Hỏa ngục

Chương 85

Robert Langdon trân trân nhìn ra ngoài cửa sổ chiếc xe thùng khi nó lao vùn vụt dọc theo xa lộ kề bên bờ nước nối sân bay Ataturk với trung tâm của Istanbul. Các quan chức Thụy Sĩ bằng cách nào đó đã giúp cho thủ tục hải quan dễ dàng, và Langdon, Sinskey cùng những thành viên khác trong nhóm đã lên đường chỉ trong vài phút. Sinskey ra lệnh cho Thị trưởng và Ferris ở lại trên chiếc C-130 cùng với vài nhân viên WHO và tiếp tục truy tìm dấu vết của Sienna Brooks. Mặc dù không tin Sienna có thể đến Istanbul kịp thời gian nhưng mọi người vẫn có tâm lý e ngại rằng trước khi nhóm Sinskey có thể can thiệp, cô đã kịp gọi điện cho một trong những đệ tử của Zobrist ở Thổ Nhĩ Kỳ và đề nghị trợ giúp thực hiện kế hoạch đầy hoang tưởng của Zobrist. Liệu có thật sự Sienna dính vào việc giết người hàng loạt không? Langdon vẫn không sao chấp nhận được tất cả những gì đang diễn ra ngày hôm nay. Anh cảm thấy đau đớn khi phải nghĩ về cô như vậy, nhưng anh buộc phải chấp nhận sự thật. Mày chưa bao giờ hiểu cô ta, Robert ạ. Cô ta dắt mũi mày. Một cơn mưa nhẹ bắt đầu trút xuống thành phố, và Langdon bỗng cảm thấy mệt mỏi khi nghe thấy tiếng rít lặp đi lặp lại của những cần gạt nước trên kính chắn gió. Bên phải anh, trên biển Marmara ngoài kia, anh có thể nhìn thấy ánh đèn quét qua của những du thuyền sang trọng và những tàu chở dầu đồ sộ ra vào hải cảng phía trước mặt. Dọc bờ cảng là những tòa tháp mảnh mai và trang nhã vươn cao phía trên các giáo đường có mái vòm, như âm thầm nhắc người ta nhớ rằng mặc dù Istanbul là một thành phố thế tục hiện đại, nhưng cốt lõi của nó vẫn dựa vào tôn giáo. Langdon luôn thấy đoạn cao tốc dài mười dặm này là một trong những đoạn đường đẹp nhất ở châu Âu. Là một ví dụ hoàn hảo cho sự va chạm giữa cái cũ và cái mới của Istanbul, cung đường này bám theo một phần bức tường của Constantine, được xây dựng trước cả khi nhân vật được lấy tên cho đại lộ này – John F.Kennedy – cất tiếng khóc chào đời hơn mười sáu thế kỷ. Vị Tổng thống Hoa Kỳ rất ngưỡng mộ tầm nhìn của Kemal Ataturk[1], người đưa nước cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ vươn lên từ đống tro tàn của một đế chế đã sụp đổ. [1]Mustafa Kemal Ataturk (1881-1938) là nhà cách mạng, tổng thống đầu tiên của Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ. sau khi đế quốc Ottoman thất bại trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, ông lãnh đạo Phong trào Quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ, và kết quả là nước Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ ra đời năm 1923. Sau chiến tranh, Ataturk tiến hành cải cách chính trị, kinh tế và văn hóa nhằm biến cựu đế quốc Ottoman thành một nhà nước hiện đại và thế tục. Những nguyên tắc cải cách đó đươc biết đến với tên “chủ nghĩa Kemal”. Với những góc nhìn ra biển không đâu sánh bằng, Đại lộ Kennedy uốn mình qua những trảng cây tuyệt đẹp cùng các công viên lịch sử, chạy qua bến cảng ở Yenikapi, và cuối cùng len lỏi giữa ranh giới của thành phố với vịnh Bosporus, nơi nó tiếp tục chạy lên phía bắc tới tận mũi Vàng[2]. Ở đó, sừng sững phía trên thành phố là pháo đài của đế chế Ottoman, Cung điện Topkapi. Với tầm nhìn chiến lược cho toàn bộ thủy lộ của Bosporus, cung điện này là một trong những nơi được du khách rất ưa chuộng. Họ tới đây để chiêm ngưỡng cả khung cảnh lẫn bộ sưu tập báu vật Ottoman có một không hai, trong đó có cả áo choàng và thanh gươm được đồn là những vật thuộc về nhà tiên tri Muhammad. [2]Mũi Vàng: Golden Horn là một vịnh nhỏ chia thành phố Istanbul và tạo thành một hải cảng tự nhiên cho các tàu thuyền của Hy Lạp, La Mã, Byzantine, Ottoman và các nước khác suốt hàng nghìn năm. Đây là cửa biển có hình thanh đao, của các sông Alibeykoy và Kagithane, nối với Bosphorus đúng vị trí eo biển nhập vào biển Marmara, hình thành nên một bán đảo với phần đầu mút chính là “Istanbul” cũ (Byzantium cổ và Constantinople). Chúng ta sẽ không đi xa đến thế, Langdon biết như vậy, trong đầu hình dung ra điểm đến của họ ở phía trước, Hagia Sophia, cách trung tâm thành phố không xa lắm. Khi họ rời khỏi Đại lộ Kennedy và bắt đầu len lỏi vào thành phố dân cư đông đúc, Langdon nhìn những đường phố và vỉa hè tấp nập người, cảm thấy bị ám ảnh bởi những cuộc trò chuyện trong ngày. Quá tải dân số. Dịch bệnh. Những nguyện vọng lệch lạc của Zobrist. Mặc dù hiểu rõ địa điểm nhóm SRS này đang hướng tới, nhưng cho tới lúc này Langdon mới đánh giá được đầy đủ về nó. Chúng ta đang tiến tới tâm chấn. Anh hình dung ra cái túi đang từ từ tan dần, bên trong chứa chất dịch màu vàng nâu, và tự hỏi làm cách nào anh lại rơi vào tình cảnh này. Bài thơ lạ lung mà Langdon và Sienna phát hiện ở mặt sau chiếc mặt nạ người chết của Dante cuối cùng chỉ dẫn anh tới đây, Istanbul. Langdon đã hướng dẫn nhóm SRS tới Hagia Sophia, và biết sẽ có nhiều việc cần làm khi tới đó. “Hãy quỳ gối bên trong bảo quán mạ vàng của tri thức thánh thiêng, và áp tai xuống đất, lắng nghe tiếng nước nhỏ giọt, Hãy lần sâu vào tòa cung điện bị chìm… vì ở đây, trong bóng tối, con quái vật chốn địa phủ chờ đợi, lặn ngụp trong thứ nước đỏ như máu… của cái đầm không hề phản chiếu ánh sao.” Langdon lại cảm thấy run bắn khi biết rằng khổ cuối Hỏa ngục của Dante kết thúc bằng một cảnh tượng gần như giống hệt: Sau một hành trình dài đi xuyên qua địa phủ, Dante và Virgil đến điểm thấp nhất của địa ngục. Ở đây không có lối ra, họ nghe thấy tiếng nước chảy nhỏ giọt qua những khối đá dưới chân. Họ đi theo khe nước qua các kẽ nứt và khe hở để rồi tìm được chỗ an toàn. Dante viết: “Một nơi dưới đó… nơi không thể nhận biết bằng mắt, mà qua tiếng khe nước, chảy xuôi theo chỗ trũng của tảng đá… và theo con đường ẩn kín đó, người dẫn đường của ta và ta bước vào, để trở lại thế giới dương gian”. Cảnh tượng của Dante rõ ràng chính là cảm hứng cho bài thơ của Zobrist, mặc dù trong trường hợp này, dường như Zobrist đã đảo ngược mọi thứ. Thực tế, Langdon và những người khác đang theo tiếng nước nhỏ giọt, nhưng khác với Dante, họ không rời khỏi hỏa ngục… mà đi thẳng vào trong đó. Khi chiếc xe thùng chạy qua những đường phố hẹp hơn và đông đúc hơn, Langdon bắt đầu hiểu ra cái logic khác thường khiến Zobrist lựa chọn trung tâm Istanbul là tâm chấn của một đại dịch. Đông gặp Tây. Giao lộ của thế giới. Trong rất nhiều thời điểm của lịch sử, Istanbul từng bị những đại dịch giết người hoành hành, cướp đi số lượng lớn dân cư. Thực tế, trong giai đoạn cuối cùng của Cái chết Đen, thành phố được gọi là “tâm dịch” của cả đế chế và người ta nói đại dịch này đã giết hơn một vạn dân cư một ngày. Đã có một vài bức vẽ Ottoman nổi tiếng mô tả người dân thành phố tuyệt vọng đào những hố dịch hạch để chôn hàng núi xác chết tại các cánh đồng ở Taksim gần đó. Langdon hy vọng Karl Marx đã sai khi nói, “Lịch sử luôn lặp lại”. Dọc những con phố mưa rơi, các sinh linh vô tư lự vẫn đang bận rộn với công việc buổi tối của mình. Một phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ xinh đẹp gọi con cái về ăn tối, hai ông già cùng nhâm nhi tại một quán cà phê ngoài trời, một cặp đôi ăn mặc chỉnh tề tay trong tay đi dạo dưới ô, và một người đàn ông mặc áo lễ phục nhảy xuống từ xe buýt và chạy dọc phố, cố giấu hộp đàn vĩ cầm của mình bên dưới áo khoác, rõ ràng vì đến muộn một buổi hòa nhạc. Langdon xem xét những gương mặt quanh mình, cố gắng hình dung ra những điều phức tạp trong cuộc đời mỗi người. Đám đông được hình thành từ những cá nhân. Anh nhắm mắt lại, ngoảnh mặt khỏi cửa sổ và cố gắng gạt bỏ chiều hướng u ám trong suy nghĩ. Nhưng vết thương đã hằn sâu. Trong khoảng tối tâm trí của anh, một hình ảnh không mong muốn hiện rõ – cảnh tượng hoang tàn trong bức tranh Chiến thắng của Tử thần của Bruegel – một bức đại cảnh gớm ghiếc về dịch hạch, nỗi thống khổ và đau đớn tàn phá một thành phố ven biển. Chiếc xe thùng ngoặt sang phải vào Đại lộ Torun, và trong khoảnh khắc Langdon nghĩ họ đã đến đích. Bên trái anh, một giáo đường sừng sững xuất hiện trong màn sương. Nhưng đó không phải là Hagia Sophia. Giáo đường Xanh, anh nhanh chóng nhận ra nó khi nhìn thấy sáu tòa tháp hình bút chì của đền thờ với nhiều tầng ban công vươn lên bầu trời với chỏm tháp nhọn hoắt. Langdon đã từng đọc được rằng vẻ đẹp như trong chuyện thần tiên của các tòa tháp có ban công ở Giáo đường Xanh đã truyền cảm hứng cho việc thiết kế tòa lâu đài của nàng Cinderella trong công viên Thế giới Disney. Giáo đường Xanh có tên gọi như vậy là do những bức tường bên trong đều được ốp gạch màu xanh dương, chẳng khác gì một vùng biển đẹp đến sững sờ. Chúng ta đến gần lắm rồi, Langdon nghĩ khi chiếc xe thùng lao vùn vụt về phía trước, ngoặt sang Đại lộ Kabasakal và chạy dọc theo quảng trường Công viên Sultanahmet rộng rãi nằm giữa Giáo đường Xanh và Hagia Sophia, vốn nổi tiếng vì có thể quan sát được hai kỳ quan ấy. Langdon nheo mắt nhìn qua lớp kính chắn gió ướt mưa, cố tìm kiếm hình dáng Hagia Sophia ở đường chân trời, nhưng mưa và ánh đèn pha làm cho thị lực trở nên khó khăn. Tệ hơn nữa, xe cộ dọc đại lộ dường như đang dừng lại. Phía trước, Langdon chẳng nhìn thấy gì ngoài một hàng đèn hậu đỏ lòe. “Có sự kiện gì đó rồi”, người lái xe thông báo. “Tôi nghĩ là một buổi hòa nhạc. Có lẽ đi bộ nhanh hơn.” “Bao xa?”, Sinskey hỏi. “Chỉ cần qua công viên này thôi. Ba phút. Rất an toàn.” Sinskey gật đầu với Brüder và sau đó quay sang đội SRS. “Cứ ở trong xe. Tới càng gần tòa nhà càng tốt. Đặc vụ Brüder sẽ liên lạc lại ngay.” Nói xong, Sinskey, Brüder và Langdon nhảy ra khỏi chiếc xe thùng xuống phố và tiến thẳng qua công viên. Những hàng cây lá rộng trong Công viên Sultanah-met che chắn cả nhóm khỏi thời tiết đang càng lúc càng xấu đi khi họ hối hả bước dọc những lối đi dưới vòm lá của công viên. Các lối đi thỉnh thoảng lại có biển chỉ dẫn cho du khách tới nhiều điểm tham quan trong công viên – cột tháp Ai Cập lấy từ quần thể Đền Luxor, cột đồng Rắn biển[3] lấy từ Đền Apollo ở Delphi, và cột mốc Milion từng được xem như “điểm số 0” để đo mọi khoảng cách ở đế quốc Byzantine. [3]Cột đồng Rắn biển (Serpent Column) là cột đồng cổ tại Hippodrome thuộc Constantinople, khu vực nay là Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là một phần của tháp ba chân hiến tế thời Hy Lạp cổ đại, nguyên đặt tại Delphi và được Constantine I Đại đế dời tới Constantinople năm 324. Tháp được xây dựng để tưởng niệm những người Hy Lạp đã chiến đấu và đánh bại đế quốc Ba Tư trong trận Plataea (479 trước Công nguyên). Phần đầu rắn của cây cột cao tám mét này vẫn còn nguyên vẹn cho đến cuối thế kỷ XVII và nay được trưng bày tại Bảo tàng Khảo cổ Istanbul gần đó. Cuối cùng, họ ra khỏi những tán cây ngay chân một bể nước hình tròn ở trung tâm công viên. Langdon bước ra chỗ trống và ngước mắt nhìn về phía đông. Hagia Sophia. Không giống một tòa nhà mà giống như một trái núi. Vẫn lấp lánh trong màn mưa, hình dáng đồ sộ của Hagia Sophia chẳng khác gì cả một thành phố. Mái vòm trung tâm của tòa nhà lớn đến khó tin và được chống đỡ bằng khung màu xám bạc, như dựa trên cả khối kết hợp gồm những tòa nhà có mái vòm khác được chồng lên xung quanh nó. Bốn ngọn tháp cao vút – mỗi tháp đều chỉ có một ban công duy nhất và phần chóp nhọn màu xám bạc – vươn lên ở bốn góc tòa nhà, cách xa hẳn mái vòm trung tâm khiến cho người ta khó xác định được chúng chính là điểm hợp phần của một tòa nhà duy nhất. Cả Sinskey và Brüder, cho đến lúc này vẫn chăm chú bước đều, bỗng cùng vượt lên, ngước mắt nhìn lên trên… lên trên nữa… như thể tâm trí của họ cố gắng thu hết toàn bộ chiều cao và bề rộng của công trình sừng sững trước mắt họ “Lạy Chúa lòng lành”, Brüder khẽ thốt lên như khồn tin nổi. “Chúng ta sẽ phải tìm kiếm… chỗ đó sao?”