Hồ Sơ Chuyện Lạ
Chương 3
Đáng tiếc Hoàng thành này đi vào thì dễ, đi ra thì khó. Hoàng thành đêm khuya tuy rằng không có một bóng người, thế nhưng xung quanh luôn có lực lượng bảo vệ. Cửa chính được khoá từ bên ngoài, muốn chuồn ra bằng cửa chính là hoàn toàn không có khả năng. Mà muốn trèo tường ra ngoài lại càng không có khả năng hơn. Thứ nhất, anh còn đang cõng một tên hôn mê trên lưng đây, làm sao trèo? Thứ hai, cứ cho là anh có đủ bản lĩnh trèo tường đi, thì ngay dưới chân tường có thể sẽ đụng phải đội bảo an trực ban. Nếu như bị tóm, các anh sẽ trở thành tội phạm bị tình nghi. Hiện tại, các anh chẳng khác gì chim trong lồng, cho dù có chắp cánh cũng khó mà bay được.
Không còn cách nào khác, Diêu Nhiếp đành cõng A Hào quay về chỗ cũ. Dù thế nào cũng phải tìm một chỗ an toàn đợi qua đêm, trời sáng cửa Hoàng thành mở ra rồi tìm cơ hội chuồn ra ngoài.
Cũng coi như bọn họ may mắn, tuy rằng cả đêm Diêu Nhiếp hết sức căng thẳng, đề phòng cao độ, nhưng thời gian còn lại trôi qua trong bình yên, không có chuyện lạ nào xảy ra nữa. Rốt cuộc chờ đến bình minh, tốp du khách đầu tiên đi vào, anh liền vừa ôm vừa kéo mang A Hào rời khỏi toà cung điện đế vương quỷ quái âm u này, không dám nán lại thêm phút giây nào nữa.
Vốn là, Diêu Nhiếp từ xa đến thủ đô chuyến này, không thể cứ đơn giản như vậy đã quay về. dù sao cũng phải làm cho rõ ràng tối hôm qua rốt cuộc là chuyện gì xảy ra, anh đang cân nhắc việc quay lại nơi đó điều tra đến tột cùng. Anh vẫn chẳng tin chuyện ma quỷ gì đâu. Hoàng thành hiện tại là một nhà bảo tàng lớn như vậy, bên trong có vô số kỳ trân dị bảo, vì sao lại không có một người bảo vệ bên trong, chỉ có đội bảo an tuần tra bên ngoài? Chẳng lẽ họ không sợ có những người như anh nấp trong những góc khuất của Hoàng thành, chờ đêm xuống cổng thành đóng lại liền ăn trộm di vật? Tuy rằng muốn ra khỏi thành phải trải qua máy quét kiểm tra toàn thân, nhưng nói không chừng cũng có những kẻ liều mạng trèo tường chạy trốn ấy chứ.
Mặc dù trong dân gian có lời đồn rằng ban đêm ở Hoàng thành bởi vì âm khí rất nặng, thường hay có ma hiện hồn, nên chẳng ai dám nán lại trong đó ban đêm. Nhưng mà Diêu Nhiếp tuyệt đối không tin, anh vẫn kiên trì muốn dùng khoa học để giải thích những chuyện đã xảy ra.
Cũng có thể là buổi tối trong Hoàng thành có một loại thực vật nào đó thải ra một số khí đặc biệt, cho nên lúc đó anh mới cảm thấy không khí trở nên khó chịu. Mà cũng có lẽ là khí ở đó có thành phần kích thích thần kinh, làm anh và A Hào đều sinh ra ảo giác…
Nghĩ như vậy, anh càng cảm thấy tin tưởng lập luận của mình, nóng lòng muốn một lần nữa lẻn vào Hoàng thành vào ban đêm. Đáng tiếc trời không chiều lòng người, A Hào đại khái đã bị doạ đến cực hạn, tỉnh lại tâm trí vẫn thất thường. Không chỉ trốn trong chăn run rẩy không dám ló ra ngoài, bất chợt lại còn hét toáng lên: “Có ma! Có ma! Trong giếng có ma!”
Diêu Nhiếp thấy vậy cũng không biết làm sao, người ta là bị anh kéo đến đây, hiện tại phải chịu trách nhiệm thôi, trước tiên đưa cậu ta về chữa bệnh đã. Kế hoạch buổi tối lẻn vào Hoàng thành đành phải gác lại.
“Ái chà ái chà, sao lại thế này? A Hào đây là trúng tà rồi. Phải đi an hồn thôi!” Anh Tiền làm khâu chế tác cùng với các nhân viên trong tổ đến thăm A Hào đều kết luận như vậy.
Mặt Diêu Nhiếp co quắp. Thật hết nói nổi! Chương trình của bọn họ tên là “Bước vào khoa học”, vậy mà chế tác lại đi đầu phản khoa học tin vào mê tín sao?
“Khỉ gió! Anh đừng nói giỡn, em thấy A Hào là sợ quá nên tinh thần có hơi thất thường. An hồn cái gì? Lẽ ra phải đưa đến khoa tâm thần hoặc bác sĩ tâm lý mới đúng chứ?”
“Con nít biết cái gì? Đừng có mà không tin. Tôi nghe nói cậu đã gặp ma rồi? Chính mắt nhìn thấy mà còn không chịu tin? Có điều chương trình của chúng ta gần đây cũng rất không ổn, không có đề tài hay ho nào cả, cứ phát lại mấy chương trình cũ suốt, tỉ suất xem đài không ngừng rơi xuống. Không dễ dàng gì tìm được một đề tài mới, lại xảy ra chuyện thành viên trong tổ gặp quỷ trúng tà. Tôi thấy cậu đi an hồn giúp A Hào xong, thuận tiện cầu phúc cho tổ chúng ta luôn, cho chương trình đổi vận đi.” Nghe lời nói của anh Tiền, sự việc lần này xem như rơi xuống đầu Diêu Nhiếp là cái chắc.
“Em đi?” Diêu Nhiếp chỉ mình, khoé miệng co rút. Ai chẳng biết Diêu Nhiếp là người phản đối mê tín hủ tục nhất? Còn bắt anh đi cầu thần bái phật, tham gia hành vi mê tín?
“Không phải cậu thì còn ai? Người ta là bị cậu kéo tới thủ đô, hiện tại người ta sợ chết khiếp, cậu dám phủi bỏ trách nhiệm?!” Anh Tiền vẻ mặt phẫn nộ, cứ như đang bắt tại trận một tên hái hoa đã phá huỷ sự trong sạch của con gái nhà lành không bằng.
Diêu Nhiếp bị anh ta nói như vậy, trong lòng quả thật cảm thấy áy náy, nên im lặng không ra tiếng. Một lúc lâu mới không tình nguyện lầm bầm một câu: “Cho dù em đồng ý đi, cũng đâu biết đi đâu an hồn.”
Anh Tiền vung tay, đẩy ra cửa sổ, chỉ xuống cây cột điện đầu con hẻm dưới lầu: “Để anh vạch cho cậu một con đường.”
Diêu Nhiếp đi đến bên cửa sổ nhìn ra, quả nhiên, ngay trên cột điện dán một tờ quảng cáo lem nhem như vảy nến, trên mặt có hai chữ xiêu vẹo: an hồn!
Diêu Nhiếp nhìn tờ quảng cáo trên tay: “Vân Thiên cung, số 203 đường Hoà Bình, chính xác là ở chỗ này mà…”
Anh nhìn quanh bốn phía, ngoại trừ vách tường của một ngôi nhà sắp sập có vẽ một chữ to “Dỡ bỏ” bằng nước sơn đỏ ra, cũng chỉ có hai ba căn đã bị dỡ phân nửa, trơ trọi lại mấy vách tường. Nhìn thế nào cũng không giống như có miếu có am.
Giữa lúc còn đang nghi ngờ, chợt có một người bước ra từ căn nhà sắp sập duy nhất còn sót lại đó. Người đó vừa thấy tờ quảng cáo “vảy nến” trên tay Diêu Nhiếp, liền như chồn hoang thấy gà trống béo, hai mắt xuyên qua cặp kính cận vẫn sáng loè loè. Diêu Nhiếp còn đang thấp thỏm trong lòng, người nọ đã chạy đến trước mặt anh, nắm lấy tay anh hết sức nhiệt tình: “Vân Thiên cung? An hồn?!”
Diêu Nhiếp bị sự nhiệt tình quá mức của y doạ sợ, bản năng rút tay về: “Anh làm gì vậy? Anh là ai?”
Lúc này đối phương mới ý thức được mình vừa rồi thất lễ, vội vàng sửa lại tấm áo ngoài vá chằng vá đụp của mình: “Bần đạo thất lễ rồi, bần đạo là cung chủ của Vân Thiên cung, đạo hiệu là Tam Vô…”
Vì sao đám đạo sĩ nói năng cứ bày đặt nho nhã làm người ta ngứa răng? Diêu Nhiếp có chút mỉa mai tiếp một câu: “Sản Phẩm?” (“Tam Vô” với “Sản Phẩm” phát âm gần giống)
Tam Vô cũng không tỏ vẻ tức giận, lắc đầu nghiêm trang nói: “Không phải không phải, Tam Vô, tức là vô thù, vô oán, vô chấp niệm.”
Diêu Nhiếp gật đầu: “À, ra là vậy, tôi quả thật đến đây an hồn. Nhưng mà không biết Vân Thiên cung của anh rốt cuộc ở đâu?”
Tam Vô vẫy vẫy anh: “Tiên sinh, mời theo tôi.” Nói xong, y dẫn Diêu Nhiếp đi về phía căn nhà ọp ẹp có chữ “Dỡ bỏ” nọ.
Vào đến trước cửa nhà, Diêu Nhiếp ngẩng đầu mới nhìn thấy, thì ra bên trên cánh cửa có một tấm biển gỗ xiêu xiêu vẹo vẹo, dùng sơn đen sơn ba chữ to “Vân Thiên cung”. Bởi vì lâu đời, nước sơn đen đã sớm tróc ra, biển gỗ cũng bám đầy rêu xanh, cho nên lúc đầu anh không hề phát hiện.
Chẳng trách y vừa thấy mình là hai mắt toả sáng. Vân Thiên cung hoang tàn như thế này, phỏng chừng đã lâu rồi bọn họ chưa có khách nào tới thăm đâu? Khó khăn lắm mới có được một con cá cắn câu, còn không hung hăng “chém” một số vốn?
Vào bên trong, ngoài dự đoán của Diêu Nhiếp, trong này khác xa so với vẻ xập xệ bên ngoài. Có điều mấy pho tượng trên điện thờ không khỏi khiến người ta phân không ra ngô hay khoai. Ở giữa thờ Quan thánh đế quân Quan Vân Trường, bên trái thờ Phật tổ của Phật giáo, bên phải thờ Khổng Tử của Nho giáo, canh cửa lại là Lã Đồng Tân của Đạo giáo. Đây rốt cuộc là tổ hợp quỷ quái gì vậy?
Tam Vô ngồi xuống bàn gỗ kê ở một góc phía sau điện thờ. Bàn gỗ có bày ống xâm, hai miếng keo (*), còn có cái lồng chim, có lẽ đó là cần câu cơm của y, dùng để coi bói cho người ta. Diêu Nhiếp không biết có phải là mình nhìn nhầm hay không, anh thấy hình như trong ngăn bàn còn có một quả cầu thuỷ tinh…
Tam Vô đẩy cặp mắt kính dày như hai cái đít chai che non nửa gương mặt của mình, nghiêm trang nói: “Tiên sinh, trước hết phải nói, Vân Thiên cung chúng tôi thu phí an hồn, mỗi lần là một nghìn.”
“Một nghìn?! Anh là ăn cướp hả?!” Hừ, nói đến tiền thì ba cái nho chùm chi, hồ, giả, dã gì đó đều quẳng hết.
“Tiên sinh ngài không thể nói như vậy. Trong vòng trăm dặm lại đây chỉ có duy nhất Vân Thiên cung chúng tôi an hồn thôi, không hề có nơi nào khác. Ngài có muốn tìm chỗ khác cũng tìm không ra. Lại nói, tiếng tăm an hồn của Vân Thiên cung chúng tôi quả thật là lan xa, chỉ thu ngài một nghìn xem như là gieo duyên lành…”
Diêu Nhiếp không đợi y nói xong, quay đầu muốn đi.
Tam Vô thấy vậy, lập tức chạy khỏi bàn kéo anh lại: “Vị tiên sinh này, sao ngài lại gấp như vậy, nghe tôi nói hết đã nào. Tôi nói thu ngài một nghìn xem như gieo duyên lành, thế nhưng chúng ta đã có duyên với nhau trước rồi, thôi thì giảm bớt một nửa cho ngài lấy năm trăm thôi…”
Diêu Nhiếp lại một lần nữa quay đi.
Tam Vô hạ quyết tâm: “Được rồi được rồi, năm nay đại hạ giá, ba trăm!”
Diêu Nhiếp vẫn quay đầu không nhìn y: “Cộng thêm năm lá bùa hộ mệnh nữa.”
Tam Vô cắn răng: “Đồng ý.”
Lúc này Diêu Nhiếp mới vừa lòng quay đầu lại, từ trong túi xách lấy ra một bộ y phục. Trên tờ quảng cáo đó đã sớm ghi chú rõ nếu đến an hồn, nhất định phải mang theo trang phục của người cần an hồn.
Tam Vô cũng không cầm lấy: “Tiên sinh, ở chỗ chúng tôi có quy định là phải thu tiền trước rồi mới làm…”
Diêu Nhiếp bĩu môi, móc ra ba tờ cụ Mao. (cụ Mao = Mao Trạch Đông = tờ tiền 100 tệ)
Tam Vô hớn hở cười toe toét chộp lấy tiền, lúc này mới nhận y phục.
Chỉ thấy Tam Vô cầm một chén gạo đổ vào trong một cái chậu, rồi dùng một tờ vàng mã san phẳng gạo, đặt lên bàn thờ. Sau mới đặt y phục của A Hào lên trên gạo, thắp nhang, miệng lẩm bẩm khấn vái cầu thần linh đem ba hồn bảy vía đang hoảng loạn của A Hào thu về.
Diêu Nhiếp vốn chẳng thèm quan tâm đến mấy cái nghi thức thần thần quỷ quỷ đó, nhưng mà nhìn y loay hoay, cũng cảm thấy thú vị, tự nhiên nhìn chăm chú.
Tụng kinh xong, Tam Vô theo trình tự nhấc y phục ra khỏi chậu, nhìn những đường vân của đống gạo, giải thích nguyên nhân bị trúng tà: “Xem ra nhà của anh âm khí rất nặng, dẫn một số thứ không sạch sẽ đến nhà, nên cháu nhà mới bị doạ sợ hãi.”
Cháu nhà? Diêu Nhiếp nhướng mày.
Cái tên Tam Vô này vốn bị cận thị nặng, mắt kính dày đến mức có thể so được với đáy chai, thậm chí có thể nhìn thấy rõ mấy đường vòng vòng như nhang muỗi trên mắt kính, căn bản là y không có nhìn ra bộ trang phục nọ là của người trưởng thành. Huống chi, những người đến an hồn thường thường là do em bé ở nhà hay vô cớ khóc đêm. Dân gian cho rằng hồn phách của người lớn ổn định hơn so với con nít, nên mới không dễ bị ma quỷ ảnh hưởng. Y không ngờ lại có người đi an hồn cho người trưởng thành, thuận miệng thêu dệt một lời nói dối thông dụng, định bụng lừa gạt con cá béo Diêu Nhiếp này.
Diêu Nhiếp đã thầm nghi ngờ, nhưng cũng không lập tức vạch trần y, lại hỏi thăm thêm một câu: “Đạo trưởng thần thông như vậy, hẳn là biết đứa bé là con trai hay con gái phải không?”
Tam Vô cúi đầu nhìn y phục trong tay mình, trùng hợp là ngày thường A Hào ăn mặc loè loẹt, thích mặc áo màu hồng phấn, y liền tự tin nói: “Đương nhiên là biết! Cháu nhà tiên sinh chính là thiên kim.”
Diêu Nhiếp liền giật lại y phục: “Thiên cái đầu anh! Trả tiền đây, đồ lừa đảo!”
Tam Vô nhìn thái độ của đối phương, biết mình đã bị vạch trần, vội vàng lui về sau hai bước, nắm chặt ba tờ cụ Mao giấu vào trong áo rách: “Tôi vẫn chưa nói xong mà, tôi định nói, tôi định nói thiên kim cũng không bằng tiểu thiếu gia…”
“Thiếu gia cái đầu nhà ngươi! Còn dám gạt ông? Chán sống rồi phải không!” Diêu Nhiếp đuổi theo tên lừa đảo vòng quanh sân.
Tam Vô vừa bảo vệ tiền, vừa cố gắng chạy trốn, thị lực lại kém, đụng đông đụng tây rốt cuộc vấp bậc cửa ngã sấp.
Mắt thấy nắm tay của Diêu Nhiếp sắp đấm tới, y vội kêu lên: “Tráng sĩ tha mạng! Tôi dẫn anh đi gặp cao nhân an hồn!”
(* xin xâm với xin keo, bạn nào muốn biết thì có thể ghé Lăng Ông Bà Chiểu (nếu ở tp HCM), trước khi xin keo cầm hai miếng gỗ khấn một điều gì đó, sau đó ném hai miếng gỗ xuống, nếu một miếng sấp một miếng ngửa thì nguyện vọng của mình có thể thành sự thật, nếu không được có thể ném lại, nếu 3 lần mà vẫn không được thì có nghĩa là hết hy vọng. Còn xin xâm thì chắc nhiều bạn biết, đại khái là một cái ống đựng một đống đũa, trên mỗi cái đũa có đánh số, cầm ống đũa xóc, xóc được cây nào thì cầm cây đó ra lấy quẻ bói tương ứng của mình.)
Truyện khác cùng thể loại
10 chương
72 chương
7 chương
13 chương
98 chương
15 chương