Hai Đứa Trẻ Vô Tư

Chương 62 : Ngoại truyện hai

Ngoại truyện về sư phụ và sư thúc (Đề cập tới sinh lão bệnh tử) Nơi ở của Đinh Hán Bạch và Kỷ Thận Ngữ được gọi là “Vườn Trân Châu”, thật ra những năm qua có rất nhiều khu vực trong thành phố bị phá dỡ và xây dựng lại, bọn họ cũng đã chuyển nhà đôi ba lần chỉ là lần nào cũng đặt cái tên này. Đầu hạ vẫn còn chưa quá nóng, Đinh Hán Bạch nằm trên giường, đưa mắt nhìn ra ngoài cửa sổ rồi nói: “Mới lúc nào mà đã có đám thanh niên mặc áo ngắn tay rồi, đúng là ngu ngốc.” Bên trong khoang xe bác sĩ và y tá đều không lên tiếng, Nhiếp Duy Sơn và Doãn Thiên Dương cũng im lặng, chỉ có Kỷ Thận Ngữ tiếp lời: “Anh lo nghĩ nhiều thật đấy, đã như thế rồi mà còn quan tâm người ta mặc gì.” “Anh thế nào?” Đinh Hán Bạch đã chẳng còn sung sức để bới móc, mà chỉ còn lại giọng điệu suy nhược và chậm rãi, “Ai cũng sẽ có một ngày như vậy, anh còn hi vọng mình bệnh nặng hơn chút nữa.” Nghe nói hai người sống bên nhau, khi một người ra đi sẽ rất đau khổ, đến khi người còn lại qua đời sẽ nhẹ nhõm hơn phần nào. Nhiếp Duy Sơn mở miệng: “Sư phụ, người nghỉ ngơi một lát đi, khi nào đến nhà con sẽ gọi người.” Đinh Hán Bạch giống như đã thật sự mệt rồi, ông nằm thẳng người, hai tay đặt trước ngực, một bên mu bàn tay còn cắm kim truyền dịch, ông hơi nghiêng mặt về phía Kỷ Thận Ngữ sau đó từ từ nhắm mắt lại. Kỷ Thận Ngữ đưa tay ra, ngửa lòng bàn tay lên xen vào giữa tay của Đinh Hán Bạch và tấm chăn. Những vết chai trên đầu ngón tay ma sát vào nhau, tựa như cọ rửa mọi chuyện lớn nhỏ trong những năm qua một lần. Về đến nhà, Đinh Hán Bạch bị đẩy vào cửa, mãi cho đến khi được chuyển lên giường vẫn chưa tỉnh lại. Nhiếp Duy Sơn và Doãn Thiên Dương đứng ở cổng tiễn xe cứu thương đi, khi quay vào nhà thì đúng lúc trông thấy Kỷ Thận Ngữ dựa bên giường đắp chăn cho Đinh Hán Bạch. Bọn họ không đi vào, chỉ yên lặng đứng chờ ở cửa. Kỷ Thận Ngữ dém chăn cho Đinh Hán Bạch xong thì đứng dậy đi ra, đóng cửa phòng rồi nói: “Hai con về đi, hơn nửa năm nay đã vất vả quá rồi, về nghỉ ngơi cho tốt.” Nhiếp Duy Sơn bước lên nửa bước: “Sư thúc, cứ để bọn con ở lại giúp người chăm sóc sư phụ đi ạ.” “Không cần, chỉ có hai ngày thôi, ta xử lý được.” Kỷ Thận Ngữ nở một nụ cười thản nhiên, “Vả lại khi tỉnh dậy nếu ông ấy nhìn thấy nhiều người thì lại hứng lên, hết cằn nhằn cái này rồi lại dạy bảo cái kia, phiền phức lắm.” Doãn Thiên Dương lấy bức tượng Quan Âm trong cổ áo ra: “Sư thúc ơi, con đã cầu nguyện với Quan Âm rồi, qua hai ngày này sẽ còn rất nhiều cái hai ngày khác, không thể đếm hết được.” Nụ cười của Kỷ Thận Ngữ chợt tắt, ông quay mặt đi nhìn sang hướng khác. Nhiếp Duy Sơn kéo Doãn Thiên Dương rồi nói lời tạm biệt: “Sư thúc, vậy bọn con về trước, có chuyện gì thì nhớ gọi cho bọn con.” Bọn họ rời khỏi Vườn Trân Châu, suốt cả đường chỉ nhìn chằm chằm mặt đường phía trước kính chắn gió không nói năng gì, mãi cho đến khi đi được nửa đường thì bị kẹt lại, Doãn Thiên Dương mới ngập ngừng hỏi: “Sư phụ chỉ còn hai ngày nữa thật sao?” “Tớ không biết.” Nhiếp Duy Sơn hạ cửa kính xe rồi châm một điếu thuốc, “Theo ý bác sĩ thì cũng gần như vậy, nếu không cũng sẽ không đồng ý cho xuất viện về nhà. Đừng để sư thúc phải quan tâm đến bất cứ điều gì, chúng ta hãy chuẩn bị sẵn sàng những gì cần chuẩn bị đi.” Doãn Thiên Dương quay đầu nhìn đối phương: “Chuẩn bị cái gì chứ! Cậu nói cho tớ đi phải chuẩn bị cái gì!” Nhiếp Duy Sơn xua tan làn khói rồi vươn tay xoa mặt Doãn Thiên Dương: “Nếu không thể chấp nhận thì cứ khóc, cứ ầm ĩ trước mặt tớ đi, nhưng khóc xong rồi, ầm ĩ xong rồi thì phải kìm nén cảm xúc lại, nếu không sư thúc nhìn thấy lại càng khó chịu hơn.” Doãn Thiên Dương nắm chặt tay Nhiếp Duy Sơn, gục đầu xuống như thể đã nản lòng. Trong vườn tất cả thực vật cây cối đều đã nở hoa, Kỷ Thận Ngữ hái mỗi loại một cành, gộp lại thành bó to chừng một miệng bát. Trong phòng ngủ chỉ thả một tấm rèm tuyn, ánh nắng rọi vào không quá chói mắt, Đinh Hán Bạch ngồi dựa vào đầu giường, ngửi thấy hương hoa thì không kiềm chế được mà cau mày. “Đặt trong phòng hút muỗi lắm.” Kỷ Thận Ngữ ngồi bên giường cắt lá tỉa cành, chỉnh sửa xong thì cắm vào chiếc bình sứ trắng đặt trên tủ đầu giường, đoạn nói: “Mở mắt ra là lại xoi mói, mùa này chẳng có muỗi đâu, anh phiền phức như thế đến muỗi cũng phải tránh anh.” Đinh Hán Bạch vươn tay chạm vào góc áo của đối phương: “Anh chẳng còn phiền được bao lâu nữa đâu.” Động tác của Kỷ Thận Ngữ chợt dừng lại, một lát sau lại tiếp tục cắt tỉa, ông cắm tất cả hoa vào bình rồi gảy gảy hai phiến lá. Đinh Hán Bạch hành động chậm chạp, phải mất rất nhiều sức mới nắm được ống tay áo của đối phương: “Hồi đó em cũng toàn trốn tránh anh.” Lật tấm chăn mỏng lên, Kỷ Thận Ngữ nằm xuống bên cạnh Đinh Hán Bạch, đầu gối lên ngực Đinh Hán Bạch, ông lẩm bẩm: “Anh vừa hung dữ vừa ngang ngược, em không chọc vào nổi thì phải trốn thôi.” Đinh Hán Bạch chẳng còn sức để cười, chỉ có thể nhận ra ý cười toát ra qua ánh mắt: “Ai ngờ có trốn cũng không trốn được, mỗi ngày đều tức giận mà lén mắng anh trong lúc khắc ngọc, chỉ muốn biến anh thành miếng ngọc dưới dao của em.” Kỷ Thận Ngữ hoàn hồn, khẽ bật cười: “Khắc anh thành một tên xấu xí.” Một cơn gió nhẹ thổi vào phòng qua cửa sổ, tấm rèm bay lên phất phơ, Đinh Hán Bạch sờ lên tóc Kỷ Thận Ngữ, lùa những ngón tay khô gầy vào mái tóc mềm mại của đối phương, đoạn hỏi: “Anh về được mấy ngày rồi?” Kỷ Thận Ngữ trả lời: “Qua đêm nay là bốn ngày.” “Bác sĩ mà lại nói dối, không phải đã nói anh chỉ còn cùng lắm là hai ngày thôi sao.” Đinh Hán Bạch nói hơi nhiều, trong tai bắt đầu ù đi. Kỷ Thận Ngữ nắm áo ngủ của ông nhăn nhúm lại, nói với giọng run rẩy: “Đợi thêm mấy ngày nữa, cỏ bạc đầu còn chưa nở hoa, nở rồi anh hãy đi.” Đinh Hán Bạch nói: “Mang nó ra nắng, để nó nở nhanh hơn đi.” Kỷ Thận Ngữ lắc đầu liên tục: “Em không mang, em sẽ đặt nó ở chỗ râm mát.” Trong căn phòng ngủ dần dần không còn âm thanh gì nữa, Đinh Hán Bạch đã nhắm mắt ngủ, không có tiếng ngáy, ngay đến hơi thở cũng nhẹ nhàng không nghe ra được tiếng động. Kỷ Thận Ngữ vùi mặt trước ngực đối phương, rất lâu sau cũng không ngẩng đầu dậy. Người trong nghề đã đoán ra được, một vài bạn bè thâm giao cũng dồn dập đổ về từ khắp các nơi, họ hàng và con cháu nhà họ Đinh đã cắt đứt bấy lâu nay cũng đều gửi thư thăm hỏi. Thời gian những giấc ngủ của Đinh Hán Bạch càng ngày càng dài, có lúc ban đêm nhắm mắt lại, đến khi mở ra thì không biết đã qua bao nhiêu đêm. “Có phải bọn Tiểu Sơn đến không?” “Ừm, nghe thấy tiếng Thiên Dương nói chuyện à?” Kỷ Thận Ngữ cầm khăn lau chùi tay vịn xe lăn, “Đợi một lát nữa sẽ đẩy anh ra vườn hoa tắm nắng, hôm nay thời tiết đẹp vô cùng.” Nhiếp Duy Sơn và Doãn Thiên Dương đẩy cửa bước vào, cùng nhau gọi một tiếng “Sư phụ”. Đinh Hán Bạch nhìn trần nhà, nói: “Hai đứa lau đi, để sư thúc các con nghỉ một lát.” Kỷ Thận Ngữ hiểu ý, đặt khăn xuống rồi rời khỏi phòng ngủ. Trong phòng chỉ còn lại hai thầy trò và Doãn Thiên Dương, Nhiếp Duy Sơn ngồi xuống bên giường rồi hỏi: “Sư phụ, người thấy thế nào rồi ạ?” Đinh Hán Bạch nghỉ ngơi đủ rồi mới trả lời: “Còn thế nào được nữa, vẫn vậy thôi.” Doãn Thiên Dương nói: “Còn tranh cãi được thì chứng tỏ không sao, có lẽ qua mấy ngày nữa là lại có thể dạy dỗ người khác rồi.” “Con có chịu để cho dạy dỗ không?” Đinh Hán Bạch hừ mấy tiếng, tỏ vẻ là đang cười, “Tiểu Sơn, Thiên Dương, ta đã không còn khả năng dạy dỗ hai đứa nữa, rốt cuộc hai đứa cũng được giải thoát rồi.” Hai mắt Nhiếp Duy Sơn đỏ ửng: “Sư phụ, người đừng nói nữa, để con đẩy người ra vườn ngồi một lát nhé.” Đinh Hán Bạch chớp chớp mắt: “Khi ta năm mươi tuổi đã lập di chúc, sau đó có sửa lại đôi lần. Mấy trung tâm đồ cổ sư thúc con chiếm phần lớn, còn con chiếm phần nhỏ hơn, nhưng sư thúc con sẽ không can dự vào mà chỉ ăn tiền lời. Những thứ khác thì đều thuộc về ông ấy, dù sao cũng sẽ có luật sư nói chuyện với hai người, ta không nói kỹ nữa.” Từ đầu đến cuối ông đều nhìn lên trần nhà: “Người già sợ nhất cô đơn, nhưng khi già rồi lại là lúc cô đơn nhất. Hai đứa hãy thường xuyên tới thăm ông ấy, nói chuyện rồi ngắm hoa, tranh cãi cũng không sao.” Bên ngoài phòng ngủ, Kỷ Thận Ngữ khoanh tay đứng dựa vào khung cửa, ông không nghe rõ Đinh Hán Bạch đang nói gì nhưng có thể đoán được đại khái. Nửa tiếng trôi qua, rốt cuộc cửa cũng mở, Nhiếp Duy Sơn và Doãn Thiên Dương đều đỏ hoe mắt tránh ánh nhìn của ông. “Nói chuyện lâu như vậy, còn có sức mà tắm nắng không?” Ông cười đi tới bên giường, sau đó vén chăn lên, “Dìu anh dậy nhé?” Cuối cùng Đinh Hán Bạch cũng chuyển tầm mắt khỏi trần nhà, nhìn Kỷ Thận Ngữ rồi gật đầu. Xung quanh khu vườn trồng đủ loại cây cối, ở mỗi góc còn được trồng đầy hoa, trong gian đình có dạng bao một nửa treo một chiếc chuông gió bằng ống ngọc, trên bàn được đặt vài hộp bánh ngọt và hoa quả sấy khô. Kỷ Thận Ngữ ở phía sau đẩy Đinh Hán Bạch đi chầm chầm, dạo quanh vườn hoa một vòng rồi dừng lại ở nơi có ánh mặt trời dịu nhẹ. Ông cúi người ghé bên tai Đinh Hán Bạch rồi nói: “Sư ca, may mà lúc trước không rải đá cuội, nếu không thì giờ đã rất xóc nảy.” Hơi thở của Đinh Hán Bạch chỉ còn rất mong manh: “Không biết chừng xóc mấy cái còn có thể hồi quang phản chiếu(*).” (*)Hồi quang phản chiếu dùng để chỉ hiện tượng người bị bệnh nặng đột ngột hồi phục, trở nên khỏe mạnh trước khi qua đời. “Anh thôi đi.” Giọng điệu của Kỷ Thận Ngữ rất nhẹ nhàng nhưng nơi khóe mắt lại chảy xuống một giọt lệ, “Qua nhiều năm cây ngô đồng đã trở nên chắc khỏe như vậy rồi, hôm nào treo một chiếc xích đu lên có được không?” Đinh Hán Bạch gắng gượng gật đầu: “Em quyết là được.” Kỷ Thận Ngữ hơi mệt nên đứng thẳng người dậy, ông đẩy Đinh Hán Bạch vào bóng râm, sau đó đi vòng lên ngồi xổm xuống trước xe lăn: “Có nóng không, em bỏ chăn ra nhé?” Đinh Hán Bạch cử động ngón tay: “Lạnh, ủ ấm cho anh.” Kỷ Thận Ngữ nắm chặt tay đối phương: “Có thể nắm được không, nắm chặt thêm chút nữa.” Hai người đan chặt tay vào nhau, Đinh Hán Bạch dùng hết tất cả sức lực. Đôi tay này đã từng sờ qua vô số châu báu, tạo nên những vết chai rất dày, nhưng giờ phút này lại chẳng thể làm gì khác mà chỉ có thể bấu nhẹ lên mu bàn tay của  Kỷ Thận Ngữ. Lời nói của Đinh Hán Bạch như thể tiếng muỗi kêu: “Cỏ bạc đầu nở rồi.” Kỷ Thận Ngữ tựa lên đầu gối của đối phương: “Sư ca, anh đừng đi.” Cỏ bạc đầu ở nơi râm mát rốt cuộc cũng nở hoa, nên đi thì sớm muộn gì cũng phải đi. Đinh Hán Bạch kéo dài hơi tàn sau bảy ngày cuối cùng cũng trút bỏ, ông khép mắt lại, dốc hết sức mình khẽ gọi một tiếng. “Trân Châu.” Những ngón tay bấu chặt trên mu bàn tay được buông lỏng, Kỷ Thận Ngữ thở dốc một tiếng rồi ôm Đinh Hán Bạch bật khóc thảm thiết. Giữa trưa một ngày đầu hạ, bên ngoài Vườn Trân Châu được treo một mảnh vải trắng. Phòng khách ở tầng một tạm thời được bố trí thành linh đường, Nhiếp Duy Sơn và Doãn Thiên Dương cùng nhau tiếp đón khách đến phúng viếng. Trước đây lúc bái sư Đinh Hán Bạch đã nói: “Khi chết phải mặc áo tang đưa quan tài đi hết phố.” Quan tài được đặt trong phòng khách, Kỷ Thận Ngữ đang lau mặt cho Đinh Hán Bạch, lau xong thì ngồi ở bên cạnh, nói: “Sư ca, nghe nói khi con người mất, người nhà phải nói lời tiễn biệt, nếu như em không nói thì phải chăng anh sẽ không nỡ đi?” “Không ngờ cũng có một ngày anh phải để mặc cho em sắp đặt, uất ức không?” Kỷ Thận Ngữ cúi đầu, tựa như đang lẩm bẩm một mình, “Anh sang bên kia liệu có thể gặp được sư phụ và sư nương không? Nếu gặp thì cũng đừng làm bừa, phải mềm mỏng với hai người và nhận lỗi, rồi người một nhà sẽ lại vui vẻ.” Mãi đến tận đêm khuya vẫn liên tục có người đến phúng viếng, còn có một vài bạn tốt của Đinh Hán Bạch đề nghị được túc trực bên linh cữu. Nhiếp Duy Sơn và Doãn Thiên Dương đón tiếp từng tốp người đến người đi, đến một ngụm nước cũng chưa được uống. “Tiểu Sơn, Thiên Dương, hai đứa lên ngủ đi.” Kỷ Thận Ngữ rửa mặt, “Ta cũng chuẩn bị ngủ đây, chúng ta không theo tục lệ kia, ngày mai đưa tang là được rồi.” Đợi đến khi tầng một không còn ai, Kỷ Thận Ngữ chỉ để lại một ngọn đèn ở phòng khách rồi đi vào phòng ngủ, đến khi quay ra thì trong lòng ôm theo một chiếc hộp gỗ. Đi tới bên quan tài rồi ngồi xuống, đặt hộp gỗ lên thảm lông trải sàn, ông mở nắp: “Sư ca, em cho anh mang theo mấy món đồ chơi để giải buồn trên đường nhé.” Nguyên một hộp đều là trang sức cổ, Kỷ Thận Ngữ lấy miếng Tì Hưu ở trên cùng ra đặt vào trong quan tài, đoạn nói: “Cái này chỉ là tiện tay khắc thôi, sao anh cũng để vào, nếu thích thì cứ mang theo đi.” Lại lấy ra một thứ khác, “Xiêm y phỉ thúy người bạch ngọc, không tô son phấn vấy bẩn ngây thơ, gió mát làm bạn cùng trăng sáng(*). Đây là thứ anh đưa em lúc em chuyển tới cạnh phòng anh, còn lừa em là tay bị đứt một miếng thịt.” (*)Trích trong bài thơ “Hoán khê sa” của thi nhân thời tống Hướng Tử Nhân. “Mặt dây chuyền Hổ phách, anh nói màu này giống với màu mắt em.” “Ghim cài áo san hô, chạm khắc hoa văn phức tạp như vậy làm gì, bám bụi rồi lại chẳng lau sạch được.” “Vì chiếc vòng Thạch anh này mà cãi nhau, anh nói nó không đẹp bằng mã não băng phiêu, sau đó em lén ném một hộp băng phiêu của anh xuống ao, không ngờ giữa ngày mùa đông mà anh vẫn nhảy xuống nhặt, rồi bị lạnh cóng gần chết thì lại chui vào chăn của em để sưởi ấm. Đúng là không thể chơi xấu được, vì cuối cùng người chịu tội vẫn là em.” “Chiếc nhẫn Mắt mèo, bị anh chê là không đáng một đồng, còn suýt chút nữa là vứt đi. Nhưng em nói thích thì anh đã giữ cho đến tận bây giờ.” Kỷ Thận Ngữ đếm từng món gia bảo, trong lúc vô tình đã đặt lên người Đinh Hán Bạch chừng mười món đồ, ông mở ngăn thứ hai, lấy một xấp ảnh ra rồi nói: “Những tấm hình chụp mấy năm qua mỗi người giữ một nửa.” Đặt từng tấm từng tấm vào, chợt ông dừng lại: “Sư ca à, năm nay em phải chụp một mình sao?” Sau này đều phải chụp một mình sao? Cửa sổ không đóng chặt, gió đêm ùa vào thổi tung tấm rèm lệch sang một bên, hàng tua rua nhạt màu phía trên đung đưa, hai mắt của Kỷ Thận Ngữ trở nên thẫn thờ tựa như trở về mùa hạ năm ấy. Đại viện của nhà họ Đinh cũng trồng đủ loại cây cối, Đinh Hán Bạch ngồi dưới hàng hiên ăn dưa hấu, ăn xong thì lấy chiếc dao con khắc lên lớp vỏ mấy đóa tường vân. Hai, ba người anh em họ đi từ trong nhà ra, nói: “Hán Bạch, đang chờ chú dạy bọn anh khắc chữ đây, nhanh lên đi.” Đinh Hán Bạch quẳng con dao đi: “Cái tên chó má gì vậy, có phải bố em cố tình gây cười không thế?” “Chú đừng được lợi còn ra vẻ.” Anh họ của hắn dựa vào cây cột, “Bốn đồ đệ đều được đặt tên theo vật liệu, chú là Hán Bạch Ngọc còn khó chịu cái gì?” Đinh Hán Bạch hùng hổ: “Ngọc mới dễ vỡ đấy! Ai biết sau này có kết cục tốt hay không! Đợi ông già về phải bảo ông ấy đổi cho em cái tên khác, tuy Đinh Cương Thiết khó nghe nhưng có cảm giác mạng tương đối cứng.” Mấy anh em ngồi ngoài hiên huyên thuyên tán gẫu, tiếng cười nói truyền đến tận ngoài sân, đứa em họ nhỏ nhất chạy vào, vẫy tay nói: “Sư phụ về rồi! Còn mang một người về!” Đinh Hán Bạch mắng: “Biến bà mày đi! Bố anh đi dự đám tang thì mang về cái gì được hả? Mày có biết ăn nói không đấy?” Cậu em họ bị mắng thì cảm thấy oan ức, “Thật mà, đang ở tiền thính ấy!” “Đi, xem thử nào.” Đinh Hán Bạch sải cặp chân dài, chỉ mấy bước là đã chạy ra khỏi tiểu viện. Mấy anh em lũ lượt kéo nhau ra tiền thính, ở đại sảnh bàn là bàn, ghế là ghế, bố của Đinh Hán Bạch đang nói chuyện với mẹ hắn, chẳng ai chú ý đến bọn họ. Mà trong sảnh lại có một cậu nhóc khoảng mười mấy tuổi đứng đó, đang im lặng nhìn bọn họ. Ánh mắt sợ sệt, không biết bị ai ức hiếp. Đinh Hán Bạch đi tới trước mặt người ta rồi hỏi: “Vị nào đây?” Lúc này bố hắn mới nghe thấy tiếng động, đoạn nói: “Đây là đồ đệ của sư phụ Kỷ, sau này sẽ tới nhà chúng ta, mấy cái tính cộc cằn ngang ngược bớt bớt lại, đừng để ta thấy mấy đứa bắt nạt người ta.” Đinh Hán Bạch biết thừa là đang nói hắn, nhưng vẫn thản nhiên hỏi: “Cậu tên gì?” Cậu nhóc kia còn chẳng dám chớp mắt: “Kỷ Thận Ngữ ạ, Thận Ngữ trong ‘cẩn ngôn thận ngữ’.” “Cái tên dở hơi gì thế, bảo sao nói năng chẳng mạnh dạn gì cả.” Đinh Hán Bạch quay đầu lại, “Bố ơi, bố nhận cậu ta làm đồ đệ à?” Bố hắn gật đầu: “Đúng thế, sau này Thận Ngữ sẽ đứng thứ năm, là sư đệ của các con.” Đinh Hán Bạch quay phắt đầu lại: “Tiểu Kỷ à, làm đồ đệ thì đều được đặt thêm một cái tên khác, vừa gặp anh đã thấy khuôn mặt cậu trắng nõn sáng loáng, cứ gọi luôn là —— Kỷ Trân Châu!” Kỷ Thận Ngữ vừa mất ân sư, lại vừa nhận sư phụ mới, cậu đứng trong căn phòng xa lạ đối mặt với một đám người xa lạ, không nhìn ra được những người khác là chào đón hay ghét bỏ. Trong mắt chỉ còn lại nụ cười xấu xa của Đinh Hán Bạch. Cơn gió ngừng thổi, hàng tua rua đung đưa cũng từ từ dừng lại, Kỷ Thận Ngữ rút ngăn kéo dưới đáy hộp gỗ, lấy ra một đôi ngọc bội và một đôi khuy măng sét bằng trân châu. Ông cài một viên lên cổ tay áo mình, viên còn lại thì cài lên cổ tay áo của Đinh Hán Bạch, sau đó chia ngọc bội ra mỗi người giữ một miếng. Rồi nắm tay nói thật khẽ: “Ngọc bội Hán Bạch Ngọc khuy Trân Châu, sớm chiều bên nhau đến bạc đầu.” Ông nhắm mắt lại, cuối cùng vẫn nhủ thầm trong lòng: “Sư ca, đừng đi.” ________________________ Tác giả có lời muốn nói: Rất xin lỗi vì chương này làm mọi người khó chịu, thật sự không phải tôi cố ý. Có lẽ là do đã thiết lập số tuổi của sư phụ và sư thúc khá lớn, nên tôi đã nghĩ tới tình huống những người yêu nhau chia ly lúc cuối đời, vì vậy mà viết chương này. Muốn viết hình ảnh lần đầu gặp gỡ của hai người và nguồn gốc của quán trà Trân Châu. Bọn họ bên nhau đến già, sau đó cùng đối mặt với sinh lão bệnh tử nên tôi không cho đây là BE mà là kết cục cuối cùng của mỗi một kiểu HE. Nhưng không đứng dưới góc độ của mọi người mà suy nghĩ là do tôi cân nhắc chưa chu toàn, thật sự rất xin lỗi. Hết chương 62.