Kiêu Hãnh Và Định Kiến
Chương 10
Một ngày trôi qua tương tự như ngày trước đấy. Bà Hurst và cô Bingley bỏ ra vài giờ buổi sáng ngồi với Jane đang dần bình phục. Vào buổi tối Elizabeth ngồi với họ trong phòng khách. Mr Darcy đang viết một lá thư, cô Bingley ngồi kế bên anh, liên tục theo dõi việc anh làm khiến cho Darcy bị phân tâm trong việc viết thư cho em gái. Ông Hurst và Bingley thì đang chơi bài, và bà Hurst xem hai người chơi.
Elizabeth đang ngồi đan thêu, nhưng cũng cảm thấy thích thú để ý những gì diễn ra giữa Darcy và cô Bingley. Cuộc đối thoại kì lạ giữa hai người có phần phù hợp với những gì cô nhận xét về mọi người. Với những lời khen của cô Bingley về nét chữ đẹp hoặc dòng chữ đều nhau của anh, và cách anh nhận lời khen của cô với vẻ vô tâm tuyệt đối.
- Hẳn là cô Darcy sẽ rất vui mừng khi nhận được thư của anh.
Darcy không trả lời.
- Anh viết nhanh một cách lạ thường.
- Cô nhầm rồi, tôi viết khá chậm.
- Có bao nhiêu là thư anh có cơ hội viết trong một năm! Cả những lá thư kinh doanh nữa. Tôi ghét những thư từ như thế.
- Vậy thì điều may mắn là những lá thư ấy gắn liền với số phận của tôi thay vì của cô.
- Xin anh vui lòng nhắn với cô ấy rằng tôi rất mong gặp lại cô ấy.
- Tôi đã nhắn một lần rồi theo như lời yêu cầu của cô.
- T ôi e rằng anh không thích cây bút ấy. Đưa tôi chữa cho. Tôi chữa bút khá hay đấy.
- Cảm ơn cô nhưng tôi luôn tự chữa lấy.
- Làm thế nào anh nghĩ ra cách viết đều hàng như thế?
Darcy chỉ im lặng.
- Anh nhớ bảo cô em rằng tôi vui mừng khi nghe cô ấy có nhiều tiến bộ về đàn nhạc. Xin cho cô ấy biết luôn là tôi rất say mê thiết kế nhỏ của cô ấy cho cái bàn, và tôi nghĩ rằng nó rõ ràng đẹp hơn cái của cô Grantley.
- Cô có thể cho phép tôi hoãn sự say mê của cô đến thư sau được không? Hiện giờ tôi không đủ giấy để viết.
- À! Không sao. Tôi sẽ gặp cô ấy vào tháng giêng. Nhưng anh có thường viết những lá thư dài lôi cuốn như thế không, anh Darcy?
- Thường những lá thư do tôi viết đều dài, còn có lôi cuốn hay không thì tôi không biết.
- Tôi nhận ra quy luật rằng, một người viết một lá thư dài dễ dàng thì nội dung đều rất lôi cuốn.
Bingley thốt lên:
- Caroline, đấy không phải là cách khen ngợi Darcy đâu, vì rằng anh ta không viết lá thư một cách dễ dàng. Anh ta đã học được khá nhiều từ thô tục, có phải thế không anh bạn?
- Cách viết của tôi khác hẳn với cậu đấy.
- À! Charles viết theo cách cẩu thả nhất mà người ta có thể tưởng tượng được. Anh ấy bỏ đi phân nửa số chữ và bôi bẩn phân nửa còn lại. – Cô Bingley tiếp lời.
- Ý tưởng của tôi tuôn ra nhanh đến nỗi tôi không có thời gian trình bày. Theo cách thức ấy các lá thư của tôi nhiều lúc không truyền đạt được những gì tôi muốn đến người nhận.
Elizabeth nói:
- Anh Bingley, sự khiêm tốn của anh khiến người ta không thể chê trách anh được.
- Không có gì dối trá hơn là vẻ khiêm tốn bề ngoài. Thường nó là sự cẩu thả trong việc diễn đạt ý kiến, đôi lúc còn là cách khoe khoang gián tiếp. – Darcy nói.
- Và anh xem sự khiêm tốn nhỏ của tôi vừa rồi thuộc vào loại nào thế?
- Đấy là cách khoe khoang gián tiếp, vì thực ra anh hãnh diện về những khuyết điểm của anh khi viết thư, vì anh xem những khuyết điểm này là do ý tưởng nhanh và trình bày vụng về, anh nghĩ ít nhất đấy là điểm thú vị. Những người thầy thường đánh giá cao khả năng làm việc gì cũng nhanh nhẹn, và thường không để ý đến việc cầu toàn. Khi anh nói với bà Bennet trong sáng nay rằng nếu anh quyết chí rời Netherfield anh sẽ đi trong năm phút, đấy là một cách tự khen mình. Tuy nhiên, có gì đáng khen ngợi đâu trong sự hấp tấp làm cho mọi công việc cần thiết bị dở dang và không có lợi gì cho mình hoặc cho bất cứ ai?
- Không được! Đúng là quá mức. Vào buổi tối mà nhớ lại những điều ngu xuẩn đã nói hồi sáng thì thật là quá sức chịu đựng. Tuy vậy, tôi lấy danh dự mà xác nhận tôi tin những điều tôi nói về mình là đúng, lúc ấy tôi tin rằng như thế. Vì thế tôi không có ý định hấp tấp một cách vô ích chỉ để phô trương với các cô gái.
- Tôi biết anh tin vào những gì mình nói, nhưng tôi cũng không thấy thuyết phục rằng anh sẽ ra đi một cách hối hả như thế, và nếu anh đang nhảy lên lưng ngựa, một người bạn chỉ cần nói “Bingley, anh nên nán lại thêm một tuần”, có thể anh sẽ không đi, và khi được khuyên nhủ thêm có thể anh sẽ ở thêm vài tháng.
Elizabeth thốt lên:
- Qua đấy anh chỉ minh chứng rằng anh Bingley không công bằng với chính tính khí của anh ta. Anh chỉ phô trương cho anh ta hơn là anh ta tự phô bày.
- Tôi rất lấy làm cảm kích khi cô chuyển lời nói của bạn tôi thành lời khen về tư cách mềm mỏng của tôi. Nhưng tôi e rằng cô đã lái vấn đề sang hướng khác mà anh bạn tôi đây chưa hẳn chịu đi theo, vì chắc chắn anh ta lại sẽ nghĩ tốt về tôi. Nếu trong trường hợp như thế tôi lại khước từ thẳng thừng và đi càng nhanh càng tốt. – Bingley mỉm cười nói với Elizabeth.
- Liệu anh Darcy có xem khuyết điểm về sự vội vàng trong ý định của anh có thể sửa chữa khi mà anh khăng khăng giữ nguyên ý định không?
- Tôi không thể giải thích chính xác vấn đề này, tự Darcy cậu ấy phải nói ra thôi.
Darcy lên tiếng:
- Cô muốn tôi giải thích ý kiến mà cô gọi là ý kiến của tôi, trong khi tôi vẫn chưa nhận ra đấy là ý của mình. Tuy nhiên, xét theo sự trình bày của cô, cô Bennet thân mến ạ, cô nên nhớ rằng người bạn ấy chỉ muốn anh ấy dời lại kế hoạch của mình, người ấy chỉ mong muốn thế thôi chứ không có ý biện luận về sự đúng mực trong cư xử.
- Sẵn sàng nhân nhượng – nhân nhượng một cách dễ dàng – sự thuyết phục của một người bạn dường như không có giá trị với anh.
- Nhân nhượng mà thâm tâm mình không tin tưởng chắc chắn, thì không phải là lời khen ngợi cho sự hiểu biết về nhân nhượng hay tin tưởng.
- Theo tôi nghĩ, đối với anh Darcy anh không tin tưởng vào ảnh huởng của tình bạn hay lòng thương mến. Khi ta thật lòng quý mến người yêu cầu ta việc gì, ta vân nhân nhượng nghe theo mà không cần lời giải thích về lý do yêu cầu. Có lẽ chúng ta nên chờ cho đến khi tình huống thật sự xảy ra, trước khi chúng ta bàn về cách ứng xử của anh ấy. Nhưng nói chung, trong những trường hợp thông thường giữa bạn bè với nhau, khi một người ước mong người kia thay đổi ý định, anh có nghĩ xấu về người đã chiều theo ý muốn của bạn mình mà không chờ có lời giải thích hay không? Trước khi chúng ta bàn luận, nên xác định rõ hơn tầm quan trọng của lời yêu cầu, cũng như mức độ thân thiết giữa hai người, nên chăng như thế?
- Cô Bennet, đúng là như thế, ta hãy nghe qua mọi chi tiết, đừng quên tầm quan trọng của các chi tiết, vì qua đấy lời biện luận có thể nặng kí hơn. Tôi cam đoan rằng nếu Darcy không phải là người cao lớn hơn so với tôi, sự trọng vọng của tôi đối với cậu ấy còn không đến một nửa. Tôi chưa từng biết người nào uy nghiêm hơn Darcy, trong những hòan cảnh nhất định và những chỗ nhất định, đặc biệt là ở nhà anh ta, vào buổi tối thứ bảy khi anh ta không có việc gì làm.
Darcy mỉm cười nhưng, Elizabeth có thể cảm nhận rằng anh bị xúc phạm khá nặng, nên cô cố nén tiếng cười. Cô Bingley phật ý vì sự sỉ nhục anh nhận được, vạch sự sai trái của ông anh đã nói năng vô nghĩa.
Anh bạn anh nói:
- Tôi nhận ra ý đồ của anh, Bingley ạ. Anh ghét biện luận, nên anh muốn dập tắt nó.
- Có thể như vậy, biện luận cũng như tranh cãi. Nếu anh và cô Bennet hoãn việc biện luận của hai người cho đến khi tôi ra khỏi phòng, tôi sẽ rất biết ơn, rồi sau đấy hai người có thể nói gì về tôi cũng được.
- Với tôi thì không hề gì. Còn anh Darcy, anh ấy nên viết cho xong lá thư của mình.
Darcy nghe theo lời cô, và anh hoàn tất lá thư.
Sau khi hoàn thành công việc, anh xin cô Bingley và Elizabeth chiều theo mình dạo lên vài bản nhạc. Cô Bingley sốt sắng đi đến cây đàn dương cầm, sau khi lịch sự yêu cầu Elizabeth biểu diễn trước, và cô này cũng lịch sự nghiêm chỉnh khước từ, Bingley bắt đầu ngồi xuống đàn.
Bà Hurst hát cùng em gái; và trong khi Elizabeth đang lật xem qua các sách nhạc đặt trên cây đàn dương cầm, cô không thể không nhận ra rằng đôi mắt của Darcy thỉnh thoảng lại dán vào cô. Cô không dám nghĩ rằng cô có thể là đối tượng được một người thuộc tầng lớp thượng lưu như anh cảm mến. Tuy thế, ý nghĩ anh nhìn cô vì có ác cảm càng lạ kì hơn. Cuối cùng cô chỉ có thể nghĩ rằng cô thu hút sự chú ý của anh chỉ vì cô có gì đấy sai trái hay đáng trách hơn những người trong phòng, theo những ý tưởng của anh về cách cư xử. Ý nghĩ này không làm cô phật lòng. Cô không thích anh lắm do đó không để ý đến việc anh có chấp nhận mình hay không.
Sau khi chơi vài bản nhạc Ý, cô Bingley thay đổi sự mê hoặc bằng một giai điệu Tô Cách Lan sinh động. Ngay sau đấy, Darcy tiến lại gần cô và nói:
- Cô Bennet, cô có cảm thấy muốn nhân cơ hội này khiêu vũ một bản không?
Cô mỉm cười nhưng không đáp. Anh lặp lại câu hỏi, với một ít ngạc nhiên về sự im lặng của cô.
- À tôi đã nghe anh nói rồi, nhưng tôi chưa biết phải trả lời ngay thế nào. Tôi biết anh muốn tôi ưng thuận để có thể xem thường thú vui giải trí của tôi, nhưng tôi rất lấy làm vui khi đánh bại những âm mưu kiểu này, và phản công lại người chủ mưu. Vì thế tôi quyết định trả lời anh rằng tôi không thích khiêu vũ. Và bây giờ anh có thể khinh thường tôi, nếu như anh dám.
- Thật ra tôi không dám xem thường cô.
Elizabeth thật ra đã có chủ định đối đầu với anh, cô ngạc nhiên khi thấy anh tỏ ra khoáng đạt, nhưng tính cách của cô là sự pha trộn giữa ngọt dịu và hóm hỉnh, khiến cho cô khó có thể đối đầu với ai được. Và Darcy cảm thấy chưa bao giờ anh bị mê hoặc bởi một phụ nữ giống như cô. Anh thật sự nghĩ rằng, nếu không vì địa vị thấp kém của cô, anh sẽ sa vào tình thế nguy hiểm.
Cô Bingley đã trông thấy, hay đã đủ hồ nghi để trở nên ghen tỵ. Cô đã sốt ruột mong muốn Jane bình phục, giờ đây lại thêm mong muốn tống khứ Elizabeth. Cô thường khích động Darcy xem thường nhữn người khách, bằng cách nói về một hôn lễ giả định, hay trù tính cho hạnh phúc của anh trong mối quan hệ thông gia.
Khi cùng anh đi dạo trong khu vườn cây ngày hôm sau, cô nói:
- Khi sự kiện đáng mong ước này xảy ra, tôi mong rằng anh sẽ cho bà mẹ vợ của anh vài ý tứ để bà hiểu rằng nên giữ mồm giữ miệng, nếu có thể được, anh hãy chấn chỉnh các cô em gái luôn chạy theo cách sĩ quan luôn thể. Và, nếu tôi có thể đề cập đến một vấn đề thật tế nhị, anh nên kiểm soát cái gì đấy nhỏ nhoi, gần như tính tự phụ và xấc xuợc của người vợ anh.
- Cô có đề xuất gì khác không cho hạnh phúc gia đình của tôi nữa không?
- À! Có. Anh nên treo chân dung của ông chú và bà dì Phillips của anh dọc trong hành lang phòng khách của dinh thự Pemberly. Đặt gần chân dung ông chú anh, ngày xưa làm thẩm phán. Hai người dù sao cũng làm chung lĩnh vực, chỉ khác nhau ở nghề nghiệp thôi. Về chân dung của Elizabeth, anh không nên bận tâm, vì chẳng có họa sĩ nào có thể vẽ đúng đôi mắt đẹp thế.
- Đúng thế, không dễ gì bắt lấy những gì biểu lộ qua đôi mắt, nhưng những màu sắc, hình thể thì vẫn có thể vẽ ra được.
Đúng lúc ấy họ gặp bà Hurst và Elizabeth cũng đang đi dạo. Cô Bingley có vẻ bối rối vì cô e ngại những câu nói vừa rồi bị nghe lỏm.
- Tôi không biết hai người cũng đang đi dạo.
Bà Hurst nói:
- Hai người xấu quá, lẻn đi ra ngoài mà không cho chúng tôi biết.
Rồi bà nắm lấy cánh tay được tự do của Darcy, bà bước đi để Elizabeth lại một mình. Con đường mòn chỉ đủ khoảng cách cho ba người. Darcy nhận ra sự khiếm nhã của họ, quay lại nói:
- Đường này quá hẹp cho đoàn chúng ta. Ta nên đi vào con dường lớn.
Nhưng Elizabeth không muốn nhập vào đoàn người, cười đáp:
- Không, không ba người cứ đi. Nhóm người như thế trông hay rồi. Nếu thêm người thứ tư thì mất hết cảnh đẹp. Tôi xin kiếu.
Rồi cô tung tăng chạy đi, lòng phơi phới ngao du, trong niềm hy vọng có thể về nhà trong ít ngày nữa. Jane đã đỡ nhiều, nên cô muốn ra khỏi phòng ngủ tối hôm ấy.
Jane Austen
Kiêu hãnh và định kiến
Diệp Minh Tâm dịch
Truyện khác cùng thể loại
51 chương
5 chương
41 chương
32 chương
10 chương
66 chương
29 chương