Juliet
Chương 6
Bước sao đành, khi con tim nằm lại nơi đây?
Quay lại đi, các xác vật vờ này, và tìm cho ra linh hồn của mi
--- --------oOo---- -------
Janice quả không ngoa khi nói nó là người leo trèo khá cừ. Không hiểu vì sao, tôi chưa bao giờ tin quá nhiều những bưu thiếp nó gửi từ những nơi xa lạ, trừ khi chúng nói đến thất vọng và sự cám dỗ. Tôi thích nghĩ nó nằm say như chết trong một khách sạn ở Mexico hơn là ngậm ống thở, bơi trong dải san hô ngầm sạch sẽ đến nỗi – như có lần nó miêu tả, không phải với tôi mà với bà Rose – lúc nhảy vào thì giống như một kẻ tội đồ già, bẩn thỉu còn khi thoát ra lại cảm thấy như Eve trong buổi sáng đầu tiên trên Thiên đường, khi Adam chưa xuất hiện cùng với báo chí và thuốc lá.
Đứng trên ban công, tôi quan sát nó ra sức trèo lên phòng tôi, tôi chợt sửng sốt thấy mình mong chờ em gái trở về biết chừng nào. Vì sau khi đi tới đi lui trên sàn nhà ít nhất một giờ liền, tôi rút ra một kết luận đáng nản là tôi chưa bao giờ có thể hiểu và giải quyết hợp lý tình trạng của mình.
Mà cứ luôn là như vậy. Hồi bé, bất cứ khi nào tôi kể những rắc rối của mình với bà Rose, là bà rối rít tít mù lên nhưng chưa bao giờ xử lý được gì, và rốt cuộc tôi cảm thấy tình hình còn tệ hơn trước. Nếu ở trường có một cậu bé thích tôi, bà Rose bèn gọi điện đến thầy hiệu trưởng và tất cả các giáo viên, yêu cầu họ gọi cha mẹ cậu kia tới. Ngược lại, Janice – tình cờ nghe lỏm được câu chuyện của bà cháu tôi – sẽ chỉ nhún vai và nói: “ Nó mê chị ấy đấy mà. Cho qua đi. Bữa tối ăn gì đây ạ?” Và nó luôn đúng, dù tôi ghét phải công nhận điều đó.
Rất có thể, hiện giờ nó cũng đúng. Tôi không thích những nhận xét quái đản của nó về Alessandro và Eva Maria, nhưng ngược lại, nếu có ai nhận xét như thế, tâm trí tôi sẽ bị cuốn ngay vào cuộc xung đột quyền lợi.
Thở hổn hển vì nỗ lực liên tục để giữ mạng sống, Janice nắm ngay lấy bàn tay tôi đang chìa ra và cuối cùng, nó vắt được một chân qua chấn song.
- Trèo leo…- Nó thở hổn hển và rơi xuống như một bao khoai tây sang bên kia tường, - khổ sở thế đấy!
- Tại sao cô không đi cầu thang? – Tôi hỏi lúc nó ngồi trên sàn ban công, thở không ra hơi.
- Buồn cười thật! – Nó đốp lại ngay. – Phải tính đến trường hợp ở đằng ấy có một tên giết người hàng loạt ghét cay ghét đắng em chứ.
- Thôi đi! – Tôi nói. – Nếu Umberto muốn vặn cổ chúng ta, ông ấy đã làm thế từ lâu rồi.
- Chị chẳng bao giờ biết khi nào những kẻ đó sẽ bất thần vồ lấy ta đâu! – Cuối cùng, Janice đứng dậy, phủi quần áo, - nhất là bây giờ chúng ta có cái hộp của mẹ. Em đã bảo chúng ta nên đi khỏi đây thật nhanh, và…- Chỉ đến lúc này nó mới nhìn và thấy mắt tôi đỏ hoe, mọng lên. – Lạy Chúa tôi, Jules! – Nó kêu lên. – Có chuyện gì thế?
- Không có gì, - tôi nói cho xong. – Chị vừa đọc xong Romeo và Giulietta. Thật tiếc là mưu đồ bị hỏng, ngoài một kết cục bất hạnh. Nino đã cố cám dỗ - hoặc cưỡng hiếp – nàng, và nàng đã tự vẫn bằng thuốc ngủ, ngay trước khi Romeo lao vào cứu nàng.
- Thế chị muốn cái quái gì hả? – Janice vào bên trong rửa tay. – Những kẻ như Salimbeni không bao giờ thay đổi, trong một triệu năm nữa cũng vẫn vậy. Lục phủ ngũ tạng của chúng như lắp mạch điện tử vậy. Độc ác mà vẫn cười. Nino…Alessandro…cùng một giuộc với nhau. Hoặc chị giết chúng, hoặc để chúng giết chị.
- Eva Maria không thế đâu, - tôi bắt đầu, nhưng Janice không để tôi nói hết.
- Ồ thật thế ư? – Từ trong buồng tắm, nó châm chọc. – Cho phép em được mở rộng tầm hiểu biết của chị nhé. Eva Maria đang đùa giỡn chị đấy. Chị tưởng bà ta bay cùng một chuyến với chị là tình cờ ư?
- Đừng lố bịch thế! – Tôi gắt. – Chẳng ai biết chị bay chuyến đó trừ…-Tôi dừng lại.
- Đúng thế đấy! – Janice quẳng cái khăn mặt sang một bên và lăn ra gường. – Rõ ràng là họ thông đồng với nhau, bà ta và Umberto. Em chẳng ngạc nhiên nếu họ là chị em. Đúng kiểu làm ăn của mafia, chị hiểu không? Chị thử nghĩ xem, mọi thứ về gia đình, mọi thứ đặc ân và che chắn cho nhau, e cũng sẽ thích che chắn cho bạn trai của chị, trừ khi em không chắc là muốn ngủ luôn dưới mồ.
- Ồ, cô thôi đi cho!
- Không, em không thôi!- Janice nói thao thao, bàn chân khua trong không khí. – Ông anh họ Peppo kể chồng của Eva Maria là Salimbeni, một thằng khốn siêu hạng. Chắc hắn cư xử cực khéo với những chiếc limo và những gã vận comple bóng bẩy, thắt cà vạt kiểu Sicily, toàn cảnh là thế. Nhiều người cho rằng Eva Maria được ông chồng vắn số nhường quyền nên bà ta mới có thể tiếp quản công việc làm ăn và tiêu pha bạt mạng. Còn ông bạn Ngọt Ngào của chị rõ ràng là một tay cơ bắp mà bà ta ưa thích, nếu không nói toạc ra là thứ đồ chơi riêng. Nhưng bây giờ – ta đa! – Bà ta gán hắn ta cho chị, vấn đề là: hắn đào sâu cái mối bất hòa ấy vì bà ta hay vì chị? Liệu có thể biến đổi một gã tay chơi từ những cung cách xấu xa thành một người trong sạch, hay hắn đã bị bà mẹ đỡ đầu kinh hoàng kia thuyết phục để giành lại các báu vật của gia đình bà ta ngay khi chị đặt bàn tay xinh xắn lên chúng?
Tôi chỉ liếc nhì nó:
- Cô nói xong chưa?
Janice chớp chớp mắt vài lần, những ý tưởng viển vông trong đoạn độc thoại làm nó hồi sức.
- Rồi. Em sẽ phới khỏi đây. Còn chị?
- Ôi tào lao! –Tôi ngồi xuống cạnh nó, đột nhiên thấy mệt lử. – Mẹ đã cố để lại cho chúng ta một kho báu. Chúng ta phải cố mà bảo vệ nó. Tôi đang cố làm việc đó. Chẳng phải chúng ta nợ mẹ việc phải làm sáng tỏ chuyện này sao?
- Em thì thấy tất cả chúng ta chỉ nợ mẹ mạng sống thôi. – Janice đung đưa một đôi chìa khóa trước mặt tôi. – Hãy về nhà đi đã.
- Những chìa khóa này là gì?
- Ngôi nhà cũ của mẹ. Peppo đã kể tất tật với em rồi. Nó ở phía đông nam thành phố, ở một nơi tên là Montepulciano. Nó đã bị bỏ không nhiều năm nay. – Janice nhìn tôi, chứa chan hy vọng và thận trọng. – Muốn đi không?
Tôi nhìn nó chằm chặp, vô cùng sửng sốt vì nó có thể nhơn nhơn mà hỏi như thế.
- Cô muốn tôi đi thật sao?
Janice đứng dậy.
- Jules, - nó nói, với vẻ điềm tĩnh bất thường, - em thực lòng muốn cả hai chúng ta rời khỏi nơi này. Chuyện này không chỉ về pho tượng và vài viên ngọc quý. Có một cái gì đó thực sự ma quỷ đang diễn ra. Peppo đã kể cho em nghe về một tầng lớp thượng lưu bí mật tin rằng có một lời nguyền lưu truyền trong gia đình ta, và họ cần chặn nó lại. Thử đoán xem ai là người điều khiển toàn bộ chuyện này? Phải, chính là nữ hoàng – kẻ cướp của chị đấy. Cùng loại với kẻ chướng tai gai mắt mà mẹ đã vướng vào….những nghi thức đẫm máu bí mật gọi hồn người chết. Tha lỗi cho em vì không lễ độ lắm.
Tôi đứng dậy và đến bên cửa sổ, cau mày vì những suy nghĩ riêng.
- Bà ấy mời chị đến một bữa tiệc. Tại nhà bà ấy ở Val d’Orcia.
Khi Janice không trả lời, tôi quay lại vì nghĩ có chuyện không ổn. Nó nằm ngửa trên giường, ôm chặt lấy mặt.
- Chúa cứu giúp chúng con! – Nó rên rỉ. – Em không thể tin nổi việc này! Để em đoán nhé: sắp có hiện tượng El Nino phải không?
Tôi giơ hai tay lên:
- Thôi đi, Jan! Cô không muốn tìm hiểu ngọn nguồn chuyện này kia mà? Còn tôi thì muốn!
- Chị muốn à! – Janice bật phắt khỏi giường và bắt đầu giậm thình thịch đi tới đi lui, siết chặt tay. – Chị sẽ đi đến cùng một việc gì đó, chắc là với trái tim tan nát và đôi chân nặng trĩu, Thề có Chúa…nếu chị làm thế, chị sẽ chết như tất cả tổ tiên của chúng ta, và cứ cho là bị chôn vùi dưới các bậc thềm trước nhà Eva Maria, em sẽ không bao giờ nói chuyện với chị nữa!
Nó nhìn tôi với ánh mắt rất thù hận, và tôi trừng trừng nhìn lại, thật không thể tin nổi. Đây không phải là Janice tôi biết. Janice mà tôi biết không thèm quan tâm đến hành động hoặc số phận của tôi, ngoài mong muốn tôi thất bại thảm hại trong mọi việc tôi định làm. Dù chân tôi có bị cứng ngắc cũng chỉ khiến nó vỗ đầu gối mà cười ngặt nghẽo chứ không cắn môi như sắp khóc thế kia.
- Được thôi, - nó nói, giọng bình tĩnh hơn, khi tôi vẫn im lặng, - cứ đi đi, rồi bị giết …theo nghi thức của quỷ xa tăng. Xem tôi có cần không!
- Tôi không nói là sẽ đi.
Nó hơi dịu đi:
- Ồ! Tốt, thế thì em nghĩ đã đến lúc để chị và em ăn gelato đây.
Chúng tôi có một khoảng thời gian buổi chiều thoải mái, nếm đủ vị thơm ngon cũ và mới ở Nannini, một hiệu kem lịch sự trong quảng trường Salimbeni. Chưa hẳn đã hòa giải, nhưng ít ra chúng tôi cũng nhất trí hai điều: thứ nhất, chúng tôi biết về Salimbeni quá ít nên không thể tùy tiện để anh ta lái xe đưa tôi đi ngày mai, và thứ hai, gelato thú vị hơn tình dục.
- Chỉ cần tin em một điều đó thôi, - Janice nói và nháy mắt làm tôi vui lên.
Dù có nhiều tính xấu, em gái tôi luôn kiên trì ghê gớm, và nó đơn thương độc mã canh chừng suốt hơn một giờ liền, trong lúc tôi cúi mình trên chiếc ghế dài trong góc xa của cửa hàng, tự hành xác vì ý nghĩ nếu bị phát hiện.
Janice bỗng kéo tôi đứng dậy, không nói gì; nó không cần phải nói. Thò đầu qua cánh cửa kính, chúng tôi theo dõi Alessandro đi bộ qua quảng trường Salimbeni hướng về phía Corso.
- Hắn xuống khu thương mại, - Janice bình luận. – Em biết mà! Những anh chàng như thế không sống ở ngoại thành. – Hay có khi, - nó đưa mắt nhìn tôi, - hắn đi gặp nhân tình.
Cả hai chị em tôi vươn cổ ra để nhìn rõ hơn, nhưng không thấy Alessandro đâu nữa.
- Khốn kiếp!
Chúng tôi lao vọt ra khỏi hiệu kem Nannini và chạy chầm chậm, cố hết sức để không bị chú ý quá nhiều, đó luôn là một thách thức khi đi cùng Janice.
- Đợi đã! – Tôi chộp cánh tay nó để ghìm nó chậm lại. – Chị nhìn thấy anh ta rồi! ở bên phải…
Đúng lúc đó, Alessandro dừng lại, cả hai chúng tôi liền chúi mặt vào một ô cửa.
- Anh ta đang làm gì? – Tôi rít lên, vì quá sợ bị lộ nên không dám nhìn.
- Nói chuyện với một thằng cha nào đó, - Janice nói, rướn người lên.
– Một gã cầm cờ màu vàng. Cờ làm gì nhỉ? Ở đây, ai cũng có một lá cờ…
Sau đó, chúng tôi lại đi vơ vẩn, theo dõi con mồi suốt dọc đường, qua Campo, ngược lên quảng trường Postierla, thi thoảng lại phải chúi đầu vào những tủ kính bày hàng và các ô cửa để tránh bị phát hiện. Vài lần, anh ta dừng lại chào hỏi những người gặp dọc đường và khi đường dốc hơn, số bạn bè lại càng tăng lên.
- Nói thật nhé, - Janice kêu lên, khi Alessandro nựng một đưa trẻ trong xe đẩy. – Có phải thằng cha này đang chạy chức thị trưởng chết tiệt không nhỉ?
- Đấy gọi là quan hệ giữa con người với nhau, - tôi càu nhàu, - cô nên cố mà học.
Janice trố mắt.
- Sao kia, lắng nghe những thứ lăng nhăng trong xã hội ấy à?
Tôi suýt đốp lại thì cả hai chúng tôi nhận ra mục tiêu đã mất hút.
- Ôi không! – Janice há hốc miệng. – Hắn biến đi đâu nhỉ?
Chúng tôi vội vã tới chỗ nhìn thấy Alessandro lần cuối, trước khi anh ta biến mất – đó là bên kia đường, đối diện với hiệu làm tóc của Luigi, - ở đây chúng tôi phát hiện ra lối vào một ngõ hẻm nhỏ nhất, tối tăm nhất trong mọi ngõ hẻm của Siena.
- Em có nhìn thấy anh ta không? – Tôi thì thầm, nấp sau lưng Janice.
- Không, nhưng đây là nơi duy nhất hắn có thể biến mất. – Nó nắm tay tôi và kéo đi. – Đi!
Lúc chúng tôi rón rén đi vào cái ngõ có mái, tôi không khỏi cười thầm. chúng tôi đang ở đây, lén lút, tay nắm tay y như hồi còn bé. Janice nghiêm khắc liếc nhìn tôi, nó dịu lại và cũng cười khúc khích.
- Chị không thể tin chúng mình lại làm thế này! – Tôi thì thầm. – Buồn cười thật!
- Suỵt! – Nó ra hiệu. – Em nghĩ đây là một khu quái đản. – Nó hất đầu lên những tranh vẽ trên tường. – Galleggiante là cái gì? Nghe tục tĩu quá. Và “92” là quái quỷ gì đây?
Ở cuối, ngõ hẻm đột ngột ngoặt phải, và chúng tôi đứng ở chỗ rẽ trong giây lát, lắng nghe tiếng bước chân đang mất dần. Janice thò đầu đánh giá tình hình, nhưng nó rụt lại rất nhanh.
- Có nhìn thấy không? – Tôi thì thào.
Janice co rúm lại.
- Đi! – Nó túm cánh tay và lôi tôi rẽ phải trước khi tôi kịp phản đối. May thay, không có dấu hiệu gì của Alessandro và chúng tôi im lặng căng thẳng chạy vụt qua, cho đến khi bất ngờ nhìn thấy nhiều người đang canh gác một con ngựa ở cuối ngõ hẹp.
- Dừng lại! – Tôi kéo Janice ép sát vào tường, hy vọng không ai phát hiện ra chúng tôi. – không ổn rồi. Những người kia…
- Chị làm gì thế? Janice giằng ra và đi tiếp, tiến thẳng tới chỗ con ngựa và những người đang canh giữ. May quá, thấy Alessandro không có trong số đó, tôi chạy theo nó, kéo cánh tay để nó dừng lại.
- Em điên à! – Tôi rít lên. – Kia là con ngựa dành cho Palio, và những người kia không muốn du khách lượn quanh…
- Nhưng em không phải là một du khách, - Janice nói và gạt tay tôi ra, nó đi tiếp, - em là nhà báo.
- Không! Janice! đợi đã!
Lúc nó đến gần những người canh giữ con ngựa, lòng tôi tràn đầy sự nhào trộn lạ lùng: vừa thán phục vừa muốn giết nó. Lần cuối cùng tôi cảm thấy như thế là hồi lớp chín, khi nó thản nhiên nhấc điện thoại và quay số của một cậu bạn học cùng lớp chúng tôi, chỉ vì tôi nói thích cậu ta.
Đúng lúc đó, có người mở tung hai cánh chớp ngay trên đầu chúng tôi, và vừa nhận ra đó là Salimbeni, tôi vội ép sát người vào tường, kéo Janice theo, vừa mong anh ta không nhìn thấy chúng tôi, vừa hít mùi thoang thoảng của anh ta, y hệt bọn choai choai mắc chứng tương tư.
- Đừng nhìn! – Tôi rít lên, vẫn choáng váng vì suýt bị phát hiện. – Chị nghĩ anh ta sống ở trên kia, ở tầng ba. Sứ mệnh đã hoàn thành. Vụ này khép lại. Đi thôi.
- Ý chị sứ mệnh đã hoàn thành là gì? – Janice ngả ra sau, ngước nhìn lên cửa sổ của Alessandro, mắt nó lấp lánh. – Chúng ta đến đây để tìm hiểu xem hắn làm gì. Em nói chúng mình phải loanh quanh ở đây. – Nó thử vặn cánh cửa gần nhất, và khi cửa mở ra không chút khó khăn, nó nhếch lông mày rồi bước vào trong. – Vào đây!
- Em có mất trí không đấy? – Tôi lo lắng nhìn những người đàn ông. Cả bọn đang nhìn chúng tôi chằm chặp, rõ ràng họ đang tự hỏi chúng tôi là ai và định làm gì. – Chị không đặt chân vào nhà kia đâu! Đó là nơi ở của anh ta!
- Càng hay. – Janice nhún vai. - Ở lại đây và đi quanh đây thôi nhé. Em chắc họ không để tâm đâu.
Té ra, chúng tôi không ở trong một lồng cầu thang. Đi trong bóng tối nhá nhem sau Janice, tôi sợ nó lôi tôi lên tầng ba, quyết đá tung cửa phòng Alessandro và chất vấn anh tới tấp. Nhưng thấy không có cầu thang, tôi nhẹ nhõm dần.
Cuối hành lang dài có một cánh cửa khép hờ, cả hai chúng tôi rướn người để nhìn vào bên kia. -- Cờ! – Janice nhận xét, thất vọng ra mặt. – Nhiều lắm. Quanh đây ai cũng có một cái màu vàng. Nhiều chim nữa.
- Đây là một bảo tàng, - tôi nói, phát hiện ra vài mảnh lụa thưởng treo trên tường. – Một bảo tàng của lãnh địa, giống như của Peppo. Chị không biết..
- Bình tĩnh! – Janice đẩy cửa lúc tôi chưa kịp phản đối. – Chúng ta xem nào. Lúc nào chị cũng thích những thứ tẹp nhẹp, cũ kỹ đầy bụi.
- Không! Xin đừng…- Tôi cố kéo nó lại, nhưng nó gạt tay tôi và liều lĩnh đi vào trong phòng. – Vào đây! Jan!
- Loại đàn ông gì mà sống trong một bảo tàng? – Nó đăm chiêu, nhìn khắp các đồ tạo tác trưng bày. – Rõ sởn gai ốc.
- Không phải ở trong, mà là ở trên. –Tôi sửa lại. – Hình như người ta không để xác ướp ở đây đâu.
- Sao chị biết? – Nó nhón chân mở tấm che mặt trên bọ áo giáp, xem xét. – Biết đâu họ ướp xác ngựa. Nhỡ đây là nơi có những hành lễ đẫm máu bí mật và gọi hồn người chết.
- Ờ. – Tôi ném một cái liếc sau cánh cửa về phía nó. – Nhờ mò mẫm đến cùng, cô mới có dịp đấy.
- Này! – Nó giơ ngón tay dứ tôi. – Peppo chẳng biết gì hơn thế, được chưa?
Tôi đứng và ngắm nó rón rén loanh quanh chút nữa, khi nó giả vờ chú ý đến các hiện vật. Cả hai đều hiểu nó làm thế chỉ để chọc tức tôi.
- Thôi được, - cuối cùng tôi nói, - em xem cờ đủ chưa?
Nhưng thay vì trả lời, Janice bước thẳng qua một cánh cửa vào phòng khác để tôi đứng đó một mình, ẩn ấp nửa vời.
Mất một lúc tôi mới tìm thấy Janice, nó đang đi quanh một điện thờ nhỏ tí, có nhiều ngọn nến cháy trên bàn thờ và các bức tường đều có tranh sơn dầu rất đẹp.
- Chà! Nó nói lúc tôi đến nhập bọn. – Chị có thích chỗ này làm phòng khách không? Người ta làm gì ở đây nhỉ? Bói ruột ư
- Tôi mong họ bói được ruột cô! Bây giờ, cô có phiền không, nếu chúng ta đi khỏi đây?
Nhưng trước khi nó kịp trả lời một câu xấc láo, cả hai chúng tôi nghe thấy tiếng bước chân. Suýt giẫm vào chân nhau vì hoảng hốt, chúng tôi vội ra khỏi điện thờ và tìm thấy một chỗ nấp ở phòng bên.
- Vào đây! –Tôi kéo Janice vào góc đằng sau một tủ kính bày những mũ sắt cưỡi ngựa, và năm giây sau, một bà cụ đi qua chỗ chúng tôi, tay ôm một xếp vải màu vàng gấp gọn. Theo sau bà là một cậu bé khoảng tám tuổi, tay đút túi, mặt giận dỗi. Tuy bà cụ đi thẳng qua phòng, nhưng thật không may là cậu bé dừng lại cách chỗ chúng tôi nấp khoảng ba mét, ngắm nghía những thanh kiếm cổ trên tường.
Janice nhăn mặt, nhưng cả hai chúng tôi không dám nhúc nhích, chưa nói đến thở, chúng tôi chúi vào một góc như những kẻ bất lương trong sách giáo khoa. May thay, cậu bé quá tập trung vào trò nghịch ngợm của mình nên chẳng chú ý đến thứ gì khác. Chắc chắn bà cụ là người hiền hậu và đã đi rồi, cậu bé liền kiễng chân nhấc một thanh trường kiếm khỏi móc, làm vài đường tránh, gạt khá điệu nghệ. Nó quá mải mê vào cái việc bị cấm ấy đến nỗi không nghe thấy có người nữa vào phòng.
- Không – không – không! – Alessandro mắng, đi qua sàn và tước thanh kiếm khỏi tay cậu bé. Nhưng thay vì treo lại thứ vũ khí đó lên tường, như bất cứ người lớn có trách nhiệm nào, anh lại chỉ cho cậu bé tư thế đúng và đưa lại ngay thanh kiếm cho nó. – Đến lượt cháu nào!
Thanh kiếm được đâm tới, lui vài lần, cuối cùng Alessandro rút một thanh trường kiếm khác trên tường và chơi trò đánh nhau cùng cậu bé, trò chơi chỉ chấm dứt khi có tiếng gọi sốt ruột của bà cụ già.
- Enrico! Cháu ở đâu thế?
Ngay tức khắc, những vũ khí ấy được treo lại trên tường, và lúc bà lão xuất hiện trên ngưỡng cửa, cả Alessandro lẫn cậu bé đã đứng như những kẻ vô tội, tay chắp sau lưng.
- À! – Bà ta kêu lên, vui vẻ khi thấy Alessandro và hôn lên hai má anh. – Romeo! – Bà ta còn nói nhiều nữa, nhưng tôi chẳng nghe thấy gì. Nếu Janice và tôi không đứng gần đến thế, có lẽ tôi đã quỵ gối, vì lúc ấy chân tôi biến thành thứ kem mềm nhũn.
Alessandro chính là Romeo.
Đương nhiên là anh ta rồi. Sao tôi có thể không hiểu ra điều đó nhỉ? Tôi không thấy ở Bảo tàng Cú sao? Tôi đã không nhìn ra sự thật trong mắt Malena? …Và trong mắt anh?
- Lạy Chúa tôi, Jules, - Janice nhăn nhó, không ra tiếng, - hãy ngộ ra đi!
Nhưng chẳng còn gì mà hiểu. Mọi thứ tôi ngỡ đã biết về Alessandro quay tròn trước mắt như những con số trên bàn cờ quay, và tôi nhận ra rằng- trong từng câu chuyện của tôi với anh, - tôi đã đặt tất cả số tiền của tôi vào cửa thua.
Anh không phải là Paris, không phải là Salimbeni, cũng không phải là Niono. Anh luôn là Romeo. Không phải là Romeo tay chơi đến tàn cuộc với cái mũ tinh nghịch, mà là Romeo tha hương, bị trục xuất từ lâu vì những chuyện ngồi lê đôi mách và sự mê tín, là người mất cả đời để cố trở thành người khác. Anh đã nói Romeo là đối thủ của anh. Romeo có đôi tay tai họa, và ai cũng muốn nghĩ anh ta chết rồi. Romeo không phải là người tôi tưởng đã biết; anh sẽ không bao giờ yêu tôi như trong những câu thơ du dương. Nhưng hiện giờ, Romeo cũng là người đến xưởng vẽ của danh họa Lippi vào lúc đêm hôm khuya khoắt, uống cốc vang và ngắm chân dung Giulietta Tolomei. Với tôi, điều đó nói lên nhiều hơn những vần thơ tinh tế nhất.
Tuy nhiên, tại sao anh không bao giờ nói cho tôi biết sự thật? Tôi đã hỏi anh về Romeo nhiều lần, nhưng lần nào a cũng trả lời như thể chúng tôi nói đến một người nào khác. Một người mà tôi hiểu là rất xấu xa
Tôi chợt nhớ đến viên đạn anh đeo ở sợi dây da quanh cổ, và Peppo trên giường bệnh kể với tôi rằng ai cũng tưởng Romeo đã chết. Tôi nhớ lại vẻ mặt của Alessandro khi Peppo nói Romeo là con hoang. Chỉ đến bây giờ tôi mới hiểu nỗi tức giận của anh với các thành viên trong gia tộc Romeo của tôi, những người – vì mù tịt về nhân thân thực sự của anh – đã rất sung sướng đối xử với anh như một Salimbeni, như đối xử với một kẻ thù.
Giống như tôi vậy.
Cuối cùng, khi mọi người đã ra khỏi phòng, - hai bà cháu Enrico đi về một phía, Alessandro về phía kia, - Janice nắm lấy vai tôi, mắt nó rực sáng.
- Chị đã hiểu chưa?
Câu hỏi đó có rất nhiều ý nghĩa.
- Romeo! – Tôi rên rỉ, ôm đầu. – Sao anh ấy lại là Romeo? Chị ngu quá!
- Thì chị vẫn thế, nhưng đấy mới chỉ là nghe thấy vậy thôi. – Janice không còn lòng dạ nào mà tế nhị nữa. – chúng ta không biết anh ta có phải là Romeo đích thực không. Romeo. Có khi đấy chỉ là tên đệm của anh ta. Romeo là một cái tên Ý rất phổ biến, Và nếu anh ta là một Romeo đích thực, thì có thay đổi được gì đâu. Anh ta vẫn đang móc ngoặc với nhà Salimbeni! Anh ta vẫn làm cho phòng khách sạn của chị như một bãi rác!
- Chị không nghĩ thế.
- Vậy chúng ta hay thoát khỏi địa ngục này đi. – Janice nắm tay tôi và kéo đi, tôi tưởng nó dẫn chúng tôi tới lối vào chính của bảo tàng.
Thay vì vậy, chúng tôi rơi vào khu trưng bày hiện vật lúc trước chưa thấy. đó là một căn phòng sáng lờ mờ, có những mảnh lụa thưởng rất cổ và mòn xơ xác trên tường,được niêm phong cẩn thận.
Nơi này có không khí đặc biệt của ban thờ tổ tiên, xa xa là một cầu thang ngách uốn cong, dốc đứng dẫn xuống dưới lớp đá tối tăm trong lòng đất.
- Cái gì ở dưới ấy nhỉ? – Janice thì thầm, vươn cổ ra nhìn.
- Quên đi! – Tôi cắm cảu, đang hồi phục được chút ít tinh thần. – chúng ta đừng để mắc kẹt trong ngục tối!
Nhưng rõ ràng số phận ưu ái sự táo bạo của Janice hơn những lo sợ của tôi, vì ngay sau đó chúng tôi lại nghe thấy nhiều giọng nói đang tới chỗ mình, hình như từ mọi phía, và chúng tôi gần như tự rơi xuống cầu thang vì vội tìm chỗ trốn. Thở hổn hển vì sợ bị phát hiện, chúng tôi nép dưới chân cầu thang lúc các giọng nói đến gần hơn và cuối cùng, tiếng bước chân dừng lại ngay phía trên đầu chúng tôi.
- Ôi không, - tôi thì thầm, trước khi Janice đưa tay lên bịt miệng tôi, - là anh ấy! – chúng tôi nhìn nhau, mắt mở to. Vào lúc này – chúng tôi đã “nhảy dù” theo đúng nghĩa đen vào tầng hầm của Alessandro – ngay cả Janice cũng không muốn nghĩ đến cuộc chạm mặt này.
Sau đó, các ngọn đèn quanh chúng tôi bật sáng, và Alessandro bắt đầu xuống cầu thang, rồi dừng lại,
- Chào Alessio, anh khỏe không? – Chúng tôi nghe thấy anh chào một người nào đó, còn Janice và tôi trừng trừng nhìn nhau, nhận thức sâu sắc được rằng sự bẽ mặt của mình được trì hoãn, dù chỉ vài phút.
Cuống cuồng nhìn quanh để tìm đường trốn, chúng tôi thấy mình thực sự bị kẹt trong một ngõ cụt bí mật, đúng như tôi dự đoán. Ngoài ba lỗ thủng hoác miệng trên tường – những cái miệng đen ngòm, có lẽ là các cống ngầm Bottini – chẳng còn đường nào rời khỏi nơi này, ngoài việc trở lại cầu thang, đi qua Alessandro. Mọi cố gắng bước vào hang là không thể vì những lưới sắt đen sì che kín các lỗ thủng.
Nhưng đừng bao giờ nói “ không bao giờ” với một Tolomei. Điên tiết vì ý nghĩ bị mắc kẹt, chúng tôi đứng dậy và bắt đầu dùng tay run rẩy lắc thử các lưới sắt. Gần như tôi cố hình dung rằng chúng tôi có thể len qua đó bằng sức mạnh tàn bạo, trong lúc Janice thành thạo thăm dò xung quanh từng cái chốt, từng bản lề, và không chịu tin các công trình xây dựng lại không thể mở được. Với nó, mỗi bức tường phải có một cánh cửa, mỗi cánh cửa phải có một chìa khóa; tóm lại, mỗi hoàn cảnh bế tắc đều có một lối thoát. Việc phải làm là đào bới và tìm ra nó.
- Suỵt! – Nó phấn khởi vẫy tôi, cho biết lưới sắt thứ ba và là cái cuối cùng có thẻ mở như một cánh cửa, và không hề cót két tí nào. Đi thôi!
Chúng tôi chui tụt vào hang rất nhẹ nhàng, rồi bò thêm vài bước trong bóng tối mù mịt, cho đến cuối cùng, chúng tôi dừng lại.
- Giá chúng ta có cái đèn pin…- Janice nói. - Ối, chó thật! – chúng tôi suýt đập đầu vào nhau lúc đột nhiên một chùm tia sáng chiếu dọc chiều dài hang, chỉ cách chỗ chúng tôi đứng độ mươi phân, rồi lùi lại, như một con sóng ào lên bờ và rút ra biển.
Giật mình vì nguy hiểm đã đến quá gần, chúng tôi loạng choạng tiến vào sâu hơn, cho đến khi tìm thấy một thứ giống cái hốc tối, đủ cho cả hai lọt vào.
- Hắn đang tới à? Hắn có tới không? – Janice rít lên, kẹt đằng sau tôi và không thể nhìn thấy gì. – Là hắn ư?
Tôi thò đầu ra rất nhanh rồi thụt lại ngay, - Phải, phải và phải!
Khó mà nhìn thấy gì ngoài ánh đèn pin nhảy nhót tới lui, nhưng lúc mọi thứ đã ổn định, tôi liều nhìn ra lần nữa. Đúng là Salimbeni – hoặc, tôi nên gọi là bản phóng tác của Romeo, - và tôi có thể nhìn thấy anh dừng lại, mở một cánh cửa nhỏ trên vách hang, đèn pin cặp chặt dưới một cánh tay.
- Hắn đang làm gì thế? – Janice tò mò.
- Trông giống một cái két an toàn, lấy ra thứ gì đó, Một cái hộp. Janice bám lấy tôi, háo hức.
- Có khi đấy là mảnh lụa thưởng!
Tôi nhìn lần nữa.
- Không, nó quá nhỏ. Giống hộp đựng thuốc lá hơn.
- Em biết! Hắn nghiện thuốc lá mà.
Tôi chăm chú theo dõi Alessandro lúc anh khóa két và cầm cái hộp trở lại bảo tàng. Lát sau, lưới sắt sập lại sau lưng anh một tiếng lanh lảnh vang suốt hang Bottini vào tai chúng tôi, ngân thật dài.
- Ôi không! – Janice nói.
- Đừng nói với tôi…! Tôi quay sang nó, mong nó để sự lo nghĩ của tôi được yên. Nhưng ngay cả trong bóng tối, tôi vẫn có thể nhìn thấy vẻ kinh hãi trên mặt nó.
- Ờ, em đã băn khoăn vì sao lưới sắt không khóa trước khi… - Nó thanh minh.
- Nhưng nghĩ thế vẫn không ngăn được cô! – Tôi cáu kỉnh. – Và bây giờ chúng ta bị mắc kẹt!
- Cảm giác xưa phiêu lưu của chị đâu rồi? – Janice luôn cố tỏ ra ưu thế bất đắc dĩ, nhưng lần này nó cũng chẳng thuyết phục được chính nó. –Thật tuyệt vời! Em luôn muốn đi khám phá các hang động. Nó phải có lối ra ở đâu đó chứ? – Nó nhìn tôi, châm chọc để làm dịu sự căng thẳng. – Hay nàng Giulietta thông minh thích được chàng Romeo cứu hơn.
Có lần, Umberto đã miêu tả các hầm mộ của người La Mã cho chúng tôi nghe, sau cả buổi tối chúng tôi quấy rầy bà Rose bằng những câu hỏi về Italy và tại sao chúng tôi không thể đến đó. Ông cho chúng tôi mỗi đứa một cái khăn lau bát để chúng tôi tỏ ra là người có ích, ông nhúng tay vào chậu rửa bát và giải thích rằng những người đầu tiên theo đạo Cơ đốc đã tập hợp trong các hang động bí mật ngầm dưới đất tổ chức nhóm đạo, để không ai nhìn thấy họ và báo cáo những hoạt động của họ với Hoàng đế ngoại đạo. Họ dám chống lại truyền thống hỏa táng của người La Mã bằng cách quấn xác vào vải liệm và mang xuống các hang động, xếp các thi hài lên giá trong các bức tường bằng đá và tổ chức nghi thức tang lễ với hy vọng về một tương lai thứ hai. Umberto kết luận, nếu chúng tôi thực sự tha thiết đến Italy, chắc chắn đầu tiên ông sẽ dẫn chúng tôi xuống các hang động ấy và chỉ cho chúng tôi thấy những bộ xương thú vị đó.
Lúc Janice và tôi đi xuyên qua hang Bottini, vấp ngã trong bóng tối và thay nhau dẫn đường, những truyện ma của Umberto trở lại, dữ dội hơn bình thường. Chúng tôi đang ở đây, giống những người trong truyện, bò loanh quanh dưới lòng đất, và giống như các tín đồ Cơ đốc đầu tiên, chúng tôi cũng không biết chính xác rốt cuộc, chúng tôi lại xuất đầu lộ diện, bao giờ và ở đâu, nếu được.
Chúng tôi có cái bật lửa để Janice hút mỗi tuần một điếu nên đỡ hơn, cứ khoảng hai chục bước, chúng tôi lại dừng và bật lên vài giây, chỉ để biết chắc mình không chìm sâu vào cái hốc không đáy, hoặc như Janice rên rỉ, khi vách hang bỗng nhiên trở nên nhầy nhụa, rơi vào một mạng nhện khổng lồ.
- Sởn gai ốc còn là nhẹ, - tôi nói và cầm lấy cái bật lửa. – Đừng dùng hết gas. Chúng ta có thể ở dưới này cả đêm.
Chúng tôi im lặng đi thêm lát nữa – tôi đi trước, Janice ở ngay sau, lẩm bẩm gì đó về những con nhện thích ẩm ướt – cho đến khi chân tôi đạp phải tảng đá lồi ra làm tôi ngã xuống nền mấp mô, đầu gối và cổ tay đau đến mức không khóc nổi, thậm chí không nghĩ đến việc kiểm tra cái bật lửa còn không.
- Chị không sao chứ? – Janice hỏi, giọng đầy sợ hãi. – Chị có đi được không? Em không thể cõng chị được.
- Chị ổn! – Tôi càu nhàu, ngửi thấy mùi máu trên các ngón tay. – Đến lượt em đi trước. Đây…- Tôi mò mẫm dúi cái bật lửa vào tay nó. – Gẫy một chân.
Janice dẫn đầu, tôi thoải mái nằm ra và kiểm tra những vết xước – cả thân thể lẫn tinh thần – lúc chúng tôi nhích dần vào chốn vô danh. Đầu gối tôi rách ít nhiều, nhưng chẳng là gì so với sự xáo động trong lòng tôi.
- Jan? – Tôi chạm ngón tay vào lưng nó. – Em có nghĩ nhỡ anh ta không nói với chị mình là Romeo vì muốn chị yêu anh ta vì những lý do chính đáng tự nhiên, chứ không phải vì cái tên? Tôi không thể trách khi nó rền rĩ.
- Hoặc là, - tôi nói tiếp, - anh ta không nói với chị vì bị ép không được để lộ tung tích?
- Jules! – Janice mải tìm đường qua nơi tối tăm nguy hiểm đến mức không thể chịu nổi những suy đoán của tôi. – Chị thôi cái trò tự giày vò mình đi! Và cả em nữa! Chúng ta còn chưa biết hắn có đúng là Romeo không. Yên tâm đi, dù có đúng như thế, em sẽ lộn hắn từ trong ra ngoài vì hắn đối xử với chị như thế này.
Dù giọng nó giận dữ, nhưng một lần nữa tôi lại sửng sốt khi thấy nó quan tâm đến tình cảm của tôi. Tôi tự hỏi đó có phải là điều mới mẻ, hay chỉ vì trước kia tôi không nhận ra.
- Có điều, - tôi nói tiếp, chưa bao giờ anh ta nhận mình là một Salimbeni. Lúc nào cũng là chị…chà, tiếc thật! – Tôi lại suýt ngã và bám lấy Janice cho đến lúc lấy lại thăng bằng.
- Để em đoán nhé, - nó nói và bật lửa để tôi có thể nhìn thấy nó nhếch lông mày, - hắn ta cũng chưa bao giờ nói hắn là kẻ tấn công bảo tàng?
- Đấy là Bruno Carera! – tôi kêu lên. – Làm việc cho Umberto!
- Ôi không, Julie – bé bỏng ơi, - dù bắt chước nhưng Janice vẫn chẳng giống Alessandro tẹo nào, - anh không ăn cắp mảnh lụa thưởng của Romeo…mà tại sao anh lại làm thế? Với anh, nó chỉ là miếng giẻ rách cũ kỹ. Nhưng này, để anh giữ con dao sắc này hộ em, để em không bị thương. Mà em gọi nó là gì ấy nhỉ? …Dao găm phải không?
- Không phải như thế đâu, - tôi lầm bầm.
- Bà chị yêu quý ơi, hắn ta đã lừa dối chị! – Cuối cùng, nó tắt bật lửa và lại bước đi. – Chị hãy trở về là Julie bé bỏng càng sớm càng tốt. Hãy tin em đi, cái gã này chẳng có tí tẹo tình cảm gì với chị, dù là gì đi nữa. Chỉ là trò chơi đó chữ để giành lấy…ối! – Nghe tiếng kêu thì biết, nó đã đập đầu vào cái gì đó, và chúng tôi phải dừng lại lần nữa. – Thế kia là cái quái gì? – Janice bật máy lửa kiểm tra, nó phải cố đến ba, bốn lần mới được, và chỉ phát hiện ra tôi đang khóc.
Ngõ ngàng vì cảnh tượng bất thường, nó vòng cánh tay ôm lấy tôi, vẻ dịu dàng vụng về.
- Em xin lỗi, Jules. Em chỉ cố cứu chị khỏi bị đau tim mà thôi.
- Tôi tưởng tôi không có tim chứ?
- Thôi nào, - nó ôm siết tôi – hình như gần đây chị mới trưởng thành ấy. Tệ quá, chị phải vui hơn, không khóc nhè chứ. – Lắc nhẹ cằm tôi bằng bàn tay nhớp nháp vẫn còn mùi moca- vani, rốt cuộc nó đã thành công làm tôi bật cười rồi nói tiếp vẻ rộng lượng hơn, - Đằng nào cũng là lỗi của em. Lẽ ra em nên nhìn thấy sự việc sẽ đến. Hắn ta buộc phải đóng vai chàng Romeo chết tiệt ấy vì lợi ích của Chúa thôi!
Chúng tôi không dừng lại ở đó, trong ánh áng lờ mờ, lay lắt của cái bật lửa sắp hết gas, chúng tôi có thể không bao giờ nhận thấy lỗ hổng ở vách hang bên trái mình. Nó chỉ rộng xấp xỉ nửa mét, nhưng khi tôi quỳ gối và thò đầu vào trong, thấy nó dốc ngược lên ít nhất khoảng chín, mười mét – giống cái ống dẫn khí trong kim tự tháp – đến tận cùng là mảnh trời xanh lơ như cái vỏ sò bé xíu. Tôi có thể tin rằng nghe thấy tiếng ồn của xe cộ.
- Lạy Đức Mẹ Maria! – Janice kêu lên. – chúng ta trở lại công việc! Chị đi trước đi. Tuổi tác trước nhan sắc.
Sự đau đớn và tâm trạng vỡ mộng lúc đi xuyên qua đường hầm tăm tối chẳng là gì so với nỗi lo sợ bị giam giữ khi bò ngược cái ống hẹp và khốn khổ trong khi đầu gối với khuỷu tay tôi trầy da,, chảy máu và tiếp tục bị cào xước. Mỗi lần tôi cố nhoi lên được năm chục phân, các ngón chân và đầu ngón tay của tôi đau dữ dội làm tôi bị trượt xuống độ mười phân.
- Đi tiếp đi! – Janice giục tôi, nó ở ngay sau. – Nhúc nhích đi chứ!
- Tại sao e không đi trước? - Tôi cáu. – em mê leo núi lắm kia mà.
- Này…- Nó đặt bàn tay xuống dưới chiếc giày cao gót của tôi. – Kéo lên như thế này này. Chậm rãi và khó nhọc, chúng tôi leo ngược lên cái ống, và dù ở đầu ống rộng ra nhiều, cho phép Janice bò lên cạnh tôi, đấy vẫn là nơi kinh tởm.
- Khiếp! - - Nó nói, nhìn khắp đống tạp nhạp người ta quăng vào đó qua lưới sắt. – Tởm quá. Kia là …thịt băm lẫn pho mát.
- Có pho mát thật à?
- Này! – Nó nhặt thứ gì đó lên. – Một cái điện thoại di động! Gọi đi…ồ không, tiếc quá. Hết pin rồi.
- Nếu e bới rác xong rồi, chúng ta đi tiếp được chứ?
Chúng tôi thúc khuỷu tay nhoi lên qua đống hỗn độn quá ư bẩn thỉu đó, cuối cùng chúng tôi cũng ngoi lên được tới nắp cống dựng đứng, có hoa văn, ngăn cách chúng tôi với mặt đất.
- Chúng mình đang ở đâu? – Janice áp mũi vào cái nắp đồng chạm lộng, cả hai chúng tôi nhìn ra chỉ thấy những cẳng chân và bàn chân đi qua. – Có vẻ là một cái chợ. Nhưng rất to.
- Trời ạ! – Tôi kêu lên, nhận ra trước đó tôi đã nhìn thấy nơi này nhiều lần, nhưng ở các góc độ khác hẳn. – Chị biết chính xác chúng mình đang ở đâu. Là Campo. – tôi gõ lên nắp cống. – Chà! Khá là chắc.
- Này, xin chào! Xin chào! – Janice vươn người để nhìn rõ hơn. – Có ai nghe thấy không? Có ai ở đấy không?
Vài giây sau, một thiếu nữ đội mũ hình nón trắng muốt, môi xanh tái khom người nhìn xuống chúng tôi. -Xin chào. – Cô gái nói, ngập ngừng mỉm cười, như e ngại mình là nạn nhân của một trò tinh nghịch. –Tôi là Antonella
- Chào Antonella, - tôi nói, cố nhìn thẳng vào mắt cô ta. – Cô nói được tiếng Anh không? Chúng tôi bị kẹt dưới này. Cô có thể…có thể tìm người giúp chúng tôi ra khỏi đây không.
Sau hai mươi phút đầy lo âu, Antonella trở lại cùng một đôi chân trần, đi dép.
- Danh họa Lippi ư? – Nhìn thấy người họa sĩ, tôi ngỡ ngàng đến mức gần như không thốt ra tiếng. – Chào ông. Ông còn nhớ tôi không? Tôi đã ngủ trên đi văng nhà ông.
- Lẽ tất nhiên là tôi nhớ cô! –Ông tươi tỉnh. – Sao cô lại thế này?
- Um..- Tôi nói, ông có nghĩ là …có thể nhấc cái này lên không. Tôi ngọ nguậy ngón tay qua nắp cống. – Chúng tôi bị mắc kẹt dưới này. À mà, đây là em gái tôi.
- Hai cô đã đến một nơi không nên đến phải không?
Tôi mỉm cười, hết sức bẽn lẽn,
- Tôi e là thế.
Nhà danh họa cau mày.
- Cô đã tìm thấy ngôi mộ rồi ư? Cô đã lấy trộm đôi mắt? Tôi đã chẳng bảo cô để chúng tại chỗ rồi sao?
- Chúng tôi không làm gì hết! – Tôi liếc nhìn Janice để biết chắc là nó cũng có vẻ hoàn toàn vô tội – Chúng tôi bị mắc kẹt, vậy thôi. Ông nghĩ chúng ta có thể tháo cái này bằng cách nào đó không? – Một lần nữa, tôi gõ cái nắp cống, và một lần nữa, thấy nó khá vững chãi.
- Tất nhiên rồi! – Ông nói, không hề do dự. – Rất dễ thôi.
- Ông chắc chứ?
- Tất nhiên là chắc! –Ông đứng thẳng dậy. – Tôi đã làm rồi mà
Bữa tối hôm đó là món mì ống đóng hộp với rau mùa xuân điểm nhánh lá hương thảo trên bậu cửa sổ nhà danh họa Lippi, cùng với hộp sơ cứu các vết bầm dập, thâm tím của chúng tôi. Trong xưởng vẽ chỉ vừa đủ chỗ cho ba người bên bàn ăn, chúng tôi phải san sẻ khoảng không gian với các tác phẩm nghệ thuật và các chậu cây được nhượng lại ở nhiều thời điểm khác nhau, nhưng dù vậy, ông và Janice vẫn thoải mái ôn lại thời xưa huy hoàng.
- Cô kín tiếng quá, - có lúc, họa sĩ nhận xét, ông đã lấy lại tiếng cười và rót thêm rượu vang.
- Juliet hơi bất đồng với Romeo, - Janice giải thích thay tôi. – Anh ấy viện mặt trăng ra thề. Một sai lầm lớn.
- À! – danh họa Lippi nói. –Tối qua, anh ấy đến đây, Anh ấy không vui. Giờ thì tôi hiểu rồi.
- Anh ấy đến đây tối qua ư? – Tôi lặp lại như một tiếng vang.
- Phải, - nhà danh họa gật đầu. – Anh ấy nói trông cô không giống bức chân dung. Cô đẹp hơn rất nhiều. Anh ấy còn nói nhiều nữa…gì ấy nhỉ? À, phải rồi, đẹp đến …chết người. – Nhà danh họa cười toét miệng và nâng cốc với tôi, vẻ đồng cảm tinh nghịch.
- Anh ấy có tình cờ nhắc đến, - tôi nói, không thể giữ cho giọng bình tĩnh, - vì sao lại chơi trò cư xử kỳ cục với tôi, thay vì nói với tôi anh ấy là Romeo không? Tôi tưởng anh ta là người khác.
Danh họa Lippi ngạc nhiên:
- Nhưng cô không nhận ra anh ấy sao?
- Không! – Tôi ôm đầu, thất vọng – Tôi không nhận ra anh ấy. Và chắc chắn anh ta cũng không nhận ra tôi!
- Vậy ông có thể kể cho chúng tôi nghe, chính xác về anh chàng này không? – Janice hỏi nhà danh họa. – Có bao nhiêu người biết anh ta là Romeo?
- Theo tôi biết, - danh họa Lippi nhún vai, - anh ấy không hề muốn bị gọi là Romeo. Chỉ có gia đình gọi anh ta như thế. Đây là một bí mật lớn. Tôi không biết vì sao. Anh ấy muốn được gọi là Alessandro Santini..
Tôi há hốc miệng:
- Ông biết tên anh ấy ngay từ đầu! Tại sao ông không nói với tôi?
- Tôi tưởng cô biết! – Nhà danh họa vặn lại. – Cô là Juliet kia mà! Chẳng lẽ cô lại cần đến kính!
- Tôi xin lỗi, - Janice vừa nói vừa xoa một vết xước trên cánh tay, - nhưng làm thế nào ông biết anh ta là Romeo?
Trông danh họa Lippi sững sờ
-Tôi…tôi…
Nó với tay lấy thêm một miếng gạc cứu thương.
- Xin ông đừng nói là biết anh ta từ kiếp trước.
- Không, - nhà danh họa nói và cau mày, - tôi nhận ra từ bức bích họa. Trong cung Pubblico. Sau đó tôi nhìn thấy con đại bàng Marescotti trên cánh tay anh ta…- ông nắm lấy cổ tay tôi và chỉ vào bên dưới cẳng tay, - ở đây này. Cô chưa bao giờ chú ý sao?
Trong vài giây trở lại tầng hầm của lâu đài Salimbeni, tôi cố bỏ qua các hình xăm của Alessandro trong lúc chúng tôi thảo luận về việc tôi bị theo dõi. Mặc dù tôi nhận ra được rằng hình xăm của anh – không giống như của Janice, là thứ kẻ lang thang in lên – chỉ là kỷ niệm của bữa tiệc say túy lúy ở Amsterdam, nhưng tôi không thấy chúng là manh mối quan trọng để nhận dạng. Thực ra, tôi quá mải tìm kiếm những văn bằng và dấu tích tổ tiên trên tường phòng làm việc của anh, và nhận ra rằng đây là người không thích trưng bày những ưu điểm trong khung bằng bạc, mà lại thích mang chúng trên người ở mọi hình thức.
- Chị ấy không cần kính, - Janice nhận xét, thích thú cái liếc nhìn xét nét của tôi, - mà cần một bộ não mới.
- Đừng thay đổi chủ đề, - tôi nói và cầm xắc lên, - nhưng ông có thể dịch hộ chúng tôi được không? – Tôi đưa cho danh họa Lippi một văn bản bằng tiếng Ý trong hộp của mẹ tôi, mà tôi luôn mang theo trong nhiều ngày nay, hy vọng bất ngờ gặp một người phiên dịch sốt sắng. Lúc đầu tôi đã định nhờ Alessandro, nhưng có một cái gì đó ngăn tôi lại. – Chúng tôi nghĩ đây có thể là một thứ có ý nghĩa.
Nhà danh họa cầm văn bản và đọc từ dòng đầu rồi vài đoạn đầu.
- Đây là, - ông nói, hơi ngạc nhiên, - một câu chuyện. Tên là La Maledizione sul Muro…Lời nguyền trên tường. Bản này dài quá. Cô chắc các cô muốn nghe không?
Một bệnh dịch sẽ giáng xuống cả hai gia đình
Tất cả các ngươi sẽ bỏ mạng trong lửa và máu.
--- --------oOo---- -------
LỜI NGUYỀN TRÊN TƯỜNG
Siena, 1370 Công nguyên
Đây là một câu chuyện ít người được nghe, vì nó bị các gia đình nổi tiếng có liên quan bưng bít. Chuyện bắt đầu với Thánh nữ Caterina, nổi tiếng có những quyền năng đặc biệt từ khi còn nhỏ. Dân chúng Siena ốm đau từ khắp mọi nẻo đến với cô bé và được Thánh nữ chạm tay vào là khỏi. Khi là phụ nữ trưởng thành, và dùng hầu hết thời gian chăm sóc người ốm ở bệnh viện của Giáo đường Siena, Sanata maria della Scala, nơi bà có phòng riêng và một cái giường.
Một hôm, Thánh nữ Caterina được triệu đến lâu đài Salimbeni và khi tới, bà thấy mọi người trong nhà đều lo lắng đến phát ốm. Họ kể với bà rằng bốn đêm trước, một lễ cưới huy hoàng được tổ chức ở đây, cô dâu là một phụ nữ họ Tolomei, nàng Mina trẻ đẹp. Bữa tiệc rất linh đình, vì chú rể là con trai Salimbeni nên cả hai gia đình tụ tập, ăn uống, ca hát để đánh dấu sự hòa bình dài lâu.
Nhưng đến nửa đêm, khi chú rể vào phòng tân hôn, cô dâu đã không còn đó nữa. Chàng hỏi các người hầu, nhưng không ai nhìn thấy nàng, khiến chàng rất sợ hãi. Chuyện gì đã xảy ra với Mina? Nàng bỏ trốn chăng? Hay nàng bị kẻ thù bắt cóc? Nhưng ai dám làm một việc như thế với gia đình Tolomei và Salimbeni? Không thể nào. Chú rể chạy khắp nơi tìm cô dâu, lên gác, xuống gác, căn vặn đám gia nhân, lính gác, nhưng tất cả đều nói rằng Mina không thể ra khỏi nhà mà không ai nhìn thấy. Trái tim chàng cũng nói không! Chàng là một thanh niên tốt bụng và khôi ngô. Nàng sẽ không bao giờ trốn chạy chàng. Nhưng lúc này, chàng đành phải báo với phụ thân, và sau khi nghe cơ sự, ông ra lệnh cho cả nhà đi tìm Mina.
Họ tìm kiếm nhiều giờ liền – trong phòng ngủ, trong bếp, cả trong chỗ ở của gia nhân – cho đến khi chim chiền chiện bắt đầu hót, cuối cùng họ đành từ bỏ. Nhưng khi một ngày mới bắt đầu, người phụ nữ già nhất đám cưới, phu nhân Cecilia xuống cầu thang, thấy họ ngồi đó, nước mắt đầm đìa và nói đến cuộc chiến chống lại người này, người kia. Phu nhân Cecilia già cả lắng nghe rồi bảo họ
- Hỡi những con người buồn bã, hãy đi với ta, và ta sẽ tìm ra Mina của các người. Có một chỗ trong nhà mà các người không ngó tới, và trong thâm tâm, ta cảm thấy con bé ở đó.
Phu nhân Cecilia dẫn họ đi xuống, xuống mãi sâu dưới lòng đất, vào ngục tối cổ của lâu đài Salimbeni. Bà chỉ cho họ các cánh cửa đã được ai đó mở bằng chùm chìa khóa giao cho cô dâu trong lễ cưới, và bảo họ điều mà tất cả đều biết: từ nhiều năm nay, không ai tới các hang động này vì sợ bóng tối. Các ông già trong đám cưới đều kinh hoàng, họ không thể tin cô dâu mới lại được trao chìa khóa mọi cánh cửa bí mật, càng đi họ càng giận dữ và sợ hãi. Họ biết ở dưới đó tối tăm biết chừng nào, có nhiều sự việc đã xảy ra trong quá khứ từ trước khi có bệnh dịch, và đã bị quên lãng hẳn. Vì thế, những người đàn ông danh tiếng, tay cầm đuốc, đi theo phu nhân Cecilia mà không dám tin vào mắt mình.
Cuối cùng, họ đến một căn phòng từ thời xa xưa dùng để tra tấn; lúc này phu nhân Cecilia dừng lại, tất cả cũng dừng lại, và họ nghe thấy tiếng khóc. Không hề do dự, chú rể cầm ngọn đuốc lao vào, và khi ánh sáng chiếu tới góc phòng xa nhất, chàng nhìn thấy cô dâu của mình ngồi trên sàn, trong bộ áo ngủ màu xanh lơ duyên dáng. Nàng run rẩy vì lạnh, và sợ hãi đến mức hét lên khi nhìn thấy những người đàn ông, vì nàng không nhận ra ai, kể cả cha đẻ của nàng.
Lẽ tất nhiên, họ nâng nàng dậy, đưa nàng lên căn gác sáng sủa, quấn nàng vào tấm chăn len, cho nàng nước uống và đủ thứ ngon lành để ăn, nhưng Mina chỉ lắc đầu và gạt phăng đi. Cha nàng cố nói chuyện với nàng, nhưng nàng ngoảnh đi và không nhìn ông. Cuối cùng, người cha tội nghiệp nắm lấy vai nàng và hỏi:
- Con không nhớ con là Mina bé bỏng của cha sao?
Nhưng Mina đẩy ông ra, nhếch mép cười và nói, không phải bằng giọng nàng mà là một giọng độc ác như Thần Chết:
- Không, - nàng nói, - ta không phải là Mina của người. Tên ta là Lorenzo.
Cả hai gia đình kinh hoàng biết bao khi nhận ra rằng Mina đã mất trí. Đám phụ nữ bắt đầu cầu nguyện Đức Mẹ Đồng Trinh Maria, còn đám đàn ông thì nguyền rủa nhau là người cha tồi, người anh em trai tồi, vì đã tìm thấy Mina quá muộn. Người duy nhất bình tĩnh là phu nhân già Cecilia, bà ngồi xuống cạnh Mina, vuốt ve toc nàng và cố gợi chuyện làm nàng nói lại.
Nhưng Mina cứ lắc lư tới lui và không nhìn một ai, rốt cuộc, phu nhân Cecilia nói:
- Lorenzo, Lorenzo thân mến của ta, ta là phu nhân Cecilia đây. Ta biết họ đã làm gì thầy rồi!
Lúc này, Mina nhìn bà già và lại khóc. Phu nhân Cecilia ôm nàng và để nàng khóc nhiều giờ liền, cho đến lúc cả hai thiếp đi trên chiếc giường cưới. Mina ngủ liền ba ngày, nàng mơ những giấc mơ khủng khiếp, và khi tỉnh dậy, nàng đánh thức cả nhà bằng tiếng la hét kinh hoàng, cho đến khi cả hai gia đình quyết định cầu cứu Thánh nữ Caterina.
Sau khi nghe hết câu chuyên, Thánh nữ Caterina hiểu rằng Mina đã bị ma ám. Nhưng bà không sợ. Bà ngồi cạnh giường của nàng suốt đêm và cầu nguyện không ngừng; đến sáng, Mina tỉnh lại và nhớ ra mình là ai.
Cả nhà tràn ngập niềm vui, ai cũng ca ngợi Thánh nữ Caterina dù bà quở trách họ rằng chỉ Chúa Jesus mới đáng được hưởng sự ngợi ca. Nhưng dù cả nhà vui vẻ, phu nhân Mina vẫn phiền muộn và khi được hỏi vì sao, nàng nói rằng nàng có một tin nhắn của Lorenzo gửi họ. Nàng sẽ không được nghỉ ngơi cho đến khi nào nàng truyền xong lời nhắn nhủ đó. Có thể hình dung mọi ngườikinh hãi biết chừng nào khi nghe thấy nàng lại nhắc đến Lorenzo, hồn ma đã ám nàng, nhưng họ nói:
- Chúng tôi sẵn sàng nghe lời nhắn.
Nhưng phu nhân Mina không thể nhớ ra tin nhắn, nàng lại cười khiến tất cả kinh hoàng. Có lẽ nàng lại mất trí lần nữa, họ thì thào với nhau bằng giọng lo lắng.
Thánh nữ Caterina khôn ngoan đã đưa cho Mina cái lông ngỗng được nhúng mực và bảo:
- Con thân mến, hãy để Lorenzo viết lời nhắn bằng bàn tay con.
- Nhưng con không biết viết! – Mina nói.
- Không, - Thánh nữ Caterina truyền, - nếu Lorenzo biết, bàn tay thầy sẽ làm tay con chuyển động.
Thế là Mina cầm lấy cái lông ngỗng và ngồi một lát, đợi bàn tay nàng cử động, còn Thánh nữ Caterina cầu nguyện cho nàng. Cuối cùng, Mina đứng dậy, không nói một lời và ra cầu thang như một người mộng du rồi đi xuống, xuống mãi, vào sâu trong tầng hầm, mọi người đi theo nàng. Khi đến căn phòng người ta tìm thấy nàng, nàng đến bức tường và bắt đầu đưa các ngón tay lên đó như đang viết, những người đàn ông cầm đuốc tiến tới theo dõi nàng làm gì. Họ hỏi nàng viết gì, nhưng Mina nói:
- Đọc đi! – Khi họ nói không nhìn thấy chữ nàng viết, nàng bảo, - Không, ở ngay kia kìa, các người không nhìn thấy ư?
Thánh nữ Caterina nảy ra ý rất hay là phái một chàng trai mang thuốc nhuộm và viết lại những lời đã viết lúc trước. Mina viết kín một bức tường, tuy trước kia nàng không hề học đọc học viết, và những lời nàng viết ra khiến tất cả những người đàn ông danh giá kia lạnh toát người vì kinh hoàng. Đây là thông điệp mà hồn ma Lorenzo đã nhờ bàn tay Mina viết ra:
Một bệnh dịch sẽ giáng xuống cả hai gia đình. Tất cả các ngươi sẽ bỏ mạng trong lửa và máu
Con cái các ngươi sẽ kêu khóc mãi mãi dưới ánh trăng mù mịt
Cho đến khi các ngươi xóa bỏ mọi tội lỗi và quỳ gối trước Đức Mẹ Đồng Trinh. Và Giulietta tỉnh dậy, nhìn thấy Romeo của nàng.
Khi Mina viết xong, nàng ngã vật vào vòng tay chú rể, gọi tên chàng và xin chàng đưa nàng ra khỏi phòng, vì nhiệm vụ của nàng đã kết thúc. Chàng làm đúng như thế, bật khóc vì nhẹ nhõm, chàng bế nàng lên gác, lên phía ánh sáng, và từ đó trở đi phu nhân Mina không bao giờ nói bằng giọng của Lorenzo. Nhưng nàng không bao giờ quên việc xảy ra với mình, và muốn biết Lorenzo là ai, tại sao lại nói thông qua nàng, mặc dù cha đẻ và cha chồng làm đủ cách để che giấu sự thật với nàng.
Phu nhân Mina là một phụ nữ bướng bỉnh, một Tolomei đích thực. nàng ngồi chuyện trò nhiều giờ với phu nhân Cecilia khi chồng nàng bận công việc, lắng nghe những chuyện về quá khứ và đặt ra nhiều câu hỏi. Dù lúc đầu ngần ngại, nhưng rồi Cecilia cũng hiểu rằng chuyển gánh nặng này cho người khác sẽ làm lòng bà thanh thản, vì thế sự thật sẽ không chết theo bà.
Phu nhân Cecilia kể rằng, nơi nàng viết lời nguyền lên tường chính là nơi một thầy tu trẻ tên là Lorenzo đã viết đúng những câu ấy từ nhiều năm trước, bằng máu của chính thầy. Đó là căn phòng người ta giam giữ và tra khảo thầy đến chết.
- Nhưng ai kia? – Mia hỏi, nàng vươn qua bàn, siết chặt bàn tay xương xẩu của phu nhân Cecilia trong tay mình. – Ai làm thế với thầy ấy, và tại sao?
- Một người đàn ông, - phu nhân Cecilia nói, đầu bà gục xuống buồn bã, - người mà từ lâu ra không muốn nghĩ đến, chính là cha ta.
Phu nhân Cecilia giải thích, người này thống trị gia đình Salimbeni trong giai đoạn có bệnh dịch kinh hoàng, và như một bạo chúa. Một số người biện hộ cho ông nói rằng, khi ông còn nhỏ, những tên cướp Tolomei đã giết chết mẹ ông ngay trước mắt ông, nhưng đấy không phải là cái cớ để ông cư xử như thế với người khác. Mà đó chính là kiểu Salimbeni hành xử. Ông tàn nhẫn với kẻ thù, nghiêm khắc với gia đình, bất cứ khi nào chán các bà vợ, ông nhốt họ ở vùng quê và ra lệnh cho gia nhân không cho họ ăn đủ no. Họ vừa chết xong, ông liền cưới ngay vợ mới. Ông ta càng già đi, càng lấy vợ trẻ hơn, rốt cuộc ngay cả tuổi trẻ cũng không làm ông ta hài lòng, và trong nỗi thất vọng, bỗng ông ta bùng cháy khao khát quái đản với một thiếu nữ mà chính ông đã ra lệnh giết chết cha mẹ nàng. Nàng tên là Giulietta.
Bất chấp thực tế là Giulietta đã bí mật hứa hôn với người khác, và Đức Mẹ Đồng Trinh Maria đã ban phúc cho đôi lứa, Salimbeni vẫn cưỡng hôn cô gái và trở thành kẻ thù kinh khủng nhất mà con người có thể có. Ai cũng biết Đức Mẹ Đồng Trinh Maria không thích con người can thiệp vào kế hoạch của bà, và trên thực tế, toàn bộ chuyện này chấm dứt bằng những cái chết và sự đau khổ. Không chỉ cặp tình nhân trẻ tự vẫn, con trai cả của Salimbeni cũng bỏ mạng trong cuộc chiến đấu dữ dội bảo vệ danh dự cho cha mình.
Vì những điều sỉ nhục và tai họa này, Salimbeni bắt giam và tra tấn tu sĩ Lorenzo, vì thầy đã bí mật giúp đỡ cặp tình nhân trẻ trong mối tình ngang trái của họ. Ông ta mời bác của Giulietta, ngài Tolomei, tới chứng kiến sự trừng phạt dành cho vị tu sĩ láo xược, dám phá hoại kế hoạch hợp nhất hai gia đình cừu địch bằng cuộc hôn nhân này. Tu sĩ Lorenzo đã viết lên tường, nguyền rủa họ: ngài Salimbeni và ngài Tolomei.
Sau khi tu sĩ chết, theo thói quen Salimbeni chôn xác thầy dưới sàn phòng tra tấn. Ông ta ra lệnh cho gia nhân cạo sạch lời nguyền và quét vôi mới lên tường. Nhưng chẳng bao lâu, ông phát hiện ra rằng những phương pháp này không thể giũ sạch những tội ác đã gây ra.
Vài đêm sau, tu sĩ Lorenzo xuất hiện trong giấc mơ của ông ta, đe dọa rằng không thứ xà phòng, vôi phấn nào có thể xóa sạch lời nguyền. Salimbeni vô cùng sợ hãi, cho đóng cửa phòng tra tấn cũ, nơi chứa sức mạnh tai họa trên tường, Giờ đây, bỗng nhiên, ông ta nghe thấy nhiều người nói ông ta đáng bị nguyền rủa và Đức Mẹ Đồng Trinh Maria đang tìm cách trừng phạt ông ta. Các giọng nói vang lên ở khắp nơi, trên phố, trong chợ, trong nhà thờ, ngay cả khi chỉ có một mình, ông ta cũng nghe thấy. Thế rồi, một đêm kia, có một trận hỏa hoạn kinh hoàng thiêu rụi lâu đài Salimbeni, ông ta càng tin chắc đó là do lời nguyền của Lorenzo, rằng gia đình ông sẽ “bỏ mạng trong lửa và máu”
Vào khoảng thời gian này, những tin đồn đầu tiên về Cái Chết Đen (bệnh dịch hạch lan khắp châu Á và châu Âu ở thế kỷ XIV, giết chết hơn 50 triệu người. Muốn biết thêm chi tiết, đề nghị đọc Hỏa Ngục của Dan Brown) đã lan tới Siena. Những người hành hương từ phương Đông trở về, mang theo những tin tức về căn bệnh khủng khiếp có thể hủy diệt nhiều xóm làng và thành phố hơn cả một đội quân thiện chiến, nhưng hầu hết dân chúng đều ngỡ nó chỉ nhằm đánh vào những kẻ ngoại đạo. Họ tin chắc rằng Đức Mẹ Đồng Trinh Maria sẽ trùm chiếc áo choàng che chở lên khắp thành Siena – như bà đã làm nhiều lần trước đây, - họ cũng tin rằng những lời cầu nguyện và nến thắp có thể kìm giữ tai họa ở ngoài vịnh, nếu nó lan qua đại dương.
Nhưng Salimbeni từ lâu đã ôm ấp ảo tưởng là mọi thứ tốt đẹp diễn ra đều là hệ quả từ sự tài giỏi của ông ta. Giờ đây khi tai ương ập đến, đương nhiên ông ta cũng cho là do hành động của mình.Thế là ông ta bị ám ảnh rằng chỉ mình ông ta đã gây nên mọi thảm họa xảy ra xung quanh, và vì tội lỗi của mình mà bệnh dịch hạch đang đe dọa Siena. Trong lúc rồ dại, ông ta đã đào xác Giulietta và Romeo khỏi mảnh đất báng bổ thánh thần và xây cho họ một ngôi mộ thiêng liêng nhất nhằm dập tắt những tiếng nói của dân chúng, hoặc chính xác hơn, là tiếng nói trong đầu đổ lỗi cho ông ta về cái chết của cặp vợ chồng trẻ mà tình yêu đã dược Thượng Đế ban phước. Ông ta thiết tha muốn làm lành với hồn ma của Lorenzo đến mức dành nhiều đêm trân trân nhìn lời nguyền viết trên mảnh giấy da, cố tìm ra cách làm thỏa mãn yêu cầu “xóa bỏ tội lỗi của ngươi và quỳ gối trước Đức Mẹ Đồng Trinh Maria”. Thậm chí, ông ta còn mời các giáo sư tài giỏi ở trường đại học về nhà và nghiên cứu làm thế nào để Giulietta “tỉnh dậy và nhìn thấy Romeo của nàng”., cuối cùng họ thảo ra một kế hoạch.
Họ nói, muốn giải lời nguyền, Salimbeni phải hiểu rằng giàu có là tai họa, và người có nhiều vàng không phải là hạnh phúc. Các giáo sư thông thái đã vạch ra rằng, khi thừa nhận điều đó, ông ta sẽ không tiếc nuối đem phần lớn tài sản hiến tặng dân chúng để giũ sạch tội lỗi. Nếu ông ta vui lòng đặt làm một pho tượng đắt tiền, gần như chắc chắn sẽ hóa giải được lời nguyền, giúp chủ nhân của nó ít ra cũng ngủ ngon vào ban đêm, và hiểu rằng khi chính ông ta chịu hy sinh tiền bạc xấu xa là có thể mua lấy sự tha thứ cho toàn thể thành phố, mua lấy sự tín nhiệm để chống lại bệnh dịch theo lời đồn đại.
Họ dặn phải đặt pho tượng ấy trên mộ Giulietta và Romeo, và phải dát vàng ròng, nguyên chất. Nó phải thể hiện được cặp vợ chồng trẻ và phải làm sao cho nó trở thành thuốc giải lời nguyền của Lorenzo. Salimbeni phải lấy những viên ngọc quý trên mũ miện của cô dâu và dùng làm mắt của pho tượng: hai viên ngọc lục bảo gắn vào đầu Romeo, còn hai viên ngọc bích gắn vào đầu Giulietta, Và bên dưới pho tượng, phải khắc những dòng sau:
Nơi đây yên nghỉ nàng Giulietta chân chính và chung thủy
Nhờ tình thương và sự nhân từ của Chúa
Nàng sẽ được Romeo, người chồng hợp pháp của nàng đánh thức
Vào thời khắc đầy ân huệ thiêng liêng
Bằng cách đó, Salimbeni có thể tái tạo giả khoảnh khắc phục sinh của họ, cho phép cặp tình nhân trẻ nhìn thấy nhau lần nữa và mãi mãi, cho phép mọi cư dân Siena nhìn thấy pho tượng và gọi Salimbeni là người hào phóng và ngoan đạo. Bên cạnh đó, muốn tăng thêm ấn tượng, Salimbeni phải vun đắp một tiểu sử về lòng từ thiện của riêng ông ta, và tạo ra một câu chuyện nhằm giải thoát ông ta khỏi mọi tội lỗi. Truyện phải kể về Romeo và Giulietta, phải đầy chất thơ và nhiều nhầm lẫn mà văn chương vốn rất khéo vận dụng, lại phải do một người viết truyện giỏi thêm thắt những điều hư cấu dễ được chấp nhận và làm người ta ngất ngây mà quên đi sự thật buồn tẻ
Với những người vẫn không giữ mồm giữ miệng về tội lỗi của Salimbeni, họ buộc phải im lặng vì vàng dúi vào tay, hoặc vì xiềng xích trên lưng. Băng mọi cách như thế, tống khứ những cái lưỡi ác ý, Salimbeni hy vọng trở nên trong sạch trong mắt dân chúng và tìm cách để tên ông ta trở lại trong những lời cầu nguyện rót vào đôi tai Thượng Đế thiêng liêng của họ.
Các giáo sư đại học khuyến cáo như thế, và Salimbeni rất hăng hái đáp ứng những đòi hỏi của họ. Trước hết, - theo lời khuyên của chính các giáo sư – là bắt họ im lặng trước khi họ có thể nói xấu ông ta. Thứ hai, ông ta thuê một nhà thờ ở đại phương thêu dệt nên câu chuyện tình về hai người bất hạnh, cái chết thê thảm của họ chẳng phải lỗi của ai ngoài của chính họ, rồi đem truyền bá ở các lớp học đọc, không hẳn là chuyện bịa đặt, mà vì sự thật trong chuyện đã bị bỏ qua đến mức đáng hổ thẹn. Cuối cùng, Salimbeni thuê một họa sĩ giỏi, danh họa Ambrogio, giám sát việc đúc tượng. Ngay khi vừa xong – gắn các cặp mắt quý giá – ông ta cắt bốn lính gác ở nhà thờ suốt ngày đêm, bảo vệ cặp vợ chồng bất tử.
Nhưng kể cả pho tượng và lính gác cũng không thể kìm giữ nổi bệnh dịch ở ngoài vịnh. Hơn một năm sau, nạn dịch khủng khiếp đã tàn phá Siena, phủ kín mụn nhọt đen sì lên các cơ thể khỏe mạnh và giết chết hầu hết những người nhiễm bệnh. Nửa dân số phải bỏ mạng, cứ một người sống thì một người chết. Rốt cuộc, không đủ người sống sót để chôn xác chết; những đường phố đầy mùi thối rữa và máu mủ, những người còn sống thì sắp chết đói vì thiếu lương thực.
Khi nạn dịch kết thúc, cuộc sống xã hội đã thay đổi. Màu u tối trong trí nhớ con người được xóa sạch, bất chấp hậu quả ra sao. Những người sống sót quá bận bụi với bao thứ thiếu thốn, chẳng quan tâm nhiều đến nghệ thuật, văn chương và các chuyện ngồi lê đôi mách, vì thế truyện về Romeo và Giulietta chỉ là tiếng vang yếu ớt từ một cõi khác, thỉnh thoảng được nhớ tới nhưng chỉ là những mảnh rời rạc. Còn ngôi mộ đã biến mất vĩnh viễn, bị chôn vùi dưới một núi xác chết và rất ít người hiểu được giá trị của pho tượng. Danh họa Ambrogio, người đích thân gắn những viên ngọc quý và là người duy nhất trong nhiều ngàn người ở Siena biết chúng là gì, cũng đã chết trong nạn dịch hạch.
Sau khi nghe mọi điều phu nhân Cecillia kể về tu sĩ Lorenzo, Mina quyết định rằng vẫn còn một thứ có thể làm cho vong hồn thầy nguôi giận. Thế là một ngày, khi chồng nàng tỏ ra đặc biệt chiều chuộng nàng trước khi lên đường lo công việc, nàng ra lệnh cho sáu gia nhân thạo việc theo nàng xuống tầng hầm và nậy sàn phòng tra tấn cũ lên.
Lẽ đương nhiên, các gia nhân chẳng vui vẻ gì với công việc oái oăm này, nhưng thấy cô chủ kiên nhẫn đứng cạnh lúc họ làm việc, giục giã và hứa hẹn nhiều điều ngọt ngào, họ không dám phàn nàn.
Suốt buổi sáng, họ tìm thấy nhiều mẩu xương không chỉ của một mà của vài người. Lúc đầu, việc tìm kiếm và quấy nhiễu người chết khiến họ nôn nao, nhưng khi thấy phu nhân Mina dù xanh xám mặt mày nhưng vẫn không nhúc nhích, họ nhanh chóng khắc phục nỗi sợ và cầm dụng cụ tiếp tục công việc. Ngày trôi qua, tất cả bọn họ vô cùng khâm phục quyết tâm xua đuổi tà ma ra khỏi nhà của nữ chủ trẻ.
Khi đã thu thập tất cả xương cốt, phu nhân Mina sai dám gia nhân gói lại bằng vải liệm và đưa ra chôn cất ở ngĩa trang, trừ những di hài mới nhất mà nàng chắc là của tu sĩ Lorenzo. Chưa biết phải làm gì, nàng ngồi với di hài một lúc, ngắm cây thánh giá bằng bạc trong bàn tay, cho đến khi hình thành một kế hoạch trong đầu.
Trước khi lấy chồng, Mina có một giáo sĩ nghe xưng tội, một người đàn ông sùng đạo và rất tốt từ thành phố Viterbo ở miền Nam tới, thầy hay nhắc tới giáo đường San Lorenzo của thành phố. Nàng tự hỏi, liệu đấy có đúng là nơi để gửi gắm di hài của tu sĩ, để những người anh em mộ đạo của thầy giúp thầy tìm thấy sự bằng an cuối cùng, cách xa Siena đã gây cho thầy bao nỗi thống khổ không tả xiết?
Tối hôm ấy, khi chồng nàng trở về, phu nhân Mina đã chuẩn bị mọi thứ. Di hài của tu sĩ Lorenzo đã đặt trong quan tài gỗ, sẵn sàng để chất lên xe ngựa và kèm theo một bức thư gửi các linh mục ở San Lorenzo, giải thích để họ hiểu rằng đây là người xứng đáng được thoát khỏi những nỗi đau khổ. Việc duy nhất còn thiếu là được chồng nàng cho phép và một vốc tiền để khởi hành chuyến đi liều lĩnh. Nhưng chỉ sau vài tháng kết hôn, Mina đã học được răng, một đêm thú vị có thể moi được tất cả những thứ ấy từ người đàn ông.
Sáng sớm hôm sau, khi sương mù chưa tan trên lâu đài Salimbeni, Mina đứng bên cửa sổ phòng ngủ và ngắm cỗ xe ngựa chở quan tài rời đi, nhằm hướng Viterbo, còn chồng nàng vẫn ngon giấc trên chiếc giường phía sau. Cây thánh giá của tu sĩ Lorenzo đã được cọ rửa sạch sẽ và đánh bóng, đeo trên cổ nàng. Bản năng mách bảo nàng đặt nó vào trong quan tài cùng di hài của vị tu sĩ, nhưng cuối cùng, nàng quyết định giữ lại như một bằng chứng cho mối quan hệ huyền bí của họ.
Nàng vẫn chưa hiểu vì sao thầy lại chọn cách nói qua nàng và buộc bàn tay nàng viết ra lời nguyền cũng như giáng bệnh dịch xuống gia đình nàng, nhưng nàng cảm thấy thầy làm thế vì lòng tốt, mách bảo nàng phải tìm cho ra cách hóa giải. Cho đến khi làm xong, nàng giữ cây thánh giá lại để nhắc nhở mình về những lời trên tường, về người đàn ông mà những suy nghĩ cuối cùng không dành cho bản thân, mà cho Romeo và Giulietta.
Truyện khác cùng thể loại
9 chương
25 chương
16 chương
35 chương
20 chương
12 chương