Chương 40 Ngoại vi Vĩnh Định môn, thành phố Bắc Kinh. Kẻ tội phạm được xâu thành chuỗi. Trai có, gái có, già trẻ lớn bé đầy đủ, hì hục bước một cách nặng nhọc vì gông cùm. Kim Tỏa cũng có mặt trong đám phạm nhân trên. Bọn quan binh giải tù đi bên cạnh, rảnh rỗi vung voi trên người bọn phạm tội, hung dữ quát: - Tụi bây đi nhanh một chút? Đi chậm thế này đến bao giờ đến được Mông Cổ chứ? Bọn tội phạm quằn quại dưới vết roi, nhưng không hề dám phản ứng. Kim Tỏa dưới gió cát liên tục, thấy cổ đã khô đắng nên năn nỉ tên lính canh. - Quan binh đại gia! Xin người cho tôi một miếng nước, tôi khát quá! Kim Tỏa vừa mở miệng là những can phạm khác nói theo: - Nước nước, làm ơn cho miếng nước! Tên lính có vẻ bực dọc vút roi về phía Kim Tỏa. - Nước hả? Muốn uống nước ư? Số nước này phải duy trì đến trạm sau, không đủ để bọn tao uống làm gì tới bọn bây? Tất cả tại con nhỏ này nè, muốn xách động hử? - Ối da! Đau quá! Kim Tỏa bị quất đau la lên, tên lính không dừng lại, đánh tiếp. - Ðau hả, đau thì phải đi mau! Kim Tỏa ráng nhịn đau bước tới, nhìn lên trời, ánh mắt thê lương. Nàng tự hỏi, giờ này chẳng biết Tử Vy và Yến Tử còn sống hay chết. Một ngày sắp tàn rồi, biết đâu giờ này hồn họ đang lơ lửng trên trời, Kim Tỏa nhìn lên trời, cố tìm mà chẳng thấy gì cả. Ông lão đi trước Kim Tỏa, đang đi chợt quỵ xuống rên rỉ: - Nước, nước, xin hãy cho tôi miếng nước. Kim Tỏa vội bước tới đỡ ông ta lên. - Lão bá, có sao không? Rồi quay qua đám quan binh, Kim Tỏa lại nói: - Xin các vị hãy làm phước, cho ông lão một miếng nước đi, ông ta sắp ngất xỉu rồi đấy. Tên lính đi gần vung roi lên: - Ngất xỉu ư? Cho vài roi là tỉnh ngay! Thế là những ngọn roi lại quất xuống người ông lão. - Ui da, ui da, đau quá! Kim Tỏa không dằn được lòng, can thiệp: - Các ngươi sao lại tàn nhẫn vậy? Chẳng lẽ ở nhà các người chẳng có cha mẹ, ông bà già? Người ta cũng là người cơ mà? Tên lính nghe Kim Tỏa nói, vung roi sang Kim Tỏa. - Hừ! Đã là kẻ phạm tội mà định lên mặt dạy đời ta nữa ư? Kim Tỏa né roi nhưng vì sợi dây xích quá ngắn lại làm cô ngã ập xuống cát, tên linh nói: - Cái con a đầu này định đóng kịch đây, đứng lên nào! Tên lính nói và quất thẳng roi lên người Kim Tỏa. - Đừng, đừng, tôi van ông, đừng đánh! Kim Tỏa lăn người tránh, không ngờ sợi dây chuyền của Tử Vy cho lại lộ ra, tên lính thấy vậy hét: - Hừ! Cái con a đầu này có cả sợi dây chuyền vàng nữa! Vừa nói là hắn đưa tay tới chụp, Kim Tỏa vội dùng tay giữ chặt nói: - Không được đựng tới sợi dây này! Vật kỷ niệm của tiểu thơ cho tôi đấy! Tên lính đã giật được sợi dây, cười nói: - Cái gì mà kỷ niệm của ngươi, bây giờ nó đã thuộc về ta rồi. - Trả tôi! Tôi van ông, hãy trả lại cho tôi! Đó không phải là của cá nhân tôi! Tôi không có quyền làm mất nó. Tên lính tham lam đá cho Kim Tỏa một cái nói: - Cổ mang sợi dây chuyền vàng thế này trong người ngươi chắc còn vật gì đáng giá nữa đây? Còn không đưa ra hết đây! Kim Tỏa òa lên khóc: - Xin hãy tha tôi. Tôi chỉ có cái đó thôi, chẳng còn gì khác. - Chẳng đưa ra phải không? Vậy thì bọn ta sẽ lột áo ngươi ra để ma xem xét! Kim Tỏa nghe vậy sợ hãi. - Đừng… Đừng… Bọn tham quan tiến tới tách một mình Kim Tỏa ra, rồi như những con hổ khát mồi, nhìn Kim Tỏa nói: - Nào! Anh em hãy lột quần áo nó ra, xem có còn cái gì khác đáng giá hơn không? Thế là hai tên lính lù lù tiến tới, Kim Tỏa thụt lùi. - Cứu tôi! Cứu tôi với! bớ người ta! Nhưng đám tù thì bị gông cùm không thể giúp. Kim Tỏa thì còn bị xiềng làm sao chạy, chỉ biết van xin. - Các quan hãy tha cho tôi, đừng làm vậy… làm vậy thà là ông giết tôi còn hơn. - Giết ngươi ư? Vậy là rắc rối cho bọn ta đấy, chỉ cần thế này thôi! Bọn quan quân bắt đầu mò mẫm, và giữa lúc thập tử nhất sinh đó, thì mọi người chợt nghe có tiếng vó ngựa đến gần. Thật ra thì chiếc xe ngựa kia đã theo dõi bọn giải tù từ lâu. Chỉ vì nơi chốn đông người, chưa thể ra tay được, nay thì tình thế cấp bách quá nên đành hành động. Chiếc xe ngựa xông tới, trên xe là Nhĩ Khang, Liễu Thanh, Liễu Hồng, Liễu Hồng nói: - Mau lên! bọn nó đang hiếp đáp Kim Tỏa kìa! Nhĩ Khang cho xe kề sát bọn quan binh, cả ba nhảy xuống, Nhĩ Khang hét: - Làm quan binh triều đình, sao lại dở trò tồi bại thế này? Phạm nhân cũng là người, các người trái lại chỉ là loài dã thú! Nhĩ Khang nói xong là phóng tới đá tên lính đang cởi cúc áo Kim Tỏa, lăn cù. Liễu Thanh cũng giận không kém phóng tới tay đấm, chân đá những tên còn lại. Liễu Hồng áp sát Kim Tỏa, trấn an. - Ðừng sợ! Kim Tỏa! Bọn này đến cứu cô đây. Bọn lính thấy có người lạ đến la lớn: - Không xong rồi! Có người đến cướp tù, bọn bây đâu, hãy tấn công chúng nhanh. Thế là bọn giải tù tuốt gươm xông đến, Liễu Thanh, Liễu Hồng, Nhĩ Khang biết là cần phải dứt điểm nhanh nên đánh lăn cù bọn lính không nương tay. Kim Tỏa mừng quá hét lên: - Nhĩ Khang thiếu gia! Liễu Thanh, Liễu Hồng còn sợi dây chuyền của tiểu thơ tôi cho nữa! Bọn lính đánh không lại bỏ chạy, đúng ra Nhĩ Khang đã buông tha chúng, nhưng nghe Kim Tỏa nói vậy, đuổi theo, tên lính sợ quá phải ném sợi dây lại. Nhĩ Khang quay về thì Liễu Thanh đã chặt đứt xiềng ở tay chân Kim Tỏa. - Xin lỗi, đã đến trễ, khiến cô phải khổ! - Không sao! Không sao! Chỉ nói được vậy là ngất xỉu chẳng biết gì cả, Liễu Hồng thấy Kim Tỏa áo xốc xếch, vội nói với anh: - Anh Thanh! Mau mau bế Kim Tỏa lên xe đi! Trong khi Nhĩ Khang nói: - Ðã mang tiếng là cướp tù thì phải cướp hết. Ta phải giải thoát cho những kẻ khốn cùng kia! Thế là chàng nhảy tới tháo gông cùm cho những phạm nhân còn lại, việc làm của Nhĩ Khang khiến những người này vô cùng cảm kích. Nhĩ Khang thả tự do cho phạm xong, dặn dò. - Mọi người hãy trốn nhanh lên. Nhưng trước khi đi phải ghi nhớ điều này, không được làm điều xấu để bị bắt lại, nếu còn tái phạm, vào tay ta là ta không tha đâu. o O o Ðến lúc trời sập tối Nhĩ Khang mới đưa được Kim Tỏa về nhà Lão Âu. Liễu Hồng dìu Kim Tỏa vào nhà, Tử Vy mừng mừng tủi tủi. - Tiểu thơ! Em không ngờ vẫn còn nhìn thấy mặt chị! Yến Tử nói: - Kim Tỏa biết không, nếu ban chiều mà anh Nhĩ Khang không đi tìm được em, thì bọn này ngày mai sẽ quyết định đến Mông Cổ, quyết không để em bơ vơ một mình đâu. Kim Tỏa cảm động nhìn lên. - Em hạnh phúc quá, nghe lại được tiếng nói chuyện dòn dã của chị. Hàm Hương từ nhà sau bước ra. - Kim Tỏa! Em xơ xác quá hãy vào nhà sau tắm rửa thay áo quần sạch sẽ đi. Kim Tỏa càng ngạc nhiên. - Ồ, có cả Hương phi nương nương ở đây nữa ư? Vĩnh Kỳ nói: - Bây giờ thì không còn nương nương, cát cát, a ca hay ngự tiền thị vệ gì ở đây nữa. Chúng ta là anh chị em , mọi người chỉ được gọi tên nhau thôi, nhớ chưa? Liễu Thanh có vẻ kỹ lưỡng nói: - Mấy chị nhớ kiểm tra xem Kim Tỏa bị thương nơi nào, bọn quan binh giải tù rõ là những tay ác độc, vừa đánh người, vừa cướp của chẳng khác gì bọn cướp! Yến Tử nghe kể nổi máu xung thiên. - Thế các ngươi có trả thù cho Kim Tỏa không? Gặp ta là ta giết hết lũ chúng! Liễu Hồng biết tính Yến Tử nói: - Có chứ! Đánh cho bọn nó một trận tơi tả, tả tơi hoa lá! Vỉnh kỳ nói: - Cũng hay là lúc nào tôi cũng có mang thuốc trị tê nhức theo, hãy cho cô ấy uống đi. Nhĩ Khang cầm sợi dây chuyền mang đến cho Tử Vy. - Tử Vy, sợi dây chuyền của em này, ta lấy lại được trên tay bọn quan binh ác độc đó. Ðây là di vật của em thì em phải cất giữ lấy! Tử Vy cầm sợi dây chuyền cảm động nói: - Anh Nhĩ Khang, cảm ơn anh. Tìm được Kim Tỏa trở về với em là thấy quá đủ rồi! Mấy người con gái dìu Kim Tỏa ra nhà sau, Vĩnh Kỳ xoa tay nói: - Như vậy là bọn mình lại có đầy đủ như xưa, bây giờ bọn mình cần phải họp lại bàn tính xem, từ đây về sau sẽ hành động thế nào. Nhĩ Khang suy nghĩ. - Tối nay lợi dụng lúc trời tối, tôi sẽ mạo hiểm đến Mạo Nhi, vừa dò la tin tức trong cung vừa mang hành lý của mọi người về đây mới được. Rồi lại nghĩ ngợi, Nhĩ Khang tiếp. - Tôi cũng hết sức muốn quay về Học Sĩ phủ để xem ba mẹ tôi thế nào! Tiêu Kiếm cảnh cáo. - Tôi nghĩ anh không nên mạo hiểm, ban nãy lúc các người đi tìm Kim Tỏa, tôi đã đi một vòng trong thành, mới thấy tình hình vô cùng khẩn trương, chỗ nào quan binh cũng lục soát. Nếu anh muốn đến Mạo Nhi lấy hành lý thì để tôi đi cho, bởi vì ít ra cũng chưa ai biết được tôi là ai. Vĩnh Kỳ nói: - Tôi thấy thì chúng ta nên đi khỏi Bắc Kinh càng sớm càng tốt. Tình trạng của bọn mình với Mông Đan và Hàm Hương khác nhau. Bọn quan binh khó nhận ra Mông Đan và Hàm Hương còn bọn ta nhìn là họ nhận ra ngay. Nhĩ Khang nghĩ ngợi. - Đúng, vì vậy tôi nghĩ mình nên chia nhóm ra Hàm Hương và Mông Đan đi một đằng còn bọn mình thế nào chắc phải tính lại. Mông Đan lắc đầu. - E là Hàm Hương chẳng chịu đâu! Tiêu Kiếm nói: - Nhĩ Khang có lý, bắt buộc chúng ta phải chia nhóm, bởi vì trước hết ở một nơi đông thế này sẽ dễ bị người chú ý. Thứ hai nếu bị bắt thì có thể bị tóm trọn gói. Hiện nay tội của các bạn càng lúc càng nặng, vừa nói dối hoàng thượng, vừa vượt ngục cướp tù… bây giờ thêm chuyện Kim Tỏa nếu mà bị bắt lại chắc chắn tội chết không tránh khỏi. Như vậy chẳng phải là uổng công lắm sao? Mông Đan suy nghĩ. - Vậy thì tôi và Hàm Hương sẽ tách ra khỏi nhóm, nhưng bọn tôi đi đâu đây? Vĩnh Kỳ nói: - Chuyện đó thì chẳng nói ra đây. Nhĩ Khang quay qua Tiêu Kiếm. - Tiêu Kiếm, thế còn bạn? Bạn đi với tụi này chứ? Tiêu Kiếm cười. - Tôi nghĩ là đã tiễn Phật thì phải tiễn luôn đến Tây phương chứ, tình trạng các bạn thế này, tôi chẳng yên tâm chút nào! Mọi người đang nói chuyện đột bên ngoài có tiếng chân dồn dập rồi khiến Âu từ ngoài chạy vào hổn hển nói: - Nhanh lên! Trốn nhanh lên! Quan binh họ đang đi lùng sục tìm người, có ai biết Hàm Hương đâu không, gọi về nhà đi. Nhĩ Khang nói: - Để tôi đi, cô ấy hiện ở ngoài sân phơi lúa. Thiếm Âu lắc đầu. - Không kịp đâu, bọn lính đã vào đến sân, đứng đầy ngoài đó. Các người mà đi ra sẽ bị bắt ngay, nhanh lên, đi theo tôi này. Thế là thiếm Âu đưa cả đám Yến Tử, Tử Vy theo cửa sau đi ra ngoài, thì ra trong trại này còn có cả một kho chứa đầy lu hũ phía sau, cái thì đang ướp cải, cái chứa rượu, cuối cùng là một nhà chứa củi. Thiếm Âu đưa tất cả đến nhà chứa củi đẩy vào. - Hãy vào hết bên trong mà trốn! Tiêu Kiếm nhìn thấy nhà chứa củi quá hẹp mà người lại đông nên nói: - Được rồi, để tôi đứng ngoài canh chừng! bọn quan binh không biết mặt tôi đâu. Cả Liễu Thanh, Liễu Hồng cũng có thể ở lại, các người lấy búa, lấy chổi ra, giả vờ như đang làm việc. Yến Tử nhìn kho củi lo lắng. - Như thế ổn không? Cửa thì lỗ hổng to như cái thúng, đứng bên ngoài nhìn vào thấy hết trơn, trốn cái nỗi gì? Tiêu Kiếm nói: - Không còn sự lựa chọn, hãy chui vào đi. Nhĩ Khang và Vĩnh Kỳ hai người biết võ, nếu thấy có điều không ổn thì cứ động thủ! Nhĩ Khang đẩy Yến Tử, Tử Vy vào. - Chúng tôi biết rồi, yên tâm! Rồi tất cả chui vào phòng chứa củi, khép lại. Tiêu Kiếm, Liễu Thanh, Liễu Hồng người cầm chổi quét nhà, người cầm búa bữa củi. Còn thiếm Âu thì ngồi xuống xếp cải và lu muối. Bên ngoài bọn lính đã vào nhà, có tiếng lão Âu nói: - Bẩm các vị quan lớn, có chuyện chi mà các vị đến đây? Chúng tôi chỉ là bọn nông dân lam lũ, chẳng có gì cả. Tiếng quân lính hỏi: - Ngươi có nhìn thấy đám con trai con gái giống như hình vẽ này không? Nhìn kỹ đi, bọn chúng rất đẹp, chúng có đến đây không nhỉ? - Không có, không có… Ê mà này… các người sao lại tự tiện đi vào nhà người ta vậy? Tiếng của lão Âu bực bội nói. Trong khi ở phòng chứa củi, củi tươi lại chất cao hơn khiến đám Yến Tử ngộp thở gần chết nhưng chẳng dám lên tiếng vì sợ. Yến Tử nhìn qua khe hở nói nhỏ: - Họ vào rồi, đến rồi, ồ đông quá! Vĩnh Kỳ đưa tay lên miệng: - Em đừng nói chuyện nữa được không? Nhĩ Khang, Mông Đan… đều đã sẵn sàng vũ khí trên tay. Lúc đó bên ngoài nhà củi bọn lính đã vào đến hậu viên, nhìn mặt Tiêu Kiếm, rồi Liễu Thanh, Liễu Hồng. Tiêu Kiếm ngưng chẻ củi, hất hàm hỏi: - Các ông đi tìm gì vậy? Binh lính nhà vua mang hình đám Yến Tử ra. - Các người có nhìn thấy đám thanh niên, thiếu nữ này không? Nếu thấy chỉ ra, bằng không mang tội đồng lõa đó. Bà Âu làm ra vẻ sợ sệt bước tới xem hình: - Bọn này là ăn cướp hay trộm cắp đã gây án nặng lắm hả? Nếu gặp bọn họ chỉ có được thưởng tiền không? Các binh lính có vẻ bực dọc: - Ta hỏi các ngươi thấy họ không? Chứ đâu phải đến đây để kể chuyện bọn họ cho các ngươi nghe? Thiếm Âu làm bộ hỏi vọng ra. - Cha thằng Trụ ơi! Có trông thấy những tên trộm này không? Lão Âu cằn nhằn. - Tôi mà trông thấy bọn đó thì làm gì còn sống đến giờ này. Suốt ngày đầu tắt mặt tối trong ruộng chỉ nhìn thấy bùn đất thôi chứ chẳng thấy gì cả. Bọn quan binh nhìn quanh, đã phát hiện ra nhà cửa. - Cái nhà kia là gì vậy? Mở ra xem! Tiêu Kiếm cầm chặt cây búa trên tay sẵn sàng hành động. Chỉ thấy lão Âu bước tới nhà củi, bình tĩnh nói: - Cái nhà chứa củi thôi mà! Nó bằng lá có chứa được ai chứ, không tin thì tôi mở cho các ông xem. Ngay lúc đó thiếm Âu chợt la lên: - Ôi! Chết rồi, hũ rượu sao lại bị nứt thế này? Đây là hũ rượu nho ngon nhất của ông mà? Chảy hết thì uổng lắm nghe. Nói xong mở nắp hũ ra, mùi rượu nồng ngọt thơm phức bốc ra làm bọn binh lính quay lại cả. Thiếm Âu vừa múc rượu ra chén, vừa nói: - Nào các con đến uống đi, để lâu hôi e bỏ cũng uổng. Rồi quay qua các binh sĩ đang lùng sục, thiếm nói: - Quý vị quan binh có muốn thử không? rượu của ông nhà tôi đặt đấy. Hôm nay trời se lạnh, uống một miếng cho ấm bụng nhé? Các binh sĩ gật đầu. - Rượu thơm thiệt, mỗi người làm một ly chơi! Thiếm Âu nghe vậy vui vẻ lấy thêm chén, bọn lính được uống thoải mái có vẻ khoái chí, thiếm Âu giả bộ hỏi: - Làm lính ở cửa quan có thích không? - Cực thấy mồ, có gì thích. Suốt ngày cứ sai đi tìm bọn tội phạm, chẳng được nghỉ ngơi gì cả. Bọn quan binh vừa than vãn vừa uống rượu nên quên cả chuyện lục soát nhà chứa củi. - Thêm nữa! Thêm một chén nữa nhe! - Rượu ngon! Ngon thật đó bà già ạ! Yến Tử đứng trong nhà chứa củi nôn nóng, nhưng bọn lính uống sạch hũ rượu mới chịu đứng dậy. - Thôi đi! Còn nhiều việc phải làm nữa! Cảm ơn nhe bà già. Rồi chúng lần lượt rút lui, vừa ra đến cửa, thì Yến Tử vì ở lâu quá trong phòng củi chịu không được, nên “ách xì” một cái, tên lính đi sau cùng quay lại. - Hình như có người trong nhà củi. Thiếm Âu lanh trí. - Tiểu Trụ! Tại sao con cứ ở trong đó hoài vậy? ra làm việc đi chứ? Rồi quay qua tay lính đó nói: - Thằng con tôi đó! Chẳng biết nó đau bụng thật hay là làm biếng mà mỗi lần bảo nó làm công chuyện gì là cứ trốn miết trong đó. Trong nhà củi mọi người nhìn nhau chưa biết làm gì thì Yến Tử đã bịt mũi lại nói: - Mẹ!… con quên lấy giấy lau rồi, mẹ lấy giùm con đi! Câu nói của Yến Tử làm mọi người chưng hửng nhưng nghe bà Âu đã cười hả hả nói: - Thằng nầy hư quá, lớn rồi mà chỉ chuyện đó cũng quên. Ði cầu thì phải mang giấy theo, sao lại… Tên lính giục: - Thôi bà hãy mang mau mau đến cho hắn đi… Nói rồi hắn bỏ ra ngoài chẳng chút nghi ngờ. Đợi bọn lính đi một lúc, Yến Tử và cả bọn mới đẩy cửa ra ngoài. Nhĩ Khang nhìn Yến Tử lắc đầu nói: - Tôi chịu thua cô, câu cú gì chẳng nói lại nói chuyện lạ lùng thế. Sao lại là “quên mang giấu lau?”, bộ cô sợ bọn họ biết mình ở trong này nói ra cho họ mang giấy vào cho cô à? Liễu Thanh cũng lắc đầu, Tử Vy nói: - Yến Tử, chị làm tôi đứng tim mất. Chẳng lẽ vừa mới thoát khỏi bị chém đầu, bị quan quân truy lùng ráo riết thế này, chị còn đùa được ư? Kim Tỏa thì cười nói: - Cả người em đau nhức thế này còn bị chị hù nữa chịu hết nổi. Bây giờ bụng cũng muốn đau. Yến Tử ngơ ngác nhìn mọi người ngạc nhiên. - Có gì đâu, tại trong lúc hoảng quá, nhìn lên thấy mái lá em chợt nhớ đến cái cầu xí, vì vậy chỉ còn nghĩ đến chuyện quên giấy lau. Chớ chẳng lẽ em phải nói là mình lọt cầu tiêu ư? Vừa nói có một câu, mọi người lại trừng mắt nhìn tôi, làm tôi hoảng quá nên càng lúng túng muốn bỏ chạy ra ngoài… Vĩnh Kỳ lắc đầu. - Từ đây về sau không được nói năng lộn xộn gì cả, cũng không được “ách xì” nghe không? Yến Tử trợn mắt. - Tại sao không được “ách xì”, anh dữ hơn cả Hoàng a ma nữa thế? Mông Đan nói: - Cả cái tiếng Hoàng a ma, từ đây về sau cô cũng không được gọi! Hàm Hương giải thích. - Ðúng vậy, bằng không tung tích sẽ bại lộ đấy. Tử Vy thở dài. - Thật khó nói, vì ba cái chữ kia, đối với bọn tôi đã quen mồm, nó đã là câu đầu lưỡi rồi. Bây giờ không ngờ phải cố mà xóa nó ra khỏi ký ức, khổ thật. Nhĩ Khang đề nghị. - Hay là thế này, mỗi lần nghĩ đến ông ấy ta dùng ba chữ khác thay thế. Yến Tử nói: - Vậy gọi ông ta là “Chém đầu bang chủ” đi, ông ta khoái chém đầu lắm mà? Vĩnh Kỳ nghĩ dù sao vua Càn Long cũng là cha ruột mình, gọi thế là bất kính nên nói: - Không được, khó nghe lắm, ông ấy là cha ruột tôi! Yến Tử kêu lên: - Ðấy thấy chưa, anh còn chưa quên được mà sao bắt tôi quên? Tử Vy nói: - Ðừng làm khó dễ Vĩnh Kỳ trên đời này có nhiều thứ muốn quên nào dễ quên. Nhất là người đó lại là cha ruột ta, cha ta có thể cư xử tàn nhẫn với ta nhưng ta vẫn không có quyền bất kính. Thôi thì thế này đi, vua hiện như con rồng ngủ, ta gọi người là “Ngọa Long bang chủ” còn Tử cấm thành thì ta gọi “Tử thành” là xong. Yến Tử thích thú: - Ngọa long bang chủ ư? Hay thật! Tử Vy ông ta muốn lấy đầu ngươi mà ngươi vẫn tốt với ông ta như vậy được sao? Ta thì không được, ta không chấp nhận. kẻ muốn lầy đầu ta thì không thể là bang chủ ta, vì vậy phải sửa lại, ngươi bảo vua là con rồng ngủ. Cũng được, vậy ta gọi là “Kháp thụy long” (rồng ngủ gục) còn hoàng cung ư? Ta cảm thấy đó chẳng khác chi một nhà tù lớn, vì vậy phải gọi đấy là “Tù phạm thành”. Nhĩ Khang không đồng ý. - Không được, nếu ta mà gọi hoàng cung như vậy thì không ổn. Người ta hỏi mình từ đâu đến mà nói “Tù phạm thành” ra thì càng nguy. Người ta sẽ nghĩ mình là lũ tù nhân trốn trại, không ổn. Yến Tử không hiểu nói: - Thì đúng rồi, mình toàn là kẻ truy nã cơ mà? Chẳng lẽ còn là a ca, cát cát? Tử Vy không buồn cãi, chỉ nói: - Thôi thì thế này vậy, ta gọi đó là “Hồi Ức thành” vì nó chỉ còn trong hồi ức của ta. Tiêu Kiếm gật đầu: - Hay đấy! Hồi Ức thành! Và rồi Tiêu Kiếm nói như kể chuyện đời xưa. - “Ngày xưa ở một cái thành tên là Hồi ức, có một con rồng ngủ gục… ha ha ha! Hay lắm hay lắm” Liễu Thanh đề cao cảnh giác. - Hay gì mà hay, muốn bang chủ, long vương… gì đó, thì đi vào trong nhà mà nói. Giờ sự việc cấp bách lắm rồi, phải tính toán xem phải thế nào đây. Chớ giờ ở cũng không an toàn đi sớm chừng nào tốt chừng nấy, đừng để liên lụy đến vợ chồng chú Âu! Thiếm Âu nghe vậy cười. - Bọn này thì không sợ liên lụy đâu, nhưng cứ “quên mang giấy lau thế này” e là tôi không ứng nổi. Mọi người nghe vậy cười ồ lên, Yến Tử tỉnh bơ ngang nhiên nói: - Các người đừng có cười tôi, vì chẳng có tôi e là chẳng ai khuấy động để mọi người cười. Vĩnh Kỳ nói: - Ðúng đấy, đúng đấy, di túc chân quý! Yến Tử lại sớn sác chẳng hiểu lại ham nói: - Cái gì mà chu chân quý? Thịt heo mắt lắm à? Nếu vậy ta ăn cá vậy, cá hun khói cũng tốt. Tóm lại là “sơn bất chuyển nhân chuyển thụ bất chuyên thủy chuyển” (Núi không xoay người xoay, cây không xoay nước xoay). Ý của Yến Tử muốn nói là phải tùy nghi biến hóa để thích ứng nhưng không biết nói nên nói bậy. Tử Vy chỉnh lại. - Phải nói là “sơn bất chuyển lộ chuyển, thạch bất chuyển ma chuyển” chứ? Yến Tử gạt phăng. - Thì cũng gần giống như vậy rồi, sửa làm gì! Mọi người nghe cười ồ, đầu bớt hẳn căng thẳng. Đọc tiếp: Hậu Hoàn Châu Cát Cát – Quỳnh Dao (Phần 5)