Hoa Tư Dẫn
Chương 11
Vì tôi không còn là người trần thế nên nam hay nữ đối với tôi không còn ý nghĩa gì. Nhưng bị Quân Vỹ nhắc nhở nên cũng không thể không để ý đến suy nghĩ của Tiểu Lam và suy nghĩ của Chấp Túc, nữ hộ vệ của anh ta. Nhưng ngoài kéo anh ta, không có cách nào khác đưa anh ta vào Hoa Tư mộng của Tống Ngưng.
Mặt Chấp Túc lộ vẻ kinh ngạc, miệng đang há ra, rồi dần khép lại. Thấy Tiểu Lam không có ý phản đối, tôi thấy hay là hỏi thẳng anh ta, cân nhắc một hồi tôi nói: "Tôi kéo tay huynh một lúc, huynh không để tâm chứ?".
Anh ta thản nhiên ngẩng đầu nhìn tôi, cặp lông mày khẽ nhướn: "Nếu tôi để tâm thì sao?".
Tôi cũng thản nhiên nhìn trả: "Vậy đành đợi khi chúng ta thoát khỏi giấc mộng của Tống Ngưng, huynh chỉ việc chặt phăng bàn tay huynh đi là xong".
Quân Vỹ nói: "Nếu vậy thì tốt, thế mới là trang nam tử hảo hán".
Tôi nói: "Tốt cái đầu huynh ấy".
Tiểu Lam nhếch mép cười: "Nói đùa vậy thôi, Quân cô nương không để tâm, sao tôi lại để tâm?".
Nụ cười nhếch mép của anh ta đột nhiên khiến tôi hơi ngơ ngẩn. Nhưng lúc này đang làm đại sự, không được nghĩ lung tung. Tôi kéo anh ta cùng nhảy vào quầng sáng màu vàng sương khói mịt mùng trên hồ sen. Nếu có người đi qua, nhất định sẽ nghĩ chúng tôi nắm tay nhau tự vẫn vì tình, lại có Quân Vỹ, Chấp Túc, Tiểu Hoàng đứng trên bờ vẫy tay, chẳng khác gì tiễn biệt, thực không hiểu người ngoài nhìn thấy sẽ nghĩ gì.
Phía sau quầng sáng chính là Hoa Tư mộng của Tống Ngưng. Đây là cảnh một thị trấn phồn hoa, trên không là vầng mặt trời mùa đông bạc màu. Xa hơn nữa có thể nhìn thấy đỉnh núi tuyết, tuyết đọng long lanh in hình trời xanh, giống như những hồ sữa dài trập trùng. Gió lạnh buốt xuyên qua chiếc váy mỏng lạnh thấu xương.
Viên giao châu có tính hàn, tôi vốn đã sợ lạnh, lại gặp gió buốt nên hắt hơi liên tục. Mọi việc đã chuẩn bị chu đáo, nhưng lại quên một điều bây giờ đang là tháng năm đầu mùa hạ, mà trong Hoa Tư mộng lại là mùa đông tháng chạp. Tôi run lập cập hỏi Tiểu Lam: "Huynh có mang tiền không, chúng ta đến hiệu quần áo đã". Chưa nói xong đã thấy hai chiếc áo khoác chìa ra. Tôi không tin vào mắt mình, ngước nhìn Tiểu Lam. Anh ta dúi chiếc áo màu hồng vào tay tôi, còn mình mặc chiếc áo màu trắng. Thấy tôi tròn mắt anh ta nói: "Lúc ăn sáng thấy Quân cô nương nói, khi Thẩm phu nhân cứu Thẩm tướng quân là mùa đông tôi liền sai Chấp Túc đi chuẩn bị hai chiếc áo khoác, không ngờ lại đắc dụng". Tôi ôm chiếc áo, không ngớt lời khen: "Tiểu Lam, huynh chu đáo quá".
Anh ta đứng bên, dửng dưng nhìn tôi: "Chu đáo vừa thôi". Lát sau lại nói: "Mặc ngược rồi".
Mặc áo xong, tôi nói với Tiểu Lam ý nghĩ của mình. Khi chúng tôi tới đây vừa đúng lúc Tống Ngưng tìm thấy Thẩm Ngạn trên chiến trường đầy xác chết và đã đưa chàng vào hang núi tuyết. Thực ra tất cả đều do Thẩm Ngạn nhận nhầm người. Mặc dù không dám đảm bảo, sau khi tỉnh dậy, ánh mắt đầu tiên chàng ta nhìn thấy là Tống Ngưng chứ không phải là Liễu Thê Thê, liệu chàng có lập tức si mê Tống Ngưng như đã si mê Liễu Thê Thê. Nhưng phải thử thôi. Tôi phân tích: Thứ nhất, phải khiến thuộc hạ của đại huynh Tống Ngưng phái đi tìm cô rời khỏi thị trấn, Tống Ngưng mới yên tâm ở lại chăm sóc Thẩm Ngạn trong y quán. Thứ hai, phải khiến Thẩm Ngạn không gặp được cô gái câm Liễu Thê Thê trong y quán, mới loại bỏ được khả năng hai người đó đến với nhau.
Tiểu Lam cho rằng làm như thế rất đúng, giết chết thuộc hạ của đại huynh Tống Ngưng và Liễu Thê Thê là mọi việc sẽ thuận lợi. Nói ra ý nghĩ ác độc đó trên mặt anh ta vẫn thản nhiên như không, dường như giết người dễ dàng như giết kiến.
Thực ra tôi cũng thấy như vậy rất giản tiện. Chỉ có điều giấc mộng do viên giao châu dệt nên, pháp lực của viên giao châu được tu luyện dựa vào hấp thụ giấc mộng đẹp của con người. Giấc mộng phải đẹp mới có thể cám dỗ con người, nhưng quá trình cám dỗ đó nếu tùy tiện gây ra cảnh chết chóc lại bất lợi cho việc tu luyện của viên giao châu. Nói cách khác, giết Liễu Thê Thê và những người khác trong giấc mộng, sinh mệnh tôi lấy được của Tống Ngưng có thể giúp tôi sống thêm một năm rưỡi nữa, nhưng nếu không giết bọn họ, sinh mệnh tôi lấy được của Tống Ngưng có thể giúp tôi sống thêm ba năm. Vì thế tôi cảm thấy, chưa bất đắc dĩ, không giết người vẫn hơn.
Có thể trong ảo mộng đó, để thực hiện lời hứa với Tống Ngưng, cuối cùng tôi vẫn phải giết một người nào đó. Nhưng cuộc trao đổi nào chẳng phải trả giá, chỉ là vạn bất đắc dĩ mà thôi.
Tôi nói với Tiểu Lam: "Hay là chúng ta đừng chọn giải pháp tàn khốc như vậy, cứ dùng biện pháp mềm dẻo trước đã. Có thể giải quyết sự việc bằng thương lượng vẫn hơn phải động gươm đao".
Tiểu Lam trầm tư: "Cô hành sự như vậy, không sợ lỡ việc sao?".
Tiểu Lam bỏ mặc tôi, đi thẳng vào tửu quán bên cạnh. Tôi hỏi người đi đường, biết đó là tửu quán lớn nhất thị trấn.
Bước lên tầng hai, chỉ có cái bàn cạnh cửa sổ còn trống bèn ngồi xuống.
Xưa nay tôi luôn thích những cái bàn cạnh cửa sổ trong tửu quán, bởi vì trong truyền thuyết, khách lựa chọn ngồi ở vị trí đó thường là những nhân vật khác thường. Nếu là truyền thuyết tình yêu, khách ngồi ở đó không hoàng đế cũng vương gia, nếu là truyền thuyết giang hồ, khách ngồi ở đó không minh sư cũng giáo chủ.
Những nhân vật huyền bí đó đến tửu lầu dùng bữa hầu như chỉ ngồi bên cửa sổ, những ngón tay thanh tú nâng chung rượu trắng, để lại cho bàn dân thiên hạ xung quanh nửa khuôn mặt nhìn nghiêng, để họ tha hồ bàn tán suy diễn.
Tôi nhìn trước nhìn sau, hỏi Tiểu Lam, "Một tửu lầu lớn thế, sao chỉ có chỗ chúng ta còn trống?".
Anh ta vừa rót trà vừa hất hất cằm.
Tôi không hiểu ý anh ta, thử đoán, "Lẽ nào đúng là vị trí trong truyền thuyết chỉ có thể để nhân vật trong truyền thuyết ngồi, mọi người đa số cảm thấy mình không phải là nhân vật đó, nên mới chủ động để lại vị trí? Ha, thiên hạ đúng là quá tự giác". Nói xong tôi hắt hơi.
Tiểu Lam giơ tay chỉ cửa sổ bên cạnh, "Cánh cửa hỏng, không đóng được".
Tôi không tin, nhìn anh ta, "Hả?" rồi lại hắt hơi lần nữa.
Anh ta trao cho tôi chén trà bốc hơi nghi ngút, chậm rãi nói, "Bên ngoài gió rất to, nếu còn chỗ khác tôi cũng không muốn ngồi ở chỗ đầu gió thế này".
Tôi nói, "Cái này..." vừa nói đến đó, lại hắt hơi lần nữa.
Tiểu nhị nhanh chóng mang thức ăn đến, Tiểu Lam gọi một hũ rượu hâm nóng, thêm mấy món gì đó tôi cũng không để ý, chỉ vô tình nghe thấy bánh chẻo nhân tôm vỏ phỉ thúy. Tôi vừa ngẫm nghĩ vừa xen lời: "Sáng đã ăn bánh chẻo nhân tôm phỉ thúy rồi, đổi món khác đi".
Tiểu Lam nói: "Chẳng phải cô rất thích món này sao?".
Tôi nói: "Tôi ăn gì cũng được, cái chính là huynh thôi, huynh thích gì cứ gọi". Đằng nào tôi ăn gì cũng chỉ có một vị, đó là chẳng có vị nào hết.
Tiểu Lam ngẩng đầu nhìn tôi, tiểu nhị dẻo miệng chen vào: "Cô nương đúng là rất tâm lý".
Tôi gật đầu tán đồng, tiếp tục suy nghĩ. Suy nghĩ làm sao dụ được thuộc hạ của Tống Diễn đi mà không cần đổ máu, hơn nữa trong chuyện này việc đầu tiên cần làm là tìm ra thuộc hạ của Tống Diễn trong trị trấn đông đúc này.
Mặc dù nhờ Hoa Tư điệu của Tống Ngưng tôi có thể thấp thoáng nhìn thấy bóng họ, chỉ có thể nhận ra mấy người đàn ông to khỏe vâm váp, lưng hổ tay gấu, nhưng trong thị trấn này đàn ông như vậy rất nhiều, tôi không thể đến hỏi từng người, "Đại ca, đại ca có phải là binh sĩ nước Lê, mẹ đại ca gọi đại ca về ăn cơm".
Làm như vậy đến bao giờ mới tìm được họ.
Rượu được nhanh chóng mang ra, Tiểu Lam đưa cho tôi, đang định đón lấy ủ tay cho ấm. Anh ta lại cầm chung rượu, vẫn không buông ra, tôi giơ tay lấy, mắt anh ta như đầm sâu tĩnh lặng: "Tôi chỉ đường cho cô gái kia, cô giận gì chứ?".
Tôi ngớ ra, không hiểu: "Sao?".
Anh ta cau mày lạnh lùng: "Lại giả bộ rồi, tôi ghét nhất cô giả bộ với tôi".
Tôi chỉ vào mũi mình: "Huynh đang nói với tôi đấy à, huynh nói cô gái nào...".
Anh ta ngắt lời tôi: "Cô gái cầm cây thương vừa rồi, dáng cao cao, áo tím. Từ lúc tôi khen cây thương của cô ta, giọng nói của cô với tôi bắt đầu lạnh nhạt, còn không thừa nhận mình đang giận, cô giận gì vậy?".
Tôi không hiểu, "Giận ư? Tôi đâu có giận".
Mấy người đàn ông ngồi cách đó vài cái bàn đột nhiên cười rộ, cùng nói: "Chai dấm ở đâu đổ rồi, người anh em, cô ấy đang ghen đấy, ai bảo anh lại khen cô gái khác trước mặt cô ấy, ha ha ha...".
Tôi vẫn không hiểu đầu đuôi thế nào, nhưng bị họ nói to như vậy, bao nhiêu thực khách trong tửu lầu đều dồn mắt về phía này. Tôi lẩm bẩm: "Cô nương áo tím, dáng cao cao, cầm cây thương?".
Anh ta không để ý đến lời tôi, chộp cánh tay tôi, ánh mắt vừa rồi còn lạnh lùng đột nhiên vui như đang cười: "Ghen thật sao?".
Mặt tôi vẫn dửng dưng, giật tay về: "Quả thực tôi không ghen".
Tiểu Lam buông tay tôi. Bởi vì bàn ăn bên cạnh không biết từ đâu xuất hiện một toán người. Toán người đó vận trang phục theo kiểu người Khương, nhưng giọng nói lại là khẩu âm vùng biên giới nước Lê, vừa nghe đã biết là trá hình. Một người có vẻ là toán trưởng hướng về phía Tiểu Lam: "Tiểu huynh đệ nói vừa gặp một cô gái áo tím, tay cầm cây thương, lại còn chỉ đường cho cô ấy, xin hỏi cô gái đó đi về hướng nào?".
Kỳ thực, từ lúc phát hiện ra toán người này, tôi đã lập tức hiểu ý đồ của Tiểu Lam. Cô gái áo tím mà anh ta nói rất nổi bật. Chỉ cần có duyên gặp một lần, tôi không thể không nhận ra cô ta chính là Tống Ngưng.
Nếu Tiểu Lam có thể đánh lừa được toán người đi tìm Tống Ngưng, điệu họ rời khỏi thị trấn thì tốt. Đang nghĩ như vậy, quan sát biểu hiện của Tiểu Lam tôi hết sức ngạc nhiên. Lúc này mặt anh ta đầy cảnh giác, hỏi mấy người kia: "Cô gái áo tím đó có quan hệ thế nào với các vị? Các vị định làm gì?". Giống như anh ta quả đã từng gặp cô gái áo tím đó, tuy chỉ thoáng qua, nhưng vô cùng ngưỡng mộ cô, sợ những người đó có ý đồ gì với cô nên muốn bảo vệ cô.
Toán người nhìn nhau, toán trưởng nói vẻ bối rối: "Quả thật không dám giấu, cô nương áo tím mà tiểu huynh đệ đã gặp chính là tiểu thư nhà chúng tôi bỏ nhà đi. Tiểu thư bỏ đi, thiếu gia chúng tôi rất lo lắng, phái mấy huynh đệ bọn tôi đi tìm. Tiểu thư đi về hướng nào, rất mong tiểu huynh đệ chỉ giúp".
Lòng tôi thầm giục, nói đi, nói đi, nói, chỉ bừa một hướng nào đó để họ rời đi, nhưng mặt Tiểu Lam lộ vẻ phân vân. Nghĩ một lát, tôi lập tức hiểu ra, thâm tâm anh ta chắc cũng đang muốn nói một địa chỉ nào đó để bọn họ rời khỏi thị trấn, nhưng vẫn cố nén để họ khỏi nghi ngờ, để họ tin là anh ta nói thật. Kinh nghiệm ở đời cho thấy, bộ dạng càng thật thà càng dễ đánh lừa người khác.
Đối phương quả nhiên tin lời, trịnh trọng nói: "Mấy huynh đệ chúng tôi đến đây chỉ là để tìm tiểu thư, tiểu huynh đệ yên tâm, nếu cô nương áo tím đó không phải là tiểu thư nhà chúng tôi, chúng tôi cũng không làm khó cô ấy, nếu không giữ lời, chúng tôi sẽ bị sét đánh chết".
Tiểu Lam nhìn người đó vẻ đắn đo, mãi sau mới nói: "Đã vậy, nếu cản trở các vị đi tìm người nhà, tại hạ cũng có lỗi... Một canh giờ trước, chúng tôi có gặp một cô nương áo tím ở chân núi Thạch Môn, cô ấy hỏi thăm một kiếm khách họ Kinh trên núi Thang, nói là cần đến thăm kiếm khách đó, hỏi đường lên núi Thang đi thế nào".
Chỉ một câu ngắn ngủi nhưng đã bao hàm bao nội dung, phản ánh sự giằng co trong lòng, sự đắn đo giữa nói và không nói, trong đó có nỗi hoang mang bởi cuối cùng đã nói ra, còn cả sự bất lực khi nói ra không biết hậu quả sẽ thế nào. Anh ta thực hiện hoàn hảo vai diễn của mình, không được xem thật đáng tiếc.
Anh ta vừa nói xong, toán trưởng rên lên: "Đích thực là tác phong của tiểu thư". Anh ta chắp tay cúi chào chúng tôi, cả toán người tức thì mất hút ở cửa tầng hai tửu lầu.
Nhìn bóng họ xa dần, Tiểu Lam ngồi lặng rất lâu, trong vẻ băn khoăn dường như phảng phất nỗi buồn, mãi đến khi qua khung cửa sổ thấy họ đã biến mất ở phía chân trời. Tôi quay đầu, nhìn Tiểu Lam thần sắc đã trở lại bình thường, đang ung dung rót rượu ra chung.
Tôi cảm thấy mình có rất nhiều điều muốn hỏi, Tiểu Lam trước mặt khiến tôi hình như nhìn thấy một khuôn mặt khác của anh ta, tuyệt đối không phải là con người suy sụp chán chường nằm liệt hai ngày sau khi bị cô gái đâm trọng thương. Sự thay đổi của anh ta giống như trồng cây nho kết quả lại kết ra bưởi đào.
Tuy nhiên ngẫm nghĩ về con người anh ta lại cảm thấy mặc dù hơi ngạc nhiên, nhưng cũng chẳng có gì không thỏa đáng, giống như cây nho kia kết ra bưởi đào chứ không phải là sầu riêng hoặc thanh long. Tôi ngồi đối diện với anh ta, giả vờ hỏi: "Núi Thạch Môn, núi Thang, hình như huynh rất thuộc địa hình ở đây?". Tiểu nhị bưng lên món gà rưới nước gừng, anh ta vừa quan sát nước gừng chuyển màu vừa nói: "Bảy năm trước tôi có nghe nói về trận chiến Thương Lộc, nhân lúc rảnh rỗi đến đó tham quan, cũng tìm hiểu tình hình xung quanh". Tôi nói: "Vậy sao huynh biết thuộc hạ của Tống Diễn nhất định ở tửu lầu?". Anh ta nhấc chung rượu ung dung nói: "Họ đến đây làm việc công, lộ phí dùng bạc công, đúng vào bữa trưa, tất nhiên là sẽ đến tửu lầu nổi tiếng nhất thị trấn. Cô đã thấy ai đi làm việc công lại tiết kiệm tiền cho ngân khố triều đình chưa?".
Tôi ngẫm nghĩ, đúng là như vậy.
Lúc tôi là công chúa nước Vệ, được phụ vương phong hiệu là Văn Xương, theo lời đồn đã trở thành người thông minh nhất trong Vệ vương thất. Mặc dù lời đồn đa phần không có thật, nhưng trong vương cung, so với mọi người tôi cũng có phần tự hào về trí thông minh của mình. Nhưng hôm nay so với Tiểu Lam, lập tức cảm thấy kém hơn nhiều, lẽ nào chứng tỏ nước Vệ diệt vong không phải là do thiên tai địch họa, tất cả đều do vương thất kém người tài?
Tiểu Lam nói: "Vẻ mặt thế này, cô đang nghĩ gì vậy?".
Tôi nói: "Đang nghĩ rất nhiều truyền thuyết thực ra không phải như vậy mà chỉ là do người ta đồn thổi, truyền khẩu rồi thành mà thôi. Truyền thuyết hoàn toàn không xảy ra trong hiện tại, chỉ xảy ra trong quá khứ hoặc tương lai, dưới dạng hư cấu, thực ra không có ý nghĩa, tất cả đều là giá trị ước đoán sai lầm. Nhưng càng sai lầm dường như giá trị càng lớn, mà thực tế giá trị quả nhiên càng lớn...".
Tiểu Lam như không hiểu.
Tôi nói: "Thực ra là...".
Anh ta ngắt lời tôi: "Ăn bánh chẻo đi đã, ăn rồi hãy nói".
Thế là chúng tôi bắt đầu ăn bánh chẻo.
Nhưng ăn xong thì tôi lại quên mất định nói gì tiếp.
Truyện khác cùng thể loại
83 chương
12 chương
78 chương
49 chương
67 chương