ngàn khán giải không vào được trong sân. Phía đường Nguyễn Kim và Ngô Quyền tương đối yên tĩnh. Nhưng ở các cửa hông trên đường Đào Duy Từ và Tân Phước, đám đông đang làm loạn. Tiểu Long lắng tai nghe tiếng hò reo, tiếng la ó và tiếng đập cửa thình thình một hồi rồi rụt cổ: - Ghê thật! May mà tụi mình đi từ sớm! Văn Châu tặc lưỡi phát biểu cảm tưởng: - Kể ra không xem được trận này cũng tiếc thật! Quý ròm sốt ruột nhìn xuống sân: - Sao hai đội chưa ra sân khởi động kìa? Như để trả lời Quý ròm, từ dưới đường hầm ba vị trọng tài người Iran râu ria rậm rạp đang hùng dũng dẫn hai đội bóng tiến ra sân giữa tràng pháo tay vang như sấm của mấy chục ngàn khán giả. Đội Ilhwa Chuma của Hàn Quốc mặc quần áo toàn màu xanh, người nào người nấy to như hộ pháp, đang lừng lững bước. Vẻ tự tin của đội bóng chuyên nghiệp này bộc lộ qua cái cách các cầu thủ vửa đi vừa cười đùa rôm rả. Có vẻ như họ xem cái đội bóng mà họ vừa thắng 4-1 cách đây nửa tháng trong trận lượt đi chẳng là cái đinh gỉ gì. Trận lượt về ngày hôm nay đối với họ có lẽ gần với một cử dượt nhẹ nhàng hơn là một trận đấu gay go, căng thẳng. Vì vậy, nom họ giống đoàn khách đi du lịch hơn là đội qu đi chiến đấu. Sóng bước bên cạnh, đội Hy Vọng vẫn trung thành với bộ đồng phục quần xanh áo vàng truyền thống, do trung phong vừa trở lại sân cỏ Sĩ Hoàng dẫn đầu. Mặc dù đoán trước Sĩ Hoàng sẽ có mặt trong trận đấu này nhưng vừa thấy anh xuất hiện ở đầu đoàn quân áo vàng, mọi người vẫn ngạc nhiên một cách sung sướng: - A, trung phong Sĩ Hoàng kìa! - Ôi, vua phá lưới đã trở lại! Cảm ơn Trời Phật! - Lục Vân Tiên tái xuất giang hồ! Hà hà! Hàng ngàn cái miệng hướng về phía đội Hy Vọng , kêu to: - Sĩ Hoàng năm-bờ oăn! - Cố lên Sĩ Hoàng! - Sĩ Hoàng, ai lớp du! - Ráng sút vào lưới đối phương mười trái nghe! - Sĩ Hoàng dzách lầu hủ len ngộ ôi nị lắm đó! Tiếng Việt, tiếng Tàu, tiếng Anh tuôn như mưa. Trung phong Sĩ Hoàng ngước mắt nhìn lên các khán đài, vui vẻ và cảm động giơ tay chào. Quý ròm nghe máu chạy rần rật trong người. Nó đứng bật dậy, gân cổ gào: - Anh Sĩ Hoàng, tụi em ở đây nè! Tiểu Long vung nắm đấm. Nó thoi một phát lên… trời: - Tụi em ở phía này nè! Nhưng giữa mớ âm thanh đang náo động rền trời, có tài thánh trung phong đội Hy Vọng mới nghe thấy tiếng kêu khản giọng của hai ông nhóc. Trung phong Sĩ Hoàng không nghe. Nhưng Văn Châu nghe rõ. Nó nói: - Hai bạn ngồi xuống đi! Tốt nhất là giữ giọng lát nữa hét! Quý ròm và Tiểu Long biết khôngthể làm gì hơn bèn nghe lời bạn lục tục ngồi xuống. - Nè! - Văn Châu day qua Quý ròm – Khi nãy người ta hô gì vậy? - Người ta chào mừng anh Sĩ Hoàng! Văn Châu nhíu mày: - Năm-bờ oăn là “số một”, ai lớp du là “tôi yêu bạn”, nhưng còn dzách lầu hủ len ngộ ôi nị là cái quái quỷ gì? Tiểu Long vọt miệng “giải đáp thắc mắc”: - Đó là tiếng Quảng chứ không phải tiếng Anh! Văn Châu tròn xoe m - Tiếng Quảng gì lạ vậy? Đó là Quảng Nam, Quảng Trị hay Quảng Ngãi? Tiểu Long cười khì: - Không, đó là tiếng Quảng Đông, Trung Quốc! Dzách lầu là “số một”, giống như năm-bờ oăn vậy, ngộ ôi nị là “tôi yêu bạn”, giống như ai lớp du vậy, còn hủ len là “đẹp trai”, giống như… như… Quý ròm vậy! - Tao không giỡn với mày a nghen! - Quý ròm nhảy nhổm. Trong khi Tiểu Long đang né người tránh nắm đấm Quý ròm đang dứ dứ trước mặt thì Văn Châu liếc Tiểu Long bằng ánh mắt thán phục. Nó đâu có biết cạnh nhà Tiểu Long có một gia đình người Quảng Đông làm bánh bao bán ngay trước hẻm. Tiểu Long qua lại hàng xóm hằng ngày, vốn liếng tiếng Quảng Đông của nó đâu chỉ có vậy. Buổi sáng nó biết giơ tay “chủ xành” – “chào buổi sáng”, buổi trưa nó biết hỏi “xực phàn mì?”- “ăn cơm chưa?”, buổi tối nó biết nói “phán xẻ phanh cao” – “về nhà đi ngủ”. Thậm chí khi đói bụng, nó biết mua bánh bao và nói “xê xô, dách chành pỉ” – “mua thiếu, lát trả tiền”… Văn Châu không biết điều đó, tưởng thằng mập đang theo học lớp “tiến sĩ Trung văn” nên nó nhìn Tiểu Long mà mắt nó lé xẹ. Thấy Văn Châu nhìn mình ngưỡng mộ, Tiểu Long khoái thầm. Nó ngồi im cười mím chi cọp. Nhưng Tiểu Long không khoan khoái được lâu. Khi các cầu thủ đội Ilhwa Chuma ra sân tập với bóng và thi nhau tung những cú vô-lê chính xác, mạnh như búa bổ vào khung thành thì Tiểu Long hết cười nổi. Nó nhìn Quý ròm, nhăn nhó: - Tụi nó sút ác quá mày! Quý ròm cũng đang run, nhưng cố làm mặt tỉnh: - Lúc tập dượt tụi nó làm ghê vậy chứ khi vào trận sút trật lất à! Tiểu Long quẹt mũi: - Sút trật lất mà lượt đi tụi nó “để” mình tới 4-1. May cho Quý ròm, nó chưa biết làm sao gỡ bí thì Văn Châu đã lên tiếng ủng hộ nó: - Ối dào, chuyện nhỏ! Tại lượt đi không có anh Sĩ Hoàng! Anh Sĩ Hoàng sút độc hơn tụi Chuma gấp bội! Quý ròm gật gù: - Anh Sĩ Hoàng không những tài nghệ siêu đẳng mà quyết tâm cũng rất lớn! Ảnh hứa rồi! Ảnh bảo trận này ảnh sẽ đá hết mình để đáp lại tấm lòng của người hâm mộ! Tiểu Long định ngoác miệng cãi tiếp, nghe Quý ròm nói vậy, liền chép miệng làm thinh. Anh Sĩ Hoàng quả có nói với tụi nó như vậy thật. Tối hôm qua, vừa điều tra ra tông tích tác giả của những bức thư bí ẩn kia, ba đứa tụi nó liền phóng như bay tới chợ Hoà Bình. Vừa thấy mặt anh Sĩ Hoàng, Quý ròm đã huơ tay bô bô: - Tụi em phải “mai phục” hay ngày hai đêm như các chiến sĩ trinh sát vậy đó! Đêm không ăn ngày không ngủ… - Đêm không ngủ ngày không ăn chứ! - Tiểu Long thật thà đính chính. Quý ròm nguýt bạn: - Sao mày khờ quá vậy! Đây là tao nói chơi kia mà! Anh Sĩ Hoàng hắng giọng cắt ngang sự tranh cãi của bọn nhóc: - Thế rồi sao? Rốt cuộc các em có tìm ra tông tích cô gái viết thư cho anh không? - Có! - Quý ròm hớn hở - Cô gái đó tên Hường, đẹp chim sa cá lặn luôn! Anh Sĩ Hoàng mỉm cười: - Thế nhà cô Hường ở đâu? Văn Châu vung tay: - Cổ ở tuốt trên Ngã tư Bảy Hiền lận! Nhưng tụi em có ghi lại số nhà của cổ rồi! Tiểu Long hăng hái giục: - Anh thay quần áo đi, tụi em dẫn anh đi! - Đi ngay bây giờ thì chưa được! – Anh Sĩ Hoàng hít vào một hơi - Chiều mai tụi anh phải đá trận chung kết lượt về với đội Ilhwa Chuma rồi! - Ờ há! - Tiểu Long vò đầu, rồi nó khẽ liếc trung phong đội Hy Vọng, ngập ngừng hỏi - Thế ngày mai anh có ra sân không? - Anh chưa biết! Nhưng có lẽ anh sẽ đá! Văn Châu mím môi: - Chắc chắn anh sẽ được đá! Quý ròm quả quyết: - Nếu anh đá, đội Hy Vọng chắc chắn sẽ lật ngược được thế trận! Anh Sĩ Hoàng đập tay lên vai Quý ròm: - Khó lắm! Nhưng anh sẽ cố! – Giọng anh đột nhiên trở nên nghiêm trang – Trong những ngày tháng xa rời sân cỏ, anh có dịp nghiền ngẫm về sự nghiệp của mình, về đạo đức của người cầu thủ cũng như về mối quan hệ gắn bó giữa cầu thủ và khán giả. Anh hiểu ra rằng chính sự tin yêu của người hâm mộ là bệ phóng và là mục tiêu của người cầu thủ trên sân cỏ. Nêu không có khán giả, bóng đá sẽ không tồn tại. Cũng như nếu không có những người như cô Hường, có thể anh đã không đủ cam đảm bắt đầu lại… Trước vẻ mặt thừ ra của bọn trẻ, trung phong đội Hy Vọng nghiến răng, giọng chắc nịch: - Trận chiều mai, nếu được vào sân, anh hứa với các em anh sẽ cống hiến hết sức mình, thậm chí hơn cả sức mình. Anh quyết sẽ đem lại sự hài lòng cho những người hâm mộ vẫn chờ đợi nơi anh, cho những người như cô Hường. - Nhưng chừng nào anh sẽ đến thăm cổ? - Tiểu Long gãi đầu hỏi. Môi người trung phong mím lại: - Chiều mai, ngay sau khi trận đấu kết thúc! Các em đợi anh ở góc đường Nguyễn Kim – Tân Phước, anh sẽ đi cùng các em! Đoạn đối thoại tối hôm qua hiện ra trong đầu Tiểu Long rõ mồn một. Nó xúc động nhớ lại vẻ mặt cương quyết và đôi mắt long lanh của trung phong đội Hy Vọng. Và nó không buồn tranh cãi với Quý ròm và Văn Châu nữa. Anh Sĩ Hoàng đã hứa sẽ cống hiến hết sức lực, sẽ đá trên cả sức mình, anh sẽ chiến đầu vì sự tin tưởng và yêu thương của đông đảo người hâm mộ, của người con gái tên Hường đã viết cho anh một trăm hai mươi lá thư trong bốn tháng chỉ để mong anh đừng bỏ cuộc… Tự dưng Tiểu Long cảm thấy lòng mình dậy lên một niềm tin mơ hồ nhưng vững chắc. Nó nhìn chung quanh, thấy bốn phía khán đài rợp những biểu ngữ, băng-rôn cổ vũ đội nhà. Ở hai khán đài B và D, “lãnh địa” của các cổ động viên đội Điện Lực Hoà Bình cũng nhan nhản những khẩu hiệu cổ vũ cho đội bóng kình địch xưa nay. Tiểu Long mỉm cười khi thấy các cổ động viên của đội bóng ngành điện giương cao các tấm biển nắn nót những dòng chữ “xưa nay hiếm”: “Các chàng trai Hy Vọng, chúng tôi luôn ở bên các bạn!”, “Hãy chiến đấu cho cả chúng tôi!”, “Hãy chiến thắng, cám ơn!”. Riêng câu “châm ngôn” ưa thích của cổ động viên đội Điện Lực Hoà Bình “Đội Hy Vọng luôn luôn hy vọng và luôn luôn… thất vọng” bây giờ đã được “cải biên” thành “Đội Hy Vọng luôn luôn hy vọng và không bao giờ thất vọng”… Tiểu Long đưa mắt nhìn xuống thảm cỏ xanh dưới kia, thấy lòng vui chi lạ! Trong một thoáng, nó chợt nhận ra thể thao có thể khiến con người bộc lộ lòng yêu nước một cách nồng nàn nhất, và cũng hồn nhiên nhất. Cổ động viên của đội bóng Điện Lực đại kình địch thường ngày vẫn hung hăng tìm đủ mọi cách để nhấn chìm uy phong của đội Hy Vọng xuống tận bùn đen, vậy mà khi đội Hy Vọng chạm trán với một đội bóng nước ngoài, đám cổ động viên cuồng nhiệt đến quá khích kia bỗng tự nguyện quay sang ủng hộ “kẻ thù” không tiếc sức… Tiếng còi của trọng tài Iran ré lên cắt đứt những suy nghĩ miên man trong đầu Tiểu Long. Ở dưới sân, hai mươi hai cầu thủ bắt đầu chuyển động. Đội Ilhwa Chuma được giao bóng trước. Đã từng đè bẹp dễ dàng đối phương cách đây nửa tháng, đội Ilhwa Chuma chả cần thăm dò như người ta vẫn thường làm ở đầu trận đấu. Sau quả giao bóng là hai đường chuyền, rồi ngay lập tức một cú lốp bóng bổng vượt nửa chiều dài sân rót ngay chóc vào vùng cấm địa đội Hy Vọng: một lối đá tốc độ nhằm gây áp lực. Nhưng thủ môn Lê Hồng Miên đã lập tức chứng minh cụm từ hoa mỹ “đôi tay nhựa” khán giả tặng cho anh không phải lúc nào cũng … sai sự thật. Anh bay người lên như cánh dơi, ôm bóng trên hai cái đầu nhô cao của tiền đạo đối phương và lộn một vòng ngoạn mục xuống cỏ giữa tiếng trống thúc, tiếng phèng la gõ và tiếng hoan hô như sấm trên khán đài. Quý ròm quay sang Tiểu Long, cười hề hề: - Lê Hồng Miên chụp dínhế này, tao dám chấp đội Chuma hai trái! Biết bạn ba hoa nhưng Tiểu Long cũng thấy khoai khoái. Nó vui vẻ ba hoa theo, dĩ nhiên ở mức độ thấp hơn: - Tao chỉ dám chấp nửa trái thôi! Văn Châu là con gái, không quen huênh hoang. Nghe hai bạn bốc đội nhà lên mây xanh, nó chỉ ngồi cười khì sung sướng. Chỉ tiếc là nó không sung sướng được lâu. Gần ba mươi phút trôi qua mà đội Hy Vọng không có lấy được một đường tấn công sắc bén. Trong khi đó áp lực của đội Ilhwa Chuma luôn đè nặng lên phần sân đội nhà. Các cầu thủ Hàn Quốc cao to, thường thắng trong các cuộc đua tốc độ và các cuộc tranh chấp bóng tầm cao. Các pha dốc bóng chóng mặt dọc biên kết thúc bằng những cú sút búa bổ hoặc các cú treo bóng lơ lửng trước khung thành khiến mấy chục ngàn quả tim trên khán đài giật thon thót. May mà trong một chiều xuất thần, hàng hậu vệ do libéro Đức Vĩnh chỉ huy đã thi đấu lăn xả và những cú cản bóng sơ sót đã được thủ môn Lê Hồng Miên sửa chữa một cách hoàn hảo bằng những pha dũng cảm bay người cứu bóng. Hiệp một kết thúc bằng tỉ số 0-0 với ưu thế nghiêng hẳn về phía đội khách. Mười lăm phút cuối, hai bàn tay Văn Châu đặt dính lên ngực, không thốt được một lời. Khi còi trọng tài nổi lên, nó mới buông tay xuống, thở một hơi dài: - Hú vía! Thật cứ như ngồi trên lửa! Tiểu Long chán nản: - Đá kiểu này thì đội Hy Vọng chả còn hy vọng gì! Phải thắng tụi Chuma ít nhất 3-0 mới mong đoạt cúp! Quý ròm cố nói cứng: - Biết đâu đấy! Còn bốn mươi lăm phút hiệp hai nữa chi! Lần này Văn Châu không ủng hộ Quý ròm. Diễn biến của hiệp một làm nó xuôi xị: - Hiệp hai giữ cho không thủng lưới đã là may! Dễ gì thắng nổi 3-0! - Sao lại không thắng nổi! - Quý ròm đỏ mặt tía tai - Bạn quên đội mình có anh Sĩ Hoàng rồi sao? Văn Châu chép miệng, kèm theo cái lắc đầu: - Anh Sĩ Hoàng hôm nay bị kèm chặt, chẳng làm ăn được gì đâu! Những điều Văn Châu nói hoàn toàn là sự thật. Nhưng Quý ròm lại không muốn thừa nhận cái sự thật phũ phàng đó. Nó nhếch môi: - Để rồi xem! Quý ròm nói là nói hú hoạ. Nhưng vào đầu hiệp hai, tình thế trên sân quả nhiên đổi khác. Đội Hy Vọng đột ngột thay đổi lối đã. Đã giảm hẳn những cú nhắm mắt nhắm mũi xẻ bóng ra biên cho hai tiền vệ tấn công đua tốc độ với các hậu vệ Ilhwa Chuma chân cẳng dài ngoẵng, lúc nào cũng chạy vèo vèo như xe đua thể thức 1. Đã giảm hẳn những cú lật bóng bổng đầ rủi vào trung lộ để các tiền đạo nhỏ con thi “nhảy cao” với các trung vệ cao kều của đối phương. Thay vào đó là lối chơi giữ bóng chắc ở khu vực giữa sân, lối đi bóng lắt léo trước vùng cấm địa đối phương để thình lình tăng tốc đột phá hoặc bất ngờ tỉa những đường chọc khe cho tuyến sau băng lên dứt điểm. Lối đá chủ động này đẩy đội Ilhwa Chuma rơi vào thế lúng túng. Ý đồ duy trì trận đấu ở nhịp độ cao để bào mòn thể lực đối phương của đội vô địch Hàn Quốc rốt cuộc đã không thực hiện được. Sau hiệp một bị ép sân, huấn luyện viên tinh khôn của đội Hy Vọng quyết định tránh xa chiếc bẫy quỷ quái này của đội Ilhwa Chuma. Thay vì chấp nhận đua tốc độ và sức bền, ông buộc các cầu thủ cao to nhưng xoay trở chậm của đối phương đua sự khéo léo với các cầu thủ của ông. Sự thay đổi chiến thuật thi đấu của đội Hy Vọng đã gặt hái kết quả ngay ở phút thứ mười lăm của hiệp hai. Một pha rê bóng biến ảo của Sĩ Hoàng bên cánh trái đã hút theo một lúc ba hậu vệ đối phương. Ngay lập tức tiền vệ Quang Huy của đội Hy Vọng băng lên chiếm lĩnh “hành lang’ trống trải ở bên phải. Cú tỉa bóng khéo léo và chính xác của Sĩ Hoàng ngay sau đó đã đặt bóng vào trước mũi giày của Quang Huy như “dọn cỗ”. Thấy nguy, thủ môn đội Ilhwa Chuma băng ra truy cản một cách vô vọng. Bằng một cú gảy bóng điệu nghệ bằng mũi chân, tiền vệ Quang Huy đã đưa trái bóng bay vòng qua người thủ môn, nhễu vào lưới trước ánh mắt ngỡ ngàng của các cầu thủ đội Chuma và trước sự sung sưóng bùng nổ đến điếc tai trên các khán đài. Quý ròm đấm vào vai Tiểu Long một phát thật lực: - Thấy chưa! Tao đã bảo Quý ròm người ròm nhưng xương cứng. Cú đấm làm Tiểu Long nhăn hí. Nhưng đang “vui sao nước mắt lại trào”, nó xoa vai cười méo xệch: - Ừ, bất ngờ thật đấy! Quý ròm chỉ tay ra bốn phía: - Mày nhìn kìa! Khắp các khán đài, biểu ngữ nhấp nhô, cờ đuôi nheo bay rợp, cả cờ nước nữa, cờ nước cũng phấp phới đầy tự hào. Tiểu Long tự dưng thấy lòng rưng rưng. Nó cúi đầu lầm rầm cầu nguyện: - Lạy trời! Cho đội Hy Vọng xin hai trái nữa! Người ta thường bảo Trời có mắt. Nhưng hôm nay hình như Trời có thêm… tai: Tiểu Long lkhấn khứa chưa xong, đội Hy Vọng đã ghi thêm một bàn thắng nữa. Bàn thắng thứ hai này nhanh không tưởng. Nhanh đến mức Tiểu Long khấn xong, vừa ngẩng đầu lên đã thấy bóng nằm gọn trong lưới đội Ilhwa Chuma tự đời nào. - Trời đất! Đội mình ghi thêm một bàn nữa rồi hả? - Tiểu Long nghẹn ngào hỏi Quý ròm. Nhưng Quý ròm không trả lời bạn. Nó cũng đang nghe có gì chặng ngang cổ họng. Nó thu nắm đấm, miệng “hức… hức…” như vừa bị mẹ đánh đòn. Tiểu Long hỏi vậy thôi, ch đầu cần bạn trả lời. Những tiếng sấm rền vang bốn phía đã trả lời nói rồi. Niềm vui truyền đi từ người này qua người khác như điện giật tê tê đã trả lời nó rồi. Và những cầu thủ áo vàng thân thương đang ôm chầm lấy nhau dưới sân cũng đã trả lời nó rồi. Nó chỉ tiếc là mải lo cầu nguyện nên không được tận mắt chứng kiến bàn thắng chớp nhoáng đó thôi. Nó quay sang Văn Châu: - Ai ghi bàn thế Văn Châu? - Ủa, bạn không nhìn thấy hả? - Văn Châu sửng sốt. - Không! - Tiểu Long nhăn nhó – Bàn thắng lẹ quá! Tôi vừa cúi đầu xuống ngước lên, bóng đã vô lưới rồi! - Vậy thì bạn quá xui! - Văn Châu tặc lưỡi, rồi nó hân hoan kể - Chính anh Sĩ Hoàng ghi bàn đấy! Đội Chuma vừa giao bóng, cầu thủ còn đang láo liên quan sát thì bị đội mình cướp mất bóng. Bóng được phóng ra biên, và một đường chuyện sệt làm lật lưng các hậu vệ Chuma. Anh Sĩ Hoàng băng lên như một tia chớp và một cú sửa bóng… - Khoan, khoan! Bạn ngừng lại đi! - Tiểu Long vội vã kêu. Tiểu Long hoa tay, miệng thao thao: - Anh Sĩ Hoàng băng lên như một tia chớp và một cú sửa bóng bằng má ngoài chân phải khiến quả bóng chui qua nách thủ môn lăn vào sát cột dọc… - Ủa, sao bạn biết? – Văn Châu nhìn sững Tiểu Long, vẻ nghi hoặc – Như vậy là bạn có nhìn thấy? - Không! Tôi không nhìn thNhưng đây là cú ghi bàn sở trường của anh Sĩ Hoàng, ai mà chả biết! - Tiểu Long ưỡn ngực đáp. Quý ròm lúc này đã nguôi xúc động. Nó quay sang Tiểu Long, hừ mũi: - Xem không xem, lại ngồi đoán mò! Rõ là đồ ngốc tử! Bị bạn mắng, Tiểu Long tức lắm. Nó sở dĩ không kịp nhìn thấy bàn thắng vừa rồi là do bận “khấn vái” cho đội nhà, thế mà thằng ròm lại mắng nó ngốc. Nhưng Tiểu Long không có thì giờ để vặc lại. Ở dưới sân lúc này đội Hy Vọng lại mở đợt tấn công mới. Sau hai bàn thua bất ngờ, các cầu thủ Ilhwa Chuma đâm hoang mang, căng thẳng, những cú chuyền bóng đã không còn chính xác. Ngược lại, các cầu thủ Việt Nam càng đá càng hưng phấn. Các bàn thắng của Quang Huy và Sĩ Hoàng như tiếp thêm sức mạnh cho toàn đội. Cơ hội đoạt Cúp bất ngờ xuất hiện trong tầm tay khiến mười một chiếc áo vàng thi đấu tưng bừng, à quên, chỉ có mười chiếc áo vàng, còn thủ môn Lê Hồng Miên mặc áo màu cánh gián. Tính theo luật FIFA, đội Hy Vọng chỉ cần ghi thêm một bàn thắng nữa vào lưới đội Ilhwa Chuma là đoạt chức Vô địch châu Á. Thắng lợi gần kề khiến các cầu thủ đội Hy Vọng chạy và chạy, sút và sút, đánh đầu và đánh đầu không biết mệt mỏi. Tiếp thêm sinh khí cho các cầu thủ dưới sân là những tiếng hò reo không ngớt trên các khán đài. Từ lúc Sĩ Hoàng ghi bàn thắng thứ hai, chuỗi âm thanh sôi sục kia dường như kéo dài bất tận. Cờ lại tiếp tục phất loạn, trống nện tưng tưng, chũm choẹ đánh xập xình. Có người gõ thành ghế chan chát. Người hâm mộ dưòng như không biết mỏi miệng. Bằng cách của mình, ai cũng muốn thúc cho bàn thắng mau xảy ra. Bọn Quý ròm thích thú nhận ra những chiếc áo nâu, vàng và xám tro của các nhà sư, những chiếc áo thụng đen của các cha cố thấp thoáng giữa rừng người cuồng nhiệt. Họ ngồi xa quá, bọn Quý ròm không biết các bậc tu sĩ đáng kính này có hò hét khản giọng và nhảy tưng tưng mỗ khi đội nhà xuống bóng như mọi người hay không nhưng tụi nó nhìn thấy nhiều vị cầm cờ đỏ sao vàng trong tay phất lia lịa. Bị dẫn trước hai bàn, lại bị không khí sôi động bốn phía làm cho choáng ngợp, các cầu thủ Ilhwa Chuma chỉ còn là chiếc bóng của mình trong hiệp một. Và như trong một chuyện cổ tích có hậu, năm phút trước khi kết thúc trận đấu, một cú vô-lê tuyệt đẹp của trung phong Sĩ Hoàng đưa bóng đi xuyên qua rừng cầu thủ hai bên đang chen lấn dày đặc trước vùng cấm địa đối phương. Thủ môn cao kều của đội Ilhwa Chuma bị che mắt, chỉ kịp bay người chạm những đầu ngón tay vào bóng một cách tuyệt vọng. Trái bóng chui tọt vào khung thành kéo theo sự bùng nổ vô tiền khoáng hậu trên các khán đài. Ngoài cờ quạt, biểu ngữ, băng-rôn, hàng vạn mũ nón tung bay như bươm bướm. Ai không đội mũ nón thì cởi áo. Ai không cởi áo thì tháo dép, tháo giày. Niềm vui vỡ oà, người ta không tiếc tay tung hê mọi thứ trên người: cuốn sách, tờ báo, cờ, quạt, hộp thuốc lá, thỏi kẹo chewing-gum, mũ, áo, giày, dép, tất nhiên trừ quần. Ở dưới thảm cỏ xanh, cầu thủ hai bên không ai còn đứng vững. Đội Hy Vọng nằm đè lên nhau làm núi vui mừng. Đội Ilhwa Chuma nằm sóng soài bên nhau làm sông thất vọng. Chỉ sau bốn mươi lăm phút hiệp hai, niềm vui và nỗi buồn đã đổi chỗ cho nhau. Mãi một lúc, đội trưởng đội Hàn Quốc mới bừng tỉnh. Anh vội vã nhỏm dậy, vội vã đem bóng đến vòng tròn giữa sân để thúc giục đồng đội tiếp tục thi đấu nốt năm phút hy vọng cuối cùng. Nhưng khoảng thời gian ngắn ngủi đó chỉ đủ để khán giả thót tim mỗi một lần duy nhất khi bóng bật cột dọc khung thành Lê Hồng Miên, sau đó hạnh phúc được nhân lên gấp trăm lần khi tiếng còi của vị trọng tài Iran râu rậm vang lên báo hiệu trận đấu lượt về tranh chức vô địch cúp C1 châu Á kết thúc, với phần thắng nghiêng về đội vô địch Việt Nam, một chiến thắng trong đường tơ kẽ tóc và vượt ra ngoài những dự đoán táo bạo nhất. Quý ròm mừng chảy nước mắt. Nghe ướt trên má, nó mắc cỡ định giơ tay lên chùi, nhưng nhìn chung quanh thấy ai cũng “mít ướt” như mình, nó chả thèm xoá dấu vết nữa. Nửa cười nửa mếu, nó quay sang Tiểu Long và Văn Châu: - Ở lại xem đội mình lên nhập cúp và huy chương không? Văn Châu nhanh nhẩu: - Ở lại chứ! Mình phải ở lại đến phút cuối cùng để vỗ tay cho đã! Quý ròm ngó Tiểu Long: - Ở lại hén mày! Tiểu Long cũng khoái ở lại lắm. Nhưng vốn tính cẩn thận, nó ngập ngừng hỏi lại: - Thế còn chuyện kia? - Chuyện kia là chuyện gì? - Chuyện anh Sĩ Hoàng dặn tụi mình đó! Nhắc nhở của Tiểu Long khiến cặp lông mày Quý ròm nhăn tít. Tối hôm qua anh Sĩ Hoàng dặn tụi nó sau khi trận đấu kết thúc phải ra ngay cổng chính, đợi ảnh ở ngã tư Nguyễn Kim – Tân Phước. Bốn anh em sẽ cùng đến thăm nhà chị Hường. Nếu bây giờ tụi nó nán lại ở lại xem lễ phát giải, lát nữa sẽ không thể nào chui được ra khỏi cửa trước nghìn nghịt người là người. Sau một hồi bặm môi suy nghĩ, Quý ròm khoát tay, nó nói mà giọng tiếc hùi hụi: - Thôi, tụi mình đi! Lễ phát giải đành xem lại sau trên ti-vi vậy! Nhưng dù rút sớm, len lỏi qua rừng người đang phấn khích kia cũng không phải là dễ. Tiểu Long, Văn Châu và Quý ròm thoát ra tới đường Tân Phước, miệng mũi đã muốn thở không ra hơi. Khoảng cách từ khán đài D đến cổng sân đường Tân Phước gần xịt, bình thường bọn Quý ròm chỉ phóc ba cái là tới, vậy mà lúc này phải mất gần hai mươi phút tụi nó mới ra tới nơi. Ba đứa lếch thếch kéo lên góc đường đã hẹn, đợi thêm khoảng hai mươi phút nữa mới thấy chiếc xe buýt của đội Hy Vọng ngắc ngứ bò ra khỏi cánh cổng sắt đồ sộ phía đường Nguyễn Kim.. Người hâm mộ bu vòng trong vòng ngoài đông nghẹt, vừa vẫy tay vừa hoan hô vang trời, khiến chiếc xe chỉ nhích được từng chút một. Khi chiếc xe ra tới ngã tư Nguyễn Kim – Tân Phước, vòng người mới thưa bớt. Quý ròm nhìn qua cửa kính, thấy các cầu thủ đội Hy Vọng đang ngồi trên các băng ghế cười nói tíu tít, mặt người nào người nấy tươi rói, vẻ mệt mỏi sau trận “ác chiến” dường như bay biến đâu mất. - Anh Sĩ Hoàng! - Anh Sĩ Hoàng! Tụi em ở đây nè! Không biết anh Sĩ Hoàng có nghe thấy không mà chiếc xe bỗng đỗ xịch. Trung phong đội Hy Vọng bước xuống, áo sơ mi quần dài gọn gàng, trên cổ còn đeo lủng lẳng chiếc huy chương vàng mới choé. Vừa thấy bọn Quý ròm ùa lại, anh mỉm cười: - Sao, chúng ta đi bằng cách nào đây? Quý ròm nhanh nhẩu: - Anh đợi chút, tụi em đi lấy xe đạp! Một lát sau, Tiểu Long chở Quý ròm, anh Sĩ Hoàng đèo Văn Châu, bốn người hớn hở đạp xe về hướng Ngã tư Bảy Hiền. Được ngồi sau lưng “thần tượng”, Văn Châu sướng rơn. Nó hít hà: - Bữa nay anh đá hay ghê! Quý ròm day qua: - Y chang Ronaldo vậy đó! Anh Sĩ Hoàng nheo mắt: - Thôi đi em! - ật đó!- Quý ròm hùng hổ - Không ai nghĩ các anh lại thắng được đội Chuma ba trái! Anh Sĩ Hoàng gật gù: - Có lẽ nhờ yếu tố bất ngờ! Quý ròm không chịu: - Nhờ anh thì có! - Không phải nhờ anh đâu! - Giọng anh Sĩ Hoàng chợt bâng khuâng – Đúng ra là nhờ cô Hường, nhờ sự động viên không mệt mỏi của cổ… Văn Châu đột ngột reo lên: - A, hồi nãy chị Hường dám có mặt trên khán đài lắm à nha! - Đúng rồi! - Tiểu Long hí hửng hùa theo – Hôm nay thế nào chị Hường cũng đi xem anh đá! - Anh cũng nghĩ vậy! – Trung phong đội Hy Vọng tươi nét mặt – Và anh rất sung sướng là đã không phụ lòng của một người hâm mộ chí tình như cổ… Qua khỏi ngã tư Bảy Hiền, đi thêm một đoạn đường Cách Mạng Tháng Tám, ngoặt phải hai lần, Tiểu Long thắng xe đánh “rét”, hạ giọng: - Tới rồi! Anh Sĩ Hoàng nhìn quanh: - Nhà cô Hường là nhà nào đâu? Quý ròm chỉ tay vào căn nhà số 37A/08: - Căn nhà có cánh cửa xam xám đó! Bốn anh em hồi hộp bước đến trước cánh cửa đóng kín. Quý ròm khẽ liếc anh Sĩ Hoàng nói nhỏ: - Dám chị Hường ở sân vận động chưa về! - Em cứ gõ cửa thử xem! Quý ròm đoán sai bét. Nó mới gõ hai cái, cánh cửa đã bật mở. Và người đứng ngay giữa khung cửa đúng là cô gái tụi nó đã theo dõi hôm qua. Quý ròm láu táu: - Thưa, chị có phải là chị Hường không ạ? Thấy đám người lạ hoắc đột ngột tìm tới nhà, chị Hường chưa hết kinh ngạc, thêm câu hỏi của Quý ròm nữa, chị càng thêm sửng sốt: - Ủa, sao em biết? Đang nói, chị bỗng nhìn chằm chằm vào mặt Quý ròm. Rồi đưa mắt sang Tiểu Long và Văn Châu, chị ngỡ ngàng bật kêu: - Ồ, các em hôm qua bỏ thư giùm chị đây mà! Thì ra… Quý ròm không để chị Hường nói hết câu. Nó chỉ tay vào trung phong đội Hy Vọng: - Đây là anh Sĩ Hoàng! Ảnh muốn đến thăm chị. Lời giới thiệu của Quý ròm làm chị Hường chết sững. Nãy giờ ngạc nhiên trước sự xuất hiện bất ngờ của bọn trẻ, chị quên chú ý đến anh thanh niên đứng phía sau. Không ngờ đó là trung phong nổi tiếng của đội Hy Vọng. Sau thoáng bối rối, chị trấn tĩnh đưa tay mời: - Mời anh và các em vào nhà! Vừa ngồi vào bàn, chưa kịp đụng đến ly nước chủ nhân mời, anh Sĩ Hoàng đã đứng lên khỏi ghế: - Thưa chị, trước hết mong chị thứ lỗi cho tôi về tội đường đột! Mặc dù biết chị không muốn tiết lộ địa chỉ của mình, nhưng tôi vẫn cố tìm mọi cách dò ra chỗ ở của chị để được đến gặp chị và bày tỏ lòng biết ơn về sự quan tâm và động viên chị đã dành cho tôi trong thời gian qua… - Không, không! - Chị Hường khẽ khoát tay và những người khách ngạc nhiên khi thấy những giọt lệ long lanh trên mắt chị - Anh không phải cảm ơn tôi! Quý ròm bấm tay Tiểu Long, thì thào: - Ngộ quá mày! Anh Sĩ Hoàng chỉ mới cảm ơn thôi mà chị Hường đã xúc động đến khóc rồi! Thái độ của người con gái làm trung phong đội Hy Vọng đâm lúng túng. Nhưng rồi anh chậm rãi tiếp: - Không, tôi rất biết ơn chị! Chính những lá thư của chị đã góp phần vực dậy tinh thần của tôi, đã giúp tôi hiểu thế nào là bóng đá chân chính, thế nào là tấm lòng của người hâm mộ! Và có thể nói chính những lá thư đó đã góp phần vào những bàn thắng của tôi chiều nay trước đội Ilhwa Chuma! Chị Hường chùi nước mắt, giọng ngỡ ngàng: - Ôi, anh đã hết hạn treo giò rồi sao? Tất cả mọi người khách đều tỏ vẻ ngạc nhiên trước câu hỏi của chị Hường. Như vậy là hồi chiều chị Hường không có mặt trên khán đài sân Thống Nhất. Và đích thị là chị không biết gì về tình hình bóng đã những ngày qua. Anh Sĩ Hoàng mỉm cười: - Tôi đã được xoá kỷ luật trước thời hạn! Chị không biết hèn gì trong những lá thư mới đây, chi vẫn khuyên tôi gắng chịu đựng… Chị Hường cúi mặt nhìn xuống đất, khẽ giọng: - Những lá thư mà anh nhận được mỗi ngày không phải là thư của tôi đâu! Giọng chị Hường nhẹ như gió thoảng nhưng trung phong đội Hy Vọng và ba đứa trẻ nghe như sấm nổ bên tai. Quý ròm lắp bắp: - Tại sao như thế được? Chính tụi em bỏ giùm thư cho chị kia mà! Chị Hường ngước lên và nhìn Quý ròm bằng đôi mắt đỏ hoe: - Đúng vậy! Nhưng chị cũng chỉ bỏ giùm cho người khác mà thôi. Anh Sĩ Hoàng hỏi bằng giọng hoang mang: - Những lá thư đó không phải do chị viết thật sao? - Thật! - Chị Hường chép miệng – Tôi có biết gì về bóng đá đâu! Chính em gái tôi đã viết những lá thư đó! Em tôi rất mê bóng đá, mê đội Hy Vọng và rất yêu quí anh! Anh Sĩ Hoàng nhìn quanh: - Thế em gái chị đâu rồi? Cô ta tên gì? - Em tôi tên Hương! Nhưng anh không thể gặp nó được đâu! - Không, tôi phải gặp! – Trung phong đội Hy Vọng mím môi - Nhất định tôi phải gặp, tôi phải nói lời cảm ơn… - Anh không thể gặp được! - Chị Hường thở một hơi dài và buồn bã chỉ tay lên đầu tủ - Em tôi đang ở trên kia kìa! Tám con mắt lật đật nhìn theo tay chỉ của chủ nhà và từ lúc đó không tài nào nhắm lại được. Trên đầu tủ là tấm ảnh một người con gái lồng khung, đằng trước là lư hương đang nghi ngút khói. Cô gái trong ảnh rất giống chị Hường nhưng nom trẻ trung và vui vẻ hơn. Chết điếng có đến năm phút, anh Sĩ Hoàng mới mở miệng được: - Sao? Hương mất rồi à? Chị Hường nhắm mắt: - Em tôi mất gần hai tháng nay rồi! - Không được! Không thể được! – Anh Sĩ Hoàng nắm chặt tay – Tôi không tin! Hơn hai tháng nay Hương vẫn viết thư cho tôi đều đặn mỗi ngày! Mới ngày hôm qua tôi còn nhận được thư cô ta! Không, cô ta không chết! Hương không chết! Tôi còn phải gặp Hương! Tôi chưa cảm ơn Hương! Anh Sĩ Hoàng càng nói càng khích động. Những tiếng cuối, giọng anh như gào lên. - Anh bình tĩnh lại đi! Để tôi cho anh xem cái này! Chị Hường dịu dàng nói và lặng lẽ quay vào nhà trong. Lát sau chị trở ra với cuốn sổ khổ lớn trên tay. Chị đặt cuốn sổ xuống giữa bàn, từ tốn nói: - Anh và các em xem đi! Đây là những hình ảnh của đội bóng mà em tôi yêu mến! Quý ròm, Tiểu Long và Văn Châu xúm lại quanh anh Sĩ Hoàng, cùng anh lần giở từng trang trong cuốn sổ. Quả thật, đây là cuốn sưu tập công phu của một cổ động viên nồng nhiệt. Những tấm ảnh của đội Hy Vọng cà của từng cầu thủ trong đội in rải rác trên các báo đều được cắt dán vào đây. Cả những mẩu tin, những bài tường thuật liên quan đến đội Hy Vọng cũng đều được lưu giữ cẩn thận. Đặc biệt, những hình ảnh và bài viết về trung phong Sĩ Hoàng được đặt ở những vị trang trọng nhất trong sổ. Bay anh Sĩ Hoàng mâm mê từng trang giấy. Một lát, anh ngước nhìn chị Hường, giọng run run: - Em gái chị qua đời thật rồi sao? Anh hỏi, vẫn không tin vào những gì nghe thấy nãy giờ. Chị Hường không trả lời ngay. Chị lần giở cuốn sổ đến trang cuối cùng. Ở đó có một xấp thư viết sẵn. Chị lấy xấp thư đặt trước mặt anh Sĩ Hoàng, sụt sịt nói: - Lúc đó, em tôi đã biết mình có một khối u trong não! Hai tháng sau ngày anh bị tuyên bố kỷ luật, em tôi được hẹn mổ. Em tôi sợ mình không qua khỏi, nên trước khi vào bệnh viện đã ngồi viết liên tục cả trăm lá thư, và dặn tôi nếu em có mệnh hệ gì, tôi sẽ thay em mỗi ngày gửi đi một lá thư cho anh. Em tôi không ngờ anh được xoá án kỷ luật sớm hơn thời hạn, tôi lại không theo dõi các tin tức thể thao nên cứ âm thầm làm đúng theo những gì em tôi dặn. Hồi chiều, tôi cũng mới gửi đi một lá. Còn đây là những lá thư chưa kịp gửi… Bốn anh em cầm lên những lá thư. Quả nhiên đó là những lá thư viết sẵn của cô gái tên Hương. Ngày tháng ghi trên thư là những ngày tháng chưa đến, có gần sáu chục lá như vậy, kéo dài suốt hai tháng trời, và nội dung vẫn là những lời động viên người trung phong đang bị án treo giò. Cô gái vắn số này đã tính chính xác số ngày trung phong đội Hy Vọng phải thi hành bản án, không ngờ anh đã trở lại sân cỏ sớm hơn dự liệu của cô. Trong khoảnh khắc đó, thời gian như đột ngột dừng trôi. Không một cử động, không một tiếng nói, thậm chí có cảm giác như mọi người đều ngưng thở. Mãi một lúc, anh Sĩ Hoàng mới chầm chậm đặt những lá thư xuống mặt bàn, nhưng anh vẫn không ngẩng đầu lên. Trên gương mặt đang cúi rất thấp đó, Quý ròm như nhìn thấy những giọt lệ đang rơi. Chưa kịp nhìn kỹ thì Quý ròm bỗng thấy mắt mình cay cay và nghe có gì ươn ướt trên má. Ngoảnh sang bên cạnh, nó ngạc nhiên nhận thấy cặp mắt của hai bạn nó cũng đã đỏ hoe tự hồi nào. - Anh đã vượt qua những ngày tháng khó khăn để trở lại sân cỏ, trở lại với người hâm mộ, như vậy là em tôi đã mãn nguyện rồi! Nó chỉ sợ anh nản chí… Chị Hường nói bằng giọng nhẹ nhàng và điềm tĩnh, chị đã thôi sụt sịt. - Vâng, tôi đã trở lại! – Anh Sĩ Hoàng từ từ ngẩng đầu lên, thẫn thờ nói - Hồi chiều, chúng tôi đã thắng. Đội Hy Vọng mà Hương yêu mến đã đoạt chức vô địch châu Á… Anh ngước nhìn khung ảnh trên đầu tủ, giọng ngậm ngùi: - Tôi đã thi đấu hết sức mình. Tôi muốn thi đấu vì tấm lòng của các cổ động viên. Tôi muốn chiến thắng để đáp lại sự mong đợi của Hương. Tiếc rằng Hương đã không còn cơ hội để nhìn thấy… Rồi trước vẻ mặt ngẩn ngơ của mọi người, trung phong đội Hy Vọng tháo chiếc huy chưong vàng đeo quanh cổ bước đến trước bàn thờ, trang trọng quàng lên khung ảnh của cô gái anh chưa từng một lần gặp mặt: - Tấm huy chương vàng này là của Hương! Không có những khán giả chân tình như Hương, không đội bóng nào có thể chiến thắng trên sân cỏ… Anh lùi lại, đốt một nén nhang cắm vào chiếc lư đ̕ vẫn đang mơ màng toả khói. Ở phía sau anh, Tiểu Long, Quý ròm và Văn Châu cũng đang lặng lẽ bước tới. Quý ròm nhón lấy bao nhang trên đầu tủ. Ngay trong lúc đó quang cảnh trận đấu hồi chiều bỗng hiện ra mồn một trong óc nó. Nó như nghe ong ong bên tai những tiếng reo hò cuồng nhiệt “Cố lên Sĩ Hoàng!”, “Sĩ Hoàng năm-bờ-oăn!” vang dậy như sấm rền giữa bao nhiêu băng-rôn, cờ, quạt phấp phới. Bây giờ nhớ lại, nó bỗng bồi hồi tự hỏi không biết lúc đó cô gái tuyệt vời tên Hương này có đã tiếp sức cho những âm thanh đó thêm cháy bỏng để có thể ngấm vào trái tim của chàng trung phong tài ba đang miệt mài lăn xả trên sân cỏ dưới kia không!