Hiệu thực phẩm chế biến Pagford mở cửa lúc chín giờ ba mươi, biết thế nhưng Howard Mollison vẫn đến sớm. Lão năm nay đã sáu bốn tuổi, béo phì béo nộn. Cứ nhìn cái bụng phệ trĩu của lão là bất cứ ai cũng không kìm được mà tự hỏi lần cuối Howard thấy con cò của mình là khi nào, làm sao mà rửa ráy, và nhất là xoay xở ra sao khi cần dụng tới công năng trời ban của nó. Phần vì ngoại hình, phần vì lối trêu cợt khéo léo, lão giỏi khích bác lẫn xoa dịu ngang nhau, thế là đa số khách lần đầu ghé tiệm luôn mua nhiều hơn dự tính. Lúc làm việc lão cứ hềnh hệch ba hoa không ngừng, chốc chốc lại nháy nháy cặp mắt xanh tròn, cái nọng rung rung, ngón tay ngắn mập thành thạo kéo đẩy thoăn thoắt chiếc máy xắt thịt, từng lát dăm-bông đều đặn rơi xuống lớp giấy bóng hứng bên dưới.
Khi đi làm Howard luôn đánh độc một bộ: áo sơ mi trắng, tạp dề vải dày màu lục đậm, quần nhung kẻ, mũ lưỡi trai hai vành đính một mớ mồi câu giả. Lâu lắm rồi chẳng ai còn cười cái mũ ấy của lão nữa. Cứ mỗi sáng trước khi vào làm, lão lại soi vào tấm gương nhỏ trong phòng rửa mặt nhân viên, nghiêm chỉnh chụp nó lên mái tóc xoăn dày xám.
Howard luôn thích cảm giác mở cửa tiệm mỗi sáng. Lão thích đi lòng vòng trong cửa hiệu vắng lặng, âm thanh duy nhất vang lên là tiếng tủ đông rì rầm, tận hưởng cảm giác đánh thức mọi thứ: bật đèn, kéo rèm, mở các nắp đậy để lộ ra niềm tự hào của quầy đông lạnh: nào là bông atisô xám xanh, ôliu đen nhức, cà chua sấy cuộn tròn lại như bầy cá ngựa đỏ ngâm trong dầu trộn rau thơm nghiền.
Nhưng sáng nay nỗi sốt ruột làm lão không tận hưởng trọn vẹn niềm vui thường ngày. Bà bạn làm ăn Maureen đến trễ, mà lão cũng giống Miles hồi sáng nay, cứ lo có ai đó kể trước cho bà cái tin nóng hổi kia vì bà không có điện thoại di động.
Lão dừng bên lỗ trống mới trổ trên bức vách giữa cửa hiệu và tiệm giày cũ nay đang sửa thành tiệm café mới nhất ở Pagford, thử kéo tấm nhựa công nghiệp trong suốt bền chắc nhằm che bớt bụi từ công trình bay qua cửa hiệu thực phẩm. Bên đó tính khai trương quán café trước lễ Phục Sinh, vừa đúng lúc kéo du khách về vùng nông thôn miền Tây, Howard năm nào cũng chất đầy kệ cửa sổ đặc sản rượu táo, phô mai và búp bê ngô.
Có tiếng chuông cửa leng keng, lão quay phắt lại, trái tim từng trải qua ca phẫu thuật háo hức nhảy thùm thụp.
Bà Maureen là vợ góa của ông bạn cùng Howard gây dựng cửa hiệu khi xưa, bà năm nay sáu mươi hai tuổi, người mảnh khảnh, lưng gù. Cái dáng lòng khòng ấy làm bà trông già hơn tuổi thật, dù bà đã làm đủ mọi cách níu kéo tuổi xuân, như nhuộm tóc đen bóng, mặc quần áo sáng màu lại thêm đôi giày gót cao cheo leo, cứ đến cửa hiệu thì bà cởi đôi ấy ra đi sandal.
- Chào chị Mo - Howard cất tiếng.
Lão quyết không vội vàng mà làm hỏng cái thú báo tin, nhưng chẳng mấy chốc khách hàng sẽ kéo tới mà lão có bao nhiêu chuyện để kể.
- Chị nghe tin gì chưa?
Bà nghi hoặc cau mày.
- Barry Fairbrother vừa mất rồi.
Mồm bà thành chữ O.
- Lẽ nào! Như thế nào?
Howard giơ tay vỗ vỗ đầu.
- Có chuyện. Chỗ này. Thằng Miles có mặt ngay lúc đó. Bãi xe câu lạc bộ golf.
- Lẽ nào! - Bà lập lại.
- Đi kiểu đó là hết cứu! - Howard nhấn thêm, làm như kiểu chết đó của Barry Fairbrother là cái gì thật xấu xa.
Vành môi tô son màu chói của Maureen vẫn trễ ra khi bà làm dấu thánh. Những lúc thế này, tôn giáo của bà luôn có hành động rất lâm ly.
- Cậu Miles cũng ở đó hả? - Bà quàng quạc hỏi. Lão nghe ra được vẻ hau háu khát tin trong cái giọng trầm khào khào của người từng hút thuốc lá đó.
- Hay chị đi bật ấm nước đi, Mo.
Ít ra lão cũng bắt bà chờ thêm được ít phút nữa. Bà ta bị sánh cả trà nóng ra tay vì vội vội vàng vàng trở lại nghe lão kể tiếp. Họ cùng ngồi trên chiếc ghế đặt sau quầy thường để ngồi nghỉ khi vắng khách, Maureen lấy một vốc đá ướp olive đắp vào chỗ tay bỏng. Hai người đưa đẩy vài ba chuyện hay nói trước bi kịch kiểu này: Chị vợ góa (“tội quá, chắc chị ta trống trải lắm, cả đời sống vì chồng mà”); bầy con nhỏ (“bốn đứa còn ăn chưa no lo chưa tới, không có cha thì biết làm sao”); chết sớm (“ổng đâu có già hơn cậu Miles bao nhiêu đâu, phải không?”) cuối cùng họ cũng bỏ qua mấy thứ râu ria để đi vào chuyện đáng quan tâm nhất.
- Rồi bây giờ sao? - Bà Maureen hồi hộp hỏi.
- À thì - Howard đáp - Vụ này mới là đau đầu đây. Giờ tự nhiên cánh ta có cái ghế khuyết ngoài dự kiến có khi làm nên chuyện đấy.
- Tự nhiên có cái gì? - Maureen hỏi lại, sợ nghe sót.
- Ghế khuyết ngoài dự kiến - Howard lặp lại. Nghĩa là vị trí trong hội đồng bị khuyết vì lý do người đương nhiệm qua đời. Thuật ngữ chuyên môn đấy. - Lão giảng giải.
Howard là chủ tịch hội đồng địa phương, và là người đứng đầu thị trấn Pagford. Chức vị này mang lại cho lão chuỗi mề đay mạ vàng, giờ nằm gọn trong chiếc két sắt nhỏ xíu mà lão và bà Shirley thiết kế dưới đáy tủ âm tường. Giả mà Pagford được nâng cấp lên thành phố thì hẳn lão đã tự gọi mình là thị trưởng rồi, dù vậy xét theo mọi nghĩa lão vẫn là người đứng đầu. Trên website của hội đồng, bà Shirley đã tỏ rõ vị thế đó. Dưới tấm ảnh Howard đầy sung mãn cổ đeo mề đay là đoạn giới thiệu cho biết lão sẵn lòng hợp tác trong các hoạt động cộng đồng lẫn kinh doanh tại địa phương. Mới vài tuần trước, lão đã phát chứng chỉ chạy xe đạp an toàn cho học sinh một trường tiểu học trong vùng.
Howard thong thả nhấp hớp trà, nhếch miệng cho giảm vẻ châm chích trong lời nói, “Cái tay Fairbrother đúng là chết tiệt, thật đấy, chị Mo. Một gã thực sự đáng ghét”.
- Ờ, chứ gì nữa - bà đáp - tôi biết mà.
- Gã mà còn sống là lúc nào đó tôi sẽ làm cho một trận. Cứ hỏi vợ tôi thì biết, thằng cha ấy cứ thậm thà thậm thụt.
- Phải, tôi biết.
- Cứ đợi mà xem. Đợi đấy. Giờ vụ này thế nào cũng xong. Trời, thật ra tôi đâu muốn thắng kiểu này, - Lão thở đánh sượt - nhưng xét về lợi ích chung cho Pagford... cho bà con…. thì vụ này kể ra cũng có cái may...
Howard nhìn đồng hồ.
- Sắp chín rưỡi rồi kìa.
Hai người họ chưa bao giờ mở trễ đóng sớm, việc kinh doanh chạy đều tăm tắp như lễ đền.
Bà Maureen tập tễnh đứng dậy mở khóa, kéo màn, từ từ mở ra quang cảnh quảng trường phía trước gọn gàng và đẹp mắt, đó là nhờ nỗ lực chung của các gia đình có dinh thự hướng ra quảng trường. Các bồn cây, bồn hoa, giỏ treo trồng đủ loại cây cỏ rực rỡ do mọi người cùng chọn theo từng năm. Quán Black Canon (một trong những quán rượu lâu đời nhất nước Anh) nằm đối diện cửa hiệu Mollision và Lowe phía bên kia quảng trường.
Howard hết ra lại vào, bưng mấy đĩa dài đầy ắp paté tươi xếp gọn gàng trong tủ kính, điểm thêm mấy lát cam và trái mâm xôi rực rỡ vui mắt. Howard hãy còn hơi hổn hển vì đã gắng sức quá nhiều trong mấy cuộc trò chuyện sáng nay, lão bỏ miếng paté cuối cùng xuống, đứng yên nhìn ra tấm bia tưởng niệm chiến tranh đặt giữa quảng trường một lát.
Thị trấn Pagford sáng nay vẫn đáng yêu như bao giờ, Howard cảm thấy rõ ngay lúc này niềm vui sống hiện hữu trong lão lẫn trên mảnh đất quê hương, sống động như nhịp tim đang đập... Lão đứng đây, say sưa tận hưởng - những chiếc ghế dài đen bóng, đám hoa tím đỏ chen nhau, ánh mặt trời lấp lánh viền đỉnh cây thập tự bằng đá - và Barry Fairbrother đã biến mất. Lão và Barry đã đấu đá nhau suốt bấy lâu nay, nên rõ ràng có thể hình dung cục diện khác hẳn nhờ sự cố bất ngờ này.
- Ông Howard - bà Maureen giật giọng - Kìa ôngHoward!
Một phụ nữ đang sải bước băng ngang quảng trường; vóc người bà gầy guộc, mái tóc đen với làn da nâu, vạt áo choàng đập phần phật vào đôi bốt theo nhịp bước chân.
- Ông nghĩ cô ta có...? Cô ta đã nghe chuyện chưa? - Maureen thì thầm hỏi.
- Tôi làm sao biết được - Howard đáp.
Bà Maureen sáng giờ vẫn chưa kịp đổi sang đôi giày sandal, suýt tí nữa trật mắt cá chân khi vội vàng rời cửa sổ quay về trước quầy. Howard đĩnh đạc đi sau, chiếm lĩnh hoàn toàn khoảng không sau quầy tính tiền như tay xạ thủ lão luyện vào vị trí.
Chuông cửa rung lên, bác sĩ Parminder Jawanda mặt mày khó đăm đăm đẩy cửa bước vào. Bà không mảy may liếc mắt tới hai người chủ cửa hàng, xăm xăm đi thẳng tới kệ đựng dầu ăn. Bà Maureen đảo mắt nhìn theo chăm chắm như chim ưng đang nhắm đến chú chuột đồng.
- Sáng nay đẹp trời nhỉ - Howard lên tiếng khi bà Parminder cầm một chai dầu bước tới quầy tính tiền.
- Chào ông.
Bác sĩ Jawander hiếm khi nhìn thẳng vào lão, dù họ đụng mặt nhau tại hội đồng địa phương hay bên ngoài nhà thờ. Howard luôn khoái nhìn cái vẻ chán ghét không giấu nổi của bà, vậy nên lão đâm ra vui tính và cực kỳ lịch thiệp.
- Hôm nay chị không phải đi làm sao?
- Không - Bà Parminder lục ví.
Bà Maureen không nhịn được nữa.
- Có chuyện khủng khiếp lắm - Bà lên tiếng, giọng khàn khàn - về Barry Fairbrother.
- Ờ - Parminder ừ hữ cho qua, rồi hỏi thêm - Chuyện gì?
- Về ông Barry Fairbrother.
- Ông ta thì làm sao?
Khẩu âm vùng Birmingham của bà Parminder vẫn còn khá rõ dù bà sống ở Pagford đã được mười sáu năm. Nếp nhăn sầu thường trực giữa cặp chân mày khiến bà trông lúc nào cũng căng thẳng như đang bực tức hay tập trung.
- Ông ấy chết rồi - Maureen trả lời, háo hức dán mắt vào gương mặt đang cau có kia. - Tối qua. Ông Howard mới kể tôi nghe.
Bà Parminder sững lại, bàn tay còn nguyên trong ví. Mắt bà đảo sang phía Howard.
- Ông ấy gục xuống rồi đi luôn, ở bãi đậu xe câu lạc bộ golf - Howard nói - Lúc đó thằng Miles nhà tôi cũng có mặt chứng kiến.
Thêm vài giây ngột ngạt trôi qua.
- Nói đùa đấy hả? - Cuối cùng bà Parminder quát lên the thé.
- Tất nhiên là không rồi - Bà Maureen thích thú đáp dù vừa bị xúc phạm - Ai lại lấy chuyện này ra mà đùa chứ?
Bà Parminder đặt chai dầu đánh cốp xuống mặt quầy bằng kính rồi bước thẳng khỏi tiệm.
- Thế đấy - Bà Maureen khoái trá dè bỉu - “Nói đùa đấy hả”, lịch sự ghê!
- Thì bị sốc mà - Howard ra vẻ hiểu biết, nhìn theo bóng Parminder vội vã băng ngang quảng trường, áo choàng bay phần phật phía sau. - Bà ấy cũng buồn chẳng kém gì bà vợ đâu. Rồi xem, vụ này sẽ hay lắm đây - lão nói thêm, gãi gãi cái bụng lúc nào cũng ngưa ngứa, - để xem bà ta có...
Lão bỏ lửng câu nói, nhưng chẳng hề gì, bà Maureen hoàn toàn hiểu. Cả hai cùng suy tính về cái ghế tự nhiên khuyết khi nhìn dáng bà ủy viên hội đồng Jawanda khuất sau ngã rẽ. Đối với họ, cái ghế trống chẳng khác nào chiếc túi ảo thuật thần kỳ chứa đầy những điều bất ngờ.
Truyện khác cùng thể loại
23 chương
409 chương
33 chương
185 chương
25 chương
6 chương
6 chương
19 chương