Học Sinh Chuyển Lớp (Phần 2)
Chương 12
Mọi việc đều xong xuôi, tôi xin phép Ba Mẹ lên phòng. Thường ngày thì sau bữa ăn, bao giờ tôi cũng ôm trọn cái ti vi, không thì cũng chui tọt vào phòng mở nhạc nhẽo loạn xạ, mà theo Ba tôi:
-“ Nhạc nghe chán đời”!
Lần này tôi chui vào phòng đóng cửa, tiếp tục ôm cuốn nhật ký còn đang dang dở để xem Dung bao thời gian qua nghĩ gì? Tự nhiên lòng trắc ẩn còn vương vấn lên tiếng.
-“Xem trộm nhật ký người khác là không tốt”.
Thoáng chút ngần ngại, tặc lưỡi chấp nhận mình làm người xấu một lần cũng đâu có sao. Với lại những gì Dung viết tuy ngắn gọn nhưng hoàn toàn lôi cuốn tôi. Nhân vật tôi đang xuất hiện đầy phản cảm, vì thế tôi muốn biết rõ, vì điểm gì mà cuối cùng hai nhân vật chính lại nảy sinh tình cảm với nhau.
“ Hôm nay, thật là kì lạ, mình là người mở miệng hỏi cậu bạn mới tới kia trước. Chẳng hiểu vì sao? Cái con người ấy lại có sở thích ngồi nghe nhạc một mình đến vậy, đã thế còn là Mariah Carey nữa. Hình như cậu ta không thích mình cho lắm. Dù sao mình cũng quen như vậy rồi”
Đó là cái lần đầu tiên Dung bắt chuyện với tôi, nhưng có lẽ quá ngơ ngác về sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành cùng giọng nói như thiên thần, ngọt ngào đi thẳng vào người nên chẳng trách tôi á khẩu.
-“Do Dung đấy chứ”!
Tôi cười một mình, rồi lại nằm dài ra giường, giơ cao cuốn sổ nắn nót những nét chữ nhỏ nhắn thẳng hàng thẳng lối. Tôi cố gắng ghi nhớ, không bỏ sót một từ nào.
Những kí ức trôi qua, thật chậm theo từng trang nhật ký. Ở đó tôi chứng kiến một hình ảnh cô gái có những bước chuyển biến nội tâm, dù bên ngoài đầy vẻ lạnh lùng. Vẻ mặt đó khiến cho nhiều kẻ lầm tưởng, cô gái ấy cứng rắn đến nổi không có gì có thể làm cô để ý hay phân tâm. Cô gái ấy là thế, và theo tình tiết trong cuốn nhật ký, cô gái ấy buộc phải chú ý tới một thằng học sinh mới vào lớp, có vẻ mặt ngơ ngơ ngáo ngáo, rõ nhất lúc đứng gãi đầu gãi tai.
“ Hôm nay vẫn bình thường như mọi ngày. Cậu học sinh mới ấy liên tục bị gọi lên bảng. Tuy nhiên, cậu ta khá điềm tĩnh, thông minh. Dường như môn nào cậu ta cũng học tốt, khá đồng đều ngoại trừ môn anh văn. Đúng là không thể trông mặt và bắt hình dong. Chẳng hiểu sao mình hay để ý đến cậu ta? “.
Ở cuối trang này, một dấu hỏi to tướng được tô đi tô lại nhiều lần. Có lẽ Dung cũng không hiểu rằng lúc đó tình cảm tự nhiên đến với nàng. Tôi phổng mũi tự hào vì lời nhận xét của Dung giành ình.
-“Lần này thì dính bẫy rồi nhé”!
Tôi khoái trá cười lớn, báo hại Mẹ tôi phải thân chinh lên xem thằng con trai quý tử đang cười cái gì:
-Cái gì vậy Tín? Làm gì mà trưa đóng cửa phòng cho ngột ngạt vậy?
-Không có gì Mẹ ơi, con xem phim cười thôi!-Tôi hốt hỏng nhét cuốn nhật ký vào gối.
-Ngủ trưa rồi lo mà học bài đi, suốt ngày phim với ảnh thôi.
Tiếng bước chân Mẹ tôi cùng với tiếng thở dài nhỏ dần. Tôi hú vía ông Địa, nằm im nghe ngóng rồi cẩn thận lôi cuốn nhật ký ra, lần mò đến trang vừa đọc dở.
Hầu như từ ngày đấy, Dung đều có sự chú ý giành cho tôi. Chút ít quan tâm, chút ít cảm phục. Nhiều điểm tôi phải phục Nàng bởi sự tinh tế.
“Vẻ ngoài hay cười và lúc nào cũng nghịch ngợm, nhưng cũng có lúc nội tâm. Cơ mà có vẻ cứng đầu nữa. Dù sao trong lớp cậu ấy cũng hoà đồng với tất cả mọi người. Cảm nhận thế thôi, chẳng biết đúng hay sai nữa?”
“À quên, cậu ta đá bóng cừ ghê. Nhưng mỗi lần vào sân, cậu ta lúc nào cũng như thành con người khác, quyết tâm, nghiêm túc, giá như bình thường …”.
-Giá như gì ấy nhở?
-Giá như mày đừng có ngoác mồm ra cười hoài chứ sao!-Tôi tự vỗ tay vào trán.
Tính tôi thích cười nói, vui vẻ, chỉ khi nào đứng trước một chuyện gì đó tôi thực sự quan tâm hay yêu thích, tôi mới nghiêm túc được. Nếu mà năm lớp 10 tôi đọc được những dòng này, chưa chắc tôi đã phải giả tạo để Dung để ý đến mình.
Tôi không hài lòng lắm về trang vừa nãy Dung viết, mặc cho khen nhiều hơn chê, thôi nhắm mắt cho qua vậy.
“Hôm nay mình nấu ăn trong cuộc thi. Còn mấy bạn nam thì đá banh. Hiển nhiên người đó cũng tham gia rồi. Vui lắm, lâu rồi mới được bạn bè hỏi han nhiều đến thế? Minh An cứ khen mãi món ăn mình nấu là ngon thôi. Chắc có lẽ là khen động viên rồi”.
Công nhận, tài nữ công gia chánh của Dung cũng thuộc hàng tay nghề cao chứ không phải giỡn. Thằng Minh An khen cũng có cái lý của nó thôi. Nhưng tôi thừa biết, đó cũng là cái cớ mà thằng Minh An dùng để nói chuyện với Dung, cái việc mà tôi chẳng dám bao giờ, hoặc đúng chăng là không có cơ hội. Về khoản này tôi thừa nhận mình nhút nhát, thiếu đi một chút liều lĩnh.
Tôi đọc say sưa, chẳng biết mình đang ở thời gian nào, chỉ biết rằng từ ngày chuyển lớp, với tôi đây là khúc mở đầu. Ngữ Yên cũng được đề cập tới trong cuốn nhật ký, với một ghi chú thật dài.
“ Hôm nay mình bị đuổi ra khỏi lớp với tên đầu đất đó. Còn dám ngồi chung nghe nhạc nữa. Vậy mà hắn ta còn chẳng thèm quan tâm, đúng là cái đồ đầu đất.
Đầu đất còn mắt mũi kém nữa, đi đứng thế nào va phải bạn lớp bên. Dù biết là vô tình thôi, nhưng cứ nhìn thấy cái cảnh đầu đất ân cần hỏi han người ta mình cảm thấy khó chịu.
Bạn mà hắn xô ngã tên Yên. Dịu dàng, xinh đẹp, thảo nào mà hắn cứ tít mắt lại. Chắc hắn chẳng bao giờ biết mình nghĩ gì đâu. Đã thế vào lớp còn cố cười với mình nữa. “.
Cái icon thằng mặt người tức giận, được tô bằng màu mực đỏ. Nóng mặt y chang chủ nhân của nó vậy. Tôi phì cười trước thái độ ghen “ vô cớ” của Dung, vì lúc đó với tôi, vị thế của hai người đều là những nữ sinh xinh đẹp, giỏi giang. Bởi thế, giữa hai người có sự công bằng cũng không thể nào trách tôi được.
Cứ thế cuốn nhật ký khoảng thời gian sau như là một câu chuyện được viết riêng dành cho tôi vậy. Từ hội thao 26-3, Nàng phát hiện ra mối quan hệ của hai ông anh hai người, rồi nàng gán cho giọng ca của tôi là “ thều thào của gió”. Tuy nhiên, nàng lại thích nghe lời thều thào ấy. Thời gian cứ trôi qua thật nhanh, tôi say sưa sống trong hồi tưởng. Rồi đến buối chiều tối, của thực tại chứ không phải là chiều trong cuốn phim “ nhật ký”.
-Tín, xuống ăn cơm, làm gì mà không biết thời gian vậy hả con!-Mẹ tôi lôi tôi khỏi mơ màng, trở về với thực tại.
-Dạ, con xuống ngay đâu Mẹ ơi!-Tôi tiếc nuối rời cuốn sổ màu nâu cà phê, trịnh trọng, nâng niu đặt nó vào ngăn kéo bàn học, khoá lại, an tâm xuống thưởng thức bữa tối.
Tối hôm đó, nếu Mẹ tôi không nhất quyết bắt tôi mở cái cửa phòng cho thoáng thì có lẽ tôi lại ẩn cư, tự cách li mình mà vùi đầu đọc tiếp “cuốn truyện đời tôi” còn dở dang. Vừa học bài vừa lo ngay ngáy, lỡ đâu mai Dung đòi cuốn sổ thì tôi phải ngậm ngùi mà trả thôi.
-Tín, đọc xong chưa?-Dung hỏi tôi vào sáng hôm sau.
-Chưa, chưa…..Tín không biết!-Tôi giật mình
-Đọc xong chưa mà không biết là sao?-Dung có vẻ không biết tâm sự của Nàng đang bị tôi nắm giữ.
-À, không, không có gì…….!
Tôi lấp liếm rồi bỏ đi ngay, mặc cho Dung nhìn tôi với ánh mắt khó hiểu. Ngày đầu tiên của năm học mới, tôi lại như thằng mất hồn rồi. Mất hình tượng quá mất.
-Sao thế, bị đòi gì à?-Thằng Hà lại chọc ghẹo.
-Không, hỏi han ngày mới thôi!-Tôi chống chế, mặc cho thằng bạn đang nhìn đểu.
Xóm nhà lá chúng tôi hầu như không bị đổi vị trí, chỉ có thằng Hoàng là ngồi ở phía trên do bị ép buộc. Sáng hôm đó là một chầu nước khai trương năm học mới. Dung thì không tham gia mặc ột số đứa bạn “thay tôi” cất lời mời. Tôi mặc luôn:
-Không có lời mời nào nhiều lần, không thích thì thôi!-Tôi quạu với đám bạn trong lúc chúng nó thắc mắc cái lắc đầu của Nàng. Đến chính cả tôi còn không hiểu được Dung đang nghĩ gì, thì việc lũ bạn nhao nhao hỏi là một điều bực mình, kiểu như “ bất lực hoàn toàn”.
Ngày đầu tiên có nhiều điểm thật oái ăm với thầy cô. Có thầy cô dễ tính, giới thiệu sơ về môn học rồi cho học sinh tự quản. Giờ học đó chúng tôi vui vẻ ngồi nói chuyện” giữ trật tự”, đánh ca-rô giải khuây, tiện thể cá độ cho chầu nước giờ ra chơi. Thầy cô nào khó hơn một chút thì cứ bài mới mà dạy, mặc cho học sinh van xin:
-“Đầu năm cô ơi”.
-“ Cô ơi, nghỉ đi cô”.
Đáp lại là tiếng phán hơn cả mệnh lệnh:
-Học đi, thời gian còn bao nhiêu mà chơi nữa!
Cả lớp tôi ngậm ngùi lại ngồi nghe giảng. Lắm đứa thấy bất công ngáp ngắn ngáp dài, riêng tôi thì nằm trườn cả ra bàn, vật vã dõng tai theo dõi.
Oái ăm chưa dừng ở đó, đến tiết Văn học mới gọi là cực hình. Chẳng hiểu sao lại thầy giáo bộ môn lại khai sinh ra chương trình giảng dạy mới “kiểm tra bài cũ đầu năm”.
-“Giờ tháng 9 nên số thứ tự ai có số 9 thì lên bảng hết”.
Lần lượt các số báo danh 9, 19, 29, 39, 49 lên trình bày kiến thức hơn cả thi hoa hậu. Chỉ tội thằng Hoàng với thằng Linh vẹo méo mặt lên bảng. Thằng nào thằng đấy cũng ngậm tăm mà nghe thầy phán:
-Các anh học hành thì phải có kiến thức đọng lại chứ!
-Trả lời thế mà nghe được à, phân tích sơ sài qua loa, không thấy được cái tinh tuý bên trong.
Tôi dám cá là trong lớp, ngoại trừ những đứa chuyên văn học chuyên tâm thi khối C thì may ra mới có khả năng, chứ đám còn lại thì làm gì biết cái tinh tuý đã bị ba tháng hè làm lu mờ ấy là gì cơ chứ. Muốn cười hai thằng bạn lắm, nhưng chẳng thằng nào dám. Lỡ gây chú ý thì chắc cũng lên đó đứng chôn chân mà thôi.
-Tùng, tùng, tùng..!
Tiếng trống trường mong đợi đã đến. Cả lớp hoan hô như pháo. Khuôn mặt tươi hơn cả một chữ tươi. Riêng cá nhân tôi thì nhanh gọn lẹ, thu xếp hết sách vở từ lâu, chỉ chờ thầy giáo vừa ra khỏi cửa lớp là tôi bay qua bàn, đi nhanh ra trạm xe.
-Ế, ở lại nói cái này Tín!-Hưởng đù gọi giật tôi lại.
-Mai đi, có việc gấp!-Tôi giơ tay chào thằng bạn.
-Chờ tao với!-Thằng Hoàng lại lề mề.
-Nhanh lên, ra trạm xe tao chờ!-Tôi hắng giọng, giả bộ gấp gáp.
Thật ra, nếu mà chẳng phải cuốn nhật ký của Dung nằm trong tay tôi thì chắc tôi đang uể oải thu dọn mọi thứ tống vào chiếc balo. Một phần nữa là tránh gặp riêng Dung. Lỡ đâu sáng nay vô tình nàng quên thì sao.
-Trả Dung cuốn sổ?
-Sổ nào? Sổ gì cơ?
Tôi không thể chối một cách vô căn cứ như thế được. Chỉ có cách tránh mặt là cách hay nhất.
-Nhanh lên Nhân, Nguyệt!-Tôi hối hai đứa trong con đường dẫn về cái xóm quen thuộc.
-Mày làm gì gấp thế, đừng nói nhịn nãy giờ nhé!-Thằng Nhân đen chơi xỏ tôi ngay.
-Vớ vẩn, lẹ lên!
Nhân với Nguyệt đành phải bước nhanh lên cho kịp với đà bước của tôi, gấp gáp và đầy nóng vội. Tôi muốn nhanh chóng được đọc tiếp những trang nhật ký của Dung. Nhất là những tâm sự cách đây chưa lâu, thời gian hè tôi vắng mặt. Muốn thế phải đọc từ đầu, mà thời gian gấp gáp, ai biết Dung “sực nhớ” ra lúc nào cơ chứ.
-Có gì mờ ám vậy Tín?-Nguyệt cũng không quen với kiểu hối thúc của tôi.
-Có việc, ờ….có thứ còn chờ ở nhà!
-Làm như Dung đang chờ ở nhà vậy!-Nguyệt tủm tỉm cười.
-Ờ…..ờ…Nguyệt khéo nói hão, có việc thôi mà.
Tôi vứt cái balo lên bàn, để nguyên đồng phục trường, lôi cuốn nhật ký ra nâng niu, cố gắng không để lại dấu tích phòng tránh cho chủ nhân cuốn sổ biết sự riêng tư đã bị xâm phạm. Nhanh chóng nhưng đầy cẩn thận, tôi mở trang tiếp theo ra chăm chú đọc. Đó là những câu quen thuộc, hình như là đoạn Intro trong cái đĩa CD mà tôi tặng Dung hôm 8-3. Ở cuối chỉ có một dòng chữ:
-Lẽ nào?!
Truyện khác cùng thể loại
8 chương
20 chương
15 chương
19 chương
65 chương