Chương 42 T ối hôm ấy, Tiêu Kiếm đưa Liễu Thanh Liễu Hồng đến Mạo Nhi để mang toàn bộ hành lý của đám Yến Tử và xe ngựa về nhà Lão Âu. Không phải chỉ mang có đồ đạc mà Tiêu Kiếm còn dẫn theo hai người đã hóa trang kỹ tới nữa, đó là vợ chồng ông Phước Luân, và bà phước tấn. Nhĩ Khang và Tử Vy vừa nhìn thấy hai người đã mừng quá chạy ra đón. - A ma! Ngạc nương! Hai người làm sao đến đây được vậy? Liễu Thanh giải thích: - Đúng ra bọn này chỉ đến Học Sĩ phủ dò la, không ngờ bác trai và bác gái lại cương quyết đến, nên bọn này chỉ có cách là phải mạo hiểm. Tử Vy xúc động ôm lấy bà phước tấn. - Phước đại nhân! Phước tấn! Bọn con thật bất ngờ, không dám tin là mình còn có thể gặp lại hai bác. Liễu Hồng ôm một đống quần áo ra. - Tôi mang theo một số quần áo cũ ở dốc Ngân Hạnh về đây. Bác gái đã chuẩn bị đủ thứ. Tôi nghĩ với số quần áo này cũng đủ cho mọi người mặc trên đường đi rồi. Tiêu Kiếm nói với Vĩnh Kỳ. - Vĩnh Kỳ, tốt nhất cậu nên để nhà họ nói chuyện, còn cậu và tôi vào đây kiểm tra xem, còn thiếu thứ nào mình bổ sung thêm chứ? Vĩnh Kỳ thì rất muốn ở lại, vì đâu phải dễ gặp được ông Phước Luân và phước tấn. Ngay lúc đó ông Phước Luân bước tới nắm tay Vĩnh Kỳ. - Ngũ a ca, không ngờ cuối cùng rồi Ngũ a ca lại phải chọn con đường này… Vĩnh Kỳ có vẻ rất khẳng khái chứ không buồn. - Vâng, từ rày về sau, chắc có lẽ con phải nhờ hai người chăm sóc giùm cha con. Chờ đến bao giờ người nguôi ngoai cơn giận, còn bây giờ chỉ biết nhờ Phước Luân nói với A ma con giùm là dù có sống ở nơi chân trời góc biển nào, lúc nào con cũng nhớ đến người, cảm ơn sự bao dung của người. Ông Phước Luân nghe vậy rất cảm động. - Tôi hiểu! Ngũ a ca, gắng mà tự bảo trọng chờ nhé. Yến Tử đứng gần đó, chen vào: - Còn con! Con là con người chẳng có trình độ, nếu cái hận con chẳng bao giờ quên. Có điều vì Vĩnh Kỳ nên con tạm thời nén nó xuống, nói với “ông ấy” ông ấy chưa chặt được đầu con, nhưng tôi đã cướp được Vĩnh Kỳ cũa ông ấy đó là quả báo. Ai biểu ông ta không giữ lời làm chi, không đáng là Thiên Tử? Ông Phước Luân lắc đầu. - Câu vừa rồi của cô chắc chắn là tôi không nhắn lại được đâu, cô cũng nên nghĩ lại lời của mình! Kim Tỏa bước tới chào vợ chồng ông Phước Luân. - Kim Tỏa xin khấu kiến Phước đại nhân, phước tấn. Ông Phước Luân giật mình. - Kim Tỏa cũng được cứu thoát rồi à? - Vâng, chình vì vậy mà tội lỗi bọn con càng lúc càng chồng chất! Nhĩ Khang và Tử Vy thấy không còn nhiều thời gian nên dìu hai vợ chồng ông Phước Luân phước tấn đi, nói: - Chúng ta vào trong nói chuyện đi ba mẹ! Vào phòng trong, hai vợ chồng ông Phước Luân vừa yên vị thì Nhĩ Khang kéo Tử Vy cùng quỳ trước mặt hai ông bà. - A ma! Ngạc nương! Nhi tử bất hiếu đã gây họa tài trời làm liên lụy đến cha mẹ, để cha mẹ tuổi đã già còn phải gánh chịu bao nhiêu sầu tủi, để cha mẹ phải khổ sở vì phải ly biệt con cái. Con đúng là nợ của cha cũng chẳng biết xin cha mẹ hãy tha thứ cho con. Giờ con cũng chẳng biết giải thích thế nào để cha mẹ hiểu rõ được. Thôi thì xin cha mẹ hãy nhận ba lạy này của Tử Vy và con, gọi là cảm ơn công nuôi dưỡng nên người cảm ơn sự thông cảm và tha thứ của cha mẹ dành cho chúng con. Tử Vy gật đầu xiết tay bà phước tấn. - Con biết, con sẽ cố ghi nhớ những điều bác dặn. Con cũng xin hứa với bác bao giờ con còn sống là con vẫn cố gắng không để anh ấy mềm yếu, không để anh Khang cô độc cũng như thất chí. Nếu anh Khang mà có những tình huống vậy thì tội lỗi tại con, vì vậy bác yên tâm, con sẽ cố không rời anh ấy, cố giữ anh ấy được như lời bác dặn. Bà phước tấn ghì lấy Tử Vy. - Tử Vy, con là đứa biết điều. Ta nghĩ Nhĩ Khang rồi sẽ hạnh phúc, ta tin cậy con! Hai người nhìn nhau một lúc, Tử Vy nói: - Còn một điều nữa con muốn thưa lại để hai bác biết. Ðó là chuyện ông chú bà thiếm con, từ Tế Nam lên kinh, đã phủ nhận tư cách con, rồi lão phật gia cũng hủy bỏ việc chỉ hôn của con. Như vậy thì coi như con không còn là cành vàng lá ngọc nữa. Hiện con là ai, con cũng không biết, chẳng biết điều đó khiến bác suy nghĩ không ạ? Bà phước tấn cắt ngang. - Con là ai, chúng ta biết rõ. Con là Tử Vy! Là dâu nhà ta, một cô gái đã yêu Nhĩ Khang bằng một tình yêu chân thật, vậy là đủ rồi, những điều khác không quan trọng! Nhĩ Khang nhìn cha mẹ với ánh mắt cả kích, chàng không ngờ cha mẹ lại hiểu và yêu mình đến độ như vậy. - Thưa cha mẹ. Con và Tử Vy, sau những ngày tháng vào sinh ra tử. Rất biết thế nào là tình yêu vì vậy từ đây về sau sẽ trân trọng những cái mình có. Sẽ yêu nhau hơn, xin cha mẹ cứ yên tâm. Chúng con biết tự lo cho mình. Ngưng lại một chút, Nhĩ Khang tiếp: - Ðiều con lo nhất hiện nay, đó là cha mẹ. Con không biết hoàng thượng có vì phẫn nộ bọn con, mà trút cơn giận đó lên cha mẹ không? Con gây họa để cho cha mẹ gánh điều đó làm con ân hận. Chỉ cần nghĩ đến chuyện đó là con mất hết cả nhệu khí bỏ đi xa. Ông Phước Luân lắc đầu. - Đừng nghĩ vậy con ạ, cũng đừng do dự, hãy đi đi! Ta và mẹ con sẽ bình an không việc gì đâu. Sẵn đây ta báo cho con biết một tin vui đấy là lệnh phi nương nương và Tịnh Nhi đều đã vượt qua được ải. Tử Vy mừng rỡ. - Vậy ư? Vậy thì mừng quá… còn Tiểu Đặng, Tiểu Trác, Minh Nguyệt, Thể Hà… chúng có bị liên lụy gì không? - Đều thoát nạn cả, lệnh phi nương nương có gởi mật thư báo cho ba mẹ biết, là lão phật gia muốn làm khó dễ ba mẹ, nhưng hoàng thượng đã không đồng ý. Hoàng thượng đến giờ vẫn là một vị vua nhân từ, vì vậy các con đừng oán hận hoàng thượng. Bà phước tấn nói: - Vâng, sự việc này coi như một cuộc chia tay tạm thời. Ðợi đến bao giờ sóng yên gió lặng, các con rồi phải quay về. Gia đình vẫn còn là gia đình, hoàng thượng vẫn là hoàng thượng. Hãy nhớ từ đây về sau, cuộc sống của mẹ chỉ là “mong đợi” với “đợi chờ” mong đợi đoàn viên và đợi chờ gặp lại. Các con phải biết và thấy sự việc diễn biến tốt đẹp là quay về ngay, nhớ nhé? Nhĩ Khang nói: - Con biết, dù ở góc biển chân trời nào, chỉ cần có cơ hội là bọn con sẽ viết thơ cho cha mẹ, cha mẹ cũng yên tâm đi với bọn con còn có các cao thủ khác, sẽ chẳng có việc gì đâu mà sợ. Ông Phước Luân và bà phước tấn gật đầu, bà phước tấn quay qua Tử Vy. - Tử Vy, con gọi ta là Ngạc nương (mẹ) đi! Tử Vy xúc động gọi: - A ma (cha)! Ngạc nương (mẹ)! Ông Phước Luân gật gù: - Con ngoan lắm! Đợi bao giờ chúng con quay về, ta sẽ làm một lễ cưới thật to cho các con. Ta nghĩ chuyện đó chắc cũng không lâu đâu. Bà phước tấn nói: - Vậy thì hai con thượng lộ bình an nhé! Ta không thể ở lại đây lâu được! Phải về đây! - Vâng, chúng con xin bái biệt a ma và ngạc nương. Trời tờ mờ sáng hôm sau là mọi người xuất phát Tử Vy, Yến Tử, Kim Tỏa ngồi trong xe ngựa. Liễu Thanh, Liễu Hồng lái xe. Còn Vĩnh Kỳ, Nhĩ Thái, Tiêu Kiếm thì cỡi ngựa, hai vợ chồng lão Âu đưa đoàn người đến tận cổng. - Tạm biệt! Tạm biệt! Nhớ bảo trọng nhé? Yến Tử vẫy tay. - Tạm biệt! Hai bác phải để ý tụi lính đấy! - Chúng tôi biết, cô đừng lo! Tử Vy hỏi: - Khi chúng tôi đi rồi, nếu bọn quan binh đó lại quấy nhiễu phát hiện sự biến mất của bọn tôi, liệu họ nghi ngờ không? - Ðừng lo, tôi sẽ nói là mọi người đã ra đồng làm việc cả rồi, chẳng lẽ bọn họ ngồi lại chờ? Lão Âu nói: - Chỉ tội nghiệp cho mấy hũ rượu của chúng tôi, nó bị cung cấp miễn phí! Tiêu Kiếm dặn dò. - Nếu thấy phiền hà quá, ông cứ dọn nhà đi nơi khác! - Vâng. Mọi người bịn rịn thêm một chút mới chia tay, chiếc xe ngựa vun vút trên đồng trống. Nông trại, Bắc Kinh… lùi dần lại đằng sau. - Vậy là… giã từ Bắc Kinh! Giã từ hoàng cung! Giã từ cả danh hiệu a ca, cát cát, quan ngự tiền thị vệ… Ðoàn người bắt đầu một cuộc sống mới. o O o Ðám Yến Tử, Tử Vy mất tích đã mấy ngày, quan binh được phái đi truy lùng tìm chỉ quay về không. Thần khí vua Càn Long sa sút hẳn đi, mất một Hương phi, hai cô cát cát, rồi cả Vĩnh Kỳ, Nhĩ Khang nữa. Vua vừa buồn vừa giận, trách cứ các đại thần. - Các người làm cái giống gì, mà đến cả tin tức cũng chẳng có? Đám đại thần có bổn phận truy tìm lúng túng. - Theo bọn thần nghĩ thì hẳn là họ đã phân ra thành nhóm nhỏ, phân tán khắp bốn phương nên thật khó tìm. Người thì nói: - Vâng, tâu hoàng thượng nếu họ mà xé nhỏ ra thì thật khó dò tung tích. Ngay cả khi họ mà còn ở lại Bắc Kinh, được quần chúng bao che thì ta cũng khó mà tìm ra, chứ đừng nói là… - Bẩm hoàng thượng, thần đã cho họa sĩ họa rất nhiều hình ảnh của bọn họ, ban phát cho các quận huyện xa gần, để họ nhận diện nhưng chưa cho dán yết thị khắp nơi. Vì hoàng thượng có lệnh là không được làm rung động quần chúng. Vua Càn Long trừng mắt nhìn các vị đại thần. - Trẫm đã nói với các ngươi rồi, lũ họ là một đám người không tách rời nhau được, Nhĩ Khang không rời được Tử Vy, Vĩnh Kỳ không rời được Yến Tử. Mà Yến Tử với Tử Vy lại không thể thiếu nhau. Kim Tỏa thì cũng không tách rời được Tử Vy, đó là chưa nói đến cá tính ham vui, thích nói chuyện nghĩa khí theo kiểu “có phúc cùng hưởng, có họa cùng chia.” Vì vậy trẫm chắc chắn là họ không chia rẽ, trong bọn họ Tử Vy và Kim Tỏa không biết võ công. Yến Tử thì nửa nạc nửa mỡ, đi đường xa chắc chắn là họ phải dùng cả xe ngựa. Các ngươi cứ thấy ai đi xe ngựa với ngựa cỡi là chú ý theo dõi. Ta nghĩ chuyện này quá dễ mà, bọn họ đứa nào cũng trẻ cũng đẹp. Ði đường chắc chắn là phải bị người chú ý thôi, vì vậy rất dễ điều tra. Ðám đại thần cúi đầu. Vua Càn Long ngẫm nghĩ rồi tiếp. - Riêng về đường đi, thì có thể là họ đi hướng Tây Tạng để nương nhờ Nhĩ Thái và Ba Lạc Bình cũng có thể đi về phía Tân Cương theo Hàm Hương và A Lý Hòa Trác. Nhưng mà hai nơi này lại khá hoang vu… theo trẫm suy đoán thì khả năng họ đi về phương nam là có thể hơn cả. Vì phương nam non xanh nước biếc mà bọn trẻ này vừa ham vui, vừa thích cái đẹp. Nên có trốn chạy thì cũng ham thích nơi đẹp mà đến. Vì vậy ta thấy nên lựa một tay cao thủ xuôi nam đến Hàng Châu, Dương Châu tìm họ xem. - Vâng, thần tuân mạng! - Khoan đã, nghe trẫm dặn kỹ này, không được làm chúng bị thương. Phải bắt sống mang về! Cái lũ trẻ này thông minh lanh lợi, các người không chỉ sử dụng võ công với họ mà còn phải đấu trí nữa. Một khi phát hiện hành tung của chúng, thì tốt nhất là đừng có đánh động gì cả, mà quay về bẩm báo cho trẫm biết. Riêng về bá tánh, thì tốt nhất đừng để họ kinh động, nghĩa là đừng có làm to chuyện ra để mọi người biết, hiểu chưa? - Vâng, thần biết! Các đại thần cúi đầu rồi rút lui. Vua Càn Long bước tới bên cửa sổ, nhìn lên bầu trời, hậm hực nói: - Trẫm phải bắt bằng được tất cả chúng về đây trẫm mới thôi! o O o Ðám Yến Tử đã lưu lạc được một thời gian dài. Họ đóng vai con nhà giàu đi du ngoạn, nên đi lại một cách tự tại chẳng ai để ý. Có điều để tránh sự lục soát của quan binh, mỗi lần nghỉ chân, họ không dám trú trong khách sạn mà chỉ mượn nhà dân tạm trú. Hôm ấy có cả bọn đến một thị trấn không nhỏ lắm có tên là Chánh Nghĩa Thôn. Người nào cũng mỏi mệt, nhất là các cô gái sau mấy ngày bó gối trên xe, họ muốn được tắm nước nóng, nghỉ ngơi thoải mái. Thế là Nhĩ Khang và Tiêu Kiếm liều một phen họ cho xe dừng trước một khách sạn. Mọi người xuống xe, xuống ngựa, Nhĩ Khang dặn dò. - Hôm nay bọn mình xài sang một bữa, ngủ khách sạn có điều tất cả lúc nào cũng phải đề cao cảnh giác nghe không? Tiêu Kiếm nói: - Tôi rất muốn được ngồi bàn thoải mái uống một ly, từ ngày theo các bạn ngao du thế này. Tiêu Kiếm này không còn được “Tiêu kiếm giang sơn thi tửu trà” nữa. Tử Vy cười tiếp lời: - Nếu bảy thứ đó anh có đủ cả thì anh đúng là thần tiên rồi. Phải thiếu một cái gì đó mới là cuộc đời, mới có hương vị trần thế, mới thấy thích sống chứ? Tiêu Kiếm cười: - Hay hay lắm! Để khi nào thấy tinh thần suy sụp, tôi sẽ đem điều cô nói ra để an ủi. Tử Vy hỏi: - Anh mà cũng có lúc “xuống tinh thần” nữa ư? - Tại sao không có? - Bởi vì “một tiêu một kiếm khắp giang hồ, thiên cổ tình sầu, rượu một chai” như vậy khi nào buồn thì đã uống cạn hết làm sao xuống tinh thần được? Tiêu Kiếm cười. - Ha ha! Hay lắm! Cô biết không? Mâu thuẫn là bản chất của con người, không có mâu thuẫn thì làm gì còn con người nữa. Mọi người cùng cười, rồi mang hành lý xuống xe. Liễu Hồng cảnh giác: - Các vị chú ý nè, những gì quý giá xin hãy mang theo trong người. Mỗi người đều phải mang một ít phòng thân, nếu một người bị mất thì người khác vẫn còn. Ngủ ở khách sạn khác với nhà dân, dễ bị mất mát lắm đấy. Nhĩ Khang nói: - Liễu Hồng nói đúng vào khách sạn xong là đồ đạc phải chia nhau ra, thôi vào! Rồi một mình đi vào trước. Trong khi Yến Tử đứng ngoài thấy nơi lạ nên mắt cứ nhìn quanh quất. Bất chợt thấy nhiều người đổ xô về một hướng, Yến Tử hiếu kỳ chận một người lại hỏi: - Các anh đi đâu vậy? Có chuyện gì ư? - Đừng cản mà, có chuyện mới đi xem chứ? - Có chuyện ư? Mà chuyện gì chứ? Vĩnh Kỳ kéo tay Yến Tử. - Yến Tử, này đừng có tò mò chứ? Mặc kệ chuyện người. Yến Tử lại không chịu được, thắc mắc, kéo một người khác lại hỏi: - Chuyện gì chứ? Chuyện gì vui không? Gã kia quay qua nhìn Yến Tử. - Thế các người từ nơi khác mới đến à? - Vâng, chắc là có chuyện ném cầu chọn rể nữa phải không? - Làm gì có chuyện gieo cầu chọn rể? Mà là đang xử thiêu một cô gái! Yến Tử kêu lên: - Trời đất, tại sao lại đốt chết một người sống? Liễu Thanh, Liễu Hồng Vĩnh Kỳ, Nhĩ Khang Tiêu Kiếm, Kim Tỏa vừa nghe đến chuyện giết người vội bu lại. - Thật có chuyện thiêu sống người ư? Tại sao vậy? Một người địa phương kể. - Ở trong thôn của chúng tôi có một cô gái tên là Tô Tô, cô ta chưa chồng mà chửa. Mà theo tập quán của thôn thì bất cứ một cô gái nào chưa có chồng mà có thai, đều phải bị thiêu sống hết. Vì vậy mà chúng tôi phải đến xem chuyện hành hình này, dịp hiếm có mà! Anh chàng nói xong là bỏ chạy ngay. Tử Vy nghe vậy giật mình, chợt nghĩ tới bản thân, đến người mẹ của mình, bất giác rùng mình hỏi: - Sao! Chưa làm lễ cưới mà có con là phải chết ư? Ở đây bảo thủ quá vậy? Thật dã man! Yến Tử nói: - Ðể tôi chạy đến đấy xem! Liễu Thanh chạy theo. - Tôi đi nữa. Vĩnh Kỳ lúng túng. - Yến Tử, Yến Tử! Nhĩ Khang thấy vậy nói với Tiêu Kiếm. - Ta đem hành lý gởi ở quầy quán trọ đi, rồi mọi người đến đó xem sao? Thế là tất cả chạy đến nơi hành hình xem. Khi mọi người đến nơi, đã thấy dân địa phương đứng chật kín. Còn trên khoảng đất trống giữa sân, cô gái có tên là Tô Tô đang bị trói chặt trên chiếc cột cao. Phía dưới chân cột là một đống củi khô đang sẵn sàng chờ đốt. Cô gái bị trừng phạt chỉ khoảng mười tám, mười chín tuổi, rất đẹp đứng yên chờ số mệnh. Một tộc trưởng tóc bạc đứng trước mặt cô gái, cạnh ông ta có mấy thanh niên trẻ khác, tay cầm đuốc sản sàng chờ lệnh. Yến Tử đẩy người cố chen vào trong, Vĩnh Kỳ, Nhĩ Khang, Liễu Thanh chen theo sau. Ðám đông quần chúng đứng ngoài gào. - Tộc trưởng, chuyện này thật ô nhục, đứng có khách sáo gì với nó, hãy châm lửa đốt nó chết đi! - Đồ vô liêm sỉ, hạ cấp, không biết xấu hổ, làm ô nhục thôn làng.! Ðột nhiên có một người đàn bà lớn tuổi choạng chạy vào, đứng cạnh đống củi, dập đầu gào lên. - Xin đừng đốt chết con tôi, xin các vị hương thân hãy rủ lòng thương, tôi lạy các người, thân tôi góa bụi, ở góa suốt mười lăm năm trời, tôi chỉ có một mụn con, xin các vị thông cảm, khoan dung cho nó. Nhưng ngay lúc đó, trong đám đông có một người nói lớn: - Không được tha, nó là nỗi nhục nhã của cả thôn ta, phải thiêu sống nó! Thế là một đám khác ùa theo. - Ðúng vậy, đốt đi, giết nó đi! Tử Vy thấy cảnh đó, mặt tái bệch, quay qua nói với Nhĩ Khang. - Tại sao mọi người lại tàn nhẫn như vậy? Tại sao muốn thiêu sống người khác, thế còn người đàn ông đã gây họa đâu? Sao chỉ có thiêu sống một người đàn bà? Nhĩ Khang hoàn toàn hiểu nỗi bất mãn của Tử Vy chàng lắc đầu nói: - Một hình phạt đáng ghê tởm. Chẳng lẽ ở địa phương này, kết án chẳng cần phải có lệnh của quan phủ địa phương. Tiêu Kiếm nói: - Thật khó, những nơi heo hút thế này, phép vua thua lệ làng, ông tộc trưởng có toàn quyền quyết định tất cả! Lúc đó ông tộc trưởng đưa hai tay lên cao, ý bảo mọi người yên lặng. Và đợi mọi người yên lặng xong, ông tộc trưởng mới trịnh trọng nói: - Con gái nhà họ Tô là Tô Tô, không biết giữ gìn phụ đạo. Chưa thành hôn mà đã có chửa vậy là làm nhục cả thôn, chính nghĩa ngày, giờ theo tục lệ bao đời thôn ta, ta tuyên bố hình phạt là thiêu sống, hình phạt sẽ được thi hành ngay lập tức, nào đốt lửa lên! Những thanh niên đứng kế bên ông ta lập tức cầm đuốc định châm vào đống củi. Yến Tử thấy vậy không dằn lòng được phóng người ra đứng trên đống củi, nói: - Khoan đã, chuyện này có liên hệ đến mạng sống, con người sao lại có thể tùy tiện hành hình như vậy? Cô gái Tô Tô này chẳng qua là có chửa hoang thì chuyện đó cũng nào có gì là kinh thiên động điạ? Tại sao phải đốt chết cô ấy? Nếu muốn cô ta chết cũng được thôi, nhưng còn kẻ đã gây ra tai họa này? Thằng đàn ông đó đâu? Sao không trị tội hắn? Rồi Yến Tử nhìn vào đám đông, quát: - Cái thằng đàn ông vô trách nhiệm kia đâu? Tại sao khiếp nhược trốn tránh? Người yêu của ngươi bị người ta giết, người lại không chịu xuất đầu lộ diện, gây sự là cả hai người, lại chỉ bắt một người chịu tội thôi là sao? Ðám đông bên dưới nghe vậy tức giận, vung tay lên la hét: - Con nhỏ đó là ai vậy? Chuyện không liên can đến người, chõ mõm vào làm gì? Mặc bọn ta, hãy kéo nó xuống, kéo nó xuống ngay! Thế là cô một số người đến định kéo Yến Tử, Vĩnh Kỳ thấy vậy phi thân vào đẩy mấy tay đang đến gần Yến Tử, xong đứng cạnh Yến Tử nói: - Bẩm các vị, xin các vị nghe tôi nói này, chuyện thiêu sống người khác là chuyện làm tàn nhẫn, cái hình phạt này đúng ra chỉ nên sử dụng để trừng phạt những tên đại ác đại gian. Chớ còn đem áp dụng cho một phụ nữ yếu đuối này thật là không phải, nhất là khi cô ta lại đang có mang. Các vị giết một người thành hai mạng, ông trời có đức hiếu sinh, chẳng lẽ các vị lại muốn người ta chết? Ðám đông nghe vậy quơ tay quơ chân. - Bọn bây là người ở đâu tới, chắc là người của Tô Tô gọi đến giúp nó đây, có đi ra không? Nếu không bọn này sẽ ra tay đấy. Tộc trưởng bước tới nói với Vĩnh Kỳ và Yến Tử. - Các người không phải người của thôn này thì đừng có can thiệp vào việc của thôn Chính Nghĩa. Nước có quốc pháp, nhà có gia quy, Tô Tô đã phạm tội chết thì phải chết thôi. Tô mẫu phát hiện có người can thiệp òa lên khóc nói: - Các vị hương thân, hãy cứu giúp chúng tôi, giúp chúng tôi đi, nhà tôi chỉ có một mình Tô Tô… chắc là nó bị người ta cưỡng hiếp chứ không thể tự nguyện làm chuyện xấu vậy… Tô Tô… con hãy nói đi! Thằng đàn ông đó là ai! Đừng sợ gì cả, cứ nói! Tộc trưởng quay qua Tô Tô hỏi: - Tô Tô, có phải là ngươi bị cưỡng hiếp không? Không ngờ Tô Tô bình thản sẵn sàng chấp nhận chết. - Các ông có tha được cho tôi thì tha, chẳng ai cưỡng bức tôi cả, đây là sự tự nguyện, còn nếu nghĩ là tôi làm xấu hổ thôn Chính Nghĩa thì cứ giết, tôi cũng không thiết sống! Bà mẹ đau đớn kêu lên. - Tô Tô, tại sao con có thể sự xự như vậy được, hắn là ai sao con không nói, nếu con chết rồi mẹ con sẽ sống ra sao đây? Tử Vy, Yến Tử… đều thấy bất bình, Nhĩ Khang bước ra. - Thưa quý vị! Chúng tôi là những người từ nơi khác đến đây, đúng ra không nên can thiệp vào chuyện này, nhưng thấy cô nương Tô Tô này hẳn có điều khó nói, không muốn làm tổn hại người đàn ông mình yêu đó là nghĩa khí. Vậy thì các vị hãy tha cho cô ấy đi, còn muốn bắt tội, thì phải bắt cả hai người mới công bằng, đó là chưa kể trong bụng cô ta còn một mạng người vô tội các vị hãy tích phước cho thôn, biến điềm xui thành diễm phúc. Yến Tử nói: - Phải đấy, phải đấy, biến sức lực thành tương hồ! Ðám đông thấy đột nhiên có đám người lạ vào can thiệp chuyện nội bộ, giận dữ hét: - Ðừng có đôi co với bọn chúng, nếu bọn chúng phá rối thì đánh đuổi chúng đi! - Phải đó, đánh! Đánh đi! Thế là có một đám đông cầm gậy xông vào. Liễu Thanh thấy vậy giận dữ. - Ai mà đụng đến bọn họ một cái, là tôi lột da ngay! Vừa nói Liễu Thanh, Liễu Hồng bay vô, chân đá, tay đẩy làm đám đông bạt ra ngay. Ðám đông thấy vậy bị kích động hét: - Cứ nổi lửa lên đốt rồi tính sau, đốt đi, đốt đi! Mấy tay thành niên cầm đuốc bước tới, mẹ Tô Tô kêu lên: - Tô Tô, Tô Tô, hãy cứu Tô Tô đi. Tử Vy không dằn lòng được gọi to. - Nhĩ Khang, hãy cứu Tô Tô đi! Nhưng ngay lúc đó Tiêu Kiếm từ ngoài đã phi thân vào phóng thẳng đến cây cột quơ ba đường kiếm, là cây cột đã gẫy làm ba khúc ngay. Nhĩ Khang và Vĩnh Kỳ cũng bay người lên đỡ lấy Tô Tô đưa ra khỏi đống lửa. Ðám đông nhìn thấy hoảng hốt. - Trời ơi, họ biết bay, ở đâu mà xuất hiện cao thủ thế này. Tiêu Kiếm, Vĩnh Kỳ, Nhĩ Khang, đưa Tô Tô ra khỏi vòng sân, đám đông giận dữ. - Không được, đuổi theo, đừng để bọn chúng chạy thoát! Thế là một đám người mang gậy gộc ùa đến. Nhưng ngay lúc đó chợt nhiên giữa đám đông có một thanh niên mặt mũi sáng sủa, kêu thét lên: - Cha ơi cha, các người hãy đốt cháy con đi, vì đứa con trong bụng Tô Tô là con của con đó, con con đó! Ông tộc trưởng nghe vậy tái mặt gặn hỏi: - Của con? Của con à? Gã thanh niên quỳ xuống chân tộc trưởng, vừa khóc vừa nói: - Vâng, cha hãy giết con đi! Con của Tô Tô chính là cháu nội của cha đấy. Đám đông nghe vậy giật mình, đứng yên, quên bẵng cả chuyện rượt theo Nhĩ Khang, người thanh niên vừa khóc vừa tiếp tục nói: - Con và Tô Tô yêu nhau, nhưng cha lại nhất quyết muốn con phải cưới Khổng tiểu thơ, con đã phản kháng không đồng ý… vậy mà… con biết con nói ra sẽ làm cha mất mặt, làm thôn Chính Nghĩa mất mặt, Nếu vậy thì hãy để cho con và Tô Tô đựơc chết bên nhau đi! Người thanh niên nói xong đứng dậy chạy về phía Tô Tô, đám đông quần chúng không hẹn chạy theo, Thanh niên vừa chạy vừa nói: - Tô Tô… hãy tha thứ cho anh… hãy tha thứ cho tội hèn nhát, thiếu trách nhiệm của anh, anh quả là thằng tồi! Cô gái Tô Tô cũng khóc theo: - Anh Chí Vỹ! Anh Chí Vỹ! Anh không có lỗi gì cả! Hai người chẳng hẹn chạy về phía nhau, ôm chầm nhau. Ðám Nhĩ Khang thấy vậy hết sức cảm động, Nhĩ Khang bước tới chắp tay bái tộc trưởng một cái nói: - Xin cung hỷ! Cung hỷ! Quý vị thay vì đốt chết hai kẻ yêu nhau, hãy tác thành cho họ hợp lý hơn. Ðó là chưa kể cái giọt máu trong bụng cô gái là cháu nội ông mà! Rồi móc trong người ra một nén bạc, đặt vào tay trưởng tộc nói: - Còn đây là quà tặng của chúng tôi, coi như mừng cho cô dâu chú rể, để ông sẽ sớm lo liệu lễ cưới cho họ! Ông tộc trưởng đứng lặng không biết nói năng gì cả. Ðám đông cũng đứng yên ngạc nhiên. Bà mẹ của Tô Tô buớc tới quỳ xuống trước mặt Nhĩ Khang, Vĩnh Kỳ, Tiêu Kiếm vừa lạy vừa nói: - Xin cảm ơn các vị anh hùng hảo hớn! Xin cảm tạ các vị thánh thần! Bà mẹ lạy xong chạy tới bên tộc trưởng, nỏi: - Ông tộc trưởng xin ông hãy tha mạng cho chúng đi, tôi van ông… van ông… chúng là con ông nữa mà! Ông tộc trưởng lúc đó như xúc động, cúi người xuống đỡ Tô mẫu lên, nói: - Vâng… ta phải chuẩn bị lễ cưới cho hai đứa nó vậy. Yến Tử thấy vậy mừng quá nhảy cỡn lên, vừa nhảy vừa hét: - Đúng là hóa sức lực thành tương hồ! Hóa sức lực thành tương hồ rồi! Sang trang sau để đọc tiếp