Tôi lật từ trang đầu đến trang cuối, xem đi xem lại. Đầu tiên là kiểm tra trang đó có bị xé không, ở gáy có dấu vết gì không, thậm chí tôi còn đọc từng bài ghi chép chính trị, để xem có hai trang nào nội dung không liền mạch không. Sau nửa tiếng, tôi đã kiểm tra xong một lượt. Nội dung ghi chép đầy đủ, không phát hiện có trang nào một nửa, cũng không có dấu vết cả tờ bị xé. Để đảm bảo không sai sót, tôi lại lấy quyển sổ của mình ra, đếm lại số trang. Tổng cộng đều là một trăm hai mươi trang. Tôi thở phào, tờ giấy này không phải của anh Điên, nhưng chứng tỏ là anh Điên đang bao biện cho một hung thủ giấu mặt, gián tiếp gϊếŧ chết Thần Côn! Tôi cảm giác tim mình trống rỗng, đặt cuốn sổ của anh ấy lại chỗ cũ, khóa ngăn kéo lại, ra khỏi phòng làm việc, đi thẳng về nhà. Mấy ngày sau tôi ở lì trong nhà, không ngừng suy nghĩ về chuyện này, tính xem phải làm cách nào "lật bài ngửa" với anh Điên. Còn anh Điên cuối cùng cũng biết chuyện Thần Côn. Buổi tối trước hôm bảy ngày Thần Côn, tôi đang ở nhà ăn cơm cùng cha mẹ, thì nhận được điện thoại của anh Điên. Người gọi điện là chị dâu, chị ấy nhờ tôi đến khuyên giải anh Điên. Lúc sáng cô y tá đến kiểm tra phòng bệnh vô tình nhắc đến chuyện một cảnh sát dũng cảm xả thân che bom, anh dũng hy sinh, anh Điên lập tức kéo lại hỏi cụ thể. Từ lúc đó, anh Điên cả ngày không nói năng gì, cũng không ăn không uống. Tôi nghe vậy lập tức buông đũa xuống rồi đến thẳng bệnh viện. Vào đến phòng bệnh, băng trên đầu anh Điên đã tháo hết. Khi quả bom phát nổ, anh ấy nằm sụp dưới đất, đưa tay che mặt, nên phần mặt không bỏng nặng lắm, chỉ có trên trán thấy một vết sẹo lớn. Anh Điên ngồi ngoảnh đầu nhìn ra cửa sổ, chị dâu nói anh ấy đã ngồi như thế cả ngày rồi. Tôi biết, anh ấy đang nói chuyện với Thần Côn, giống như hôm tôi đến phòng khám nghiệm tử thi đốt giấy tiền vậy. Trong lòng tôi có rất nhiều nghi vấn, nhưng dù sao anh ấy cũng đang bị thương, cứ mãi như thế này cũng không phải cách giải quyết. Tôi khuyên nhủ rất nhiều, nhưng anh Điên từ đầu chí cuối chỉ im lặng. Cuối cùng, chị dâu thấy đã muộn quá rồi, bảo tôi cứ về đi. Tôi thở dài, chào tạm biệt chị dâu. Vừa quay đi thì anh Điên cất tiếng: "Ngày mai truy điệu, các cậu đến đón tôi đi cùng." Lúc tôi quay đầu lại, anh Điên đã quay ra cửa sổ. "Vâng." Tôi khẽ đáp. Sáng sớm hôm sau, tôi lên xe Văn Nhã rồi cùng đến bệnh viện đón anh Điên, vết thương của anh ấy vẫn chưa lành, bác sĩ cứ dặn đi dặn lại là không được đứng lâu. Thi thể của Thần Công do bên pháp y của Đội đưa đến nhà tang lễ từ lúc sáu giờ sáng, linh đường đã được bố trí từ ngày hôm qua. Rất đông người tham gia lễ truy điệu, ngoài các đồng nghiệp ở Phòng Cảnh sát, còn có đại diện các lĩnh vực trong xã hội và nhiều quần chúng tới dự. Phụ mẫu hai bên nhà Thần Côn không đến, trên Phòng lo các cụ đã tuổi cao sức yếu, không chịu nổi nỗi đau này. Lễ truy điệu do Đại đội trưởng chủ trì, Phó chủ tịch thành phố kiêm Trưởng Phòng Cảnh sát thành phố đọc điếu văn, ngữ khí trầm lắng, thương tiếc vô vàn. Thi thể đặt chính giữa linh đường, bên trên phủ cờ của Đảng, xung quanh xếp một vòng tròn đầy hoa trắng, vô cùng trang nghiêm, yên tĩnh. Mọi người xếp hàng kính viếng, do số người quá đông, lễ truy điệu kéo dài tận gần hai tiếng. Tôi vẫn dìu anh Điên, giữa chừng có lúc anh ấy đứng không vững, tôi bảo anh ấy về xe nghỉ ngơi trước, nhưng anh ấy nằng nặc đòi phải đưa tiễn Thần Côn đến đoạn cuối cùng. Sau đó lễ truy điệu kết thúc, dòng người dần tan đi, cuối cùng trong linh đường chỉ còn lại vài người của Đội chúng tôi. Anh Điên run rẩy tiến lại gần quan tài, giọng nói trầm xuống: "Cậu làm được rồi, cậu là một cảnh sát tốt!" Chúng tôi đợi đến khi thi thể Thần Côn hỏa táng xong xuôi, rồi đưa hài cốt ra nghĩa trang ngoài ngoại ô. Mộ Thần Côn nằm ngay cạnh mộ vợ con, xa cách bao năm, giờ cả nhà họ lại được đoàn tụ. Trên đường về, Văn Nhã hỏi anh Điên: "Việc vụ án, chúng ta không điều tra nữa sao ạ?" "Tình tiết vụ án đã rõ ràng, chuẩn bị kết thúc rồi, còn điều tra gì nữa?" Anh Điên nhìn ra ngoài cửa sổ. "Nhưng tôi thấy hung thủ..." Anh Điên ngắt lời Văn Nhã: "Hung thủ đã chịu án tử hình rồi, tôi chỉ thấy có lỗi với Thần Côn, tối hôm đó lẽ ra tôi không nên đồng ý để cậu ta tham gia vây bắt, là tôi đã hại cậu ta." Giọng nói anh Điên chất chứa đầy phiền não và tự trách móc. Văn Nhã cũng không dám nói thêm, sợ làm anh kích động. Hôm anh Điên ra viện, tôi và Văn Nhã đều đến đón. So với hôm truy điệu, khí sắc anh ấy đã tốt hơn nhiều. Chị dậu kể rằng, anh ấy vẫn chốc chốc lại ngồi nhìn ra ngoài cửa, không nói năng gì. Từ bệnh viện về đến nhà anh Điên, vì có chị dâu và Văn Nhã, tôi không tìm được cơ hội hỏi anh Điên về tờ giấy. Sau khi Thần Côn mất nửa tháng, vụ án đã kết thúc một cách thuận lợi. Do vụ án quá nhạy cảm, ban đầu tình tiết vụ án không hề được công bố rộng rãi, dẫn đến tam sao thất bản, dư luận chỉ nhắm trọng điểm vào việc "Phòng Cảnh sát điều tra án oan". Để giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực, sau khi Đảng ủy Phòng Cảnh sát thành phố thảo luận, báo cáo lên Thành ủy và được sự đồng ý, bên Phòng Cảnh sát cho mở cuộc họp báo. Trong buổi họp, Trưởng Phòng Cảnh sát trước tiên đã tiến hành kiểm điểm, biểu thị quyết tâm tăng cường quản lý đội ngũ nội bộ, đảm bảo không để xảy ra án oan, án sai nữa, đồng thoại "thanh lọc" những phần tử không xứng đáng trong đội ngũ cảnh sát. Sau đó, Đại đội trưởng Đại đội cảnh sát hình sự công bố chi tiết vụ án, nói rõ việc hung thủ có trí tuệ cao, khả năng phản trinh sát tốt, các cảnh sát điều tra đã phải đấu mưu đấu trí hết sức mới xác định được kẻ tình nghi. Khi tiến hành vây bắt, các chiến sĩ cảnh sát không tiếc thân mình, xả thân lao về phía quả bom, nhờ thế mới hạn chế đến tám mươi phần trăm sức sát thương, giữ an toàn tính mạng và tài sản cho quần chúng nhân dân. Phần cuối cùng là biểu dương các cảnh sát tham gia điều tra, tôi, anh Điên, Văn Nhã đều ở trong danh sách này. Đứng trên sân khấu còn có cha mẹ của Thần Côn, họ được mời đến để đại diện lĩnh thưởng và nhận lời an ủi của lãnh đạo Thành phố. Sau buổi họp báo, tôi bị cảnh sát ở đài truyền hình kéo sang một bên phỏng vấn. Trả lời xong, tôi đi tìm anh Điên khắp nơi mà không thấy. Hôm nay là lần đầu tiên anh ấy quay về Đội từ lúc ra viện, tôi đoán anh ấy đã đến văn phòng rồi. Tôi đi tới trước cửa văn phòng anh Điên. Thấy không khóa, tôi liền đẩy cửa bước vào trong, thì thấy anh Điên đang lục tung ngăn kéo. Tôi nhẹ nhàng đóng cửa, khóa trái lại, rồi lấy tờ giấy từ trong túi áo khoác ra: "Anh Điên, anh đang tìm cái này phải không?" "Quả nhiên là ở chỗ cậu." Anh Điên ngẩng lên nhìn tôi. "Em cần một lời giải thích." Tôi từ từ đi về phía bàn. "Chẳng có gì phải giải thích cả, tờ giấy đó là của tôi, tôi chỉ mô phỏng lại nét chữ của hung thủ và viết câu đó thôi." "Anh nói dối, sổ ghi chép của anh cơ bản không có vết xé!" Tôi nhìn thẳng vào mắt anh Điên, giống như đang thẩm vấn tội phạm - đây là lần đầu tiên tôi nói chuyện với anh bằng thái độ này. Anh Điên nhìn tôi, trong mắt anh lóe lên vẻ đau khổ. "Điều này có quan trọng không? Trong Đội ai cũng có sổ ghi chép, tôi xin ai mà chả được." "Rất quan trọng! Thế anh nói cho em biết, tờ giấy này xé từ sổ của ai?" Anh Điên cúi tìm hộp thuốc lá trong ngăn kéo. Lúc châm thuốc, tôi thấy tay anh có phần run rẩy, bật mấy lần mới cháy được. "Là ai?" Tôi hạ giọng. "Cậu nhất định phải biết sao?" "Đúng thế!" Tôi gật đầu dứt khoát. Anh Điên không lên tiếng, cứ rít từng hơi thuốc. Không khí trong phòng vô cùng ngượng ngùng, tôi cũng không giục anh ấy nữa, tôi biết, giây phút này cuối cùng cũng đến rồi. Đến khi điếu thuốc chỉ còn lại đầu lọc, anh Điên đứng dậy, tiến lại trước mặt tôi: "Nghe nói ước mơ từ nhỏ của cậu là làm cảnh sát?" Tôi không hiểu vì sao anh Điên bỗng nhiên hỏi điều này, bằng gật đầu một cách nghi hoặc. "Tốt, tôi muốn cậu lấy danh nghĩa cảnh sát để thề, sẽ không bao giờ để lộ chuyện này ra ngoài." "Điều này..." Tôi do dự, tôi gặng hỏi có phải lời thề này là để Thần Côn được nhắm mắt xuôi tay không. Nếu biết kẻ nội gián này là ai mà lại không thể lôi hắn ra ánh sáng, thế thì còn ý nghĩa gì nữa? Mặt khác, tôi cũng thấy kỳ lạ, ngày thường anh Điên đâu phải người không phân biệt phải trái đúng sai, người có thể khiến anh ấy gắng sức bao che đến vậy rút cục là ai? Trong đầu tôi lần lượt sàng lọc tên tất cả cảnh sát trong đội, phân tích mối quan hệ của họ với anh Điên, rồi rà lại một lượt những việc tên nội gián có thể làm trong quá trình vụ án. Cứ nghi ngờ một người, rồi lại phủ định, nghi ngờ một người, rồi lại phủ định. "Thần Côn." Nghĩ đến cái tên này, mí mắt tôi giật mạnh liền mấy cái. Tôi bỗng nhiên nghĩ ra, sau khi vợ con Thần Côn chết, anh ta không còn lòng dạ làm việc, chính anh Điên đã nhất quyết đưa anh ta về Tổ mình, hàng ngày quan tâm giúp đỡ. Khi anh Điên kể cho tôi nghe về biến cố của gia đình Thần Côn, giọng nói rất nặng nề. Từ đó có thể khẳng định, tình nghĩa giữa anh Điên và Thần Côn thực sự đã vượt trên mức bình thường. Giờ Thần Côn vì cứu anh Điên mà chết, anh Điên vô cùng đau khổ, tự trách mình, nhưng vẫn không chịu nói tên người đó ra, chẳng lẽ... Tôi nhìn về phía anh Điên, nghi hoặc: "Người đó, là người của Tổ chúng ta?" "Trước khi cậu thề, tôi sẽ không trả lời bất cứ câu hỏi nào của cậu liên quan đến vấn đề này." Thái độ của anh Điên rất kiên quyết. Tôi nhắm mắt, nhớ lại suốt quá trình hai năm ở Đội Cảnh sát hình sự, cuối cùng lựa chọn tin tưởng anh Điên. Tôi hạ quyết tâm, trịnh trọng: "Tôi, Lục Dương, lấy danh nghĩa Cảnh sát cao quý xin thề, sẽ vĩnh viễn không bao giờ truyền ra ngoài nội dung cuộc nói chuyện ngày hôm nay với đồng chí Dương Phong, nếu không, tôi sẽ không bao giờ có thể điều tra ra vụ án nào, bảo vệ chính nghĩa, bắt hung thủ ra trước pháp luật nữa, và vĩnh viễn không thể trở thành một cảnh sát tốt." Làm cảnh sát là ước mơ từ nhỏ của tôi, đến nay nguyện vọng lớn nhất là làm một cảnh sát tốt. Vì vậy, lời thề này, đối với tôi vô cùng nặng nề.