Hồng Ngọc
Chương 8
Mẹ con tôi được dẫn lên cầu thang, đi dọc một hành lang dài với nhiều khúc ngoặt gấp, thỉnh thoảng còn lên hoặc xuống vài bậc. Khung cảnh bên ngoài mấy ô cửa sổ mà chúng tôi đi qua mỗi lúc một khác: lúc thì trông ra một khu vườn lớn, khi lại đối diện với một ngôi nhà hoặc trong một khoảng sân khác. Hành lang hun hút như bất tận, đoạn thì lát gỗ, đoạn khác lại khảm đá, qua rất nhiều những cảnh cửa đóng kín, những dãy ghế dài hun hút dựng bên tường, tranh sơn dầu lồng khung, những tủ xếp đầy sách bìa da và đồ sứ, tượng và những bộ áo giáp hiệp sĩ. Cứ như trong bảo tàng.
Suốt dọc đường, bác Glenda ném sang phía mẹ những ánh mắt căm hờn. Còn mẹ thì phớt lờ bà chị như có thể. Mặt mẹ tái nhợt và cực kỳ căng thẳng. Tôi cứ chực nắm lấy tay mẹ, nhưng nếu làm thế thì bác Glenda sẽ nhận thấy tôi đang hoảng sợ tới mức nào, mà đó lại hoàn toàn không phải là điều tôi muốn.
Chắc chắn chúng tôi không thể nào còn đang di chuyển trong một ngôi nhà. Theo cảm giác của tôi, ít nhất chúng tôi đã đi thông qua hai, ba ngôi nhà khác, khi cuối cùng ông George cũng dừng bước và gõ cửa.
Căn phòng mà tôi và mẹ bước vào lát sàn gỗ đen, hệt như phòng ăn ở nhà tôi. Cả trần nhà cũng được ốp gỗ, trang trí gần như không còn chỗ trống bằng những hình khối chạm khắc tỉ mỉ, đôi chỗ còn được thếp màu. Đồ đạc trong phòng đều tối màu và nặng nề. Lẽ ra quang cảnh phải rất ảm đạm và rùng rợn, nhưng ánh sáng rọi thẳng từ những ô cửa sổ cao hướng ra một vườn hoa nở rộ, khiển cả căn phòng sang bừng. Sau bức tường bao phía cuối vườn thậm chí người ta còn có thể trông thấy sông Thames đang lấp lánh dưới nắng.
Nhưng không chỉ phong cảnh bên ngoài và ánh sáng làm không gian trở nên tươi tắn, mà cả những hình khối chạm trổ trông cũng rất vui mắt, dù có vài hình hài rùng rợn đầu lâu xương sọ. Các bức tường như đang sống động. Leslie hẳn sẽ rất vui mừng nếu được sờ nắn những nụ hồng y như thật, những mẫu hoa văn cổ đại, những hình thú vật vui nhộn, và nghiên cứu những cấu trúc bí hiểm nơi đây. Nào là sư tử có cánh, chim ưng, trăng sao, mặt trời và các hành tinh, nào là rồng, kỳ lân, thiên thần, các nàng tiên, cây cối và thuyền buồm, tất cả đua nhau khoe vẻ sống động.
Ấn tượng nhất là con rồng trên trần nhà, trông như đang bay lượn trên đầu chúng tôi. Đo từ chót đuôi nhọn hình mũi tên tới cái đầu lớn phủ vảy có lẽ nó phải dài tới bảy mét. Tôi không thể rời mắt ngắm nó. Đẹp tuyệt trần! Quá sững sờ, tôi suýt nữa quên lý do vì sao mẹ con tôi đưa chân đến đây.
Quên cả việc không chỉ hai chúng tôi trong phòng.
Trông thấy hai mẹ con tôi, tất cả những người đang có mặt trong phòng giật nẩy mình như trúng sét.
"Có lẽ chúng ta có vấn đề cần giải quyết," ông George nói.
Quý bà Arista đang đứng cứng đơ bên cửa sổ lên tiếng: "Grace! Sao con không ở chỗ làm việc? Còn Gwendolyn, sao không tới trường?"
"Bọn con cũng không mong gì hơn thế đâu, thưa mẹ," mẹ đáp.
Charlotte đang ngồi trên ghế sofa ngay dưới một nàng tiên cả tuyệt mỹ. Mỗi chiếc vảy trên đuôi này đều được chạm khắc tinh xảo và sơn đủ mọi cung bậc thiên thanh và xanh dương. Một người đàn ông mặc com lê đen thanh lịch, đeo kính gọng đen đứng tựa vào bệ lò sưởi cạnh sofa. Thậm chí cà vạt của ông ta cũng đen. Ông ta nhìn tôi và mẹ với vẻ mặt hằm hè không giấu giếm. cạnh ông ta là một thằng bé chừng bảy tuổi đang túm chặt lấy áo khoác của ông.
"Grace!" Một người cao lớn sau bàn viết nhỏm dậy. Ông có mái tóc bạc lượn sóng tựa như bờm sư tử rủ xuống bờ vai rộng. Đôi mắt màu nâu sang rất nổi bật, gợi nhớ màu hổ phách. Mặt ông trông trẻ hơn nhiều so với tuổi tác hiển thị qua màu tóc, hấp dẫn đến nỗi chỉ cần gặp một lần là không bao giờ quên, như bị bỏ bùa mê. Ông nhoẻn miệng cười, để lộ hàm răng trắng đều tăm tắp. "Grace, đã lâu rồi chúng ta không gặp nhau." Ông ta đi vòng qua bàn tới chỗ hai mẹ con tôi rồi chìa tay ra. "Em không hề thay đổi chút nào."
Mẹ đỏ mặt khiến tôi sửng sốt. "Cảm ơn anh. Trông anh cũng vẫn như xưa, Falk."
"Tóc anh bạc cả rồi," ông phẩy tay phủ nhận.
"Em thấy nó hợp với anh đấy chứ," mẹ nói.
Ơ? Mẹ đang làm duyên với người này sao?
Nụ cười của người đàn ông tươi lên chút nữa, trước khi ánh nhìn màu hổ phách chuyển từ mẹ sang tôi, và một lần nữa tôi lại cảm thấy khó chịu khi bị quan sát quá kỹ lưỡng.
Đôi mắt này quả thật rất kỳ lạ. Nó hoàn toàn có thể là của sói hoặc mèo rừng. Ông ta chìa tay ra. "Ta là Falk de Villiers. Còn cháu hẳn là con gái Gwendolyn của Grace." Ông nắm tay tôi chặt và thân thiện. "Lần đầu tiên ta được làm quen một cô gái nhà Montrose mà tóc lại không đỏ."
"Cháu thừa hưởng màu tóc này của bố," tôi ngượng ngùng nói.
"Chúng ta vào chủ đề luôn nhé?" người mặc đồ đen đeo kính bên lò sưởi cất tiếng.
Falk de Villiers buông tay rồi nháy mắt với tôi. "Được chứ."
"Cô em tôi vừa tung ra một chuyện khủng khiếp," bác Glenda nói, và người ta có thể nhận thấy bác phải cố gắng tới mức nào để không rít lên. "Còn ông George thì không chịu tin tôi! Cô em tôi bảo, Gwendolyn - Gwendolyn! - đã vượt thời gian về quá khứ ba lần. Và bởi biết rất rõ là không cách gì chứng minh được, cô ta còn kịp phù phép ra ngay một câu chuyện cổ tích thích hợp, nhằm lý giải cho cái ngày sinh sai toét. Tôi muốn nhắc mọi người nhớ chuyện gì đã xảy ra cách đây mười bảy năm, và hồi đó cô Grace đây đã đóng một vai trò không mấy đẹp mặt. Còn bây giờ, khi đã tiến sát vạch đích, tôi chẳng hề ngạc nhiên khi cô ta xuất hiện ở đây để chọc phá công việc của chúng ta."
Quý bà Arista rời vị trí bên cửa sổ và tiến lại. "Có thật không? Grace?" Vẻ mặt bà nghiêm khắc và sắt đá như mọi khi. Đôi lúc tôi tự hỏi, liệu có phải vì mái tóc chải căng ra sau đầu khiến nét mặt bà trơ trơ bất động đến vậy. Có thể vì các cơ mặt luôn bị hãm ở nguyên một vị trí. Cùng lắm chỉ có đôi mắt thỉnh thoảng nhướn lên khi bà căng thẳng. Như lúc này.
Ông George nói: "Bà Shepherd nói, bà ấy và chồng đã đút lót để bà đỡ ghi sai giấy chứng sinh, để không ai biết rằng cả Gwendolyn cũng có thể là đối tượng mang gien."
"Nhưng vì sao phải làm thế? " Quý bà Arista hỏi.
"Bà ấy bảo muốn bảo vệ con mình, và thêm nữa, bà ấy hy vọng Charlotte mới là người mang gien."
"Hy vọng! Làm gì có chuyện đó!" bác Glenda kêu lên.
"Tôi cho rằng mọi chuyện thực ra nghe rất logic," ông George nói.
Tôi nhìn Charlotte mặt tái nhợt trên sofa đang đưa mắt nhìn từ người này sang người kia. Lúc ánh mắt chúng tôi giao nhau, Charlotte vội quay đầu sang hướng khác.
"Tôi có cố cũng không nhận ra cái gì ở đây logic cả," quý bà Arista nói.
"Chúng tôi đang kiểm chứng câu chuyện này." Ông George đáp. "Bà Jenkins sẽ tìm ra bà đỡ."
"Tôi tò mò một chút: em đã trả cho bà đỡ bao nhiêu tiền, Grace?" ông Falk de Villier hỏi. Ở những phút vừa rồi, đôi mắt ông ngày càng nheo lại, và khi thu mẹ vào tầm ngắm, trông ông như một con sói.
"Em…em không nhớ nữa," mẹ đáp.
Ông Villier nhướn mày. "Hừm, nhiều thì chắc là không. Theo như tôi biết thì thu nhập của chồng em khá khiêm tốn."
"Đúng thế!" bác Glenda cay độc. "Lúc nào chả đói dài!"
"Như các người nói đấy: nhiều thì chắc là không," mẹ đáp. Vẻ luống cuống cũng như sắc đỏ trên mặt mẹ trước cái nhìn của ông Villiers đột ngột biến mất như khi nó tới.
"Vì sao bà đỡ ấy lại làm những gì hai người yêu cầu?" ông Villiers hỏi. "Chả gì thì cũng là làm giả giấy tờ. Không phải là tội nhẹ."
/
Mẹ hất đầu ra sau. "Chúng tôi đã kể với bà ấy rằng gia đình chúng tôi là thành viên trong một giáo phái ma quỷ và tin vào tử vi đến mức bệnh hoạn. Chúng tôi bảo bà ấy, đứa trẻ nào sinh vào ngày 7 tháng Mười sẽ phải chịu nhiều áp đặt kinh khủng và bị chọn làm đối tượng cho những tập tục ma giáo ấy. Bà ấy tin chúng tôi. Là người nhân hậu, lại không mấy ưa các tà giáo, nên bà ấy đã khai sai ngày trên giấy chứng sinh."
"Những tập tục ma giáo! Thật không biết xấu hổ!" người đàn ông cạnh lò sưởi rít lên như rắn, cậu nhóc bên cạnh lại càng xáp vào gần ông ta hơn.
Ông Villier mỉm cười đồng tình. "Một câu chuyện không tồi chút nào. Để xem bà đỡ đó có kể lại câu chuyện như thế không."
"Theo tôi thì lãng phí thời gian vào việc kiểm chứng này thật không khôn ngoan," quý bà Arista nói chen vào.
"Đúng thế," bác Glenda bảo. "Charlotte có thể vượt thời gian bất cứ lúc nào. Lúc đó chúng ta sẽ biết ngay rằng câu chuyện của Grace là bịa, là ảo thuật nhằm chọc gậy bánh xe."
"Vì sao cả hai đứa trẻ lại không thể cùng thừa kế gien," ông George nói. "Đã từng có trường này."
"Đúng vậy. Nhưng Timothy và Jonathan de Villers là song sinh cùng trứng," ông Villers bảo. "Và điều đó cũng nằm trong lời tiên tri."
"Đáp ứng điều đó, trong máy đồng hồ có hai viên Carnerlian, hai ống nhỏ giọt, hai lần mười ngăn nguyên tố và hai vòng răng cưa," người đàn ông bên lò sưởi nói. "Còn hồng ngọc thì chỉ có một."
"Lại cũng đúng nốt," ông Georege đáp. Khuôn mặt của ông đượm vẻ lo âu.
"Quan trọng hơn có lẽ là việc phân tích động cơ những lời dối trá của cô em tôi," bác Glenda nhìn mẹ đầy căm ghét. "Nếu cô có âm mưa xui người ta cho máu của Gwendolyn vào máy đồng hồ để phá hỏng nó, thì cô ngay thơ hơn tôi tưởng đấy."
"Làm sao cô ta có thể cho rằng chúng ta sẽ tin bất cứ một lời nào của cô ta nhỉ?" người đàn ông bên lò sưởi nói. Tôi thấy ghét cái cung cách ngạo mạn vênh váo của gã này, làm như không hề có mặt hai mẹ con tôi trong phòng. "Tôi còn nhớ cô Grace ngày đó đã nói dối ra sao để che chắn cho Lucy và Paul. Cô ta đã tiếp tay tạo ra một khoảng thời gian chênh lệch quyết đinh. Nếu không phải do cô ta thì chúng ta cõ lẽ đã ngăn được thảm họa đó."
"Jake!" ông Villiers lên tiếng.
"Thảm họa nào?" tôi hỏi. Và Paul là ai?
"Chỉ riêng sự hiện diện của người này trong phòng đã khiến tôi thấy kinh khủng," người đàn ông bên lò sưởi nói.
"Còn ông là ai?" Ánh mắt và giọng nói của mẹ cực kỳ khinh bạc. Tôi rất ấn tượng khi chứng kiến mẹ không để ai bắt nạt.
"Không quan trọng," người kia nói mà không thèm nhìn mẹ. Cậu nhóc tóc vàng dè dặt ló đầu từ sau lưng gã ra nhìn tôi. Cái mũi đầy những đốm tàn nhang của thằng bé làm tôi nghĩ tới Nick hồi nhỏ, vì thế tôi mỉm cười với nó. Cậu nhóc tội nghiệp – có gã khốn này làm ông thì thật khổ. Cậu bé đáp lại nụ cười của tôi bằng cặp mắt sửng sốt rồi lập tức rụt lại trốn ra sau áo người ông.
"Bác sĩ Jacob White," giọng ông Fakl de Villier lộ vẻ thích thú rõ rệt. "Một thiên tài trong lĩnh vực y học và sinh hóa. Bình thường thì ông ấy lịch sự hơn một chút."
Jacob Grey thì có lẽ hợp hơn. Thậm chí mặt ông ta cũng có tông xám.
Ông Villiers nhìn tôi, rồi ánh mắt lại hướng sang phía mẹ. "Chúng ta vẫn phải ra quyết định, dù thế này hay thế kia. Chúng ta nên tin em, Grace, hay em đang có âm mưu gì?"
Mẹ trừng mắt giận dữ nhìn ông ta vài giây. Nhưng rồi mẹ nhắm mắt lại nói khẽ: "Tôi có mặt ở đây không phải vì muốn ngăn trở sứ mệnh bí hiểm và to tát của các người. Tôi tới đây chỉ bởi tôi không muốn có chuyện gì xảy đến với con gái tôi. Nhờ chiếc máy đồng hồ, những chuyến trở về quá khứ có thể diễn ra an toàn và con bé có thể sống một cuộc đời tương đối bình thường. Đó là tất cả những gì tôi muốn."
"Ừ, tất nhiên!" bác Glenda nói. Bác đi ra sofa, ngôi xuống cạnh Charlotte. Tôi cũng muốn ngồi, chân tôi dần dần đã quá mỏi. nhưng vì không có ai đẩy ghế ra mời nên tôi không còn cách nào khác là tiếp tục đứng.
"Những gì tôi làm ngày đó không lien quan gì tới… việc của các người," mẹ tiếp tục. "Thật tình là tôi không nghe được nhiều về chuyện này, và có nghe gì thì cũng chẳng hiểu."
"Nếu vậy thì tôi lại càng không hình dung ra nổi lý do vì sao cô dám cả gan tới đây và xía mũi vào như thế," bác sĩ White vận đồ đen bảo. "Xía mũi vào những chuyện mà cô chẳng hiểu."
"Tôi chỉ muốn giúp Lucy mà thôi," mẹ bảo. "Con bé là cháu tôi, tôi chăm nom từ lúc còn đỏ hỏn, và nó đã xin tôi giúp. Nếu là tôi thì ông sẽ làm gì? Trời ạ, cả hai đứa còn trẻ quá, lại yêu nhau và...- đơn giản là tôi không muốn chúng gặp phải điều gì không hay."
"Hừm, ít nhất thì cô đã thành công!"
"Tất cả chúng ta đều rất yêu thương Lucy!" quý bà Arista nói. "Chính vì thế mà lẽ ra phải tách nó ra khỏi cậu thanh niên có những quan niệm ngược đời kia, thay vì ủng hộ nó!"
"Quan niệm ngược đời là thế nào! Chính con nhãi tóc đỏ ấy là đứa nhồi nhét vào đầu thằng Paul mấy lý thuyết âm mưu ngớ ngẩn!" bác sĩ White nói. "Chính nó xui thằng bé ăn cắp!"
"Không phải vậy!” quý bà Arista phản đối. "Lucy chẳng bao giờ làm vậy. chính Paul mới là người lợi dụng sự ngây thơ nhẹ dạ và dụ dỗ con bé."
"Ngây thơ! Đúng là tiếu lâm!" bác sĩ White vặc lại.
Ông Falk de Villiers giơ tay lên. "Chúng ta đã có quá nhiều những cuộc tranh luận vô bổ. Theo tôi thì quan điểm các bên đã rõ." Ông nhìn đồng hồ. "Gideon sẽ quay lại ngay, tới khi đó, chúng ta cần phải quyết định về tiến trình tiếp theo. Charlotte, cháu thấy trong người ra sao?"
"Cháu vẫn đau đầu lắm," Charlotte đáp, mắt không rời sàn nhà.
"Đấy, mọi người thấy chưa." Bác Glenda cười độc địa.
"Tôi cũng đang đau đầu đây," mẹ nói. "Nhưng như thế không có nghĩa là tôi sắp vượt thời gian phải không?"
"Cô... cô đúng là đồ khốn kiếp!" bác Glenda nói.
"Tôi nghĩ, chúng ta cứ nên cho rằng bà Shepherd và Gwendolyn nói thật đi," ông George cầm chiếc khăn tay thấm mồ hôi trán. "Nếu không chúng ta sẽ chỉ mất thêm nhiều thời gian quý báu."
"Anh không nói đùa đấy chứ, Thomas!" Bác sĩ White nện nắm đấm lên lò sưởi, mạnh đến nỗi một chiếc cốc bạc đổ lăn ra.
Ông George giật nẩy, nhưng vẫn nói tiếp với giọng điềm tĩnh: "Theo Gwendolyn nói thì cú vượt thời gian cuối cùng cách đây độ một tiếng rưỡi đến hai tiếng đồng hồ. Chúng ta có thể chuẩn bị cho con bé và ghi chép tỉ mỉ cú vượt tiếp theo"
"Tôi cũng nghĩ hệt như thế," ông Villiers bảo. "Có ai phản đối không?"
"Nói thế thì khác nào bảo tôi nói chuyện với bức tường," bác sĩ White đáp.
"Đúng vậy," bác Glenda đồng tình.
"Tôi đề nghị dùng phòng tài liệu cho việc này," ông George bảo. "Ở đó Gwendolyn sẽ được an toàn và sau khi con bé trở về, chúng ta có thể ngay lập tức cho máy đồng hồ nhận dạng con bé."
"Phải tay tôi thì thậm chí con bé còn không được lại gần cỗ máy nữa kia!" bác sĩ White nói.
"Trời đất ơi, Jake, giờ thì đủ rồi đấy," ông Villiers nói: "Nó chỉ là một cô bé thôi! Anh cho là nó giấu bom trong bộ đồng phục học sinh hay sao?"
"Người kia cũng từng chỉ là một cô bé," bác sĩ White khinh khỉnh.
Ông Villiers gật đầu với ông George. "Chúng ta cứ làm như anh đề xuất. Anh lo chuyện này nhé."
"Đi nào, Gwendolyn," ông Geogre bảo.
Tôi không nhúc nhích. "Mẹ?"
"Không sao đâu con, mẹ sẽ chờ con ở đây," mẹ gượng gạo cười.
Tôi nhìn sang phía Charlotte. Cô nàng vẫn còn dán mắt xuống sàn nhà. Bác Glenda nhắm chặt mắt chán chường tựa vào lưng ghế. Trông bác như cũng đang đau đầu ghê lắm. Ngược lại với bác, bà ngoại nhìn tôi chằm chằm cứ như đây là lần đầu tiên bà trông thấy tôi. Có lẽ cũng đúng.
Cậu nhóc lại mở to mắt ló ra nhìn sau áo khoác của bác sĩ White. Tội nghiệp thật. Gã già nua xương xẩu kia thậm chí còn chưa một lần nói chuyện với nó, gã coi nó như không khí.
"Lát nữa gặp lại nhé cưng," mẹ nói.
Ông George nắm lấy tay tôi và mỉm cười khích lệ. Tôi rụt rè cười đáp. Tôi thấy quý ông ấy. Dù sao thì trong số những người ở đây, có thể nói ông ấy là người thân thiện nhất. Và là người duy nhất có vẻ tin lời hai mẹ con tôi.
Dù vậy tôi vẫn cảm thấy không yên chút nào khi để mẹ lại một mình. Lúc cửa phòng khép lại sau lưng, đứng giữa hành lang, tôi suýt chút nữa òa khóc: "Con muốn ở với mẹ cơ!" Nhưng tôi đã cố trấn tĩnh lại.
Ông George buông tay tôi và đi trước. Thoạt tiên đi lại con đường chúng tôi đi ban nãy, sau đó qua cánh cửa dẫn sang lối khác, rồi một cầu thang dẫn xuống dưới, lại qua cánh cửa mới nối sang lối đi mới – như vào mê cung. Dùng đuốc nhựa cây có lẽ sẽ hợp phong cách hơn, nhưng những lối đi này lại được lắp đèn hiện đại, chiếu sáng gần như ban ngày.
"Thoạt tiên thì có vẻ rối rắm, nhưng sau một thời gian người ta sẽ thông thạo hết" ông George nói.
Lại thêm một cầu thang xuống dưới, lần này rất lắm bậc. Những bậc bằng đã tựa như xoáy sâu bất tận xuống lòng đất. "Những hiệp sĩ dòng Đền đã xây nên ngôi nhà này hồi thế kỷ thứ 12. Trước đó, người La Mã đã từng thử trụ ở đây, và họ là người Celt. Đối với tất cả họ, đây là chốn thiêng liêng, và điều này vẫn không hề thay đổi cho đến tận hôm nay. Người ta có thể cảm nhận sự đặc biệt ở từng tấc đất, cháu có thấy vậy không? Như thể có một sức mạnh kỳ diệu tỏa ra từ mảnh đất này."
Tôi không hề cảm thấy thế chút nào. Ngược lại, tôi chỉ thấy mệt mỏi rã rời. Tôi đã mất ngủ đêm qua.
Khi ngoặt gấp sang phải ở cuối cầu thang, một thanh niên đột nhiên xuất hiện ngay trước mắt chúng tôi. Suýt chút nữa thì chúng tôi đâm sầm vào nhau.
"Ối!" ông George thốt lên.
"Chào ông George." Người thanh niên nọ có mái tóc quăn sẫm màu, dài gần chấm vai, mắt xanh lục lấp lánh, đến nỗi tôi tưởng hắn đeo kính áp tròng. Và mặc dù chưa từng trông thấy tóc và mắt hắn trước đây. Nhưng tôi nhận ra hắn ngay lập tức. Tôi cũng nhận ra được giọng hắn ở bất cứ đâu. Hắn chính là người tôi đã nhìn thấy trong lần vượt thời gian gần đây nhất.
Nói đúng hơn thì hắn chính là gã thanh niên mà cô gái bản sao của tôi từng hôn, trong lúc tôi đứng sau tấm rèm và không tin nổi vào mắt mình.
7.1
Tôi chẳng thể làm gì hơn ngoài việc nhìn hắn chằm chằm mất hồn. Nhìn chính diên và không đội tóc giả, trông hắn còn đẹp hơn ngàn lần. Tôi quên béng là Leslie và tôi thường không ưa con trai tóc dài. (Leslie cho là bọn nó nuôi tóc dài chỉ để dễ dàng che đôi tai vểnh.)
Hắn nhìn lại tôi, tương đối ngơ ngác, lướt từ đầu tới chân rồi đưa mắt nhìn ông George dò hỏi.
"Gideon, đây là Gwendolyn Shepherd," ông George khẽ thở dài. "Gwendolyn, đây là Gideon de Villiers."
Gideon de Villiers. Gã chơi polo. Người vượt thời gian kia.
"Chào em," hắn lịch sự nói.
"Chào anh," sao tự nhiên giọng tôi lại khản đặc thế nhỉ?
"Ta nghĩ là hai đứa sẽ làm quen nhau kỹ hơn." Ông George cười lo âu. "Có thể Gwendolyn là Charlotte mới của chúng ta."
"Sao cơ ạ?" Đôi mắt màu xanh lại thẩm định tôi lần nữa, lần này chỉ trên khuôn mặt. Tất cả những gì tôi có thể làm chỉ là chăm chăm nhìn lại một cách ngây ngô.
"Chuyện rất phức tạp," ông George bảo. "Tốt nhất là cậu hãy tới Long điện để bác cậu giải thích tất cả."
Gideon gật đầu. "Đằng nào cháu cũng đang định tới đó. Tạm biệt ông George. Tạm biệt Wendy."
Wendy là ai?
"Gwendolyn," ông George chỉnh lại, nhưng Gideon đã rẽ sang lỗi khác. Tiếng chân hắn xa dần trên cầu thang.
"Chắc là cháu có nhiều chuyện cần hỏi," ông George bảo. "Ta sẽ cố gắng hết khả năng để trả lời cháu."
May mà cuối cùng cũng được ngồi duỗi cẳng cho đỡ mỏi. Phòng tài liệu thực ra rất dễ chịu, dù nó ở dưới tầng hầm mái vòm và chẳng có cửa sổ. Lửa bập bùng trong lò sưởi, xung quanh có giá và tủ sách cũng như những chiếc ghế bành tựa cao êm ái cùng chiếc sofa mà tôi đang ngồi. Lúc chúng tôi vào phòng, một thanh niên đứng lên sau bàn viết. Anh ta gật đầu chào ông George và im lặng rời phòng.
"Người ấy bị câm hả ông?" tôi hỏi, và cũng là điều đầu tiên trong đầu.
"Không," ông George nói. "Nhưng anh ta vừa lập lời thề im lặng. Trong bốn tuần tới anh ta sẽ không nói gì."
"Làm thế để làm gì?"
"Đó là một nghi lễ. Các môn sinh đều phải trải qua một loạt kỳ thi trước khi được thu nhận vào tốp ngoài của chúng ta. Trong đó trước hết phải chứng minh cho chúng ta thấy khả năng biết giữ mồm giữ miệng." Ông George mỉm cười. "Chắc cháu cho là chúng ta rất lập dị phải không? Đây, cháu cầm lấy cái đèn pin. Đeo nó lên cổ."
"Giờ chuyện gì sẽ xảy ra với cháu?"
"Chúng ta đợi cú vượt thời gian tiếp theo của cháu."
"Khi nào ạ?"
"Ồ, không ai nói chính xác được. Mỗi người vượt thời gian một khác. Người ta kể, trong cả cuộc đời, cụ tổ Elaine Burghley của cháu – trong Hội Thập Nhị là người thứ Hai – không vượt thời gian quá năm lần. Tuy nhiên, cụ ấy đã mất khi mới mười tám tuổi vì nhiễm khuẩn sản. Ngược lại thì bá tước hồi còn trẻ cứ vài tiếng lại vượt thời gian, mỗi ngày từ hai đến bảy lần. Người ta có thể hình dung ông ấy sống nguy hiểm thế nào cho tới khi hiểu được lợi ích của máy đồng hồ." Ông George chỉ lên bức sơn dầu phía trên lò sưởi, vẽ một người đội tóc giả trắng xoăn thành lọn. "Ông ấy kia kìa. Bá tước Saint Germain."
"Bảy lần một ngày?" Thế thì kinh khủng quá. Tôi sẽ chẳng còn thì giờ để ngủ đẫy giấc hay đi học được nữa.
"Cháu đừng lo. Nếu chuyện đó diễn ra, bất cứ lúc nào, thì cáu sẽ trở về đúng phòng này và luôn được an toàn. Cháu cứ ngồi đợi cho tới khi quay trở lại hiện tại. Cháu không cần phải đi đâu một bước. Trong trường hợp có gặp ai đó, cháu chỉ cần giơ chiếc nhẫn này lên." Ông George rút cái nhẫn triện khỏi ngón tay và trao cho tôi. Tôi quan sát nét chạm khắc trên nhẫn. Đó là một ngôi sao mười hai cánh, ở giữa có những chữ cái lòng xoắn với nhau. Một lần nữa, cô bạn Leslie thông minh của tôi lại đúng.
"Thầy Whitman, thầy giáo dạy môn Anh văn và Sử của bọn cháu cũng có một chiếc như thế này."
"Đó là một câu hỏi à?" Trong mắt ông George phản chiếu ánh lửa lò sưởi lấp lánh, rất dễ chịu.
"Không ạ." Không cần tới câu trả lời nữa. Rõ rành rành, thầy Whitman cũng cùng trong số họ. Leslie đã đoán được điều này.
"Cháu không còn điều gì muốn biết nữa à?"
"Paul là ai và chuyện gì đã xảy ra với chị Lucy? Còn vụ trộm cắp là vụ nào? Và mẹ cháu hồi đó đã làm gì để mọi người giận mẹ đến thế?" tôi tuôn ra một tràng.
"Ồ." Ông George bối rối gãi cằm. "Hừm, tiếc là ta không thể trả lời cháu chuyện này được."
"Cháu cũng biết trước là thế."
"Gwendolyn, nếu cháu quả thực là số Mười hai thì chúng ta sẽ giải thích cho cháu từng li từng tí một, ta hứa. Trước tiên, chúng ta cần phải chắc chắn đã. Nhưng các câu hỏi khác của cháu thì ta sẵn lòng trả lời."
Tôi im lặng.
Ông George thở dài. "Thôi được: Paul là em trai của ông Falk de Villiers, là người thứ Chín trong Hội Thập Nhị, người vượt thời gian gian gần nhất trong dòng họ Villiers, trước Gideon. Hiện giờ như thế là đủ với cháu. Nếu cháu còn câu hỏi nào ít hóc búa hơn thì…"
"Ở đây có nhà vệ sinh không ạ?"
"Ồ, có chứ, tất nhiên. Ngay cạnh đây. Để ta đưa cháu đi."
"Cháu tự đi được."
"Tất nhiên," nói vậy chứ ông George vẫn bám theo tôi như một cái bóng tròn nhỏ ra đến cửa. Ở đó, người thanh niên lập lời thề câm lặng nọ đang đứng như một lính gác hoàng cung.
"Kia kìa," ông George chỉ sang trái. "Ta đợi ở đây."
Trong nhà vệ sinh, một căn phòng nhỏ sặc mùi thuốc tẩy trùng với bồn cầu và bồn rửa mặt, tôi rút điện thoại di động trong túi ra. Không có sóng, tất nhiên rồi. Thế mà tôi định kể hết cho Leslie nghe. Dẫu sao thì vẫn xem được đồng hồ, và tôi kinh ngạc vì giờ mới chỉ tầm trưa. Tôi có cảm giác như đã ở đây mấy ngày. Mà tôi cũng cần "giải quyết" thật.
Thấy tôi ra khỏi nhà vệ sinh, ông George mỉm cười nhẹ nhõm. Rõ ràng ông ấy sợ tôi có thể biến mất. Về phòng tài liệu, tôi lại ra sofa và ông George lại ngồi ghế bành đối diện.
"Thế này nhé, giờ chúng ta chơi tiếp trò hỏi đáp," ông ấy bảo. "Nhưng lần này thay nhau. Mỗi người hỏi một câu."
"Được ạ," tôi nói. "Ông hỏi trước đi."
"Cháu có khát không?"
"Có ạ. Cho cháu xin một ly nước, nếu có. Hoặc trà?"
Quả nhiên ở dưới này có nước lọc, nước quả và rượu vang cả ấm đun nước pha trà. Ông George pha một ấm Earl Grey.
"Đến lượt cháu," ông nói khi quay lại
"Nếu như gen quyết định khả năng vượt thời gian, vì sao ngày sinh lại quan trọng? Vì sao người ta không lấy máu của Charlotte từ lâu để kiểm nghiệm gien này? Vì sao người ta không dùng máy đồng hồ đưa chị ấy về một quá khứ an toàn, trước khi chị ấy tự mình vượt thời gian và có thể sẽ gặp nguy hiểm?"
"Thế này nhé, thứ nhất: Chúng ta chỉ tin là chuyện này có liên quan đến gien, chứ không biết chắc. Chúng ta chỉ biết có thứ gì đó trong máu khiến các cháu khác người bình thường nhưng chưa tìm được ẩn số này, dù đã nghiên cứu nhiều năm nay và huy động các nhà khoa học giỏi nhất thế giới. Tin ta đi, mọi chuyện có lẽ đã đơn giản hơn nhiều có thể chứng minh được gien này trong máu, hoặc bất cứ là thứ gì. Vì vậy chúng ta cần tới những tính toán và quan sát mà các thế hệ trước đã thu thập được."
"Nếu bơm máu của Charlotte vào máy đồng hồ thì điều gì sẽ xảy ra?"
"Khả năng tệ nhất là nó bị hỏng," ông George nói. "Thêm nữa là, Gwendolyn, chỉ là một giọt máu tí xíu, không cần phải bơm! Giờ thì tới lượt ta. Nếu được phép chọn thì cháu thích quay về khoảng thời gian nào nhất?"
Tôi ngẫm nghĩ. "Cháu không muốn trở về quá khứ. Chỉ độ mười năm thôi. Được thế thì cháu có thể gặp và nói chuyện với ông ngoại một lần nữa."
Ông George nhìn tôi đầy thương hại. "Quả là một nguyện vọng chính đáng, nhưng không được đâu. Không ai có thể trở về thời mình đã sống. Thời điểm sớm nhất mà cháu có thể quay về thời gian trước khi cháu ra đời."
"Ồ." Tiếc thật. Bởi tôi đã thử hình dung ra khả năng quay về thời học tiểu học, vào đúng ngày bị thằng nhãi ranh Gregory Forbes gọi là "con cóc xấu xí" trên sân trường rồi đá bốn phát liền ống đồng. Tôi sẽ xuất hiện ở đó như một nữ siêu nhân – và từ đó trở đi có lẽ thằng Gregory Forbes kia sẽ không bao giờ cả gan đá đám con gái bé xíu nữa, chắc chắn là thế.
"Lại đến lượt cháu," ông George nói.
"Người ta dặn cháu dùng phấn vạch một dấu nhân trong trường hợp Charlotte biến mất. Để làm gì thế ạ?"
Ông George phẩy tay. "Hãy quên chuyện vớ vẩn này đi. Bác Glenda của cháu cứ nằng nặc đòi chúng ta phải canh chừng địa điểm đó. Chúng ta có thể căn cứ vào miêu tả vị trí để cử Gideon trở về quá khứ, Đội cận vệ sẽ đón và bảo vệ Charlotte cho đến khi quay trở lại."
"Vâng, nhưng người ta đâu biết chị ấy sẽ quay về thời nào. Rất có thể Đội cận vệ sẽ phải ngày đêm canh gác vị trí ấy mấy chục năm liền!"
"Ừ," ông George thở dài. "Đúng đấy! Giờ lại đến lượt ta. Cháu còn nhớ được ông ngoại cháu không?"
"Có chứ ạ. Hồi ông mất, cháu đã mười tuổi. Ông ngoại khác hẳn quý bà Arista, vui nhộn và dễ tính. Ông thường kể cho cháu và em cháu những chuyện rùng rợn. Ông cũng biết ông cháu?"
"Ồ, tất nhiên! Ông ngoại cháu là thầy đỡ đầu và là người bạn tốt nhất của ta." Ông George đăm chiêu nhìn ngọn lửa một hồi lâu.
"Thằng nhóc kia là ai ạ?" tôi hỏi
"Thằng nhóc nào?"
"Thằng nhóc lúc nãy cứ túm chặt lấy áo khoác của bác sĩ White."
"Cháu nói gì cơ?" Ông George rời mắt khỏi ngọn lửa và ngơ ngác nhìn tôi.
Lạ thật, làm thế nào để miêu tả rõ hơn bây giờ. "Một thằng nhóc tóc vàng, độ bảy tuổi. Nó đứng cạnh ông White," tôi nói thật chậm.
"Nhưng ở đó làm gì có thằng nhóc nào," ông George nói. "Cháu đang trêu ta đấy à?"
"Không ạ," tôi đáp. Đột nhiên tôi hiểu ra những gì mình trông thấy, và tôi bực mình vì đã không ngay lập tức nhận ra điều đó.
"Cháu vừa nói đến một thằng nhóc tóc vàng, chừng bảy tuổi?
"Bỏ qua chuyện đó đi ạ." Tôi làm ra vẻ rất quan tâm tới những cuốn sách trên giá phía sau lưng.
Ông George im lặng, nhưng tôi cảm nhận rõ ánh mắt ông xoáy vào tôi.
"Giờ lại đến lượt ta," rốt cuộc ông lên tiếng.
"Cháu chán trò này rồi. Mình chơi cờ được không ạ?"
Trên bàn có sẵn một bàn cờ. Nhưng ông George không để tôi đánh trống lảng.
"Có phải đôi khi cháu trông thấy những thứ nào đó mà người khác không thấy?"
"Trẻ con không phải là thứ nào đó," tôi nói. "Nhưng nếu ông muốn biết thì, vâng, thỉnh thoảng cháu trông thấy những thứ người khác không thấy." Tôi không biết vì sao mình lại tin cậy thổ lộ cho ông ấy.
Vì lí do gì không rõ, ông George tỏ vẻ vui mừng khi nghe tôi nói. "Lạ thật, lạ thật đấy. Cháu có khả năng này từ bao giờ?"
"Cháu vẫn luôn có khả năng ấy mà."
"Huyền diệu quá!" Ông George nhìn xung quanh. "Cháu thử nói ta xem, ngoài hai chúng ta, quanh đây còn ai đang ngồi nghe lỏm nữa."
"Chỉ có cháu và ông ở đây thôi." Tôi bật cười khi thấy vẻ mặt thất vọng của ông George.
"Ôi, thế mà ta chắc mẩm trong tòa nhà này nhung nhúc những ma quỷ cơ đấy, nhất là trong phòng này." Ông ấy nhấp một ngụm trà. "Cháu có muốn ăn bánh quy không? Có nhân cam đấy?"
"Ồ, có ạ." Không rõ có phải vì ông ấy đột nhiên nhắc tới bánh quy mà cảm giác nôn nao trong bụng tôi lại đột ngột xuất hiện. Tôi nín thở.
Ông George đứng lên lục lọi trong ngăn tủ. Cảm giác nông nao càng lúc càng mạnh. Có lẽ ông George sẽ khá ngạc nhiên khi quay lại và thấy tôi đã biến mất. Nên báo trước cho ông ấy thì hơn. Biết đâu ông ấy yếu tim.
"Ông George?"
"Bây giờ lại đến lượt cháu, Gwendolyn." Ông George chăm chút xếp bánh quy lên đĩa, gần giống cách ông Bernhard thường làm. "Và ta tin là thậm chí ta còn biết sẵn câu trả lời cho cháu."
Tôi nghe ngón một hồi. Cảm giác choáng váng đã dịu đi đôi chút.
Chắc là báo động nhầm.
"Giả dụ như cháu trở về thời gian khi ngôi nhà này chưa hề tồn tại thì cháu có bị rơi xuống lòng đất và chết ngạt không?
"Ô, ta cứ tưởng cháu sẽ hỏi về cậu nhóc tóc vàng. À, chuyện đó thì thế này: Theo những gì chúng ta biết thì chưa có ai vượt qua khoảng thời gian dài hơn năm thế kỷ trở về quá khứ. Và trên máy đồng hồ cũng chỉ có thể ấn định thời gian cho viên hồng ngọc, nghĩa là cho cháu, cho đến năm 1560 Công nguyên, chính là năm sinh của Lencelot de Villiers, người vượt thời gian đầu tiên trong hội. Chúng ta thường thấy tiếc vì như vậy là vuột mất bao nhiêu năm tháng cực kỳ thú vị… Ăn đi cháu, đây là loại bánh quy mà ta thích nhất."
Tôi đưa tay cầm, dù chiếc đĩa chợt nhòe đi trước mắt và tôi có cảm giác như bị ai đó giật phăng chiếc sofa dưới mông.
GIA PHẢ DÒNG NAM GIỚI
Lancelot de Villiers
Hổ phách
(1560-1607)
William de Villiers
Mã não
(1636-1689)
Bá tước Saint Germain
Ngọc bích
(1703-1784)
Jonathan de Villiers Timothy de Villiers
Carnelian Carnelian
(1875-1944) (1875-1930)
Gideon de Villiers Paul de Villiers
Kim cương Tourmaline đen
(sinh 1992) (sinh 1974)
Trích Biên niên sử Đội cận vệ
Tập IV: Hội Thập Nhị
Truyện khác cùng thể loại
15 chương
21 chương
17 chương
3 chương
82 chương
290 chương