Hoàng Đình
Chương 138
Dịch giả: †Ares† oOo
Từ Phóng nhìn theo hướng ánh mắt của Triệu Hạc, chỉ thấy nơi đó đang có một đám người tụ tập, chính giữa là một con khỉ núi. Con khỉ núi kia mặc quần áo vải thô của nhân gian, đầu đội một cái mũ rơm không biết lấy từ nơi nào. Nó cũng không biến hóa thành người như nhiều yêu linh khác, mà vẫn giữ thân khỉ. Lúc này nó đang biểu diễn pháp thuật giữa đám yêu linh kia, một bàn tay bốc lên một ngọn lửa, bàn tay khác nâng một quả cầu nước. Chỉ nghe nó cười đắc ý, đồng thời giảng giải những điều tâm đắc của mình.
Từ Phóng nhìn ra hai loại pháp thuật kia không tính là cao cấp, chẳng qua là pháp thuật ngũ hành trụ cột, nhưng muốn phân tâm hai tay thi triển hai loại pháp thuật như vậy thì gã không làm được. Hơn nữa, nhìn dáng vẻ của con khỉ kia rất nhẹ nhàng, còn có thể vừa nói chuyện vừa giảng giải.
- Tên hắn là Tùng Thanh chân nhân, nghe nói tổ tiên của hắn là đại yêu, có khả năng biết vạn sự trên đời, cũng không biết là thật hay giả. Nhưng quả thật kiến thức của hắn rất rộng, cũng biết rất nhiều loại pháp thuật. Chuyện Hà Bá gia đang ngưng kết thần vị Long Vương Kinh Hà cũng là hắn nói. Do đó vừa rồi tôm tướng quân mới nói là Hà Bá mặc kệ chuyện nhân gian, chẳng qua tôm tướng quân không muốn người ngoài quấy rầy Hà Bá ngưng kết thần vị thôi.
Từ Phóng nhìn con khỉ tự xưng là Tùng Thanh chân nhân kia, chỉ thấy ánh mắt nó linh động, dường như đảo một vòng là có thể nhìn rõ hết biểu cảm của kẻ khác.
- Không bằng ngươi ở chỗ này chờ đi, có rất nhiều thần linh cũng đang ở đây chờ Hà Bá gia ngưng kết thần vị Long Vương. Thần vị tăng lên là chuyện thế gian khó gặp, ở đây chờ chứng kiến đi.
Triệu Hạc nói, Từ Phóng lại hít sâu một hơi, yên lặng nhìn lên miếu Hà Bá, cuối cùng nói:
- Không được, ta sẽ trở lại trấn Từ Gia đợi. Nếu phải chết, ta muốn chết trong thần miếu của mình.
Từ Phóng nói xong, lại cảm ơn Triệu Hạc một tiếng, sau đó xoay người bước đi.
Liễu Hạnh Nhi không nói một lời, đi theo sau Từ Phóng. Tới khi đã đi được một quãng xa, Liễu Hạnh Nhi mới hỏi:
- Từ đại ca, tại sao huynh không ở lại đó?
Từ Phóng không trả lời nàng, tiếp tục lầm lũi đi về hướng trấn Từ Gia ở mặt Bắc Bá Lăng. Liễu Hạnh Nhi theo sát phía sau, tiếp tục nói:
- Bây giờ huynh có về thần miếu cũng vô dụng, tà khí từ thành Bá Lăng không ngừng lan rộng, huynh chắn không được bao lâu.
Liễu Hạnh Nhi càng nói càng nôn nóng, tăng tốc độ, đi lên sát bên sườn Từ Phóng, lớn tiếng nói:
- Huynh sẽ chết!
Từ Phóng vẫn không để ý tới nàng, nhún chân bay lên, vọt đi trong sương sớm.
Liễu Hạnh Nhi cũng không nói gì nữa, bay lên theo Từ Phóng, biến mất trong làn sương.
* * *
Trong phạm vi trăm dặm quanh thành Bá Lăng, Kinh Hà có thể tính là an toàn nhất, cũng là nơi náo nhiệt nhất.
Bất kỳ sinh linh nào cũng có thể cảm nhận được trời đất tràn ngập một luồng áp lực nặng nề. Cảm giác này tới từ linh hồn, ngẩng đầu nhìn lên không trung, một tia biến hóa cũng không có, thế nhưng trong linh hồn luôn tồn tại cảm giác như vậy. Nơi nơi không ngừng có yêu linh độ kiếp, hoặc hóa hình thành công, hoặc hóa thành tro bụi. Ngoại trừ việc này, không ngờ các đệ tử đạo môn lại chọn lúc này mà hạ sơn, khắp nơi đều có bóng dáng đệ tử đạo môn.
Trước miếu Hà Bá đương nhiên cũng có, hơn nữa còn từng có đệ tử đạo môn ở lại luận đạo với các yêu linh. Chẳng qua bọn họ đều chỉ là những đệ tử nho nhỏ trong môn phái của mình, cho nên bàn luận với các yêu linh sẽ có thắng có bại, khi thì khiến đám yêu linh á khẩu không nói được lời nào, khi lại bị đám yêu linh nói cho ấp úng. Cũng có người diễn pháp cùng các yêu linh, làm một phép trong hư không, rồi để các yêu linh phá giải, sau đó lại đi phá giải ngược lại pháp thuật trong hư không do yêu linh lưu lại. Chuyện này cũng tương tự có thắng có bại.
Có điều bất kể là luận đạo hay diễn pháp, thì đệ tử đạo môn đều có vẻ thoải mái, mà yêu linh lại rất gắng sức. Nhìn từ điểm này có thể thấy được chênh lệch sinh ra từ xuất thân không hề nhỏ.
Đương nhiên, nguyện ý đi tới trước miếu Hà Bá để luận đạo diễn pháp cùng các yêu linh chỉ là số ít đệ tử đạo môn, hơn nữa phần lớn là đệ tử đạo môn tại châu Cửu Hoa. Những đệ tử châu khác du lịch đến tận đây chỉ quan sát từ xa, đâu dễ dàng tới gần, không đến hàng yêu trừ ma đã là rất không tệ rồi. Đây cũng vì danh khí của Hà Bá Tú Xuân loan Trần Cảnh đủ để chấn trụ đám đệ tử đạo môn này, nếu không chỉ sợ vừa lần đầu tiên đến đây, nhìn thấy trước miếu có nhiều yêu linh như vậy, bọn họ đã xông tới trừ yêu.
Thời gian dần qua, rất nhiều yêu linh ban đầu không muốn đến trước miếu Hà Bá, cũng đành chịu đi tới nơi này, bởi vì khu vực này tương đối an toàn. Buổi tối, đám yêu linh tụ tập cả trước miếu, mà ban ngày phần lớn sẽ lẩn vào nước sông. Bất kể có phải là sinh linh trong sông hay không thì chúng đều không sợ nước. Mà dòng nước này rất an toàn, bởi vì trên mặt nước đang có một con bướm màu lam nhạt nhẹ nhàng bay lượn, chợt ẩn chợt hiện.
Vào lúc này, trời đất có không ít khu vực giống như Tú Xuân loan trên dòng Kinh Hà, thậm chí chỉ riêng trong châu Cửu Hoa thôi đã có không ít, trong đó uy danh lớn nhất là Đông Nhạc Thái Sơn. Năm đó Trần Cảnh có tới nơi này nghe đạo, cũng từ nơi này lĩnh ngộ được "thế" của hà vực. Đến bây giờ, Đông Nhạc Thái Sơn vẫn được xem như một đạo tràng nổi danh nhất châu Cửu Hoa.
Thời thế hiện nay, đạo môn mặc kệ đệ tử trong môn xuống núi, mà trong thiên hạ, rất nhiều thần linh còn mở đạo tràng, giảng giải đại đạo, tụ tập tiểu thần linh quanh đó. Đạo tràng lớn nhất tại châu Cửu Hoa cũng chính là đạo tràng Đông Nhạc Thái Sơn. Ngoài nơi này ra thì các đạo tràng khác đều do các yêu linh hoặc thần linh lấy thành lớn làm trung tâm tụ tập, nhưng thường thì không có giải đáp từng thắc mắc hoặc diễn pháp. Do đó, trên ý nghĩa thì đạo tràng Tú Xuân loan bên dòng Kinh Hà chính là đạo tràng lớn thứ hai của châu Cửu Hoa.
Nhưng mà thiên hạ phân thành chín châu, cũng không phải thế gian chỉ có chín châu, có điều ở bên ngoài chín châu là gì thì không phải người phàm trần có thể hiểu rõ. Hiện tại Trần Cảnh đã biết, có thật nhiều tiên môn đạo phái thần bí nằm bên ngoài chín châu, còn đạo tràng Đông Nhạc Thái Sơn của châu Cửu Hoa chẳng qua nằm ở tầng trung trong chín châu, mà đó là còn chưa tính đến mười đại tiên môn đạo phái truyền thừa lâu đời trong thiên hạ. Nếu những môn phái này khai sơn giảng đạo truyền pháp, chỉ sợ yêu linh khắp thiên hạ đã tràn đến như ong vỡ tổ rồi.
* * *
Trần Cảnh hiện tại đang chìm vào một trạng thái huyền diệu, cảm giác như mình đang đứng giữa một dòng sông chảy xiết, nhưng quanh người lại được một cái hộp kính bao phủ, nước sông chảy qua kính không cách nào ảnh hưởng hay để lại dấu vết gì cả.
Dòng sông này mơ hồ phát ra ánh sáng trắng trong suốt, không ngừng cọ rửa sắc phù Hà Bá Tú Xuân loan. Trên mặt sông Kinh Hà cuộn sóng, một con bướm vỗ nhẹ cánh lượn bay.
Đúng như lời mấy yêu linh kia nói, Trần Cảnh quả thực đang toàn lực dung hợp hà vực. Hắn muốn nhanh chóng ngưng kết thần vị Long Vương Kinh Hà. Hắn đã cảm nhận được biến hóa mơ hồ, mà hiện tại chẳng qua là khúc nhạc dạo của sự biến hóa. Trần Cảnh cho rằng, có lẽ cấm chế thần bí năm đó Thiên đình đặt ra trong trời đất đang cấp tốc suy yếu. Bằng chứng là sau cả ngàn năm qua, hiện giờ mới có thể có nhiều yêu linh độ kiếp thành công như vậy, còn trước kia, bất kể là yêu linh mạnh mẽ đến đâu cũng không dám độ kiếp. Nhất là từ cái đêm Tiểu Bạch Long đọc Thiên Yêu hóa hình thiên, Quy Uyên là kẻ đầu tiên hóa hình, sau đó không ngừng có yêu linh hóa hình, hơn nữa còn có không ít kẻ thành công.
Đột nhiên có một ngày, Trần Cảnh chợt bừng tỉnh. Hắn phát hiện trên bầu trời chẳng biết từ lúc nào đã có thêm một đám đạo nhân, dẫn đầu là một đạo cô nhìn không ra tuổi, tướng mạo chỉ như thiếu nữ mười sáu, nhưng khí chất lại như bà lão bảy tám chục tuổi. Đạo cô này tạo cho người ta cảm giác lạnh lùng không thể thân cận, không giống với cái lạnh lùng cao ngạo của Ly Trần, mà là một loại cảm giác coi thường chúng sinh.
Trên đám mây đạo cô này đứng còn có mấy nam nữ trẻ tuổi, vừa nhìn đã biết là đệ tử của đạo cô, trong đó có một người chính là Nhan Lạc Nương. Trần Cảnh vừa nhìn thấy Nhan Lạc Nương thì lập tức biết đạo cô kia là sư phụ của nàng.
Trần Cảnh cảm nhận được sát khí từ trên người đạo cô, hơn nữa còn rất đậm.
Mặt trời từ trên cao trải xuống ánh nắng vàng rực, nhưng không cách nào xua tan sát khí trên người đạo cô này.
Đạo cô phất ống tay áo, thân hình cả đám người bỗng lóe lên một cái, đã xuất hiện ở miếu Hà Bá.
Con bướm trên mặt sông cũng đã về trong thần miếu, lượn quanh tượng thần một vòng, rồi đậu trên phần vỏ kiếm của tượng thần.
- Ngươi thật to gan.
Đạo cô đột nhiên lạnh lùng nói.
Trần Cảnh không hiểu đạo cô có ý gì. Nhìn thấy Nhan Lạc Nương với vẻ mặt lo lắng đứng sau đạo cô, con bướm lóe lên một cái, Trần Cảnh đã xuất hiện trước mặt đạo cô kia.
- Là ngươi giết đệ tử của ta.
Đạo cô lạnh lùng nói.
Lúc này Trần Cảnh mới nhớ ra sư huynh sư tỷ của Nhan Lạc Nương đều bị mình chém trước thần miếu, lập tức nói:
- Đệ tử của chân nhân bị ma vật xâm tâm, sớm đã chết, đi vào thần miếu chẳng qua là do ma vật khống chế thân thể mà thôi.
- Đệ tử của ta sống hay chết ta tự rõ, không cần ngươi phải động thủ.
Đạo cô tức giận nói. Chưa dứt câu, trong tay bà ta đã có thêm một thanh kiếm cắm trong chiếc vỏ trắng như ánh trăng, vỏ kiếm khắc rõ hai chữ "Quảng Hàn". Kiếm vừa xuất hiện, đã có một luồng hào quang trắng từ vỏ kiếm phun ra, ánh sáng kia mang đến cảm giác phô thiên cái địa, như ánh trăng vung vẩy khắp đất trời.
Trong lòng Trần Cảnh dâng lên cảm giác không thể tránh né nổi, thậm chí không khỏi cảm thấy ớn lạnh.
Hắn nhìn chằm chằm thanh kiếm kia. Kiếm kia vừa ra khỏi vỏ đã thấy rõ trên thân kiếm cũng có khắc hai chữ "Quảng Hàn". Cảm giác ớn lạnh kia đến từ chính thanh kiếm này, lại giống như đến từ hai chữ kia.
- Đừng mà, sư phụuuu...
Nhan Lạc Nương kinh hô. Ngay lúc nàng vừa há miệng, Quảng Hàn kiếm đã phóng ra ánh kiếm bao phủ lấy con bướm do Trần Cảnh đột ngột hóa thành. Con bướm khẽ đập cánh, biến mất, sau đó một màn dày ánh kiếm xuất hiện, như liễu rủ đan xen vào nhau.
Quảng Hàn kiếm chém xuống, chẳng những chém về phía tấm lưới từ ánh kiếm kia, lại càng chém về phía tượng thần.
- Aaaaa...
Nhan Lạc Nương la thất thanh.
Nơi Quảng Hàn kiếm đi qua, lưới kiếm bỗng nhiên vỡ tan, rồi bất chợt có một thân kiếm mông lung như sương trắng đâm về phía đạo cô, trong thân kiếm là một con bướm màu lam nhạt. Kiếm vừa xuất hiện, ở trong mắt các đệ tử phía sau lưng đạo cô, đây không phải là một thanh kiếm nữa, mà là một rừng kiếm, kiếm kiếm đều đâm tới đạo cô và bọn họ.
Một kiếm tới bất ngờ, tiếng kiếm ngân nổi lên trong hư không.
Quảng Hàn kiếm đã sắp chém lên tượng thần thì đột nhiên biến mất, sau đó xuất hiện ở trước mặt đạo cô, ánh kiếm như khổng tước xòe đuôi bao phủ lấy đạo cô và các đệ tử trong đó. Kiếm kiếm rõ ràng, lại kiếm kiếm mờ ảo, khí thế phô thiên cái địa trùm tới Mê Thiên kiếm, đồng thời vươn tới cả tượng thần sau Mê Thiên kiếm.
Mê Thiên kiếm bỗng biến mất, trong miếu Hà Bá đột nhiên sinh ra sương mù. Sương mù như sóng nước vô hình, chớp mắt cái đã cuồn cuộn, làm người trong thần miếu như đưa thân vào giữa sông, quanh thân có cảm giác sền sệt, giảm hẳn cảm ứng với vạn vật xung quanh.
- Sư phụ.
Nhan Lạc Nương lao ra khỏi màn ánh kiếm bảo hộ, mở hai tay chắn ở phía trước đạo cô.
Một tiếng kiếm trở lại bao ngắn ngủi, ánh kiếm biến mất.
- Đi!
Đạo cô khẽ quát một tiếng, xoay người liền đi.
Sương mù trong miếu Hà Bá tán dần. Nhan Lạc Nương xoay người nhìn tượng Hà Bá, mở miệng muốn nói gì đó, thì từ bên ngoài thần miếu đã truyền tới tiếng quát lạnh của đạo cô:
- Lạc Nương, ngươi muốn phản bội sư môn sao.
Nhan Lạc Nương vội nuốt lời vừa đến miệng lại, cung kính cúi người bái nhanh một cái với tượng thần, sau đó xoay người chạy ra ngoài miếu. Ra tới ngoài, sư phụ của nàng đã mang các đồng môn đi xa, nàng vội vàng đuổi theo.
-----oo0oo-----
Truyện khác cùng thể loại
36 chương
60 chương
4966 chương
30 chương
110 chương
17 chương
54 chương