Kiêu Phong
Chương 684
Ngày hôm sau, Ôn Vũ thấp thỏm không yên đi gặp Kỷ Vương. Kỷ Vương còn chưa lập phủ bên ngoài Hoàng cung, Ôn Vũ chỉ có thể tới đông môn của Hoàng cung, nói rằng Lục Thiên Phong có thư tín gửi cho Kỷ Vương Điện hạ. Quan tướng thủ vệ cấm quân nhìn thẻ bài của Ôn Vũ, không dám chậm trễ, vội cầm lấy thư tín Ôn Vũ đưa mang vào Hoàng cung.
Ước chừng một thời thần, Kỷ Vương mới tự mình ra gặp, vừa thấy Ôn Vũ, y có vài phần không vui. Dung mạo của Ôn Vũ rất không vừa mắt, mắt tam giác, trên mặt còn có vết sẹo đao, khiến cho người ta vừa thấy đã cảnh giác.
Tuy Kỷ Vương đã nhìn thấy rất nhiều kẻ có dung mạo đáng sợ ở Tây Bộ nhưng chưa từng cảm thấy không vui. Y cảm thấy không vui là vì đôi mắt tam giác của Ôn Vũ, khiến cho y cảm thấy hơi thâm trầm, bốn người đi theo hộ vệ của Kỷ Vương cũng đề phòng nhìn Ôn Vũ.
Ôn Vũ biết điều không bước lên trước, đứng cách khoảng ngoài ba thước chắp tay chào theo nghi thức quân đội, cung kính nói:
- Thần Ôn Vũ bái kiến Kỷ Vương Điện hạ.
Kỷ Vương bước lên vài bước, ôn hòa nói:
- Thiên Phong đã tiến cử ngươi, hẳn ngươi có bản lĩnh của người luyện võ. Ngươi am hiểu nhất cái gì?
- Hồi bẩm Điện hạ, thần am hiểu đao pháp, còn có võ nghệ cao cường.
Ôn Vũ cung kính trả lời. Y biết Đại Chu trọng nhất là người luyện võ, không có bản lĩnh thực sự, rất khó được trọng dụng.
- Ồ, ngươi võ nghệ cao cường, thành cung này ngươi có nhảy lên được không?
Kỷ Vương hỏi.
- Thần nhảy được.
Ôn Vũ cung kính trả lời.
- Vậy ngươi cũng lợi hại đó. Tuy nhiên bổn vương cũng chưa thể giao thực chức cho ngươi được, ngươi tạm thời trở về chờ ba ngày, bổn vương sẽ tiến cử ngươi.
Kỷ Vương cũng không bảo Ôn Vũ nhảy lên tường thành.
- Vâng! Thần cáo lui!
Ôn Vũ cung kính đáp lại.
- Chờ một chút, ngươi và Thiên Phong có quan hệ thế nào?
Kỷ Vương hỏi.
- Bẩm Điện hạ, thần và Đại Tướng quân quen biết ở huyện Thạch Đại, đã cùng Lục Đại Tướng quân điều tra huyết án phỉ tặc. Thần tới Khai Phong phủ, nghe danh Lục Đại Tướng quân cho nên hôm qua đã mặt dày tới xin cầu trợ. Lục Đại Tướng quân nhớ ân tình cũ, có cùng thần uống rượu bàn chuyện, cuối cùng đưa thư tiến cử cho thần.
Kỷ Vương gật đầu,nói:
- Ngươi đi đợi tin đi, nếu là không thành, ngươi cũng chỉ có thể kiên nhẫn chờ mấy ngày.
- Vâng, thần tạ Điện hạ.
Ôn Vũ cung kính thi lễ. Kỷ Vương gật đầu xoay người quay về Hoàng cung, tới khi không thấy Kỷ Vương nữa, Ôn Vũ mới rời đi.
Thực ra, hôm qua, khi vừa tỉnh rượu, Ôn Vũ càng muốn trở thành thuộc hạ của Lục Thiên Phong. Y muốn tới Hà Tây làm quan tướng, nhưng y cũng biết quả thực Lục Thiên Phong không thể nhận mình làm thuộc hạ trực tiếp, lai lịch của y và tình hình hiện tại của Lục Thiên Phong đều bị toàn triều đình Chu quốc nghi kị. Ôn Vũ nhậm chức, phải do triều đình Chu quốc quyết định.
Đương nhiên Kỷ Vương sẽ đi gặp Chu Hoàng đế, nhưng hai ngày sau mới đi. Vì Kỷ Vương làm việc rất cẩn thận, trước hết y cho người đi tìm hiểu lai lịch của Ôn Vũ, biết kẻ này không phải hàng thần Đường quốc sau khi chiến bại mà là ngoại thần đã quy thuận Đại Chu từ trước, đương nhiên việc điều tra Ôn Vũ cũng liên quan đến tin tức của Vi Hạo.
Sau khi tan triều, Chu Hoàng đế nghỉ ngơi ở điện Văn Đức. Kỷ Vương tiến nhập điện Văn Đức, thấy Thái tử tứ ca đã ở đó, bèn hành lễ chào phụ hoàng, sau đó hành lễ chào Thái tử, Thái tử mỉm cười gật đầu đáp lại.
- Hi Cẩn, có chuyện gì không?
Chu Hoàng đế ôn hòa hỏi.
- Phụ hoàng, là về chuyện Lục Thiên Phong tiến cử một người quen cũ. Hắn cầu nhi thần tùy ý an trí một thực chức nào đó. Đây là tin tức nhi thần điều tra, và thư tín của Lục Thiên Phong.
Kỷ Vương đáp, tiến lên dâng văn án và thư tín.
Chu Hoàng đế nhận lấy, xem thử một chút, quay sang nhìn Thái tử:
- Hi Huấn, con xem thử xem.
Thái tử nhận lấy văn án và thư tín, xem qua một lát rồi nói:
- Phụ hoàng, không phải lần này Lục Thiên Phong lại muốn sắp xếp thế lực ở Khai Phong phủ chứ?
Kỷ Vương ngẩn ra:
- Tứ ca, đây chỉ là một chức Chỉ Huy sứ để đó không dùng, nếu Lục Thiên Phong đã cầu, cũng có thể ban cho một thực chức.
- Lục Thiên Phong cũng có thể tự mình sắp xếp, sao phải cầu đến Lục đệ?
Thái tử cau mày vấn.
Kỷ Vương muốn nói gì đó lại thôi. Chu Hoàng đế bình thản nói:
- Có thể Lục Thiên Phong muốn tránh hiềm nghi, người hắn tiến cử là quan tướng lệ thuộc Bộ Quân Ti. Nếu Lục Thiên Phong vẫn cố điều đi an trí thì là hành vi coi nhẹ Bộ Quân Ti, cũng là làm trái với pháp luật triều đình.
Thái tử gật đầu:
- Nhi thần cảm thấy không nên để cho người của Lục Thiên Phong đảm trách ở Khai Phong phủ nữa.
Chu Hoàng đế gật đầu, nhìn Kỷ Vương, hỏi lại:
- Hi Cẩn, con đã gặp người này chưa?
- Nhi thần đã gặp qua, tuy nhiên người nọ chỉ khiến cho nhi thần cảm thấy thâm trầm, hơn nữa lại là thần tử quy thuận. Nhi thần cảm thấy, thần tử quy thuận càng không đáng tin cậy bằng thần tử đầu hàng, mà người này chủ động đi cầu Lục Thiên Phong, hẳn là hạng người xu nịnh.
Kỷ Vương tỉ mỉ kể lại.
- Lục đệ, Lục Thiên Phong cũng là thần tử quy thuận đó.
Thái tử lại nói.
Kỷ Vương ngẩn ra, cảm thấy dường như Thái tử tứ ca đã thay đổi rất nhiều, có vẻ ít ôn hòa hơn, chần chừ một chút nhưng cũng không tranh cãi, lại nói với Chu Hoàng đế:
- Phụ hoàng, nếu không hợp ban cho thực chức, nhi thần đề nghị điều về dưới quyền Lục Thiên Phong.
- Đề nghị của Lục đệ không ổn. Nếu lục Thiên Phong đã tiến cử người này, có nghĩa người này trung với Lục Thiên Phong. Nếu điều về cho Lục Thiên phong, chỉ khiến cho triều đình tăng thêm mối họa.
Thái tử lập tức phản bác.
Kỷ Vương nghe vậy ngạc nhiên nói:
- Tứ ca, chỉ có một viên Chỉ Huy sứ thôi mà.
- Bây giờ Đô hộ Hà Tây là Dương Côn, vốn cũng chỉ là một Huyện úy, Lục đệ cũng điều cho Lục Thiên Phong.
Thái tử nêu ví dụ phản bác.
Kỷ Vương chán nản, cãi cố:
- Tứ ca, Dương Côn kia vốn là thế giao với Lục Thiên Phong. Cho dù đệ không đồng ý, Lục Thiên Phong cũng sẽ đưa Dương Côn tới Hà Tây.
- Lục đệ, ý của vi huynh là nhắc đệ chớ nên nhân nhượng Lục Thiên Phong nữa. Đệ nhân nhượng thêm một lần, sẽ chỉ khiến cho hắn được một tấc lại muốn một thước. Tây Bộ đã tùy ý hắn làm bậy, nhưng Khai Phong phủ không thể cho hắn cơ hội dựng thế được. Nếu việc này lại mặc kệ Lục Thiên Phong, tất sẽ tạo nên tâm lý quy thuận Lục Thiên Phong của hàng thần Giang Nam, hành động lần này của hắn nhất định đã ẩn chứa dã tâm.
Thái tử nghiêm nghị phản bác.
Kỷ Vương nghe vậy không còn cách nào phản bác, đành bỏ qua. Tứ ca là Thái tử, lại nhắc đến Dương Côn làm ví dụ, y có tranh cãi nữa cũng sẽ chỉ dẫn đến hậu quả không biết lớn bé.
- Phụ hoàng, là nhi thần sai lầm rồi. Việc này nhi thần suy xét không chu toàn.
Kỷ Vương cung kính nói với Chu Hoàng đế.
Một lát sau Chu Hoàng đế mới lên tiếng:
- Hi Cẩn, Tứ ca con lo lắng như vậy cũng là có đạo lý riêng. Việc này con cứ từ chối đi.
Kỷ Vương cung kính đáp:
- Vâng, nhi thần tuân dụ.
- Con sẽ nói thế nào với Lục Thiên Phong?
Chu hoàng đế hỏi.
Kỷ Vương chần chừ một chút mới đáp:
- Nhi thần sẽ nói Bộ Quân Ti không đồng ý.
Chu Hoàng đế ôn hòa sửa lại:
- Con có thể nói trẫm không đồng ý.
Chần chừ một lát, Kỷ Vương mới gật đầu:
- Vâng, nhi thần nhớ kỹ.
- Con đi đi.
- Nhi thần cáo lui.
Kỷ Vương cung kính từ lễ, xoay người rời đi.
Kỷ Vương vừa đi, Thái tử bắt đầu hỏi:
- Phụ hoàng, có phải nhi thần đã làm sai không?
Chu Hoàng đế nhìn sang y:
- Vừa sai, vừa không sai, còn tùy thuộc vào việc con xem trọng điều gì.
- Xin phụ hoàng chỉ rõ.
Thái tử cung kinh nói.
Chu Hoàng đế im lặng một lát mới nói:
- Nói con không sai, là vì con duy trì quyền uy của mình. Nói con đã sai, là vì con đã khiến cho trái tim của Hi Cẩn lạnh đi rồi.
Sắc mặt Thái tử hơi biến, vội hỏi:
- Phụ hoàng, nhi thần chỉ căn cứ vào sự thật mà nói, đề phòng hậu hoạn chưa xảy ra.
- Con nói là căn cứ sự thật mà nói, nhưng con cũng đã làm nghiêng lệch toàn bộ rồi. Lục Thiên Phong tiến cử Ôn Vũ, cũng chỉ là một người luyện võ xuất thân nha vệ, con lại đặt y ngang hàng với Dương Côn. Dương Côn đã là Thống soái ba vạn Ninh quốc quân. Đuổi Dương Côn tới Tây Bộ là sai lầm của trẫm, là do trẫm khinh thị thần tử phương nam.
Chu hoàng đế nói.
- Vậy là nhi thần đã sai rồi.
Thái tử chán nản.
- Con không sai. Hi Cẩn cũng không cần phải quá nhân nhượng Lục Thiên Phong. Chỉ có điều con kịch liệt phản bác Hi Cẩn là sai rồi, chỉ vì một tiểu nhân vật mà sinh ra bất hòa với huynh đệ, đó là hậu quả mất nhiều hơn được.
Chu hoàng đế dạy bảo.
Thái tử giật mình gật đầu, chợt hỏi:
- Phụ hoàng. Nhi thần sẽ tới chỗ Hi Cẩn xin lỗi.
Chu Hoàng đế mỉm cười gật đầu:
- Lục Thiên Phong cầu Hi Cẩn hai chuyện. Con đi nói với nó, chuyện kia trẫm có thể đồng ý.
Thái tử nghe vậy hơi chần chừ:
- Phụ hoàng, nếu vì Lục Thiên Phong mà đòi người của Thanh Hà quận công, có phải là không ổn hay không.
- Một phủ Quận công cũng không nên ngang hàng với Vương phủ, để lại mười hoạn quan là được rồi.
Chu hoàng đế bình thản trả lời.
Thái tử hiểu ý gật đầu, tạ lễ, rời khỏi điện Văn Đức đi gặp Kỷ Vương.
Chu Hoàng đế nhìn về cửa điện Văn Đức, sắc mặt ủ dột. Đương nhiên ông ta hiểu vì sao Thái tử lại kịch liệt phản đối Kỷ Vương, là vì Lục Thiên Phong nên Thái tử đã sinh địch ý với Kỷ Vương từ trong tiềm thức, hoặc cũng có thể là vì một loại tâm lý kị sợ.
Thật lâu sau, Chu Hoàng đế mới ngả người về sau nhắm mắt dưỡng thần. Thực ra ông ta cũng đã lường trước tâm tính của Thái tử, sinh trong nhà Đế vương, Hoàng đế vẫn luôn có tâm kiêng kỵ với các huynh đệ có thế lớn hoặc nắm giữ quân quyền.
Truyện khác cùng thể loại
14 chương
108 chương
23 chương
69 chương
1802 chương
1550 chương
347 chương