ĐẠI ÚY DOBBIN TIẾP TỤC VẬN ĐỘNG Không rõ tình bằng hữu có một sức mạnh huyền bí gì mà khiến được một con người thường ngày vẫn lùy xùy, hoặc lạnh lùng hoặc nhút nhát có thể trở thành khôn ngoan, hoạt động, cương quyết, trong khi lo liệu công việc cho bạn mình? Cũng giống như trường hợp của Alexis, sau khi được giáo sư khoa thôi miên Elliotson khoa tay vài cái trước mặt, anh ta bỗng nhiên coi khinh những sự đau đớn về thể xác, quay lưng lại cũng đọc được sách, mắt nhìn thấy cách hàng dặm đường, biết trước cả tuần lễ sau sẽ xảy ra những chuyện gì, ấy là chưa kể bao việc kỳ lạ khác; thế mà thường ngày, anh ta chỉ là một đồ vô tích sự. Trong những sự việc ở đời cũng vậy, mãnh lực diệu kỳ của tình bạn biến được kẻ thù nhút nhát thành can đảm, người e lệ thành bạo dạn, kẻ lười biếng thành năng động và người xốc nổi trở thành điềm tĩnh và khôn ngoan. Vì cớ gì một viên thầy kiện hủy bài cãi của mình mình đi, và chịu tìm đến ông bạn đồng nghiệp tài ba hơn để xin giúp ý kiến? Tại sao một vị bác sĩ mắc bệnh, lại cho chịu đi mời ông thầy thuốc vẫn cạnh tranh với mình đến nghe mạch, mà không ngồi vào trước gương thè lưỡi ra soi để tự mình định bệnh kê đơn lấy? Những câu hỏi ấy xin nhường các bạn đọc giải quyết hộ; các bạn vẫn thông minh, vẫn rõ chúng tôi có thói vừa cả tin lại vừa hoài nghi, vừa dễ dãi, vừa bướng bỉnh, tin người, nhưng lại không tin ngay chính mình. Anh bạn Dobbin của chúng ta thuộc loại người dễ tính, giả dụ trước kia bị gia đình thúc bách quá, có lẽ anh ta đã xuống nhà bếp mà lấy chị đầu bếp làm vợ. Ví phỏng chỉ để lo việc cho bản thân thôi, thì đối với anh ta đi ra phố cũng là chuyện trăm nguy ngàn khó; nhưng nếu lại là lo việc cho Osborne thì anh chàng quen “cơm nhà việc người” này rất hăng hái, không quản khó nhọc, y như một tay chạy việc ích kỷ nhất, xưa nay chỉ biết mưu lợi cho bản thân. Trong khi George và cô vợ trẻ đang say sưa hưởng thụ những ngày nồng nàn hạnh phúc đầu tiên của tuần trăng mật ở Brighton, thì anh chàng Dobbin thật thà này ở lại Luân-đôn với tư cách là đại diện toàn quyền của bạn để thu xếp nốt những chuyện liên quan đến việc cưới xin vừa qua. Nhiệm vụ của Dobbin còn phải làm cho Joe và em rể thân mật với nhau hơn, nhằm mục đích dùng cái địa vị ủy viên tài phán quận Boggley Wollah của Joe bù vào chỗ ông Sedley bị mất hết danh vọng vì phá sản; cũng lại Dobbin phải lo vận động sao cho ông già Osborne thuận trở lại công nhận hôn ước giữa hai gia đình; và cuối cùng, Dobbin sẽ tìm cách báo tin George cưới vợ cho ông già biết, sao cho ông đỡ bực mình. Dobbin mới tính toán rằng, trước khi đến chạm trán với ông chủ gia đình Osborne để báo tin này, cần tranh thủ cảm tình của những người trong nhà đã và, nếu có thể, vận động được cho hai chị em cô Osborne về phe mình. Theo ý anh ta, không có lẽ nào hai cô thiếu nữ lại nỡ lòng giận George vì chuyện này. Ở đời có người phụ nữ nào lại bất bình thực sự vì cuộc tình duyên lãng mạn? Chẳng qua họ cũng chỉ khóc lóc gọi là tý chút, rồi cũng sẽ làm lành với George thôi; thế là hai cô con gái và Dobbin, cả ba sẽ góp sức mà bao vây ông Osborne. Viên sĩ quan lục quân kiêm chính khách đại tài này bắt đầu tìm một biện pháp vui vẻ hoặc một chiến thuật khả dĩ dẫn hai chị em cô Osborne đi vào câu chuyện bí mật của George một cách từ từ và khéo léo. Dobbin chỉ cần dò hỏi xem mẹ mình thường hay đi chơi những đâu và gặp những ai, là có thể biết nên đến chỗ nào thì có hy vọng gặp mặt hai chị em cô Osborne. Xưa nay, anh ta vẫn rất ghét những chuyện khách khứa. Tiệc tùng -những thú vui này, than ôi, khá nhiều người đàn ông biết suy nghĩ lại rất say mê - nhưng anh ta cũng tìm cách len vào bằng được một cuộc tiếp tân có mặt hai chỉ em cô thiếu nữ. Trong buổi dạ hội này, Dobbin nhảy với mỗi cô một hai lần, tỏ ra đặc biệt lịch thiệp, đoạn mới lấy can đảm yêu cầu cô Jane Osborne sớm hôm sau cho gặp mặt khoảng mươi phút để báo một tin hết sức quan trọng. Cớ làm sao nghe Dobbin nói thế, cô ta lại giật nảy mình, nhìn chằm chằm anh chàng một lúc rồi cúi mặt xuống, như thể muốn ngã ngay vào cánh tay anh ta mà ngất lịm đi? Nhưng may quá, đúng lúc ấy Dobbin lại vô ý giẫm ngay lên bàn chân cô ta, nhờ thế cô thiếu nữ tự trấn tĩnh được kịp thời. Tại sao cô ta lại bị xúc động đến khi nghe lời yêu cầu đó của Dobbin? Ai mà biết được. Chỉ biết rằng sớm hôm sau, khi Dobbin đến thăm thì cô Maria không có mặt trong phòng khách như mọi khi; còn bà Wirt thì cũng bỏ ra ngoài lấy cớ đi tìm cô Maria; còn lại một mình anh chàng đại úy ngồi với cô Jane Osborne. Cả hai cùng yên lặng: chiếc đồng hồ có tượng Iphigenia đặt trên mặt lò sưởi kêu tích tắc nghe rõ mồn một, rõ một cách khó chịu. Cuối cùng, cô Osborne lên tiếng trước, có ý khuyến khích : - Buổi dạ hội đêm qua vui quá nhỉ, và...và...hồi này ông khiêu vũ tiến bộ lắm, đại úy Dobbin ạ. Cô thân mật tiếp theo, có vẻ hơi ranh mãnh: - Hẳn phải có người nào luyện hộ ông, có đúng không nào? - Giá cô được xem tôi nhảy điệu “reel”() với bà thiếu tá O’Dowd của chúng tôi, và điệu “jig”() nữa... cô đã xem nhảy điệu “jig”, bao giờ chưa? Nhưng theo ý tôi, nhảy với cô, người kém cũng thành giỏi; cô nhảy khéo tuyệt. Cô thiếu nữ tò mò hỏi: - Bà thiếu tá có trẻ đẹp không, ông đại úy? Người đẹp lại hỏi tiếp:- Chao ôi! Là vợ sĩ quan chắc phải ghê gớm lắm nhỉ? Tôi khó lòng tưởng tượng nổi vào thời buổi chiến tranh này, cái bà ấy còn nghĩ đến chuyện khiêu vũ được. Đại úy Dobbin ạ, thỉnh thoảng cứ nghĩ đến cậu em George yêu quý của tôi cùng bao nhiêu nỗi hiểm nguy đang đe dọa thân phận đáng thương của người lính mà tôi run lên vì sợ hãi đấy. Trong trung đoàn của ông có nhiều sĩ quan có vợ không, ông đại úy? Bà Wirt đang ghé tai vào cửa nghe trộm, nghĩ bụng: “Chết thật, cái cô này ăn nói lộ liễu quá đi mất”. Nhưng câu nói thầm của bà không lọt đến tai người ngồi trong phòng. Dobbin đi thẳng vào vấn đề: - Trong bọn anh em chúng tôi, cũng có một người vừa cưới vợ; hai người yêu nhau đã lâu, nhưng họ nghèo quá, không một xu dính túi (). Nghe mấy tiếng “yêu nhau đã lâu và nghèo”, cô Osborne bèn kêu lên: - À tuyệt quá nhỉ? Thật là thi vị! Thấy cô thiếu nữ tỏ vẻ thông cảm, Dobbin bạo dạn hơn, tiếp: - Anh ta là một thanh niên tuấn tú nhất trung đoàn đấy. Cả quân đội không có sĩ quan nào can đảm và đẹp trai hơn; mà người vợ thì xinh thật là xinh! Giá cô nhìn thấy cũng phải yêu cô Osborne ạ; cô mà gặp cô ấy thì nhất định cô cũng mến. Cô thiếu nữ nghĩ thầm giờ phút quyết định đã bắt đầu vì thấy Dobbin có vẻ lúng ta lúng túng, những thớ thịt trên mặt anh ta cứ giật giật, đôi bàn chân to kếch động đậy luôn, mấy ngón tay thì cứ lần mãi trên hàng khuy áo, hết cởi ra lại cài vào. Chắc rằng điệu bộ anh chàng lúng túng thế kia, ý hẳn sắp sửa dốc cạn bầu tâm sự, cô bèn hăm hở sửa soạn lắng nghe. Vừa lúc ấy, chiếc đồng hồ trên có pho tượng Iphigenia kêu rè rè một hồi, rồi ngân nga điểm mười hai tiếng liền. Chỉ gõ có mười hai tiếng chuông mà tưởng như lâu đến một giờ. Cô thiếu nữ chưa chồng đang khát khao chờ đợi thấy đồng hồ đánh chuông sao mà chậm quá thế! Dobbin nói: - Nhưng hôm nay tôi không định nói chuyện về việc cưới xin...nghĩa là việc cưới xin của...nghĩa là...không, tôi định nói rằng...cô Osborne ạ, tôi định nói chuyện về anh bạn George thân yêu của tôi. - Thì ra ông nói chuyện về George! Giọng nói của cô thiếu nữ lộ vẻ thất vọng quá rõ ràng làm cho cô Maria và bà Wirt đứng nghe trộm ngoài cửa phải bật cười; Dobbin xuýt nữa cũng phải tủm tỉm vì không phải là anh ta không biết rằng mình đã lọt được vào mắt xanh của cô thiếu nữ. Trước kia, nhiều lần George đã bỡn cợt bạn thế này: “Bỏ mẹ thật! Thế mà anh không chịu lấy bà gái già Polly nhà tôi làm vợ. Anh chỉ hỏi một tiếng là xong. Tôi đánh cuộc với anh năm đồng ăn hai này.” Dobbin bèn nói tiếp: - Thưa vâng, về George. Giữa anh ấy và cụ ông nhà ta trước kia có chút xích mích. Tôi quý anh ấy lắm...chắc cô cũng biết chúng tôi thân nhau như anh em ruột...cho nên tôi không ao ước gì hơn là được thấy hòa khí giữa cụ nhà và anh ấy. Cô Osborne ạ, chúng tôi sắp phải ra ngoại quốc rồi. Mệnh lệnh xuất quân sẽ ban xuống không biết lúc nào. Mà ra trận thì cũng không biết thế nào mà nói trước…Cô Osborne ạ, việc gì mà sợ hãi...Vì vậy, trước khi đi ra, cũng mong anh ấy được cụ nhà thương đến. Cô thiếu nữ đáp: - Đại úy Dobbin, nào có chuyện lôi thôi gì đâu; xưa nay giữa hai cha con vẫn thường có những chuyện xích mích nhỏ. Ngày nào chúng tôi cũng mong George trở về. Ba tôi chỉ ước mong điều hay cho cậu ấy. George cứ yên trí trở về nhà, tôi cam đoan mọi sự đều ổn thỏa, êm đẹp. Em Rhoda nó hồi nãy đây còn có vẻ rất buồn rầu, bực bội; nhưng tôi biết, thế nào nó cũng sẵn sàng tha thứ cho anh nó. Đại úy, ạ phụ nữ chúng tôi vẫn dễ tha thứ lắm cơ. Dobbin rất khôn ngoan đáp ngay: - Một vị thiên thần như cô chắc hẳn dễ tha thứ cho người khác rồi. Vả lại người đàn ông nào làm cho đàn bà đau khổ, thật đáng tội lớn. Giả dụ có người đàn ông nào không trung thành với cô, liệu cô cảm thấy thế nào nhỉ? - Tôi ấy à?...Thế thì tôi chết mất...Tôi sẽ nhảy qua cửa sổ tự tử ngay... Tôi sẽ uống thuốc độc... Tôi sẽ héo hon rầu rĩ đi mà chết. Chắc chắn như vậy. Tuy cô thiếu nữ hăng hái tuyên bố thế, nhưng thực ra, cô đã từng trải qua đôi ba cuộc thất bại trên trường tình mà chưa hề thấy bao giờ cô nghĩ đến chuyện từ bỏ cõi đời. Dobbin lại tiếp: - Tôi biết nhiều người cũng có một tấm lòng chung thủy cao quý như cô đấy. Tôi không định nói về cô thiếu nữ triệu phú con gái cái gia đình ở Tây Ấn đâu; tôi chỉ muốn nói về một người con gái trước kia đã từng được George yêu, và từ tấm bé đã chỉ một lòng tâm tâm niệm niệm nghĩ tới anh George. Tôi đã thấy cô ấy chịu đựng cảnh sa sút thiếu thốn một cách nhẫn nại, không hề than vãn nửa lời tuy rất đau khổ, không ai chê trách được điều gì Tức là tôi muốn nói về cô Amelia Sedley. Cô Osborne thân mến, không có lẽ con người rộng lượng như cô lại nỡ giận anh George chỉ vì anh ấy trung thành với Amelia? Ví thử George bỏ rơi Amelia, liệu chính anh ấy có khỏi bị lương tâm cắn rứt hay không? Cô hãy thương lấy Amelia...xưa nay cô ấy vẫn quý cô lắm cơ mà...và...và...hôm nay tôi được George ủy nhiệm đến đây thưa lại với cô rằng anh ấy coi sự đính ước cũ với Amelia là một điều thiêng liêng nhất và tôi cầu xin cô ít nhất thì cũng bênh vực cho anh ấy. Khi nào Dobbin có điều gì xúc động mạnh, thường thường sau vài câu nói lúng túng rụt rè ban đầu, anh ta nói rất lưu loát; lần này tài hùng biện của Dobbin rõ ràng có ảnh hưởng đến thái độ của cô thiếu nữ. Cô đáp: - Dạ...thật là một điều...hết sức kỳ quái...hết sức đau xót thật không ngờ... không biết ba tôi sẽ nghe ra sao. Thế là bao nhiêu công lao của ba tôi định gây dựng cho George một cơ đồ lộng lẫy huy hoàng, cậu ấy đổ xuống sông xuống biển sạch... Nhưng mà, đại úy Dobbin ạ, cậu nó nhờ tay ông lo liệu giúp, thật là biết “chọn mặt gửi vàng” đấy. Ngừng một lát cô nói tiếp: - Tuy vậy, cũng không ăn thua gì. Đối với cô Sedley, tôi vẫn có bụng mến...thành thực mà nói thế, chắc ông cũng rõ. Xưa nay, chúng tôi vẫn không tán thành cuộc nhân duyên này lắm, nhưng chúng tôi đối với cô ấy vẫn rất tốt...tốt lắm. Có điều ba tôi không bằng lòng đâu, chắc chắn như vậy. Vả lại, ông cũng hiểu rằng một người thiếu nữ có giáo dục... mà sáng suốt, biết điều, thì phải... nghĩa là…đại úy Dobbin ạ, thế nào George cũng phải thôi cô ấy đi, không có cách nào khác. Dobbin chìa tay ra nói: - Thế ra một khi người yêu bị lâm vào cảnh hoạn nạn, người đàn ông đành phải bỏ rơi họ sao? Cô Osborne ơi, có thật đó là lời chính cô khuyên tôi không? Xin cô hãy thương lấy Amelia; George không thể nào bỏ cô ấy được đâu. Không thể nào như vậy được. Ví dụ bây giờ cô nghèo đi, liệu có nên khuyên người đàn ông bỏ cô không? Câu hỏi khôn ngoan này xúc động trái tim cô Osborne không ít; cô đáp: - Đại úy ạ, không rõ bọn thiếu nữ đáng thương chúng tôi có nên tin lời đường mật của đàn ông các ông không. Xem tính tình cô ta hiền hậu như thế có lẽ cũng cả tin. Tôi e rằng đàn ông các ông độc ác lắm, hay lừa dối lắm. Đồng thời, Dobbin cảm thấy bàn tay cô Osborne đưa ra xiết chặt lấy tay mình. Dobbin buông tay cô ta ra có vẻ hơi hốt hoảng nói: - Hay lừa dối! Cô Osborne thân mến ạ; đàn ông chúng tôi không phải ai cũng thế đâu. Em trai cô không phải là hạng người ấy. George đã yêu Amelia từ hồi hai người còn nhỏ. Sẽ không có sự giàu sang phú quý nào xui được anh ấy từ bỏ Amelia để lấy người khác làm vợ. Bây giờ George phải thôi cô ấy sao? Có phải cô khuyên George hành động như vậy không? Cô Jane còn biết trả lời thế nào nữa, nhất là cô lại đang ôm một ý định thầm kín đối với Dobbin. Không sao trả lời được cô đành nói đỡ đòn thế này: - Vâng, nếu các ông không phải là tuồng dối trá thì ít nhất các ông cũng lãng mạn lắm lắm. Đại úy Dobbin khôn ngoan bỏ qua lời nhận xét, không cãi lại. Cuối cùng, sau một hồi thuyết lý khéo léo đầy lễ độ, Dobbin cảm thấy lúc này cô Osborne đã được chuẩn bị tâm trạng đầy đủ để nhận tin tức cuối cùng; anh chàng bèn rót vào tai cô thiếu nữ: “George không sao xa cách Amelia được, George đã cưới Amelia làm vợ rồi”. Đoạn anh ta kể lại tỷ mỷ cuộc hôn lễ mà các bạn đã rõ: Dobbin bảo rằng nếu George không giữ lời ước cũ, có lẽ Amelia đến chết vì đau khổ mất; ông Sedley nhất định không chịu công nhận việc cưới xin này, nhưng rồi cũng thu xếp ổn thỏa. Joe Sedley cũng đã từ Cheltenham về để dẫn em gái đến trước bàn thờ làm lễ. Sau đó đôi vợ chồng mới ngồi xe bốn ngựa của Joe đi Brighton hưởng tuần trăng mặt, George hy vọng rất nhiều sẽ được chị và em gái giúp đỡ mình xin cha tha thứ; George tin chắc như vậy, vì hiểu rằng tâm hồn phụ nữ vốn hiền thục và dịu đàng. Đoạn Dobbin yêu cầu cô Osborne cho phép mình gặp lại (cô sẵn sàng ưng thuận ngay), rồi đứng dậy cáo từ, anh ta đoán chắc chỉ năm phút sau là câu chuyện sẽ đến tai cô Maria và bà Wirt. Đại úy Dobbin cúi chào rồi từ giã. Dobbin vừa ra khỏi cửa thì cô Maria và bà Wirt đã nhảy xổ vào trong phòng; thế là câu chuyện bí mật được cô Jane kể lại đầu đuôi tỷ mỷ. Công bằng mà nói thì cả hai cô thiếu nữ không ai lấy làm khó chịu lắm về việc này. Những cuộc hôn nhân táo bạo như thế vẫn có một cái gì đặc biệt khiến cho rất ít người đàn bà nghe chuyện mà công phẫn thực sự; hai cô thiếu nữ lại thấy mến phục Amelia hơn trước, vì cô đã nhận lời thành hôn với George trong trường hợp éo le này. Đang khi ba người sôi nổi bàn tán với nhau không biết rồi ông Osborne sẽ có thái độ ra sao, thì ngoài cửa đã có tiếng gõ cửa mạnh, y như tiếng sét đột ngột của sự trả thù, làm cho cuộc hội kín phải ngừng lại. Mọi người đoán chắc “ba” đã về; nhưng không phải. Đó chỉ là anh chàng Frederick Bullock; y lời hẹn, anh ta từ khu City đến mời hai cô thiếu nữ đi xem triển lãm hoa. Chẳng nói cũng rõ Bullock được mọi người kể lại ngay câu chuyện bí mật. Nghe xong, thấy bộ mặt anh ta đã ra có vẻ hết sức ngạc nhiên, khác hẳn cái vẻ đa cảm đang lộ ra trên nét mặt hai cô gái. Bullock là một nhà doanh thương, có cổ phần trong một hãng buôn lớn. Anh ta hiểu rõ cổ phần trong một hãng buôn lớn. Anh ta hiểu rõ thế nào là đồng tiền, và giá trị của nó ra sao. Niềm hy vọng làm cho đôi mắt ty hý của anh ta sáng rực lên. Anh ta vừa mỉm cười với cô Maria vừa tính nhẩm rằng phen này sự điên rồ của George hẳn sẽ nâng giá trị của cô vợ chưa cưới lên thêm ba vạn đồng nữa là ít. Anh ta nhìn cô chị vợ, vẻ mặt kính nể, nói: - Trời đất ạ; chị Jane, Eels nghe tin này chắc đến phát khóc mất. Chị sắp đáng giá năm vạn đồng rồi đấy. Cho đến lúc này, hai chị em cô thiếu nữ chưa kịp nhớ đến chuyện tiền nong; suốt cuộc đi chơi sáng hôm ấy, Bullock luôn mồm bỡn cợt hai chị em về vấn đề này; đến trưa, khi hai cô về nhà dùng bữa, chính họ cũng cảm thấy hãnh diện hơn trước thái độ ích kỷ ấy; nào có gì là khác thường đâu? Bởi vì sớm hôm nay kẻ viết truyện này có đi xe ngựa thuê từ Richmond; lúc xe đến trạm thay ngựa, tôi ngồi ngất nghểu trên mui nhìn xuống thấy ba đứa trẻ bẩn thỉu đang vầy một vũng nước bên vệ đường, cười đùa vui vẻ lắm. Bỗng có một con bé chạy đến nói: “Này Polly, em mày được một xu đấy”. Lập tức ba đứa kia bỏ vũng nước, chạy ra nịnh nọt con bé Peggy đi trước, đám trẻ con bâu theo sau, cả bọn đường hoàng tiến tới quày hàng kẹo của một bà gần đấy.