Thế là Phương Ứng Khán tung ra tin đồn, nói rằng có một gã con cháu tên là Thái Công Quan do Thái tướng một tay bồi dưỡng nên, hiện giờ đang làm quan lớn, có ý muốn giết Thái Kinh đoạt quyền. Tin tức "truyền tới" chỗ Nguyên Thập Tam Hạn. Nguyên Thập Tam Hạn biết Thái Kinh muốn mời gã con cháu này đến ở chung qua mùa đông, vì vậy lập tức thông báo cho Thái Kinh, bảo hắn cẩn thận đề phòng. Thái Kinh giận tím mặt, lập tức bắt Thái Công Quan giam vào trong ngục, tịch thu gia sản, nghiêm hình tra hỏi, làm liên lụy đến rất nhiều người, nhưng lại hỏi không ra kết quả. Không lâu sau, Mễ công công lại tung ra "tin tức", nói rằng Vương Phủ muốn mời Thái Kinh đến nhà hắn dự lễ, trong yến tiệc sẽ phái người hành thích, muốn đoạt lấy vị trí thừa tướng. Thái Kinh nửa tin nửa ngờ. Hắn luôn có quan hệ tốt với Vương Phủ, có thể nói là "thân mật khắng khít", Vương Phủ giết chết hắn đã không có chỗ tốt, sợ rằng còn bị thất thế. Làm như vậy thì có lợi ích gì? Mặc dù như thế, Thái Kinh cũng mang tâm lý "thà rằng tin là có, không thể tin là không". Hắn vẫn đến như ước hẹn, đồng thời âm thầm phái cao thủ cẩn thận đề phòng. Nhưng bữa tiệc lại rất vui vẻ, giữa chủ và khách cũng không có ý đồ gì bất chính. Thái Kinh bắt đầu nghi ngờ báo cáo của Nguyên Thập Tam Hạn. Phương Ứng Khán dùng hết tâm cơ, chính là muốn tạo nên "hiệu quả" này, vì vậy hắn lại đi thêm một nước, lần này là "chiếu tướng". Cho dù không "ăn" được quân "tướng" của Thái tướng, cũng phải nuốt lấy quân "tướng" của Nguyên Thập Tam Hạn. Sau đông chí, Thái Kinh muốn giúp thiên tử giám sát việc tu sửa ngự hoa viên, lại thúc giục quân dân các nơi đưa tới hoa thơm cỏ lạ, kỳ trân bảo vật, cũng nhân cơ hội vơ vét một phen. Công việc bóc lột mồ hôi nước mắt của nhân dân, Thái Kinh vẫn giao cho đám người Chu Miễn và Vương Phủ chấp hành. Nhưng trước khi đến tết xuân, hắn vẫn đi dò xét một vòng, xem thử có chỗ nào cần thêm bớt sửa chữa, làm cho hoàng đế vui vẻ, cũng thuận tiện đi chơi xuân một chuyến, đục khoét một phen. Lần này đi dạo, người phụ trách an ninh vốn là Nguyên Thập Tam Hạn. Nhưng ngày đó lại có tin Gia Cát tiên sinh muốn yết kiến thánh thượng, xin hoàng đế đối với việc chúc mừng năm mới đừng quá phô trương, tránh quấy nhiều lòng dân, làm suy yếu quốc khố, lại yêu cầu phái thủ vệ trong cung đề phòng. Nguyên Thập Tam Hạn sợ Gia Cát tiên sinh mượn chuyện này để củng cố thế lực, làm suy yếu thực lực của mình, cho nên cũng xin diện thánh bẩm tấu. Vì vậy chuyện bảo vệ Thái Kinh tuần tra công trình xây dựng ngự hoa viên, lại do môn sinh đắc ý của Nguyên Thập Tam Hạn là Thiên Hạ Đệ Thất chấp hành. Với năng lực của Thiên Hạ Đệ Thất, Nguyên Thập Tam Hạn tin tưởng sẽ không có chuyện gì xảy ra, còn mình nên tập trung đối phó với mối họa Gia Cát tiên sinh, để tránh sơ ý làm mất Kinh Châu. Hắn tính toán rất kỹ, nhưng lại có người còn xảo trá hơn hắn, hơn nữa đã sớm bày mưu. Hôm đó là ngày mười sáu tháng mười hai, Thái Kinh dẫn theo một đám tâm phúc tuần tra ngự hoa viên, trong đó có đến miếu Thánh Hiền để dâng hương. Mọi người đều nói, sau này trong miếu Thánh Hiền nhất định sẽ có hiền nhân giống như Thái tướng, có người lại nói phải giống như thánh nhân, còn có một người (Trương Hiển Nhiên) nói rằng phải gống như thần nhân chí thánh cực hiền mới đúng. Mọi người đều đồng ý, không ngừng phụ họa. Trong lòng Thái Kinh cũng cao hứng, hắn đã sớm cảm thấy mình công lao như trời, hơn cả thừa tường nước Thục (Gia Cát Lượng). Hắn không phải hiền nhân thì trên thế gian ai là hiền nhân? Hắn không phải thánh nhân thì thiên hạ nào có thánh nhân. Khi hắn dâng hương rất thành kính, giống như đang dâng hương cho chính mình. Hắn thắp hương lên. (có người muốn giúp hắn thắp hương, nhưng hắn không cần, hắn muốn đích thân thắp hương để bày tỏ lòng thành của mình) Bái thần. (chuyện bái thần cầu nguyện dĩ nhiên không thể mời người làm thay, như vậy thật sự không có thành ý) Đi cắm hương. (lại có người muốn làm thay, hắn vẫn từ chối, dù sao cũng chỉ còn lại một thủ tục này, sao không hát cho xong tuồng?) Lư hương rất lớn, nhưng hương khói cũng không nhiều, bởi vì trước khi Thái Kinh cắm hương, không ai dám dâng hương trước. Cho dù là chuyện bái thần, cũng phải dựa theo vai vế phân biệt trước sau, ai dám vượt quá bổn phận, vậy thần tiên cũng không cứu được hắn. Mọi người cũng không dám dâng hương trước, nếu như khói hương quá nồng, làm tướng gia ngạt, vậy thì bồ tát cũng không bảo vệ được hắn. Cho nên Thái Kinh là người cắm nén hương đầu tiên. Khi hắn muốn đem hương cắm vào lư hương, lư hương thật lớn kia đột nhiên nứt ra, tàn hương bắn tung tóe, một người từ trong lư hương đột nhiên giương nỏ lắp tên, bắn ra một phát.