Kindaichi kousuke
Chương 8 : kindaichi kousuke
Ngày 27 tháng 12, tức là ngay sau hôm xảy ra vụ án đáng sợ tại nhà Ichiyanagi.
Có một thanh niên xuống tại ga Shin tuyến Hakubi, tha thẩn đi bộ về phía thôn Kawa. Nhìn từ bên ngoài thì đó là một thanh niên hơi thấp, khổ người trung bình, tầm hai lăm, hai sáu tuổi, mặc áo ngoài và kimono đốm trắng, hakama (1) sọc mỏng, nhưng áo ngoài và kimono toàn là nếp nhăn, hakama thì phẳng gần như không nhìn thấy nếp gấp nữa, tất xỏ ngón màu xanh sẫm như sắp lộ ra cả móng chân, guốc mòn vẹt, mũ không còn nhận ra hình dáng nữa… Tóm lại, đó là một nhân vật vô cùng không quan tâm đến ngoại hình so với thanh niên chừng đó tuổi. Làn da trắng, nhưng dung mạo không có gì nổi bật.
Thanh niên đó băng qua Takagawa, đi bộ về phía thôn Kawa. Tay trái đút túi, tay phải nắm gậy. Thứ phồng lên trong túi có lẽ là tờ tạp chí hoặc cuốn sổ tay, hay thứ gì đó tương tự như thế.
Khi ấy, tại Toukyou không hiếm những thanh niên như vậy. Ở các nhà trọ vùng Waseda có rất nhiều người như thế, trong các phòng chờ của nhà hát loại nhỏ ở ngoại ô cũng có thể thấy người có phong thái tương tự. Đây chính là Kindaichi Kousuke được Kubo Ginzou gọi tới.
Trong số những người dân trong thôn biết diễn biến khá là chi tiết của vụ án, thì người thanh niên này đến nay vẫn để lại ký ức là một con người thần bí.
“Người trẻ tuổi trông bình thường đến thế, lại làm được việc mà cả thanh tra cũng không làm được, không hổ là người Toukyou, đó là đánh giá rất cao đối với người thời ấy…”
Từ lời nói này hẳn các bạn cũng có thể hiểu, chính thanh niên này là nhân vật đóng vai trò quan trọng nhất trong vụ án giết người cây đàn koto ma quái nhà Ichiyanagi, nhưng bây giờ, sau khi đã tổng hợp lại câu chuyện của người dân trong thôn và suy nghĩ thì tôi thấy thanh niên này, từ vẻ bề ngoài có vẻ thảnh thơi, có chỗ nào đó tương tự Anthony Gillingham. Cái tên Anthony Gillingham đột nhiên xuất hiện nên có lẽ quý độc giả sẽ bối rối, nhưng đây chính là nhân vật chính trong tiểu thuyết trinh thám “Bí ẩn ngôi nhà đỏ” được viết bởi một người có tên A. A. Milne, nhà văn người Anh mà tôi sùng bái nhất.
Mà Milne trong cuốn tiểu thuyết đó, đoạn lần đầu tiên giới thiệu Anthony Gillingham, đã viết về điều này. Nhân vật này cũng giữ vai trò quan trọng trong câu chuyện, nên tôi cần phải giới thiệu sơ trước khi bước vào câu chuyện, tôi cũng sẽ mô phỏng Milne, tại đây giới thiệu về tính tính người đàn ông có tên Kindaichi Kousuke.
Nhắc tới Kindaichi, cái tên hiếm thấy này, thì có lẽ quý độc giả sẽ nghĩ ngay tới học giả Ainu nổi tiếng có cùng họ. Người này có lẽ là xuất thân từ Touhoku hay Hokkaidou, mà Kindaichi Kousuke cũng hình như đến từ vùng đó, nên có khẩu âm khá nặng, hơn nữa còn hơi bị nói lắp.
Anh ta sau khi tốt nghiệp trung học địa phương năm 19 tuổi, mang theo hoài bão lên Toukyou. Sau đó nhập học tại một đại học dân lập, và trọ gần Kanda, nhưng chưa đầy một năm, do thấy chán với đại học tại Nhật nên sang Mỹ. Tuy nhiên có thể thấy là tại Mỹ cũng không có gì thú vị, vừa làm người rửa chén bát hay gì đó, vừa đi lang thang khắp nơi, trong lúc ấy ngẫu nhiên từ lòng hiếu kỳ mà biết đến mùi vị thuốc phiện, dần dần chìm sâu vào đó.
Nếu như vẫn không có gì xảy ra, có lẽ anh ta đã biến thành kẻ nghiện thuốc phiện nặng, không là ai cả trong giới người Nhật lưu trú, nhưng lúc đó lại xảy ra một chuyện lạ. Trong giới người Nhật tại San Francisco, xảy ra một vụ giết người kỳ quái, suýt nữa đã trở thành mê án. Nhưng Kindaichi Kousuke, vốn chỉ tình cờ xuất hiện ở đó, còn đang là kẻ nghiện thuốc phiện, lại thành công phá vụ án kỳ lạ này. Hơn thế nữa, cách phá án không có điểm nào để nghi ngờ, suy luận đanh thép khiến người Nhật lưu trú ngạc nhiên bất ngờ, Kindaichi Kousuke vốn là kẻ nghiện thuốc phiện ngay lập tức được xem như một loại anh hùng.
Đúng lúc ấy anh tình cờ gặp Kubo Ginzou tại San Francisco. Vườn cây ăn quả đầu tiên tại Okayama của Ginzou khá là thành công, nên ông đang có kế hoạch làm thêm dự án khác. Quý độc giả chắc hẳn vẫn nhớ đã từng vui sướng ăn nho khô có nhãn hiệu Sunkist. Chúng được làm ra bởi người Nhật sống tại California, nhưng Ginzou thì muốn thử làm ra nó tại Nhật Bản. Vì thế ông đi tham quan khắp mọi nơi, lâu lắm mới tới Mỹ, lại tại một buổi họp mặt của hội người Nhật lưu trú, Ginzou tình cờ gặp Kindaichi Kousuke.
“Thế nào. Không muốn dứt thuốc phiện, học hành tử tế à?”
“Tôi cũng đang muốn vậy. Đằng nào thuốc phiện cũng chả có gì hay.”
“Nếu cậu đã nghĩ thế, tôi sẽ trả học phí giúp.”
“Làm phiền ông rồi.”
Kousuke vừa gãi mái tóc bù xù, vừa nhanh chóng gật đầu nhờ vả.
Ginzou chẳng bao lâu sau quay về Nhật, còn Kousuke thì ở lại ba năm nữa mới tốt nghiệp đại học. Sau đó khi quay về Nhật, anh đã ngay lập tức từ Koube tới chỗ của Ginzou tại Okayama, nhưng lúc đó, Ginzou đã nói thế này.
“À mà… sau này cậu định làm gì?”
“Tôi định làm thám tử.”
“Thám tử…?”
Ginzou mở to mắt nhìn Kousuke, ngay lập tức nhớ tới bụ án ba năm trước, vậy có lẽ cũng hay. Ông nghĩ anh cũng không phải người hợp để làm bàn giấy.
“Tôi cũng không hiểu rõ công việc thám tử lắm, nhưng mà để đi vào hoạt động thì cậu có phải dùng kính lúp hay thước cuộn không nhỉ?”
“Không, tôi không định dùng mấy thứ đấy.”
“Vậy cậu dùng cái gì?”
“Dùng cái này.”
Kousuke vừa mỉm cười, vừa gõ vào cái đầu bù xù.
Ginzou gật gật đầu như tán thưởng.
“Nhưng mà, dù dùng đầu óc thì vẫn cần tiền vốn chứ?”
“Đúng vậy. Tôi nghĩ sẽ cần ba nghìn yên cho tiền thiết bị của văn phòng và những thứ khác nữa. Với cả, cũng cần sinh hoạt phí tại thời điểm hiện tại. Vừa khai trương cũng không thể nổi tiếng ngay được.”
Ginzou viết một tờ séc năm nghìn yên, lẳng lặng đưa. Kousuke nhận lấy nó, cúi đầu cảm ơn, không nói gì nữa quay về Toukyou, không lâu sau bắt đầu công việc không bình thường này.
Văn phòng thám tử của Kindaichi Kousuke tại Toukyou, ban đầu đương nhiên không có thu nhập. Ngay cả trong báo cáo tình hình thỉnh thoảng gửi tới chỗ Ginzou, cũng đều viết trước cửa có thể giăng lưới bắt chim, trong văn phòng chim cu cu hót, còn chủ nhân thì nhịn ngáp, ngồi đọc tiểu thuyết trinh thám. Đến mức mà không ai biết được rốt cuộc là đang làm hay đang chơi.
Nhưng qua nửa năm, tình hình trong thư dần dần hay đổi, một buổi sáng, Ginzou ngạc nhiên phát hiện bức ảnh của Kousuke trên tờ báo. Ông đọc xem đã có chuyện gì, thì mới biết anh được tuyên dương vì đã thành công phá được một vụ án náo động toàn quốc lúc ấy, trở thành tiêu điểm của báo chí. Trong bài báo Kousuke có nói như sau:
“Việc tìm kiếm dấu chân và phát hiện dấu vân tay là nhờ phía cảnh sát. Tôi chỉ phân loại tổng hợp kết quả đó một cách logic, rồi đưa ra suy đoán sau cùng. Đây chính là phương pháp trinh thám của tôi.”
Ginzou đọc đến đây, nhớ lại hình ảnh cậu ta nói thay vì dùng thước cuộn hay kính lúp, cậu ta muốn dùng cái này, và gõ vào đầu, bất giác mỉm cười hài lòng.
Kousuke đó tình cờ tới nhà Ginzou lúc xảy ra vụ án nhà Ichiyanagi là vì thế này. Khi ấy, tại vùng Oosaka lại có một vụ án khó, Kousuke vì điều tra vụ đó mà xuống Oosaka, nhưng vụ án kết thúc nhanh hơn dự kiến, nên anh định nghỉ ngơi, tới chơi nhà Ginzou lâu ngày không gặp. Sau khi tiễn Ginzou và Katsuko, anh định đủng đỉnh đi chơi cho đến khi Ginzou tham dự lễ cưới xong quay về, nhưng vì vụ án lần này, bị điện báo của Ginzou mời đích thân tới.
Thôn Oka nơi ở của nhà Ichiyanagi và nơi Ginzou làm vườn cây ăn quả cách nhau chưa tới mười dặm, nhưng tàu xe bất tiện, muốn đi đến đây đầu tiên phải đi tuyến Tamashima, từ đó lên tàu về thành phố của tuyến Sanyou, chuyển sang tuyến Hakubi tại Kurashiki, xuống ga Shin, từ đó phải đi ngược về khoảng một dặm. Ginzou và Katsuko cũng đi theo tuyến đường đó, Kousuke cũng đi theo cùng lộ trình, nhưng Kousuke vừa vượt qua sông Taka, sắp tới đường chính của thôn Kawa, thì bỗng nhiên nghe thấy tiếng kêu ầm ĩ, thấy mọi người vừa ồn ào mắng, vừa chạy về phía đường chính bẻ ngoặt.
Nghĩ đã xảy ra chuyện gì, Kousuke bất giác nhanh chân hơn, ngay tại chỗ giao với thôn Kawa, đoàn tàu bị đâm vào cột điện, quanh đó toàn người là người. Kousuke tới gần chỗ đó, người ta đang khiêng người bị thương từ trong đoàn tàu bị đâm ra, nhưng khi hỏi thử người ở đó, thì mới biết hóa ra là do tránh cái xe bò từ phía đối diện mà sơ ý đâm phải cột điện.
Đoàn tàu này đi ra từ ga Shin mà Kousuke vừa xuống, nên phần lớn hành khách là người cùng tàu với Kousuke. Nếu mà mình cũng đi đoàn tàu đó, thì cũng gặp tai nạn rồi, Kousuke vừa cầu phúc cho bản thân, vừa định đi khỏi chỗ đoàn tàu, nhưng lúc đó bỗng nhiên lọt vào tầm mắt bóng một người phụ nữ được khiêng ra từ bên trong. Kousuke còn nhớ người phụ nữ này.
Như tôi đã nói trước đó, Kousuke sáng sớm nay từ Tamashima đi tàu vào thành phố tuyến Sanyou, chuyển sang tuyến Hakubi tại Kurashiki, người phụ nữ này thì lên tàu từ Kurashiki. Khác với Kousuke, người phụ nữ này tới Kurashiki bằng tàu ra ngoại ô, nhưng khi ngồi xuống ghế đối diện, Kousuke phát giác người phụ nữ này kích động khác thường.
Người phụ nữ đặt tờ báo địa phương có vẻ mua tại nhà ga dọc đường trên đầu gối, đọc dường như rất chăm chú, nhưng khi phát hiện bài báo cô ta đang đọc là về vụ giết người nhà Ichiyanagi thì Kousuke mới một lần nữa nhìn mặt người phụ nữ. Tuổi áng chừng hai bảy, hai tám. Mặc kimono lụa thô giản dị, hakama màu tím, lại thêm tóc búi cao cực kỳ quăn, trông hơi lệch mắt, nên về lý cũng khó mà gọi là người đẹp được, nhưng nhìn chỗ nào đó thì có vẻ hiểu biết, điểm đó làm đỡ đi nét xấu của mắt mũi, nếu cảm giác tổng thể thì như một giáo viên trường nữ sinh.
Kousuke sực nhớ Katsuko nạn nhân của vụ lần này là giáo viên trường nữ sinh, có lẽ người phụ nữ này có liên quan gì đó tới Katsuko. Nếu vậy, bắt chuyện với cô ấy biết đâu có thể hỏi ra điều gì tham khảo được, nhưng người phụ nữ có điểm nào đó không cho người ta tiếp cần, nên anh chưa kịp mở miệng, trong khi đó tàu hỏa đã tới ga Shin. Kết cục là Kousuke bỏ lỡ cơ hội bắt chuyện.
Người được khiêng ra khỏi đoàn tàu vừa rồi là người phụ nữ đó. Hơn nữa, trong số hai, ba người bị thương, người phụ nữ này có vẽ bị nặng nhất, sắc mắt trắng bệch mệt mỏi, nên Kousuke cũng không nhịn được định đi theo, nhưng lúc đó từ trong đám người xúm quanh đoàn tàu nghe thấy tiếng nói chuyện, nên Kousuke lại đổi ý, đứng lại. Tiếng xì xào đó là như thế này.
“Hình như đêm qua gã đàn ông ba ngón tay lại xuất hiện tại nhà ông Ichiyanagi.”
“Đúng vậy. Từ sáng nay cảnh sát đã ầm ĩ rồi. Quanh đây đã chăng rào ngăn rồi nên cẩn thận đấy. Mặc đồ kỳ lạ đi loanh quanh là dễ bị bắt lắm.”
“Nói vớ nói vẩn. Ở đây toàn người có đủ năm ngón tay nhá. Nhưng mà không biết gã đó đang trốn ở đâu nhỉ?”
“Có lẽ là đang trốn trong ngọn núi đi đến thôn Hisa, nên thấy bảo đang huy động thanh niên trong thôn quanh đây đi lục soát trong núi đấy. Tóm lại chuyện rất là nghiêm trọng.”
“Nhà ông Ichiyanagi không phải là bị nguyền rủa gì chứ? Ông Sakue đời trước cũng chết rất thảm thương, cha Ryousuke của chi thứ nghe nói là mổ bụng tự sát ở Hiroshima mà nhỉ.”
“Ừ, trong báo sáng nay cũng có chuyện thế này. Viết là gia tộc bị máu tươi nguyền rủa… Nhà đó không hiểu sao từ trước đã có điểm âm khí rồi.”
Mà “gia tộc bị máu tươi nguyền rủa” người dân thôn Kawa đang nói đã có trong báo địa phương sáng nay, nên Kousuke cũng biết, chuyện là thế này.
Người tên là Sakue là cha của anh em Kenzou, lúc đó đã mất được mười lăm, mười sáu năm, tức là mất không lâu sau khi Suzuko sinh ra, có điều cách chết không bình thường. Người này là một nhân vật thường ngày rất hiểu biết hòa nhã, nhưng dễ cáu gắt, gắt lên là không phân rõ phải trái. Suzuko sinh ra không lâu thì người này nảy sinh tranh chấp về đất ruộng với dân trong thôn. Kết cuộc của tranh chấp dâng cao, là một đêm, Sakue mang theo thanh kiếm trần, đến nhà chém đối phương. Đối phương thì đã bị chém chết, nhưng bản thân cũng bị thương nặng, về đến nhà ngay đêm hôm đó trút hơi thở cuối cùng.
Người già trong thôn liên tưởng vụ đó với vụ giết người lần này, lại gán ghép khiên cưỡng vào đó, thành ra thanh kiếm Sakue dùng để chém lúc đó là Muramasa, vợ chồng Kenzou bị giết cũng là do thanh Muramasa đó. Chuyện nhà Ichiyanagi bị thanh Muramasa nguyền rủa nghe có vẻ hợp lý, nhưng đây không phải sự thực, thanh kiếm Sakue mang theo khi đó không phải là Muramasa, hơn nữa thanh kiếm đó sau khi xảy ra vụ ông Sakue, nghe nói đã được thu tới chùa Bồ Đề, thanh kiếm hung thủ dùng trong vụ lần này, rõ ràng đã được ghi lại là thanh Sadamune. Tuy nhiên, trong báo viết “gia tộc bị máu tươi nguyền rủa” cũng không phải là vô lý, em trai người tên Sakue này, tức là cha Ryousuke của chi thứ, tên là Hayato, cũng kết liễu đời mình bằng một thanh kiếm Nhật.
Người này tự nguyện đi lính, trong chiến tranh Nhật Nga, là đại úy tại Hiroshima. Nhưng vì phải đứng ra gánh trách nhiệm cho vụ vi phạm xảy ra trong nội bộ nên đã mổ bụng tự sát bằng một thanh kiếm Nhật. Khi đó tự xử lý do thấm thía trách nhiệm là một việc rất đáng kính, nhưng người ta cho rằng không đến mức phải mổ bụng tự sát. Về nguyên nhân mổ bụng tự sát, đương nhiên là vì vụ vi phạm xảy ra trong nội bộ, nhưng nghe nói nguyên nhân lớn hơn là sự nhạy cảm sâu sắc tới mức chỉ vì một chuyện cỏn con cũng gây ra việc lớn. Tóm lại nhà Ichinagi đời đời ngoan cường, truyền lại một loại tính cách bạo lực không chịu dung thứ cho ai.
Gác chuyện đó sang một bên, việc ngày hôm qua gã đàn ông ba ngón tay lại xuất hiện thì Kousuke mới nghe lần đầu, nghĩ có lẽ lại có chuyện gì xảy ra, anh chần chừ qua đằng đó. Vì thế, anh bỏ qua người bị thương mà anh đang lo lắng, rảo bước về phía nhà Ichiyanagi, nhưng anh không quên xác định rõ người phụ nữ đó được khiêng vào bệnh viện Kiuchi.
Chú thích
(1) hakama: một loại quần truyền thống của người Nhật Bản, có bảy nếp gấp dày, hai ở phía sau và năm ở phía trước ↑
Truyện khác cùng thể loại
28 chương
70 chương
38 chương
33 chương
65 chương
183 chương