Hạnh Phúc Quả Táo Chín
Chương 69 : Khi ba trở về, con ở nhà [1]
Dịch: Hoài Phạm
Chồng của em không thể nhìn thấy màu sắc, thế giới của anh chỉ có hai màu đen trắng.
Nhưng, chồng của em nỗ lực, chồng của em lương thiện, chồng của em không lùi bước trước những khó khăn, chồng của em quý trọng những người trong nhà, chồng của em là núi, là cổ thụ chắn cho em, chồng của em yêu em nhất trên đời, chồng của em là một người có ích cho xã hội.
Chồng của em và những người khác không có gì khác biệt.
Chồng của em, anh còn sợ hãi điều gì?
***
Quan Thục Di van nài Tần bà nội giữ bí mật chuyện nàng có thai, nói là muốn cho Tần Tri một sự “bất ngờ đáng vui mừng”.
Bà lão miệng thì đồng ý, ngày hôm sau, đã thông cáo toàn chung cư.
Bây giờ, mỗi người khi nhìn Quan Thục Di đều cổ cổ quái quái, trước xem bụng, sau nhìn người.
Quan mẹ mua rất nhiều sơn tra, cả lòng trắng trứng. Bà còn nhớ đến hai đồng bạc tổ tiên truyền lại, tìm thợ bạc đánh thành hai cái chìa khóa bạc, muốn để cho cháu trai tương lai.
Tần gia gia mỗi ngày đều đến đại lý hoa quả, ông chọn loại táo quý nhất, ngon nhất đặt khắp nơi trong nhà để Quan Thục Di mắt vừa nhìn thấy, tay có thể bốc ăn ngay.
Mọi người đều phấn khởi, trừ Quan Thục Di.
Nhìn những người thân từng ngày lộ ra vẻ mặt vui mừng vây quanh nàng, áp lực tinh thần của Quan Thục Di không thể không dần dần tăng từng chút.
Tần Tri vẫn bận rộn như vậy. Có lẽ mới kết hôn tạo cho anh niềm hy vọng, và cả trách nhiệm to lớn, lúc này, mục tiêu mà anh tự đặt ra cho mình rất cao.
Một người đàn ông tốt, nghĩa là phải để cho người vợ của mình không phải lo đến chuyện áo cơm (quá đúng). Suốt hai tháng qua, anh không trở về một lần. Anh theo cấp dưới, có đôi khi ở công trường xây dựng làng du lịch mới, có khi lại ở Hành Dương tham quan nhà xưởng. Nếu không ở hai chỗ này, vậy nhất định anh ở trong văn phòng chủ tịch công ty, vất vả làm việc.
Ngô Gia Dương mỗi tuần lễ đều ghé thăm, mỗi lần đến luôn mang quà của Tần Tri, thổ sản mua từ khắp mọi nơi trong nước cho Quan Thục Di, ăn, rồi trêu chọc nàng.
Mỗi lần như thế, Quan Thục Di đều cười hì hì nhận quà, trong lòng lại hy vọng người về là anh.
Nàng nhớ anh, lại sợ nhìn thấy anh.
Cứ như vậy, mùa xuân tươi đẹp kéo dài, chỉ có mặt trời mặt trăng không nhanh không chậm chạp luân phiên từng ngày.
Trong sân, những cây con được cánh đàn ông trồng đã lớn bổng, đứng dưới tàng cây có thể phơi nắng cho đến khi mặt trời đứng bóng, những người rỗi rảnh bắt đầu tụ tập. Thỉnh thoảng họ lại ngẩng đầu, cùng nhìn mấy con chim én tha bùn về xây tổ. Những bóng chim vun vút bay qua lại rất nhanh, cố gắng xây xong tổ trước hè.
Ngoài cửa sổ phòng ngủ của Quan Thục Di ở lầu 3, có một cặp chim én mới tới, có lẽ là một đôi vợ chồng đang xây tổ. Quan mẹ nói, đây là điềm lành.
Thời gian thong thả mang vài mầm sống đến, bản năng làm mẹ đã giúp Quan Thục Di. Nàng cũng như những bà mẹ khác, bắt đầu lấy đứa trẻ trong bụng là trung tâm cho mọi hành động và tình cảm.
Vuốt ve bụng lén lút nói chuyện; luôn nhìn chằm chằm vào bụng; mỗi khi nhìn thấy phụ nữ có thai, nàng rất muốn nói với người ta: Nàng cũng có. Nàng nóng vội muốn chia sẻ kinh nghiệm làm mẹ với những người khác. Đi ngang cửa hàng bán quần áo trẻ con, nàng không thể dời bước, nhất định sẽ vào trong đi quanh quẩn. Mấy hôm trước, Quan Thục Di còn lén lút mua một đôi giày vải rất bé của trẻ sơ sinh. Đôi giày nhỏ màu hồng nhạt, trên mặt còn thêu những bông hoa rất xinh xắn.
Toàn bộ đầu óc Quan Thục Di bị hai chiếc hài nho nhỏ kia giữ chặt. Nàng lập tức trả tiền, cầm đôi giày về nhà. Đêm đó, Quan Thục Di không ngừng vuốt ve hai chiếc hài, tưởng tượng ra hình ảnh năm ngón chân trắng nõn nhỏ xíu, vô cùng đáng yêu xỏ vào chiếc giày nhỏ.
Nàng cảm thấy trong bụng nàng nhất định là một bé gái, nếu không, tại sao đã hơn ba tháng, nàng vẫn cảm thấy yên tâm như thế? Nếu không, vì sao khi nàng nhìn thấy đôi giày nhỏ màu hồng phấn đó thì không thể bước đi?
Con gái của nàng, bây giờ vẫn an ổn nằm trong bụng nàng, mỗi ngày một trưởng thành. Loại tình cảm này làm tim Quan Thục Di chua xót, dằn vặt không thôi.
Nàng vừa vui sướng, lại khổ sở.
Hôm nay sáng sớm, Quan Thục Di dậy sớm. Nàng không thể không thức, mỗi ngày, buổi sáng là thời điểm cơn nghén ghê tởm bắt đầu, so với đồng hồ báo thức còn chuẩn hơn.
Quan mẹ bưng một tô mỳ sợi bỏ rất nhiều cà chua vào nhà, nhìn con đang thay quần áo, hỏi: “Tần Tri còn chưa biết sao?”
Quan Thục Di hơi phản ứng lại, gật đầu nói: “Công việc anh ấy bận rộn muốn chết, nói với anh ấy anh ấy có thể thay con lo lắng sao? Có nói cũng vậy, chờ anh ấy về tự nhiên cũng biết.”
Quan mẹ gật gật đầu, nhìn con ăn hết tô mì lớn, mới hài lòng thu nồi. Ra đến nửa, Quan mẹ nhìn đồng hồ điện tử trên vách tường, lại nhìn con đang ngồi lẳng lặng, hình như không có ý định ra cửa, hỏi nàng: “Hôm nay không ra quán sao?”
Quan Thục Di lắc đầu, “Hôm nay con bận, Thi Á An còn ở nhà chưa lên.”
Càng ngày, Thi Á An càng giống một nhân viên phục vụ đủ tư cách, chịu khó, có trách nhiệm.
Quan mẹ gật gật đầu, mang nồi lên lầu. Bà có đầy một bụng những chuyện muốn nói với con. Suốt hai tháng, Tần Tri vẫn không trở về. Con gái từ lúc mang thai, tuy mỗi ngày vẫn cười dễ dãi, nhưng bà biết con không vui.
Quan Thục Di dựa sô pha, nhìn tấm ảnh cưới của hai vợ chồng, nàng nhìn vào mắt Tần Tri trong bức ảnh, càng nhìn càng thấy kỳ lạ, dường như có ánh sáng phát ra từ đó. Phía đối diện, ánh mắt Tần Tri mang theo sự trách cứ, nhìn nàng. Quan Thục Di quay đầu, nhìn về phía khác. Đêm nay, nàng muốn nhờ ba tháo tấm ảnh này xuống, quá khoe khoang, trông thật đáng sợ.
Di động vang lên vài tiếng, lúc này, nhất định là tin nhắn của Tần Tri.
“Vợ ơi, dậy chưa?”
“Ừm, dậy rồi. Anh thì sao? Ăn sáng chưa?”
“Anh ăn rồi, bây giờ anh đang ở toà án.”
“Toà án? Anh đến đó làm gì?”
Quan Thục Di vội ngồi xuống, nhắn tin liên tục hỏi thăm, lòng hơi bối rối.
Tần Tri ngồi ở hàng ghế cuối cùng trong phiên toà, điện thoại di động rung bần bật, âm báo tin nhắn của vợ anh liên tục vang lên. Anh tự “kiểm điểm“, quyết định sau này nếu gặp chuyện gì khó xử cũng không thể nói với nàng, tự mình gánh vác là được. Quan quả táo nhà anh gấp đến độ mấy tin nhắn toàn lỗi chính tả.
Hôm nay là ngày mở phiên toà xử Chương Nam Chính, Tần Tri và đám người Trần Ích Trí cùng đến xem. Lang Ngưng ngồi cách Tần Tri không xa. Cô đội nón len, mặc một chiếc áo khoác ngắn rất bình thường, cúi đầu rất thấp, khi ngẩng đầu, trên mặt có một chiếc kính râm lớn.
Tần Tri liếc mắt một cái đã nhận ra cô, dù cô che giấu thế nào.
Tội của Chương Nam Chính được xác định gồm hai phần: Biển thủ công quỹ và đánh bạc.
Một tháng trước, trong phiên toà sơ thẩm, chỗ của bị cáo là cha của Chương Nam Chính. Ông vốn là người đại diện cho công ty, sau khi Chương Nam Chính chạy trốn, ông thành người chịu tội thay.
Tần Tri khi đó cũng không biết vấn đề của Chương Nam Chính nghiêm trọng như thế. Anh tuyệt đối không ngờ, cái tên kia lại để mặc tội cho cha, sau đó bỏ trốn. Mà cha anh ta, ông Chương lại yên lặng nhận tội thay con.
Ngày đó, Tần Tri vào trại tạm giam thăm ông, vài năm không gặp, tóc ông bạc trắng hết đầu, bi thương đến già nua. Ông nhìn Tần Tri, vẫn rất phong độ như trước, gật đầu, thản nhiên cười, giữ nguyên kiểu cách tri thức, phong phạm khí khái.
Khi ông Chương nói chuyện vẫn là những câu nói chậm rãi, “Không ngờ người tới lại là cậu, so với Chính Nam nhà ta, cậu có tiền đồ hơn.”
Tần Tri cười khổ một cách tự trách, không biết có nên nói với ông, là anh đã cho Chương Nam Chính tiền hay không? Anh áy náy, Chương Nam Chính trốn trách nhiệm, nhanh như chớp đã chạy, anh lại cung cấp tiền cho anh ta trốn đi. Anh ta mặc kệ cha mình mặc áo tù ngồi sau song sắt, chẳng lẽ không hề áy náy?
Ông ngồi yên trong chốc lát, mở miệng: “Ta là cha của đứa trẻ không được giáo dục tử tế đó, nếu Chính Nam làm chuyện sai lầm, ta xin lỗi, cậu tha thứ cho nó. Sau này, nếu chủ tịch Tần có thể…… Hãy giúp đỡ nó.”
Người cha, dù ở thời điểm khó khăn nhất, vẫn chỉ nghĩ đến con đầu tiên.
Lần đầu tiên Tần Tri nhìn thấy ông là lúc ông đang ngồi dưới một cái bàn cổ, trong một hoa viên xây theo kiểu cũ, đang viết chữ. Tần Tri nhớ rõ, trên giá bút cạnh ông treo đầy bút lông, phía sau, những tàng hoa anh đào hé nở, dáng ông múa bút vẩy mực như một bậc thần tiên.
Ngày đó, khi Chương Nam Chính cất tiếng cười rộ, ông tử chậm rãi buông bút, cầm một cái khăn mặt trắng noãn đặt sẵn bên cạnh, vừa lau tay, vừa liếc Chương Nam Chính, nghiêm giọng: “Ngày thường ta vẫn dạy con, thủ mặc, tĩnh tọa, ít ham muốn (Giữ yên lặng, ngồi yên, ít ham muốn). Càng di động càng dễ làm sai, nói không suy nghĩ dễ thành không gia giáo……”
Chương Nam Chính đứng yên nghe, cả người run rẩy. Anh ta sợ hãi cha mình, sự sợ hãi này vượt qua nỗi sợ bình thường của con cái đối với cha mẹ. Ngày ấy, Tần Tri cảm nhận được, Chương Nam Chính thật ra vẫn rất đáng thương, ở nhà mình, ngay cả cười to anh ta cũng không dám.
Bây giờ, người cha này dùng giọng nói như hàng vạn người cha khác trên đời, xin Tần Tri giúp đỡ con mình.
Tần Tri hỏi ông: “Bác không giận cậu ấy?”
Ông Chương cười khổ, lắc đầu, “Không. Từ nhỏ ta dạy nó rất nhiều, bắt nó theo phép tắc, thằng bé đó hiểu được đạo lý, phép tắc cũng rành rẽ, nhưng, ta quên chuyện quan trọng nhất, phải chú ý đến nó hơn, khen nó nhiều hơn. Nó muốn ta kiêu ngạo vì nó, cũng muốn ta khen nó. Ta biết, Chính Nam là đứa trẻ tốt, ta tự hào vì nó, nhưng chưa bao giờ nói với nó. Là ta không dạy dỗ nó, là ta sai, ta không nói cho nó phải biết gánh vác trách nhiệm, ta chỉ bảo nó nhìn về phía trước, lại không nói dạy nó thỉnh thoảng cũng phải nhìn lại đằng sau.”
Ông đã già. Ông thầm thì kể chuyện về con ông, từ đầu đến cuối, nhưng không có một câu trách cứ.
Tần Tri buông di động, nhìn Chương Nam Chính đứng ở vành móng ngựa, đầu cạo bóng lưỡng. Anh ta đến tự thú, còn tố giác cả sòng bạc lớn nhất trong thành phố.
Truyện khác cùng thể loại
7 chương
96 chương
302 chương
44 chương
15 chương
106 chương