Khu vườn mùa hạ
Chương 6
Sáng hôm sau, chúng tôi đi vứt rác. Wakabe cho đến phút cuối vẫn còn kêu ca, nhưng tôi lại cảm thấy giúp ông cụ là hợp lý. Tôi vẫn còn áy náy vì bị ông cụ và Sugita gọi là “đồ nói dối”. Sau khi ba đứa vòng đi vòng lại chừng năm lần từ nhà ông cụ đến chỗ cột điện, thềm nhà ông cụ đã thoáng đãng hẳn.
Buổi chiều, sau khi tan học, chúng tôi đứng nhìn chăm chăm vào tường nhà ông cụ từ phía bên kia đường. “Hôm nay mà lại bị Sugita bắt gặp ở đây thì không hay đâu,” Yamashita nói.
“Thế mày định thế nào? Thôi không làm nữa à?” Wakabe nói bằng giọng u ám.
“Chỉ còn cách đó thôi.”
“Tao không chịu!” Wakabe huỳnh huỵch bước qua đường rồi bám vào bức tường. “Nếu mày muốn bỏ thì cứ việc.”
Yamashita nhìn tôi, vẻ mặt như sắp khóc.
Làm thế nào bây giờ nhỉ? Thực ra Wakabe không phải không hiểu ý Yamashita. Bằng chứng là nó vừa bám vào tường vừa liếc nhìn xung quanh. Nó đúng là đang không an tâm.
“Mình thôi việc này đi. Chẳng hay gì đâu.” Yamashita nói với giọng như van xin Wakabe. Đúng lúc đó, cánh cửa hướng ra hành lang nhà mờ đánh kẹt một cái, ông cụ nói rất to.
“Cỏ mọc nhiều thế này, lắm muỗi, không mở cửa được!”
Chúng tôi bắt đầu nhổ cỏ. Đúng như dự đoán, Sugita và Matsushita có đến, nhưng khi nhìn thấy chúng tôi vừa đập muỗi chan chát vừa im lặng làm việc, chúng tròn mắt nhìn rồi bỏ đi.
Trong vườn nhà ông cụ, cỏ mọc um tùm. Cứ như một nơi không có người ở. Chỉ riêng phần rác đã thu dọn cũng đủ nổi bật lắm rồi. Ông cụ bịt một cái khăn, ngồi bắt tréo chân ở hành lang, thi thoảng lại nói những câu như “Dồn thêm lực vào đầu ngón tay”, “Nhổ tận gốc nhé” hay “Tập trung vào!”
“Ông thử tự làm xem nào” Wakabe lầm bầm. Ông cụ liền nói ngay, “Đau khớp gối, không ngồi xổm được!”
“Xì! Già rồi mà tai còn thính thế!” Wakabe lần này cố ý nói to để ông cụ nghe thấy. Ông cụ làm bộ chẳng nghe thấy gì.
“Tụi mình bị sai khiến dễ dàng quá.” Yamashita nói.
“Đừng có nói những lời yếu đuối như vậy. Việc này là vì mục đích chân chính.” Wakabe nói mà chẳng nhìn Yamashita. Người nó ướt đẫm mồ hôi. Cặp kính của nó cứ trễ xuống mãi dù nó đã cố đẩy kính lên không biết bao lần. Yamashita không biết có phải do béo quá không mà hễ ngồi xổm là liên tục mất thăng bằng. “Ớ!” Mỗi lần Yamashita hô lên như vậy, y như rằng nó lại té lăn quay, thành thử năng suất làm việc của nó nói chung là rất tệ. Tôi cũng bị đau bắp chân và đầu ngón tay, vì cứ cố chịu đựng nên cơn đau lan ra cả lưng.
“Kiyama!”
Đã là ngày thứ ba kể từ khi chúng tôi bắt đầu nhổ cỏ. Chỉ một chút nữa thôi, khu vườn sẽ sạch cỏ. Nghe tiếng gọi từ bên ngoài bức tường, tôi nhìn lên, đó là hai bạn gái cùng lớp chúng tôi, Tashima Tomoko và Sakei Ayako.
“A... Chào!”
Suốt từ hồi vào hè đến giờ, đây là lần đầu tiên tôi gặp lại họ. Tôi hơi lúng túng. Tashima và Sakei dễ thương nhất lớp tôi. Đám con trai có lần còn bí mật tổ chức bình bầu, chia thành hai phe “phe Tashima” và “phe Sakei”. Tashima có làn da rám nắng, mắt hơi xếch, cánh mũi thon, cái miệng nhỏ với môi trên hơi dày, cực giỏi thể thao, bạn ấy kể rằng nhà có sân tennis, vui nhất là lúc chơi tennis với bố. Sakei thì lúc nào cũng tươi cười, má ửng hồng với những sợi tóc tơ ánh vàng, giống như tiên nữ trên cây đào. Tôi thuộc phe Tashima, Yamashita là phe Sakei, còn Wakabe thì chẳng ở phe nào. Hôm nay cả hai đều mang vợt, đội mũ lưỡi trai chống nắng, trông hơi người lớn một chút. Chắc cả hai đang đến nhà Tashima chơi tennis.
“Nghe nói các cậu đang giúp đỡ ông cụ nhà này. Các cậu tuyệt quá!” Tashima nói.
“Mẹ mình bảo bọn mình cũng nên ra giúp các cậu việc gì đó.” Sakei nhìn tôi ngưỡng mộ.
Tuy thuộc phe Tashima nhưng khi nghe thấy câu này, tai tôi cứ nóng bừng lên.
Tôi mãi mới dám cất giọng định gọi họ vào,nhưng chưa kịp nói gì thì Wakabe đã lên tiếng.
“Xin lỗi nhé, việc này bọn tớ đã quyết tâm làm. Bọn tớ sẽ tự làm đến cùng.”
Tashima và Sakei quay sang nhìn nhau với vẻ mặt “Ôi, các cậu ấy thật đáng tin cậy!” Đột nhiên cả hai ngạc nhiên kêu lên và cùng nhìn về phía cửa ra vào. Ông cụ đứng đó, tay xách một cái túi của siêu thị. Ông cụ đi ra từ lúc nào chẳng rõ. Tôi mải nhổ cỏ nên hoàn toàn không để ý.
Tashima và Sakei “Á!” một tiếng, lúng túng nhìn ông cụ. Cứ như được gặp một nhân vật nổi tiếng vậy. Ông cụ bận cái quần nhàu nhĩ và áo xám ngắn tay xộc xệch. Ông không hiểu chuyện gì đang diễn ra nên cứ đứng ngẩn ra đó, tay xách cái túi. Hai cô bạn tôi đồng thanh cất tiếng chào buổi trưa, ông cụ cũng ấp úng chào lại, cái miệng xồm xoàm râu chưa cạo như thể đang chu ra. Lúc gọi chúng tôi là “mấy đứa”, thái độ của ông cũng khác hẳn, tôi không khỏi kinh ngạc.
“Vừa rồi có nghe thấy gì không?” Yamashita đánh mắt sang tôi. “Đúng là con gái có lợi thế hơn hẳn.”
“Có lẽ thế!”
“Cố lên nhé!” Hai bạn gái mỉm cười với chúng tôi rồi bỏ đi.
“Cứ thế là đi luôn!” Tôi làu bàu.
“Thế đấy.” Yamashita đồng ý. “Thế mà nói là sẽ giúp tụi mình!”
“Đồ ngốc. Người ta không muốn thấy mặt tụi mày đâu.” Wakabe lè lưỡi trêu.
* * *
Chúng tôi bắt đầu làm việc trong tình trạng vô thức. Ba đứa không còn uể oải buôn chuyện nữa. Vườn nhà ông cụ, lớp học thêm, kỳ nghỉ hè của học sinh lớp Sáu, chuyện của bố của mẹ... chúng tôi đã quên sạch những điều đó, chỉ đơn giản cứ thấy cỏ là nhổ. Về đến nhà là ăn cơm, đi tắm, làm bài tập của lớp học thêm, ngay sau đó đi ngủ. Không mộng mị gì hết, dĩ nhiên cũng không mơ thấy những con ma.
Đến chiều hôm sau thì ba đứa hoàn tất vụ nhổ cỏ. Trên mặt đất khô chỉ có chúng tôi, cây gạo và sợi dây phơi đồ hình chữ V. Chẳng còn rác. Chẳng còn cỏ. Mớ đồ giặt đã phơi khô để dồn trên hành lang thành một đống ấm áp. Độ này ông cụ hay giặt đồ.
“Mình hoàn thành rồi!” Yamashita nói.
“Ừ!”
“Sân trông rộng hẳn ra!”
“Cứ như một nơi khác ấy nhỉ!”
“Đúng thật!” Tôi hít một hơi thật sâu.
“Bổ đi!” Ông cụ mang từ trong nhà ra một quả dưa hấu to. Dao và thớt đã đặt sẵn trên hành lang. Chúng tôi như bị mùi hương muỗi và mùi thơ của quần áo khô mời gọi. Ba đứa ngồi xuống hành lang.
Ông cụ vỗ bồm bộp vào quả dưa, nói “Chín rồi đấy!” Tại sao chỉ vỗ vào vỏ như vậy mà lại biết dược bên trong như thế nào? Yamashita bắt chước ông cụ, vỗ vỗ vào đầu Wakabe.
“Gì thế?”
“Có gì ở trong không?”
“Cái thằng này!” Wakabe nói rồi làm vẻ định vỗ lại vào đầu thằng mập. Yamashita ôm đầu cười hinh hích. Wakabe được thể, leo lên lưng Yamashita. “Ối! Ngã mất!” Yamashita la lên.
“Chúng mày đừng giỡn nữa!” Tôi vừa nói xong liền bị Wakabe vỗ vào đầu.
“Rồi, đến đây là hết. Hòa nhé!”
“Cái gì chứ?”
Yamashita càng cười to hơn. Tôi vỗ đánh bộp một cái vào đầu nó.
“Úi đau!”
“Đúng là một lũ ồn ào!” Ông cụ chán nản nói. “Về đi!”
“Tụi cháu sẽ về, sau khi ăn dưa xong!” Wakabe đáp trả. Chính nó đã bảo đừng nói chuyện với ông cụ.
“Thằng nhóc đáng ghét! Thôi, ăn nhanh lên!”
“Quả này do cây mọc ra thật sao?” Wakabe nhẹ nhàng vuốt ve quả dưa. “Sao mà to thế? Người đầu tiên nhìn thấy nó chắc phải kinh ngạc lắm!”
“Nhóc bổ đi!” Ông cụ nói với Wakabe.
“Không được!”
“Tại sao?”
“Cháu chưa bổ dưa bao giờ!
“Nhóc chưa từng bổ dưa sao?”
“Vì nhà cháu toàn mua dưa bổ sẵn thôi. Làm sao mà ăn hết được.” Wakabe trả lời.
“Vậy à!” Ông cụ nói rồi liếc nhìn quả dưa, chắc ông cụ cũng lâu lắm rồi không mua dưa hấu nguyên quả thế này.
“Mày cứ làm thử xem!” Yamashita nói với Wakabe. Bỗng nhiên thằng mập kêu “A” một tiếng rồi cầm lấy con dao. “Đợi chút!” Nó bảo rồi định cứ như thế phi thẳng ra đường, Chợt nhận ra mình đang cầm cái gì, nó luống cuống để dao lại bên hiên nhà.
“Sao thế?”
“Tao quay lại ngay. Đợi đấy!”
Mười phút sau, Yamashita thở hồng hộc quay lại. Tay nó nắm thứ gì đó tựa một thỏi mục Tàu phóng to. Ông cụ vừa nhìn thấy thứ đó, đã ồ lên vẻ hiểu ngay. Yamashita mỉm cười. Tôi thì vẫn chẳng rõ chuyện gì đang diễn ra.
“Vào bồn rửa trong bếp,” ông cụ nói. Yamashita cởi giày, tay cầm dao, đi ngay vào trong nhà. Tại bồn rửa đối diện ô cửa sổ nhỏ nhất nằm trong cùng, thằng mập làm ướt thứ vuông vắn trông như miếng đá kia, sau đó nó bắt đầu tạo ra những âm thanh xoèn xoẹt như đang cọ cái gì đó.
“Mày đang làm gì thế?”
Yamashita không nhìn chúng tôi. Ông cụ cởi dép đi vào trong nhà, tôi và Wakabe cũng đi theo. Cái bàn sưởi đã được dọn đi từ lúc nào. Trong căn phòng rộng tầm sáu chiếc chiếu, có một cái khay nhỏ, một cái tủ có ngăn bên trên đặt ti vi, và một chiếc tủ nữa, trước mắt tôi chỉ có ngần ấy thứ. Ngoài cái gối màu xanh nhồi vỏ trấu vứt ở ngoài, tất cả những thứ khác đều đã được dọn sạch. Chẳng có thứ đồ trang trí nào như búp bê gỗ lưu niệm hay hoa giả đã phai màu, ngoại trừ một tờ lịch của quán rượu. Quá sạch sẽ.
Trong góc bếp tỏa ra mùi ẩm ướt tối tăm. Mùi của nhà cũ. Sàn nhà gỗ áp vào gan bàn chân lành lạnh. Bên tay phải là cửa ra vào, bên trái có lẽ là nhà tắm và toa lét. Trong cái khay để trước bồn rửa có hai chiếc nồi nhỏ. Trong giỏ bát chỏng chơ một cốc uống trà.
Yamashita dùng tay phải nắm chặt cán dao, miết đi miết lại lưỡi dao lên miếng đá, nom rất thành thạo. Nó tì cả bốn ngón tay của bàn tay trái lên lưỡi dao, môi mím lại, mặt tỏ vẻ thận trọng.
“Nó đang mài dao!” Wakabe khâm phục nói.
“Thành thạo lắm!” Ông cụ nói.
“Nhà cháu là hàng bán cá mà.” Yamashita ngừng tay, nói. “Bố cháu còn giỏi hơn!”
Chỉnh lại vị trí con dao, nó lại tiếp tục mài.
“Hương vị của thức ăn có thể khác hoàn toàn tùy vào cách thái.” Yamashita nói vậy, đoạn im lặng mài tiếp.
Chỉ có tiếng mài dao xoèn xoẹt và tiếng ve kêu. Thật tĩnh lặng.
“Mày cũng sẽ thành chủ cửa hàng bán cá à, nhóc?” Ông cụ hỏi.
Lưỡi dao bắt đầu phát ra ánh lấp lánh như vảy trên lưng cá. Yamashita chăm chú nhìn con dao rồi nói, “Sẽ thế nào nhỉ? Mẹ cháu cũng thắc mắc như vậy, không biết về sau cháu mà cũng thành chủ một cửa hàng cá nhỏ bé như bố thì sẽ thế nào? Mẹ bảo cháu sẽ chẳng lấy được người nào ra hồn đâu, thế nên lo mà học đi để còn làm việc khác.” Nó ngừng lại một chút lật mặt dao, đổi tay cầm và lại bắt đầu mài.
“Nhưng cháu lại thấy công việc của bố cháu rất tốt!” Yamashita đặt ngón trỏ lên lưỡi dao, vuốt qua để kiểm tra.
“Ui! Nguy hiểm quá!” Wakabe nói.
“Không sao đâu.” Lần đầu tiên tôi thấy Yamashita tràn đầy tự tin như vậy.
“Mày từng bị cắt vào tay bao giờ chưa?” Tôi hỏi.
“Rồi chứ.” Nó như thể muốn bảo ‘chuyện đó thì có gì đáng kể’. “Nhưng nếu sợ mà không dám dộng vào nữa thì chẳng bao giờ dùng dao được.”
“Nói hay lắm!” Ông cụ nói.
“Bố cháu nói đấy!” Yamashita cười hì hì. “Hồi đó cháu bị đứt tay rất sâu, không dám đến gần cái thớt. Từ đó cháu hiểu ra là dao có thể hại người mà cũng có thể tạo ra món ăn ngon giúp ta khỏe mạnh, tùy theo cách sử dụng nó. Đủ sắc để bổ dọc được cá mòi và cá thu ra làm ba miếng rồi!”
Giờ tôi và Wakabe phục nó sát đất. “Thế này là được rồi!” Yamashita quay lại hành lang.
Nhìn từ góc bếp tĩnh lặng, cả khu vườn chan hòa nắng hạ, như một khối ánh sáng được xén thành hình hộp vuông vắn.
* * *
Vừa bổ dao xuống, quả dưa hấu đã tách ra như đợi sẵn.
“Ờ! Chín lắm rồi!” Ông cụ nói.
“Tuyệt quá đi!” Wakabe nhìn con dao chăm chăm như muốn xác nhận lại cảm giác lần đầu tiên bổ dưa hấu.
“Cẩn thận đấy! Người ta hay nói đưa dao cho gì ấy nhỉ?” Ông cụ cười lém lỉnh.
“Gì là gì?”
“Chả biết!” Chẳng hiểu Yamashita khôn ngoan giả vờ không biết hay là nó không biết thật nữa.
Quả dưa tươi ngon đến độ nhìn vào có cảm giác đoàn quân hạt đen đang ẩn nấp trong lớp thịt đỏ sắp sửa lao vút ra. Nửa quả dưa được bổ làm tư, một phần tư lại được bổ làm đôi, ba đứa cắn ngập răng vào miếng dưa với vẻ không thể đợi thêm nữa. Chúng tôi đang khát khô cổ nên thấy dưa mới ngon làm sao. Ông cụ cũng cắt cho mình một phần, cẩn thận ăn từng miếng nhỏ.
“Ngon không?”
“Có!”
“Ôi! Ăn dưa hấu sau khi làm việc đúng là ngon tuyệt!” Yamashita mơ màng nói.
Wakabe cởi áo. “Nước dưa hấu dây vào o để lại vết thâm đấy.”
“Ô! Thế à?” Tôi và Yamashita cũng cởi trần ra. Chúng tôi không đi bơi nên bụng trắng bóc như bụng ếch. Nhưng từ gấu tay áo cộc trở ra, phần cánh tay hở lại có màu khác hẳn.
“Chỗ này là vết cháy nắng do nhổ cỏ đấy nhỉ?” Nghe tôi nói, ông cụ cười ha hả. Đó không phải kiểu cười nhếch mép thường ngày.
“Hai đứa chúng mày mà cộng lại chia đôi là vừa đẹp.” Wakabe nói, so sánh thân hình gầy giơ xương của tôi với Yamashita.
“Khỏi cần mày nói!” Tôi nói.
“Đúng! Đúng! Khỏi cần!” Yamashita ủng hộ.
Wakabe không gầy như tôi. Nhưng cứ nhìn cơ thể trắng bệch như cá của nó, tôi lại cảm thấy nó yếu ớt. Ngay cả về chiều cao, gần đây nó cũng bị Yamashita qua mặt. Nó cởi trần, cái kính tì lên sống mũi nhỏ của nó trông lại càng nặng nề.
“Mày bỏ kính ra đi!”
“Tại sao?” Wakabe hỏi, ngoạm một miếng dưa hấu. Xương sống cộm lên trên cái lưng cong cong của nó.
“Chẳng tại sao cả!”
“Ngày mai là thứ mấy ấy nhỉ?” Wakabe đột nhiên ngước mặt lên.
“Ờ…”
“Thứ Tư!” Ông cụ trả lời.
“Vậy là ngày đổ rác!” Wakabe vừa nhón vỏ miếng dưa hấu đã ăn vừa nói.
“A!” Yamashita ngước lên nhìn trời. “Trời mưa rồi!”
Trên mặt đất khô trắng bắt đầu xuất hiện những vệt đen. Chúng nhanh chóng trải rộng khắp khu vườn, tiếng của những hạt mưa to lấp đầy tai chúng tôi. Mùi đất ẩm, mùi hương muỗi nữa.
“Đến mùa thu, ta trồng cái gì đi.” Tiếng ông cụ len lỏi trong mưa đến tai tôi.
“Cần gì phải đợi đến mùa thu. Ngày mai mình trồng luôn!” Wakabe vẻ không đợi nổi, đứng phắt dậy, nó làm như bắt tay vào việc ngay được ấy.
“Nhóc đúng là đứa thiếu kiên nhẫn!” Ông cụ vẫn nhìn lên trời, cất tiếng cười ngắn.
“Thế mùa hè người ta không gieo hạt à?” Yamashita nói.
“Đừng nóng vội! Hạt mầm còn nằm đợi trong lòng đất.”
“Đúng rồi! Mai mình làm luôn đi!” Nghe tôi nói, Yamashita liền tán thành ra mặt.
“Yamashita, mày nghĩ cây gì thì được?”
“Ừm...”
“Hoa giáng sinh hồng!” Ông cụ nói.
“Thủy tiên!” Wakabe nói.
“Vi ô lét!” Tôi nói.
“Củ cải!” Yamashita buột miệng.
“Sao lại là củ cải?” Wakabe chu mỏ.
“Nó có nở hoa mà!”
“Đúng! Đúng!” Ông cụ nói. “Hoa của nó giống hoa của rau cải thìa.”
“Ồ! Bây giờ cháu mới biết đấy!”
“Hoa bông phấn!” Tôi tiếp tục.
“Hoa cẩm chướng!” Wakabe nói.
“Hoa cúc dại!” Giờ là
“Hoa mạn châu sa!” Ông cụ nói.
Cỏ chân ngỗng, vi ô lét răng chó, hoa gió thổi là bay, hoa mua, hoa ly nhện, hoàng hoa, hoa chuông...
Ông cụ lần lượt liệt kê tên những loại cỏ hoa mà chúng tôi không hề biết. Vừa lắng nghe ông cụ nói, ba đứa vừa mơ đến khu vườn hoa của riêng mỗi đứa, mắt đăm đăm nhìn mưa roi xuống mảnh vườn trống trơn. Chúng tôi lắng nghe bên tai tiếng mưa rơi đều đều trên mảnh đất đã hoàn toàn thay đổi, đang chờ đợi một cái gì đó mới mẻ bám rễ, nảy mầm.
Truyện khác cùng thể loại
11 chương
74 chương
8 chương
260 chương