Hồng Phai Xanh Thắm

Chương 229 : Ngoại truyện 6: Khoá đàn hương

Nhà ta là họ Thịnh vùng Hựu Dương Kim Lăng nức tiếng, kỵ nội trúng Thám hoa nhưng đáng tiếc mất sớm, cụ nội Thịnh Hoành đến lúc cáo lão đã là quan viên nhị phẩm, ba người con trai đều là tiến sĩ hai bảng, vào triều làm quan, trong số đó có ông nội ta Thịnh Trường Bách, càng là nguyên lão hai triều được ghi tên vào Danh Thần các, bốn lần nhập các, ba lần bái tướng, để lại dấu chân trong sáu Bộ và mười ba tỉnh, môn sinh trải lần thiên hạ. Mà ta, chỉ là một cô con gái vợ bénho nhỏ trong gia đình thanh quý này, lại còn do một người con trai không được coi trọng sinh ra. Ông nội trị gia cực nghiêm, bốn người con trai đều yêu cầu phải tu thân, tề gia rồi mới tới trị quốc bình thiên hạ, nếu có ai hành xử lông bông liền xử trí bằng gia pháp, ba người con trai đầu đều như ý, độc cho ta là ngoại lệ. Hồi cha ta còn bé, ông nội tới biên thùy làm đại quan Tây Bắc, bà nội theo thường lệ đi theo, đành phải để lại con trai út sức khoẻ kém cho cụ nội là phu nhân Vương thị nuôi nấng, người già thường chiều cháu, đến khi ông bà nội về kinh, cha ta liền biến thành kiêu căng lười nhác. Ông nội mấy bận định quản giáo, cụ nội lần nào cũng khóc đòi sống đòi chết, ông nội bận rộn việc triều chính, không thể ngày ngày đối phó với mẹ già và con thơ, thành ra cha ta cứ sống nửa vời như vậy đến khi lấy vợ sinh con. Cái gì gọi là nửa vời? Nói cha ta giỏi giang đi, trong nhà họ Thịnh ai cũng có công danh lại chỉ thi đỗ Lẫm sinh, nói cha ta hư hỏng đi, lại cũng không dám thật sự giao du với những kẻ ăn chơi trác táng, gây ra những việc như kỹ nữ, ngoại thất như trong kịch. Đến khi ta biết đi, biết nhảy còn thường xuyên nhìn thấy cụ nội ôm siết người cha đã trưởng thành của ta vào lòng, gào khóc với ông nội đang cầm gậy: “…Ai bảo A Hoan nhà ta không tốt hả, nhà bình thường có một vị tiến sỹ đã là khó, tổ tông nhà họ Thịnh lại rủ lòng thương, đứa nào cũng giỏi đọc sách, khiến A Hoan tự dưng lại thua kém, yêu chiều nhiều đứa hầu thì đã làm sao! Ta biết con ngứa mắt ta, thấy ta thương A Hoan nhiều hơn chút bèn muốn giày vò nó, chao ôi, chi bằng ta đâm đầu chết cho xong…” Đối với hai bà cháu ôm nhau khóc lóc, ông nội toàn năng của ta đành từ bỏ, bà nội khó xử quay sang an ủi con dâu vài câu, thế là xong chuyện. Mẹ cả và cha không có tình cảm với nhau, sinh được một trai một gái xong, hai vợ chồng cơ bản nước giếng không phạm nước sông, thú tiêu khiển lớn nhất của mẹ cả chính là châm chọc cha ta, lúc thì làm thơ, lúc thì vẽ tranh, thường xuyên lôi cha ta ra làm ví dụ phản diện để răn đe anh trai phải đọc sách tử tế, tu thân dưỡng tính. Cha không dám chọc vào mẹ cả, đành phải kính nhi viễn chi, trừ vài ngày làm theo gia quy, còn đâu bình thường toàn chui rúc ở chỗ các bà vợ bé, dì ta mỗi tháng được hưởng sái ba, bốn ngày. Với can đảm và trí tuệ của cha ta, đương nhiên không dám làm quen với kỳ nữ “thân là hạ tiện mà lòng cao ngút trời”, lại không ai chọn con gái nhà lành cho ông ấy, vậy nên vợ bé của ông ấy toàn bộ là hầu gái trong phủ. Trong số đội quân của cha ta, dì ta cũng thuộc dạng nửa vời, vừa không được yêu chiều như dì Lý, vừa không đến mức bị lạnh nhạt như dì Triệu chưa già sắc đã suy. Đối thủ cạnh tranh lớn nhất của bà là dì Khâu ở đối diện. Hai bà lần lượt bị bán vào phủ Thịnh, lần lượt được cử đến hầu hạ thiếu gia, dì Khâu được “lâm hạnh” trước hai tuần, dì của ta lại được chính thức nâng lên làm “dì” sớm hơn ba ngày, ngay cả sinh con gái cũng cách nhau độ nửa tháng, thật có thể coi là không chết không dừng, kỳ phùng địch thủ. Đứa ở hầu gái hai bên thậm chí nuôi mèo cũng không cho qua lại với nhau, khiến cho em Bảy mà dì Khâu sinh ra cũng thường nhìn ta bằng ánh mắt coi thường. Hiện giờ mục tiêu cạnh tranh lớn nhất của họ chính là xem ai sinh ra con trai trước. Tội gì phải thế. Ta không phải nói hai bà tội gì phải thế, sinh con trai là nguyện vọng theo đuổi lớn nhất trong đời người phụ nữ, đương nhiên cần cố gắng, ta muốn nói tới em Bảy tội gì phải thế. Chị Cả kiêm chị họ đã lấy chồng, lúc đó bác Cả là quan lục phẩm, cộng thêm ông nội uy nghiêm, chị ấy được gả cho một vị Cử tử nhà giàu. Cứ thế mà tính, cha ta chỉ là một Lẫm sinh, không được ông nội coi trọng, tương lai của ta và em Bảy chắc không phải làm vợ Tú tài thì cũng là làm vợ kế nhà quan, không khéo còn có thể là bà chủ nhà thương nhân cũng nên. Nửa cân tám lạng, để xem em Bảy thích học vấn địa vị hay là thích tiền bạc hơn thôi, dù sao ta chẳng xét nét. Với dòng dõi và nếp nhà như chúng ta, không đến mức phải lấy con gái ra để bám vào quyền quý, cũng sẽ không có việc mẹ cả giày vò con thứ mà cố ý gả cho kẻ tệ hại, nhưng điều kiện hữu hạn, cha ta cơ bản là chẳng có công danh, hôn nhân không kém quá là được, có gì mà phải tranh. Nhưng em Bảy lại suy nghĩ vớ vẩn, từ dung mạo trang điểm tới học vấn giáo dục cứ phải so kè với ta, giành được thắng lợi mới chịu. Dì thất vọng, suốt ngày đuổi theo nhắc nhở ta, ta bị lải nhải thấy phiền bèn dạy dỗ ngược lại bà: làm con thứ thích nổi bật làm gì, so bì tị nạnh với con gái dòng chính để chuốc lấy phiền toái à, cũng giống như các dì ấy, nếu tỏ ra còn hiền lành, còn tài giỏi, còn đa tài thanh danh lan xa hơn phu nhân chính thất, lại còn tình thâm ý trọng chết đi sống lại với lão gia thì phỏng chừng cách cái chết cũng chẳng xa. Dì không nói lại được ta, đành đấm ngực giậm châm mắng ta không có chí tiến thủ. “Tóm lại con bị làm sao, cứ một mực cố chấp thế hả.” Ta tỏ ra quá khen quá khen, chẳng qua ta giỏi quan sát đấy thôi. Lứa ông nội từng xuất hiện hai vị bà cô xuất thân con thứ vô cùng nổi tiếng, một vị trong đó chẳng những gả cho nhà hiển hách vẻ vang, còn giữ được lòng chồng, lão Cố hầu giậm chân một cái là triều đình rung chuyển một lòng một dạ với bà cả đời, nghe nói từ hôm bà cô vào cửa, ông ấy còn không chịu cưỡi ngựa là ngựa cái. Năm đó bà cô ốm bệnh liệt giường, chừng như không qua khỏi, nghe nói lão Cố hầu dày dạn sa trường vài chục năm khóc lóc thảm thiết như cha chết, đương nhiên, cha ông ấy đã chết từ lâu. Đều là người sáu, bảy mươi tuổi mà còn thế. Chuyên sủng như thế vốn không khỏi làm cho quyền quý kinh thành chê trách, nhưng bà cô làm người rất tốt, nội quyến từ phủ Anh quốc công, phủ Uy Bắc hầu đến nhà họ Bạc, họ Phục, họ Đoàn… Rất nhiều gia tộc nhà cao cửa rộng đều qua lại thân thiết với bà, người sống theo nhóm, có chị có cô nào ngứa mồm dám lắm miệng chứ, huống hồ sự thật chứng minh, bà cô của ta vừa vượng phu vừa vượng tử, bốn người con trai đều giỏi giang bản lĩnh, tỷ lệ thành tài còn cao hơn cả ông nội ta. Chú Tư nhỏ nhất phủ Cố vừa không theo văn cũng không theo võ, còn không chịu thành hôn, dạo khắp núi sông nam bắc, năm ba mươi sáu tuổi hoàn thành “Giang Sơn Toàn Dư Chí”, hiến tặng thánh thượng, chấn động thiên hạ. Đưa phong thổ tình đời của hai kinh mười ba tỉnh, đưa non sông tươi đẹp vào sách, nét chữ thanh nhã sinh động, cảnh tượng hiện lên trước mắt đầy sống động, nhất thời văn chương cao quý khó ai bì kịp. Tranh vẽ bản đồ gập ghềnh như mộng ảo, chừng mực chính xác, đứng trước bức vẽ cao bốn, năm người, non sông gấm vóc dường như tạt vào mặt, người ngắm tranh dường như quên cả thở. Bức tranh phong thổ được treo trên vách trong nội đường cung Càn Thanh, bức tranh quân sự thì được cất kỹ trong kho bộ Binh. Do bị chú Ba yêu thích lái thuyền ra biển Đông giành trước, chú Tư đành phải hành tẩu về phía Tây, dọc theo con đường cổ mà Hán sử Trương Khiên từng đặt chân, cát vàng quan ải, hoàng hôn hoang mạc bao la bát ngát, xương cốt chôn vùi trên nên cát cằn cỗi, lại có thể mọc lên những đoá hoa rung động lòng người, kiêu hãnh quật cường ngẩng cao, ngàn năm không thay đổi. Xưa nay ta vốn vô tâm mà đọc tới đoạn này cũng không kìm nén nổi tuôn lệ như mưa. Tin tức gần đây của chú Tư là, có vẻ chú ấy lấy tuổi tứ tuần mê hoặc cô con gái duy nhất của vị quốc vương nào đó ở Tây Vực, dự định ở lại bản địa làm trâu già gặm cỏ non, làm phò mã nhân tiện kế thừa vương vị. Được chú Ba, chú Tư truyền cảm hứng, thiếu niên chí lớn trong thiên hạ noi gương, tới tấp vượt biển Đông, du hành về phía Tây, hăng hái lang bạt. Đối với các cô bé nhà họ Thịnh, vị bà cô này là thần tượng, là tấm gương, là mục tiêu hướng tới, bất kể con thứ hay con dòng chính đều chỉ hận không tiếp bước truyền thuyết của bà. Đáng tiếc, đến giờ vẫn không có. Cái gọi là người thiện chiến thì không có chiến công huy hoàng, bà cô của ta có kiếp sống khuê các vừa tầm thường vừa khiêm tốn, không có tài danh, hiền dành, nhân anh… không hề đặc biệt xuất sắc ở mặt nào, chỉ nghe nói cực kỳ hiếu thảo, tình sâu nghĩa nặng với bà nội, mấy lần tranh cướp phụng dưỡng với ông của ta, nhưng toàn bị ông nội đẩy lùi, tiếc nuối giận dữ. Đến khi chính bà lên làm bà nội hãy còn ấp ủ tà tâm, may mà ông nội gừng càng già càng cay, trái cản phải đỡ, thành công giữ lại kỵ nội sống quãng đời còn lại trong nhà. Theo như nghe đồn, bà cô của ta thuở thiếu thời dường như chẳng ai biết đến, thế này biết học hỏi thế nào đây. Thiếu nữ làm gì có cơ hội lộ diện, chỉ có thể gắng sức trên mặt học vấn, chị họ Năm được yêu chiều nhất nhà mất cả năm làm bài thơ “vịnh mai” sáu mươi câu để chúc thọ ông nội, nào ngờ bị nửa câu ngắn gọn “con gái khuê các chỉ nên học tập để tu thân dưỡng tính” của ông nội làm rơm rớm nước mắt. Kỳ thực thơ văn giỏi nhất phải kể đến chị họ Tư, năm đó ở buổi tiệc thưởng cúc của Phúc Dương trưởng công chúa làm bài thơ ngũ ngôn hay tuyệt, bao người khen ngợi, nhưng sau khi trở về bị bà nội mắng cho một trận, bị phạt chép ba tháng kinh Phật và nữ giới. “Công chúa rõ ràng muốn con gái mình nổi bật, cố ý mời Tam hoàng tử mọt sách đến nghe, để anh họ em họ nảy sinh tình ý với nhau, ai bảo nó xen vào chứ.” Chị họ Ba vốn bất hoà với chị họ Tư đắc ý nói. Ông nội ghét nhất cháu gái ngâm thơ vẽ tranh, bà nội không thích nhất cháu gái ra ngoài rêu rao ầm ĩ, nguyên nhân là bởi một vị bà cô khác cũng nổi tiếng của nhà ta. Năm đó do bà cô bất mãn với hôn sự mà cụ nội chọn lựa bèn ra cửa tự tìm lang quân, giữa ban ngày ban mặt hành xử thiếu ý tứ, cuối cùng tuy giành được hôn sự nhưng hiện giờ vẫn bị người ta lôi ra bàn tán. Sau cùng bà ấy cũng suy tàn, sinh một hơi năm đoá kim hoa, từng đoá đều gả thấp. Sở dĩ ta biết rõ như thế là bởi năm đó bà cô lấy chồng họ Lương tìm con rể khắp thiên hạ không được, liền muốn đưa con gái gả về nhà mẹ đẻ, ồn ào ảnh hưởng tới cha ta và bác Ba, ba bác nhà ông cậu Tư, tóm lại cả nhà đều biết, song vẫn bị từ chối khéo. May mà anh trai chị dâu ruột thịt của bà cô gắng gượng chấp nhận một cô, còn là con thứ, có điều nghe nói vợ chồng tình cảm lắm, hiện giờ đi theo bác ở quê học làm ăn. Con gái họ Thịnh muôn màu muôn vẻ, náo nhiệt phi phàm, chẳng cần ta thêm phần. Ta ăn rồi lại ngủ, ít học nữ công, ít khi đọc sách, biết Lý Thạch và Lý Thái Bạch là cùng một người, Lý Quảng và Lý Quảng Lợi là hai người khác khác nhau là được. Đến năm chín tuổi, em Bảy đối diện càng ngày càng mảnh dẻ cao ráo, còn bé đã hết sức xinh xắn, eo ra eo chân ra chân, còn ta càng lớn càng tròn, xương nhỏ, cả người nung núc thịt, béo trùng trục như chú lợn con. Dì khóc không ra nước mắt, cho rằng ta phụ lòng vẻ xinh đẹp của bà, cam chịu đắm mình trong trụy lạc, dì chỉ biết được mấy thành ngữ, vốn là học lỏm được khi tán tỉnh hầu hạ cha ta, toàn dùng lên người ta cả. Ta kiên nhẫn tiếp tục phản bác: làm con gái mười mấy tuổi đã lấy chồng, rồi hầu hạ bố mẹ chồng, lấy lòng cô em, cậu em chồng, giúp chồng dạy con, xử lý vợ bé, người khác ăn cơm cô nhìn, người khác ngồi cô đứng, trong lòng dù mệt ngoài mặt vẫn phải cười… Cứ thế chịu đựng vài chục năm, đến khi lên làm mẹ chồng, cuối cùng có thể bắt nạt con gái nhà người khác, trút giận, cơ mà nếu mẹ chồng trên đầu vẫn còn sống thì chưa xong hẳn, vẫn phải chịu đựng tiếp. Làm con gái cả đời này thoải mái nhất chính là quãng thời gian ở khuê phòng, ta tuy là con thứ, nhưng may có bà nội nghiêm khắc, bác Cả quản gia nghiêm túc, kẻ hầu không dám nhìn người đưa thức ăn, dù là con vợ bé cũng không phải tranh chấp vì đồ ăn cái mặc, nếu đã thế, vì sao ta không thể sung sướng hưởng thụ những ngày hiếm có thế này. Như em Bảy, rõ ràng thích ăn bánh bơ muốn chết, lại cắn răng chịu đựng không dám ăn, mặc cho nước miếng đau lòng chảy ngược về bụng, trơ mắt nhìn ta nhâm nhi từng miếng, đôi mắt toé lửa, mặt xanh lè, lỗ mũi phập phồng giống con ếch đói khát. Vẫn là câu nói đó, tội gì phải thế, sau này lấy chồng, không khéo muốn ăn cũng chẳng được. Dì hết cách với ta, mắng ta là ngụy biện, ta cứ chuyện ta ta làm. Dì thấy ta không nghe lời bèn trút hết nhiệt tình vào sự nghiệp nịnh nọt cha ta sinh con trai. Năm ta mười tuổi, bạn tốt của ông nội là Tề quốc công cuối cùng kết thúc làm quan bên ngoài mười mấy năm, phụng chỉ về kinh vào lục Bộ, nhập các, ông ấy và ông nội là bạn từ thuở nhỏ, cùng trường, cùng năm, cộng thêm là đồng liêu, thân như anh em. Rằm tháng Giêng năm ấy, vì con cháu họ Tề chưa trở về kịp, lão công gia liền đến nhà ta ăn tết, ông nội bèn kêu con cháu trong nhà đến dập đầu chào hỏi. Ta theo lệ thường ăn vận chiếc áo đỏ thắm thể hiện vui mừng, cả người tròn như cái bánh chưng, ngực đeo khoá vàng mà chị em nào cũng có, trên đầu búi hai búi tóc tròn tròn mập mạp, quấn quanh bằng chuỗi ngọc san hô đỏ đơn giản. Dì vốn cũng định búi tóc đeo trâm cho ta, nhưng gương mặt tròn phúng phính nhìn kiểu gì cũng không hợp, đành phải từ bỏ. Nhìn em Bảy mặc chiếc áo vàng chiết eo thêu cành hoa hồng xinh xắn, tóc mai buông chiếc trâm nho nhỏ, tươi đẹp như con chim sơn ca, dì lại nhìn sang ta, ảo não suýt bật khóc. Chen chúc trong nhóm anh chị em thi lễ xong với Tề quốc công, ông nội và lão công gia đang hỏi han học vấn của các anh họ, ta bắt đầu mệt mỏi, chậm rãi, thong thả lui vào một góc. “Nhóc con mập mạp mặc bộ đồ đỏ thắm đâu, lại đây cho ta nhìn một cái.” Giọng nói già nua trong trẻo, nhưng cơn gió mát thổi tan oi bức trong nhà, ánh mắt mọi người đồng loạt đổ dồn lên ta. Ta rùng mình, tức khắc tỉnh táo, bị ai đó xô đẩy lên trên. Ta sợ hãi ngẩng đầu, liếc ông nội trước, sắc mặt ông nội rất phức tạp, cau mày nhìn bạn tốt bên cạnh, lộ vẻ suy tư. Tề lão quốc công rất hiền từ, vỗ móng vuốt mập mạp của ta, từ tốn hỏi ta bao nhiêu tuổi, đọc sách gì, thích ăn gì, đến khi biết ta đứng hàng thứ sáu càng vô cùng vui vẻ, liên tục kêu: “Tốt tốt, lục lục đại thuận, tốt!” Tốt cái gì mà tốt, trong nhà lắm cháu gái, làm gì được đặt tên chính thức, chẳng qua gọi theo thứ tự như “Ngũ Nương, Thất Nương” mà thôi, chị họ Hai ham chơi thấy ta hiền hoà, ít khi tức giận liền hay trêu ta là “Tiểu Lục Tử.” Ta là điển hình chỉ mạnh mẽ trong nhà, trừ lúc chỉ bảo dì ra, đối với người ngoài ta hầu như ít khi nói chuyện, lão quốc công hỏi một câu ta đáp một câu, vừa ngốc vừa ngơ, song lão quốc công rất kiên nhẫn với ta, cười tủm tỉm nghe ta lắp ba lắp bắp, chị họ Năm ở bên cạnh sắp trợn lòi cả tròng mắt, rõ ràng chị ta mới là cô gái lanh lợi nhất khéo miệng nhất khiến người khác thích nhất nhà cơ mà! Trước khi lão quốc công ra về còn móc ra một miếng ngọc Dương chi to bằng lòng bàn tay cho ta, miếng ngọc sáng lấp lánh, bóng loáng trơn nhẵn, dù ta không biết xem hàng, nhưng nghe thấy tiếng bác gái Ba hít một hơi liền biết tương đối đáng giá. Sau hôm đó, chị Ba chanh chua phàn nàn ta là “đứa ngốc quấy rối”. “béo ngốc như thế, quả thật làm xấu hổ nhà họ Thịnh”, ngay cả chị Tư tạm coi là ôn hoà cũng phớt lờ ta, còn chị Năm thì cố ý thân thiết với em Bảy, thường nói bóng nói gió. Ta rất khó chịu, ta rõ ràng không làm chuyện xấu, chính xác thì, ta có làm gì đâu mà bỗng dưng bị bắt nạt. Dì rất vui vẻ, liên tục khen Tề lão quốc công tuệ nhãn thức châu, nửa hôm trước bà còn cảm thấy ta giống “heo”, bây giờ lại thành “ngọc” rồi, quyền thế và của cải thật tốt nha, cái gì cũng thay đổi theo. Dì hỏi ta lão quốc công trông thế nào, ta không trả lời được, khi đó ta chỉ biết lo sợ, sợ không tuân theo đúng lễ số bị trách mắng, sau này hồi tưởng lại, Tề lão quốc công xấp xỉ tuổi tác với ông nội, cũng mặt trắng râu dài, dưới vẻ gầy gò là phong thái uy nghiêm. Nhưng cũng không phải hoàn toàn giống nhau, xưa nay ông nội luôn nói năng thận trọng, ánh mắt nghiêm nghị cương quyết, nhưng lão quốc công lại phóng khoáng hơn, luôn tươi cười, lúc cười đôi mắt hơi toả sáng, giống như gió mát lả lướt trên mặt sông, hây hây phả lên mặt vừa mát mẻ vừa thoải mái. Ta chưa bao giờ biết, một ông lão cũng có thể đẹp đến thế. Chú Hai họ Cố cũng rất điển trai, nhưng tính tình lại y hệt ông nội, hoặc không nói, hoặc hễ mở miệng không phải lời hay, thật phí của trời, tuổi càng lớn hành xử càng đanh thép, bao nhiêu đại quan tam, tứ phẩm nhìn thấy đều mềm nhũn đầu gối, càng chẳng ai dám chú ý tới tướng mạo của cậu ấy. Sau này có lần ta ngẫu nhiên nghe thấy chị Hai về thăm nhà kể rằng, Tề lão quốc công là mỹ nam hạng nhất kinh thành năm ấy, đến nay vẫn chưa có ai sánh bằng, ngữ khí vô cùng thất vọng, tựa hồ tiếc nuối bản thân sinh sau đẻ muộn tận vài chục năm, không thể tận mắt chiêm ngưỡng phong độ của mỹ nam tuyệt thế. Chị em trong phòng rúc rích cười khĩ, làm anh rể Hai rất không vui, nhanh chóng xuyên qua bình phong, xách bà xã về nhà. Về sau đều ở kinh thành làm quan, Tề lão quốc công thường sẽ đến trong phủ tìm ông nội đánh cờ bình thơ, mỗi lần đều phải gặp ta, mỗi lần gặp lại phải tặng quà gặp mặt, nào là bút lông sừng tê giác Lĩnh Nam màu hồng, ngọc trai Hải Nam to như ngón tay cái, nghiên mực vân đá do Phạm Đại Thành chế tạo ra, châu ngọc vùng tuyết biên thuỳ… ngay cả cha ta cũng hiếm thấy có đồ tốt như vậy. Dì cười híp mắt, mẹ con dì Khâu đối diện thì ghen tị xanh mắt, dì Lý được chiều chuộng nhất thì nheo mắt lại. “Nghe bảo họ Tề trù phú khó tả, quả nhiên là thật.” Cha nhận xét: “Lão quốc công không có con gái, cũng không có cháu gái, chắc là coi cái Sáu như cháu gái rồi.” Cây cao vượt rừng thì dễ đổ, người nổi bật thì bị bắt nạt. Đang chơi nhảy dây, đột nhiên ta sảy chân ngã nhào, chị Ba đến đỡ ta còn tiện thể véo mạnh vào tay ta một cái, nếu ta kêu đau, chị ấy sẽ ra vẻ kinh ngạc “úi chà ngã đau thế à”. Đang yên lành đi trên đường, tự dưng “sơ ý” ngã vào trong ao, may mà ao không sâu, cnẳng qua váy ướt một nửa, cộng thêm cảm lạnh ốm đau sáu, bảy ngày, em Bảy dựa vào cửa, cười hớn hở. Đang ngồi trong đình hóng mát, chợt thấy một chiếc ná quen mắt lòi ra từ bụi cỏ, nửa hòn bi bằng đất đánh vào người đau nhói, em trai Chín và chị Năm vốn là chị em ruột, luôn luôn thân thiết. Chị họ vốn ngồi cạnh ta trên lớp, có mấy lần ta nhìn thấy chị Năm nháy mắt với chị ấy, chị Tư cắn môi, nhìn chị Năm, lại nhìn ta, tay cầm nghiên mực giơ lên lại hạ xuống, thở dài khe khẽ, cúi đầu nghĩ vế thơ. Bác Hai say mê học vấn, chức quan không cao được như bác Ba, ta rất cảm kích chị Tư. Ta lén lút đưa nghiên mực vân đá đó đưa sang, nào ngờ ngày hôm sau bọc nhỏ nguyên vẹn bị trả về, kèm thêm một bình thuốc cao trị sưng tấy nhỏ. Rất lâu về sau, chị Tư được gả cho Tam hoàng tử làm thứ phi, mấy năm sau nữa, chính phi của Tam hoàng tử ốm yếu qua đời, bèn đưa chị Tư vốn có nhiều con cái phù chính. Tốt thật. Xoa tan máu bầm, ta cất hết từng báu vật mà lão quốc công tặng cho vào rương, khoá kỹ, nghiêm túc bảo dì: “Tương lai nếu ta lấy chồng không tốt, không chăm sóc được cho dì, dì cầm mấy thứ này mà đổi bạc dưỡng lão.” Mắt dì đỏ hoe, ôm ta khóc hồi lâu. Ai cũng đều không thích nén giận, nhưng nên nhẫn thì phải nhẫn, làm to chuyện lên thì sao chứ, chị Năm là con vợ cả, có rất nhiều anh em ruột thịt, bác Ba lại được ông nội coi trọng, chị em tranh chấp là chuyện nói nhỏ thì cũng nhỏ mà bảo to thì cũng to, thôi đừng tự làm mất mặt. Chỉ có một lần, nước ao trong chứng giám người, ta nhìn thấy trên mặt mình bị ná đánh hằn vết xanh to, ta che mặt trống trong hòn giả sơn, ngồi khóc tu tu, từng giọt nước mắt to chìm xuống bùn đất, thấm ướt một mảng nhỏ, Tiểu Cửu cố tình mà, ná của nó vừa chuẩn vừa ác. Làm thế nào, làm thế nào bây giờ, lần này không thể giấu được, không thể để dì nhìn thấy, dì sẽ tìm cha kể khổ, nhưng cha làm sao dám tranh cãi với bác Ba chứ, nửa năm nay cụ nội ốm bệnh mơ hồ, không có người làm chỗ dựa cho ta và dì, cho dù chị Năm và em Chín bị phạt thì ta và dì cũng chẳng tốt đẹp gì. Ta chịu đựng đau đớn ra sức xoa mặt, những mong xoa cho tan máu bầm, đôi mắt chua xót lại không chịu nghe lời, trong lòng vô cùng tủi thân, cứ sướt mướt mãi… Cuối cùng ta nảy ra ý ngốc, cố ý ngã xuống núi đá, rách cả trán, thế mới lừa gạt dì được. “Cái con bé nhiễu sự này, cọ rách mặt mai sau làm sao lấy chồng!” Dì hét lên đầy mạnh mẽ. May mà ác có ác báo, chưa được mấy ngày, ông nội thấy Tiểu Cửu ngày ngày lêu lổng, quyết tâm đưa hắn đến thư viện Tùng Sơn nhờ bạn tốt dạy dỗ giùm, bác gái Ba nhìn con út yêu thương nhất đi xa liền khóc sưng mắt, lại chẳng dám nhiều lời một câu. Chị Năm đại khái quá đau lòng, em trai vừa ra cửa liền ốm nặng, không thể lên lớp, bà nội thương chị ấy bèn đưa chị ấy đến trong phòng mình chăm sóc, hơn nửa năm sau chị Năm mới lành bệnh đi ra. Sau đó chị Năm không còn bắt nạt ta nữa, dù em Bảy ra sức lấy lòng xúi giục thế nào đều lạnh lùng hờ hững. Chẳng bao lâu sau, cụ bà qua đời, ông nội có đại tang, càng qua lại thân mật với Tề lão quốc công. Chín tháng sau ta tròn mười ba tuổi, cha ta làm cháu trai kết thúc hiếu kỳ, phủ Tề chợt tới cầu hôn, lão quốc công muốn cầu ta làm vợ cho cháu trai ông ấy.